Các biệt thự này có tổng số 246 lô |
Cụ thể, có 77 lô do các công ty quản lý gồm: Công ty TNHH TM Du lịch & DV V.N.Holiday 24 lô; Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi 17 lô; Công ty TNHH TM&DV Hoàng Gia Trung 12 lô; Công ty TNHH Thương mại Du lịch và DV Silverk Park 4 lô; Công ty TNHH TM Du lịch & DV Nguyên Thịnh Vượng 10 lô; Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp 7 lô; Công ty TNHH Du lịch TM và DV Golden Wyn 3 lô. |
Có 74 lô được cấp cho cá nhân nhận quyền sử dụng đất nhiều lô. Ngoài ra, còn 95 lô do mỗi cá nhân nhận chuyển nhượng 1 lô. Ngoài dự án vệt biệt thự dọc tường rào sân bay Nước Mặn, công ty Diệp Phúc Lợi còn nhận chuyển nhượng 3 lô từ dự án tái định cư nam Bắc Mỹ An và bắc bến xe Đông Nam. |
Mới đây, Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố báo cáo tổng hợp của Bộ Quốc phòng, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 8. Trong đó, cử tri TP. Hải Phòng cho rằng, “tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay là rất đáng ngại”. Trong ảnh là một cơ sở kinh doanh nằm sát sân bay Nước Mặn, chuyên phục vụ cho khách du lịch Trung Quốc. |
Trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP. Đà Nẵng có 134 lô và 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, "núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP. Đà Nẵng. Các lô đất này nằm tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp (thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn); khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang (quận Sơn Trà). |
Theo Bộ Quốc phòng, để sở hữu các lô đất ở TP. Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa vào 2 hình thức. Thứ nhất, là thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), doanh nghiệp sẽ do người Việt Nam điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, người Trung Quốc tăng vốn, giành quyền điều hành doanh nghiệp. Do tài sản góp vốn là đất, nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc. Trong ảnh là dãy cửa hàng phục vụ ăn uống cho người Trung Quốc. Chính quyền quận Ngũ Hành Sơn từng nhiều lần ra quân xử lý sai phạm của các cơ sở này như không tuân thủ Luật Quảng cáo khi ghi chữ Việt Nam nhỏ hơn chữ Trung Quốc hoặc ghi toàn bằng chữ Trung Quốc... |
Cách thứ hai là người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu là người Việt gốc Hoa) để mua đất. Cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp cá nhân có kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất, như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô... Hầu hết các lô đất đều ở các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ. Bộ Quốc phòng cho rằng, cử tri và dư luận xã hội thấy “đáng ngại” về việc cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là có cơ sở. Trong ảnh là tổ hợp khách sạn và căn hộ dịch vụ cao cấp JW Marriott do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores (có lãnh đạo là người Trung Quốc) làm chủ đầu tư. Công ty này cũng là chủ của khách sạn Crowne Plaza Đà Nẵng nằm bên cạnh. |
Vụ việc trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND TP. Đà Nẵng xác minh, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, để sở hữu các lô đất, người Trung Quốc đã dựa vào kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 - “việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp” và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai. Bộ Quốc phòng đề nghị phải rà soát lại các dự án ở biên giới, đặc biệt liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc, để tránh bị lợi dụng. |
Trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng nói: “Sở Tài nguyên và Môi trường đang giao cho các đơn vị trực thuộc rà soát tất cả các trường hợp theo thông tin phản ánh của báo chí và đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan để làm rõ các nội dung cần thiết. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cung cấp ngay cho quý báo khi có thông tin đầy đủ, chính thức”. |
Về quản lý cấp quận, bà Nguyễn Thị Anh Thi - Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn - cho biết: “Quản lý đất đai thì do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ đỏ; quản lý hoạt động doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư. Phía quận chỉ quản lý về mặt hành chính, đảm bảo an ninh trật tự. Hiện nay trên địa bàn quận quản lý thì họ vẫn hoạt động đảm bảo pháp luật, chưa có dấu hiệu vi phạm”. |
Sòng bài Crown - nơi chủ yếu đón khách Trung Quốc tới chơi khi du lịch tại Đà Nẵng. |
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét