Chưa có bao giờ mà chuyện kiếm miếng ăn lại khiến con người ta đau đầu đến vậy. - Cô giáo nào nhà có phòng khuất sau nhà thì đưa học trò vào đó học. Cô nào nhà chật xưa nay phải dạy ở phòng khách thì kiếm bạt che hay mấy miếng tôn rào kín lại. Cô và phụ huynh dặn nhau không cho học sinh đeo cặp. Học xong để sách vở lại nhà cô luôn. Đến và đi người không để lỡ “nó” có hỏi thì nói khách đến chơi thôi. Cô dạy trong nhà, người nhà ngồi canh ở cổng, lỡ “nó” ập vào thì cô trò dẹp hết sách vở, bảo là trò đến nhà cô chơi thôi chứ không có học. Cấm dạy thôi chứ đâu có cấm đến chơi. Cô dặn trò cách trả lời “tụi nó” khi bị hỏi.
Công tác giáo dục mà lén lén lút lút như làm chuyện phạm pháp. Trẻ thơ đang tuổi học ăn học nói bị dạy cho ăn gian nói dối. Cô vừa giảng bài vừa thấp thỏm ngóng ra cổng. Thật không còn gì chua chát cho bằng! Đó là lúc chưa có CT16. Giờ thì cô lẫn trò khỏi lo đối phó nữa rồi.
- Quán xá lúc nào cũng lo đếm người. Khách vào thêm thì nhân viên tự động ra đường đứng để số người trong quán luôn là con số 9. Vừa pha cà phê vừa ngóng ra đường canh “tụi nó”. Thấy bóng dân quân thấp thoáng đứa này bảo đứa kia ra phía sau hoặc ra ngoài đường.
- Spa, mỹ viện, hair salon đóng cửa sùm sụp nhận khách qua điện thoại. Một đứa nhân viên được cử ra canh cửa. Khách đến đọc pass mới được dẫn vào kẻo chim lợn.
Rồi chỉ thị 16:
- Hàng quán xô dạt vào trong hẻm, hang, hốc. Cứ chỗ nào “tụi nó” chưa càn thì tấp vào. “Tụi nó” tới bồng bế nhau chạy như chạy loạn.
- Người ta cũng không còn đủ hào sảng, rộng rãi, phong lưu mà vào siêu thị mua đại về mà ăn. Khi đồng tiền vơi đi, người ta bắt đầu tính toán từng ngọn rau, con cá. Bảo nhau chạy theo những gánh hàng “zông” (thấy “tụi nó” phải zông) mong mua được mớ rau, kí cá rẻ hơn cái chỗ máy lạnh vài chục. Cái chợ máy lạnh giờ đây lạnh đúng nghĩa, lạnh nhân nghĩa, lạnh tình người khi giá cả cứ mỗi ngày mỗi tăng trong khi huyết áp người dân cứ mỗi ngày mỗi tụt.
- Bảo nhau ra đường nhớ cột sau xe bó rau hoặc bao gạo, nhét túi vỉ Panadol để “nó” hỏi thì bảo đi mua thực phẩm, mua thuốc.
- Bảo nhau mua cái áo Grab, Ahamove, Now để bỗng dưng thành shipper.
- Dặn nhau nếu bị chặn lại đứa ngồi sau ôm bụng kêu la bảo đi bác sĩ.
- Thông tin cho nhau đoạn đường nào bị cắm chốt, đoạn nào còn “dễ thở”. Chỉ cho nhau những đoạn đường tránh, đường vòng.
- Rồi trăm mưu ngàn kế để đối phó với “tụi nó” xuất hiện dần theo những trò quái đản mà những cái đầu thiếu khôn ngoan nhưng thừa khốn nạn nghĩ ra.
Sống trong một đất nước mà quyền cơ bản nhất là kiếm ăn mà còn bị kìm hãm thì có còn là phận người nữa không?
Vì miếng cơm manh áo người ta trở nên dối trá, luồn lách, cơ hội, đau đầu nghĩ muôn phương ngàn kế để đối phó với nhà cầm quyền.
Những ngày cuối tháng tư 1975 là những ngày loạn lạc, binh đao. Người ta chạy trốn, người ta xô đẩy nhau cốt giữ lấy cái mạng. Người ta bỏ đi không kịp bán tài sản, không kịp mang theo gì, không kịp giã từ, dặn dò, chỉ kịp quơ tay vơ lấy cha mẹ già, con thơ, người thân chạy trốn giặc Cộng.
Những ngày u ám này, người ta không quá bất ngờ như khi Bến Hải vỡ bờ. Biển bán nhà mọc lên hơn một năm nay, tin rao vặt bán xe, bán tủ, bán bàn, bán nhẫn, bán giỏ... không ngày nào không có. Chỉ có bán con là chưa thấy.
Những ngày cuối tháng Tư năm ấy, Sài Gòn khắc khoải, thấp thỏm, tang thương khi tiếng súng quân “giải phóng” vang rền Bình Giã, Phước Long, Xuân Lộc. Quân cướp áp sát lớp tường rào cuối cùng rồi. Sài Gòn trúng tên Sài Gòn đỏ máu, Sài Gòn đau Sài Gòn đổ gục, Sài Gòn buông tay Sài Gòn chết.
Gần 50 năm sau Sài Gòn vẫn chưa hết đọa trần gian.
Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời.
Sài Gòn ơi thôi đã hết thời gian tuyệt vời!
BC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét