Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :08/06/2024 - Duke Nguyễn


Paris trải thảm đỏ long trọng đón tổng thống Mỹlần đầu thăm chính thức Pháp Đại lộ Champs-Elysées và Khải Hoàn Môn tại Paris được trang hoàng cờ Pháp - Mỹ để chào đón tổng thống Joe Biden bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước ngày 08/06/2024, nhằm đánh dấu mối quan hệ tốt đẹp trở lại sau một vài trục trặc. Chuyến công du của nguyên thủ Mỹ diễn ra vào lúc cử tri Liên Âu bầu Nghị Viện và ông Joe Biden đang vận động tái tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân chào đón tổng thống Joe Biden và phu nhân dưới Khải Hoàn Môn, ngày 08/06/2024 tại Paris. AP - Evan Vucci Thu Hằng | Thùy Dương
<!>
Điện Elysée hài lòng vì đây là chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất của nguyên thủ Mỹ. Ông Joe Biden đến Pháp từ thứ Tư 05/06 để dự lễ kỉ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandie chấm dứt Thế Chiến II hôm 06/06 và thăm chính thức nước Pháp ngày 08/06.

Lễ đón tiếp được tổ chức trang trọng lúc 12h30 tại Khải Hoàn Môn. Tổng thống Emmanuel Macron và khách mời Joe Biden, được 140 hiến binh cưỡi ngựa và 38 đi mô tô tháp tùng, đi dọc đại lộ Champs-Elysée nổi tiếng. Trong bữa ăn trưa làm việc, hai bên trao đổi về nhiều hồ sơ quốc tế quan trọng hiện nay : chiến tranh Ukraina, xung đột ở Gaza, an ninh hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu… Và sau đó là một buổi họp báo và dạ tiệc tối tại điện Elysée. Trước khi lên đường về nước ngày 09/06, tổng thống Mỹ đến viếng một nghĩa trang Mỹ.

Thông qua chuyến công du chính thức Pháp đầu tiên của ông Joe Biden, Paris và Washington muốn khẳng định « chưa bao giờ lại gần nhau đến như vậy », đặc biệt là kể từ khủng hoảng tầu ngầm Úc (Pháp bị mất hợp đồng vào tay Mỹ-Anh).

Tuy nhiên, theo AFP, lễ tiếp đón trang trọng, cùng các hoạt động ngoại giao rầm rộ nhân dịp này có thể bị các phe đối lập của tổng thống Macron chỉ trích vì họ cho rằng ông Macron vận động bầu cử Nghị Viện Châu Âu dưới danh nghĩa hoạt động đối ngoại.

Chuyến công du của TT Biden nhìn từ Mỹ

Nhìn từ Mỹ, đây là dịp để đôi bên nêu bật tầm quan trọng của các liên minh trước những thách thức toàn cầu và để Washington nhấn mạnh đến sự thân thiết, gần gũi với Pháp, quốc gia mà cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan mới đây khẳng định chính quyền Mỹ xem là « đồng minh lâu năm và lớn nhất ».

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin giải thích :

“Các đại diện của chính quyền Biden cứ nhắc đi nhắc lại điều này vì họ biết là đối tác Pháp rất muốn nghe rằng Pháp là đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, quan hệ Biden-Macron là câu chuyện của những lần đầu tiên : Cuộc đón tiếp cấp Nhà nước đầu tiên hồi tháng 12/2022 tại Washington trong nhiệm kỳ của Biden là dành cho tổng thống Pháp Macron, cũng như chuyến công du nước ngoài cấp Nhà nước đầu tiên của tổng thống Mỹ đến Paris. Thế nhưng, trước đó, đã xảy ra vụ Paris lần đầu tiên triệu hồi đại sứ Pháp tại Washington sau việc liên minh AUKUS được thành lập, Anh và Úc quyết định mua tàu ngầm của Hoa Kỳ thay vì mua của Pháp. Thế nhưng, chuyện này đã lùi về phía sau, đồng minh Pháp nay được đánh giá cao.

Trước hết là vì sự ủng hộ của Pháp dành cho Ukraina. Thông báo của Paris về việc cấp cho Ukraina chiến đấu cơ Mirage 2000 sẽ khiến Washington hài lòng, ngay cả khi trái ngược với điều tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từng nhắc tới, tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn toàn không tính đến việc điều quân sang Ukraina.

Thông điệp của chính quyền Biden là cho dù đôi khi có những bất đồng, Paris và Washington đồng ý với nhau về những điều thiết yếu : Đó là bảo vệ dân chủ và tự do, cũng như các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là những tắc mà Joe Biden tập trung hướng đến trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, còn Emmanuel Macron tập trung hướng đến trong kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu.”

Pháp muốn lập một liên minh để cử huấn luyện viên quân sự sang Ukraina

Pháp hỗ trợ Ukraina khôi phục cơ sở hạ tầng, trong đó có mạng lưới năng lượng, thông qua hai thỏa thuận tín dụng và tặng trị giá 650 triệu euro. Ngày 07/06/2024, khi tiếp đồng nhiệm Volodymyr Zelenky tại Paris, tổng thống Emmanuel Macron còn thể hiện quyết tâm cao hơn khi cho biết muốn « thành lập một liên minh » những nước sẵn sàng cử huấn luyện viên quân sự đến Ukraina.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelenskyy, trong cuộc họp báo ngày 07/06/2024 tại Điện Elysee ở Paris, Pháp. AP - Yoan Valat
Thu Hằng
Trong buổi họp báo tại điện Elysée, ông Macron cho biết « nhiều nước đối tác đã đồng ý » và « những ngày tới được dành để thành lập liên minh ». Theo nguyên thủ Pháp, yêu cầu của Ukraina là « chính đáng » vì họ đang « động viên đông đảo » và cần « đào tạo vài chục nghìn quân nhân » và việc này được tổ chức « thuận tiện hơn trên lãnh thổ Ukraina ».

Tổng thống Pháp cũng xác nhận đợt huấn luyện lái chiến đấu cơ Mirage 2000-5 cho phi công Ukraina sắp bắt đầu. Tuy nhiên, ông không nêu rõ số lượng máy bay có thể giao cho Ukraina hay liệu có nước nào khác làm tương tự hay không. Chiến đấu cơ của Pháp có thể giữ vai trò như thế nào tại Ukraina ? Xavier Tytelman, cố vấn trong lĩnh vực hàng không quân sự và quốc phòng của tạp chí Air et Cosmos, giải thích trên đài RFI :

« Chiến đấu cơ Mirage 2000-5 là đời cuối của dòng Mirage 2000 trước khi chiến đấu cơ Rafale được đưa vào sử dụng cho đến hiện nay. Nhưng Mirage 2000 vẫn được dùng rất nhiều, nhất là trong phòng không. Có nghĩa là đây là một loại máy bay chủ yếu để chặn những chiến đấu cơ khác hoặc máy bay trực thăng, còn trong trường hợp Ukraina là những tên lửa hành trình, drone tự sát mà Nga không ngừng bắn vào lãnh thổ Ukraina.

Về mặt dân sự, Mirage 2000 giúp tránh được những trận tấn công, oanh kích vào cơ sở hạ tầng dân sự, vẫn là mục tiêu chính của Nga. Về mặt quân sự, loại máy bay này có thể bắn tên lửa có tầm bắn 60-80 km. Chúng ta có thể hình dung là Mirage 2000 có thể bắn chặn một số loại chiến đấu cơ, kể cả khi chiến đấu cơ Nga đang thả bom bay vào thành phố Kharkiv chẳng hạn hoặc ở những vùng chiến tuyến khác. Vì thế, Mirage 2000 vẫn có lợi ích tác chiến dù không thể so với F-16 được thông báo chuyển giao cho Ukraina trong năm nay, bởi vì F-16 có thể bắn tên lửa tầm xa 120 km. Cho nên hiện giờ, Mirage 2000 có lẽ được dành cho việc bảo vệ lãnh thổ Ukraina, chứ không phải là lập hệ thống phòng không chiến trường ».

Cũng trong ngày 07/06, tập đoàn Pháp Thales thông báo bộ Quốc Phòng Ukraina đã ký hợp đồng mua hệ thống phòng không thứ hai để « góp phần bảo vệ lãnh thổ » khỏi các cuộc tấn công của của Nga. Trong thông cáo, Thales cho biết hệ thống phòng không đầu tiên được giao năm 2023 và đã thể hiện hiệu quả trên chiến trường.

Quan chức cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ : Chính quyền có thể tăng cường triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng hôm 07/06/2024 tuyên bố chính quyền Biden có thể sẽ phải triển khai thêm vũ khí hạt nhân chiến lược trong những năm tới đây để răn đe trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga, Trung Quốc và các đối thủ khác.

 
Ảnh minh họa một tên lửa Iskander của Nga trong cuộc tập trận huấn luyện quân đội sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại một địa điểm không được tiết lộ ở Nga, ngày 21/05/2024. AP
Thùy Dương
Theo Reuters, Pranay Vaddi, quan chức cấp cao nhất phụ trách về kiểm soát vũ khí ở Hội đồng An ninh Quốc gia, đã có những phát biểu về « cách tiếp cận cạnh tranh hơn » trong vấn đề kiểm soát vũ khí, nêu lên khả năng thay đổi chính sách nhằm gây áp lực buộc Matxcơva và Bắc Kinh thôi phớt lờ việc Mỹ kêu gọi đàm phán hạn chế kho vũ khí hạt nhân.

Xin nhắc lại là Mỹ hiện đang tuân thủ giới hạn 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược chiểu theo hiệp ước New START năm 2010 ký với Nga, mặc dù Matxcơva đã «đình chỉ » việc tham gia hiệp ước với lý do Mỹ hậu thuẫn Kiev trong chiến tranh Ukraina.

Quan chức Pranay Vaddi lưu ý với Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí là nếu các nước Nga, Trung Quốc và các đối thủ khác của Washington không giảm kho vũ khí hạt nhân thì Mỹ cũng « cần có thêm vũ khí hạt nhân để ngăn chặn kẻ thù và bảo vệ người dân Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác » của Washington. Ông Vaddi nhấn mạnh là chính quyền Mỹ vẫn cam kết tuân thủ các quy định quốc tế về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm hạn chế sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên « đều đang mở rộng và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của họ với tốc độ không kiềm chế, cho thấy họ ít hoặc không quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí ».

Ông Pranay Vaddi cũng lo ngại rằng ba nước này và Iran đang ngày càng hợp tác và phối hợp với nhau theo hướng gây hại cho hòa bình và ổn định, đe dọa Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của Washington và làm nghiêm trọng thêm căng thẳng trong khu vực. Vaddi đặc biệt lưu ý việc Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên đang chia sẻ công nghệ tân tiến về tên lửa và drone, Matxcơva sử dụng drone của Iran, đạn pháo và tên lửa của Bắc Triều Tiên ở Ukraina, còn Trung Quốc thì hỗ trợ cho các ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersburg : Tổng thống Nga tự tin sẽ chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraina

Hôm nay, 08/06/2024, Diễn đàn Kinh tế thế giới Saint-Petersburg, hội nghị thượng đỉnh thường niên của Nga, chính thức bế mạc. Nếu như trước đây, diễn đàn tập trung vào những nhà đầu tư của châu Âu thì giờ, sau khi Nga xâm lược Ukraina, hội nghị lại trở thành một sự kiện chống phương Tây. Tại phiên bế mạc, chủ nhân điện Kremlin đã một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chiến tranh và tuyên bố Nga sẽ là bên chiến thắng.


Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Saint-Petersburg, ngày 07/06/2024. © AP/Anton Vaganov
Minh Phương
Từ Saint-Petersburg, đặc phái viên RFI Anissa El Jabri tường thuật :

“Trên hành lang là những đại diện Taliban, rồi cả lãnh đạo Zimbabwe, quốc gia đang bị cấm vận, cũng bước lên diễn đàn bế mạc với Vladimir Putin. Những hình ảnh này nhằm tuyên truyền về một nước Nga hưng thịnh mà không cần có phương Tây. Cũng trên các lối đi, một robot khổng lồ cao vài mét cứ mỗi giờ lại hô vang :

“Nền kinh tế của chúng ta mạnh mẽ như thép trong cơ thể tôi.”

Vladimir Putin liên tục khoe khoang những con số tăng trưởng của Nga, bỏ qua việc liệu nền kinh tế chiến tranh có đang bòn rút sự tăng trưởng đó, hay liệu các khoản đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới có đang dần tụt hậu. Và khi chúng ta hỏi một cỗ máy trí tuệ nhân tạo trên lối đi, nó phản hồi :

“Thật đáng tiếc, tôi không thể cung cấp thông tin cập nhật về tình hình nền kinh tế Nga, vì nó có thể thay đổi nhanh chóng.”

Chiến tranh vẫn là mục tiêu chính và là đích đến của Vladimir Putin. Ông sẽ không từ bỏ và tiếp tục lặp lại trước toàn thể các nhà lãnh đạo :

“Dù là chiến thắng hay thất bại, tất cả các cuộc xung đột vũ trang đều kết thúc bằng các hiệp định hòa bình. Nhưng, như một cựu lãnh đạo của một quốc gia châu Âu đã nói với tôi, những thỏa thuận này chỉ có thể được đúc kết dựa trên thất bại hoặc là chiến thắng quân sự của một bên nào đó. Và chúng ta sẽ là bên chiến thắng.”

Nguyên thủ quốc gia Nga tiếp tục thể hiện sự tự tin và các mục tiêu vĩ đại của mình. Hôm qua, phát ngôn viên của ông thậm chí còn đưa ra những lời lẽ gay gắt và khinh miệt về hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho Ukraina tổ chức ở Thụy Sĩ, gọi đây là “một cuộc tụ họp vô lý và lãng phí thời gian”.

Cũng trong diễn đàn này, tổng thống Nga tuyên bố từ đầu năm nay quân Nga đã chiếm được thêm 47 khu dân cư tại Ukraina, tương đương 880 km vuông. Còn tại chiến trường, hôm qua đã có ít nhất 23 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong các cuộc tấn công của Ukraina nhằm vào các khu vực do Nga kiểm soát ở phía đông và nam Ukraina.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á : Tốc độ nạo vét và bồi đắp các đảo của Việt Nam ở Biển Đông tăng mạnh

Việt Nam đã tăng cường đáng kể nạo vét và bồi đắp các đảo ở Biển Đông trong 6 tháng qua, tạo ra diện tích đất mới bồi lấp nhiều gần bằng tổng diện tích đất bồi đắp trong hai năm trước đó cộng lại, mở ra khả năng có một năm kỷ lục về bồi đắp, xây dựng đảo. Thông tin được các nhà nghiên cứu của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ công bố hôm qua, 07/06/2024.


Các công trình và tòa nhà của Trung Quốc tại đảo nhân tạo trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Hình ảnh ngày 20/03/2022. AP - Aaron Favila
Thùy Dương
Kể từ tháng 11/2023, thời điểm gần đây nhất mà tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington của Mỹ công bố báo cáo, Việt Nam đã tạo ra 692 mẫu Anh (acre - 1 acre = 4.007m2) đất mới (280 ha), so với 404 mẫu được tạo trong 11 tháng đầu năm 2023 và 347 mẫu trong năm 2022. Tổng diện tích nạo vét và bồi lấp đất của Việt Nam (bao gồm cả lấp đất và nạo vét các bến cảng/kênh đào) tại những nơi có tranh chấp ở Biển Đông như vậy đã lên đến khoảng 2.360 mẫu Anh - gần bằng một nửa so với Trung Quốc (4.650 mẫu Anh). AMTI nhấn mạnh đây là một sự thay đổi lớn so với cách nay 3 năm, bởi vì vào thời điểm đó tổng diện tích nạo vét và bồi đắp của Việt Nam chỉ là 329 mẫu Anh, chưa bằng 1/10 so với Trung Quốc.

Một điều đáng nói khác là hiện nay, nếu tính theo diện tích các « tiền đồn » ở Biển Đông, 3 tiền đồn của Trung Quốc (đá Vành Khăn, Subi và Chữ Thập) vẫn là lớn nhất, nhưng cả 4 tiền đồn lớn tiếp theo đều là các rạn san hô mới được mở rộng của Việt Nam : Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), Đảo Nam Yết (Namyit Island), Đảo Phan Vinh (Person Reef) và Đá Lớn (Discovery Great Reef).

Bãi Thuyền Chài vẫn là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam, diện tích đã tăng gần gấp đôi trong 6 tháng qua, từ 238 lên 412 mẫu Anh. Với chiều dài lên đến 4.318 mét, Bãi Thuyền Chài là tiền đồn duy nhất của Việt Nam cho đến nay có tiềm năng có đường băng dài 3.000 mét như đường băng mà Trung Quốc xây dựng tại Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Su Bi. Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) nhắc lại là hiện nay, đường băng duy nhất của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa là đường băng dài 1.300m trên đảo Trường Sa cùng tên, đủ rộng cho hầu hết các máy bay quân sự của Việt Nam, nhưng cần có một đường băng dài 3.000 mét thì các máy bay vận tải, trinh thám hoặc oanh tạc cơ quân sự lớn hơn mới có thể cất cánh và hạ cánh.

Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới, với lượng hàng thương mại trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la được chuyên chở qua mỗi năm, theo số liệu Reuters trích dẫn. Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều đã đưa ra các yêu sách đối với một phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa, làm dấy lên lo ngại rằng khu vực này đang trở thành điểm nóng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trong các vấn đề toàn cầu.

Trung Quốc : Bài ca tố cáo cường độ làm việc vất vả bùng nổ mạng xã hội

Tại Trung Quốc, trong hai tuần qua, một bản nhạc chế nói về nỗi vất vả, mệt mỏi khi phải làm việc quá tải đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội. « Bài ca của người lao động » đặc biệt tố cáo nhịp độ làm việc « 11.11.6 », thời gian làm việc từ 11 giờ sáng đến 11 giờ đêm, 6 ngày mỗi tuần, gây mệt mỏi và làm mất đi ý nghĩa của công việc.


Ảnh minh họa một người lao động Trung Quốc ngồi nghỉ trước tòa nhà văn phòng thương mại Galaxy Soho ở Bắc Kinh, ngày 27/05/2024. AP - Andy Wong
Thùy Dương
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm :

« Vũ điệu tuổi trẻ », một bài dân ca có từ năm 1939 tại Tân Cương, miền tây Trung Quốc, hiện giờ vang lên sôi nổi, tưng bừng tại các văn phòng ở Trung Quốc, hoặc ít nhất là trên những chiếc điện thoại thông minh của những người làm công ăn lương mệt mỏi. Video nói về những người công nhân, nhưng lại với hình ảnh của những tấm thảm trải sàn màu xám của các văn phòng được thiết kế theo kiểu không gian mở, cuộc sống hàng ngày nhàm chán bị đóng khung với những hành trình di chuyển dài trên các phương tiện giao thông công cộng và những người quản lý kém năng lực.

Xuất hiện lần đầu tiên cách nay gần 2 tuần, « bài ca công nhân » giờ đây được thể hiện tùy theo các lĩnh vực hoạt động. Một trong các phiên bản được chia sẻ nhiều nhất trên mạng Douyin - mạng video Tik Tok phiên bản Trung Quốc - đã được 570.000 người nhấn nút « thích » và 1,16 triệu lượt chia sẻ.

Thường có những kiểu ghi hình giống nhau, áo T-shirt được thay thế bằng PowerPoint, bảng Excel thay cho đồng hồ và điện thoại di động được dùng ở cả metro và ở nhà … cho thấy những khó khăn khi các sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đi tìm việc và áp lực khởi động lại nền kinh tế thời hậu Covid. Thế hệ thanh niên bất mãn hiện giờ bày tỏ nỗi thất vọng về một « thế giới hậu » Covid rất giống với thế giới tiền Covid.

Trong báo cáo tài chính năm 2023, Pinduoduo, một tập đoàn chuyên về bán hàng trực tuyến, chỉ ra rằng mỗi nhân viên của tập đoàn đã có thể mang lại 12,22 triệu Nhân dân tệ - hơn 1,5 triệu euro - cho công ty, nhưng điều này có được là nhờ nhịp đô làm việc « 11, 11, 6 », tức là từ 11 giờ sáng đến 11 giờ đêm, và 6 ngày mỗi tuần ».

Không có nhận xét nào: