Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Giới Thiệu Sinh Hoạt Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang San Jose, Với Chiều Nhạc “Quê Hương Bỏ Lại” Chủ Nhật Tuần Này! và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Giới Thiệu Sinh Hoạt Hay Lạ, Độc Đáo, Nhiều Ý Nghĩa! Ít Khi Nào Có! Chiều Nhạc Tha Hương “Quê Hương Bỏ Lại” Trong mục đích “Tiếng Việt còn, Nước Việt còn!” Nhằm gây quỹ điều hành Cho Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang. Một trung tâm dạy Tiếng Việt quy mô nhất tại Hải ngoại, với hàng trăm Cô Thầy, hàng ngàn học sinh, bền bỉ hoạt động 42 năm qua! Thành tích không một nơi Hải Ngoại nào có! do những người trẻ điều hành, đầy thiện chí, rất đáng ca ngợi


<!>
Chiều Nhạc “Quê Hương Bỏ Lại” 


Lúc: 6 giờ chiều Chủ Nhật tuần này, ngày 5 tháng 5, năm 2024.
Tại: Nhà hàng Dynasty
1001 Story Rd, San Jose, Ca 95122
Với các ca sĩ nổi tiếng như Thiên Kim, Việt Khang, đôi song ca Ngọc Ngữ Châu Ngọc Hà, ca sĩ Hoàng Hiệp và cô bé đáng yêu luôn tham gia trong các sinh hoạt cộng đồng của chúng ta, Jenny Đan Anh cùng 2 MC được yêu thích nhất tại San Jose, Hoàng Tuấn và Vân Yến. Ban nhạc Saigon Band, Âm thanh ánh sáng Peter Lưu

Tham dự, xin liên lạc với BTC: (408) 313-5418 (408) 826-9760


THƯ MỜI


San Jose March 15,2024
Kính thưa toàn thể quý Đồng Hương, quý Hội Đoàn và Mạnh Thường Quân.

Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang San Jose rất hân hạnh được đồng hành cùng quý vị tại Thung Lũng Hoa Vàng hơn 42 năm qua. Ban Điều Hành và các Thầy Cô làm việc không nghỉ để duy trì ngôi trường này để dạy tiếng Việt cho các con cháu chúng ta, nay nhu cầu tài chánh quá lớn để tiếp tục duy trì ngôi trường này lâu dài hơn, chúng tôi tổ chức một chiều nhạc tha hương với chủ đề QUÊ HƯƠNG BỎ LẠI nhằm gây quỹ hầu có thể duy trì ngôi trường lâu dài hơn. Chiều nhạc tha hương để nhớ lại những khoảnh khắc nguy hiểm trên những con thuyền mong manh vượt Thái Bình Dương đi tìm tự do sau biến cố 1975 và mòn mỏi chờ đợi trong các trại tỵ nạn để được đi định cư tại các nước thứ ba. Hôm nay chúng ta đã được định cư cuộc sống yên ổn và phát triển về mọi mặt, nhưng các thế hệ con cháu của chúng ta chưa được quan tâm đúng mức trong lãnh vực tiếng Việt và Văn Hoá. Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang là nơi để dạy cho con cháu chúng ta biết đọc, viết và biết Văn Hoá một cách thiết thực với chủ trương, “Tiếng Việt Còn, Nước Việt Còn và Tiên Học Lễ Hậu Học Văn”.

Trân trọng kính mời quý đồng hương đã từng mòn mỏi chờ đợi trong các trại tỵ nạn hãy mua vé tới tham dự chiều nhạc tha hương này để nhớ lại những kỷ niệm vui buồn trên hành trình tìm tự do, quý đồng hương không phải là thuyền nhân cũng nên tới tham dự để hiểu được cảm giác tức giận và tuyệt vọng trƣớc khi vui mừng nhận được tin đi định cư các nước thứ ba của các thuyền nhân qua các bản nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ với các ca sĩ nổi tiếng như Thiên Kim, Việt Khang, đôi song ca Ngọc Ngữ Châu Ngọc Hà, ca sĩ Hoàng Hiệp và cô bé đáng yêu luôn tham gia trong các sinh hoạt cộng đồng của chúng ta Jenny Đan Anh cùng 2 MC được yêu thích nhất tại San Jose, Hoàng Tuấn và Vân Yến.

Hy vọng chiều nhạc tha hương này sẽ đưa quý vị trở lại cảm xúc trong quá khứ và không quên cái thẻ căn cước tỵ nạn mà chúng ta đã mang theo gần 50 năm qua.
Hẹn gặp lại quý đồng hương trong chiều nhạc tha hương độc đáo có một không hai này tại San Jose.

Trân Trọng Kính Mời
Thay mặt Ban Điều Hành.
Trung Tâm Trưởng.
Võ Lịch


Nhân đây, giới thiệu ít nét Trường Việt Ngữ Quy Mô Lớn Nhất Ở Hải Ngoại, trong mục đích gìn giữ “Tiếng Việt Còn, Nước Việt Còn!” hoạt động bền bỉ suốt 42 năm qua!


*Lý Do
Kính thưa toàn thể quí đồng hương, quí phụ huynh học sinh và thầy cô thuộc Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang San Jose.


Kính thưa quý vị, Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang (TTVNVL) San Jose, là một trong những Trung Tâm dạy tiếng Việt lớn nhất ở hải ngoại, chúng tôi rất hân hạnh được đóng góp một phần trong công cuộc bảo tồn văn hóa và phát huy tiếng Việt nơi xứ người.


Kính thưa quý vị. Các thế hệ con cháu của chúng ta được sinh ra và lớn lên tại một nơi được cho là tự do và văn minh nhất. Với tinh thần hiếu học và siêng năng của người Việt, chúng tôi tin là các em sẽ thành công về mọi mặt, tuy nhiên sự thành công của các em có thể sẽ không trọn vẹn, nếu không biết rõ về nguồn gốc và tiếng mẹ đẻ. Tất cả chúng ta có thể sẽ có tất cả và mất tất cả, nhưng cội nguồn và ngôn ngữ Việt thì không được phép đánh mất.



1. Giới Thiệu:
Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang San Jose là một trung tâm thuộc hệ thống Việt Ngữ Văn Lang được hình thành và trực tiếp điều hành bởi Đoàn Thanh Niên Thiện Nguyện Việt Nam với 3 mục tiêu chính:

• Bảo tồn Văn Hóa
• Phụng sự Xã Hội
• Mưu cầu Tự Do và Dân Chủ cho Việt Nam


2. Mục Đích:
Nhằm mục đích bảo tồn văn hóa Việt và đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam hải ngoại biết ý thức về giòng giống Lạc Hồng qua phương châm "Tiên học lễ, hậu học văn", Trung Tâm đã áp dụng một chương trình Đức Dục và Lịch Sử Việt Nam song song với chương trình Việt Ngữ. Thêm vào đó, các em được học hỏi về phong tục tập quán, những cái hay, cái đẹp của dân tộc Việt; và từ đó với văn hóa Việt Nam và kiến thức khoa học tiến bộ của Âu Mỹ, các em sẽ làm rạng danh cho nòi giống Việt Nam trên toàn thế giới.


3. Điều Hành:
Trên căn bản, Đoàn Thanh Niên Thiện Nguyện Việt Nam chịu trách nhiệm về mọi mặt, nhưng phần quan trọng nhất, chính là sự đóng góp của lực lượng thầy cô giáo, của các anh chị em mang tinh thần phụng sự xã hội, kế đến là sự giúp đỡ về mặt tinh thần cũng như vật chất của quý vị phụ huynh học sinh.


4. Lịch Sử:
Năm 1982, trường Việt Ngữ Văn Lang bắt đầu với những lớp học trong garage mà thầy cô ngoài nhiệm vụ giảng dạy còn phải lãnh trách nhiệm đưa đón học sinh đi học và trở về. Đến nay, qua 49 khóa liên tục (mỗi khóa 5 tháng), với cơ sở phòng ốc khang trang, TTVN Văn Lang đã trở thành trung tâm Việt Ngữ lớn nhất của người Việt tại hải ngoại, với hơn 1000 học sinh chia ra làm 12 cấp lớp từ 1 đến lớp 12. Tổng cộng có 35 lớp được hướng dẫn bởi 120 thầy cô và 20 anh chị khác trong ban điều hành. (Từ khóa 49, chương trình giảng dạy đã thay đổi thành 10 cấp lớp và mỗi khóa dài 10 tháng)


5. Địa Điểm Trường:
Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang San Jose mở cửa vào mỗi Chủ Nhật từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, tại trường Trung Học Gunderson: 622 Gaundabert Ln, San Jose, CA 95136, USA.


6.Gây Quỹ Điều Hành
Ban Điều Hành và các Thầy Cô làm việc không nghỉ để duy trì ngôi trƣờng này để dạy tiếng Việt cho các con cháu chúng ta, nay nhu cầu tài chánh quá lớn để tiếp tục duy trì ngôi trường này lâu dài hơn, chúng tôi tổ chức một chiều nhạc tha hương với chủ đề QUÊ HƯƠNG BỎ LẠI nhằm gây quỹ hầu có thể duy trì ngôi trường lâu dài hơn.


Lúc: 6 giờ chiều Chủ Nhật tuần này, ngày 5 tháng 5, năm 2024.
Tại: Nhà hàng Dynasty
1001 Story Rd, San Jose, Ca 95122
Kính mong được Quý Vị tham gia yểm trợ
Chân Thành Cảm Tạ



Tin Quốc Tế Đó Đây

Thỏa Thuận Đối Phó Các Đại Dịch Toàn Cầu: Vòng Đàm Phán "Cuối Cùng" Tại Geneva


(Hình: Lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 6/4/2023.)
-Kể từ hôm 29/4/2024, cho đến ngày 10/5, đại diện 194 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp tại Geneva (Thụy Sĩ), với mục tiêu đúc kết một Thỏa thuận Phòng ngừa và Đối phó Với các Đại dịch Toàn cầu, như đại dịch Covid-19. Theo nhiều nhà quan sát, hội nghị này được coi là "cơ hội cuối cùng" trước khi Đại hội đồng Y tế Thế giới thường niên họp ngày 27/5 để thông qua Thỏa thuận.
Cộng đồng quốc tế sẽ phải thông qua "một văn bản lịch sử, phòng ngừa, chuẩn bị các biện pháp và đối phó với các đại dịch tương lai". Theo AFP, "các bất đồng còn lại là rất lớn", cho dù đã có sự đồng thuận rộng rãi về một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý, để hành động của cộng đồng quốc tế "hiệu quả hơn và công bằng hơn".

Lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh đến tính khẩn cấp của việc thông qua một thỏa thuận như vậy, bởi nếu không, "một khi một đại dịch mới bùng lên trong tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với các vấn đề tương tự với đại dịch Covid-19", có nghĩa là sẽ có nguy cơ hàng triệu người chết, cùng những tổn thất ghê gớm về kinh tế.
Theo AFP, các nhà đàm phán sẽ phải làm việc với một văn bản khoảng 23 trang, với 37 điều khoản dự kiến sẽ được đưa vào Dự thảo Thỏa thuận tương lai. Các điểm gây bất đồng chính là việc "tiếp cận với các yếu tố gây bệnh", "phân phối công bằng" không chỉ các phương tiện phòng chống dịch, như vaccin, xét nghiệm, dược phẩm điều trị..., mà cả các công cụ sản xuất ra các phương tiện nói trên.

Liên minh của 22 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Health Action International, đã ra một thông cáo hối thúc các quốc gia không nhân nhượng trong vấn đề "tiếp cận công bằng với các công cụ và kỹ thuật phòng chống dịch bệnh". Tổ chức Y sĩ Không Biên giới hôm qua, 29/4, nhấn mạnh trong văn bản đàm phán thiếu những điều khoản liên quan đến việc "chuyển giao kỹ thuật cho các quốc gia nghèo nhất, bảo đảm của cộng đồng quốc tế về việc các cộng đồng là nơi thử nghiệm vac-xin và thuốc điều trị được phép ưu tiên tiếp cận các sản phẩm này" hay vấn đề "tính minh bạch của giá thành và giá bán, cùng việc xây dựng các kho dự trữ vì các mục tiêu nhân đạo".
Trong đợt thảo luận kéo dài hơn 10 ngày, các nhà thương thuyết sẽ tham gia vào các cuộc họp kín, với thời gian 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Đợt thương lượng cuối cùng của 194 quốc gia thành viên viên Tổ chức Y tế Thế giới về Thỏa thuận đối phó đại dịch toàn cầu diễn ra vào lúc Hoa Kỳ đang đối mặt với đợt dịch virus cúm gia cầm H5N1, lần đầu tiên lây sang bò. Giới chuyên gia lo ngại việc H5N1 lây lan mạnh làm gia tăng khả năng virus lây nhiễm sang người.


G7 Đóng Cửa Nhà Máy Nhiệt Điện Than Không Có "Phương Tiện Thu Khí Thải" Trước 2035


(Ảnh: Ống khói nhà máy điện than lớn nhất Âu Châu, Belchatow, Ba Lan.)
-Sau 1 ngày họp tại Turino (Ý Ðại Lợi), Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng của nhóm G7, hôm 30/4/2024 đã đạt thỏa thuận là trước 2035 sẽ đóng cửa các nhà máy điện than, không có "phương tiện thu giữ khí thải". Theo nhiều nhà quan sát, đây được coi là "bước tiến quan trọng hướng đến chấm dứt việc sử dụng các năng lượng hóa thạch", theo thỏa thuận tại hội nghị COP28.
Theo thông tấn xã AFP, thông báo của G7, tức nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý Ðại Lợi và Gia Nã Ðại) cam kết "xóa bỏ dần dần sản lượng điện từ than đá trong hệ thống năng lượng trong nửa đầu của thập niên 2030, hoặc theo một lộ trình giới hạn nhiệt độ không tăng quá 1,5°C, tương ứng với mục tiêu hướng đến trung hòa về khí thải".

Trước khi nhóm G7 đạt thỏa thuận hôm 30/4, cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực. Theo người phụ trách Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Simon Stiell",sẽ là rất phi lý" nếu G7 không đưa ra được các cam kết cao hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Simon Stiell nhấn mạnh "không có bất cứ lý do nào" có thể biện minh cho việc các nền kinh tế phát triển nhất hành tinh "không thể hợp tác với nhau để đạt được các tiến bộ táo bạo nhất" trong lĩnh vực khí hậu.
Hội nghị G7 tại Ý Ðại Lợi là "hội nghị chính trị lớn đầu tiên về khí hậu" kể từ COP28 tại Dubai, tháng 12/2023, nơi lần đầu tiên cộng đồng quốc tế đạt được đồng thuận toàn cầu về việc dần dần từ bỏ các năng lượng hóa thạch, thủ phạm chính của biến đổi khí hậu.
Cũng tại hội nghị hôm 30/4, G7 cam kết giảm mạnh sản lượng nhựa toàn cầu, với hy vọng chặn đứng nạn ô nhiễm nhựa ghê gớm hiện nay, từ biển sâu, núi cao, cho đến trong cơ thể con người.


Ông Netanyahu Thề Sẽ Xâm Chiếm Rafah, Trong Khi Các Cuộc Đàm Phán Ngừng Bắn Với Hamas Tiếp Diễn


(Hình: Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu.)
-Hôm 30/4/2024, Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu bày tỏ quyết tâm sẽ tiến hành một cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, nơi hàng trăm ngàn người Palestine đang lánh nạn trong cuộc chiến kéo dài gần 7 tháng, trong khi các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Do Thái và Hamas dường như đang tiến triển.
Bình luận của ông Netanyahu được đưa ra vài tiếng đồng hồ trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Do Thái để thúc đẩy các cuộc đàm phán ngừng bắn – dường như là một trong những vòng đàm phán nghiêm túc nhất giữa Do Thái và Hamas kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Thỏa thuận này nhằm giải phóng con tin, mang lại một số cứu trợ cho người dân và ngăn chặn một cuộc tấn công của Do Thái vào Rafah cũng như nguy cơ gây tổn hại cho dân thường ở đó.
Ông Netanyahu cho biết Do Thái sẽ tiến vào Rafah để tiêu diệt các Tiểu đoàn của Hamas ở đó, bất kể thỏa thuận ngừng bắn để thả con tin có đạt được hay không. Những bình luận của ông Netanyahu dường như nhằm xoa dịu các đối tác cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc của ông nhưng không rõ liệu chúng có ảnh hưởng gì đến bất kỳ thỏa thuận mới nào với Hamas hay không.
"Ý tưởng về việc chúng tôi sẽ dừng chiến tranh trước khi đạt được tất cả các mục tiêu là điều không thể có", ông Netanyahu nói trong một tuyên bố từ văn phòng của ông. "Chúng tôi sẽ tiến vào Rafah và loại bỏ các Tiểu đoàn của Hamas ở đó – dù có hoặc không có thỏa thuận, để đạt được chiến thắng hoàn toàn".

Ông Netanyahu đã phải đối mặt với áp lực từ các đối tác cầm quyền của mình về việc không chấp nhận một thỏa thuận có thể ngăn cản Do Thái xâm chiếm Rafah, nơi mà họ coi là thành trì lớn cuối cùng của Hamas. Chính phủ của ông có thể bị đe dọa nếu ông đồng ý một thỏa thuận vì các thành viên Nội các có đường lối cứng rắn đã yêu cầu tấn công Rafah. Văn phòng Thủ tướng cho biết, dù không tiết lộ chi tiết, rằng ông Netanyahu đã gặp một trong những đối tác đó hôm 30/4, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir.
Với hơn một nửa trong số 2,3 triệu người ở Gaza đang tạm trú ở Rafah, cộng đồng quốc tế, bao gồm cả đồng minh hàng đầu của Do Thái là Mỹ, đã cảnh báo Do Thái không tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào khiến dân thường gặp nguy hiểm.
Theo một viên chức Ai Cập và truyền thông Do Thái, thỏa thuận ngừng bắn – hiện hiện đang được thảo luận và do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian – sẽ chứng kiến việc hàng chục con tin được thả để đổi lấy việc ngừng giao tranh trong 6 tuần như một phần của giai đoạn đầu. Hàng trăm tù nhân Palestine bị Do Thái giam giữ cũng sẽ được trả tự do, trong đó có một số người đang phải chịu bản án dài hạn.

Ông Blinken, người đã họp với các nhà lãnh đạo khu vực ở Ả Rập Saudi và Jordan trước khi hạ cánh xuống Tel Aviv hôm 30/4, một ngày trước đó đã thúc giục Hamas chấp nhận đề xuất mới nhất, gọi đó là "rất hào phóng" từ phía Do Thái.
Tuy nhiên, có một điểm khúc mắc về những gì xảy ra tiếp theo. Hamas đã yêu cầu bảo đảm rằng việc thả tất cả con tin cuối cùng sẽ chấm dứt hoàn toàn cuộc tấn công kéo dài gần bảy tháng của Do Thái ở Gaza và rút quân khỏi lãnh thổ bị tàn phá. Do Thái chỉ đề nghị tạm dừng kéo dài và thề sẽ tiếp tục tấn công sau khi giai đoạn đầu của thỏa thuận kết thúc. Vấn đề này đã nhiều lần cản trở nỗ lực của các nhà hòa giải trong suốt nhiều tháng đàm phán.


Ngoại Trưởng Blinken: Do Thái Vẫn Phải Làm Nhiều Hơn Nữa Để Tăng Cường Viện Trợ Nhân Đạo Cho Gaza


(Hình: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong một cuộc họp tại Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi.)
-Hôm 29/4/2024, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng Do Thái vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng lượng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza đang bị bao vây và ông sẽ sử dụng chuyến đi Trung Đông – chuyến đi thứ bảy của ông tới khu vực này kể từ khi cuộc chiến Do Thái-Hamas bắt đầu vào tháng 10 – để thúc ép vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Do Thái.
Phát biểu tại các sự kiện ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi, ông Blinken nói rằng cách tốt nhất để giảm bớt thảm họa nhân đạo ở Gaza là ký kết một Thỏa thuận Ngừng bắn mà các bên tìm cách đạt được lâu nay, vốn cũng sẽ thả các con tin Do Thái bị Hamas bắt giữ kể từ khi cuộc tấn công ngày 7/10/2023 đã dẫn tới chiến tranh. Ông cho biết rằng Hamas đã nhận được một đề nghị "rất hào phóng" từ Do Thái mà ông hy vọng nhóm này sẽ chấp nhận.

Mặc dù các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục nhưng Hamas cho đến nay đã lưỡng lự trước một loạt đề nghị do Ai Cập, Qatar và Mỹ đàm trung gian và được Do Thái đồng ý. Ngay cả khi không có thỏa thuận, ông Blinken nói rằng việc cải thiện điều kiện ở Gaza hiện nay là điều rất quan trọng.
"Chúng tôi cũng không chờ đợi lệnh ngừng bắn để thực hiện các bước cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của dân thường ở Gaza", ông Blinken nói với các Ngoại trưởng Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh trước đó trong ngày 29/4, khi ông đến Ả Rập Saudi trong điểm dừng đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông, vốn còn bao gồm các điểm dừng ở Jordan và Do Thái vào 30/4 và 1/5.
Ông nói rằng sự an toàn cho các nhân viên cứu trợ nhân đạo phải được cải thiện và cần tập trung vào việc bảo đảm rằng viện trợ sẽ có tác động thích hợp cho thường dân Palestine.

Hàng chục nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, và cuộc tấn công của Do Thái vào đoàn xe của tổ chức World Central Kitchen ở Gaza trong tháng này – khiến 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng – chỉ làm nổi bật những mối nguy hiểm và khó khăn trong việc bảo vệ họ. Do Thái nói rằng cuộc tấn công là một sai lầm và đã kỷ luật các viên chức có liên quan. World Central Kitchen cho biết sẽ trở lại hoạt động ở Gaza vào ngày 29/4 sau 4 tuần tạm dừng.
Chuyến đi của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại mới về xung đột lan rộng ở Trung Đông và với triển vọng từng được coi là đầy hứa hẹn về việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa Do Thái và Ả Rập Saudi đang bị trì hoãn do Do Thái từ chối xem xét một trong những điều kiện chính của Ả Rập Saudi để bình thường hóa quan hệ: thiết lập nhà nước Palestine.


Gaza: Mỹ Gia Tăng Áp Lực Để Hamas Chấp Nhận Thỏa Thuận Ngừng Bắn Với Do Thái


(Hình: Ảnh các con tin bị Hamas bắt giữ từ tháng 10/2023 được trưng bày tại Re'im, miền Nam Do Thái, ngày 26/02/2024.)
-Hôm 29/4/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc Ai Cập và Qatar "nỗ lực hết sức" để tổ chức Hamas chấp nhận trả tự do cho các con tin trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza
Thông tấn xã AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh việc trả tự do cho các con tin là "cản trở duy nhất đối với một thỏa thuận hưu chiến ngay tức khắc".
Sau cuộc đàm phán hôm 29/4 tại Cairo giữa Ai Cập, Qatar và Hamas, phái đoàn của tổ chức Palestine hôm 30/4 đến Qatar với hứa hẹn "sẽ đưa ra câu trả lời chính thức sớm nhất có thể". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì dự kiến đến Isarel hôm nay và cũng hy vọng là Hamas sẽ đáp ứng tích cực với đề xuất của Isael ngừng bắn đổi lấy con tin, đề xuất mà Ngoại trưởng Mỹ cho là "hết sức hào phóng về phía Do Thái".

Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết cụ thể là đề xuất này bao gồm 40 ngày ngừng bắn, đi kèm với việc trả tự do cho "hàng ngàn tù nhân Palestine" bị giam giữ tại Do Thái, đổi lấy các con tin Do Thái bị bắt giữ trong cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Do Thái ngày 7/10/2023, biến cố dẫn đến cuộc can thiệp quân sự của Do Thái tại Gaza, khiến hơn 34 ngàn người chết, tính đến nay.
Cho đến nay, Hamas đã trả tự do cho 105 con tin, đổi lấy 240 người Palestine trong đợt ngừng bắn đầu tiên kéo dài một tuần hồi cuối năm 2023. Gần 100 con tin còn bị cầm giữ tại Gaza, không kể 34 người đã chết, theo chính quyền Do Thái. Cho đến nay, tổ chức Hamas vẫn đòi "ngừng bắn lâu dài", trước khi chấp nhận thả con tin, yêu cầu mà Do Thái bác bỏ.
Hôm 30/4, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cam kết, "dù có đạt được thỏa thuận hưu chiến với Hamas hay không", quân đội Do Thái cũng sẽ tiến vào Rafah, thành phố cực Nam Gaza, để tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng còn lại của Hamas, nhằm "giành thắng lợi hoàn toàn".
Hôm 29/4, trong chuyến công du Cận Đông lần thứ 7 kể từ đầu chiến tranh Gaza, Ngoại trưởng Blinken một lần nữa nhắc lại Hoa Kỳ phản đối một cuộc tấn công vào Rafah, nơi 1,5 triệu dân Palestine đang sống trong các điều kiện hết sức tồi tệ, với nhiệt độ gia tăng, không có nước sạch, nguy cơ đại dịch bùng phát.


Phản Đối Chiến Tranh Gaza: Cảnh Sát Pháp Giải Tán Sinh Viên Sorbonne Biểu Tình


(Hình: Các sinh viên biểu tình phản đối chiến tranh Gaza bên ngoài Đại học Sorbonne, Paris, thủ đô của Pháp, ngày 29/4/2024.)
-Tại Pháp và Mỹ, phong trào biểu tình ủng hộ Palestine tiếp tục lan rộng tại khuôn viên các trường Đại học. Tại Paris, những người biểu tình dựng lều với lá cờ Palestine cùng những biểu ngữ kêu gọi ngăn chặn nạn diệt chủng ở Gaza và phản đối "kẻ sát nhân Do Thái". Hôm 29/4/2024, Cảnh sát Pháp đã giải tán những người tụ tập tại Đại học Sorbonne, Paris.
Những người biểu tình hô vang trước Đại học Sorbonne: "Kẻ sát nhân Do Thái, đồng phạm Sorbonne!", hay "Đừng đứng nhìn, hãy tham gia cùng chúng tôi!". Một sinh viên trong nhóm biểu tình cho biết: "Chúng tôi đến đây theo lời kêu gọi của các sinh viên Harvard và Columbia và để bảo đảm rằng phong trào tại Đại học Sciences Po sẽ được tiếp tục".

Những người này sau đó đã nhanh chóng bi giải tán. Trả lời thông tấn xã AFP, các nhân chứng cho biết khi cảnh sát tới, có khoảng 50 người biểu tình tập trung bên trong trường Đại học, với khoảng từ 20 đến 30 chiếc lều. Cuộc giải tán diễn ra "khá thô bạo", với khoảng 10 người bị kéo xuống đất. Trong khi đó, Sở Cảnh sát Paris khẳng định việc giải tán "chỉ kéo dài vài phút" và "được thực hiện trong yên bình, không có sự việc gì xảy ra".
Trước đó, tại Đại học Khoa học Chính trị Sciences Po Paris, nhiều sinh viên cũng đã tụ tập biểu tình ủng hộ Palestine và chặn lối vào trường. Các vụ xô xát đã xảy ra sau khi một nhóm khoảng 50 sinh viên biểu tình ủng hộ Do Thái xuất hiện và hô vang "Giải phóng Gaza khỏi phe Hamas", buộc cảnh sát phải can thiệp.

Trước tình hình đó, Hội đồng vùng Ile-de-France (gồm Paris và các vùng phụ cận) hôm 29/4 thông báo sẽ "đình chỉ" khoản tài trợ 1 triệu Euro cho Đại học Sciences Po Paris cho đến khi an ninh tại trường này được khôi phục.
Còn tại Đại học Columbia ở New York (Hoa Kỳ), Ban giám hiệu cũng thông báo đã bắt đầu đình chỉ nhiều sinh viên tham gia biểu tình "nhằm bảo đảm an toàn cho khuôn viên trường", sau thất bại của 5 ngày đàm phán nhằm kêu gọi những người biểu tình giải tán. Những người này yêu cầu Đại học Columbia phải cắt đứt quan hệ với những nhà tài trợ hoặc các công ty có liên hệ với Do Thái.


Gruzia: Chính Quyền Huy Động Dân Biểu Tình Ủng Hộ Dự luật Chống "Ảnh Hưởng Ngoại Quốc"


(Hình: Những người biểu tình phản đối luật chống "ảnh hưởng ngoại quốc" ở Tbilisi, thủ đô của Gruzia, ngày 28/4/2024.)
-Một ngày trước khi Quốc hội Gruzia xem xét biểu quyết lần thứ hai Dự luật chống "ảnh hưởng ngoại quốc", đảng cầm quyền ở Gruzia huy động dân chúng tối 29/4/2024, xuống đường tại thủ đô Tbilisi để ủng hộ Dự luật. Đây được coi là một cuộc "phản biểu tình" chống lại cuộc tập hợp hôm 28/4 với khoảng 20.000 người tham gia để phản đối văn bản này.
Dự luật, dựa theo một đạo luật của Nga ban hành năm 2012, đã bị đông đảo người dân nước này tố cáo là bóp nghẹt các quyền tự do, nhằm đưa Gruzia trở lại quỹ đạo của Nga, chặn đứng con đường quốc gia này hội nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU). Nhiều người gọi đây là "luật Nga". Cách nay hơn 1 năm chính phủ Gruzia đã phải rút lại một đạo luật tương tự, do sự phản đối mạnh mẽ của người dân.

Từ thủ đô Tbilisi của Gruzia, thông tín viên Régis Genté của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) có bài phóng sự về cuộc biểu tình ủng hộ đảng cầm quyền tối 29/4:
"Cuộc biểu tình khổng lồ này in đậm dấu ấn của truyền thống, của bản sắc Gruzia. Tôn chỉ của cuộc biểu tình được đúc kết trong khẩu hiệu "Mamouli, Ena, Sartsmunoeba", tức "Tổ quốc, Ngôn ngữ và Chính Thống giáo". Tuy nhiên, đối với các diễn giả, các lãnh đạo của đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia, đối thủ thực sự của cuộc biểu tình tối nay là những người mà họ gọi là "giới nhân viên ngoại quốc", các tổ chức phi chính phủ, tức ảnh hưởng bên ngoài, ảnh hưởng của phương Tây.

Lập trường chống phương Tây lần đầu tiên được thể hiện một cách rất rõ ràng bởi nhà tài phiệt Bidzina Ivanchvili, người lãnh đạo chính quyền Gruzia trên thực tế. Tỉ phú Bidzina Ivanchvili khẳng định: "Các quyết định lớn đều là do thế lực toàn cầu ủng hộ chiến tranh - các tổ chức phi chính phủ có ảnh hưởng quyết định đến khối NATO, đến Liên Hiệp Âu Châu, xem Gruzia và Ukraine như những con tốt thí. Chính thế lực này đã gây ra cuộc xung đột giữa Gruzia với Nga vào những năm 2008, 2014, và 2022. Thế lực này cũng đã đặt Ukraine vào một tình cảnh còn khó khăn hơn".
Phương Tây đột nhiên trở thành thủ phạm của mọi thứ, từ cổ vũ cho quan hệ đồng tính, cho ma túy.... Các luận điệu như vậy được truyền tải đến những người dân đổ về thủ đô Gruzia từ khắp mọi miền đất nước bằng xe buýt nhỏ, nhưng cũng cho thấy hố ngăn cách trong lòng xã hội Gruzia đang ngày càng sâu thêm, như thể đất nước đã bị tách thành hai".


Lãnh Đạo NATO Tới Kyiv, Hối Thúc Phương Tây Cấp Tốc Giao Vũ Khí Cho Ukraine


(Hình: Tổng thống Ukraine, ôngVolodymur Zelensky gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Kyiv, Ukraine, ngày 29/4/2024.)
-Hôm 29/4/2024, trong lúc Ukraine đang gặp khó khăn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga, Tổng Thư ký khối Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đã tới Kyiv. Cùng với Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Jens Soltensberg nhấn mạnh phương Tây phải cấp tốc giao vũ khí cho Ukraine, không để quân Nga lợi dụng sự chậm trễ của các đồng minh để giành lợi thế trên chiến trường.
Theo thông tấn xã AFP, tại Kyiv, Tổng Thư ký NATO đã đề cập đến việc viện trợ quân sự của Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu (EU) tới quá chậm. Ông Jens Stoltelberg đánh giá sự chậm trễ đó đã "gây hậu quả nghiêm trọng trên chiến trường". Tuy nhiên, lãnh đạo Liên minh Bắc Đại Tây Dương, khẳng định vẫn "không quá muộn để Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này" và bảo đảm các viện trợ quân sự nhiều hơn đang trên đường tới Ukraine, sắp tới sẽ có những thông báo mới về vấn đề này.

Tổng Thư ký NATO kêu gọi các đồng minh khai triển "những cam kết tài chánh trọng yếu cho nhiều năm, để chứng minh sự hậu thuẫn của chúng ta cho Ukraine không phải là ngắn hạn".
Về phần mình, Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục hối thúc phương Tây đẩy nhanh tiến độ cung cấp vũ khí để "làm thất bại" cuộc tấn công mới trên quy mô lớn mà Mạc Tư Khoa đang chuẩn bị. Ông Zelensky tuyên bố: "Pháo, đạn 155 ly, các loại vũ khí tầm xa và phòng không, chủ yếu là hệ thống phi đạn Patriot…. Đó là những thứ mà các đối tác của chúng ta có và bây giờ phải được sử dụng tại Ukraine để phá hủy tham vọng khủng bố của Nga".
Sau thất bại của của cuộc phản công mùa Hè năm 2023, Ukraine đã phải chuyển sang thế phòng thủ. Trong khi đó, Nga nắm thế chủ động, liên tiếp giành thêm nhiều vị trí ở miền Đông, đẩy lùi quân đội Ukraine đang thiếu đạn dược vũ khí lẫn quân số.
Song song đó, quân đội Nga gia tăng tấn công bằng phi đạn và drone gần như hàng ngày vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Hôm 29/4, một lần nữa, Nga tập kích bằng phi đạn và drone vào Odessa, thành phố cảng ở miền Nam Ukraine bên bờ Biển Đen, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 28 người bị thương, theo thông báo của Thống đốc vùng, Oleg Kiper, trên Telegram.
Tuần trước, lãnh đạo tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Boudanov dự báo tình hình có thể còn tồi tệ hơn trong khoảng giữa tháng 5, đầu tháng 6. Đó sẽ là "giai đoạn khó khăn" cho Ukraine.


Chuyên Gia Liên Hiệp Quốc: Tìm Thấy Mảnh Vỡ Phi Đạn Bắc Hàn Tại Ukraine


(Hình: Phóng thử phi đạn liên lục địa chiến lược +Hwasal-1 Ra-3+ ở Bắc Hàn ngày 19/4/2024.)
-Theo hãng tin Anh Reuters, hôm 29/4/2024, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã trình lên Hội Đồng Bảo An một báo cáo dài 32 trang, cho biết các mảnh vỡ phi đạn rơi xuống thành phố Kharkiv, Ukraine, vào ngày 2/1 là từ phi đạn-đạn đạo Hwasong-11 của Bắc Hàn.
Kết luận trên được đưa ra sau chuyến đi của 3 chuyên gia của Liên Hiệp Quốc tới Ukraine hồi đầu tháng để điều tra về các mảnh vỡ phi đạn. Họ khẳng định "các mảnh vỡ thu được thuộc dòng phi đạn Hwasong-11 của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên". Dựa vào các thông tin về quỹ đạo do chính quyền Ukraine cung cấp, họ xác định phi đạn này "được phóng từ lãnh thổ Liên bang Nga", cho thấy Nga đã mua sắm vũ khí từ Bắc Hàn. Các chuyên gia nhấn mạnh hành vi này vi phạm lệnh cấm vận vũ khí mà Liên Hiệp Quốc đã ban hành đối với Bắc Hàn kể từ năm 2006.

Trước đó, trong một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào tháng Hai, Mỹ đã cáo buộc Nga phóng phi đạn-đạn đạo do Bắc Hàn cung cấp vào Ukraine ít nhất 9 lần, nhưng Nga và Bắc Hàn đều đã phủ nhận.
Ủy ban Liên Hiệp Quốc giám sát việc thực thi các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào hôm 30/4. Ủy ban được thành lập vào năm 2009 với nhiệm vụ điều tra việc Bình Nhưỡng tránh né các lệnh trừng phạt và tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nguyên tử và phi đạn. Trong cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc vào tháng trước, Nga đã phủ quyết việc gia hạn hoạt động của ủy ban này. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield, cho biết Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Nhật Bản và Nam Hàn để đưa ra một cơ chế riêng kiểm soát việc Bắc Hàn lách lệnh trừng phạt.


Nhà Khoa Học Trung Quốc, Người Đầu Tiên Công Bố Trình Tự Gene COVID, Phản Đối Vì Không Được Vào Phòng Thí Nghiệm


(Hình: Ông Trương Vĩnh Chấn (Zhang Yongzhen)
-Nhà khoa học đầu tiên công bố trình tự gene của virus COVID-19 ở Trung Quốc đã thực hiện một cuộc biểu tình ngồi bên ngoài phòng thí nghiệm của ông, sau khi chính quyền không cho ông vào nơi này – một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực lên các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu về virus Corona.
Trong một bài đăng trực tuyến hôm 29/4/2024, ông Trương Vĩnh Chấn (Zhang Yongzhen) viết rằng ông và nhóm của ông bất ngờ được thông báo rằng họ sẽ bị đuổi khỏi phòng thí nghiệm của mình. Đây là sự việc mới nhất trong một loạt hành động gồm giáng chức và sa thải, kể từ khi nhà Virus học này công bố trình tự gene vào tháng 1 năm 2020 mà không có sự chấp thuận của nhà nước.

Khi ông Trương tìm cách vào phòng thí nghiệm vào cuối tuần qua, bảo vệ đã cấm ông vào. Để phản đối, ông ngồi bên ngoài trên tấm bìa cứng dẹp dưới trời mưa phùn, theo những bức ảnh chụp hiện trường được đăng tải trên mạng. Tin tức về cuộc biểu tình lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc và ông Trương nói với một đồng nghiệp rằng ông ngủ bên ngoài phòng thí nghiệm – nhưng hôm 30/4 không rõ liệu ông có còn ở đó hay không.
"Tôi sẽ không rời đi, tôi sẽ không bỏ cuộc, tôi đang theo đuổi khoa học và sự thật!" ông viết trong một đăng tải trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Weibo mà sau đó đã bị xóa.

Trong một tuyên bố trực tuyến, Trung tâm Lâm sàng Y tế Công cộng Thượng Hải nói rằng phòng thí nghiệm của ông Trương đang được cải tạo và đóng cửa vì "lý do an toàn". Họ nói thêm rằng họ đã cung cấp cho nhóm của ông Trương một không gian phòng thí nghiệm thay thế.
Nhưng ông Trương đã viết trên mạng rằng nhóm của ông không được đề nghị giải pháp thay thế cho đến khi họ được thông báo về việc bị đuổi khỏi phòng thí nghiệm và rằng phòng thí nghiệm được đề xuất không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn để tiến hành nghiên cứu, khiến nhóm của ông rơi vào tình trạng bấp bênh.

Khó khăn mới nhất của ông Trương phản ánh cách Trung Quốc tìm cách kiểm soát thông tin liên quan đến virus: Một cuộc điều tra của hãng tin Associated Press cho thấy chính phủ đã đóng băng các nỗ lực có ý nghĩa trong nước và quốc tế nhằm truy tìm nguồn gốc của COVID ngay từ những tuần đầu tiên bùng phát. Tình trạng đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, khi các phòng thí nghiệm bị đóng cửa, sự hợp tác bất thành, các nhà khoa học ngoại quốc bị buộc phải rời Trung Quốc và các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị cấm rời khỏi đất nước.
Khi được hỏi qua điện thoại hôm 30/4, ông Trương nói rằng ông "không tiện" để nói chuyện và cho biết có những người khác đang lắng nghe. Trong một email gửi hôm 29/4 cho người cộng tác, Giáo sư Edward Holmes, mà hãng thông tấn AP xem được, ông Trương xác nhận rằng ông đã ngủ bên ngoài phòng thí nghiệm của mình sau khi bảo vệ ngăn không cho ông vào.


Manila Cáo Buộc Trung Quốc Chặn, Phá Tàu của Phi Luật Tân Tại Bãi Cạn Scarborough


(Hình: Tàu Tuần duyên BRP Bagacay (giữa) bị tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng gần bãi Scarborough ở Biển Đông hôm 30/4/2024.)
-Manila cáo buộc tàu Hải cảnh Trung Quốc đã phun vòi rồng vào 2 tàu của Phi Luật Tân, gây ra một số thiệt hại. Sự việc xảy ra tại khu vực gần Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp giữa hai phía mà Bắc Kinh đang chiếm đóng.
Ban tiếng Anh của Ðài Á Châu Tự Do (RFA) loan tin ngày 30/4/2024, dẫn lời Phát ngôn nhân Tuần duyên Phi Luật Tân Jay Tarriela, trong thông cáo nêu rõ 2 tàu của phía Phi Luật Tân bị phía Trung Quốc phun vòi rồng làm hư hại là tàu Tuần duyên BRP Bagacay và tàu kiểm ngư BRP Bankaw.

Phát ngôn nhân Jay Tarriela cho biết khi 2 tàu của Phi Luật Tân đang làm nhiệm vụ hợp pháp tại vùng biển gần Bãi cạn Scarborough, 4 tàu Hải cảnh cùng 6 tàu Dân quân Biển của Trung Quốc tiến hành ngăn chặn và phun vòi rồng vào 2 tàu của Phi Luật Tân. Trước tiên, tàu BRP Bankaw bị phun vòi rồng và tiếp đến là tàu BRP Bagacay.
Tuần duyên Phi Luật Tân công bố một video clip cho thấy tàu BRP Bagacay bị 2 tàu Hải cảnh Trung Quốc 3105 và 5503 phun vòi rồng mạnh

Truyền thông Phi Luật Tân còn cho biết tàu Hải cảnh 3305 va chạm tàu BRP Bankaw.
Đây là vụ phun vòi rồng và va chạm mới nhất giữa phía tàu Trung Quốc và tàu Phi Luật Tân tại khu vực gần Bãi cạn Scarborough.
Phát ngôn nhân Hải cảnh Trung Quốc Cam Vũ (Gan Yu) cho rằng 2 tàu Tuần duyên của Phi Luật Tân phớt lờ cảnh báo từ phía Trung Quốc, xâm phạm vùng biển cận Bãi Hoàng Nham (tức Bãi Scarborough) của Trung Quốc.


Thái Lan: Nhà Hoạt Động Dân Chủ Phải Ngồi Tù Hơn Một Thập Kỷ Vì Tội Khi Quân


(Hình: Arnon Nampa trả lời báo chí tại Tòa án hình sự ở Vọng Các, thủ đô của Thái Lan, ngày 26/9/2023.)
-Hôm 29/4/2024, ông Arnon Nampa, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng tại Thái Lan, đã bị kết án thêm 2 năm tù vì tội khi quân. Trước đó, ông đã bị kết án 2 lần, mỗi lần 4 năm tù với 14 cáo buộc phỉ báng hoàng gia trong các bài phát biểu từ năm 2020-2021.
Tại Thái Lan, từ khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nổ ra vào tháng 7/2020 đến nay, đã có 270 người bị buộc tội vi phạm luật khi quân. Theo luật này, những ai có các hành vi bị xem là xúc phạm nhà vua hoặc hoàng gia có thể lãnh án tù lên tới 15 năm. Từ Vọng Các, thông tín viên Carol Isoux của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
"Tòa án Thái Lan dường như tiếp tục nhắm vào ông Arnon Nampa, vị Luật sư 39 tuổi, vốn đã ngồi tù từ tháng 9/2023. Ông vừa nhận thêm bản án hai năm, nâng tổng thời gian thi hành án lên thành 10 năm 20 ngày. Con số này có thể sẽ còn tăng lên vì ông Arnon vẫn còn phải đối mặt với 11 cáo buộc khác.

Bản án hôm 30/4 liên quan đến một bài phát biểu của ông Arnon trong các cuộc biểu tình lớn của sinh viên hồi tháng 8/2021. Khi đó, ông Arnon, trong trang phục nhân vật Harry Potter, đã kêu gọi cải cách chế độ Quân chủ. Trong suốt vài tuần, nhiều người biểu tình đã đấu tranh cho tự do ngôn luận và Arnon không phải là người duy nhất kêu gọi cải cách. Tuy nhiên, có lẽ vì nổi tiếng trên truyền thông, nên ông đã bị bắt để làm gương cho những người khác.
Vào tháng 5/2023, đa số người dân Thái đã bầu cho một chính đảng ủng hộ cải cách chế độ Quân chủ. Tuy nhiên, giới tinh hoa truyền thống của Thái Lan, thân cận với chính quyền quân sự, đã dùng các thủ tục pháp lý và các liên minh chính trị, để ngăn cản đảng này lên nắm quyền".


Cảnh Sát Mỹ: Ba Nhân Viên Thực Thi Pháp Luật Bị Bắn Chết ở Bang North Carolina


(Hình: Nhân viên Sở Cảnh sát Charlotte Mecklenburg đang làm việc tại hiện trường, ngày 29/4/2024.)
-Theo tin của thông tấn xã Reuters, hôm 29/4/2024, cảnh sát cho biết 3 nhân viên thực thi pháp luật thiệt mạng và 4 người khác bị bắn và bị thương ở thành phố Charlotte, tiểu bang North Carolina, và một nghi phạm được phát giác đã chết.
Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về sự việc này và đã nói chuyện với Thống đốc tiểu bang North Carolina, Roy Cooper.

Giám đốc Sở Cảnh sát Charlotte-Mecklenburg, ông Johnny Jennings cho biết trong một cuộc họp báo rằng 3 sĩ quan thiệt mạng là thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Marshall của Hoa Kỳ, bao gồm các sĩ quan từ nhiều cơ quan.
"Hôm nay là một ngày bi thảm đối với thành phố Charlotte và đối với nghề thực thi pháp luật", ông Jennings nói. "Hôm nay, chúng ta đã mất đi một số anh hùng, những người ra tay chỉ để giữ an toàn cho cộng đồng của chúng ta".
Các sĩ quan bị bắn chết khi đang cố gắng thi hành lệnh bắt giữ một kẻ phạm tội bị kết án, nhưng người này đang có trong tay một khẩu súng. Ông Jennings cho biết họ đến một nơi cư trú nơi nghi phạm đang ở và người này bắt đầu nổ súng vào các sĩ quan. Họ bắn trả và nghi phạm bị bắn chết ở sân trước.

Các sĩ quan sau đó đã nổ súng từ bên trong ngôi nhà. Sau một hồi giằng co căng thẳng, đội SWAT khống chế những người trong nhà này và bắt giữ 2 người ở bên trong. Ông Jennings cho biết người ta tin rằng ít nhất một trong số họ đã nổ súng vào các sĩ quan.
Ông Jennings cho biết ngoài 3 sĩ quan thiệt mạng, còn có 4 thành viên của Sở cảnh sát Charlotte-Mecklenburg đến hiện trường cũng bị bắn. Một sĩ quan đang trong tình trạng nguy kịch, 3 người còn lại ổn định.

Không có nhận xét nào: