Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

Thanh Thúy, Hiện Tượng Khó Giải Thích - Du Tử Lê



Chân dung ca sĩ Thanh Thúy trên những bài nhạc của nhạc sĩ Trúc Phương ngày xưa Ngay từ thời đầu của nền Đệ Nhất Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trước sự phát triển đồng đều mọi bộ môn Văn học Nghệ thuật, chỉ trong một thời gian rất ngắn, khiến hôm nay nhìn lại, nhiều người còn ngạc nhiên. Người ta ghi nhận được sự thăng hoa từ lãnh vực thi ca qua tới hội họa, kịch nghệ, điện ảnh và, nhất là ở lãnh vực trình diễn âm nhạc.
<!>
Ở lãnh vực này, cuối thập niên 1950 đã mang đến cho giới thưởng ngoạn nhiều tiếng hát lẫy lừng, như những vì sao rực rỡ trong bầu trời Tân nhạc. Đó là thời gian lên ngôi hay đăng quang của những tiếng hát nữ; như Thái Thanh, Bích Chiêu, Hà Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao, Lệ Thanh, Bạch Yến, Lệ Thu… Rồi tới lớp trẻ hơn một chút, người ta thấy có Thanh Lan, Giao Linh, Phương Hồng Quế, Khánh Ly…

Nhưng có dễ không có một sự xuất hiện nào, như sự có mặt của tiếng hát Thanh Thúy, một sớm, một chiều, đã được ghi nhận là một hiện tượng khó giải thích: cô được nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Trúc Phương, Trịnh Công Sơn sáng tác những ca khúc nổi tiếng dành tặng, hay ngợi ca tiếng hát cũng như con người của cô. Điển hình là các ca khúc “Ướt Mi,” “Thương Một Người” của Trịnh Công Sơn; hoặc “Nửa Đêm Ngoài Phố,” “Phố Đêm”… của Trúc Phương.

Tài tử Nguyễn Long cũng đã thực hiện nguyên một cuốn phim về cô, nhan đề Thúy Đã Đi Rồi, khi người nữ danh ca không đáp ứng tình yêu cuồng nhiệt của ông. Nguyễn Long cũng là tác giả bài “Thôi” do Y Vân phổ nhạc.

Không chỉ có thế! Cùng lúc dư luận cũng ghi nhận sự ngợi ca của Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Đại học Văn khoa Sài Gòn, trước 1975, và thi sĩ Nguyên Sa (cũng từng là Giáo sư Đại học Văn khoa) dành cho Thanh Thúy sau thời điểm 30 tháng Tư, 1975, ở hải ngoại.

Rất nhiều người vẫn còn nhớ bốn câu thơ tuyệt tác của nhà thơ Hoàng Trúc Ly, viết tặng Thanh Thúy, ngay khi cô vừa trở thành người của quần chúng:

Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô. (1)

Tất nhiên, nhiều người cũng không quên một bài viết khá dài của nhà văn Mai Thảo, đăng trên Tuần báo Kịch Ảnh hồi Tháng Tư, 1962, mệnh danh Thanh Thúy là “Tiếng hát không giờ”; bên cạnh “Tiếng hát liêu trai” của Giáo sư Nguyễn Văn Trung chọn đặt cho Thanh Thúy. Hay “Tiếng sầu ru khuya” của nhà văn Tuấn Huy cũng dành cho tiếng hát hiếm, quý ấy.

Để giải thích hiện tượng đặc biệt về một ca sĩ, ở lãnh vực nghệ thuật, tại sao lại được giới trí thức, văn nghệ sĩ thuộc lãnh vực văn học như thế khen ngợi, có người nhấn mạnh tới sự kiện: vì, gia đình gặp khó khăn tài chánh, để nuôi mẹ và các em, Thanh Thúy phải xin đi hát từ năm 16 tuổi…

Nhưng, đó không phải là trường hợp duy nhất; nếu người ta chưa quên, nữ danh ca Minh Hiếu từng bỏ Bình Long, lên Sài Gòn, khi mới 16 tuổi, với dự định đi học may vì hoàn cảnh gia đình cũng đang trong thời kỳ khó khăn. Bất đồ, cô được một người quen giới thiệu với nhạc sĩ Ngọc Chánh, khi đó là trưởng ban nhạc phòng trà Hồ Tắm Cộng Hòa, đường Lê Văn Duyệt, và được tác giả “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” nhận cho hát.

Nhạc sĩ Ngọc Chánh kể, khởi đầu, Minh Hiếu chỉ biết có hai ca khúc là “Nỗi Lòng” của Nguyễn Văn Khánh và, “Gợi Giấc Mơ Xưa” của Lê Hoàng Long. Vậy mà cũng rất mau chóng, Minh Hiếu trở thành danh ca. Cuối cùng, cô còn trở thành phu nhân của một ông tướng trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Ngoài ra, trong sinh hoạt trình diễn của 20 năm Tân nhạc miền Nam, theo một số người trong giới, thì chúng ta cũng có khá nhiều nữ ca sĩ có chung một hoàn cảnh như Thanh Thúy hoặc Minh Hiếu…

Tuy nhiên, các sự thật đó, không hề dẫn tới những vinh dự tương tự như những vinh dự mà nữ danh ca Thanh Thúy đã nhận được.

Cũng có người nhấn mạnh tới yếu tố nữ ca sĩ Thanh Thúy đã có một nhân cách cũng hiếm, quý như tiếng hát của cô. Đó là sự kiện cô không bị mang tiếng hay vướng vào bất cứ một “scandal” lớn nhỏ nào, trong suốt thời gian đứng trên sân khấu, dưới ánh đèn chói lọi của danh vọng. Mặc dù cô được rất nhiều nhân vật tên tuổi, quyền thế, giàu có say mê, theo đuổi hằng đêm…

Giải thích này theo tôi, cũng không có tính thuyết phục. Bởi vì tất cả những vòng nguyệt quế vinh quang, Thanh Thúy nhận được đều xảy ra ở thời gian Thanh Thúy mới khởi nghiệp. Mọi thứ chấm dứt sau khi Thanh Thúy lập gia đình với ông Ôn Văn Tài, khi ông này còn là một Sĩ quan Không quân cấp nhỏ.

Tôi trộm nghĩ sẽ rất khó cho ai có ý định giải mã một cách rốt ráo trường hợp ngoại lệ của tiếng hát này.

Với một người như Giáo sư Nguyễn Văn Trung, khi viết về Thanh Thúy, ông cũng đã chọn một tựa đề với từ ẩn ý rất phiếm định là “Ảo Ảnh Thanh Thúy / Tiếng Hát Liêu Trai” (2). Nó đã sớm cho thấy, không thể có được một giải thích dứt khoát về việc tại sao tiếng hát đó lại nhận được quá nhiều ngợi ca, trong khi những tiếng hát nữ khác cũng tài hoa, chẳng những không kém, mà có phần còn trội hơn Thanh Thúy nữa.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung viết: “Thường một ca sĩ ra hát, bao giờ cũng cố gắng làm sao cho người khác để ý đến mình, không những chỉ bằng sự hiện diện trước mặt họ mà còn bằng những cử động, những cái nhìn, nụ cười chiếu thẳng vào khán giả mong làm hài lòng khán giả như mời gọi, quyến rũ. Đứng trước máy vi âm, ca sĩ chú ý đến khán giả mong làm hài lòng khán giả bằng sự phô trương tất cả con người của mình. Trái lại Thanh Thúy ra hát, dĩ nhiên cũng là hát cho khán giả, nhưng làm ra vẻ không chú ý tới khán giả, không tự giới thiệu, đi đến với khán giả bằng cử chỉ nụ cười, cái nhìn Thanh Thúy e lệ, kín đáo, bước ra rụt rè như con cò, tiến đến gần máy vi âm mà không đưa mắt nhìn vào khán giả.

“Lúc hát không làm một cử động nào, hai tay luôn nắm lấy cây sắt của máy vi âm, mắt nhìn xuống đất hoặc nhìn ngang, thỉnh thoảng mới nhìn lên liếc qua rất nhanh khán giả mà không cố ý nhìn một ai. Thanh Thúy không nhìn ai, để trở thành vật được nhìn của tất cả. Hình như đôi lúc Thanh Thúy lại nhắm mắt hay chỉ mở lim dim… Thái độ của Thanh Thúy là đi tới người khác không phải bằng cách cởi mở, đón tiếp, mời gọi với những cái nhìn, nụ cười cử chỉ mà bằng cách khép mình lại, thu mình vào bên trong không xét đến người khác đang nhìn mình. Thỉnh thoảng cô mỉm cười khi lời ý buồn cười, nhưng cũng như cười với mình thôi. Do đó, ra trình diễn mà lại như không muốn cho người xem thấy mình vì Thanh Thúy che giấu mặt đến quá nửa bằng mái tóc bỏ xõa… Hát xong một ca khúc, đi vào trong ngay, không đứng lại bên máy, bên dàn nhạc để hát tiếp ca khúc sau…” (Nđd)

Thanh Thúy và ca khúc “Ướt Mi” của Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn không phải là người đầu tiên gieo cầu nhắm vào Thanh Thúy, mà mối tình đơn phương này còn có nhiều nghệ sĩ khác nữa…

Tiếp tục phân tích thêm về tiếng hát, cũng như con người của nữ ca sĩ Thanh Thúy, Giáo sư Nguyễn Văn Trung qua bài viết của ông, đã ghi nhận thêm rằng: “Thanh Thúy hát những bài hát buồn bằng một giọng trầm, với gương mặt xa vắng, khiến khán giả cảm thấy như họ bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi, nhưng cũng rất quen thuộc, gần gũi với họ.

“Đó là hình ảnh dễ dẫn tới những rung động, cảm nghĩ gắn liền với đất nước, ruộng đồng; với sông Hương, núi Ngự, tiêu biểu cho những gì được gọi là dân tộc, đặc tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định.” (3)

Do đấy, có thể coi Thanh Thúy là hiện thân của nỗi buồn ấy. Cho nên khi hát, Thanh Thúy không chú ý phát âm rõ, và người nghe hình như cũng không đòi hỏi hiểu được lời ca vì cốt yếu là truyền cảm được nỗi buồn, bằng một giọng buồn và thông cảm được điệu buồn, nỗi buồn không nội dung rõ rệt, không nguyên cớ sâu xa.

Cuối cùng, Giáo sư Trung đi tới kết luận… “mở”, rất… phiếm định, rằng: “Có lẽ khán giả thích Thanh Thúy là thích vì vậy, không phải giải thích như một thân xác, nhưng như một người đàn bà, một thiếu nữ Việt, một cô gái Huế qua những cái rất ‘đàn bà,’ rất ‘Việt Nam’ và rất ‘Huế’ của Thanh Thúy.”

Sau thời gian bài viết của Giáo sư Trung được phổ biến, người dân Sài Gòn cũng được đọc bài viết khá “ấn tượng” của cố nhạc sĩ Trịnh công Sơn, xác nhận mối tình một chiều, ông dành cho Thanh Thúy, và quan niệm của ông về lẽ thành, bại, được, mất… của ông.

Mở đầu bài viết có tính cách “tâm sự đời tôi”, Trịnh Công Sơn nhắc tới một câu ngạn ngữ của người Pháp, cho rằng: “Cái gì khởi đầu tốt thì sẽ kết thúc tốt.” Tuy nhiên, theo tác giả ca khúc “Thương Một Người” (một trong những ca khúc ông viết cho Thanh Thúy) thì ở địa hạt văn học, nghệ thuật, đôi khi câu ngạn ngữ kia, chẳng những không đúng mà có khi còn ngược lại. Ông viết: “Có những trường hợp người nghệ sĩ đã khởi đầu rất hay, nhưng kết thúc lại rất tệ.”

Về trường hợp cá nhân mình, Trịnh Công Sơn cho biết, ông bước vào lãnh vực âm nhạc tương đối sớm. Ông nói: “Từ tuổi mười ba, mười bốn, tôi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản tôi có thể thời ấy đã luân lưu những lượng máu bất bình thường…”

Giải thích thêm, ông kể, sau một vài biến cố lớn của gia đình, ông đã bắt đầu một cuộc sống riêng tư, không phẳng lặng. Đời sống mới, từ đó, xô đẩy ông vào sâu mộng mị triền miên. Cũng ngay tự thời đó, có một câu hỏi đã thường trực ám ảnh ông. Câu hỏi: “Bài hát đầu tiên của anh là bài gì?”

Sau những suy gẫm có tính triết lý như những sợi thừng được tung ra tuồng tự cột, trói mình, nhạc sĩ Trịnh nhắc tới ca khúc đầu tiên của ông. Ca khúc “Ướt Mi” viết cho Thanh Thúy.

Đây là một phần lai lịch của bài hát ấy: “Bài hát ‘Ướt Mi’ được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959. Thuở ấy, hình như Nguyễn Ánh 9 đã có lúc đệm đàn piano cho Thanh Thúy hát. Thanh Thúy trở thành giọng hát liêu trai. Anh Nguyễn Văn Trung, Giáo sư Triết thời ấy ở Văn Khoa cũng đã từng có bài viết về một ‘Tiếng hát liêu trai’ Thanh Thúy…”

Trịnh Công Sơn nói, ông cố nhớ lại vào năm 1958, ở một phòng trà Sài Gòn, ông thấy Thanh Thúy hát “Giọt Mưa Thu” của Đặng Thế Phong và cô đã khóc (4). Hồi đó, Trịnh Công Sơn đã sớm biết chuyện thân mẫu của Thanh Thúy bị bệnh lao phổi. Hằng đêm bà hát “Giọt Mưa Thu”, nằm chờ con gái về lại nhà. Những giọt nước mắt ấy, với nhạc sĩ này, như một cơn mưa nhỏ, rơi khắp tâm hồn quá mức mong manh, nhạy cảm của ông. Ông thấy như cơn mưa nhỏ kia, đã đưa ông về một quá khứ xa xôi. Một cõi đời mịt mù nào đó, khiến ông cũng phải nhỏ lệ.

Từ những hạt lệ thương xót cho mẹ của Thanh Thúy, tới hạt lệ “tiền kiếp” chính mình, Trịnh Công Sơn thấy dường như có chung một định mệnh giữa hai tiếng khóc. Ông nói, chúng tìm đến nhau, để làm thành dan díu khởi đầu. Làm thành một thứ tài sản tinh thần riêng của Trịnh Công Sơn. Ông cũng tiết lộ rằng: “Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài ‘Ướt Mi,’ nhưng bài ‘Ướt Mi’ thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi. Hình như người Nhật rất thích nó vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã thu bài hát này. Riêng tôi không thích lắm. Dù sao thì những năm 1959-1960 trong thành phố này nhiều người đã thích và hát.”

Trở lại với một câu ngạn ngữ của Tây phương, tác giả “Ướt Mi” vẫn không quên tự hỏi: “Thế thì bài hát cuối cùng của anh là bài gì? Sẽ như thế nào?” Theo ông, sự kết thúc mọi chuyện trong đời sống đều không giống nhau. Ông vẫn có xu hướng muốn đắm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung. Dù cho: “… Người đời cứ thích kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn.”

Vẫn theo tác giả “Ướt Mi” thì trong mỗi cuộc lên đường, luôn có cái đích để chạm tới. Nhưng trong lãnh vực nghệ thuật lại khác. Cái cuối cùng có thể là cái vô hạn, và biết đâu, có khi nó đã có trước thời hạn mà mình không ngờ tới. Ông cũng quan niệm, sự bất tử không có trước có sau. Thường khi nó nằm ở điểm mọi cơ duyên cùng tụ lại…

Có dễ vì thế mà Trịnh Công Sơn đã, không hề có ý định viết bài cuối cùng bởi vì ông cho rằng, thời điểm cuối cùng, là thời điểm mình không thể nào bắt gặp được. Nếu vì một lý do nào đó, ông bị bắt buộc phải lên đường, để viết về những ý nghĩ cuối cùng thì ông tin rằng, đó là lúc ông sẽ cố gắng cởi trói ông thoát khỏi mọi hệ lụy của đời, để sống chứ không cần phải nói thêm một điều gì nữa.

Bài hát cuối cùng của ông, sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà, ông nghĩ rằng cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa. Để nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức nữa.

Kết thúc bài viết của mình, ông nhấn mạnh: “Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bèo bọt vô hình tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu, có người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy đó làm điều. Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc. Không chắc gì hạnh phúc thì tại sao lại cần phải có bài hát cuối cùng?”

Nhiều người nói, Trịnh Công Sơn không phải là người đầu tiên gieo cầu nhắm vào Thanh Thúy. Ngoài ông, với mối tình đơn phương, còn có nhiều nghệ sĩ khác nữa. Trong số ấy, ồn ào, sôi nổi và cũng bền bỉ nhất là tài tử Nguyễn Long, tự Long Đất…

Tôi không biết Giáo sư Nguyễn Văn Trung có chia sẻ quan niệm không cần phải có thêm cuộc gieo cầu… cuối cùng, như minh xác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

Nguyễn Long và mối tình một chiều với Thanh Thúy

Trong số hàng chục nghệ sĩ từng bày tỏ tình yêu một chiều với Thanh Thúy, dư luận ghi nhận một người “can đảm” đi hết “con đường tình… một chiều” dài thăm thẳm của mình, mà không hề có khoảnh khắc ngập ngừng nào, đó là tài tử Nguyễn Long.

Nguyễn Long (5), trong một hồi ký được Tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ, bộ cũ, số 36, đề Tháng Sáu, 1995, đăng lại, Nguyễn Long cho biết, trước khi thực hiện phim Thúy Đã Đi Rồi vào cuối năm 1961, ông đã có tất cả ba vở kịch, mà Thanh Thúy là linh hồn chính…

Đó là các vở kịch “Ghen”, được diễn tại rạp Cathay và sân khấu Anh Vũ – với Xuân Dung đóng vai Thanh Thúy, hợp cùng các diễn viên Ba Bé, Linh Sơn, Nguyễn Long… vào đầu năm 1960.

Vở kịch thứ hai, nhan đề Khi Người Ta Yêu Nhau, diễn tại rạp Hưng Đạo, cũng trong năm 1960 – với Kim Cương nhập vai Thanh Thúy, cùng Túy Hoa, Bảy Xê, Ngọc Phu, Ba Bé và Nguyễn Long.

Vở kịch thứ ba, có tên Tan Tác, cũng vẫn Kim Cương vai Thanh Thúy, cùng với Vũ Đức Duy, Vân Hùng, Túy Hoa, và Nguyễn Long…

Không biết có phải vì thấy rằng, ba vở kịch viết riêng cho “Tiếng hát liêu trai” vẫn chưa đủ “nặng ký”, để Thanh Thúy chú ý tới tình yêu cuồng nhiệt của mình, nên Tháng Mười Một, 1961, Nguyễn Long viết, và quay cuốn phim Thúy Đã Đi Rồi; với Minh Hiếu vai Thanh Thúy, Yến Vĩ vai Thanh Mỹ (em ruột Thanh Thúy?); và Mai Trường, Trần Văn Trạch, Ánh Hoa cùng rất nhiều nghệ sĩ khác, như Hùng Cường, Minh Chí, Ngọc Hương, Hề Minh…

Được biết, nội dung cuốn phim mô tả một ông đạo diễn yêu say mê một ca sĩ, nhưng không được đáp lại. Ông bị ám ảnh tới mức thấy thiếu nữ nào, ông cũng liên tưởng tới người ca sĩ mà ông đã đem lòng tương tư đêm, ngày. Cuối cùng, trong một phút bốc đồng, mất kiểm soát, người đạo diễn kia đã bắt cóc và giết chết cô ca sĩ. Tuy nhiên, không nhờ thế mà ông ta xóa nhòa được hình ảnh cô ca sĩ trong tâm tưởng. Cuối cùng, đạo diễn nọ, đã chọn khung cảnh trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, để tự vẫn.

Phải chăng vì tính bi thảm quá dữ dội của nội dung phim, nên phim Thúy Đã Đi Rồi bị cấm tới năm 1964, mới được phép công chiếu. (?) Khi đó, Nguyễn Long đã lập gia đình. Do đấy, vì tế nhị, Nguyễn Long kể rằng: “Phim chỉ được chiếu một lần ở Sài Gòn và một lần ở Huế! Nhưng dù sao thì cuốn phim cũng đã được biết đến một cách rộng rãi trong quần chúng.”

Vẫn theo Nguyễn Long thì sự phổ cập của cuốn phim, sớm trở thành một “cách nói” mới. Đó là khi tìm bạn, không gặp, người tìm đã để lại lời nhắn rằng “Thúy Đã Đi Rồi!”

Tài tử Nguyễn Long cũng ghi thêm, thời gian kể trên là thời gian Thanh Thúy nghỉ hát để lo chuyện gia đình: cô thành hôn với Đại úy Không quân Ôn Văn Tài, năm 1963…

Năm 1967, “Tiếng hát liêu trai” trở lại với không khí phòng trà Ritz ở đường Trần Hưng Đạo, không thành công. Nửa chừng, Thanh Thúy trở lại Cần Thơ, là căn cứ không quân, Ôn Văn Tài phục vụ, thời đó.

Tới cuối năm 1972, một lần nữa, Thanh Thúy trở lại Sài Gòn, hát cho phòng trà Quốc Tế, đường Lê Lợi, với ban nhạc Ngọc Chánh. Lần này, “Tiếng hát lúc không giờ” được mô tả là thành công, ngoại lệ.

Nguyễn Long kể: “Sự kỳ diệu hiếm hoi đã xảy đến cho Thanh Thúy khi tiếng hát của Thúy lại vang xa, vang xa hơn, và vẫn thu hút, vẫn quyến rũ như ngày nào…”

Trong hồi ký của mình, Nguyễn Long cũng kể chuyện đầu năm 1963, ca sĩ Duy Khánh (một trong những nghệ sĩ cũng từng âm thầm theo đuổi Thanh Thúy nhiều năm trước), tổ chức một chương trình đại nhạc hội ở ba nơi: Huế, Đà Nẵng và, Quảng Trị…(6)

Phần kịch, Duy Khánh chọn diễn mấy vở của Nguyễn Long cùng với ban nhạc Thăng Long, Thanh Thúy, Mai Vi, Khánh Băng và, Nguyễn Long.

Sau đêm hát cuối cùng ở Quảng Trị, hôm sau, mọi người trở lại Đà Nẵng, để lên máy bay về Sài Gòn. Theo sắp xếp thì trên chiếc citroen từ Quảng Trị về Đà Nẵng, sẽ có vợ chồng Nguyễn Long, Hoài Bắc, Thanh Thúy và Duy Khánh. Tuy nhiên, để bày tỏ tình yêu cũng như cho thấy sự… can đảm vì tình yêu, Duy Khánh nhất định không đi xe hơi mà, một mình chạy chiếc vespa về Đà Nẵng.

Đường xa có tới hàng trăm cây số, theo Nguyễn Long đường đi có nhiều đoạn khúc khuỷu, ngoằn nghèo, lên, xuống đèo rất nguy hiểm… Nhưng Duy Khánh vẫn lái chiếc vespa như bay trước mũi xe citroen…

Nguyễn Long viết: “Nhiều khi anh lại cố tình lái sát bờ đèo để tỏ cho người ngồi trong xe biết là anh đang rất buồn và sẵn sàng… được chết. Những trường hợp như thế hay với bất cứ trường hợp nào khác, Thanh Thúy cũng chỉ mỉm cười…”

Sự việc diễn ra ngay trước mắt này, khiến Nguyễn Long chợt nhìn lại mình. Họ Nguyễn nhớ, ông từng có 400 đêm ngủ trước cửa nhà Thanh Thúy. Ông cũng có chín lần lái xe đâm thẳng vào quán Anh Vũ, lúc Thanh Thúy, có mặt, trình diễn. Ngoài ra, trong thời gian quay phim Thúy Đã Đi Rồi ở Huế, thình lình nhận được điện thoại của “Tiếng hát liêu trai”, Nguyễn Long đã lái xe từ lúc 5 giờ sáng ở Huế, để có mặt tại Sài Gòn 9 giờ tối ở phòng trà Tự Do…

Ông tâm sự: “Rất nhiều lần tôi tỏ ra là một cây si… ‘nặng ký,’ nhưng cũng chỉ nhận được nụ cười, như nụ cười Thanh Thúy đã dành cho Duy Khánh mà thôi.”

Sau biến cố 1975, mãi tới Tháng Năm, 1981, người thực hiện, và đóng vai chính trong cuốn phim Thúy Đã Đi Rồi, mới gặp lại Thanh Thúy ở San Francisco (sau hơn 10 tháng ở trại đảo). Nguyễn Long viết: “Gặp lại dĩ vãng thần tiên của mình và thấy Thanh Thúy hát trên sân khấu San Francisco, tôi thấy Thúy muôn đời không thay đổi. Thúy là người ca sĩ, bạn hiền nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. Giọng hát của Thúy vẫn như xưa. Có phần chắc hơn, già dặn và rung cảm hơn. Thúy là một trong số ít ca sĩ vẫn giữ được giọng hát của mình, không sút giảm dù qua biết bao thăng trầm của đất nước và cá nhân…”

Thanh Thúy, tiếng hát khói sương

Ở một góc độ khác, góc độ thi sĩ và đồng thời là Giáo sư Triết, nhà thơ Nguyên Sa cũng đã có bài nhận định về trường hợp ngoại lệ của tiếng hát Thanh Thúy.

Mở đầu bài viết, nhà thơ Nguyên Sa nhắc tới bốn câu thơ tuyệt tác của Hoàng Trúc Ly, dành cho Thanh Thúy. Kế tiếp, ông thuật lại cuộc đối thoại giữa ông và tác giả bài “Thanh Thúy, Tiếng Hát Lúc Không Giờ” của nhà văn Mai Thảo:

“Tôi hỏi Mai Thảo:
– Tại sao tiếng hát lúc không giờ?

Mai Thảo trả lời bằng những tiếng ngắn:
– Vì muộn.

Tôi biết ngôn ngữ với Mai Thảo, là mật ngữ, lặng im là siêu ngữ, phối hợp mật ngữ với siêu ngữ mới làm mở tung ra được cánh cửa lớn của kỳ ngữ.

Bạn tôi đã cất tiếng:
– Là muộn màng…”

Tác giả “Tuổi Mười Ba” viết, ông hiểu “Tiếng hát khói sương” trong ngôn ngữ ẩn và hiện của tác giả Tháng Giêng Cỏ Non, có mong manh, có mờ khuất, có âm thanh thực tại bao phủ trong âm thanh phi thực, có nữ ca sĩ và cánh bướm bay chập chờn trong đêm.

Không thể phân định Thanh Thúy đang bằng giọng hát, đang bay đi trong đêm, trở mình, chiếc áo đã thành cánh bướm trong khói, trong sương, hay chính cánh bướm, từ khói, từ sương, đang lần theo hơi thở trở về làm thành tiếng hát tuyệt vời, người nữ ca sĩ tuyệt vời đang lãng đãng trôi.

Một tiếng hát chuyên chở được trọn vẹn cả mộng và thực như thế, tất yếu phải có một thời điểm của nó. Có thời điểm của mặt trời mọc, có thời điểm của mặt trăng lên, có thời điểm của hoa quỳnh, có thời điểm của dạ lan.

Không phải giờ nào ngắm trăng cũng được, không phải giờ nào xem hoa quỳnh cũng được, không phải giờ nào nghe Thanh Thúy cũng được. Phải nghe vào lúc đó, lúc khuya, lúc muộn, lúc thời điểm của “Tiếng hát lúc không giờ”, lúc thời gian và không gian gồm thâu trong tà áo và hơi thở của “Tiếng hát khói sương”.

Tác giả của “Áo Lụa Hà Đông” kể lại thời ông làm băng nhạc ở xứ người, những năm thuộc thập niên 1980, 1990, với nhạc sĩ Lê Văn Thiện, phụ trách phần hòa âm. Ông nói với họ Lê rằng, ông muốn tiếng hát Thanh Thúy mở đầu cho cuốn băng có nhiều tiếng hát. Mặc dù ông biết, bình thường nhà sản xuất luôn đợi tới khi mọi tiếng hát đã thu xong, đã được nghe đi, nghe lại nhiều lần rồi mới chọn tiếng hát mở đầu cho cả cuộn băng. Ông kể, ông không ngờ, nhạc sĩ Lê Văn Thiện, đồng ý ngay, không chút thắc mắc.

Với tác giả “Tháng Sáu Trời Mưa”, tiếng hát Thanh Thúy là tiếng hát tổng hợp được khói và sương, thực và phi thực, cuộc đời và mộng ảo, hiện tại và sự trôi chảy của thời gian, có và không, còn gì phải nghi ngờ, có gì phải thắc mắc!

Người thi sĩ của chúng ta viết: “Thực mà phi thực. Như khói, như sương. Mong manh như con chim nhạn bay trong dòng sông sương mù, Thanh Thúy mỏng manh, đôi mắt to đen sâu thẳm, mái tóc đen chảy xuống, hai bờ vai chao đảo, giọng hát cất lên mà như nói, ca mà như tâm sự, âm thanh mà như ve vuốt, điệu láy, như đầu đã tựa vào vai, tiếng ngân làm thành sợi tóc lùa vào trên ngực. Chính trong tất cả những ý nghĩa đó, có thêm sự hiện diện của dòng sông đam mê, có cộng với ý thức định mệnh, Nguyễn Văn Trung gọi tiếng hát Thanh Thúy là ‘Tiếng hát liêu trai’ Tuấn Huy gọi là ‘Tiếng sầu ru khuya’…”

Tiếp tục dòng cảm xúc cực tả, Giáo sư Triết Nguyên Sa/Trần Bích Lan thấy mái tóc đen, dài, đổ xuống một bên vai như dòng thác lũ. Một đôi mắt mở to hồn nhiên. Một khóe môi cười… Hai bàn tay nâng niu tà áo. Thanh Thúy đó. Người con gái hai mươi mốt mùa xuân đó. Nàng ngồi kia. Lọ hoa cẩm chướng ngăn đôi giữa thi sĩ và ca sĩ. Mùi hoa phảng phất thơm. Không khí mơ màng như có hương trầm…

Thi sĩ ngước lên tấm hình thân mẫu Thanh Thúy. Vòng nhang cuộn tròn… Ông nhớ nhà văn Tuấn Huy, người cũng có ấn tượng mạnh mẽ về vòng nhang cuộn tròn, thắp lên, tưởng nhớ thân mẫu Thanh Thúy qua đời một tháng trước đấy. Cơn đau của bà mẹ hiền đã làm thành động lực đẩy Thanh Thúy ra trước tiền trường sân khấu.

Thanh Thúy nói với thi sĩ rất đơn giản, chân tình: “Em bắt đầu hát ở phòng trà Văn Hoa, trước là Việt Long, cũng gọi là phòng trà Đức Quỳnh, chủ là bà Việt Long, đường Cao Thắng, năm 1959.”

Thi sĩ hỏi: “Năm ấy em bao nhiêu tuổi?”

Cô nói: “Em mười lăm tuổi, anh. Em muốn kiếm tiền để nuôi và lo thuốc thang cho mẹ em… Văn Hoa hồi ấy có Lưu Bình trống. (Sau Lưu Bình lấy con gái bà Việt Long). Ở đó còn có Lê Đô, trompette, có Chấn, piano. Bài hát đầu tiên em hát là bài ‘Nhạt Nắng’ của Xuân Lôi. Một bài tango…”

Với nhà thơ Nguyên Sa thì, tango hay rumba, bolero, boston hay valse, paso hoặc nhạc khúc miền Trung đều biến giọng hát Thanh Thúy thành “Giọng hát ma túy”. Nghe là phải thích. Thích là phải mê, phải ghiền. Ông không biết giữa hai chữ “Ghiền” và “Mê” chữ nào mãnh liệt hơn.

Nhưng, theo giáo sư triết này thì “mê” nhiều phần tâm lý hơn sinh lý, thuộc về tinh thần nhiều hơn phần thân xác. “Ghiền” thuộc về sinh lý nhiều hơn tâm lý, nó nghiêng về thân xác nhiều hơn tâm hồn. Nhiều ràng buộc, nhiều xiềng xích hơn.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung cũng nghĩ đến xiềng xích, ràng buộc, rõ ràng có định mệnh, chắc chắn không thể vượt thoát, lại còn có cả Đông phương huyền hoặc và, siêu nhiên với “Tiếng hát liêu trai”.

Thi sĩ của chúng ta cất tiếng hỏi: “Người thanh niên nào không muốn lạc vào thiên đường ấy, thiên đường đột nhiên hiện ra, ghì chặt lấy thân thể, cuốn chặt tứ chi, hút lấy trong rạo rực cả tinh túy của thân xác và linh hồn, cho mà dâng hiến, hân hoan, mộng thôi mà điên cuồng, mà thực không còn thực. Liêu trai. Thiên đường. Thiên đường đó: Tiếng hát liêu trai.”

Trước khi chấm dứt bài viết, nhà thơ Nguyên Sa đã làm một sơ kết về những bài viết, những ngợi ca chưa từng đến với bất cứ một tiếng hát nào khác, ngoài Thanh Thúy. Như Nguyễn Văn Trung, Mai Thảo, Tuấn Huy, Nguyễn Long (không kể các nhạc sĩ)… Vẫn theo ông, hiện tượng này cho thấy Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, cảm xúc của cả một thời đại, phản ảnh cái khách quan mênh mông, trong cái chủ quan riêng lẻ sống thực và, chân thành.

Tác giả bài thơ nổi tiếng “Nga” xác nhận: “Hẳn nhiên những ca khúc viết tặng cho ‘Tiếng hát lên trời’ còn nhiều hơn nữa. Trịnh Công Sơn trước những ngày Văn khoa, trước những ngày Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Trịnh Công Sơn những ngày tháng đầu đời, đã viết ‘Ướt Mi’ cho Thanh Thúy. Trịnh Công Sơn nói với Thanh Thúy sẽ tặng Thanh Thúy trước sau hai ca khúc, ‘Ướt Mi’ ca khúc đầu tay của người nhạc sĩ lừng lẫy và ca khúc cuối cùng của đời anh. Tình cảm vời vợi. Tình cảm vời vợi bao phủ cả một thế hệ khi tiếng hát liêu trai, tiếng hát ma túy, tiếng hát khói sương cất lên. Làm sao không vời vợi? Làm sao không yêu?” (Trích Nguyên Sa, Nghệ Sĩ Việt Nam ở Hải Ngoại, tập 1)

Câu hỏi trước khi ra khỏi bài viết của thi sĩ Nguyên Sa, tới hôm nay, vẫn còn được một số người nhắc tới, về Thanh Thúy, như một hiện tượng gom được cả thực và phi thực. Cả có và không trong một tiếng hát. Một con người…

Du Tử Lê

Chú thích:
(1) Có bản chép “Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau.”

(2) Theo tư liệu và được sự cho phép của Tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 43, đề ngày 4 Tháng Mười Hai, 2015, chủ đề “Nữ danh ca Thanh Thúy.”
(3) Thanh Thúy sinh năm 1943 tại Huế. Đi hát từ năm 1959. Năm 1961, cô được chọn là “Hoa hậu nghệ sĩ”, do Bác sĩ Trương Quang Hớn tổ chức ở phòng trà Anh Vũ. Đồng thời cô cũng được coi là nữ ca sĩ ăn khách nhất trong ba năm liên tiếp.

(4) Đặng Thế Phong sinh năm 1918, mất năm 1942. Ca khúc “Giọt Mưa Thu” là sáng tác cuối cùng của ông, viết vào những ngày cuối đời trên giường bệnh năm 1942. Ban đầu bản nhạc mang tên “Vạn Cổ Sầu”, nhưng theo ý một vài người bạn, ông đặt lại là “Giọt Mưa Thu” cho bớt sầu thảm. Một số tài liệu xưa từng ghi, ca khúc này có sự tham gia viết lời của cố nhạc sĩ Bùi Công Kỳ (1919-1985). (Nguồn: Bách Khoa Toàn Thư – Mở).

(5) Tài tử Nguyễn Long tên thật Nguyễn Ngọc Long, sinh ngày 2 Tháng Ba, 1934, tại Hải Phòng. Ông mất ngày 2 Tháng Mười Một, 2009, ở thành phố Seattle, Washington. (Nguồn: Bách Khoa Toàn Thư – Mở).

(6) Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Duy Khánh sinh năm 1936 tại Quảng Trị, mất năm 2003 ở miền Nam California. Ông được coi là một trong “Tứ trụ Nhạc vàng” thời kỳ đầu. Ba người kia là Nhật Trường, Hùng Cường và Chế Linh. (Nguồn: Bách Khoa Toàn Thư – Mở).
* * *
Mời nghe hai bản nhạc xưa gắn liền với tên tuổi Thanh Thúy:
* Ướt Mi. Sáng tác: Trịnh Công Sơn. Trình bày: Thanh Thúy
* Thúy Đã Đi Rồi. Sáng tác: Y Vân. Trình bày: Hùng Cường

Không có nhận xét nào: