Câu chuyện đã xảy ra năm 1976, cách đây đã 48 năm, trong “cái-gọi-là” trại học tập cải tạo vùng rừng núi Phước Long! Theo chân ngài Minh Tuệ thì đáng lẽ tôi phải buông bỏ nhưng có lẽ chính vì không thể buông bỏ hết nên tôi chưa thành chánh quả? Chuyện rắc rối nguyên thủy là do cái tên của tôi. Từ khi sinh ra, và dĩ nhiên, trong giấy khai sinh, tên tôi đã có chữ “Z” sau chữ “D”. Sống gần 30 năm ở cả Hà Nội và Sài Gòn, vẫn không gặp rắc rối gì với cái tên “kỳ quặc” này. Cho đến năm 1975, sau khi Miền Nam bị “xập tiệm” thì tôi mới bắt đầu trải qua những kinh nghiệm không có cách giải quyết.
Một hôm, cán bộ quản giáo gọi tôi lên trình diện trại. Họ hằn học cho biết là tôi vẫn còn “ôm chân đế quốc”! Tôi không hiểu tại sao họ lại “đổ” cho tôi cái tội ôm chân đế quốc. Tôi nói là tôi không hiểu, xin cán bộ giải thích thêm. Ông cán bộ quản giáo đập bàn phẫn nộ hỏi là “Anh có ý gì mà thêm chữ “z” vào trong tên của anh. Trong tiếng Việt đâu có chữ này. Anh có ý chống đối nhà nước hả?” Thôi to chuyện rồi, toát mồ hôi! Chỉ vì mình có tên hơi khác lạ so với cái tên “Dương” bình thường mà bị cán bộ gán ghép cho hai cái tội: Ôm chân đế quốc, và chống đối nhà nước.
Đúng là “miệng nhà quan có gang có thép”! Tôi ôn tồn giải thích là hồi tôi sinh ra, ở Hà Nội có phong trào thêm chữ Z này vào sau chữ D nếu cha mẹ đặt tên con bắt đầu bằng chữ D. Cán bộ đập bàn quát: “Tôi không cần biết tên ai thế nào nhưng hôm nay, tôi quyết định anh phải bỏ chữ đó ra khỏi tên của anh”. Tôi vẫn cố giải thích: “Thưa cán bộ, tôi thiết tưởng việc tôi có tên lạ như vậy đâu có liên quan gì tới việc tôi đang cố học tập tốt?” Cán bộ lại càng tức tối: “Anh còn ngoan cố nữa hả? Một lần nữa, tôi hỏi anh, hôm nay anh có chịu đổi cái tên đó không?” Tôi lại phải vớt vát: “Thưa cán bộ, tôi sợ rằng nếu hôm nay tôi sửa cái tên của tôi, nhỡ mai kia có cán bộ khác hỏi tôi tại sao tôi không khai trước sau như một – lúc mới vào trại thì khai tên khác, bây giờ lại khai tên khác? Thì tôi cũng khó trả lời”. Ông cán bộ có vẻ suy nghĩ nhưng vì đã lỡ ra oai nên vẫn đưa tôi tờ giấy bảo tôi viết xuống lời cam kết là kể từ hôm nay, tên của tôi sẽ không có chữ “Z”. Ông đứng dậy bỏ đi và hẹn nửa tiếng sau sẽ trở lại. (Có mỗi mấy chữ cam kết mà ông cho tôi tới nửa tiếng thì kể ra ông cũng rộng lượng!)
Tôi ngồi ngậm bút suy nghĩ cách trốn cái việc làm trái khuấy này. Chừng nửa tiếng sau ông trở lại thật. Thấy tôi vẫn chưa viết được chữ nào, ông nổi giận đùng đùng, tát vào mặt tôi một cái. Không chuẩn bị trước cho nên tôi lãnh đủ cú đánh hậm hực đó. Ông hỏi tôi: “Sao, bây giờ anh có chịu viết tờ cam kết không?” Lúc này tôi vẫn lắc đầu, biết là không sao giải thích hoặc tránh né gì được. Đành phải chờ đợi hậu quả vậy.
Quả thực, ông sai mấy người vệ binh lôi tôi ra khỏi phòng, trói tôi vào cái cột và đấm liên tục vào ngực, vào bụng, vào mặt tôi. Hồi còn trẻ, tôi có học võ vẽ vài ngón của hai môn võ Judo và Taekwondo nhưng hình như lúc này cũng không giúp ích gì cho tôi, chỉ còn cách nín thở, chịu đựng. Ngày xưa, ở trong các quân trường, sinh viên sĩ quan đều nhìn thấy khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” Hôm nay tôi vừa mất mồ hôi, lại vừa tốn máu!
Đánh đấm một hồi, tôi rũ người ra nên các anh vệ binh hình như không còn hứng thú nữa. Họ lôi tôi xuống “chuồng cọp” và thẩy tôi xuống đó.
Chuồng cọp là một cái hố đào bằng tay, chung quanh có kẽm gai, trên có một miếng tôn làm mái. Chiều dài không đủ cho tôi nằm, chiếu cao không đủ cho tôi đứng. Cứ phải lom khom như vậy. Một chút xíu sau, mệt quá, tôi đành phải ngồi bệt xuống. Khổ nỗi là dưới đáy chuồng cọp lại còn một ít nước mưa đọng lại! Bất cần, đau và mệt quá, tôi cứ ngồi trong tư thế nửa người khô, và nửa người ướt như vậy và thiếp đi.
Sáng sớm, họ đưa cho tôi một nắm cơm gói trong lá chuối xong xốc tôi lên mặt đất, dẫn tôi ra một đống củi của ai đó chẻ và bỏ dở. Các anh quản giáo bảo tôi chẻ tiếp đống củi này xong cho về trại. Nhìn quanh, chỉ thấy một lưỡi búa rìu, đã rỉ sét, rất cùn mà lại không có cán nữa! Đống củi còn lại đó chỉ còn những khúc cong queo, đầy mắt, có con rựa bén cũng khó mà chẻ, huống chi đang trong tình thế tay không! Tôi lại phải ngồi đợi cơn giận kế tiếp của những người quản giáo.
Một lúc sau, có một anh vệ binh đến, hất hàm hỏi tôi: Anh chẻ đến đâu rồi? Tôi phân trần: Tôi không có con rựa để chẻ, các anh chỉ cho tôi lưỡi búa này mà lại không có cán. Tôi không làm gì được. Tôi rất tiếc.
Anh vệ binh ngồi xuống bên tôi hỏi: Anh có biết bài hát Những Đồi Hoa Sim không? Tôi sợ đây là cái bẫy của họ cho nên giả vờ không biết. Anh vệ binh có vẻ thân mật nói: Anh không phải dấu tôi. Tôi biết là trong này, các anh ai cũng biết bài hát này mà. Tôi thấy thái độ của anh chàng này có vẻ vô hại nên tôi hỏi lại: Vậy anh muốn biết bài hát này làm gì? Anh chàng có vẻ tươi hơn một chút. Anh nói: Thực ra một tuần nữa, tôi được đi về phép, tôi muốn chép bài hát này về tặng vợ tôi. Ở ngoài đó ai cũng thích bài hát này nhưng không ai biết trọn lời của nó. Anh giúp tôi được không?
Cơ hội ngàn vàng đến rồi đây! Tôi nói nhỏ với anh, nếu anh cho tôi về trại với anh em, tôi sẽ tìm người bạn nào thuộc bài hát này, tôi sẽ viết lại cho anh.
Anh vệ binh đứng dậy, dẫn đường, đưa tôi trở về trại. Các bạn tôi ra dìu tôi vào láng, giúp tôi lau máu và bôi dầu lên các vết bầm tím của tôi.
Tối hôm sau, anh vệ binh trở lại, tìm tôi và đưa cho tôi cuốn vở học trò còn mới tinh. Anh nói anh chép lời bài hát vào đây cho “em”. Cố viết cho đẹp để em mang về tặng cô vợ mới cưới. Trời đất ơi, hôm nay anh chàng vệ binh này xưng “em” với tôi. Có thật không đây? Dĩ nhiên là bài Những Đồi Hoa Sim tôi thuộc lòng. (Lúc đó chỉ có bài hát nguyên thủy của Dzũng Chinh phỏng theo lời của bài thơ Màu Tím Hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan.) Hai ngày sau đo, tôi nằm khểnh, nghỉ ngơi để “dưỡng thương”. (Cái tên của ông Dzũng chinh này cũng có chữ Z đấy, các ông cán bộ không thắc mắc gì được!)
Hai hôm sau, anh vệ binh trở lại tìm tôi, anh ấy mang theo một bịch nylon đựng một ít ruốc (thịt chà bông) và một bịch nhỏ khác, đựng một ít “mì chính”, một thứ phụ gia (bột ngọt) đáng quý của người miền Bắc. Tôi trao lại cuốn vở cho anh. Anh liếc nhìn thấy tôi trình bày rất đẹp, bài hát được viết nắn nót. Anh hài lòng lắm và cầm về.
Đấy âu cũng là câu chuyện rắc rối trong đời tôi nhưng nó cũng có cái kết đẹp vì sau trận đòn bắt tôi phải bỏ chữ Z ra khỏi cái tên của tôi, tên tôi được lan truyền trong giới quản giáo của trại. Khi cần đến việc làm tỷ mỉ, khéo tay là họ lại nhờ đến tôi. Tôi bao giờ cũng lợi dụng việc này, không bao giờ quên “mặc cả” đòi vài ngày nghỉ khỏi lao động trong rừng!
Các bác khi gửi tin nhắn cho tôi, xin nhớ là tên tôi có chữ Z đấy nhá!
(Hình minh họa lấy từ Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét