Chìa khóa: (bó tay, bótay.com, mưa cực đoan, nhỏ như con thỏ, triều cường, khủng, siêu mẫu, siêu xe, siêu khủng ngập., đúng logic, cực kỳ, cực kỳ vôlý.com)
Thiệt tình từ hồi có Internet, bà con nói có trang web gọi là bótay.com, ý nói chịu thua không làm gì được. Tức là bó tay. Nghe thì biết vậy thôi, cũng không biết bó tay cái gì? Bó tay ra sao. Nhưng khi xem hình ảnh Saigon bị ngập bởi cơn mưa lớn, lớn đến độ không biết diễn tả như thế nào. Hệ thống truyền thanh, truyền hình gọi quách (gọi đại) là mưa cực đoan, thì lúc này tự dưng tôi nhớ tới chữ bó tay.
<!>
Chẳng lẽ không có một chữ chuyên môn nào để gọi cơn mưa lớn bất ngờ, ngoài con số dự đoán, mà phải dùng một chữ không dính dáng gì tới thời tiết: cực đoan. Vừa nghe mưa cực đoan, đã thấy bó ta yrồi. Sau đó thấy cảnh phố phường ngập lụt, lại càng cực lòng hơn. Mưa cực đoan làm cho dân càng cực khổ. Xem youtube thấy có người phải tô hô, vì quần áo trôi hết rồi. Thiệt là bó tay, đúng ra phải nói là bó chân. Vì đâu có ai đi lại được đâu. Thiệt là cực đoan hơn cả cực đoan. Ở VN bây giờ người ta nói loạn xà ngầu, chẳng hạn nhỏ như con thỏ. Con thỏ làm sao nhỏ bằng con kiến!
Lịch sự trên cả lịch sự. Thì bây giờ mình cũng bắt chước nói cực đoan hơn cả cực đoan, là mọi người hiểu ngay: hết thuốc chữa! Bạn bè bên VN gởi mail qua, nói rầu thúi ruột. Sau đó thòng theo một câu: Bitexco còn ngập, thì nhà mình là cái đinh gì mà không ngập. Lại học thêm được một chữ mới:cái đinh. Cái đinh, hồi nào giờ chỉ biết cái đinh để đóng bàn, đóng ghế. Bây giờ cái đinh ở đây phải hiểu là...là cái quái gì. Nhạc Sĩ Đông Duy bỗng dưng nổi tiếng bất ngờ, vì đã post lên FB hình ảnh các kiểu bơi nơi phòng khách nhà mình. Còn các y tá bệnh viện Trưng Vương thì hò reo, thích thú bắt được con lươn xinh xinh ở chỗ làm việc. Thiệt là bó tay.
Xem youtube mới biết, sở dĩ nước không thoát được, vì miệng cống cao hơn mặt đường! Lại bó tay tiếp. Lòng nhủ lòng: từ giờ trở đi, ở bên này, đừng bao giờ than thở kêu ca bất kỳ chuyện gì. Hãy nhìn bên VN, nước chưa rút hết, lại tới triều cường, nước sông dâng lên. Ngập tiếp. Tuần trước do mưa cực đoan, nước trên trời rơi xuống. Tuần sau do triều cường, nước ở dưới sông dâng lên. Tôi tự hỏi lòng: không lẽ lại có chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đánh nhau giành (giựt) công chúa. Bây giờ chân dài, người mẫu đầy đường, mắc mớ gì phải giành giựt dâng nước lên cao, làm khổ dân. Thiệt là cực đoan gây ra cực khổ.
Ủa mà sao hồi nào tới giờ, bên VN họ thích dùng chữ khủng. Lương khủng, giá khủng ...Sau đó thấy khủng chưa bằng siêu, họ lại xài chữ siêu: siêu mẫu, siêu xe... Sao bây giờ họ không nhập cả hai chữ thành ngập siêu khủng cho dễ hiểu. Mưa cực đoan bởi vậy mới siêu khủng ngập. Chớ vẫn có ống cống đó chứ. Có điều ống cống chỉ nhỏ như cây đũa thần thôi. Còn ống cống của các nước Âu Mỹ, người ta còn đi được bên trong.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng, nếu có sai trái thì không tìm kiếm nguyên nhân, mà chỉ tìm cách biện hộ (nguỵ biện) để chứng minh không phải lỗi tại họ. Hèn chi gọi là “biện chứng”. Bây giờ chúng ta phải nói theo lối Cộng Sản, nghĩa là cãi chày cãi cối. Các đồng chí đội nón cối nên cãi cối cãi chày là đúng logic!
Cá chết tại Fosama thì hỏi: muốn có tiền (cho thuê đất), thì cá phải chết. Chỉ được chọn một. Ôi! Các đỉnh cao trí tuệ đã đưa dân tôi tới chỗ lầm than.Hồi xưa các cụ nói: trói chân vào đánh, khen thay chịu đòn. Chân bị cột thì làm sao chạy, nếu bị đánh cũng phải chịu thôi. Người dân quê tôi chịu đủ thứ tai ương, bó chân, chạy đi đâu bây giờ?
Hết miền Nam, tới miền Trung bị bão. Người dân lao đao khốn khổ, nhưng không thấy chính quyền ra tay. Họ đang lo cho festival trình diễn áo dài ở Hà Nội. Thiệt là hết ý. Cực kỳ vô lý.com. Tiếng mới bây giờ cái gì cũng cực kỳ. Vậy mưa cực đoan gây ra tình trạng cực kỳ ngập, làm cho cả thành phố cực kỳ cực khổ. Phố phường ngập lụt, đường biến thành sông. Lúc trước nghe nhạc chế , Saigon ngập lắm Saigon ơi! Saigon ơi, người ta còn có cảm giác mỉa mai. Người dân bị bắt đóng tiền chống ngập (con số rất lớn) mà vẫn tiền mất tật mang, ngập vẫn cứ ngập. không ai còn mỉa mai nổi, chỉ thấy xót xa cay đắng.
Chín chục triệu người dân, có rất nhiều thần đồng.Sao không lo được một chuyện chẳng hề xảy ra thời còn chế độ cũ. Nhớ lại ngày xưa khi còn đi học, thầy cô trong trường tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng trên thế giới, nhưng khi nhắc đến tên, chẳng ai biết thầy cô có bao nhiêu bằng cấp. Mà điều này có cần thiết phải kể ra không? Thầy cô chỉ biết mang tâm huyết dạy dỗ cho học trò, theo truyền thống đạo đức của nhà giáo chân chính. Đâu có ai màng đến danh hiệu này, chức vụ nọ.
Học trò chỉ gọi rất thân thương trìu mến: thầy Phùng Trung Ngân, thầy Chu Phạm ngọc Sơn, cô Mai Trần Ngọc Tiếng, cô Tô ngọc Anh… Ngay cả ở hải ngoại, chỉ cần nói tên Steve Job, Bill Gates... không cần kể tới chức vụ, vì nhiều chức vụ quá, biết kể cái nào? Nhưng trong nước, mỗi khi nói đến tên của những người có chức phận, người ta phải kèm theo học vị và cấp bậc: đồng chí XYZ tiến sĩ viện trưởng viện nọ viện kia. Tên thì ngắn, nhưng những chữ kèm theo thì dài. Ngày xưa tôi nhớ chỉ gọi thầy Nguyễn chung Tú, đâu cần phải nói thầy Khoa Trưởng. Như vậy có phải do mặc cảm thua kém, nên họ mới phải khoe ra. Có điều chẳng biết mấy chục năm trong rừng, họ học ở đâu, mà sao có nhiều tiến sĩ thế. Tiến sĩ là học vị cao nhất, một khi đã nhận vơ, thì chọn cái cao nhất. Ở Mỹ muốn có bằng tiến sĩ, phải học tới 11 năm đại học.
Một nước có tới mấy chục ngàn ông bà tiến sĩ, chẳng thấy ai làm gì để cho dân bớt khổ.
Ông đứng làm chi đấy hỡi ông.
Trơ trơ như đá, vững như đồng
(vịnh ông tiến sĩ giấy)
Nhân hiền tại mạo, tinh hoa phát tiết ra ngoài. Trông mặt mà bắt hình dong. Những câu ca dao tục ngữ của ông cha ta cũng đâu có sai. Tiến sĩ gì mà mặt tối như đêm 30. Mẹ tôi thường mỉa mai nói thế, khi nhìn thấy một giàn ông lãnh đạo. Cũng veston cà vạt, nhưng áo đi đàng áo, người đi đàng người. Có phải vậy không? Hay tại vì mình yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng! Cá chết, nước ngập, nhưng vẫn tổ chức hội hè đình đám. Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.Mỗi khi có thiên tai xảy ra, thì không cần chờ chính phủ kêu gọi. Người dân cũng tạm ngưng tới những nơi giải trí. Nhưng hôm nay miền Trung đang bị bão, chẳng thấy chính quyền cứu trợ, mà chỉ thấy tư nhân đứng ra cứu giúp người hoạn nạn.
Tội nghiệp chó cắn áo rách. Dân miền Trung đã nghèo, giờ lại nghèo thêm.
Một miếng khi đói, bằng một gói khi no.
Máu chảy ruột mềm.
Lá lành đùm lá rách,
Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.
Những câu ca dao ai cũng thuộc nằm lòng. Chẳng lẽ mấy ông lớn không có trái tim. Hay là đèn nhà ai nấy sáng. Miền Trung lụt chứ có phải Hà Nội đâu. Quả thật, khi họ phô trương những lễ hội này, những festival nọ, họ chẳng bao giờ nghĩ thế giới sẽ nghĩ gì họ.
Lòng nhân ái bị lợi dụng cho tới bao giờ. Các bạn bè của tôi ở nơi đây, cứ cặm cụi âm thầm gây quỹ cứu trợ cho trẻ em nghèo, và những người già neo đơn. Còn chính quyền thì:
Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.
Mũ ni che tai. Cứ giả ngơ giả điếc.
Chỉ cần đừng làm những cái bánh chưng khổng lồ, những tượng đài ngàn tỉ là dư sức xây một cái cầu vững chắc cho trẻ con đi học.
Không xây trường học nhà thương, mà toàn xây resort và sân golf. Mọi thứ khập khễnh. Khách sạn 5*, nhà thương 0* (không sao), đi học đu dây, hay chui vào bao nylon. Cầu sắp sập, đường chờ lún.Quả thật mọi người ở xứ tôi, ai cũng can đảm phi thường. Đường có chờ lún, thì cũng phải đi. Cầu sắp sập, không đi thì đi đường nào. Treo bảng cho biết, nhưng mặc kệ chẳng có cách giải quyết. Có phải người dân nước ta can đảm, hay không còn cách nào khác.
Trói chân vào đánh, khen thay chịu đòn.
Trời kêu ai nấy dạ. Chứ làm sao bây giờ?
Tưởng rằng hai chữ bó tay, chỉ là cách diễn tả trong văn chương, dùng để chỉ một sự thất vọng não nề. Nhưng mới đây thì hai chữ bó tay, đã có một hình ảnh kèm theo rất thật. Vì người này bị bó cả tay lẫn chân.
Bó tay rồi lại bó chân.
Bó cho thật chắc, đưa em về nhà.
Về nhà bó chiếu vẫn hơn.
Xác em không phải nằm co lề đường.
Hình ảnh người anh trai, cột xác em gái đàng sau xe gắn máy, để mang về nhà mai táng, với đôi dép cũ mòn vẫn còn máng ở chân, đã gây sốc cho tất cả mọi người trong và ngoài nước. Website bótay.com là web bao trùm tất cả mọi lãnh vực của nước Việt Nam bây giờ. Chẳng biết tới bao giờ mới có tia sáng le lói cuối đường hầm, cho dân tôi bớt khổ.
L.T. M.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét