Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :20/09/2024 - Duke Nguyễn

Pháp: Tân thủ tướng Barnier chuẩn bị công bố thành phần nội các mới Hai tuần sau khi được tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Michel Barnier, thuộc cánh hữu, chuẩn bị công bố thành phần tân nội các trước Chủ nhật tuần này.Thủ tướng Pháp Michel Barnier tại điện Matignon, Paris, ngày 05/09/2024. REUTERS - Sarah Meyssonnier Thanh Phương Tối qua, 19/09/2024, thủ tướng Barnier đã đến điện Elysée để trình tổng thống Macron danh sách thành viên chính phủ mới. Theo phủ thủ tướng Pháp, trước khi được công bố, thành phần tân nội các còn phải chờ xét duyệt của Cơ quan Cao cấp về minh bạch tài sản của quan chức.
<!>
Chính phủ mới sẽ bao gồm 38 thành viên, trong đó có 16 bộ trưởng, bao gồm 7 người thuộc phe tổng thống Macron, 3 người thuộc đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa của thủ tướng Barnier, 2 người thuộc đảng cánh trung Modem, 1 người thuộc đảng Chân trời của cựu thủ tướng Edouard Philippe và 1 người thuộc đảng cánh trung UDL.

Theo nhiều nguồn tin được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, trong số 3 bộ trưởng thuộc đảng Những Người Cộng Hòa có ông Bruno Retailleau, hiện là lãnh đạo khối nghị sĩ cánh hữu ở Thượng Viện, sẽ được bổ nhiệm làm bộ trưởng Nội Vụ. Chức ngoại trưởng sẽ được giao cho ông Jean-Noel Barrot, thuộc đảng cánh trungModem, nguyên là bộ trưởng đặc trách Các vấn đề châu Âu trong chính phủ từ nhiệm của thủ tướng Gabriel Attal. Trong khi đó, bộ trưởng Quốc Phòng của chính phủ Attal là ông Sébastien Lecornu được giữ lại ở chức vụ này.

Riêng bộ Kinh Tế sẽ do hai dân biểu thuộc phe tổng thống Macron nắm giữ: Ông Antoine Armand sẽ là bộ trưởng Kinh Tế và Công Nghiệp, còn ông Mathieu Lefèvre sẽ đặc trách Ngân Sách, trực tiếp dưới quyền của phủ thủ tướng.

Tân thủ tướng Barnier cũng đã cố thuyết phục một số nhân vật tên tuổi bên cánh tả tham gia chính phủ của ông, nhưng nhiều người đã từ chối. Cuối cùng sẽ chỉ có một nhân vật thuộc thành phần cánh tả độc lập trong tân nội các. Ông Didier Migaud, xuất thân từ đảng Xã Hội, được cho là sẽ nắm giữ bộ Tư Pháp.

Tuy bao gồm nhiều đảng nhưng chính phủ của thủ tướng Barnier vẫn không nắm đủ đa số tuyệt đối ở Quốc Hội và có thể bị đổ bất cứ lúc nào, nếu bên phe đối lập, liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới và đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc đồng loạt bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Nghị Viện Châu Âu kêu gọi cho phép Ukraina sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga

Hôm qua, 19/09/2024, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu “dỡ bỏ các hạn chế”, cho phép Ukraina sử dụng vũ khí phương Tây chống lại “các mục tiêu quân sự” ở Nga. Lời kêu gọi này đã ngay lập tức gây ra phản ứng mạnh mẽ từ chủ tịch Hạ viện Nga (Duma).


Ảnh minh họa: Trụ sở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, Pháp. REUTERS/Arnd Wiegmann
Minh Phương
Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu không có giá trị pháp lý ràng buộc đã được đa số thông qua trong phiên họp toàn thể tại Strasbourg, Pháp, với 425 phiếu thuận, 131 phiếu chống, 63 phiếu trắng. Các nghị sĩ châu Âu cho rằng những hạn chế mà các nước thành viên đưa ra liên quan đến việc sử dụng vũ khí phương Tây nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga đã “cản trở Ukraina thực hiện đầy đủ quyền tự vệ chính đáng” và “đẩy người dân và cơ sở hạ tầng của Ukraina vào nguy cơ bị tấn công”.

Hãng tin AFP cho biết, Nghị Viện Châu Âu cũng kêu gọi các nước thành viên “tăng cường tài trợ” và viện trợ nhân đạo cho Ukraina bởi “viện trợ quân sự hiện tại là không đủ”. Nghị quyết nhấn mạnh, các nước Liên Âu cần tôn trọng “cam kết đã đưa ra vào tháng 03/2023 về việc cung cấp cho Ukraina một triệu đạn pháo”, thúc đẩy việc giao vũ khí nhanh hơn, nhất là “các hệ thống phòng không hiện đại” và tên lửa Taurus.

Chủ tịch Hạ Viện Nga đe dọa chiến tranh hạt nhân
Ngoại trưởng Ukraina Andriï Sybiga đã bày tỏ “lòng biết ơn” với nghị quyết “mạnh mẽ” này của Nghị Viện Châu Âu. Về phần mình, chủ tịch Hạ viện Nga, Viatcheslav Volodine, đã lập tức phản ứng. Trên mạng Telegram, ông cảnh báo điều này có thể “sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới với vũ khí hạt nhân” và đe dọa “thời gian bay của một tên lửa Sarmat tới Strasbourg chỉ là 3 phút 20 giây”.

Liên minh cực hữu “Những người yêu nước vì châu Âu” là nhóm duy nhất không ủng hộ nghị quyết. Đại diện của phái đoàn Pháp, thuộc liên minh này giải thích: “Chúng tôi không thể ủng hộ các điều khoản không những không giải quyết được xung đột, mà còn làm leo thang căng thẳng và gây tổn hại cho sức mua của người dân Pháp”.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đến Kiev để bàn việc hỗ trợ Ukraina trong mùa đông

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm nay, 20/09/2024, đã đến thủ đô Kiev để bàn về sự hỗ trợ của châu Âu cho Ukraina khi mùa đông sắp đến trong lúc hệ thống năng lượng của Ukraina đã bị hư hại nặng nề do các cuộc oanh kích của quân Nga.


Ảnh minh họa: Khói bốc lên từ một nhà máy điện sau cuộc oanh kích bằng drone của Nga vào vùng Kiev, Ukraina, ngày 19/12/2022. © Felipe Dana / AP
Thanh Phương
Theo hãng tin AFP, bà Ursula von der Leyen sẽ trình bày với tổng thống Volodymyr Zelensky một kế hoạch “chuẩn bị cho mùa đông” do Ủy Ban Châu Âu đề ra.

Liên Âu vẫn là nguồn hỗ trợ rất quan trọng đối với Ukraina, hiện đang phải đối đầu với các vụ oanh kích gần như hàng ngày của quân Nga, gây hư hại nặng nề cho hệ thống năng lượng.

Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế AIE, Ukraina “đã mất đi hơn hai phần ba khả năng sản xuất năng lượng”. Cơ quan này lo ngại mùa đông năm nay sẽ rất khắc nghiệt đối với người dân Ukraina. Theo AIE, tình hình tại Ukraina hiện nay là “một trong những vấn đề an ninh năng lượng khẩn cấp nhất trên thế giới.”

Cho nên, Liên Hiệp Châu Âu sẽ cấp thêm 160 triệu euro viện trợ nhân đạo và viện trợ về cơ sở hạ tầng năng lượng, đặc biệt là cung cấp những tấm pin năng lượng Mặt trời.

Trong cuộc họp báo chung với tổng thống Zelensky tại Kiev, bà Ursula von der Leyen còn thông báo Liên Hiệp Châu Âu sẽ cho Ukraina vay 35 tỷ euro, lấy từ lợi nhuận của các tài sản Nga bị phong tỏa ở châu Âu.

Trước đó, trên mạng xã hội X, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cho biết, ngoài việc giúp Ukraina có đủ phương tiện sưởi ấm trong mùa đông, bà sẽ bàn về việc hỗ trợ phòng thủ cho Ukraina, cũng như về tiến trình kết nạp nước này vào Liên Hiệp Châu Âu.

Vào tháng 6 vừa qua, Liên Âu đã chính thức mở các cuộc đàm phán về thâu nhận Ukraina, dù nước này đang phải chiến đấu chống quân xâm lược Nga từ tháng 2/2022. Kiev có tham vọng gia nhập Liên Âu cũng như muốn trở thành thành viên của khối NATO, nhưng con đường sẽ còn rất dài.

Cũng về hỗ trợ của châu Âu, mặc dù đang gặp khó khăn về ngân sách, chính phủ Đức vừa thông báo trong năm nay sẽ viện trợ thêm gần 400 triệu euro thiết bị quân sự cho Ukraina.

An ninh hàng hải, trọng tâm thượng đỉnh QUADcuối cùng dưới thời Biden

Thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống Joe Biden mở ra trong ba ngày kể từ chiều nay 20/09/2024, tại tư dinh của nguyên thủ Mỹ ở bang Delaware. Tăng cường an ninh hàng hải trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc là hồ sơ chính trong các cuộc họp giữa các lãnh đạo Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ.


Lãnh đạo bốn nước Bộ Tứ (từ trái qua): Hoa Kỳ Úc, Nhật và Ấn Độ gặp nhau bên lề thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/05/2023. AP - Jonathan Ernst
Thanh Hà
Theo hãng tin Anh Reuters, hợp tác hàng hải và tăng cường các phương tiện ngăn chận tàu cá hoạt động bất hợp pháp trong các vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, chủ yếu là tàu của Trung Quốc, sẽ chiếm một phần lớn các cuộc họp song phương và đa phương giữa tổng thống Mỹ Joe Biden cùng thủ tướng Úc Anthony Albanese, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thủ tướng Nhật Fumio Kishida.

Chuyên gia về châu Á tại trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ - Center for a New American Security, Lisa Curtis, nhận định « một sáng kiến mới của Bộ Tứ về an ninh hàng hải sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ nhắm tới Trung Quốc ». Theo bà Curtis, QUAD trong cuộc họp lần này sẽ đưa ra một thông điệp, đó là khối này sẽ « phối hợp hành động với liên minh của các quốc gia có cùng chí hướng, để đáp trả những hành động hù dọa trên biển » của bất kỳ một quốc gia nào. Chuyên gia này không loại trừ khả năng những hành động hung hăng từ phía Trung Quốc trong thời gian gần đây ở Biển Đông có thể khiến Ấn Độ « thay đổi quan điểm », mở rộng hợp tác về an ninh trong Bộ Tứ. Đây là điều mà theo Lisa Curtis, đến nay, thủ tướng Narendra Modi vẫn còn do dự.

Khác với thông lệ, thượng đỉnh nhóm QUAD lần này không diễn ra tại Nhà Trắng. Tổng thống Biden tiếp các lãnh đạo Úc, Nhật và Ấn Độ trong bầu không khí thân mật tại nhà riêng ở Wilmington bang Delaware, nơi ông sinh ra. Đây cũng là dịp để ông Biden từ giã các đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương trước khi trao lại chìa khóa của Nhà Trắng cho tân tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử ngày 05/11/2024. Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Biden đã thúc đẩy trở lại cơ chế đối thoại không chính thức về chiến lược và an ninh giữa bốn quốc gia trong khu vực.

Thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh hai thành viên quan trọng nhất của Bộ Tứ là Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng chuẩn bị thay đổi lãnh đạo. Thủ tướng Fumio Kishida sẽ từ chức trong tháng Chín này. Câu hỏi quan trọng nhất, theo Reuters, là liệu Bộ Tứ có thể tồn tại và mạnh mẽ với thay đổi về nhân sự nói trên hay không, vào lúc Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, kể cả những vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Tại eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông, Trung Quốc liên tục duy trì áp lực rất lớn, cả về kinh tế lẫn quân sự.

Reuters trích lời một quan chức cao cấp tại Washington, nhận định « có nhiều dấu hiệu cho thấy QUAD sẽ tồn tại lâu dài bởi cơ chế này được hai đảng ở Mỹ cùng ủng hộ » Phó tổng thống Kamala Harris không tham dự thượng đỉnh Bộ Tứ. Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa Donald Trump có kế hoạch gặp thủ tướng Ấn Độ vào tuần sau.

Nổ thiết bị liên lạc tại Liban: Thủ lĩnh Hezbollah cam kết « trả đũa đích đáng »

Sau hai vụ nổ hàng loạt các máy nhắn tin và bộ đàm tại Liban, khiến 37 người thiệt mạng hơn 3.000 người bị thương - chủ yếu là thành viên Hezbollah, thủ lĩnh lực lượng Hồi Giáo vũ trang này tại Liban Hassan Nasrallah hôm qua 19/09/2024 trực tiếp lên án Israel « vượt qua tất cả mọi lằn ranh đỏ » nhưng khẳng định Tel Aviv thất bại trong mục tiêu gây chia rẽ công luận Liban với lực lượng vũ trang Hezbollah, và nhất là làm suy yếu tổ chức này.


Sau một vụ nổ thiết bị liên lạc tại Sidon, Liban, 18/09/2024. REUTERS - Hassan Hankir
Thanh Hà
Hezbollah, phong trào Hồi Giáo vũ trang được Iran yểm trợ, khẳng định là đồng minh của phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas. Từ khi Israel phong tỏa và tấn công dải Gaza, Hezbollah thường xuyên bắn tên lửa sang lãnh thổ Israel để tỏ tình đoàn kết với người dân Palestine, với phong trào Hamas. Tel Aviv đã nhiều lần cảnh báo « Liban sẽ là một mặt trận mới ».

Thủ lĩnh Hezbollah nhìn nhận vụ nổ các thiết bị liên lạc vừa qua là một vố đau. Tránh đi sâu vào chi tiết, Hassan Nasrallah báo trước là đòn trả đũa của Hezbollah sẽ « khủng khiếp ».

Thông tín viên RFI Paul Khalifeh từ Beyrouth tường trình :

Báo chí Liban đánh giá nội dung chính trị bài phát biểu của Hassan Nasrallah đã là một sự trả đũa sơ bộ Israel về loạt tấn công hôm Thứ Ba và Thứ Tư vừa qua. Khi khẳng định mối quan hệ không gì lay chuyển nổi giữa mặt trận ở biên giới Liban- Israel và tình hình tại Gaza, thủ lĩnh lực lượng vũ trang Hồi Giáo theo hệ phái Shia này đã phá hỏng mục tiêu của Israel muốn Hezbollah ngừng yểm trợ Hamas về mặt quân sự.

Theo giới phân tích, dù đã bị một vố đau nhưng lực lượng Hồi giáo ở Liban này vẫn quyết tâm theo đuổi cuộc chiến và vẫn duy trì áp lực đối với thủ tướng Benjamin Netanyahu, đó là ngăn cản dân cư trong vùng ở phía bắc Israel trở về quê quán.

Báo chí tại Liban cũng nhấn mạnh là thủ lĩnh Hezbollah đã khá kiệm lời và mập mờ về những giải pháp quân sự để trả đũa Israel. Tại hiện trường, hôm qua cả hai phía cùng huy động hỏa lực : Hezbollah đã phóng tám tên lửa al Burkan có mang theo 300 kí thuốc nổ về phía thành phố Metulla của Israel. Đến chiều tối qua thì không quân Israel tiến hành khoảng 50 đợt oanh kích nhắm vào nhiều tỉnh thành ở khu vực nam.

Không có nhận xét nào: