(Hình minh hoạ)
Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật của tôi và những người thân xung quanh . Tôi sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội trong một gia đình công chức bình thường . Về học vấn , tôi học chật vật vất vả , thậm chí học đến 3 giờ sáng , cuối cùng cũng thoát được nạn mù chữ , có được tấm bằng đại học xây dựng . Thế mà ở Việt Nam ta có nhiều người giỏi quá , có hàng vạn giáo sư tiến sĩ . Nhất là các bác quan chức của ta, các bác bận trăm công nghìn việc , cứ phải đi họp liên miên, cứ phải đi nước ngoài liên tục. Các bác vừa lãnh đạo công tác Đảng vừa lãnh đạo công tác chính quyền, vừa tham gia công tác quốc hội thế mà các bác vẫn bảo vệ thành công luận án TIẾN SỸ. Trả trách mà đất nước ta ngày càng đổi mới, ngày càng phát triển. Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ văn minh. Trả mấy mà đất nước ta sánh vai với Hàn Quốc, Nhật Bản. Trả mấy mà đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu. Điều tôi muốn nói với mọi người là : tôi là người bình thường và muốn chia sẻ với các bạn về một số vấn đề y tế .<!>
CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT :
Tôi thấy sức khoẻ không ổn , theo y tế cơ quan khuyên đi khám tổng thể , tôi chọn bệnh viện VIỆT PHÁP là bệnh viện của ( Tây ) thì chắc phải tốt , giá cả hơi đắt nhưng cũng chấp nhận . Khám cho tôi là một bác sĩ chuyên khoa lâu năm , sau khi đo huyết áp cho tôi , kết quả : 140/90 . Bác sĩ bảo huyết áp như vậy là cao và nguy hiểm và bác sĩ cho tôi đeo máy đo huyết áp 24/24 . Kết quả HA thấp nhất : 120/75 , HA cao nhất : 145/90 . Bác sĩ điều trị cho tôi nói rằng huyết áp này là cao và rất nghiêm trọng , cần phải điều trị . BS giảng giải cho tôi biết tác hại của huyết áp cao và nói bệnh tình của tôi rất nghiêm trọng và cho đơn một loạt thuốc uống . Tôi chẳng biết gì về bệnh huyết áp cao và về nhà tuân thủ theo thuốc bác sĩ đã kê đơn và luôn lo lắng đứng ngồi không yên về bệnh lý của mình . Tôi vẫn thường chơi tennis , mỗi lần đánh xong mệt quá thì tự nhiên tôi lại lo sợ rằng huyết áp có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của mình .
Tôi có phàn nàn với BS về tình trạng lo lắng sợ sệt thì BS kê đơn cho tôi 1 lọ thuốc Lexomil ( thuốc điều trị rối loạn cảm xúc ) . 1 lọ có 30 viên , mỗi ngày uống 1/2 viên , uống trong 60 ngày . Tôi uống thuốc thì thấy tinh thần rất tốt , sau khi uống hết một lọ , tôi định đi mua tiếp và bây giờ tôi mới đọc đến tính năng tác dụng phụ của thuốc là thuốc gây nghiện làm cho bệnh nhân có xu hướng muốn đi tự tử . Tôi sợ quá nên không mua nữa . Đây là thuốc gây nghiện rất mạnh , sau khi không uống thuốc , nó hành hạ tôi suốt ngày trong tình trạng hoảng hốt , lo sợ , lúc nào cũng tưởng như mình sắp chết . Trời ơi sao người ta lại làm ra loại thuốc khủng khiếp thế mà một bác sĩ tim mạch lại kê đơn thuốc tâm thần cho tôi . Suốt mấy năm trời tôi sống trong tình trạng hoảng hốt sợ chết , nhất là 2 năm đầu tiên . Có lần tưởng mình sắp chết , tôi bảo vợ tôi lấy sổ ghi chép xem ai nợ tiền mình , xem mình nợ tiền ai , công việc sau khi tôi có mệnh hệ nào thì bàn giao cho ai .
Một lọ thuốc nhỏ bé mà không hiểu sao nó lại tác dụng mạnh và lâu dài đến thế . Nó biến tôi từ một người cao 1,75m nặng 65kg và có khuôn mặt cũng chấp nhận được trở thành một người già nua xấu xí béo phì nặng 90kg. Có người bạn bảo tôi ông vô lý quá , khi ông ko dùng thuốc lexomil thì 1 tuần sau thuốc trong người sẽ tan biến hết thì làm sao tác hại đến cơ thể ông được. Nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu được, trường hợp của tôi giống như người nghiện ma tuý. Khi đưa ma tuý vào cơ thể. Cơ thể sẽ có 2 phản ứng cơ chế, thứ nhất : cơ thể sẽ ko tạo ra moocphin nữa nó phụ thuộc vào việc đưa moocphin từ bên ngoài vào ( đó là ma tuý) . Nếu ko có ma tuý người nghiện sẽ đau đớn vật vã. Cơ chế thứ 2 là ma tuý vào cơ thể đã biến đổi hệ thần kinh va tâm thần của người nghiện biến họ thành người khác. Dù cho cai được ma tuý thì ảnh hưởng của nó vẫn còn rất lâu dài. Trường hợp của tôi cũng vậy. Thuốc Lexomil tác động lâu dài lên hệ thần kinh và tâm thần của tôi.
CÂU CHUYỆN THỨ HAI :
Sau khi bị huyết áp cao , cứ 6 tháng tôi lại đi khám định kì 1 lần , tôi vẫn khám bác sĩ chuyên khoa cũ vì tôi nghĩ rằng bác sĩ đó đã nắm được bệnh của tôi , nếu thay bác sĩ mới thì người ta lại phải tìm hiểu bệnh tình của tôi lại từ đầu . Bác sĩ cho tôi chạy gắng sức trên máy tập và tôi rất mệt . Sau đó bác sĩ cho tôi đi chụp động mạch vành , kết quả là trong một nhánh nhỏ của tim , tôi bị hẹp 30% . Bác sĩ cho rằng bệnh tình của tôi rất nghiêm trọng và chuyển hồ sơ của tôi đến tham khảo bác sĩ Hùng chuyên khoa tim mạch bệnh viện tim - Bạch Mai . Tôi được biết bác sĩ Hùng là chuyên gia giỏi nhất Việt Nam về đặt stent cho động mạch vành . Hình như vào thời điểm đó , ở Việt Nam chỉ có 4 bác sĩ làm được việc này . Tôi mang hồ sơ đến cho bác sĩ Hùng , BS xem xong rồi bảo tôi chỉ định phải đặt stent . Tôi rất lo lắng và buồn phiền nhưng được biết BS Hùng là người nổi tiếng cho nên tôi cũng chấp thuận đặt stent , và tôi hỏi BS Hùng là tôi đã mua vé đi du lịch Thái Lan , để cho tôi đi du lịch 1 tuần rồi về đặt stent có được không . BS Hùng trả lời : “ ANH HỎI THẾ TÔI CŨNG CHẲNG BIẾT TRẢ LỜI NHƯ THẾ NÀO “ .
Thế rồi về nhà tôi đánh liều , cứ đi du lịch Thái Lan . Bạn tôi khuyên mang hồ sơ bệnh án đi sang đấy để nếu có cấp cứu thì bệnh viện người ta còn biết bệnh án của mình . Sau đó , về Hà Nội , tôi có nói chuyện với gia đình về trường hợp động mạch vành của mình . Gia đình tôi giãy nảy lên “ trường hợp của Phương quá nhẹ, chưa cần phải đặt stent “ . Tôi phân vân và đi hỏi một số các bác sĩ khác , họ cũng khuyên là chưa cần phải đặt . Sau đó khoảng 3 năm , tôi lại đi chụp động mạch vành , kết quả là động mạch vành của tôi chẳng sao cả . Cái chỗ hẹp 30% lần trước nay không còn nữa . Thật may mắn cho tôi . Nhưng điều tôi không thể hiểu là một bác sĩ giỏi nhất Việt Nam trong lĩnh vực đặt stent lại quyết định chỉ định tôi phải đặt . Nếu tôi đặt stent thì dễ nhưng rút ra thì không thể , và tôi phải đeo dị vật trong tim suốt đời à ?
CÂU CHUYỆN THỨ BA :
Một lần tôi đi xe máy bị ngã đập vai xuống đường , người dân dìu tôi vào vỉa hè . Tôi nghỉ một lát rồi đi xe máy một tay về đến bệnh viện gần nhất , đó là bệnh viện 354 quân đội . Người ta cho tôi chụp XQ cái vai , tôi xem phim thấy vai của tôi có một vết rạn rất nhỏ , chỉ bằng sợi tóc . Sau đó họ chuyển hồ sơ đến bác sĩ chuyên khoa , ông ấy chỉ định : PHẢI MỔ . Tôi vừa sợ vừa ngạc nhiên , không biết mổ để làm gì , vai con người chứa rất nhiều dây thần kinh , gân , cơ . Nếu mổ thì biết bao giờ mới hồi phục đây ? Rút kinh nghiệm của những lần trước , tôi chạy đến khám BS chuyên khoa người Pháp . Ông ấy xem phim rồi bảo trường hợp này quá nhẹ , không cần phải điều trị bất cứ điều gì , chỉ cần buộc một cái băng vào cánh tay treo lên cổ , 2 tuần sau sẽ khỏi . Mấy tháng sau , tôi vẫn đánh được tennis và golf bình thường . Tôi nghĩ mãi và không thể lý giải được quyết định chỉ định mổ của bác sĩ bệnh viện 354 . Sao con người ta ĐỘC ÁC VÀ VÔ TRÁCH NGHIỆM đến thế .
CÂU CHUYỆN THỨ TƯ
Có một lần đau lưng quá , tôi nghĩ mình cần phải đi kiểm tra cột sống . Lần này , tôi quyết định lựa chọn bệnh viện Vinmec , đó là bệnh viện tư nhân , giá cả hơi đắt nhưng có thể người ta nhiệt tình . Đến đấy , bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho tôi chụp CT cắt lớp . Kết quả : cột sống của tôi rất xấu : rách đĩa đệm , hẹp ống sống ... Bác sĩ bảo tôi là rất nghiêm trọng , cần phải mổ cột sống . Lần này , tôi đã có kinh nghiệm , không vội tin vào chỉ định của bác sĩ . Tôi mang hồ sơ đến một bệnh viện khác để kiểm chứng . Lần này tôi chọn BV 108 QĐ . Tôi đưa phim chụp cắt lớp cho ông BS xem . Ông BS xem rồi bảo cái phim này chẳng có tác dụng gì , chụp chỉ để cho vui , chụp chỉ để đi khoe . Rồi bác sĩ chỉ định tôi phải đi chụp một cái phim XQ bình thường . Sau khi có kết quả chụp phim , ông BS xem rồi bảo : “ ANH CHẲNG CÓ BỆNH GÌ . Đây là trường hợp thoái hoá cột sống theo tuổi tác , không thể điều trị được , phải chấp nhận chung sống hoà bình . Để cải thiện cột sống , anh phải luyện tập thể thao . Nếu đau quá thì tôi sẽ kê đơn thuốc giảm đau cho anh “ . Sau đó tôi chơi golf và thấy bệnh tình được cải thiện rất tốt . Một điều mà tôi không thể lý giải được là tại sao 2 bác sĩ chuyên khoa ở 2 bệnh viện lớn lại có chẩn đoán ngược nhau hoàn toàn .
CÂU CHUYỆN THỨ NĂM
Cùng phòng làm việc với tôi có một cậu tên là Trung - kĩ sư xây dựng . Một hôm , cậu ta bảo : “ ông Phương ơi , ông xem cái cổ tôi mọc 4, 5 cái hạch , mai ông cho tôi nghỉ đi khám bệnh “ . Tôi đồng ý . Sau đó cậu Trung đi khám bệnh theo tuyến , người ta thấy có vấn để chuyển lên các bệnh viện tuyến trên . Bệnh viện cuối cùng là bệnh viện truyền máu huyết học trung ương . Ở đấy , người ta làm một lô xét nghiệm và kết luận cậu Trung bị ung thư máu giai đoạn 4 . Rồi đưa sang điều trị . Trong phác đồ điều trị có chạy xạ và truyền hoá chất , ở bệnh viện có bệnh nhân chạy xạ và truyền hoá chất được 5, 6 lần thì chết vì kiệt sức . Cậu Trung chạy xạ truyền hoá chất 2 lần thì tóc rụng hết , người rất yếu. Thế rồi cậu ta xin về nhà không điều trị nữa chờ chết .
Mấy tháng sau , do không điều trị nên sức khoẻ có tốt hơn . Cậu ta gọi điện cho tôi : “ ông Phương ơi , tôi về nhà chờ chết mà mãi không chết . Bây giờ tôi thấy người cũng khoẻ nhưng ở nhà cả ngày buồn quá , ông cho tôi đi làm . Tôi bảo ông cứ đi làm đi cho vui , tôi cho ông chế độ đặc biệt thích đi lúc nào thì đi , thích về lúc nào thì về .” Sau mấy tháng đi làm , tôi thấy cậu Trung vẫn khoẻ mạnh bình thường , tôi bảo “ trường hợp của ông lạ quá , người ta bảo ung thư máu chết rất nhanh mà tại sao ông vẫn khoẻ mạnh ? Theo tôi ông nên đi khám lại “ . Cậu Trung đến bệnh viện truyền máu huyết học trung ương , sau khi lại làm một lô xét nghiệm , người ta kết luận cậu ấy chẳng làm sao cả . Cậu ấy có hỏi tại sao trước đây lại chẩn đoán tôi bị ung thư ? Bác sĩ trả lời “ đây là trường hợp hy hữu , xin chúc mừng anh “ . Trời ơi , bệnh viện cứ chẩn đoán nhầm thế này thì chết con người ta .
CÂU CHUYỆN THỨ SÁU
Ở cơ quan tôi có một cậu còn trẻ , con mới được 2 tuổi thế mà suốt một năm qua , cháu bị ho rất nhiều . Gia đình đưa đi khám nhiều bệnh viện huyện , tỉnh . Mỗi lần đi khám , bác sĩ kê đơn cho một bọc thuốc kháng sinh . Suốt một năm trời , cháu uống hết thuốc này đến thuốc khác . Người xanh xao vàng vọt , còi cọc không lớn được . Tôi bảo cậu ấy tôi có nghe bạn tôi giới thiệu có ông bác sĩ PHẠM THẮNG chuyên khoa tai mũi họng ở bệnh viện Bạch Mai có khám ngoài giờ ở ngõ Đoàn Nghĩ Hài phố Trần Quốc Toản , cậu mang con đến thử khám xem sao . Bác sĩ Phạm Thắng sau khi khám cho cháu bé xong chỉ cho phác đồ điều trị đơn giản như hút mũi , xông mũi , xông họng... Tất cả các loại thuốc kháng sinh cháu dùng trong năm qua đều bỏ hết . Sau khi điều trị một tháng ,kỳ lạ thay cháu hết ho và sức khoẻ cải thiện rõ rệt . Với tôi , điều kỳ lạ là trong khi có nhiều bác sĩ ngu dốt và vô trách nghiệm thì vẫn còn có những bác sĩ tài năng . Vấn đề là người dân làm sao để tìm được bác sĩ có tài năng để khám chữa bệnh cho mình đây ?
CÂU CHUYỆN THỨ 7 : A ruột tôi vừa mới rồi nửa đêm đi cấp cứu bị tai biến liệt nửa người. Vào khoa A9 bệnh viện Bạch Mai. Nửa đêm bác sỹ bảo nộp ngay 120 triệu để xét nghiệm và chiếu chụp . Nếu ko có tiền thì cứ nằm đấy chờ. Nửa đêm thì lấy đâu ra tiền đây. Trời ơi, bà Kim Tiến ơi. Bà phải xem lại quy trình cấp cứu như thế nào chứ.
LỜI KẾT
Rút kinh nghiệm của tôi , nếu các bạn đi khám bệnh mà bác sĩ kết luận có bệnh nặng thì đừng tin ngay , cần phải đi kiểm chứng nhiều bác sĩ và bệnh viện khác. Tôi không hiểu đội ngũ bác sĩ của Việt Nam như thế nào . Có người hỏi tôi tình hình các bệnh viện ntn: tôi bảo bệnh viện bây họ tốt lắm, họ chu đáo lắm. Nếu bạn vào viện họ sẽ cho bạn xét nghiệm, chiếu chụp khắp người. Ví dụ như bạn đau chân BS có thể cho bạn chụp não ( để đề phòng mọi biến cố) . Nếu bạn chết sẽ được nằm trong NHÀ XÁC. Yên tâm. Ko ai bị đuổi ra ngoài đường , ai cũng có chỗ nằm. Khoảng 15 năm qua , các em các cháu thi vào trường đại học Y điểm rất cao chứng tỏ học lực các em rất giỏi . Tôi hy vọng các lứa bạn thanh niên này tương lai sẽ là những bác sĩ giỏi của Việt Nam .
Nguyễn Tuấn Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét