Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

Một vài nhận-xét về Thế giới qua cái nhìn của nhà thơ - HƯƠNG NAM

Có người bảo rằng tại-sao tạo-hóa sinh ra quá nhiều vật thừa-thãi như côn-trùng, cây cỏ dại, hoa và bướm...bởi vì không có chúng thì con người cũng không…chết được! _Ta thử hỏi lại nếu trái đất không có “Những vật thừa-thãi đó” thì sẽ như thế nào? Không đứng trên cương-vị của một nhà nghiên-cứu khoa-học mà chỉ thử đứng trên quan-điểm của những người làm thơ, yêu thơ để trả lời câu-hỏi nầy, chắc-chắn chúng ta sẽ có được những lời giải-đáp ý-nhị và vô cùng thú-vị!
<!>
Phải! Đối với nhà thơ bất kỳ cái gì hóa-công gầy dựng đều có những tinh-túy, những ý-nghĩa riêng của nó! Một chút gió, một thoáng hương, một tiếng thở dài, thậm chí một con sâu đang dẫy chết...Cũng là... những bài thơ! Nhưng “thơ” thì như thế nào? Nếu lập lại ý câu nói ở trên: “Không có thơ thì con người vẫn sống được”. Vậy thì “thơ” cũng là một trong “những thứ dư thừa!?” Điều đó có đúng không?

Trên thế-giới nầy quả thật có những thứ mà đôi khi chúng ta tưởng là thừa-thãi vì chúng ta đã quên đi sự hiện-hữu cần-thiết hoặc không nhận ra sự thiếu vắng quan-trọng của nó. Tới chừng đang có mà thật-sự bị mất đi thì chúng ta mới cảm nhận được nỗi thấm-thía tột cùng! Thi-sĩ là những người yêu đời, yêu người... không để chúng ta phải “chờ-đợi” đến khi phải chấp-nhận những hậu-quả phủ-phàng vì họ đã gợi cảm, gợi nhớ, nhắc-nhở...chúng ta biết thưởng-thức “cái chúng ta đang có mà chúng ta không biết!”; cho chúng ta hiểu được cảm-giác của sự mất mát “cái mà chúng ta đang còn”; tạo những cảm-thức mới, biến cải cho tâm-hồn được rộng mở, làm cho xúc-cảm được nhạy bén hơn và tăng cả chiều sâu của ý-thức... nhưng đó là một sự thay đổi dễ chịu vì nó mang tính-chất “thơ” chứ không cứng nhắc như khoa-học, không bài bản như lý-luận học...Tác-động nầy cao hay thấp là do khả-năng của những người đã tạo nên những vần thơ hay, ngay từ cả những thứ tầm-thường nhất trong vũ-trụ! Trong phạm-vi bài viết nầy tôi xin phép không nhắc đến những nhà văn, nhạc-sĩ, hoạ-sĩ, điêu-khắc-gia...đã tô điểm cho đời qua những sáng-tạo tuyệt-tác mà chỉ mạn phép nói về những nhà thơ. Vì “thơ” có thể nói là một cái gì gần gủi, giản-dị mà sâu-sắc và dễ len vào đời sống con người để tạo một ảnh-hưởng lớn-lao...

Vào một ngày hè nắng ấm, tôi đã dạo chơi ở công-viên Golden Gate (Sanfrancisco), đó là một dịp mà tôi đã thưởng-thức được những phong cảnh thiên-nhiên rộng lớn tràn đầy bông hoa, cây lá khắp nơi trên thế-giới nhưng tôi vẫn có cảm-giác thiếu sót một cái gì! Phải chăng đó chính là hương-vị của quê-hương? Chắc là không vì tôi đang tận hưởng khí trời ấm-áp giống như ở Việt-Nam, tôi lại nhìn thấy cả rau dấp-cá được trồng ở công-viên nầy là loại rau rất phổ-biến của quê nhà... Thế thì thiếu là thiếu cái gì? Hình như cỏ cây ở đây sao mà bất động quá! Tôi có thể thấy sự hoạt-động mãnh-liệt của hoa, của lá… bằng kính hiển-vi trong phòng thí-nghiệm sinh-hóa với những tế-bào sống của chúng nhỏ li-ti, chen-chúc hô-hấp dưới năng-lượng của mặt trời, trong khi những dòng sắc-tố đang lưu-chuyển với những hạt lục-lạp tròn xoe di-chuyển một cách sống động và “khôn-ngoan” theo nguồn ánh-sáng! Nhưng ở đây, ngay trong vườn bách-thảo nầy, dưới cặp mắt trần của tôi, tôi cảm thấy hình như thiếu một nét linh-hoạt đặc-biệt vì không-khí sao mà thật tĩnh-lặng dù hoa lá vẫn xinh đẹp, tươi xanh...Có lẽ vì là ngày thường nên ít du-khách chăng?... Tới chừng tôi bước vào một vườn nhà kín lớn với những màng lưới to trên cao tôi mới vỡ lẽ... thì ra sự thiếu sót ở công-viên mà tôi không nghĩ ra được chính là sự thiếu vắng những chú bướm rực-rỡ, chập-chờn sinh-động mà tất-cả đều bị nhốt một cách buồn-bả ở đây! Chúng cũng gần như bất-động vì đa-số đều đậu yên một chỗ, chúng không còn cái vẻ hồn-nhiên bay lượn tung-tăng như là những...bông hoa biết bay ngoài không-gian dù trong phòng nầy cũng có rất nhiều hoa lá tươi mát! Có phải chăng vì bướm cũng thiếu tự-do! Bướm cũng cần thiên-nhiên như thiên-nhiên cần bướm và bướm cũng nhớ người như người đã nhớ bướm? Nhớ những hình ảnh mà bướm đã làm cho cảnh vật, cỏ hoa trở thành có hồn và linh-động! Quả thật tôi đã không nhìn thấy được những cánh bướm đủ màu, đủ loại nhởn-nhơ bay lượn tự-do khắp nơi như ở Việt-Nam từ ngày tôi đến đây ngay cả trong các vườn hoa của đất nước rất là tự-do nầy! Có lẽ là do điều-kiện khí-hậu chăng?

Dù bất cứ lý-do gì sự thiếu vắng của những cánh bướm dễ-thương trong một bầu trời rộng lớn đối với tôi thật là một sự buồn tẻ và hụt hẩng giống như là sự thiếu vắng nếu chúng ta không có chất “thơ” trong đời sống. Phải! Có một ngày tự-nhiên tôi cảm thấy buồn và lòng chợt chùng xuống không biết vì lý-do gì? Tôi chợt nhớ lại hai câu thơ rất giản-dị nhưng diễn-tả thật đúng tâm-trạng của tôi:

Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn?!

Xuân-Diệu

Tôi bỗng bật cười một mình và nỗi sầu vô cớ cũng tan biến đi...Nếu Xuân-Diệu không đệm thêm phía trên một câu “hơi thừa” mà “chẳng có ý-nghĩa gì cả” là cảnh trời thanh “nhẹ lên cao” chắc là cũng sẽ không cảm-xúc được tôi hay bất cứ người nào!

Nhưng cũng không phải là khi nhìn một bầu trời chuyển mưa “nặng mây” mà ông lại không có những vầng thơ trữ tình khác. Bởi vì như tôi đã nhận-định trên, không có gì trên thế-giới nầy là không có thể “nên thơ” đối với thi-sĩ cả. Từ đó, mỗi khi cảm thấy cô-đơn hay có chuyện gì khó nghĩ tôi lại tìm đến thơ như một người bạn tâm-tình! Dĩ-nhiên tôi cũng có một sự chọn lựa đối với thơ, đối với từng thi-sĩ. Tôi chỉ thích những bài thơ khi đọc lên gây được những rung động thành-thực mà thâm-trầm, tạo những cảm-xúc nhẹ-nhàng hoặc mạnh-mẽ mà tuyệt-diệu, có thể nâng tâm-hồn người thưởng-thức lên cao!...Có nhiều nhà thơ đã tạo nên những khung cảnh thật đẹp và thơ-mộng từ những cảnh tượng thiên-nhiên đôi khi rất là tẻ ngắt mà dưới một cặp mắt bình thường thật chẳng có gì đáng nói:

Ao thu lạnh-lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẻ đưa vèo...

Nguyễn Khuyến

Nếu cảnh mùa thu của Nguyễn Khuyến mà thiếu một chiếc thuyền câu, hay một làn sóng biếc, hoặc một chiếc lá vàng... thì chắc chắn bài thơ nầy không thể lưu-danh hậu-thế được!

Cũng là mùa thu, dù là mùa thu “không biết nói” nhưng nhà thơ Lưu-Trọng-Lư Đã có một cảm-giác khác lạ hơn là đã nghe được âm-thanh của mùa thu qua tiếng rơi của lá, tiếng bước chân của chú nai vàng qua đoạn thơ thật trữ tình sau:

Em có nghe mùa thu?
Lá thu rơi xào xạc,
Con nai vàng ngơ-ngác,
Đạp trên lá vàng khô...

Bằng ngọn bút “thần-kỳ”, nhà thơ cũng có thể “biến” một cơn nắng thiêu đốt trở thành mát dịu:

Nắng Sài-Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà-Đông...

Nguyên-Sa

Chỉ cần hai câu thơ ngắn ngủi, nhưng không thể thiếu tức là phải có đủ các sự vật cần-thiết (địa-điểm, người, áo, thời-tiết, cảm-giác) nhà thơ đã nói lên được tình-cảm nồng-nàn của mình, tả được cái nóng của thủ-đô thân-thương, cái đẹp của người yêu và của cả chiếc áo!...


Bị người yêu lỗi hẹn, nhà thơ vẫn coi như đó là một ước muốn, một sự cần-thiết để tạo nên một thi-vị, một niềm an-ủi lớn cho những tình-yêu đậm-đà, chân-thật nhưng thường vẫn hay dở-dang hoặc cho “leo cây”:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!...

Hồ-Dzếnh

Có những bài thơ tuyệt-tác từ xa xưa vẫn mãi được truyền-tụng và còn có một tác- động ngoại-giao quốc-tế như bài thơ của Trạng-nguyên Mạc-Đỉnh-Chi, người loắt-choắt, xấu-xí nhưng lúc đi sứ sang Tàu đã ứng-khẩu đọc một bài thơ quá hay, quá đẹp để phúng-điếu cô công-chúa vừa mất đi của một vị vua thời Minh đã làm cho cả triều thần phải thán-phục:

Thanh-thiên nhất đóa vân
Hồng-lô nhất điểm tuyết
Thượng-uyển nhất chi hoa
Giao-trì nhất phiến nguyệt

Y! Vân tán! Tuyết tiêu! Hoa tàn! Nguyệt khuyết!

Tạm dịch là: Cô công-chúa như một đám mây trên trời xanh, một chấm tuyết rơi trên lò lửa hồng, một đoá hoa đẹp trong vườn hoa nhà vua, một mảnh trăng in trên mặt hồ. Thế mà than ôi! Mây đã biến, tuyết đã tan, hoa đã tàn và trăng đã khuyết!

Nhiều nhà thơ của Trung-hoa cũng đã mang từ ngoại cảnh những chất liệu ngọt-ngào truyền cảm vào thơ để tạo nên những vầng thơ bất hủ trên thế-giới mà lại rất gần gủi với tâm-hồn Á-Đông chúng ta:

Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Thôi-Hiệu

Mặt người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông. (Trần Trọng Kim dịch)

Trên thế-giới những nhà thơ trứ-danh ở Tây-Âu, cũng thường cho ta thấy những tư-tưởng độc-đáo qua cái nhìn khác lạ đối với sự vật:

Objects inanimés avez Vous donc une âme
Qui s'attache à nôtre âme et la force d'aime?

Lamartine (nhà thơ Pháp)

Tạm dịch là:
Hỡi những vật vô tri vô giác, các ngươi có linh hồn hay không
Mà quyến luyến lấy linh hồn ta và giục ta đến phải yêu đương...

Đối với tình-yêu thì mọi vật đôi khi không còn ý-nghĩa gì cả như một nhà thơ của Mexico đã diễn-tả tình-yêu là một sự cho lẫn nhau không giới-hạn, không điều-kiện và không có thời-gian:

Amor

Es entrega y posecion sin limite
Sin condition ni tiempo

Lupita

R.Blanco Fombona lại có cái nhìn khác về thơ đối với cuộc đời:

“Bài thơ hay nhất là bài thơ của đời sống”

C.F. Ramuz thì có một cái nhìn riêng của ông nhưng tổng-quát về thơ như sau:

“Thơ không ở trong tư-tưởng, không ở trong sự vật, cũng không ở trong những tiếng; nó không là triết-lý, miêu-tả, cũng không là sự hùng-biện: nó là sự biến-hóa “.

Nhưng thơ cũng đã tạo nên những năng-lực mãnh-liệt, tiềm-tàng... Gần đây nhất, thơ đã giúp cho biết bao người chịu đựng được, còn sống được qua những cơn đói lạnh khủng-khiếp với những nỗi đau-đớn, đày-đọa cả tinh-thần lẫn thể-chất trong tháng năm dài thống-khổ ở các trại tù...(Có những người bị tù đã từng tâm-sự là nếu không nhờ “thơ” thì họ đã chết từ lâu rồi!). Nhiều nhà thơ từ chốn lao tù đã nổi danh và những bài thơ tuyệt-tác đã xuất-hiện, dưới đây là đoạn đầu bài thơ “Tàu đêm” của Tô-Thùy-Yên:

Tàu đi lúc đó đêm vừa mỏi
Lúc đó sao trời đã ngủ mê
Tàu rú. Sao ơi hãy thức dậy
Long-lanh muôn mặt tiễn tàu đi...

Đối với Tô-Thùy-Yên, đêm cũng biết mỏi mệt và sao cũng bị mê thiếp như con người bị đưa đi đày-ải! Nhà thơ chỉ phải biết kêu gọi sự chứng-kiến của sao đêm vào lúc ly-biệt như là một nỗi-niềm uẩn-ức trong khi bao người thân chung-quanh bị che dấu về cuộc đi thầm lặng và bi-thiết trên chuyến tàu định-mệnh của những người tù...

Bài thơ sau đây tuy ngắn gọn nhưng diễn-tả thật trọn-vẹn tình-yêu sâu-đậm của một người vợ thời-đại nhưng có tấm lòng chung-thuỷ thắm-thiết không khác gì truyền-thống của người đàn bà Việt-Nam xa xưa đối với người chồng bị lưu đày không biết ngày về, đã được truyền tụng âm-thầm nhưng làm rúng động biết bao trái tim của những người chiến-sĩ trong trại tù:

Nếu phải chờ nhau mà hoá đá
Thì em cũng thử một lần xem
Chỉ sợ thân em thành cát bụi
Ngàn năm không gặp dấu chân quen.

Bích-Hà

Qua những sự vật chung quanh: đá, cát bụi, dấu chân...dù rất tầm thường nhưng tác-giả đã diễn-tả nên một tâm tình thật cao-đẹp!


Trên đây chỉ là một vài tiêu-biểu “nho nhỏ” về thơ, về thế-giới qua ánh mắt của nhà thơ... nhưng cũng đủ phần nào cho chúng ta ngẫm-nghĩ về giá-trị của thơ, về những “cái gọi là dư thừa” trên thế-gian! Thật vậy, với cái nhìn của một nhà thơ chân-chính, tài-hoa...Tất cả mọi sự vật trên mặt đất nầy đều có những tính-cách, những phẩm-chất đặc-biệt... Từ đó họ đã đưa vào thơ, làm cho thế-giới nầy được nhìn bằng nhiều cách dưới nhiều góc cạnh khác nhau! Vũ-trụ đã trở nên phong-phú hơn, muôn màu muôn vẻ hơn, như là những cầu vòng không phải chỉ được tạo nên từ bảy màu căn-bản... Nếu một bức tranh hay một bức tượng tuyệt đẹp_cũng sẽ có những đường nét, những hình ảnh giới-hạn và dù với một nghệ-thuật pha màu tinh-xảo cũng chỉ có được một số lượng màu_có thể đập ngay vào mắt người xem...thì những bài thơ tuyệt-vời, đầy ý-nghĩa của thế-giới bên ngoài sẽ không giới-hạn, không dư thừa mà sẽ từ từ…không những gợi cảm âm-thầm mà còn có thể đi sâu vào tri-thức người đọc để ngẫm-nghĩ, để tỏa rộng vào tận cùng của thế-giới tâm-linh bên trong, cái phần cao-cấp nhất của con người mà khó ai nhìn thấy được, nhưng có ảnh-hưởng rộng lớn đến toàn bộ đời sống bên ngoài và cả bên trong của mỗi con người!...

Hương Nam

Không có nhận xét nào: