Tôi mến Đạo vì những ý nghĩ chung về ý niệm Quốc Gia và Dân Tộc. Sự chín chắn về cách suy luận và những cảm nghĩ của Đạo rất gần gũi với tôi, chúng tôi chia sẻ những trăn trở về tình huống của thời cuộc. Tôi xem bài viết của Đạo: "Cách mạng dân tộc dân chủ trong tình hình mới", Đạo cho ý tưởng như: "Lịch sử Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản đến nay là lịch sử của những ngộ nhận, và ngộ nhận lớn nhất là ngộ nhận giữa yêu nước và bán nước. Bắt đầu từ hoàn cảnh cá nhân, tôi hay suy nghĩ về chiến tranh và đất nước. Như một lẽ tự nhiên, tôi cũng kết bạn với những người có ít nhiều thao thức về đất nước. Những đứa không cùng sở thích lần lượt xa dần.
<!>
Từ một nhóm nhỏ thời trung học, sau thêm bạn từ các tỉnh khác khi lên đại học. Chúng tôi thường quây quần nhau ở một quán cà phê bình dân gần chợ Hòa Hưng. Quán không có tên nên chúng tôi đặt tên là Cà phê Lương Sơn Bạc để dễ hẹn hò nhau (ngày đó chúng tôi chưa đủ nhận thức để đặt tên quán là Cà phê Lũng Nhai). Với tôi, bạn bè không những chỉ là những người cùng thao thức, cùng lứa tuổi, mà còn là bóng mát, là gia đình vui buồn riêng của tôi.
Giống như nhiều gia đình sau biến cố 30 tháng 4, 1975, “gia đình” chúng tôi cũng trải qua một giai đoạn đấu tranh nội bộ trầm trọng. Có đứa ủng hộ chính quyền mới một cách nhiệt tình, có đứa miễn cưỡng phải tham gia để tồn tại trong xã hội đang thay đổi, nhưng cũng có đứa chống chế độ một cách quyết liệt. Dù ủng hộ hay chống đối, chúng tôi, những thanh niên nặng về lý luận hơn là hành động, cũng chỉ đấu tranh tư tưởng ở quán cà phê.
Ngày nọ, một người bạn đến nhà chào tôi để ra đi. Sau thời gian học tập chính trị ở trường, anh đã dứt khoát về quan điểm nên có thể sẽ không có thời gian để ghé Lương Sơn Bạc nữa. Anh không đi Mỹ, đi Tây gì nhưng tham gia một công tác khoa học của nhà nước. Anh cho tôi biết, tuy chưa đồng ý với lý luận của Đảng về cách mạng xã hội chủ nghĩa, anh tin cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là đúng. Theo bạn tôi, đất nước không có con đường nào khác. Thái độ tích cực nhất của một người Việt Nam là xây dựng đất nước tốt đẹp hơn. Mọi chống đối chỉ làm cho dân tộc thêm điêu linh, thống khổ."
Trần Việt Hải và Trần Trung Đạo
Đoạn Đạo kể về người bạn mình, như một nhân tố đồng thế hệ: "Bạn tôi là một người yêu nước chân thành. Chúng tôi đã từng ngồi yên lặng như âm thầm mặc niệm những người vừa chết khi nghe những bản tin chiến sự phát ra từ chiếc radio cũ kỹ của tôi. Chúng tôi đã từng san sẻ những ngậm ngùi chua xót mỗi khi nghe giọng hát Khánh Ly cất lên từ chiếc máy cassette nhỏ của bà chủ quán: “Huế Sài Gòn Hà Nội, hai mươi năm sao vẫn còn xa”. Chưa bao giờ hai chữ hòa bình quan trọng hơn thế. Chưa bao giờ hai tiếng thống nhất thiết tha hơn thế. Hai mươi năm, dải đất Việt Nam là những dòng sông máu, những khu rừng xương, những cánh đồng nhầy nhụa da thịt anh em. Phải chấm dứt chiến tranh. Phải có hòa bình. Không có chọn lựa nào khác.
Người bạn lớn hơn tôi vài tuổi nên dù chơi với nhau tôi vẫn gọi anh ta bằng anh chứ không mày tao như với vài người khác. Tôi nhớ là đã nói với anh: “Điều mà Đảng cần nhất ở anh là đồng ý với lý luận của họ về cách mạng dân chủ nhân dân, bởi vì, từ cơ sở đó, sớm hay muộn rồi anh cũng sẽ đồng ý với lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa.” Anh không tranh luận. Anh chỉ ra đi. Anh ra đi như hàng triệu thanh niên miền Bắc đã băng rừng vượt suối ra đi, và cũng giống như hàng trăm trí thức tả khuynh miền Nam ngày đó ra đi. Họ bỏ tổ quốc mà đi nhưng cứ tưởng ra đi vì tổ quốc. Tất cả đã rơi vào chiếc bẫy của Đảng, và miếng mồi đặt trên chiếc bẫy không gì khác hơn là lòng yêu nước, khát vọng hòa bình và giấc mơ đoàn viên dân tộc. Tôi thông cảm với anh cũng như sau này thông cảm với Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc và nhiều người khác. Nhận thức và quan điểm của một người bao giờ cũng mang tính lịch sử, bị quy định bởi các yếu tố chủ quan cũng như khách quan của hoàn cảnh xã hội. Sài Gòn ngày đó như sắp tận thế. Đời sống con người bị khép kín trong một phòng tối khổng lồ, một căn hầm sâu không lối thoát. Tiếng nói duy nhất vọng lên là tiếng nói của Đảng. Cánh cửa duy nhất được phép mở ra là cánh cửa của Đảng."
Biến cố 30 tháng 4 đã tạo ra bao tan thương cho dân tộc Việt Nam, người người trôi dạt bốn phương, những người hiện diện đồng thế hệ như Phan Đình Mình ôm micro miệt mài chồng người CSVN qua phương thức truyền thông của anh, như qua chương trình truyền thông "Từ Cánh Đồng Mây" hơn 13 năm qua, rồi Nguyễn Hưng Quốc, Trần Trung Đạo đấu trang bằng ngòi bút, bằng chữ nghĩa,... Đạo viết tiếp: "Ngồi trong thư viện của một đại học Mỹ để ca ngợi dân chủ, phê phán độc tài là chuyện dễ dàng, ai viết cũng hay, ai nói cũng hợp tình hợp lý, nhưng sống tại Việt Nam sau 30 tháng 4, suốt 24 giờ một ngày bị xoáy tròn trong một bộ máy tuyên truyền tinh vi nhất thế giới với các phương tiện lừa dối, cám dỗ, đe dọa, việc giữ được niềm tin vào một ngày tia sáng dân chủ sẽ rọi vào địa ngục trần gian Việt Nam là cả một thách thức vô cùng to lớn. Nội dung của cuộc cách mạng Đảng gọi là “dân tộc dân chủ nhân dân” gồm “đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đạp đổ ngụy quyền miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mở đường cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Còn cách mạng xã hội chủ nghĩa là gì người dân không cần phải quan tâm hay đồng ý. Đó là chuyện của nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam."
Trong bài khác, "Tương Lai Bắt Đầu từ Quá Khứ", bài viết vào năm 2007, tôi dùng tham khảo về tư tưởng của Đạo và sự suy luận logic, khúc chiết của anh, "Trong bài trước tôi có viết “không một người Việt Nam có lương tâm nào mà không khỏi đau lòng khi nhìn lại đất nước sau 32 năm chấm dứt chiến tranh nhưng lòng người vẫn còn ngăn cách, anh em nhìn nhau thù hằn xa lạ”. Có người cho đó là một nhận xét chủ quan, một lập luận thiếu khoa học, thiếu dẫn chứng. Thưa không, tôi không trích dẫn chỉ vì đó là một thực tế quá hiển nhiên mà từ những chuyên viên kinh tế quốc tế, những người phê bình các chính sách của Đảng trong và ngoài nước, cho đến những người giữ trách nhiệm kinh tế chính trị quan trọng trong hệ thống lãnh đạo cũng đã nhiều lần đồng ý như thế. Nhận xét giống nhau thì rất nhiều, nhưng tôi chỉ giới thiệu vài ý kiến có tính cách tiêu biểu của những người đại diện cho Đảng, nhà nước và quốc hội Việt Nam. Về phía Đảng, trong hội nghị tổng kết diễn đàn thảo luận “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ” tôi trích dẫn trong bài trước, ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng bộ Thương mại, thay vì vặn hỏi ông Nguyễn Trí Dũng đào ở đâu ra nhận xét thiếu khách quan, thiếu khoa học, thiếu dữ kiên khi cho rằng “người Việt đang bỏ lỡ một nguồn nhân tài đáng quý là 3 triệu kiều bào sống khắp nơi trên thế giới, mà nguồn thu nhập của họ ngang ngửa với tổng số GDP của cả nước", đành hứa hẹn với ông Dũng rằng sau “Đại hội Đảng lần thứ X, thì những chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người VN ở nước ngoài sẽ được triển khai một cách hiệu quả.”. Câu trả lời của ông bộ trưởng thương mại và cũng là một ủy viên trung ương Đảng, là một cách thừa nhận rằng chính sách của Đảng 32 năm qua là một chuỗi dài của những sai lầm nghiêm trọng...".
Người CSVN sai lầm nhiều, sai lầm nghiêm trọng,... và không sai lầm sẽ không còn là CS nữa. Chuỗi hệ thống người CSVN dưa vào thuờ ban sơ đã sai lầm từ căn nguyên của nó như những Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm hay Mậu Thân Mùa Xuân 1968,... rồi sang sai lầm qua các vụ Nhũng Lạm Vinashin, Hội Nghị Thành Đô, Bauxite Tây Nguyên,... Đạo suy nghĩ: "Giới lãnh đạo Đảng đã đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi dân tộc. Với họ, độc quyền lãnh đạo là ưu tiên tối thượng, và tất cả chính sách, dù đổi mới kinh tế hay cải cách văn hóa xã hội, đều nhằm phục vụ cho quyền cai trị hay ít ra không đi ngược với quyền lợi của Đảng. Họ thà để cho đất nước lạc hậu hay tiến chậm còn hơn thực hiện các cải cách chính trị căn bản có thể đe dọa cho quyền lãnh đạo của họ. Đảng chăn dân như chăn một bày cừu, cho ăn tạm đủ no, cho uống bớt khát, nhưng đàn cừu tội nghiệp kia 32 năm qua vẫn chưa thấy một thảo nguyên xanh tươi hay một dòng suối mát. Sống như thế không phải là sống trong “yên vui hưởng phúc thái bình” và “ổn định” như một vài người nhắm mắt bưng tai biện minh cho Đảng. Kết luận như thế là khinh thường nhận thức chính trị của người dân Việt Nam. Người dân trong nước không có điều kiện thực thi nhân quyền và dân chủ chứ không phải họ không hiểu thế nào là nhân quyền và dân chủ. Không phải đợi đọc xong Jean-Jacques Rousseau, Alexis Tocqueville, John Locke, John Stuart Mill mới hiểu rằng con người có quyền phát biểu những gì họ nghĩ, có quyền sống nơi họ chọn lựa, có quyền bầu ra người đại diện cho mình trong chính phủ và quốc hội. Nhân quyền là quyền bẩm sinh của con người chứ không phải do ai ban phát. Việc cho rằng người dân trong nước đang “yên vui hưởng phúc thái bình” là lặp lại giọng điệu tuyên truyền của cha con Kim Nhật Thành lừa dối người dân Bắc Hàn rằng họ đang sống trong thiên đường trên mặt đất chứ không phải địa ngục giữa trần gian. Một dân tộc bốn ngàn năm không ngừng tranh đấu nhưng cho đến hôm nay, ngoại trừ một thời gian ngắn ở miền Nam, đại bộ phận dân tộc vẫn chưa có được những quyền tự do chính trị căn bản mà các bộ lạc ở Ghana, Congo đang có. Một dân tộc như thế đang “hưởng phúc” hay đang cắn răng chịu đựng thiệt thòi?
Đó là nói về nhận thức, còn trong thực tế thì sao? 32 năm qua nhân dân Việt Nam có thật sự “yên vui hưởng phúc thái bình” không? Đánh tư sản mại bản chưa xong là cải tạo công thương nghiệp, rồi kinh tế mới, trại tập trung cải tạo, chiến tranh Kampuchia 1979, chiến tranh với Trung Quốc lần thứ nhất 1979, nạn đói từ 1976 đến 1981, đụng độ với Trung Quốc lần nữa và mất một phần lãnh thổ phía Bắc trong trận Lão Sơn 1984, bị hải quân Trung Quốc đánh bại tại Trường Sa 1988. Có một thời cây kim đồng hồ tại Việt Nam như đứng lại, dân tộc Việt như một đàn chim bay tán loạn bốn phương trời. Và khi nội lực tiêu tan, khả năng kiệt quệ, cố mở mắt nhìn ra bên ngoài thì than ôi nhân loại đã bỏ xa mình hàng thế kỷ. Một nước 83 triệu dân nhưng quân đội chỉ được trang bị bằng võ khí còn lại từ thời Liên-Xô chưa tan rã, một ít Mig-21 không phụ tùng thay thế, vài chục chiếc trực thăng và dăm chiếc hải thuyền không đủ khả năng bảo vệ ngư dân thì làm sao bảo vệ đất nước khi một biến cố quân sự trong vùng Đông Nam Á xảy ra? Giang sơn gấm vóc nhuộm bằng mồ hôi nước mắt của tổ tiên, từ biên giới phía Bắc đến các hải đảo thân yêu, đang từng mảnh rơi vào tay Trung Quốc. Sở dĩ đến hôm nay Việt Nam còn giữ được vài đảo trong quần đảo Trường Sa bởi vì cuộc tranh chấp chủ quyền của quần đảo liên quan đến nhiều nước, nếu đó chỉ là cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam thôi thì Trường Sa đã mất lâu rồi. Làm người Việt Nam mà không biết cái nhục yếu hèn, không lo cái họa mất nước, mà còn gọi đó là “hái bình” và “ổn định” sao?
Với chủ trương bảo vệ quyền cai trị bằng mọi giá nên mặc dù ngoài miệng hô hào hòa giải để cùng nhau xây dựng đất nước, trong tư duy của giới lãnh đạo Đảng, khối người Việt nước ngoài vẫn là những kẻ đáng nghi ngờ, vẫn là lực lượng phản động đang chờ cơ hội lật đổ quyền lãnh đạo của Đảng. Chuyến đi Mỹ của ông Phan Văn Khải, trong đó ông đã không đến California là một bằng chứng....".
Trong bài viết khi tôi nhận xét về tác phầm Chính Luận của Trần Trung Đạo, tôi có sự đồng thuận với anh trong ý nghĩ: "Con đường duy nhất để đạt đến một tương lai tự do, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng là con đường dân tộc và cũng chỉ có một Việt Nam tự do, dân chủ,...". Vâng, Kinh thánh ngôn ngữ La tinh đề cập về những lý lẽ công bằng là: "Hãy trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar, và cũng như hãy trả lại cho Thượng đế những gì thuộc về Thượng đế", "Apud Lucam Bible: "Reddite quae sunt Caesaris Caesari et quae sunt Dei Deo gratias.", (Pháp ngữ, Saint Luc dit dans la Bible: "Rendez à César ce qui appartient à César, et à Dieu ce qui appartient à Dieu.").
Cứu cánh miên viễn đúng là người CSVN phải hiểu rằng hãy trả lại cho Dân tộc Việt Nam những gì thuộc về Dân tộc Việt Nam. Những dòng cuối khi đọc Đạo ngày hôm nay:
"Lãnh đạo Đảng đã, đang và chắc sẽ làm tất cả những gì họ có thể làm để ngăn cản các cuộc biểu tình dù ôn hoà và bất bạo động của tuổi trẻ Việt Nam. Tuần trước họ ra chỉ thị cấm biểu tình, tuần này họ chụp mũ các em chống phá trật tự xã hội, tuần sau họ sẽ đem xe chữa lửa đến đàn áp và tuần sau nữa có thể trục xuất khỏi trường, bắt giam, kết án, tù đày. Tuy nhiên, lịch sử đã nhiều lần chứng minh, khi một chế độ chỉ còn trông cậy vào các phương tiện bạo lực trấn áp để tồn tại, chỉ còn biết sử dụng bộ máy công an kềm kệp để duy trì quyền cai trị, ngày tàn của chế độ đó chỉ là vấn đề thời gian. Hành động tuyệt vọng của Nicolae Ceausescu khi ra lệnh công an bắn vào cuộc biểu tình của nhân dân Rumania sáng ngày 17 tháng 12 năm 1989 chỉ để dẫn đến bản án tử hình dành cho vợ chồng ông ta một tuần sau đó. Lãnh tụ cộng sản Slobodan Milosevic một thời là tổng thống Serbia đầy quyền lực nắm trọn quyền sinh sát trong tay, cuối cùng cũng phải chết trong tù. Erich Honecker hung thần Đông Đức, Idi Amin đao thủ phủ của Uganda hay Mobuto bạo chúa của Congo đều đã gởi tấm thân tàn trên đất khách, để lại tiếng xấu muôn đời. Nếu giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam còn nghĩ đến tương lai của chính họ và còn biết lo cho tương lai của đất nước, họ phải chọn đứng về phía dân tộc.
Con đường duy nhất để đạt đến một tương lai tự do, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng là con đường dân tộc và cũng chỉ có một Việt Nam tự do, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng thì các thế hệ Việt Nam mai sau mới có cơ may giành lại được Hoàng Sa và Trường Sa."
Việt Hải Los Angeles
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét