Một đám cưới tổ chức theo kiểu truyền thống ở Huế. Ảnh: Nam Trung
TTH - Hình ảnh đám cưới của người Huế ngày trước với những lễ vật cau lồng, rượu ché, bàn thờ gia tiên, những chiếc áo dài cưới cổ xưa... trong trưng bày “Đám cưới cổ truyền Huế” gợi cho người xem nét đẹp thuần phong mỹ tục không lẫn với vùng miền nào khác.
<!>
Nét xưa
Là kinh đô xưa, Huế còn lưu giữ nhiều nét đẹp của thuần phong mỹ tục, trong đó đám cưới cũng mang nét độc đáo riêng biệt. Mong muốn giới thiệu những giá trị truyền thống của đám cưới Huế trong dân gian, Bảo tàng Văn hóa Huế trưng bày chuyên đề “Đám cưới cổ truyền Huế”, từ ngày 30/11 đến 28/2/2018.
Những hình ảnh về đám cưới xưa với các bước lễ nghi cơ bản, những tư liệu quý, hiện vật có giá trị trong đám cưới của người dân Huế khoảng thập niên 60 và 70 cùng hiện vật gốc, như: thiệp cưới, giấy hôn thú, áo dài cưới, khay cau trầu rượu, các bản hương ước, luật lệ xưa… giúp người xem hiểu thêm về những nét đẹp bình dị, đặc sắc trong phong tục cưới hỏi của người dân Cố đô.
Các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa tham quan không gian trưng bày đám cưới truyền thống Huế tại Bảo tàng Văn hóa Huế. Ảnh: Phan Thành
Từ cách bài trí bàn thờ gia tiên, mâm lễ vật cho đến đoàn rước dâu, hay những vật phẩm người thân, bè bạn tặng cho cô dâu chú rể... được Bảo tàng Văn hóa Huế tái hiện lại sinh động, chân thật. Không gian trưng bày còn có giường cưới với lễ giao bôi hợp cẩn trong đêm tân hôn. Khay lễ gồm 12 miếng trầu, muối, gừng và rượu giao bôi biểu trưng cho nghĩa tình nồng thắm, vợ chồng gắn bó hòa thuận, ăn ở với nhau đến trọn đời... Thú vị nhất là hình chụp những đôi trai gái cùng cha mẹ hai bên ký vào sổ hôn thú ngay tại lễ cưới mà ngày nay không còn duy trì.
Theo tập tục xưa, lễ cưới Huế có đủ các bước thủ tục gồm “lục lễ” (sáu lễ): Nạp thái (sơ vấn), vấn danh (hỏi tuổi), nạp cát (nói vợ), nạp tệ (lễ hỏi), thỉnh kỳ (xin ngày) và thân nghinh (lễ cưới). Với quan niệm “Trọng lễ nghi, khi tài vật”, đám cưới Huế có phần cầu kỳ hơn ở phần lễ nhưng không quá chú trọng vào vật chất, tiết kiệm chứ không phô trương. Tùy tình hình kinh tế, địa vị xã hội của hai gia đình mà người ta tiến hành tiểu lễ, trung lễ hay đại lễ. Lễ vật cưới thường có: cau lồng, rượu ché, bánh phu thê, đèn, heo, nếp... Ngoài ra, trong đám cưới không thể thiếu lễ lại mặt với ý nghĩa cám ơn người mẹ cô dâu đã có công nuôi dưỡng, giáo dục cô trở thành con hiền dâu thảo.
Một góc không gian trưng bày
Tiếp nối truyền thống
Không phải là đám cưới thật nhưng không gian trưng bày gợi cho người xem bao xúc cảm. Những người lớn tuổi đến đây để nhớ về một thời tuổi trẻ, nhớ về ngày lễ trọng đại của đời mình. Trong không gian trưng bày này, có nhiều vật dụng, lễ vật trong đám cưới là của nghệ nhân Lê Văn Kinh. Đã mấy mươi năm nhưng ông vẫn gìn giữ chúng như những vật trân quý. Nghệ nhân nhớ lại: “Hồi cưới vợ, tôi sắm tất cả những vật dụng cần thiết, từ chiếc khay cẩn đựng trầu đến những cái tráp đựng lễ vật. Chiếc áo cưới của vợ cũng do chính tay tôi thêu. Tôi còn nhớ, đoàn rước dâu trong đám cưới có đến 12 chiếc ô tô... Từ bấy đến nay, vợ chồng tôi sống hạnh phúc bên nhau đến đầu bạc, răng long. Tôi mong các thế hệ kế tiếp cũng sống hạnh phúc như vậy và truyền thống này được lưu giữ mãi mãi”.
Đám cưới của GS. TS. Thái Kim Lan diễn ra ở Đức nhưng những chiếc áo dài cưới, những hình ảnh tư liệu xưa gợi cho bà bao ký ức: “Các nghi lễ đám cưới trưng bày ở đây tái hiện được khung cảnh đám cưới ngày xưa. Tôi nhớ đến thời son trẻ, nhớ đám cưới của chị tôi, bạn bè tôi, cảm động khi nhìn thấy áo cưới của những người quen cũ, như phu nhân của cố họa sĩ Vĩnh Phối. Hình ảnh giường, gối thêu được trưng bày rất dễ thương, vẽ nên không gian êm đềm mà nơi đó con người bắt đầu tạo dựng hạnh phúc cho mình”.
Hình ảnh tư liệu cô dâu ký vào sổ hôn thú
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, đám cưới của thập niên 60, 70 là phong tục tốt đẹp mà Huế giữ và bảo tồn được trong khi những nơi khác hầu như đã lãng quên. Đám cưới là sự thừa nhận của cộng đồng và dòng họ tác hợp cho đôi trẻ nên không chỉ có ý nghĩa gia đình mà còn có ý nghĩa cộng đồng. Chính ý nghĩa xã hội ấy kết chặt hai con người, truyền thống hai gia đình với nhau, làm cho đôi trẻ kiềm chế để không dẫn đến việc ly hôn.
Ngày nay, tính truyền thống trong đám cưới ở Huế vẫn được tiếp nối tuy có tinh giản hơn. Nếu trước đây, nghi lễ trong đám cưới được chia rạch ròi gồm 6 lễ thì nay, tùy theo điều kiện của từng gia đình mà các bước lễ có thể duy trì đầy đủ hay giản lược. Một số gia đình tinh giản chỉ còn lễ dạm mặt, lễ hỏi và cưới hoặc có gia đình chỉ còn duy trì lễ cưới. Tuy nhiên, ý nghĩa cơ bản vẫn được bảo lưu, đều nói lên niềm mơ ước hạnh phúc của những đôi trai gái, sự mãn nguyện của những người làm cha mẹ và sự vui mừng của họ hàng thân hữu. Hồ Ben, sinh viên Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế chia sẻ: “Thật thú vị khi xem lại những hình ảnh đám cưới cổ truyền. Nghi lễ dù có rườm rà nhưng đám cưới là một trong những việc quan trọng nhất đời người nên sau này em vẫn muốn duy trì các bước nghi lễ này trong đám cưới của mình”.
Theo bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế, trưng bày “Đám cưới cổ truyền Huế” không ngoài mục đích góp phần bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa Huế và xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới phù hợp với truyền thống, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Từ nội dung trưng bày này, công chúng có thể hiểu sâu hơn lễ nghi trong đám cưới cổ truyền thập niên 60, 70. Đồng thời, giúp cho các đôi trai gái ngày nay hiểu được những giá trị cốt lõi cần giữ lại để tổ chức đám cưới của mình tiết kiệm, văn minh nhưng không kém phần trang trọng.
Trong những ngày Huế mưa dai dẳng, không gian trưng bày về đám cưới cổ truyền là một điểm đến thi vị và nói như GS. TS. Thái Kim Lan: “Vui nhất của đời người có lẽ là đám cưới. Bước đến không gian này, nhìn chữ Hỷ sáng bừng bỗng nhiên tôi thấy Huế mùa đông không buồn nữa, cảm ơn Bảo tàng Văn hóa Huế đã vẽ thêm niềm vui trên không gian của Huế”.
Bài, ảnh: MINH HIỀN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét