Phiên xử giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, ngày 8/5/2020. Photo Thanh Nien Online
Hai đại biểu Quốc hội Việt Nam vừa gửi kiến nghị lên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cần xem xét lại vụ xử giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải. Cùng lúc, Tòa án Nhân dân Tối cao đã chính thức ban hành phán quyết giám đốc thẩm vụ án này.Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (PLO) hôm 14/5 dẫn lời Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết ông vừa có văn bản gửi Tổng Bí thư - Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải.Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND) hôm 08/5 tuyên án giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã “gây nên sự bức xúc rất lớn trong xã hội”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
<!>
“Cử tri và dư luận xã hội (trong đó có cả những nhà chuyên môn) cho rằng phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội”, vị đại biểu quốc hội thuộc tỉnh Bến Tre nói.
Tương tự, hôm 13/5, đại biểu Lê Thanh Vân cho báo Thanh Niên biết, ông gửi kiến nghị lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vì nhận thấy việc tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải “có nhiều dấu hiệu không phù hợp với pháp luật”.
“Thành phần Hội đồng Thẩm phán không bảo đảm tính vô tư, khách quan, khi Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình - Chủ tọa phiên tòa, cũng là người đã không kháng nghị bản án này khi nắm cương vị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao, là việc vi phạm một số điều của bộ luật Tố tụng hình sự”, Tiến sĩ luật Lê Thanh Vân, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho biết.
Cũng hôm 13/5, một đại biểu quốc hội khác là Luật sư Trương Trọng Nghĩa của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị cần hủy án, điều tra lại vụ Hồ Duy Hải, theo báo Tuổi Trẻ.
Nhận định về thể chế tư pháp của Việt Nam thể hiện công tâm ra sao trong vụ án này, qua vai trò của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình - người từng công tác trong ngành công an và viện kiểm sát, bà Trần Quỳnh Vi, đồng giám đốc của tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (Legal Initiatives for Vietnam - LIV) có trụ sở bang California, nói với VOA:
“Chính thể chế đó ở Việt Nam đã gây ra những mối hại như thế này đây. Các quý vị ở Việt Nam nên nghĩ xem là người chánh án trong phiên xử của các bạn là ai?
“Họ có phải là người mà quý vị trọng vọng, kính nể, một người từng là một luật sư rất giỏi và sau đó trở thành một ông chánh án tốt và biết thực thi luật pháp hay không?
“Những người công an điều tra án, quý vị có tin là họ không tra tấn, đánh đập người bị bắt giữ. Đây là những việc xảy ra mỗi ngày.
“Một hệ thống lỏng lẻo như thế đã gây ra những vụ án oan vì người thực thi cấp thấp nhất đã vi phạm.
“Chúng ta phải suy nghĩ rằng cái thể chế như vậy có giải quyết được vấn đề này hay không?”
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Duy Bình nêu nhận định về quá trình điều tra, kết tội vụ án Hồ Duy Hải:
“Tôi nhận thấy trong vụ án này cơ quan điều tra cũng như viện kiểm sát đã vi phạm rất nhiều thủ tục tố tụng; thể hiện dấu hiệu điều tra ẩu, kết tội ẩu đối với bị can Hồ Duy Hải”.
Trang PLO cho biết ngày 13/5, TAND Tối cao đã chính thức ban hành phán quyết giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải dài 24 trang, theo đó tái khẳng định “quá trình điều tra, truy tố, xét xử có những thiếu sót, vi phạm nhưng không phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không làm thay đổi bản chất của vụ án”.
Do vậy, TAND Tối cao cho rằng “không cần thiết phải hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của VKSND Tối cao.”
Sau phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải, đã có đơn kêu cứu gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị các cơ quan xem xét lại toàn bộ quyết định của phiên tòa giám đốc thẩm.
Báo Tuổi trẻ hôm 14/5 cho biết Luật sư Trần Hồng Phong, người bào chữa cho Hồ Duy Hải, đã gửi đơn và giao nộp chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải đến Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khẳng định thân chủ của ông không phải là hung thủ sát hại hai nhân viên bưu điện ở tỉnh Long An vào năm 2008.
Trang Công an Nhân dân (CAND) hôm 11/5 ra cảnh báo việc truyền thông nước ngoài “lợi dụng vụ án Hồ Duy Hải để xuyên tạc”, và cho rằng “không thể suy diễn, thổi phồng vụ án rồi đưa ra yêu cầu “tam quyền phân lập” để chống oan, sai...”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét