Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

Ai đã chận 16 tấn vàng ,không được rời khỏi VNCH trước ngáy 30-4-1975? - Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên

Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo
Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo
Lịch sử tựa như một vở kịch lớn mà trong đó có biết bao điều bí ẩn dù trải qua một thời gian dài nhưng vẫn chưa được sáng tỏ. Và những hành động của vị phó Thủ Tướng trẻ Nguyễn Văn Hảo trong thời điểm trước và sau ngày Sài Gòn thất thủ cũng được coi là một trong những điều bí ẩn này. Lần đầu tiên tôi gặp ông Hảo là vào mùa Xuân năm 1974, tức khoảng một năm trước khi Sài Gòn rơi vào tay quân cộng sản BV. Lúc đó ông giữ chức Tổng Giám Đốc Quỹ Phát Triển Nông Nghiệp của chính phủ miền Nam. Đây chính là thời điểm mà những ảo tưởng về một nền hòa bình thực sự do hiệp định Ba Lê mang lại đã được dư luận đặt niềm tin mạnh mẽ và chính phủ cùng các xí nghiệp Nhật Bản cũng đặt  kỳ vọng rất nhiều vào tương lai phát triển kinh tế của miền Nam VN. Do đó, với học vị tiến sĩ tốt nghiệp tại hai trường đại học nổi tiếng là Harvard của Hoa Kỳ và Genève của Thụy Sĩ, ông Hảo được coi là một kinh tế gia hàng đầu tại miền Nam VN và rất được chính quyền Sài Gòn trọng dụng.
<!>
Qua cuộc phỏng vấn, tôi đã lắng nghe ý kiến của ông Hảo về những triển vọng tươi sáng của nền kinh tế miền Nam VN. Ông Hảo đã để lại ấn tượng nơi tôi về một nhân vật đặc biệt với cặp kính cận dầy và là người có đầu óc rất nhạy bén khi trả lời những câu hỏi từ giới phóng viên chúng tôi. Vào cuối năm 1974, qua sự lựa chọn cẩn thận và sự tín nhiệm của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Hảo được giao chức vụ phó Thủ Tướng đặc trách về kinh tế kiêm Bộ Trưởng Bộ Canh Nông & Kỹ Nghệ. Do chỉ ở vào lứa tuổi 30 nên ông Hảo được dư luận ngưỡng mộ và gọi ông là vị phó thủ tướng thanh niên.

Nội các Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn (14/4/1975) TT N B Cẩn (giữa), PTT N V Hảo (hàng thứ nhì, bên trái TT NBC)
Nội các Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn (14/4/1975)
TT N B Cẩn (giữa), PTT N V Hảo (hàng thứ nhì, bên trái TT NBC
Và ông Hảo còn có nhiều hành động kỳ lạ hơn trong lúc chính quyền Sài Gòn đang trải qua những cơn sóng gió đưa đến cảnh diệt vong.
Vào ngày 21/4/1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố thoái nhiệm rồi sau đó cùng Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và thân nhân của họ rời khỏi VN. Lý ra, với chức vụ là một phó Thủ Tướng trong chính quyền Tổng Thống Thiệu, việc ông Hảo rời bỏ VN đi lánh nạn tại ngoại quốc là điều bình thường đương nhiên. Nhưng trên thực tế, ông Hảo vẫn ngang nhiên ở lại và còn mạnh dạn tham gia trong quá quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới ngay sau đó.
Sau khi TT Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Phó TT Trần Văn Hương lên kế nhiệm chức vụ nguyên thủ quốc gia và yêu cầu phía Bắc Việt đàm phán về một thỏa thuận đình chiến. Thế nhưng BV đã từ chối cho rằng dù ông Thiệu đã từ chức nhưng trên cơ bản chính quyền của TT Trần Văn Hương vẫn còn là cơ chế thuộc chính quyền TT Nguyễn Văn Thiệu. Đồng thời, BV còn có những tuyên bố lấp lửng có vẻ như muốn cho dư luận thấy rằng họ chỉ đồng ý thương thảo với một chính quyền thuộc thành phần thứ ba của ông Dương Văn Minh. Nhưng thực sự, đây là chỉ là một hình thức đánh lừa dư luận miền Nam và thế giới.
Tuy vậy, vị đại sứ Pháp tại miền Nam VN là ông Jean Mérillon lại phán đoán rằng phía BV sẽ chịu đàm phán theo điều kiện này nên đã dùng đủ mọi cách khuyên TT Trần Văn Hương từ chức. Và không hiểu tại sao ông Hảo lại có liên quan mật thiết đến tình hình phức tạp trong giai đoạn này qua vai trò con thoi với những nỗ lực điều đình thương lượng giữa TT Trần Văn Hương, đại sứ Jean Mérillon, tham tán viên cố vấn kinh tế Denny Ellerman của tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Theo lời tuyên bố của ông Hảo thì lúc ban đầu ông cũng hoài nghi về sự phán đoán của Pháp nhưng sau đó ông cũng tin rằng việc thành lập chính quyền Dương Văn Minh là con đường duy nhất để sinh tồn. 
*
Vào buổi tối 24/4/1975, tôi đã ngồi xem ông Hảo xuất hiện trên truyền hình với những lời kêu gọi và trấn an người dân miền Nam rằng: “Mọi người hãy bình tĩnh vì sự bình tĩnh và tinh thần tôn trọng kỹ luật là điều cần thiết nhất trong lúc này. Chúng ta không cần phải bỏ chạy. Bản thân tôi xin thề là sẽ ở lại Sài Gòn và gia đình tôi cũng vậy”. Lời thề hứa và thái độ tỏ vẻ chân thật của ông Hảo đã phần nào tạo được sự tin tưởng nơi dân chúng.
Lúc đó, trong chính quyền TT Trần Văn Hương, ông Hảo cũng tạm thời tiếp nhận vai trò thay thế Bộ Trưởng Kinh Tế. Và chính nhờ vai trò này ông Hảo đã ngăn chận việc vận chuyển một số lượng lớn vàng khối của chính phủ VNCH ra hải ngoại. Qua đó, những lời phát biểu và hành động của ông Hảo trong quá trình cản trở việc đưa vàng ra ngoại quốc cho đến nay vẫn còn những điều bí ẩn.
vang gold 2
Vào thời điểm đầu tháng 4/1975, chính phủ miền Nam VN đang sở hữu 16 tấn vàng khối có trị giá đương thời khoảng 1 trăm mấy chục triệu mỹ kim. Trong lúc tình thế ngày càng nguy ngập, ngân hàng trung ương đã có kết hoạch chuyển số vàng này từ ngân khố quốc gia sang ngân hàng New York hoặc Génève nhờ cất giữ dùm. Lúc đó, việc các quốc gia đang phát triển gửi vàng cho những ngân hàng ngoại quốc là chuyện bình thường. Ban đầu, ngân hàng trung ương được sự đồng ý của Tổng Thống và chuẩn bị xúc tiến việc thuê một chuyến bay của Thụy Sĩ để vận chuyển vàng. Đây được coi là kế hoạch khẩn cấp dự trù cho trường hợp nếu Hoa Kỳ ngưng viện trợ thì chính phủ miền Nam VN sẽ dùng số vàng này để mua vũ khí đạn dược đáp ứng cho cuộc chiến tự vệ trước sự xâm lăng của quân BV.
Tuy nhiên, trong lúc tình hình chiến sự leo thang, phía Thụy Sĩ đã từ chối vận chuyển số vàng này với lý do là không bảo đảm được mức độ an toàn cho chuyến bay. Vì vậy, chính phủ Sài Gòn đã nhờ Hoa Kỳ vận chuyển bằng máy bay quân sự qua lời yêu cầu chính thức từ TT Trần Văn Hương gửi đại sứ Hoa Kỳ tại miền Nam VN là ông Graham Martin. Theo đó, kế hoạch vận chuyển được xếp đặt chu đáo là vàng khối sau khi được bao bọc kỹ lưỡng sẽ đưa lên các máy bay quân sự của Mỹ xuất phát từ căn cứ Clark ở Philippines bay đến căn cứ Tân Sơn Nhất. Thế nhưng, ngay trong lúc số vàng sắp được chuyển đi thì ông Hảo lại xen vào, cản trở kế hoạch này bằng cách thuyết phục TT Trần Văn Hương rằng nếu sau khi chính quyền ông Dương Văn Minh được thành lập mà họ biết được kế hoạch này thì ông Hương sẽ bị buộc tội phản quốc. Do đó, kế hoạch đưa vàng đi đã bị xoay hướng. 
Liên quan đến sự kiện này thì những lời chứng ngôn sau đó của các nhân vật can dự đều có nhiều điểm khác biệt. Nhưng điều xác thực là ông Hảo đã ra tay ngăn chận việc chuyển 16 tấn vàng ra khỏi Sài Gòn, ngay trước giờ chính quyền miền Nam sụp đổ.
*
Cũng trong lúc này, vào ngày 28/4/1975 tôi đã nhìn thấy ông Hảo tại một góc phố Sài Gòn. Ông Hảo ngồi ở phía sau trong chiếc xe hơi Citroen màu trắng, đưa cặp mắt bình thản nhìn quang cảnh bên ngoài hai ven đường trong khi hầu hết dân chúng Sài Gòn đều đang tất bật tìm cách di tản. Phía sau xe của ông Hảo là chiếc xe Jeep chở những người lính cận vệ mang vũ khí. Trông ông Hảo vẫn còn giữ được phong cách của một vị Thủ Tướng. Dường như ông Hảo cũng đã nhìn thấy tôi đang đứng trên đường. Và sau đó tôi đã hiểu ra rằng tại sao trong lúc đang ngồi trong chiếc xe chạy chậm rãi thì ông Hảo chợt một thoáng biến sắc với vẻ mặt mất đi nét trầm tĩnh. Bởi vì, chỉ hai ngày sau đó tức ngày Sài Gòn thất thủ, tôi đã gặp lại ông Hảo trong Dinh Độc Lập.
Cùng với thành phần viên chức cao cấp của chính quyền ông Dương Văn Minh đã đầu hàng quân BV, ông Hảo cũng bị câu thúc tại nơi đây như họ. Trong một căn phòng tại đây, tôi nhìn thấy ông Hảo ngồi im lặng với dáng điệu suy tư trầm ngâm. Nếu không phải một thành phần quan trọng trong chính quyền ông Dương Văn Minh, có lẽ ông Hảo đã không xuất hiện tại Dinh Độc Lập vào lúc này. Và đây cũng là một điều bí ẩn.
Sau ngày Sài Gòn thất thủ, ông Hảo được chính quyền mới khởi dụng với tư cách nhà cố vấn kinh tế. Không hiểu có phải vì chính quyền mới muốn sử dụng kiến thức kinh tế của ông Hảo hoặc thưởng công cho ông trong việc ngăn chận gửi vàng ra nước ngoài mà so với các giới chức cao cấp của cựu chính quyền, ông Hảo lại được Hà Nội hậu đãi đặc biệt nhất.
Tuy nhiên, vào 7 năm sau là năm 1982, ông Hảo, sau khi được nhà đương cuộc Hà Nội cho xuất ngoại, đã rời khỏi VN. Tại nơi trú ngụ đầu tiên là nước Pháp, ông Hảo tuyên bố: Tôi đã kỳ vọng vào việc hòa hợp hòa giải dân tộc, nhưng lại thất vọng trước sự độc tài chính trị của chủ nghĩa cộng sản”Đến năm 1984, ông Hảo sang định cư tại Hoa Kỳ nhờ sự bảo lãnh của gia đình.
Tóm lại, cứ mỗi lần nhớ lại quá trình hành động của ông Hảo trong tình hình phức tạp trước và sau ngày Sài Gòn thất thủ, tôi lại  thấy đó là điều càng bí ẩn hơn.
*
Phụ chú của người dịch:
Liên quan đến sự kiện 16 tấn vàng của chính quyền Sài Gòn trong suốt 26 năm từ năm 1975 cho đến khi ông Thiệu qua đời, Hà Nội vẫn luôn rêu rao và bịa đặt tin Tổng Thống Thiệu ra đi mang theo 16 tấn vàng mà ông đã vơ vét. Ngay cả khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu qua đời, báo Thanh Niên, báo Nhân Dân, và các cơ quan truyền thông khác của đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục lôi chuyện 16 tấn vàng để bôi nhọ Tổng Thống Thiệu.
Nhưng kết cuộc, sự thật cũng được sáng tỏ để trả lại thanh danh cho TT Nguyễn Văn Thiệu khi ngay tờ Tuổi Trẻ cũng là một cơ quan truyền thông của đảng cộng sản VN phải bắt buộc tìm hiểu trong loạt phóng sự điều tra được đăng từ ngày 26/4/2006. Báo Tuổi Trẻ của phía VN đã phỏng vấn các nhân chứng trực tiếp liên quan đến 16 tấn vàng, và cuối cùng đã hiểu rằng cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu không hề đánh cắp số vàng này. Tuy nhiên, ông đã qua đời từ trước đó, vào năm 2001. Trong hồi ký “Đại thắng mùa xuân”,  tướng VC Văn Tiến Dũngcũng khẳng định ông Nguyễn Văn Thiệu đã mang 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam.
vang gold
Theo báo Tuổi Trẻ thì “có quá ít tài liệu trong nước đề cập một cách chính xác và đầy đủ về chuyện này sau năm 1975”. Tờ Tuổi Trẻ cho biết “Mọi nguồn tin đều không bênh vực cho ông Thiệu khiến ông ra đi mang theo một cái án là kẻ ăn cắp tài sản quốc gia”.. Theo Luật sư Lê Công Định, từ sau năm 1975, rất nhiều ấn phẩm trong nước đã thay nhau đổ tội và kết án ông Thiệu trong “vụ án” bịa đặt này với những “bằng chứng chắc chắn như thể chính các tác giả đều tận mắt trông thấy”.
Trong khi đó, trải qua nhiều năm sau chiến tranh, những người biết rõ số phận của 16 tấn vàng tại các cơ quan cầm quyền của nhà nước  VN đã không hề đính chính tin đồn. Sau này, qua loạt phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ khi được hỏi tại sao lâu nay nhà nước Việt Nam không đính chính, ông Lữ Minh Châu, cựu Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã trả lời một cách trâng tráo rằng: “Mình biết rất rõ là số vàng đó vẫn còn, đã được kiểm kê cẩn thận và đưa vào tài sản quốc gia, nhưng không đính chính vì đó là tin đồn đăng trên báo chí, có ai đặt câu hỏi chính thức với nhà nước đâu”.
Sau hơn 30 năm, vào tháng 12 năm 2005 hồ sơ mật được phép giải mã, chính phủ Anh công bố Hồ sơ Bộ Ngoại giao trong đó có phần nói về chuyện vị lãnh đạo của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà chuyển sang sống tại khu ngoại ô của London như thế nào. Tuy nhiên, hồ sơ này không hề nhắc đến đến số vàng nào được ông Thiệu mang tới Anh.
Trả lời phỏng vấn của BBC ngày 28/12/2005cựu Tổng Trưởng Kế Hoạch Nguyễn Tiến Hưng nói rằng số tiền vàng này chưa mang ra khỏi Việt Nam, nhưng ông không phải là nhân chứng của sự kiệnTheo ông Huỳnh Bửu Sơn, người giữ chìa khóa kho vàng và là thành viên ban lãnh đạo Nha Phát Hành Ngân Hàng Quốc Gia thời điểm tháng 4 năm 1975, thì số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách tới từng chi tiết nhỏ.
Cũng theo báo Tuổi trẻ, các ông Huỳnh Bửu Sơn, Lê Minh Kiêm là các nhân chứng trực tiếp bàn giao vàng cho chính quyền mới. Đầu tháng 6 năm 1975, Huỳnh Bửu Sơn, người giữ chìa khóa kho vàng, và Lê Minh Kiêm, người giữ mã số của các hầm bạc được lệnh của Ban Quân Quản Ngân Hàng Quốc gia cùng đã kiểm kê các kho tiền và vàng của chế độ VNCH . Kết quả,  tất cả số tiền và vàng nằm trong kho đều đúng với sổ sách từng chi tiết nhỏ.
Ông Huỳnh Bửu Sơn kể về cuộc kiểm kê kho vàng lần cuối cùng khi bàn giao cho chính quyền mới: “Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14 kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi. Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau… Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho.”
©Komori Yoshihisa  & Khôi Nguyên @ HVR

Không có nhận xét nào: