Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

Người vợ Ukraine 20 năm chăm chồng Việt đột quỵ: Nơi nào có gia đình, nơi đó là nhà, là quê hương! - Cafef.vn


Cứ nhắc tới người thân, gương mặt Svetlana lại rạng rỡ thêm vài phần. Bà vui vẻ khoe rằng có năm hai vợ chồng bà đã được chính quyền trao tặng bằng khen gia đình mẫu mực nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Bà nghĩ đây là một ngày lễ vô cùng tốt đẹp. Trong không gian rộng khoảng 15m2 mang đậm phong cách Liên Xô giữa lòng Hà Nội, Svetlana Nguyễn niềm nở đón tiếp các vị khách bằng tiếng Ukraine pha chút tiếng Việt bập bẹ. Chiều Chủ nhật nắng như đổ lửa, nhưng nhà hàng nhỏ của bà vẫn tấp nập kẻ vào người ra, thưởng thức những món ăn thuần Nga.
<!>
Nhìn nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người phụ nữ 55 tuổi này, không ai ngờ rằng bà đã trải qua gần 20 năm vất vả một thân một mình chăm chồng đột quỵ ở nơi đất khách quê người.
Bán cả nhà lẫn xe để về Việt Nam chăm chồng ốm đau

Svetlana Nguyễn và chồng mình – ông Nguyễn Văn Thắng – gặp nhau lần đầu vào năm 1987, tại Cục hải quan thành phố Kiev (Ukraine). Khi ấy, bà đang làm việc cho bên vận chuyển logistics, còn ông Thắng đến để gửi hàng về Việt Nam.

Sự thông minh, hoạt bát và tốt bụng của chàng trai người Việt đã nhanh chóng chinh phục trái tim của cô gái trẻ người Ukraine. Dù biết Svetlana đã có một đời chồng và con riêng, ông Thắng vẫn quyết tâm chăm sóc và theo đuổi bà bằng được.

Ảnh cưới của ông Thắng và bà Svetlana (Ảnh: NVCC)

Sau khi vượt qua không ít thách thức, cả hai đã kết thúc chuyện tình bằng một đám cưới ngọt ngào vào năm 1990. Ông Thắng quyết định ở lại Ukraine sinh sống cùng vợ sau khi học xong, thay vì về nước như dự định ban đầu.

Một năm sau đó, đôi vợ chồng này sinh đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Suzana. Năm 2000, người con trai út ra đời. Khi ấy, ông Thắng cảm thấy vô cùng áp lực vì công việc ở Ukraine không ổn định mà họ còn phải nuôi nấng 3 con nhỏ. Sau khi bàn bạc, ông đưa con gái 9 tuổi về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội làm ăn, còn bà Svetlana sẽ ở tạm Kiev để chăm hai đứa trẻ còn lại.

Sống ở Việt Nam một thời gian, việc kinh doanh ngày một khó khăn, còn sức khỏe của ông Thắng cứ dần dần suy yếu. Căn bệnh cao huyết áp khiến ông không thể đi máy bay sang Kiev thăm vợ con. Ngay lập tức, Svetlana mang theo hai con sang Việt Nam đoàn tụ và giúp đỡ chồng.

"Lúc ấy, lòng kiêu hãnh của anh ấy rất cao. Anh luôn nghĩ sau một thời gian sức khỏe của mình sẽ đỡ hơn, mọi thứ sẽ trở lại bình thường, nhưng tình hình thì ngược lại", bà kể.

Gia đình nhỏ của cặp đôi Việt - Ukraine (Ảnh: NVCC)

Năm 2002, Svetlana quay về Ukraine để bán rẻ nhà cửa và ô tô để gom tiền về chăm chồng. Kể từ đó đến nay, người phụ nữ này chưa từng có dịp trở về quê hương lần nào nữa.

Được nhà chồng cho căn hộ ở phố Ngọc Khánh, Svetlana dùng một nửa diện tích làm chỗ bán nước. Khi ấy, cửa hàng chỉ là một cái sân nhỏ, chẳng có mái hay bất cứ thứ gì khác.

Năm 2005, cuộc sống của gia đình đang khấm khá dần thì biến cố xảy đến.

"Khi chúng tôi bắt đầu có thu nhập ổn định thì chồng tôi đột nhiên bị đột quỵ rất nặng", người phụ nữ Ukraine buồn bã nhớ lại.
"Người ta gặp khó khăn, mình bỏ đi thì sao gọi là tình yêu được?"

Đưa chồng tới bệnh viện, Svetlana nhận được tin sét đánh ngang tai. Các bác sĩ thông báo rằng ông Thắng đã vĩnh viễn mất khả năng đi lại, sẽ phải nằm một chỗ cả đời.

Người phụ nữ này bàng hoàng, nhưng không hề đánh mất hy vọng. Bà tin rằng chỉ cần được chăm sóc tốt, chồng mình sẽ có thể hồi phục như trước. Bằng tình yêu vô bờ bến và sự hỗ trợ tận tình của vợ, ông Thắng bắt đầu nói chuyện được lại, thậm chí còn ra ngoài chơi với bạn bè.

Tuy nhiên, khả năng lao động của ông hoàn toàn không còn nữa. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ dồn lên vai của Svetlana và 3 người con. Chẳng đủ tiền thuê nhân viên, họ phải gồng mình làm việc cật lực mỗi ngày.

"Khổ thân nhất là đứa con thứ hai của chúng tôi – Suzana", bà ngậm ngùi nói. "Con bé là nữ, mà ở tuổi đấy, nó cũng rất muốn được đi chơi hoặc giao du với các bạn gái khác. Thế nhưng, con bé lại phải làm việc vào buổi tối, giúp đỡ tôi bán hàng sau những giờ học ở trên trường".

Bà Svetlana và con gái Suzana (Ảnh: NVCC)

Vất vả là thế nhưng số phận khắc nghiệt dường như chẳng chịu buông tha cho nàng dâu người Ukraine. Suốt 20 năm qua, chồng bà ở viện có khi còn nhiều hơn ở nhà, trải qua không ít khoảnh khắc cận kề sinh tử, thậm chí bị đột quỵ tới 4 lần.

Lần gần nhất là vào tháng 2/2021, ông Thắng phải nhập viện vì đường huyết cao, chưa được bao lâu thì tiếp tục bị tai biến, phải nằm ở khoa cấp cứu suốt 1 tháng. Liệt giường đã lâu ngày, cộng thêm với việc người nhà không được vào chăm vì dịch Covid-19, ông bị viêm loét lưng, có nguy cơ bị nhiễm trùng máu.

Cả gia đình phải tất tả ngược xuôi lo chuyển từ viện này sang viện khác để chữa trị từng vết thương cho ông Thắng. Ông không thể tự ăn mà phải truyền dịch, chỉ cử động một chút ở tay trái và chân trái, nên lúc nào cũng cần có người chăm sóc 24/7.

Dù chẳng nói năng được gì, người đàn ông 57 tuổi này vẫn cố gắng thể hiện tình yêu thầm kín của mình dành cho vợ.

"Sau khi hết giãn cách xã hội, tôi vào viện đúng lúc anh ấy đi chụp X-quang. Anh dùng bàn tay không bị liệt của mình để nắm chặt lấy tay tôi, như thể muốn nói: Hãy ở đây và đừng đi đâu cả. Làm ơn đừng bỏ lại anh", bà Svetlana nghẹn ngào kể, chốc chốc lại dừng để lau vội những giọt lệ rưng rưng nơi khóe mắt.

Vừa lo kinh tế gia đình, vừa chăm nom chồng ốm đau hàng chục năm trời, có những lúc Svetlana cảm thấy tuyệt vọng đến mức muốn hét lên thật lớn. Thế nhưng, hai chữ "bỏ cuộc" chưa từng lướt qua trong suy nghĩ của người phụ nữ này.

Bà Svetlana bất giác rơi nước mắt mỗi khi kể về bệnh tình của chồng

"Làm sao có thể bỏ rơi một người đang gặp hoạn nạn được", bà nói. "Khi yêu một ai đấy, đó không chỉ là tình yêu lúc người ta khỏe mạnh và vui vẻ. Nếu người ta gặp khó khăn mà mình bỏ đi thì sao gọi đó là tình yêu được?"

"Tôi không cho phép bản thân được buồn khi ở bên chồng", bà khẳng định. "Tôi sẵn sàng chiến đấu đến cùng vì sự sống của anh ấy".
Những món ăn thuần Nga nuôi gia đình suốt 20 năm

Nhờ có quán cà phê nhỏ được mở năm 2004, Svetlana có thể trang trải phần nào chi phí nằm viện của chồng, cũng như nuôi 3 người con khôn lớn. Ban đầu, quán chỉ bán trà và cà phê. Sau này, khách quen hỏi gợi ý nên bán thêm các món ăn đặc trưng của Nga, bà thử nấu theo, được khen ngợi và dần xây dựng được thực đơn cho riêng mình.

"Đây là một cơ duyên đến khá tự nhiên. Lúc đấy, địa điểm đã có sẵn mà tôi thì lại biết nấu ăn, nên là tại sao không? Tôi cũng rất yêu nấu ăn nữa; mình thích việc gì thì làm việc đấy thôi", bà giải thích.

Một góc nhà hàng của gia đình bà Svetlana

Không như nhiều nhà hàng nước ngoài khác thường hay điều chỉnh để phù hợp khẩu vị với người Việt Nam, Svetlana đặt tiêu chuẩn rất cao cho từng món ăn quê hương mình. Bà vô cùng tự hào khi đem đến cho thực khách hương vị thuần Nga ngay trên chính mảnh đất Việt Nam này.

Trong số đó, Svetlana tâm đắc nhất với món thịt nướng Shashlik, xúp Borscht (xúp củ dền đỏ) và món bánh mì đen. Những món này cũng có mặt trong thực đơn tại chi nhánh Sài Gòn – do con gái Suzana mở cách đây một năm. Con trai cả của bà cũng vào đó phụ giúp em gái, còn con trai út đang du học tại Canada.

Bà Svetlana đứng trước nhà hàng của mình

Dịch Covid-19 khiến quán phải tạm đóng cửa, doanh thu gần như là con số 0. Dù vậy, nhiều người quen vẫn gọi điện đặt hàng món bánh mì đen trứ danh ở đây, giúp Svetlana có đồng ra đồng vào.

Kể từ khi câu chuyện cảm động của hai vợ chồng được chia sẻ trên mạng xã hội, rất đông thực khách đã tìm tới nhà hàng. Họ đến một phần vì muốn hoài niệm không khí Liên Xô cũ, một phần vì muốn ủng hộ Svetlana. Thậm chí, một người bạn ở tận Mông Cổ sau khi biết tin đã gọi điện về và tìm người quen hỗ trợ cho bà.

"Tôi rất cảm động khi có rất nhiều người muốn động viên tôi, từ những người quen biết đến những người không quen biết", bà nói. "Có nơi định quyên góp, nhưng chúng tôi đã từ chối vì nhà không hề nghèo, ai cũng làm việc cả."

Cha mẹ Svetlana mất từ sớm, chỉ còn lại nhà chồng và người chị em gái bên Ukraine thường xuyên gọi điện về hỏi thăm. Bà chưa từng có suy nghĩ sẽ trở về quê hương, bởi lẽ nơi nào có gia đình, nơi đó chính là nhà.

"Tôi là người của gia đình. Tôi sẽ ở nơi có chồng và con tôi", bà cho biết.

Điều Svetlana mong mỏi nhất hiện tại là chồng có thể hồi phục và khỏe mạnh lâu dài. Bà cho biết sẽ sẵn sàng thử mọi cách để cứu người bạn đời của mình. Hàng ngày, người phụ nữ bận bịu từ 5h sáng tới tận 12h đêm để chuẩn bị đồ ăn phục vụ khách. Cứ rảnh phút nào, bà lại tranh thủ vào viện thăm chồng.

"Dù chỉ 5-10 phút tôi cũng sẽ đến bệnh viện", bà chỉ tay vào chiếc xe Dream xanh đã mờ hết nhãn hiệu để đối diện nhà – "chiến hữu" đã cùng mình rong ruổi trên hành trình chăm chồng suốt 20 năm qua.


Chiếc xe đã cùng bà rong ruổi tới các bệnh viện suốt 20 năm qua

Không có nhận xét nào: