Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

Lê Thương (Phạm Anh Dũng) - trường ca Hòn Vọng Phu

      Chi tiết về cuộc đời của nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996) ít thấy được nhắc đến, ít người biết rõ. Có thể ông có bản tính ít phô trương và sống cuộc đời giản dị. Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh năm 1914 tại Nam Định. Cũng có một bài viết cho nơi sinh của ông là Hà Nội.    Theo tập sách Hồi Ký Phạm Duy, Lê Thương là một thầy tu nhà dòng hoàn tục.    Lê Thương tuy là nhạc sĩ có hạng, nhưng nghề nghiệp chính lại là nghề dậy học. Ông là giáo sư Sử Địa, có một thời gian giảng dạy cho học sinh tại một số trường trung học tư ở Sài Gòn. Ông cũng có lúc làm công chức ở Trung Tâm Học Liệu, bộ Quốc Gia Giáo Dục.

<!>

     Nhạc sĩ Lê Thương mất năm 1996 tại Việt Nam.
     Lê Thương là một trong những người tiên phong viết tân nhạc Việt Nam.
     Tân nhạc Việt Nam bắt đầu khoảng năm 1938. Lúc đó, những bản tân nhạc Việt Nam đầu tiên có lẽ là những bản như Tâm Hồn Anh Tìm Em của Dương Thiệu Tước, Bông Cúc Vàng và Kiếp Hoa thơ Nguyễn Văn Cổn và nhạc Nguyễn Văn Tuyên, Bình Minh thơ Thế Lữ và nhạc Nguyễn Xuân Khoát, Khúc Yêu Đương của Thẩm Oánh, Đám Mây Hàng của Phạm Đăng Hinh, Đường Trường của Trần Quang Ngọc, Bản Đàn Xuân của Lê Thương...
     Ngoài Bản Đàn Xuân, thời đó nhạc sĩ Lê Thương còn ở miền Bắc Việt, sau đã có phổ biến thêm những tác phẩm khác như Tiếng Đàn Đêm Khuya, Một Ngày Xanh, Trên Sông Dương Tử, Thu Trên Đảo Kinh Châu...
     Nhạc sĩ Lê Thương viết nhiều loại nhạc khác nhau.
    Năm 1941, Lê Thương vào miền Nam định cư. Thời điểm đó, ông có sáng tác những bản nhạc phổ thơ như Lời Kỹ Nữ (thơ Xuân Diệu), Lời Vũ Nữ (thơ Nguyễn Hoàng Tư), Bông Hoa Rừng (thơ Thế Lữ), Tiếng Thùy Dương (tức Ngậm Ngùi thơ Huy Cận) và Tiếng Thu (thơ Lưu Trọng Lư). Hai bài Ngậm Ngùi và Tiếng Thu  cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc sau này.
     Lê Thương là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết nhạc hài hước với những bản Hoà Bình 48, Liên Hiệp Quốc, Làng Báo Sài Gòn... Những bản này do nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình diễn nhiều lần vào những của thập niên 1940.
     Một bản nhạc ông sáng tác được hát nhiều trong thời kháng chiến chống Pháp là Bà Mẹ Việt Nam, chuyện một bà mẹ có bốn đứa con trai trong thời kháng chiến.
     Nhạc sĩ Lê Thương có tiếng về viết nhạc chuyện ca như Nàng Hà Tiên, Lịch Sử Loài Người, Hoa Thủy Tiên... và còn thêm một số bài ca nhạc cho vài ban kịch và hãng phim.
     Về sau, mỗi cách tuần Lê Thương và nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em, phát thanh qua làn sóng điện các chuyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng...
     Ngoài ra Lê Thương còn có đặt lời cho những bản nhạc ngoại quốc ngắn như Nhớ Lào (nhạc Lào), Bông Hoa Đại tức Ô Đuồng Chăm Pá (nhạc Lào), Lòng Trẻ Trai (nhạc Hoa Kỳ), Hoa Anh Đào tức Sakura (cổ nhạc Nhật Bản), Màn Brúc Đánh Giặc (dân ca Pháp)...
    Một trong những loại nhạc được ông chú ý đến và sáng tác là nhạc Nhi Đồng và Thiếu Niên gồm những bản như Cô Bán Bánh, Con Mèo Trèo Cây Cau, Thằng Bé Tí Non, Ông Nhang Bà Nhang, Đây-Nhi Đồng Ca, Truyền Kỳ Việt Sư,û Thiếu Sinh Ca...
      Có lẽ hầu như tất cả mọi người đều đã có nghe, biết bài hát Thằng Cuội:
          Bóng trăng trắng ngà
          Có cây đa to
          Có thằng Cuội già
          Ôm một mối mơ
          Lặng yên ta nói Cuội nghe
          “Ở cung trăng mãi làm chi?”
          Bóng trăng trắng ngà
          Có cây đa to
          Có thằng Cuội già
          Ôm một mối mơ.
    Một bản nhạc rất phổ thông ở các trường trung tiểu học là bài Học Sinh Hành Khúc:
          Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau
          Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao...
    Rồi đến bản nhạc ngộ nghĩnh Ông Ninh Ông Nang:
          Ông Nỉnh ông Ninh, ông ra đầu đình
          Ông gặp ông Nảng ông Nang
          Ông Nảng ông Nang, ông ra đầu làng
          Ông gặp ông Nỉnh ông Ninh
          Nang Ninh đầu đình
          Và Ninh Nang đầu làng...
     Và đến bài hát Tuổi Thơ thật dễ thương:
          Trời xanh xanh mát
          Hương thơm thơm ngát
          Cùng nhau ta múa điệu ca
          Cùng nhau ta hát đời ta
 
          Nhụy hoa thanh khiết
          Men hoa ngây ngất
          Hát cho tâm hồn được khuây
          Cũng như cánh đẹp được bay
 
          Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa
          Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa
          Tôi quyến luyến má ba vui ca bên đèn
          Bẩy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên.
     Về nhạc Lê Thương, đáng bàn đến nhất là ba bản nhạc trong Trường Ca Hòn Vọng Phu.
      Bằng âm điệu gần gũi âm giai Ngũ Cung của Dân Ca Việt Nam, với ảnh hưởng từ Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn, Hòn Vọng Phu 1 được ông viết tại Bến Tre, khoảng năm 1943.
      Mở đầu bài hát, người chồng theo lệnh vua, ra mặt trận với tiếng trống thúc dục:
          Lệnh vua hành quân trống kêu dồn
          Quan với quân lên đường
          Đoàn ngựa xe cuối cùng
          Vừa đuổi theo lối sông
          Phía cách quan xa trường
          Quan với quân lên đường
          Hàng cờ theo trống dồn
          Ngoài sườn non cuối thôn
          Phất phơ ngậm ngùi bay ...
     Từ đó, xa cách muôn trùng:
          ...Người đi ngoài vạn lý quan sơn
          Người mong chờ trong bóng cô đơn...
     Cứ như vậy, người vợ ở lại ngày ngày ôm con, đứng đợi ngóng chồng trở về và cuối cùng cả hai mẹ con vì mòn mỏi chờ mãi đã hóa ra đá:
          ...Người không rời khỏi kiếp gian nan
          Người biến thành tượng đá ôm con.
     Sau đó, ông đã sáng tác thêm Hòn Vọng Phu 2 tức Ai Xuôi Vạn Lý khoảng năm 1946. Mẹ con người đàn bà hóa đá vẫn chờ mong. Giai điệu nhạc thật buồn:
          Người vọng phu trong lúc gió mưa
          Bế con đã hoài công để đứng chờ
          Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
          Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ...
          ...Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa
          Nàng đứng ôm con xem chàng về hay chưa?
          Về hay chưa?
          Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng
          Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng...
     Người đi chắc chả bao giờ quay lại:
           ...Thôi đứng đợi làm chi
          Thời gian có hứa mấy khi
          Sẽ đem đến trả đúng kỳ
          Những người mang mệnh biệt ly.
     Hòn Vọng Phu 3 tức Người Chinh Phu Về viết xong năm 1947. Mở đầu, vẫn còn hình ảnh não nề của tượng đá chờ trông:
          Nơi phía Nam giữa núi mờ
          Ai bế con mãi đứng chờ
          Như nước non xưa đến giờ...
     Và cuối cùng người chinh phu cưỡi ngựa trở về, âm điệu dòng nhạc như tiếng ngựa phi:
          Đường chiều mịt mù, cát bay tỏa bước ngựa phi đường trường
          Nếp tàn y hùng cường, vẫn còn bay trong gió bóng từ xa, sắp dần qua
          Bóng chàng chập chùng, vượt núi non cũ, với hành lương độ đường
          Chiếc hùng gươm danh tướng dưới tà uy đếm nhịp đi, vó ngựa phi...
     Nhưng cuộc trở về đã quá muộn màng, ai oán:
          ...Nhớ cố hương lưu luyến tấc lòng mau dồn chân
          Vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu
          Từ bóng cây ngôi mộ bên đường
          Từ mái tranh bên đình trong làng
          Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống
          Bao mối thương vang động trong lòng.
    Tác phẩm tuyệt diệu, lớn lao và bất diệt Trường Ca Hòn Vọng Phu, đã làm nổi bật tên tuổi của nhạc sĩ Lê Thương trong lịch sử Âm Nhạc Việt Nam...
 
Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California, USA



1 nhận xét:

Unknown nói...

Bài..hát:..Thằng..Cuội,..Học..Sinh,.Hành..Khúc..thuộc..như..cháo..và..tên..NS..Lê..Thương..cũng..nhớ..như..in..

Cám..ơn..LÊ..THƯƠNG..và..cảm..ơn..tác..gỉa..bài..viết..nầy.