Tự nhiên tôi thấy lòng ấm lại. Sàigòn từ tâm, Sàigòn bao dung. Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sàigòn từ thưở bào thai rồi, cần gì xin nhập tịch.
Sàigòn trẻ măng, mới chừng hơn 300 tuổi tính từ thời Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền ở đây.
Sàigòn khi cắt ra khi nhập vào, to nhỏ tùy lúc. To nhất có lẽ khi nó là huyện Tân Bình, kéo dài đến tận vùng Biên Hòa. Nhỏ nhất là vào thời Pháp mang tên Sàigòn.
Ngay trước 1975, Saigòn rộng chừng 70 km2, có 11 quận, từ số 1 đến 11.
Hồi đó Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức,.. còn được xem là nhà quê (tỉnh Gia Định).
Bây giờ Sàigòn rộng tới 2.000 km2.
Sàigòn đắc địa, có cảng nối biển, là đầu mối giao thương quốc tế, tiếp cận với văn minh Tây phương sớm.
Đất lành chim đậu.
Người miền Nam đổ về nhiều.
Dân Sàigòn không có địa giới rõ rệt. Nói tới họ có vẻ như là nói tới phong cách của dân miền Nam.
Họ là những lưu dân, khai phá, hành trang không có bờ rào lũy tre nên tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, nói năng bộc trực… Ai thành đại gia thì cứ là đại gia, ai bán hàng rong thì cứ bán.
Sàigòn không tự hào mình là người thanh lịch, không khách sáo, không mời lơi.
Họ lấy bụng thiệt mà đãi nhau.
Sàigòn có mua bán chém chặt? Có, đúng hơn là nói thách.
Cứ vô chợ Bến Thành xem mấy bà bán mỹ phẩm, hột xoàn hét giá mát trời ông Địa luôn. Đối tượng nói thách của họ là khách hàng, chứ không cứ gặp khách tỉnh mới nói thách. Dân Sàigòn lơ mơ cũng mua hớ như thường. Thuận mua vừa bán mà.
Ít nơi nào nhiều hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương như ở Sàigòn. Dân tứ xứ về đây lập nghiệp nhiều. Có máu lưu dân trong người, dân Sàigòn thông cảm đón nhận hết, không ganh tị, không thắc mắc, không kỳ thị.
Người ta kỳ thị Sàigòn, chứ Sàigòn chẳng kỳ thị ai.
Nhiều gia đình người Bắc người Trung ngại dâu ngại rể Sàigòn, chứ dân Sàigòn chấp hết, miễn sao ăn ở biết phải quấy là được
Dân Sàigòn làm giàu bằng năng lực hơn là quyền lực. Người ta nói :
“dân chơi Sàigòn”.
Trời đất! Sàigòn mà “tay chơi” cái nỗi gì.
Tay chơi dành cho những đại gia mới giàu lên đột xuất từ đâu đó đến.
Đổi đời, Sàigòn biết sợ. Sàigòn a dua thì có, nhưng a dua biết chọn lọc. Coi vậy chứ dân Sàigòn đâu đó còn chút máu :
“ kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”.
Cứ xem dân Sàigòn làm công tác xã hội thì biết, cứu trợ lũ lụt thấy người ta lạnh quá, cởi áo len đang mặc trên người tặng luôn. Họ làm vì cái bụng nó thế, chứ không phải vì PR, đánh bóng bộ mặt.
Biết bao văn nghệ sĩ miền Bắc, miền Trung vào đất Sàigòn này “quậy” tưng, tạo ra cái gọi là văn học miền Nam hậu 54 coi cũng được quá chứ?
Nhạc sĩ Lam Phương, quê Rạch Giá, 10 tuổi đã lưu lạc lên Sàigòn kiếm sống. Năm 17 tuổi nổi danh với bản “Kiếp nghèo” và khá giả từ đó.
( Sưu tầm )
Thân mến
TQĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét