Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2024

Giới Thiệu Sinh Hoạt Hôm Nay: Chiều Nhạc Khúc Tình Ca Của Lính II, Tang Lễ Của Ông Hồ Văn Khởi và Kính Chuyển Tin Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Hôm Nay, Chủ Nhật Ngày 9 Tháng 6, Nhớ Đừng Quên Tham Dự: Chiều Nhạc Khúc Tình Ca Của Lính II. (Một trong những chương trình nhạc truyền thống, với nhiều công phu sửa soạn, giá Trị!) Lúc 2 giờ Chiều ngày Chủ Nhật 9 Tháng 6 2024, (hơm nay!) tại Hội Trường Santa Clara County. -Do Nhóm Hát Cho Giấc Mơ Việt Nam thực hiện! Vào cửa miễn phí. Chương trinh sẽ gồm gần 20 Bài hát, với những nốt nhạc trải dài theo giòng Lịch sử của Miền Nam Việt Nam, qua 20 năm chinh chiến, đặc biệt mang theo hình tượng thân yêu của Người Lính VNCH đầy quả cảm, đầy tình nhân bản và nặng lòng với làng xóm quê hương!
<!>
Với Sự góp mặt của các giọng ca hàng đầu của Miền Thung Lũng Hoa Vàng: Đồng Thảo, Ánh Mai, Kathy B, Mỹ Dung, Annie Trần, Hữu Gia, Duy Tuấn, Don Nguyễn, Quang Khải, Đinh Thiện.
Nhóm TCTV: Jenny, Bảo Trân, Anh Thơ, Quỳnh Hương, Lainey, Krystal Mai, Thúy Vi, Thúy Ân.
MC: Hoàng Tuấn. Keyboad Tuấn Trần, Guitar Nghĩa Lê, Bass Khiêm Lê, Bongo Đinh Duyên. Ân thanh, ánh sáng Quang Khải.
-Đến để nghe nhóm nghệ sĩ chúng tôi, hát ca ngợi tình Nhân bản, tình yêu của Người Lính VNCH dành cho Quê Hương.

-Xin cảm ơn các khán thính giả quen thuộc, đã nhiệt tình ủng hộ HCGMVN trong những show lần trước, rất thành công và hẹn gặp lại quý vị chiều hôm nay, mong ước được ủng hộ hơn nữa!
-Mong đón nhận mọi ý kiến đóng góp hay ủng hộ vật chất để Nhóm HCGMVN có điều kiện thực hiện thường xuyên hơn, những chương trình ca nhạc ý nghĩa này!
Zelle hoặc chi phiếu xin gửi: Hát Cho Giấc Mơ Việt Nam 408-314- 4069
Chân thành cảm ơn !
Thay mặt cho HCGMVN,

Đồng Thảo

Lưu ý: nếu có thể mong các Cựu Quân Nhân. mặc Quân phục cho không khí buổi văn nghệ đặc biệt này được thêm phần ý nghĩa.

Hôm Nay, Tang Lễ Của Ông Hồ Văn Khởi


-Ông Khởi là một khuôn mặt đấu tranh rất quen thuộc với Cộng Đồng vào đầu thập niên 90. Một thời Ông giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Đại Biểu, Cộng Đồng Người Việt Bắc Cali. Tính tình lúc nào cũng tươi cười, hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, hòa đồng với tất cả mọi người. Vì xuất thân từ một Thiếu Sinh Quân, nên tinh thần phục vụ rất cao, nhất là những công tác đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ. Ông cũng là thành viên của nhiều chính đảng, Ông luôn nhắc nhở: “Hoa Tự Do và Hoa Dân Chủ phải được tưới bằng máu đào và xương trắng của chính người Việt, cho Dân Việt Nước Việt.” Chúng tôi được biết, nhiều Bạn Bè Thân Hữu, nhất là Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali, có hẹn nhau, lúc 1 giờ chiều nay, để nói lời đưa tiễn Ông lần cuối!



Nóng: Nhằm tuyên truyền xoa dịu dư luận, CSVN đưa Sư Thích Minh Tuệ xuất hiện trên tivi nhà nước ‘tuyên truyền’ sau 1 tuần ‘ẩn tu!’


-Sau vụ bị Công An Tỉnh Thừa Thiên Huế cưỡng ép khiến nhóm tu sĩ cùng với sư Thích Minh Tuệ “tự nguyện” dừng bộ hành khất thực, sư Tuệ bất ngờ xuất hiện “trả lời phỏng vấn” trên Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV1) sau bảy ngày dừng bộ hành để “ẩn tu.”
Trong phóng sự ngắn phát sóng trong bản tin Thời Sự của VTV1 tối 8 Tháng Sáu, sư Thích Minh Tuệ được thấy xuất hiện trong bộ trang phục quen thuộc, đầu trần đứng ngoài trời dưới gốc cây để trả lời phỏng vấn đài truyền hình.
Theo phóng viên đài VTV1, mới đây gia đình sư Minh Tuệ cũng đã có đơn gửi các cơ quan hữu trách đề nghị “xử lý” các trường hợp lợi dụng hình ảnh của ông để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, “gây ảnh hưởng tới ông Thích Minh Tuệ và gia đình ông.”
“Đã đến lúc cần siết chặt công tác quản lý nội dung số, nếu không các YouTuber, TikToker sẽ bất chấp tất cả để kiếm tiền mà không quan tâm đến hậu quả gây ra cho xã hội,” phóng viên VTV1 mạnh miệng đề nghị.
Trong bản tin, nhà đài không quên cáo buộc “các thế lực chống phá” đã xuyên tạc “đưa nhiều tin sai lệch” về lý do sư Thích Minh Tuệ bị dừng bộ hành để ẩn tu.
Việc VTV1 đưa hình ảnh sư Thích Minh Tuệ lên “phỏng vấn” nhằm tuyên truyền xoa dịu sự bàn tán, hoài nghi của công luận về việc nhà sư bị khống chế, thậm chí bị bắt giữ. Song, thực hư thì chỉ có “nhà đài” mới rõ.

Trước đó, nói với báo Pháp Luật TP.HCM hôm 4 Tháng Sáu, một lãnh đạo Công An Tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay hôm qua 3 Tháng Sáu, sau khi sư Thích Minh Tuệ “tự nguyện” dừng việc đi bộ khất thực, Công An Tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa nhà sư “đến nơi theo yêu cầu” và việc làm Căn Cước Công Dân cho ông do lực lượng Công An Tỉnh Gia Lai thực hiện, nhưng không cho biết địa chỉ cư trú cố định.
Theo truyền thông trong nước, khi sư Thích Minh Tuệ đang khất thực đi qua địa phận Thừa Thiên Huế, các cơ quan hữu trách “đã gặp gỡ, trao đổi” với ông về việc “nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.”
Trên thực tế, theo các video clip ghi lại, từ chiều 2 Tháng Sáu, các lực lượng hữu trách tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều hướng đoàn người đi vào đường tránh Tứ Hạ – Phú Bài, mà không đi vào thành phố Huế.

Khi đoàn bộ hành lúc đó có tổng cộng 72 người (thất thập nhị hiền) kể cả sư Minh Tuệ, được dẫn tới nghỉ qua đêm trong một lán trại của kiểm lâm giữa một cánh rừng không xa đường lớn.
Trong khi đó, đoàn người bám theo kể cả các YouTuber, TikToker bị barie ngăn lại. Tại đây đã có máy phá sóng viễn thông.
Khoảng hơn 1 giờ rạng sáng 3 Tháng Sáu, lực lượng hữu trách Thừa Thiên Huế đạp cửa rào bên ngoài để vào bên trong lán trại, trong khi các sư huynh đệ đang ngủ.
Đầu tiên, công an “làm việc” với sư Minh Tuệ, yêu cầu dừng cuộc bộ hành, nhưng sư thản nhiên trả lời đây là hạnh nguyện tu tập nên sẽ không có chuyện dừng bộ hành.

Cùng lúc đó, công an đã ập vào bên trong lán trại và quàng các dây nhựa màu vàng xích hai tay các vị hành giả đầu đà để áp giải đưa đi, nhất là những người có hình xăm bị cưỡng bức quyết liệt.
Riêng với hai sư Minh Tuệ và Tuệ Đức thì không bị trói.
Công an đưa các sư ra các xe đã chờ sẵn rất nhiều ở quanh đó, rồi chia làm hai nhóm, một đi về phía Nam và một đi về phía Bắc.
Sư Minh Tuệ cũng bị cưỡng bức đưa lên một xe hơi chở đi, nhưng không rõ điểm đến.
Xe vào phía Nam đến Quảng Ngãi thì dừng để đưa vào một trụ sở công an. Xe đi phía Bắc thì ngừng một bãi đất trống ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Sau đó, công an đưa cho mỗi người một bộ quần áo, gồm quần thể thao và áo phông màu xanh và yêu cầu thay bộ y phấn tảo.
“Về y phục, có lẽ chỉ có sư Minh Tuệ là không thay y, còn sư Tuệ Đức chỉ cởi y phấn tảo để mặc y màu nâu như các sư của Giáo Hội. Khi xảy ra biến cố, đoàn bộ hành có 72 người, đông nhất kể từ khi việc bộ hành của sư Minh Tuệ được mọi người biết đến. Sức khỏe và ý chí của đoàn bộ hành rất tốt và mạnh mẽ,” theo Facebooker Minh Thành.


Nhiều Đều nghi ngờ khi:
VTV1 &VTV3 PHÓNG SỰ "TRÌNH DIỆN" VỀ NGÀI THÍCH MINH TUỆ
(NGUYỄN XUÂN DIỆN)


-VTV1 Thời sự 19h tối nay có phát một phóng sự về Ngài Thích Minh Tuệ. Cư dân mạng đã xem kỹ và thấy một số điểm rất rõ sau:
1- Ống kính đặt rất gần, sát với Ngài. Điều này là tối kỵ khi tiếp cận nhà tu hành. Giống như một khúc phim điều tra!
2- Biên tập viên nói 7 ngày, hôm nay 8/6, trong khi Ngài “tự nguyện” hôm 3/6 thì tính ra chưa hết 6 ngày.
3- Phỏng vấn mà Ngài và PV Liên Liên không cùng trong một khung hình?
4- FB Trần Long còn phát hiện gốc đa nơi Ngài ngồi được chăm chút quét vôi trắng (xem ảnh).
5- Hình ảnh trong phóng sự phần lớn là sản phẩm ghi hình của các Youtuber đi theo Ngài.

(Hình thầy Minh Tuệ trên VTV3.)


Ý Kiến của Dat Do
-Sau 7 ngày thầy Minh Tuệ được CA "bế" đi trong đêm để "ẩn tu" trong nhà đá và tự giác xin nghỉ khất thực ....
Thầy Minh Tuệ đã được mời lên cho VTV (vua tin vịt) phỏng dzấn .
Với Khuôn mặt hốc hác đầy lo lắng, thầy MT nói chuyện với phóng viên VTV.
Có lẽ do áp lực dư luận xã hội trong và ngoài nước nên chính quyền đã phải "bế" thầy lên TV.
Dư luận cho là clip từ trước, giờ lồng ghép tiếng thêm phóng viên vô.
Tất nhiên sau 7 ngày ẩn tu trong khám, thầy MT đã được CA "chăm sóc đặc biệt" nên lên TV nói rất ....thuộc bài!
Hay cái là thầy MT không nói ẩn tu ở đâu (sao phóng viên VTV biết mà tới gặp?) và tương lai sẽ làm gì.
Vở diễn này hơi bị ...rẻ tiền! Ai coi cũng biết dàn dựng!


+ Mà này, đây đâu phải nương rẫy trên Gia Lai? Vườn có lắm cây to lại quét vôi trắng đều tăm tắp, dạng đồng phục lực lượng vũ trang này là:
- Vườn của cơ quan nhà nước?
- Doanh trại quân đội?
- Sân vườn nhà...tù?
- phóng sự diễn tả cuộc nói chuyện chỉ có 2 người đối diện nhau, là sư Minh Tuệ & cô phóng viên có "phốt" Liên Liên (dĩ nhiên ít nhất còn có thêm tay máy quay). Tuy nhiên, dân kỹ thuật người ta phóng to khung ảnh để "soi" mắt sư Minh Tuệ trong clip của VTV, để tìm ảnh phản chiếu thì... không có bóng cô phóng viên áo trắng với hàng cây phản chiếu trong mắt sư? Dĩ nhiên không có luôn cả người quay? Là sao? Chỉ mỗi ngồi một chỗ cắt, ghép, Control + C Control + V, dặm vá màu, cân chỉnh ánh sáng cho "thật" một chút, mà cũng không xong nữa, thì làm sao đánh lừa cả dân tộc này mãi được?


Hiện Tượng Thích Minh Tuệ


Thơ Trần Quốc Bảo
(Hình minh họa mượn trên Net)

Hiện Tượng Thích Minh Tuệ
Giữa lòng xã hội tôn thờ vật chất
Lũ cán gộc, lo xây cất tư dinh
Phản bội Giang Sơn, quên hết nghĩa tình
Đua nhau tham nhũng, ấm thân khuyển phệ
Thời có một người tên Thích Minh Tuệ
Ôm bình khất thực đi suốt bắc nam
Tu hạnh đầu đà, không bợn gian tham
Từng bước chân trần… ngời ngời sáng tỏa

Giữa lúc một số tăng ni sa đọa
Nặng phần ngã mạn, nặng cả sân si
Nguy nga chùa chiền, nhẹ đức từ bi
Đưa cúng dường vào trọng tâm thuyết pháp
Thời Minh Tuệ xuất hiện như bạch lạp
Tỏa sáng ngời… làm lộ diện tăng ma
Thày không tu chùa, như Phật Thích Ca


(Hình mượn trên Net)
Không gọi cúng dường, không thu tiền bạc
Giữ giới định tuệ, thân tâm an lạc
Ngày một bữa chay, đêm chỉ ngủ ngồi
Thày nhận mình đang tu tập mà thôi
Không phải Sư, cũng không hề giảng pháp!
Áo mặc không phải cà-sa y giáp
Chỉ vải vụn, lượm thùng rác ven đường!
Khâu nối vào nhau, che đỡ gió sương
Còn khất thực, dùng lõi nồi cơm điện.

Thày tâm sự về công phu tu luyện
Không sát sinh, không lừa đảo gian dâm
Coi mọi người là tất cả anh em
Con đi tu, để cầu mong giải thoát!
Lòng an tịnh, không hận thù khuynh loát
Con tầm thường như tất cả chúng sinh
Xin đừng ai quì lạy hoặc cung nghinh
Hãy quì lạy Đấng Chí Tôn Phật Tổ!

Hành giả, đầu đội trời, chân đi bộ
Mà lạ thay… vang đức độ nơi nơi
Phật tử chúng sinh, khắp bốn phương trời
Ngưỡng mộ tuyệt vời thày Thích Minh Tuệ
Cũng đồng thời, bọn ma tăng cẩu trệ
Nặng lời phỉ báng, thỏa dạ ghét ganh
Gọi thày là “thằng cà chớn bộ hành…”
“Không phải Sư hữu danh trong Giáo Hội!”

Khi hạnh đức thày Minh Tuệ vang dội
Cũng thời điểm, bọn việt cộng ra tay
Chúng đàn áp đoàn khất thực tan ngay
Mọi thủ đoạn, diễn ra trong đêm tối… !
Chuyện đâu còn đó; - Chưa kết luận vội
Hãy chờ xem “Hữu xạ tự nhiên hương”
Cõi nhân sinh, vốn là Cõi vô thường
Nhưng chân lý thì trường tồn bất biến.

Trần Quốc Bảo


Tin Việt Nam

Tổng Thống Biden Tiến Cử Ông Kin Moy, Lần Đầu Tiên Người Gốc Á Châu, Làm Tân Đại Sứ Mỹ Tại Việt Nam!


(Ảnh: Ông Kin Moy, Phó Phụ tá Ngoại trưởng Thường trực Hoa Kỳ phụ trách Vụ Đông Á và Thái Bình Dương, điều trần tại Quốc hội ngày 21/3/2024.)
-Hôm 5/6/2024, Tòa Bạch Ốc thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tiến cử ông Kin Moy, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, làm Đại sứ mới của quốc gia này tại Việt Nam.
Việc đề cử ông Moy được Tòa Bạch Ốc chuyển đến Thượng viện hôm 5/6 và cơ quan Lập pháp này thông báo đã nhận được đề cử trong cùng ngày.
Ông Kin Moy là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hiện đang giữ chức Phó Phụ tá Ngoại trưởng Thường trực đặc trách Văn phòng Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của bộ. Ông được bổ nhiệm vào vị trí này hồi tháng 6/2021, theo thông cáo của Tòa Bạch Ốc và thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trước đó, ông từng giữ chức vụ Phó Phụ tá Ngoại trưởng tại Cục Tình báo và Nghiên cứu; Trưởng phái bộ mang tên Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT); và Phó Phụ tá Ngoại trưởng của Văn phòng Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đặc trách về Trung Quốc, Mông Cổ và Đài Loan, theo thông cáo của Tòa Bạch Ốc.


(Hình: Ông Kim Moy và Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, tại Đài Bắc, ngày 21/3/2018.)
Bản tiểu sử đăng trên trang web của Quốc hội Mỹ cho thấy ông Moy từng giữ chức vụ Phó Thư ký Điều hành của Văn phòng Ngoại trưởng Hillary Clinton và ChánhVăn phòng Ban Thư ký Điều hành của Văn phòng Ngoại trưởng Condoleezza Rice.
Ông Moy, với gần 30 năm làm việc trong ngành ngoại giao và từng nhận giải thưởng cao quý của Tổng thống Mỹ, tốt nghiệp Đại học Columbia và Đại học Minnesota. Ông nói được tiếng Phổ thông Trung Quốc và tiếng Quảng Đông, theo trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nếu được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận, ông Moy sẽ trở thành tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, thay thế ông Marc Knapper, người được ông Biden bổ nhiệm vào tháng 1/2022.


Hai tờ báo lớn Hoa Kỳ: New York Times và Washington Post, đồng đưa tin vụ bắt nhà báo Huy Đức!


-Một ngày sau khi Bộ Công An Việt Nam chính thức xác nhận vụ bắt nhà báo Huy Đức, hai tờ báo hàng đầu của Mỹ là New York Times và Washington Post đồng loạt đưa tin vụ này.
Bản tin “Vietnam Arrests Prominent Journalist for Facebook Posts” (Việt Nam bắt giữ nhà báo nổi tiếng vì bài đăng trên Facebook) của báo New York Times hôm 7 Tháng Sáu nhấn mạnh: “Theo các nhóm nhân quyền, cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ nhắm vào ông Trương Huy San, tức Huy Đức, thường được nhà cầm quyền CSVN sử dụng để chống lại những người chỉ trích chính quyền.”
Cùng thời điểm, bản tin của Washington Post cho biết, tội danh mà ông Huy Đức bị áp đặt có thể khiến ông bị kết án từ hai đến bảy năm tù khi hầu tòa.
Bản tin trích dẫn thông cáo của The 88 Project, nhóm giám sát nhân quyền ở Việt Nam, cho biết vụ bắt giữ nhà báo Huy Đức “thể hiện một cuộc tấn công đáng báo động vào quyền tự do báo chí và là vụ mới nhất trong một cuộc đàn áp đang diễn ra nhằm vào các nhà cải cách.”

Dịp này, nhóm nêu trên kêu gọi Washington trừng phạt Hà Nội vì đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Washington Post cho biết thêm, tin ban đầu về vụ bắt nhà báo Huy Đức lan truyền trên mạng xã hội sau khi ông này đột nhiên vắng mặt bất thường tại một sự kiện diễn ra ở Hà Nội vào ngày 1 Tháng Sáu.
Tin đồn càng thêm khả tín khi trang cá nhân của tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc” thu hút 350,000 lượt follower biến mất vào ngày 2 Tháng Sáu mà không rõ nguyên do.
Vài ngày trước khi “mất tích,” ông Huy Đức được ghi nhận đăng bài chỉ trích đảng do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo.
Hồi tháng trước, ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An giành ghế chủ tịch nước, điều mà một số nhà phân tích tin rằng là một phần của một loạt các thay đổi liên quan đến việc nhân vật nào cuối cùng có thể kế nhiệm chức tổng bí thư sau khi ông Trọng rời ghế vào năm 2026.

Chỉ số Tự Do Báo Chí Thế Giới 2024 do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RWB) công bố xếp Việt Nam ở vị trí thứ 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) mô tả Việt Nam là “nhà tù tồi tệ thứ năm đối với các nhà báo trên toàn thế giới”, với ít nhất 19 phóng viên bị bỏ tù tính đến Tháng Mười Hai năm ngoái.
Hai nhóm tự do báo chí, cùng với tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) trong tuần này đã kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho ông Huy Đức.
Theo Washington Post, ông Huy Đức lâu nay đã là một trong những nhà bình luận chính trị, xã hội nổi tiếng nhất ở Việt Nam và là người thường xuyên chỉ trích chính quyền.
Cédric Alviani, giám đốc văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RWB, bình luận: “Các bài viết của nhà báo Huy Đức là nguồn thông tin vô giá giúp công chúng Việt Nam tiếp cận những thông tin bị chế độ Hà Nội kiểm duyệt.”
Huy Đức được ghi nhận là một nhà báo tự do kể từ năm 2009, thời điểm ông bị báo Sài Gòn Tiếp Thị sa thải dưới áp lực của Ban Tuyên Giáo vì quan điểm chính trị của mình.
Cuốn “Bên Thắng Cuộc” mà ông Huy Đức là tác giả, được đánh giá cao về Việt Nam thời sau 1975.
Trước khi trở thành nhà báo, ông Huy Đức là quân nhân CSVN trong tám năm và từng chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Trung Quốc và cả ở Cambodia.
Ông đã nhận được Học bổng Hubert H. Humphrey của chính phủ Mỹ tại Đại Học Maryland vào năm 2005-2006 và là nghiên cứu sinh Nieman tại Đại Học Harvard vào năm 2012-2013. (N.H.K)


Tin Quốc Tế Đó Đây

UNICEF: 180 Triệu Trẻ Em Trên Thế Giới "Thiếu Ăn Trầm Trọng"


(Hình RFI/Sarah Tétaud: Làng Sampona ở Madagascar, nơi có 53 trẻ dưới 5 tuổi trên tổng số 183 em, bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.)
-Báo cáo về sức khỏe trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), công bố hôm 5/6/2024, cho biết có đến hơn 180 triệu trẻ em, tương đương với một phần tư trẻ em dưới 5 năm tuổi trên thế giới, bị "thiếu ăn trầm trọng".
Trả lời thông tấn xã AFP, nhà dinh dưỡng học Harriet Torlesse, một tác giả của báo cáo, cho biết hơn 180 triệu trẻ nhỏ được xếp vào nhóm "thiếu ăn trầm trọng" nói trên được nuôi dưỡng chỉ với thực phẩm thuộc "hai nhóm" trong số ít nhất "5 nhóm thực phẩm" hàng ngày, theo quy định của UNICEF. Về chế độ ăn phù hợp với trẻ nhỏ, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc khuyến cáo "cần sử dụng hàng ngày tối thiểu các thực phẩm thuộc 5 trong số 8 nhóm sau: Sữa mẹ, ngũ cốc, trái cây và rau quả giàu vitamin A, thịt hay cá, trứng, các sản phẩm sữa, các loại đậu, và các loại trái cây và rau quả khác".
Người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, bà Catherine Russell, nhấn mạnh: "Hơn 50% trẻ em được nuôi dưỡng với chỉ hai nhóm thực phẩm mỗi ngày, ví dụ như với gạo và một chút sữa mẹ, có nguy cơ mắc các chứng suy dinh dưỡng trầm trọng", thậm chí tử vong.

Còn theo nhà Dinh dưỡng học Harriet Torlesse, "Các cơ quan như não bộ, tim và hệ thống miễn dịch, vốn rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ, cho việc tự vệ chống bệnh tật, phụ thuộc vào các vitamine, khoáng chất, chất đạm". Nếu các trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng này có sống sót được và lớn lên, thì "chúng cũng sẽ không phát triển tốt. Chúng sẽ kém thành công hơn trong học tập, và đến tuổi trưởng thành, chúng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiếm sống. Và điều này khiến cho nghèo đói xoay vòng hết đời này sang đời khác".
Tình trạng "thiếu ăn trầm trọng" ở trẻ dưới 5 tuổi tập trung vào 20 quốc gia, trong đó đáng lo ngại nhất là ở Somalia, Guinea, Guinea-Bissau và A Phú Hãn. Trong khi Somalia, quốc gia vốn được coi là nguy ngập nhất, có 63% trẻ dưới 5 tuổi là nạn nhân, thì với Gaza đang trong chiến tranh hiện nay, tỉ lệ này lên đến 90%, theo UNICEF.
Bên cạnh nhóm hơn 180 triệu trẻ em dưới 5 tuổi "thiếu ăn trầm trọng", còn có 440 triệu trẻ em dưới 5 tuổi khác (tương đương 66% trẻ ở độ tuổi này), sống tại khoảng 100 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, bị "thiếu ăn", tức không được hưởng chế độ ăn với "5 nhóm thực phẩm tối thiểu" theo khuyến cáo của UNICEF.


Gaza: Do Thái Oanh Kích Một Trường Học của Liên Hiệp Quốc Khiến Ít Nhất 37 Người Chết


(Hình: Trường học của Liên Hiệp Quốc tại Gaza, sau khi bị Không quân Do Thái oanh kích, ngày 6/6/2024.)
-Trong đêm 5/6/2024, Không quân Do Thái oanh kích một trường học của Cơ quan Chuyên trách về Người tị nạn Palestine (UNRWA) của Liên Hiệp Quốc tại miền Trung dải Gaza, khiến ít nhất 37 người thiệt mạng, theo bệnh viện Al-Aqsa ở Deir el-Balah.
Quân đội Do Thái ngay lập tức xác nhận cuộc oanh kích nhằm tiêu diệt một căn cứ của Hamas. Trả lời thông tấn xã Reuters, cơ quan truyền thông của Hamas tố cáo Do Thái dối trá để biện minh cho việc sát hại thường dân. Thông tín viên Sami Boukhelifa của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ thủ đô Jérusalem của Do Thái:

Quân đội Do Thái xác nhận đã tiến hành cuộc tấn công này qua một bản thông báo cho biết Không quân Do Thái oanh kích "một căn cứ của Hamas bố trí trong trường học này. Nhiều thành viên của các nhóm vũ trang Palestine, Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo, tham gia vào cuộc thảm sát ngày 7/10/2023, đã bị tiêu diệt".
Các hình ảnh đến từ Gaza một lần nữa cho thấy những cảnh tượng hỗn loạn. Hàng chục thi thể rải rác trên mặt đất. Nhiều gia đình bị thảm sát toàn bộ. Người sống sót khóc than. Lại tiếp tục có thêm trẻ em bị giết hại tại dải Gaza. Người bị thương được chuyển đến một bệnh viện dã chiến.
Cách nay mươi hôm, cũng những cảnh tượng tan hoang, những thi thể biến dạng, bị thiêu cháy sau một cuộc oanh kích của Do Thái nhắm vào một trại tị nạn tại vùng Rafah.

Trong vụ đó, Do Thái thừa nhận "một tai nạn bi thảm" và tuyên bố "mở điều tra". Lần này thì không cần điều tra. Quân đội Do Thái khẳng định đã có một số biện pháp để giảm thiểu thiệt hại với thường dân. Phía Palestine tố cáo "một vụ thảm sát ghê rợn".
Đàm phán tiếp diễn tại Doha. Thông tấn xã AFP dẫn một nguồn tin theo sát các thương lượng cho biết, trong cuộc họp hôm 5/6 với Thủ tướng Qatar và Chỉ huy tình báo Ai Cập tại Doha, lãnh đạo chính trị của tổ chức Hamas, Ismaël Haniyeh, một lần nữa nhấn mạnh là Hamas sẽ chỉ xem xét "nghiêm túc" các đề xuất nào bao gồm việc quân đội Do Thái "chấm dứt" chiến dịch tấn công và "rút hoàn toàn" khỏi Gaza.


Tổng Thống Zelensky Thăm Paris, Pháp Ký 2 Thỏa Thuận Hỗ Trợ Ukraine


(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky (trái) và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron, tại cuộc họp báo chung tại phủ Tổng thống Pháp, ngày 16/2/2024.)
-Sau lễ kỷ niệm 80 năm quân đồng minh Đổ Bộ Normandy, kết thúc Ðệ nhị Thế chiến vãn hồi hòa bình tại Âu Châu, Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục công du nước Pháp. Ngày 7/6/2024, nguyên thủ Ukraine sẽ phát biểu trước Quốc Hội, gặp gỡ một số doanh nhân Pháp và sẽ hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron tại điện Elysée. Paris cho biết nguyên thủ hai nước sẽ chứng kiến lễ ký kết hai thỏa thuận hỗ trợ Ukraine.
Phủ Tổng thống Pháp trong thông cáo hôm 6/6 cho biết, sau buổi làm việc chung vào chiều 7/6, lãnh đạo hai nước họp báo chung. Hai Tổng thống Emmanuel Macron và Volodymyr Zelensky chứng kiến lễ ký kết 2 Thỏa thuận Pháp hỗ trợ Ukraine tương đương với "650 triệu Euro, trong đó bao gồm một khoản tín dụng và một khoản tặng" giúp Kyiv tái thiết và nhất là "xây dựng lại một số cơ sở năng lượng đã bị Nga phá hủy".

Hãng tin Pháp AFP cho biết: "Văn bản thứ nhất cho phép Cơ Quan Phát Triển Pháp AFDcấp 400 triệu Euro tín dụng và tặng cho Ukraine 50 triệu Euro từ nay đến năm 2027". AFD mở rộng hoạt động tại Ukraine chủ yếu trong hai lĩnh vực năng lượng và giao thông.
Thỏa thuận thứ nhì trị giá khoảng 200 triệu Euro được cấp dưới hình thức một "quỹ hỗ trợ" để giúp các doanh nghiệp Pháp chuẩn bị tham gia vào các dự án tái thiết Ukraine. Trong khuôn khổ chương trình này thì ngoài giao thông, năng lượng, phía Pháp còn chú trọng đến việc hỗ trợ Ukraine vực dậy ngành y tế, nông nghiệp....
Cũng về ngoại giao, điện Elysée cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đích thân đến Thụy Sĩ dự hội nghị vãn hồi hòa bình cho Ukraine. Ông Volodymyr Zelensky cho biết đã có hơn 100 quốc gia nhận lời tham dự sự kiện dự trù mở ra trong 2 ngày 15 và 16/6. Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris sẽ thay mặt ông Biden tham dự sự kiện này.


Ðiện Cẩm Linh: Ai Tiếp Vũ Khí Cho Kyiv Sẽ Phải Lãnh Hậu Quả


(Hình: Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov.)
-Hôm thứ Năm (6/6/2024), Ðiện Cẩm Linh nói các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine để tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Nga chắc chắn sẽ nhận lãnh hậu quả, sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ông đang xem xét trang bị vũ khí cho những kẻ thù của phương Tây để trả đũa.
Phát biểu với các biên tập viên cấp cao của các hãng thông tấn quốc tế ở St. Petersburg hôm thứ Tư (5/6), nhà lãnh đạo Nga cho biết Mạc Tư Khoa đang cân nhắc việc cung cấp vũ khí tầm xa tiên tiến - có tính năng tương tự như các loại vũ khí mà phương Tây đang cung cấp cho Ukraine - cho các đối thủ của phương Tây trên khắp thế giới.
Ông Putin đặc biệt đề cập đến các phi đạn tầm xa được Mỹ, Anh và Pháp cung cấp cho Ukraine, ám chỉ rằng ông có thể chuyển sang trang bị vũ khí cho các lực lượng nhắm tấn công vào các lợi ích ở ngoại quốc của các nước phương Tây đó.

"Chúng tôi đang nghĩ rằng nếu ai đó cho rằng họ có thể cung cấp vũ khí như vậy cho vùng chiến sự nhằm tấn công lãnh thổ của chúng tôi và gây ra vấn đề cho chúng tôi, thì tại sao chúng tôi không có quyền cung cấp vũ khí cùng loại cho những khu vực trên thế giới nơi sẽ xảy ra các cuộc tấn công vào những cơ sở nhạy cảm của những quốc gia đang làm điều này với Nga?", ông Putin nói.
"Vì vậy, phản ứng này có thể mang tính chất đối xứng. Chúng tôi sẽ suy nghĩ về điều này".
Bình luận của ông Putin làm tăng khả năng Mạc Tư Khoa cung cấp phi đạn tầm xa cho các nhóm chống lại lợi ích của Mỹ, Anh và Pháp trong các khu vực căng thẳng như Trung Đông.
Hôm 6/6, khi được hỏi liệu Ðiện Cẩm Linh có nêu tên các quốc gia hoặc khu vực mà Nga có thể cung cấp vũ khí theo cách này hay không, phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov, nói:
"Tất nhiên là không. Tổng thống đã nói chính xác những gì ông ấy muốn nói, và đó là một tuyên bố rất quan trọng, rất minh bạch rằng việc cung cấp vũ khí sẽ bắn vào chúng tôi không thể diễn ra mà không phải lãnh hậu quả, và những hậu quả đó chắc chắn sẽ đến".


Tổng Thống Nga Putin Đe Dọa Trang Bị Vũ Khí Cho Nhiều Nước Để Tấn Công Các Mục Tiêu Phương Tây


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi tiếp các lãnh đạo cơ quan báo chí quốc tế bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại Saint-Pétersbourg, Nga, ngày 5/6/2024.)
-Hôm 5/6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích hành động cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine của phương Tây, và cho biết Mạc Tư Khoa có thể trang bị cho nhiều nước khác những vũ khí tương tự để tấn công các mục tiêu của phương Tây.
Bình luận của chủ nhân Ðiện Cẩm Linh được đưa ra tại một cuộc họp báo hiếm hoi với các hãng tin ngoại quốc, sau khi một số quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, bật đèn xanh cho Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, hành động mà Mạc Tư Khoa gọi là một sai lầm nghiêm trọng.
Từ Mạc Tư Khoa, thông tín viên Anissa El Jabri của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
"Chúng tôi chưa bao giờ đe dọa bất cứ ai", Vladimir Putin đã nói như vậy sau cái cười ngắn gọn, khi được hỏi về khả năng Đức chuyển giao phi đạn cho Ukraine và những hậu quả mà việc này có thể gây ra.

Những yếu tố được đưa ra về chủ đề này vào hôm qua rõ ràng nhằm mục đích ít nhất là răn đe và đi vào chi tiết cụ thể. Vladimir Putin nói rằng hành động khiến Mạc Tư Khoa có thể đáp trả là việc sử dụng phi đạn tầm xa, cần có sự hỗ trợ của quân đội phương Tây, nhắm vào các mục tiêu ở Nga. Tổng thống Putin trước tiên nêu ra các thiết bị của Hoa Kỳ và Anh Quốc rồi sau đó là Pháp.
Về phản ứng sẽ được đưa ra, chủ nhân Ðiện Cẩm Linh đã mô tả là "không đối xứng". Xin trích, có khả năng "chúng tôi sẽ cung cấp vũ khí cùng loại cho các khu vực trên thế giới, nơi có thể thực hiện các cuộc tấn công vào những cơ sở nhạy cảm của các quốc gia hành động chống Nga như vậy". Ông Putin nói thêm: "Chúng tôi hiện đang suy nghĩ về việc này".


Tổng Thư ký NATO: Ukraine Có Quyền Tấn Công Các Mục Tiêu Nga


(Hình REUTERS: Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ở Stockholm.)
-Ukraine có quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp ở Nga để tự vệ theo luật pháp quốc tế, Tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg cho biết trong chuyến thăm Thụy Điển, thành viên mới của liên minh, hôm 7/6/2024.
"Ukraine có quyền tự vệ", ông Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại một căn cứ quân sự gần Stockholm.
"Quyền tự vệ cũng bao gồm quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ của bên tấn công, kẻ xâm lược, mà trong trường hợp này là Nga", ông nói.

Ðiện Cẩm Linh trong tuần này cho biết các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine để tấn công lãnh thổ Nga sẽ phải tính đến Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông đang xem xét trang bị vũ khí cho kẻ thù của phương Tây để trả đũa.
"Đây là cuộc chiến tấn công mà Nga đã khởi sự nhằm vào nước Ukraine láng giềng hòa bình, dân chủ vốn chưa bao giờ là mối đe dọa đối với Nga", ông Stoltenberg nói.
"Không nghi ngờ gì là Ukraine có quyền tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga", ông Stoltenberg nói thêm.


Hòa Lan Mở Đầu 4 Ngày Bầu Cử Nghị Viện Âu Châu 2024


(Hình: Biển quảng cáo kêu gọi cử tri Hòa Lan đi bỏ phiếu bầu Nghị Viện Âu Châu tại Amsterdam, Hòa Lan, ngày 6/6/2024.)
-Bầu cử Nghị Viện Âu Châu 2024 trên toàn bộ 27 quốc gia thành Liên Hiệp Âu Châu (EU) chính thức mở ra vào sáng 6/6/2024 tại Hòa Lan. Cuộc bỏ phiếu nhằm bầu ra 720 Nghị sĩ cho nhiệm kỳ 5 năm tới, kéo dài 4 ngày, và Ý Ðại Lợi sẽ là đất nước cuối cùng đóng cửa phòng phiếu lúc 11 giờ khuya 9/6.
Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh các hành động can thiệp và gây ảnh hưởng từ ngoại quốc đang ngày càng gia tăng, theo tường trình của thông tín viên Pierre Benazet của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ thủ đô Brussels của Bỉ:
Bê bối Qatargate đã thúc đẩy nhiều cải cách trong lĩnh vực đạo đức bên trong Nghị Viện Âu Châu: Tính minh bạch trong các cuộc họp với các nhà vận động hành lang, cấm các hoạt động liên quan đến vận động hành lang, các quy định mới liên quan đến các chuyến công du hay nhận quà tặng, tăng cường hợp tác Tư pháp liên quan đến việc bãi bỏ quyền miễn trừ. Ngoài ra, còn có một cơ quan phụ trách vấn đề đạo đức nghề nghiệp chung cho các định chế Âu Châu.

Nhưng các hành động can thiệp và gây ảnh hưởng từ ngoại quốc vẫn tiếp tục xảy ra. Một Nghị sĩ cực hữu của Đức chứng kiến Phụ tá tại Nghị Viện của ông bị bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc, các cuộc khám xét cũng đang được tiến hành tại Nghị Viện về những ảnh hưởng từ trang Tiếng Nói Âu Châu (Voice of Europe) thân Nga.
Và các cử tri đang đối mặt với tình trạng tràn ngập thông tin sai lệch. Điển hình trong cuộc bầu cử Lập pháp Slovakia hồi tháng 9/2023, Nga bị cáo buộc tung tin giả. Theo Ủy Ban Âu Châu, mục tiêu chủ yếu bị nhắm tới là cử tri Ba Lan, Pháp và Đức.
Đài quan sát truyền thông kỹ thuật số Âu Châu nhận thấy hành động phát tán thông tin sai lệch từ Nga đang gia tăng do cuộc bầu cử ở Âu Châu, với hy vọng thúc đẩy đà phát triển của các đảng dân túy và cực hữu, chịu ảnh hưởng tuyên truyền của Nga.


Bầu Cử Ấn Độ: Thủ Tướng Modi Chuẩn Bị Dẫn Đầu Liên Minh 15 Đảng Trong Nhiệm Kỳ 3


(Hình: Thủ tướng Narendra Modi (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo các đảng liên minh với BJP ngày 5/6/2024 tại thủ đô Tân Ðề Ly của Ấn Độ.)
-Thủ tướng mãn nhiệm Narendra Modi đã sẵn sàng cho một nhiệm kỳ thứ ba. Hôm 6/6/2024, đảng Dân tộc Chủ nghĩa Hindu (BJP) thông báo hoàn tất các thỏa thuận với các đảng phải chính trị để thành lập một liên minh cầm quyền tại Ấn Độ. Ông Modi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 8/6/2024.
Liên minh cầm quyền tại Ấn Độ sắp tới đây bao gồm 15 đảng, dẫn đầu là đảng của Thủ tướng Modi, BJP. Trong 50 năm trở lại đây, Narendra Modi là người đầu tiên liên tục giữ được ghế Thủ tướng trong 3 nhiệm kỳ. Nhưng theo phân tích của thông tín viên Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Tân Ðề Ly, Sébastien Farcis, ông Modi phải "trả giá đắt" bởi 14 đảng còn lại đang đặt nhiều kiện, đòi nắm giữ một số vị trí quan trọng trong Nội các sắp tới và thậm chí đòi chiếc ghế Chủ tịch Quốc Hội.

Các cuộc thương lượng gay gắt đã diễn ra. Đảng BJP có thể sẽ giữ được các bộ Nội vụ, Ngoại giao nhưng nhiều đối tác của đảng này đòi kiểm soát các bộ Quốc phòng hay Giáo dục. Đây là "một viên thuốc đắng" đối với ông Modi, đang muốn viết lại lịch sử của Ấn Độ trong các cuốn sách giáo khoa.
Ngoài ra, các đối tác của Thủ tướng Modi trong liên minh cầm quyền cũng đang đòi có tiếng nói mạnh hơn trong nhiều lĩnh vực khác. Thí dụ như cánh ở tiểu bang Bihar, miền đông hay tại tiểu bang Andraha Pradesh ở miền Nam Ấn Độ chủ trương một Nhà nước thế túc và tôn trọng các cộng đồng theo đạo Hồi. Những đòi hỏi này góp phần làm hạ nhiệt chính sách đàn áp nhắm vào cộng đồng người Hồi Giáo từ 5 năm nay, tức là trong giai đoạn đảng BJP chiếm đa số áp đảo tại Quốc Hội.


Các Nhà Hoạt Động Nam Hàn Thả Bóng Bay Mang Truyền Đơn Sang Bắc Hàn


(Hình: Bắc Hàn nhìn từ Paju, khu biên giới phía Nam Hàn, ngày 31/5/2024.)
-Hôm 6/6/2024, các nhà hoạt động Nam Hàn đã thả 10 quả bóng bay chứa đầy truyền đơn chống Kim Jong Un sang phía Bắc Hàn nhằm đáp trả Bình Nhưỡng tuần trước gửi những quả bóng bay chứa đầy rác tới Nam Hàn.
Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Nicolas Rocca của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:
"Sáng sớm hôm 6/6, Park Sang Hak và các thành viên trong phong trào của ông đã thả 10 quả bóng bay qua biên giới giữa hai miền Triều Tiên với nội dung: "Hãy giải phóng Bắc Hàn". Người đào tẩu Bắc Hàn này, tị nạn ở Nam Hàn từ 25 năm qua, nổi tiếng với hoạt động chống chế độ Bình Nhưỡng. Trên khinh khí cầu có in hình cỡ lớn của Kim Jong Un cùng em gái, đi kèm với thông điệp rõ ràng: "Hãy vùng lên, nhân dân Bắc Hàn!"

Hơn 200.000 tờ rơi tuyên truyền, 5.000 chiếc USB chứa đầy các bài hát K-pop, các phim truyền hình Nam Hàn hay thậm chí là 2.000 Mỹ kim, đó là phản ứng của Park Sang Hak đối với bóng bay chứa rác thải của Bắc Hàn.
Trong một thông cáo báo chí, ông tuyên bố đáp trả bằng tiền và âm nhạc sau vụ xả rác của Bình Nhưỡng. Về phần mình, chính phủ Nam Hàn đã khôi phục lại các loa tuyên truyền xung quanh khu vực DMZ, khu phi quân sự ở biên giới liên Triều.
Yoon Suk Yeol, Tổng thống Nam Hàn cũng đã phát biểu vào hôm 6/6: "Chính phủ sẽ không run sợ bởi những hành động hăm dọa của Bắc Hàn. Chúng ta sẽ tiếp tục cảnh giác và đáp trả những hành động khiêu khích một cách kiên quyết và áp đảo".
Mọi cặp mắt giờ đổ dồn về phía Bình Nhưỡng, sau khi Thứ trưởng Quốc phòng Bắc Hàn đã thề gửi rác thải "nhiều gấp trăm lần" nếu đất nước của ông lại nhận được các truyền đơn tuyên truyền.


Nam Dương Chấp Nhận Tài Trợ Chiến Hạm của Nam Hàn, Bất Chấp Những Quan Ngại Chi Phí


(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống sắp nhậm chức Prabowo Subianto, người đang nỗ lực nâng cấp khí tài quân sự cũ kỹ của Nam Dương.)
-Hôm thứ Năm (6/6/2024), Quốc hội Nam Dương đã thông qua đề xuất chấp nhận việc Nam Hàn tặng một tàu hộ tống cho Hải quân của họ, bất chấp mối lo ngại từ Ủy ban Quốc phòng rằng chiếc tàu cũ kỹ này cần phải bảo trì với giá khoảng 85 triệu Mỹ kim.
Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống sắp nhậm chức Prabowo Subianto đang nỗ lực nâng cấp khí tài quân sự cũ kỹ của Nam Dương và chi hàng tỉ Mỹ kim cho máy bay phản lực và tàu ngầm mới. Nam Dương từ lâu đã tụt hậu so với các nước trong khu vực về tỷ trọng chi tiêu quốc phòng trong Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP).

Nhưng quyết định mua thiết bị đã qua sử dụng của ông Prabowo đã vấp phải sự phản đối, khiến Bộ của ông phải từ bỏ kế hoạch mua máy bay chiến đấu đã qua sử dụng từ Qatar vốn bị chỉ trích là quá cũ kỹ.
Thứ trưởng Quốc phòng Herindra phát biểu trước Quốc hội rằng tàu hộ tống Bucheon-773 36 tuổi, dài 88,3 mét, sẽ tăng cường năng lực quân sự của Nam Dương, nhưng Hải quân sẽ cần chi 85 triệu Mỹ kim để bảo trì và các chi phí bổ sung khác trước khi nó có thể hoạt động.
"Lý tưởng nhất là chúng ta mua một chiếc mới nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian.... Việc này vẫn tốt hơn là chúng ta không có gì cả", ông nói và cho biết thêm chiếc tàu có thể được sử dụng trong 10-15 năm tới, trong khi một mẫu mới sẽ có giá rất cao, từ 300 triệu đến 500 triệu Mỹ kim.

Hầu hết các thành viên trong ủy ban Quốc hội giám sát các vấn đề quốc phòng đều đặt câu hỏi liệu khoản tài trợ này có mang lại lợi ích gì hay không.
"Chiếc tàu sẽ tăng cường sức mạnh cho Hải quân hay nó sẽ chỉ tạo gánh nặng cho họ?", thành viên ủy ban Hasanuddin nói.
Khoản tài trợ này được đưa ra sau khi Nam Dương và Nam Hàn giải quyết tranh chấp về nguồn tài trợ cho dự án máy bay chiến đấu chung KF-21 trị giá ít nhất 6 tỉ Mỹ kim.


Trung Quốc Phản Đối Mạnh Mẽ Mỹ Bán Vũ Khí Cho Đài Loan


(Hình: Chiến đấu cơ F16 mà Mỹ bán cho Đài Loan.)
-Trung Quốc phản đối mạnh mẽ Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan và kêu gọi Hoa Thịnh Ðốn rút lại quyết định ngay lập tức, Bộ Quốc phòng cho biết hôm 7/6/2024.
Cơ quan này cho biết họ đã gởi phản đối đến phía Hoa Kỳ.
"Quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường huấn luyện và tập trận quân sự, và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt bán phụ tùng chiến đấu cơ F-16 cho Đài Loan với mức giá ước tính 80 triệu Mỹ kim, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Ngũ Giác Đài cho biết hôm 5/6.
Vụ mua bán này sẽ giúp cải thiện an ninh của Đài Loan, duy trì ổn định chính trị và cân bằng quân sự, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế trong khu vực, Ngũ Giác Đài cho biết.
Đài Loan cho biết vụ mua bán này, dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 7, sẽ thúc đẩy nhu cầu chiến đấu và quốc phòng của không quân Đài Loan.


Mỹ Hạn Chế Visa Với Những Công Dân Georgia Bị Xem Là Làm Suy Yếu Nền Dân Chủ



(Hình: Người biểu tình ở Tbilisi, Georgia, ngày 18/5/2024.)
-Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết hôm 6/6/2024, Hoa Kỳ áp đặt các hạn chế về thị thực đối với vài chục người mang quốc tịch Georgia bị Hoa Thịnh Ðốn cáo buộc là phá hoại nền dân chủ, bao gồm các thành viên của đảng Giấc mơ Georgia, các thành viên Quốc hội và cơ quan thực thi pháp luật.
Vào tháng trước, Georgia thông qua dự luật "đặc vụ nước ngoài", gây ra các cuộc biểu tình trên đường phố từ những người phản đối, họ chỉ trích dự luật này là độc tài và lấy cảm hứng từ Nga. Đảng Giấc mơ Georgia hiện kiểm soát Quốc hội cho rằng luật này là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch về nguồn tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Hoa Thịnh Ðốn, vốn từ lâu đã chỉ trích đạo luật này, đưa ra đánh giá về hợp tác song phương với Georgia và công bố chính sách cấm thị thực mới.

Ông Miller cho hay đợt hạn chế đầu tiên đã được áp dụng hôm 6/6 đối với tối đa 30 người, bao gồm các đảng viên của Giấc mơ Georgia, các thành viên Quốc hội, cơ quan thực thi pháp luật và các công dân bình thường. Ông Miller từ chối nêu tên bất kỳ ai trong số những người bị nhắm mục tiêu.
"Số người này bao gồm các cá nhân chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong việc phá hoại nền dân chủ và Georgia, chẳng hạn như bằng cách phá hoại các quyền tự do hội họp và lập hội ôn hòa, tấn công bạo lực những người biểu tình ôn hòa, đe dọa các đại diện xã hội dân sự và cố tình truyền bá thông tin sai lệch theo chỉ đạo của chính phủ Georgia", ông Miller nói.
Ông cho biết Hoa Kỳ hy vọng các nhà lãnh đạo Georgia sẽ xem xét lại hành động của họ. Nếu không, ông cảnh báo Mỹ sẵn sàng thực hiện các hành động bổ sung.

Không có nhận xét nào: