Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

Những Biến Động Ở Trại Nam Hà (80-81) - Mai Văn Tấn


Năm 19 tuổi tôi vào Đại Học. Đây là một niềm vui lớn của Ba Mẹ tôi và cũng là niềm hãnh diện của gia đình tôi. Riêng tôi cũng gặp một số khó khăn trong những ngày đầu. Mặc dầu ở Trung Học tôi là một học sinh giỏi nhưng ở đây chẳng thấm vào đâu. Chứng chỉ MPC gồm có 3 món chính là toán, lý, hoá. Nội cái môn Hoá cũng chia ra Hoá Hữu Cơ, Hoá Vô Cơ, Hoá Đại Cương ... và những giờ thực nghiệm ở phòng lab mà chúng tôi gọi là TP (travail practique).Nhưng cái khó khăn nhất vẫn là Sinh ngữ. Hồi đó các trường Đại Học chưa chuyển ngữ hết qua tiếng Việt và còn nhiều môn phải nhờ những giáo sư người Pháp. 
<!>
Ở chứng chỉ của tôi còn giờ Chaleur (Nhiệt) của Mademoiselle Marchand và giờ Optics (Quang) của thầy Bernard. Những anh chị ở Tabert hay Marie Curie còn đở chứ những anh chàng Trường Việt như tôi thì chịu chết. Cố gắng lắm thì ‘bơi’ cũng thấy thương. Nhưng tôi yêu cái Giảng Đường 2 rộng thênh thang đó lắm. Những tháng đầu phải đi sớm, hoặc phải thay phiên nhau đi sớm để dành chỗ. Chỉ có hai người đẹp cứ ung dung đi đến giờ nào cũng có những anh chàng rất ‘galant’ dành cho 2 chỗ. Ở ngoài Giãng Đường 1 của chứng chỉ Lý - Hoá - Nhiên (SPCN) thì phái nữ tham gia đông lắm, còn ở Giảng Đường 3 của Toán Đại Cương (MG) các em đều ngoảnh mặt. Cũng may chúng tôi còn dành được hai người đẹp. Một người là một bà Soeur, thuộc loại ‘bà chị’ rồi nên chẳng anh chàng nào léng phéng được. Chỉ còn một ‘nàng Bạch Tuyết’ mà được đến hơn một ngàn ‘chú lùn’ săn sóc và chiều chuộng thì hân hạnh quá rồi. Cũng xin được nói thêm là Trường Đại Học Sư phạm cũng ở sát bên, con đường đi vào trường phải đi qua Giảng Đường 2, nhưng các nàng ở đây cũng kiêu ngạo lắm, chẳng bao giờ thèm nhìn những anh chàng ‘faculté libre’ này đâu.

Những ngày đầu Đại Học của tôi là như thế, không phải suông sẻ, dễ dàng nhưng đó là một bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời mình :
Đường mây rộng thênh thang cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo..
(Nguyễn công Trứ)
Cũng thời gian này nền Cộng Hoà son trẻ của miền Nam được thành lập từ năm 1954 đã bắt đầu bước vào một giai đoạn bi thảm. Biến cố ngày 01/11/1963 đã giết chết hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu để đưa các ông trong ‘lục nhân bang’ (Minh, Kim, Xuân, Đôn, Đính, Vỹ) lên làm một ‘cuộc cách mạng’ bằng cách dẹp bỏ Ấp Chiến Lược và mời VC vào cái Ấp Tân Sinh chẳng có cửa đóng then cài gì ráo. Nhưng cũng chỉ được 3 tháng các ông cũng bị 2 đại K là Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm làm một cuộc ‘chỉnh lý’ mời ông big Minh đi làm đại sứ lưu động còn 5 ông còn lại được đưa lên nghỉ mát tại một dinh thự vào bậc nhất của ‘Đức Quốc Trưởng Bảo Đại’ tại Đà Lạt.

Xã hội bắt đầu hỗn loạn, tôn giáo chia rẽ kình chống nhau, sinh viên học sinh xuống đường. Những Giảng Đường trở thành những diễn đàn tranh cãi, đã phá. Quân đội cũng chia bè, kết nhóm sẵn sàng ‘biểu dương lực lượng’ như Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát, Phạm Ngọc Thảo ... Những tên VC nằm vùng cũng bắt đầu tháp tùng dưới những lớp áo thầy tu, đảng phái, quân đội. Cũng may, những người lính ở những vị trí thấp nhất vẫn vững vàng tay súng. Trong hoàn cảnh này tôi cũng chỉ muốn làm một người lính và quyết tâm bảo vệ cái vùng đất tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi không có một tham vọng danh tướng nào cả mà chỉ có một ước muốn được chiến đấu cho lý tưởng Tự Do và sự tồn tại của miền Nam thân yêu này.
Cuối năm 1964 tôi gia nhập Khóa 21 Trường Vỏ Bị Quốc Gia Việt Nam. Sau 2 năm thâu nhận những kiến thức về văn hoá, quân sự và lãnh đạo chỉ huy, Trường Mẹ đã trang bị đầy đủ hành trang để cho chúng tôi bước vào binh nghiệp. Hai mươi ‘ Tân thiếu uý ‘ mạnh dạn trình diện Bộ tư lịnh Lữ Đoàn TQLC đặt tại số 15 Lê thánh Tôn Sài Gòn. Tất cả đều được đưa về các Tiểu đoàn tác chiến. Tôi được về Tiểu đoàn 6/TQLC mới thành lập do Th/Tá Phạm Văn Chung chỉ huy. Ở đây tôi gặp những vị Niên trưởng của mình như Đ/U Trần Văn Hiển (Tiểu đoàn phó) và các vị Đại Đội Trưởng là Đ/U Nguyễn đình Thủy, Tr/U Lê Văn Cưu, Tr/U Lê Văn Huyền, Tr/U Nguyễn Tường Huy ... Sau thời gian huấn luyện và bổ sung quân số tại Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp, Tiểu đoàn bắt đầu xuất quân vào mùa thu năm 1967 và tham dự những cuộc hành quân tại đặc khu Rừng Sát, chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh sông Lòng Tảo, thủy trình từ sông Sài Gòn ra Cần Giờ. Kế tiếp là những cuộc hành quân vào chiến khu D, mật khu Dương Minh Châu, dẫm nát mật khu Lê Hồng Phong, vùng Đức Hòa, Đức Huệ ... Được không vận ra phi trường Đề Đức, Bồng Sơn tham dự những cuộc hành quân tại Dương Liễu, Bình Dương. Trở về Sài Gòn, với những trận chiến trên đường phố trong hai đợt phản công 1 và 2. Những trận chiến miệt mài ... đến tháng 06/1969 tôi bị thương khá nặng ở Hương Lộ 14 thuộc quận Phong Điền Cần Thơ. Sau khi xuất viện được chuyển về làm Sĩ Quan Ban 3 của Lữ Đoàn 258/TQLC cho đến ngày 30/04/1975. Cái ngày tang thương, đau khổ, nhục nhã nhất người lính. Cái ngày mà chế độ VNCH đã bị bức tử. Toàn thể một quân đội hùng mạnh bị bắt buộc phải buông súng đầu hàng.

Chúng tôi đã trải qua những ngày hoang mang và đầy lo lắng, để cuối cùng bước vào những nhà tù của VC như hàng trăm ngàn sỉ quan, viên chức của chế độ cũ. Bắt đầu những ngày lưu đày từ nam ra bắc. Đó là ngày 24/06/1975 tôi ‘ trình diện’ ở trường Trung Học Hoàng Thụy Năm, trên đường Phạm Viết Chánh, bên hông bịnh viện Tử Dũ. Người bạn cùng Binh chủng mà tôi gặp đầu tiên là Đ/U Phan Văn Trung ở phòng Hành Chánh Tài Chánh thuộc Bộ Tư Lịnh SĐ/TQLC. Hành trang mang theo cũng thật gọn nhẹ, vì ra rã những ngày này chỉ nghe cái gọi là ‘ủy ban quân quản thành phố’ do tên tướng Trần Văn Trà làm chủ tịch, loan báo trên báo chí và đài phát thanh : ‘ mang theo quần áo và lương thực đủ dùng trong mười ngày’. Đó là cái bẩy sập thứ nhất.
Qua Các Trại Giam Ở Miền Nam
Vào lúc nửa đêm, tôi đang thiu thiu ngủ thì có lịnh tập họp ‘ hành quân’. Tất cả mọi người có mặt ở sân trường. Vì là quân nhân cho nên chúng tôi nhập vào đội hình rất nhanh chóng. từng toán 30 người leo lên những chiếc xe molotova phủ bạt kín bưng, phía sau có hai tên vệ binh cầm AK47 ngồi hai bên. Những người ngồi gần những lỗ thủng có thể quan sát được bên ngoài. Chúng tôi đâu có xa lạ gì những con đường mà chúng tôi đã đi qua, nhưng chúng vẫn áp dụng chiến thuật ‘ dấu đầu lòi đuôi’, cứ cho đoàn xe chạy lòng vòng, quanh co, qua lại, từ nửa đêm đến 6 giờ sáng thì đoàn xe dừng lại ở một nơi mà đối với tôi rất là quen thuộc : Trại giam tù binh phiến cộng ở Tân Hiệp, Biên Hoà. Trại này còn có tên là Trại Suối Máu. Tôi còn nhớ ngày 21/04/1975 một Lữ Đoàn thứ hai được lịnh tăng cường cho Quân Đoàn 3. Đó là Lữ Đoàn 258/TQLC gồm các TĐ2 (Th/Tá Trần Văn Hợp) + TĐ4 (Th/Tá Trần Ngọc Toàn) + TĐ6 (Tr/Tá Lê Bá Bình). Lữ Đoàn Trưởng là Đ/tá Nguyễn Năng Bảo, Tr/Tá Huỳnh Văn Lượm là Lữ Đoàn Phó kiêm Tham Mưu Trưởng và tôi là Trưởng Ban 3. Bộ Chỉ Huy LĐ đặt ngay đây, trong cái khuôn viên của trại tù này. Gần 2 tháng sau tôi trở lại đây với một tư thế hoàn toàn khác hẳn. Tôi không biết mình bây giờ được gọi với một danh xưng nào : tù binh, hàng binh chắc chắn là không phải rồi ... Những tiếng như là tập trung học tập cải tạo, cải tạo viên ... vẫn còn xa lạ quá.

Trước mắt là bọn chúng chia từng đội 30 người được lịnh vào những nhà tôn, vách bằng tôn, hai cửa ra vào ở hai đầu cũng bằng tôn, hai bên có đáp hai cái bệ cao chừng 3 phân để làm chỗ ngủ. Những quân trang, quân dụng rãi rác đó đây rất nhiều. Chúng tôi được lịnh gom lại hết, chất thành đống trước nhà. Nhiều anh đã lấy những quần áo cũ còn sạch sẽ, những cái ba lô, những bi đông nước giữ lại còn súng đạn thì đem giao nạp hết. Chúng tôi tiếp tục dọn dẹp bên ngoài láng trại, sát đến những hàng rào kẽm gai. Đã có một tai nạn xảy ra cho một anh bạn tên Hiển, người Huế. Một trái lựu đạn gài đã phát nổ gây cho một số bị thương nhẹ chỉ có anh Hiển là trầm trọng và phải cưa một chân phải. Chúng tôi cũng được tổ chức những toán ‘anh nuôi’, có nhiệm vụ lo bữa ăn cho toàn trại. Cơ ngơi thì đã có sẵn những bếp lò và những chảo gang lớn mà trước đây dùng để nấu cơm và thức ăn cho đám tù binh VC. Bây giờ chúng tôi lại được thừa hưởng cái di sản đó một cách đắng cay. Hằng ngày mỗi đội cắt cử một tổ 5 người lo nấu cơm, thức ăn và nấu nước sôi để phát cho anh em. Một cái giếng nước dùng cho ăn uống và tắm giặt cho cả trại.
Những tuần lễ đầu nhà bếp lấy gạo từ nhà kho của TĐ5 Quân Cảnh (đơn vị quản lý trại giam trước đây), nhưng thời gian sau đó nhận gạo từ những mật khu của chúng chở về. Đó là loại gạo mốc, cũ và có nhiều đá sỏi lẫn lộn. Nhà bếp không đủ dụng cụ để loại ra hết những tạp chất, cho nên nhiều khi phải nhắm mắt mà ăn chén cơm có mùi hôi, mốc và cát sõi ... Cũng may hằng tháng chúng cho gởi mua một số nhu yếu phẩm từ bên ngoài.
Hằng ngày có hai buổi lên lớp để học tập chính trị với những bài về : chính sách và đường lối mới, về những tội ác trước đây..Thường thì buổi sáng lên lớp, buổi chiều thì chia ra tổ thảo luận. Những tay chính trị viên nói như con vẹt, còn mình thì cũng tập làm con vẹt để nói, nhưng còn gượng gạo và khó khăn lắm. Tôi nhớ trong một câu chuyện của MX Huỳnh Văn Phú có kể lại một lời nhận xét của MX Huỳnh Văn Lượm nói với anh như sau :
- ‘Hình như thằng VC nào cũng có gắn một cục pin ở dưới đít mầy ạ. Cứ vặn về ‘on’ là nói, vặn về ‘ off’ là ngưng. Tao nghĩ nó nói mà không bao giờ hiểu được những điều nó đang nói !’.

Còn ngồi thảo luận cũng là một cực hình. Đâu có người nào thích mang bà con, anh em và ngay bản thân mình ra để ‘mắng nhiếc, chửi rủa’ đâu. Nhất là cái lý tưởng phục vụ và cái lập trường chống Cộng của người miền Nam. Bây giờ phải làm ngược lại tất cả. Phải kết án mình. Phải phủ nhận cái chính nghĩa mà mình đã đổ bao nhiêu mồ hôi và xương máu. Phải ca tụng kẻ thù chẳng có gì đáng để ca tụng, một kẻ không ra gì mà trở thành người chiến thắng như ông Thượng Nghị Sĩ McCain đã nói. Một chủ nghĩa ngoại lai cần phải bị triệt tiêu. Thế mà ... Đau lòng thật !

Thế Chiến quốc..thế Xuân thu
Gặp thời thế ... thế thời phải thế !
Còn người Mỹ thì sao ? Dĩ nhiên, người Mỹ không phải là những người bạn tốt vì họ đã bỏ miền Nam mà tháo chạy, nhưng ít ra hơn 58 ngàn binh sĩ của họ đã hy sinh trên chiến trường VN và hơn 100 ngàn thương binh còn đó. Nhưng chắc chắn người Mỹ không phải là ‘đế quốc Mỹ’ với chính sách thực dân mới như bọn chúng đã nói vì người Mỹ đã có một thuộc địa nào trên thế giới đâu ?..Còn chính quyền và quân đội miền Nam cũng không phải là công cụ hay là lính đánh thuê cho Mỹ. Những người lính VNCH chiến đấu cho sự sống còn của miền Nam chứ không phục vụ cho quyền lợi Mỹ. Những người lảnh đạo miền Nam trong giai đoạn đầu không có thực tài và thực tâm, không đủ bản lĩnh và tự tin nên không gây được niềm tin trong lòng dân chúng. Nhưng đó là những điểm sai sót của một nền dân chủ lúc ban đầu và đó cũng là những ngõ ngách để VC cho cán bộ của chúng xâm nhập vào lủng đoạn và phá hoại.
Nhưng tình cảm miền Nam vẫn đầy ắp trong trái tim của mọi người. Bây giờ chúng đã chiếm được miền Nam nhưng chúng vẫn không chiếm được trái tim của miền Nam. Chúng tự cho mình là những người đi làm cách mạng, còn những người ở miền Nam là ngụy quân, ngụy quyền. Chúng kiêu ngạo một cách lố bịch khi cho mình là những ‘đỉnh cao của trí tuệ loài người’. Xã hội của bọn chúng là một xã hội ‘ ưu việt’. Tên tướng Văn tiến Dũng đã ca tụng ‘đại thắng mùa xuân’ là một cuộc chiến thần kỳ ... Thôi thì chúng muốn tô son trét phấn cái gì mà không được, tôi và anh bạn Vũ thế Khanh (Trung Tâm Huấn Luyện TQLC) chỉ nhìn nhau mà cười lặng lẽ.

Khoảng tháng 08/1975 một số anh em được chuyển trại về Trung Tâm An Dưỡng Biên Hoà. Sau Hiệp định ngưng chiến da beo 27/01/1973, những quân cán chính của miền Nam bị VC bắt và trao trả tại Lộc Ninh hay Thạch Hản được đưa về Trung Tâm này để bồi bổ lại sức khoẻ và cũng cố lại tinh thấn chống cộng và lập trường Quốc gia. Sau đó những ai muốn trở về nhiệm sở cũ hay có thể xin giải ngũ. Khu vực này khá rộng và số tù về đây cũng khá đông. Anh em chúng tôi được chia làm 2 khu, mỗi khu là một ‘trung đoàn’, ngăn cách nhau bởi một hàng rào kẽm gai. Cũng chia từng đội 30 người. Mỗi nhà có 4 đội. Đã có phân chia ra làm 2 khối. Khối A đa số là sỉ quan Quân đội và khối B đa số là sỉ quan Cảnh sát. Ban ngày thì học tập chính trị, thảo luận. Nhưng đêm đến thì tại hàng rào kẽm gai ngăn cách trở thành ‘ khu chợ trời’ để cho đám bộ đội và phe ta buôn bán, đổi chát.Bọn chúng rất thích những cái đồng hồ, bút máy và những bộ quần áo civil vải tốt, còn phe ta thì muốn có tiền để gởi mua những thức ăn, thuốc lá cùng những món lặt vặt. Không biết có sự rắc rối nào giữa hai bên hoặc đám chỉ huy của bọn chúng muốn dẹp cái chợ trời này mà vào đêm 31/8/1975, một trái lựu đạn M26 từ phía VC ném qua làm cho một số bị chết và nhiều người bị thương trong đó có nhạc sỉ Minh kỳ, bác sỉ Khá và người bạn cùng khoá của tôi là Đ/U Nguyễn trí Đức, cùng nhiều người nữa mà tôi không biết hết..

Tiếng nổ làm anh em trong nhà 21, 22, 23, vội chạy qua bên khối B. Tôi cùng một số anh em còn lại phụ khiêng những người chết và những người bị thương đến khu bộ đội VC và để bên ngoài sân. Nhưng thái độ của bọn chúng chẳng có sự quan tâm. Chúng tôi đề nghị băng bó và tản thương về bịnh viện Biên Hoà để chửa trị. Nhưng bọn chúng cứ để mặc. Có những người bị thương rất trầm trọng. Lát sau tên y sỹ của trại đến. Bác Sĩ Khá bị một miếng mảnh vào phổi, hơi thở khò khè, hắn bèn dùng một con dao như cái đục của thợ mộc để cắt cuốn họng để cho anh thở. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến cái lối chữa trị kỳ cục và dã man này. Máu từ cuống họng trào ra, chảy tràn trên mặt đất và anh Khá đã chết sau đó. Nhạc Sĩ Minh kỳ cũng bị thương nặng, chúng bảo mang vào phòng nhưng không biết chữa trị như thế nào mà vào khoảng 2 giờ sau thì anh chết. Thằng bạn cùng khoá Nguyễn Trí Đức bị nhiều mảnh vào bụng dưới, chúng đặt anh vào một cái bàn cho buông mùng xuống nói là để giải phẩu tại chỗ. Nhưng anh đã chết vào 2 ngày sau đó. Tội nghiệp cho Đức. Có vài lần nó tâm sự cùng tôi về hoàn cảnh gia đình và người vợ mới sanh. Nó nói : Tao chỉ còn ít tiền để lại cho vợ con sống tạm qua ngày chờ tao về. Nhưng nó chẳng bao giờ về nữa. Điều bất nhân là bọn VC không bao giờ báo tin cho gia đình những người đã chết, thành thử mỗi 3 tháng gia đình người quá cố vẫn gởi quà đến.

Thời gian 10 ngày đã đi qua từ lâu. Nhiều anh em rất hoang mang lo lắng không biết đến bao giờ thì được về. Những tên cán bộ chính trị thì cứ một giọng điệu : Các anh cần phải học tập cải tạo lâu dài để trở thành công dân của nước chxhcn Việt Nam. Khi nào các anh học tập tốt, lao động tốt thì được đảng và nhà nước xét cho trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng tiêu chuẩn nào để được xác nhận là học tập tốt, lao động tốt thì chúng nó chỉ ậm ờ, không trả lời được. Một anh bạn người bắc tên là Phan trần Mỹ lặp lại câu nói trước đây của ông Thiệu là đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn những gì CS làm. Đừng bao giờ trông mong ngày về trong một thời gian rất gần mà hãy giữ gìn sức khoẻ và khẳng định thời gian ở tù lâu dài.
Ý kiến này đã bị nhiều anh em phản đối, nhưng càng về sau càng thấy thấm thía. Tôi cũng đã chọn cho mình một thái độ dứt khoát là không bao giờ chấp nhận sống chung với VC. Tôi đã bàn với người bạn cùng đội là Đ/U Huỳnh trung Hiếu sẽ tìm cách vượt trại. Nhưng chưa kịp thực hiện ý định thì Linh Mục Đ/U Nguyễn Công Thành, Tuyên Uý Công Giáo của SĐ/TQLC đã tìm cách vượt trại trong lúc anh em đang xem Ti Vi. Không thành công và anh bị bắt ngay sau đó. Anh bị một trận đòn nên thân. Cái mắt kiếng cận thị của anh bị chúng đập bể. Cũng may chúng đang chuẩn bị đưa một số đông anh em ra Bắc nên chúng chỉ nhốt anh vào conex và không lập những phiên tòa xử như một vài anh em trước đây.
Địa Ngục Trần Gian Trên Tàu Sông Hương
Khoảng tháng 06/1976, buổi chiều chúng tôi nhận được một bữa ăn khác thường gồm cơm trắng, thịt heo và rau cải xào. Mọi người đều thắc mắc vì hôm nay đâu phải ngày lễ lớn để được ‘ăn tươi’. Nhưng có đồ ăn ngon thì xơi cái đã, có đem đi bắn thì cũng chẳng sao.

Khoảng 9 giờ tối, chúng tôi được lịnh chuẩn bị ‘ hành quân’. Phía trước đường một đoàn xe phủ bạt kín, đang đậu chờ sẳn. Chúng tôi được lịnh lên xe. Những chiếc molotova đầy cứng người có một bộ đội ngồi trước với tài xế và hai bộ đội ngồi phía sau. Khoảng hơn 10 giờ thì đoàn xe bắt đầu chuyển bánh. Chúng tôi theo dõi lộ trình và báo cho nhau biết. Đầu tiên xe chạy về hướng Biên hoà, quẹo trái ra ngã ba Tam Hiệp rồi quẹo phải ra xa lộ hướng về Sài Gòn. Đoàn xe lên cầu Sài Gòn rồi quẹo trái và dừng lại ở bến tàu Tân Cảng. Đây là một bến cảng rất quan trọng mà trước đây quân đội Mỹ xử dụng để thu nhận và tồn trữ những hàng hoá tiếp liệu của quân đội Mỹ và Đồng minh rồi từ đây được chuyển về tổng kho Long bình. Chúng tôi được lịnh xuống xe và di chuyển giữa hai hàng bộ đội súng cầm tay hướng về chiếc tàu mà sau này chúng tôi biết đó là tàu sông Hương. Qua khỏi cầu tàu, lên trên boong rồi theo cái nắp tàu rộng độ 2 x1,5 m, có thòng sẵn một cái thang đi xuống hầm tàu. Vai xách nách mang, đồ đạc lỉnh kỉnh, có nhiều anh bị trượt chân té xuống nhưng đoàn người vẫn tiếp tục đổ xuống và dồn nén trong khoang tàu. Tôi ở trong toán người đi đầu, dành một cái góc bên trái và ngước nhìn lên mà không tưởng tượng nổi là mình đã nhìn thấy cái quang cảnh này một lần nào chưa. Cái thang gỗ như oằn xuống với sức nặng của bao nhiêu người. Nếu cái thang mà gãy thì có ít nhất cũng chục người bị thương hoặc chết. Tôi nhìn thấy được nhiều khuôn mặt quen thuộc, những người bạn trong Binh Chủng kể cả Linh Mục Nguyễn Công Thành mà lúc này anh đã được tháo còng và hành trang thật gọn nhẹ với cái túi nhỏ, tôi cũng kêu tên và vẫy tay chào những người bạn cùng khoá mà bây giờ tôi mới gặp lại kể từ ngày ra trường (12/1966). Hầm tàu bị dồn nhét quá đông. Tôi không ước lượng được bao nhiêu, nhưng rất đông, quá đông, đến nổi không thể nằm hay duỗi thẳng chân mà chỉ ngồi bó gối. Tôi phải ngồi đến nổi tê cả hai chân, phải ráng tìm một khoảng trống nào đó để duỗi chân ra thoải mái một chút.

Vấn đề ăn uống cũng thê thãm không kém : Từ trên cao chúng quăng những thùng mì gói và những thùng lương khô trung quốc để anh em chia nhau. Tình trạng này chỉ có thiếu chứ không có dư. Những người lãnh sau phải 2 người một gói mới đủ. Còn nước uống thì chúng thòng xuống một cái vòi bằng cao su to bằng ngón tay út. Một anh cầm vòi, những người khác đưa lon guigoz đến nhận. Nước hơi âm ấm vì bình chứa để ngoài ngoài trời trên boong tàu. Cái cách tiếp tế nước như thế này đã lâu, chậm và không đủ cho số người quá đông ở dưới. Anh em đã nhiều lần la lớn lên chúng mới mở tiếp vòi nước. Mỗi người mỗi ngày chỉ được hơn nửa lon gô nước. Mì gói và lương khô phải nhai sống rồi mới uống nước vào. Còn chuyện vệ sinh mới thật là kinh hoàng.
Chúng dùng những thùng phuy đựng xăng cắt ra làm đôi. Bên trên thùng phuy chúng dùng hai tấm gỗ dài hơn đường kính thùng phuy một ít, bên dưới dùng hai thanh gỗ đóng chặt vào hai tấm ván ở trên để chúng không di chuyển ra miệng thùng phuy. Đóng sẳn hai bậc thang rời đặt sát bên để bước lên bước xuống được dễ dàng. Cầu tiêu lưu động này được gọi là ‘ cầu tiêu xhcn’. Mỗi hầm tàu được đặt một cái. Người nào muốn đi tiêu đi tiểu thì leo lên cái thang và trút bầu tâm sự trước sự chứng kiến của bao nhiêu người. Thật tình không ai muốn đến viếng thăm cái ‘ lăng bác’ này trừ những lúc quá cấp bách. Tôi may mắn được ở cách xa, nhưng buổi trưa mùi hơi người và mùi phân bốc lên muốn ngộp thở. Tôi cũng đã sắp hàng chờ từ cả 4 tiếng đồng hồ để được đến phiên mình. Rồi tôi về chỗ cũ và không có can đảm để leo lên lăng bác. Cuối cùng một số anh đã phải dùng lon gô để giải quyết tại chỗ. Và đến khi cái cầu tiêu xhcn sắp đầy thì lại càng kinh khủng hơn. Chúng đưa dây từ trên boong thòng xuống để bộ đội kéo lên. Phân và nước tiểu sóng sánh tràn ra hai bên. Mặc dầu ai cũng cố tránh ‘ cái của nợ hôi hám ‘ đó nhưng vẫn có một số người bị phân bắn lên đầu, lên quần áo và vật dụng mang theo. Tôi không biết thật sự cái cảnh địa ngục như thế nào ? Nhưng thế này tôi thấy là tận cùng của mọi sỉ nhục rồi. Người đối xử với người như những con vật. Tôi nghĩ chắc ở trong quá tủi nhục này mà anh Tr/Tá Nguyễn Văn Nhiều, Trưởng Phòng 4 SĐ/TQLC đã phẫn uất và đã tự tử. Hôm khiêng xác lên tàu, mắt anh vẫn còn mở trừng trừng.

Cũng may những ngày này thời tiết khá tốt và biển rất êm, nên sau 4 ngày 5 đêm, chiếc tàu sông Hương đã cặp ở một cái cảng nhỏ ở phía bắc cảng Hải phòng. Một buổi sáng đẹp trời, nắng chiếu xuyên qua hầm tàu rực rỡ, bọn chúng mở cửa và dùng một cái loa khuếch đại âm thanh chạy bằng pin để thông báo với chúng tôi : ‘Các anh đang ở trên phần đất xhcn, điều kiện tốt để cho các anh học tập cải tạo’. Chúng tôi mệt mỏi quá rồi nên những lời nói đó như những tiếng gầm gừ đe dọa của bầy thú dữ. Mãi đến xế chiều chúng tôi mới được rời cái vùng địa ngục của tàu sông Hương. Một đoàn đông đảo gồm công an, bộ đội, du kích kể cả chó săn dàn chào hai bên. Đoàn người lôi thôi lếch thếch lại được dồn lên những toa xe lửa cách đó không xa. Cứ đếm đầu người như người ta đếm súc vật để nhét lên xe. Toán chúng tôi xuống tàu đầu tiên nên cũng lên tàu sau cùng. Lúc đó khoảng 1, 2 giờ khuya rồi nên được dẫn bộ đến một kho hàng trống để nghĩ đêm. Được ra ngoài hố bom bên cạnh kho hàng để tắm giặt. Mấy ngày sống thiếu vệ sinh và không được tắm nên chúng tôi cảm thấy rất thoải mái, rồi được nằm thẳng cẳng mà ngũ một giấc..thật là đã đời. Sáng hôm sau thức dậy trở lại hố bom để rửa mặt thì mới hỡi ơi ! Hố bom chứa nước mưa đọng và chung quanh đầy những phân người phóng uế bừa bãi. Chúng tôi cảm thấy lợm giọng và không thể nào.. đứng ở đây lâu được. Biết làm sao khi đã lỡ rồi. Cái đất nước mà chúng rất tự hào đã xướng lên là xhcn là như thế đó.
Chúng tôi ăn sáng bằng những phần lương khô trung quốc còn lại và uống nước lạnh, rồi mang đồ đạc ra những toa tàu đậu sẵn. Rút kinh nghiệm tôi cố chen đến những nơi có những cửa sổ nhỏ nhưng toa tàu là nơi chở than hay súc vật nên không có cửa, cũng may hai tên bộ đội lên sau cùng chúng ngồi gần và hé mở chiếc cửa của toa tàu. Tôi cố nhìn ra khung cảnh bên ngoài nhưng đành chịu. Nhưng khi đến những ga tôi thấy đất đá được liên tục ném vào toa tàu. Hai tên bộ đội phải kéo cửa lại, bên trong tối om và không khí rất là ngột ngạt khó thở. Có những tiếng la hét và chửi rũa nhưng chúng tôi không nghe rõ cho đến khi đoàn tàu đi qua, cánh cửa mới được hé mở.
Thật đúng Mỹ ném bom miền Bắc để biến vùng này trở về ‘thời kỳ đồ đá’, nhưng con người ở đây đã biến thành ‘đồ đểu’.
Trại Sơn La

Đoàn xe lửa rời cảng Hải Phòng đi về phía tây, hướng, qua các vùng Hải Dương, Cẩm Giàng, và dừng lại ở phía Nam của phi trường Gia Lâm, sát bờ sông Hồng. Tất cả xuống xe để lên phà. Đoàn người lôi thôi, lếch thếch, mệt mõi, thật chẳng đẹp đẽ chút nào, chỉ gây sự thương hại cho những nhân viên trên phà. Họ lặng lẽ làm việc, không nói không cười. Chắc họ cũng được lịnh không được quan hệ tiếp xúc, mà cũng chẳng có gì để nói vì giữa họ và chúng tôi đã có một lằn ranh của những người cùng ‘ ngôn ngữ’ nhưng khác ‘tiếng nói’. Chúng tôi tiếp tục lên những đoàn xe dài đậu sẳn, mui che kín. Trời vẫn còn sáng nên tôi cố quan sát cảnh vật hai bên đường. Không có lấy một bóng người, những thôn xóm xa xa đìu hiu, những đám ruộng trơ những gốc rạ. Con đường nhựa từ bao năm nay chưa được sửa sang lại. Đoàn xe bắt đầu chuyển bánh. Sau này có dịp suy nghiệm lại trên bản đồ về đoạn đường chúng tôi đã đi qua. Tôi đã nhận được lộ trình của đoàn xe đã theo hướng tây nam của Quốc lộ 6 chạy về hướng Hòa bình, rồi khi tới ngã ba Tân Lộc thì đổi về hướng tây bắc qua các vùng Mai châu, Mộc châu, Yên châu, Cò Nòi, Hát nót rồi đến tỉnh lỵ Sơn La tiến thẳng vào một nhà tù đã có sẵn và rất kiên cố do Pháp xây dựng trước đây.
Tại đây nếu tiếp tục theo Quốc Lộ 6 về phía Tây Bắc sẽ đến tỉnh lỵ Lai Châu, còn nếu đến Tuần giáo đổ về hướng Tây Nam sẽ đến lòng chảo Điện Biên Phủ sát nách với biên giới Lào Việt. Nhìn địa thế vùng này mới thấy những nhà quân sự Pháp chọn vị trí cho một trận đánh có tính cách quyết định mà lại nằm gọn trong lòng địch, đường tiếp vận thì quá xa, lòng chảo bị khống chế bởi những hoả lực pháo binh của địch đặt chung quanh trên những ngọn núi. Người Pháp thua trận là phải. Lòng kiêu ngạo hay sự sai lầm trong những ước tính hành quân ?

Bây giờ đã quá nửa đêm, trời mưa nhẹ, tôi thấy rùng mình gây gây lạnh mặc dầu bây giờ đang là mùa hè. Chung quanh hoang vắng thê lương, tiếng những con ễnh ương vang lên nghe buồn thảm quá. Ở đây không có điện, người ta dùng những bó đuốc bằng nứa khô và những đèn bão hướng dẫn chúng tôi vào những dãy nhà còn trống. Khi đếm đủ số người thì họ đóng khoá cửa lại. Chúng tôi chen nhau trên những bệ xi măng, gối đầu trên những ba lô, dựa lưng vào nhau mà ngủ. Cho đến khi có tiếng mở cửa chúng tôi mới thức dậy, đi ra ngoài ao nước để rửa mặt và làm vệ sinh cá nhân. Những vũng nước mưa đục ngầu. Khát quá cũng phải uống. Chúng tôi được những người cũ ở đây phát cơm độn bắp và muối hột. Họ là những quân nhân bị bắt tại Hạ Lào năm 1971 và những anh biệt kích nhảy toán ra hoạt động tại miền Bắc từ những năm trước nữa. Họ buồn buồn nói với chúng tôi là họ rất hy vọng miền Nam sẽ ‘ giải phóng’ miền Bắc và họ cũng được ‘ giải phóng’, nhưng khi nghe miền Nam đầu hàng và hy vọng của họ đã tiêu tan và họ đã khóc. Họ cho biết đã có những đoàn người khá đông tới đây trước chúng tôi và họ đang ở những trại bên kia.

Chúng tôi được lịnh bày đồ đạc ra để khám xét. Sau đó chúng lập danh sách từng đội và phát cho mỗi người một bộ đồ tù sọc đỏ. Đến bây giờ chúng mới lấy tên họ, cấp bậc, chức vụ … Đội chúng tôi được đưa vào một căn nhà mới được dựng lên, mái được che bằng nilon màu xanh, chung quanh chưa có vách và phải trải cỏ để làm chỗ nằm.
Chúng tôi được nghỉ một ngày để tắm giặt và ‘ổn định đời sống’ và ngày hôm sau được phát dao, rựa lên rừng đốn tre nứa gỗ về làm mái, vách và sạp để nằm. Bữa ăn thì toàn sắn lát, khoai lang khô ... với nước muối. Không có rau mà chỉ có tàu bay..Những thứ này là những nỗi kinh hoàng của tôi. Cái mùi ẩm mốc, chua chua làm cho tôi muốn mửa..nhưng mà lấy gì để dỗ dành cái bao tử đang rên rỉ đây. Thôi thì :
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
(Nguyễn Du)

Trong thời gian ở đây, tiếp xúc và nói chuyện với những người lính biệt kích, những người bị bắt từ Hạ Lào năm 1971, chúng tôi thấy họ cũng chẳng có một lối thoát nào cả. VC không kêu án, chẳng thấy ngày ra tù. Tình trạng chúng tôi cũng chỉ thế thôi. Ăn uống thì đói khát, làm công việc thì nặng nhọc, bịnh thì không có thuốc chữa ... Chúng tôi là những kẻ lưu đày biệt xứ. Đã có những người đã nằm xuống. Trong anh em cũng có rất nhiều người có cùng tâm trạng như tôi. Địa thế ở đây thì hoàn toàn xa lạ, đồi núi chập chùng. Rừng thì không tìm được một thứ gì có thể ăn được. Nhưng anh em tôi cuối cùng đã quyết định phải bỏ đi thôi. Phải đi tìm sự sống trong cái chết. Con đường duy nhất là đi về phía Tây, băng qua biên giới Lào và tìm đường đến Thái Lan. Nhóm 4 người gồm có : Đ/U Lê Hùng (Địa Phương Quân Bình Tuy) + Đ/U Nguyễn Văn Nhơn (Phi Công Khu Trục thuộc Không Quân Biên Hoà) + Đ/U Nguyễn Văn Ninh (Phi Công Trực Thăng cũng ở Biên Hoà) và tôi. Lại được Linh Mục Tuyên uý TQLC Nguyễn Công Thành hổ trợ. Cha Thành lúc bấy giờ đang làm trong tổ nuôi heo với anh Thừa nên tìm cách để dành cho chúng tôi cơm khô, cơm cháy lấy ra từ thức ăn của heo. Ngoài ra anh còn cho chúng tôi một số thuốc sốt rét mà anh còn cất dấu được. Hồi ở trong Nam anh đã vượt trại bị bắt lại nên bây giờ anh chẳng còn chi. Hơn nữa lúc này sức khỏe anh không tốt nên anh không thể theo chúng tôi được, tuy nhiên anh ủng hộ tinh thần và hỗ trợ chúng tôi hết mình.

Nhân một đêm vào tháng 10/1976, anh Hùng đến phiên trực nhà bếp của trại, chúng tôi quyết định ra đi đêm đó. Trời bỗng dưng đổ mưa lâm râm, điều kiện tốt để ra đi. Lán ở gần nhà bếp, vách nứa mỏng manh nên len lỏi qua đây không khó. Chúng tôi gặp nhau 4 người ở nhà bếp, gom hết những mì sợi trung quốc, một số muối và 4 con dao đi rừng. Chúng tôi bỏ hết đồ ăn vào ba lô và vượt qua hàng rào trại ngay dưới vọng gác của bộ đội. Vượt qua một hàng rào kẽm gai, băng qua một cái rãnh có cỏ cao ngang ngực, tiến gần đến bãi dong cao gần bằng đầu. Chúng tôi dừng lại một chút để nghe ngóng. Chưa có động tịnh gì cả. Chúng tôi theo đường thông thủy để tiến đến một ngọn đồi từ đây lấy hướng đi về phía sông Mã. Vùng này chúng tôi đã đi lao động vài lần nên địa thế cũng quen thuộc. Nếu vượt qua sông Mã chúng tôi sẽ nhắm hướng tây Nam mà đi sẽ đến biên giới Lào, nếu đi ngược về hướng Tây Bắc sẽ đến vùng Điện Biên Phủ. Nói thì dễ mà địa thế bên ngoài toàn đồi núi chập chùng. Những ngày này trời lại mưa suốt. Mặt trời chẳng có thì làm sao định hướng được. Chúng tôi ngày đi đêm nghỉ. Ban đêm có thể di chuyển an toàn nếu là dân địa phương thì được, còn chúng tôi thì rất khó khăn và nguy hiểm. Chúng tôi phải leo lên đồi cao và giăng võng ngủ. Những ngày này cảm thấy tự do và thoải mái.
Mùa này mưa nhiều nên di chuyển rất khó khăn, nước từ triền đồi dồn về những thông thủy trở thành những con suối nước chảy siết, không thể nào vượt qua được. Sống bằng bắp, khoai mì, khoai lang, bí đỏ của dân trồng trên các sườn đồi. Chúng tôi hạn chế mì sợi đem theo. Đó là tang vật để cho dân chỉ điểm và bộ đội theo dõi đường đi của chúng tôi. Chúng tôi cố tìm cách vượt qua sông Mã càng sớm càng tốt. Chúng tôi đều còn trẻ, còn sức lực và lòng quyết tâm cao, Ninh trẻ nhất mới có 24 tuổi.

Chúng tôi đi được 14 ngày. Cả một khoảng thời gian dài. Ngày cuối cùng mưa lớn, chúng tôi ở trên một ngọn đồi cách một cái bản làng không xa. Trời mưa từ sáng đến chiều không dứt. Phải băng qua cái bản này sẽ đến bờ sông. Không thể dừng ở đây được. Chúng tôi quyết định xuống đồi và băng qua một con suối. Nước chảy mạnh quá. Chúng tôi đang đi dọc theo con suối để tìm chỗ băng qua thì bỗng dưng một toán dân quân du kích khá đông có trang bị súng đạn và mã tấu bao vây. Chúng tôi không thể nào chống cự được mặc dầu chúng tôi có 4 con dao. Chúng trói 4 người rồi dẫn vào làng. Chúng đưa chúng tôi vào một trường học không có vách và trói mỗi người vào một cái cột tre. Chúng quấn dây trói từ đầu đến chân như những đòn bánh tét. Quần áo chúng tôi ướt đẫm và gió từ bên ngoài thổi vào làm chúng tôi run lên cằm cặp. Bọn chúng không cho ăn. Chúng tôi lã người cho đến ngày hôm sau. Chúng bỏ mặc trong cái trường học đó.
Khoảng 10 giờ sáng, bộ đội từ trại đến nhận. Chúng mở ‘bốn đòn bánh tét’ ra khỏi bốn cây cột, rồi trói quặt tay ra sau lưng dẫn về trại. Hôm đó trời mưa dai dẳng, đường trơn lại bụng đói nên tôi cứ trợt chân té hoài. Dọc đường dân chúng từ các bản làng kéo ra mắng chửi thậm tệ và xông vào đánh chúng tôi bằng tay chân, gậy gộc. Bọn bộ đội cứ tỉnh bơ không can thiệp, bọn dân Tày, Mường thấy thế càng hăng máu nhảy vào đánh chúng tôi túi bụi.

Anh Hùng, anh Nhơn bị chúng dùng cây đánh trúng đầu, máu chảy tràn ra cả mặt bọn bộ đội mới can thiệp. Hình như chúng cố tình dẫn qua các bản làng, qua trại 7 nhốt tù cải tạo, tôi có thấy Trần gia Bảo thằng bạn cùng khoá, nhưng chắc lúc này nó không nhận ra tôi. Đến trại khoảng 6 giờ chiều, chúng tôi cố lê lết, đau đớn ê chề vì những trận đòn dọc đường. Tâm trạng chúng tôi lúc bấy giờ ai nấy muốn chết hơn là muốn sống. Mỗi chúng tôi được đưa vào những cái chòi bằng tre lợp nứa, sàn đất, phên nứa, bề ngang khoảng 8 tấc, bề dài 2 m. Có lẽ chúng chuẩn bị những căn nhà này trước khi chúng tôi bị bắt. Hai chân bị cùm bằng hai khoá sắt hình móng ngựa, phía dưới có một thanh sắt lòn ra khoá từ bên ngoài. Tay bị cùm ra sau lưng bằng hai tấm ván dày 2cm, dài khoảng 4 tấc, ngang 1 tấc ở giữa có khoét hai lỗ hình bán nguyệt để xỏ hai tay vào. Hai tấm ván này được khép lại có chừa lỗ để cột lại bằng kẽm gai. Những dụng cụ này chắc được truyền lại từ thời trung cổ được những ‘đỉnh cao trí tuệ’ của cái xã hội ‘ưu việt’ nghĩ ra mà thôi. Những ngày đầu chúng tôi thật thê thảm với cái thế cùm kẹp dã man này, vì muốn ngồi cũng không được, muốn nằm cũng không xong. Chỉ có cách là khom lưng về phía trước. Hai chân thì không nhúc nhích, cục cựa gì được. Suốt một tuần lễ như thế. Cho đến khi chúng tôi sắp kiệt sức, chúng mới đưa cái cùm tay từ phía sau ra phía trước để chúng tôi có thể nằm được. Khổ nỗi tấm phên nứa nằm trên đó tôi bị đám kiếng ở đâu xúm lại thăm viếng và hành hạ, không tài nào ngủ được cũng không có cách nào đuổi chúng đi. Hình như chúng được lịnh của đám giặc cộng này hành hạ tôi suốt đêm. Ngày hai bữa ăn khoai mì luộc và một chén nước lạnh. Không bao giờ cho ăn đúng giờ. Cũng trong thời gian chúng tôi bị bắt thì Linh Mục Thành cũng bị bắt và bị đánh hết sức là thê thảm. Cha Thành vốn nhỏ con lại bị những tên bộ đội thay phiên nhau đánh và đạp vào người cha, chúng tôi nằm nghe tiếng kêu la của cha mà lòng xót xa. Tôi nghĩ chắc cha chết mất vời những trận đòn như thế. Nhưng sức chịu đựng của cha thật khủng khiếp, cha Thành vẫn còn sống và đang định cư tại Nam Cali. Tên Thừa, phường trưởng Vĩnh Hội, một tín đồ công giáo thuộc giáo xứ Bùi Chu đã báo cáo cha Thành có liên quan đến vụ trốn trại. Tôi không hiểu lòng dạ con người sao mà tệ bạc đến thế. Người ta bán rẽ lương tâm của mình để đổi chát cái gì đây.

Sau 10 ngày, chúng gọi từng người lên hỏi cung và bắt làm kiểm điểm. Chúng còn bày ra một toà án để xét xử. Chúng cho tập họp toàn thể anh em trong trại vào ban đêm tại hội trường. Đêm không trăng sao, không có đèn đóm gì cả, chỉ có những bó đuốc cháy bập bùng và trên bàn chủ tọa có 3 cái đèn bảo. Chúng đọc bản cáo trạng và ghép chúng tôi là những ‘thành phần chống đối, không chịu cải tạo’. Mặc dầu chúng cố tạo cái không khí quái đản đó nhưng trong lòng tôi không có sự sợ hãi chút nào cả. Tôi nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát. Chúng còn cho vài tên cò mồi lên phát biểu ý kiến, yêu cầu phạt nặng để làm gương. Nhưng tất cả chỉ gây nên lòng khinh ghét và sự căm thù trong lòng anh em chúng tôi. Cuối cùng chúng tuyên bố khoan hồng để cải tạo và chỉ cùm trong nhà kỷ luật một tháng. Phần ăn bị giảm xuống tiêu chuẩn còn 9 kg /tháng.
Chúng tôi chẳng có gì buồn phiền hay hối hận vì ít ra chúng tôi cũng được 14 ngày tự do thoải mái, được hưởng những khoảng trời của riêng mình mặc dầu những ngày ấy có mưa to gió lời. Sự tự do nào cũng được trả bằng cái giá của nó.
Trại Nghĩa Lộ (Hoàng Liên Sơn)

Chúng tôi được chuyển đến trại 1, liên trại 2 trong vùng Nghĩa lộ thuộc tỉnh Hoàng liên Sơn. Đoạn đường đi cũng thật là gian lao vất vả. Từ trại tù Sơn La chúng tôi đi ngược về phía Nam về Cò Nòi rồi lên phà Tạ Khoa trên sông Đà qua Bắc Yên, Gia phú, rồi đi ngược lên Phù Yên, qua đèo Lũng Lô, đến Ba Khe, Văn chấn rồi đi vào vùng Bản Kéo. Trại tù nằm trong vùng đất của người Mường. Nói là trại chứ thật ra đây là vùng đất hoang vu, tất cả 300 người tù phải dọn dẹp khai phá để làm lán trại cho tù và nhà ở cho bộ đội. Riêng 4 anh em chúng tôi ngày đi cũng phải mang thêm cái cùm chân vì còn 3 tuần nữa mới mãn hạn. Đây là những ngày thê thảm nhất vì trời đã vào Đông. Cái lạnh ở đây buốt đến xương, đến óc. Lại thêm cái đói đến xót xa. Lại phải lao động cật lực để làm lán trại chỗ ăn chỗ ngủ, chớ nằm trên rơm cỏ giữa mùa đông giá lạnh này chịu sao nổi. Có những hôm trời lạnh mà phải xuống ruộng lấy bùn nhồi với rơm để làm vách. Lạnh đến độ chân tay đều đỏ rần lên và tê cóng, không còn cảm giác gì nữa. Ai đã từng ở tù ngoài bắc mới cảm thấy được ‘ cái lạnh ở Hoàng Liên Sơn’. Thôi thì đã mang kiếp tù thì phải :
Đốn tre đẳng gỗ trên ngàn,
Hửu thân, hửu khổ phàn nàn cùng ai ...

Nhà làm toàn bằng tre nứa, lợp tranh, không có một cây đinh, chỉ đóng bằng mộng và cột bằng lạt tre. Ở đây mới thấy cái tài năng của phe ta. Phải vào rừng đẳn những cây to về làm cột, kèo, đòn tay, ruôi mè,..Cuối cùng thì đã có những căn nhà khang trang, những nhà bếp và hội trường. Cũng không quên làm những hàng rào tre để nhốt tù vào giữa và những nhà kỷ luật để nhốt những tù ‘ chống đối’.
Cơ ngơi vừa tạm yên thì chúng tôi phải đi phát rẫy để lấy đất trồng khoai mì và rau cỏ. Những dãy đồi trồng khoai mì bắt đầu vươn cao, những khu vườn trồng su hào, bắp cải, khoai lang..nhưng qui định vẫn là ‘ làm thì vượt kế hoạch, ăn thì theo tiêu chuẩn’. Ngoài ra trại còn đưa nhân công ra ngoài làm công cho Hợp tác xã để cuốc cỏ, hái chè. Tôi thích ăn những đọt trà, lúc đầu thì đắng nhưng uống nước lạnh vào nó có cái hậu ngọt và lại no bụng nữa. Nhưng coi chừng ăn nhiều quá có thể bị say trà. Còn những cô công nhân trà ở đâu cũng chửi thề, ăn tục nói phét không chịu được. Các cô cứ tỉnh như ‘ người Sài Gòn’, lôi toàn những chuyện ăn chơi ở Hà Nội, Hải phòng ra mà nói khiến bọn tôi cũng thấy nóng mặt luôn.
Khu trại chúng tôi cách đường lộ một thửa ruộng nước, chúng tôi phải lên rừng đốn gỗ về làm cầu bắc qua. Những anh bạn Công binh trổ tài khiến đám bộ đội rất nể phục. Cũng làm những chuồng nuôi gà, nuôi heo và dĩ nhiên phải có một ‘ khách sạn Hilton’ 3 phòng bằng tre nứa mà tôi là người được hân hạnh cắt băng khánh thành vì đánh tên ăng ten báo cáo làm hại anh em.

Khoảng gần Tết năm 1977, trong lúc đi lao động cuốc đất để trồng su hào, tôi nhớ anh Nguyễn Văn Trọng (Sỉ Quan Tiểu Khu Quảng Nam) tâm sự với tôi là anh muốn được ăn một bữa sắn luộc nhưng anh không dám lấy sợ bị cùm. Tôi bèn nói với Ninh ‘mở một phi vụ’ ra ngoài rẫy sắn và mang về cho anh một túi khoai mì. Hôm sau anh cám ơn rối rít và nói được ăn một bữa sắn no nê. Anh còn nói hôm nào gần Tết trại phát bánh chưng anh sẽ dành cho hai đứa tôi nửa cái. Nhưng cái ngày đó không bao giờ đến với anh, anh bị bịnh và chết trước ngày 30 Tết. Bọn VC đem xác anh đặt ngoài khu vườn rau. Một số anh em bạn thân đem những lát bánh tét đến..mời anh. Xác anh được đem chôn dưới chân đồi sát bên vườn rau.
Sau Tết chúng tôi đi làm cỏ đồi trà cho Hợp Tác Xã, khoảng 3 giờ chiều có một người Mường đến báo cho chúng tôi biết nhà tù 9 căn của chúng tôi đã bị cháy rụi hết. Tên bộ đội tập họp chúng tôi để dẫn về trại.
Tất cả những lán nhà ở đã cháy tiêu chỉ trừ khu nhà bếp. Mền mùng, chiếu gối, quân tư trang gì cũng cháy tiêu hết. Chỉ còn mỗi người một bộ đồ dính da. Bây giờ mới đúng là ‘vô sản chuyên chính’. Ý nghĩ này làm chúng tôi thấy đắc ý và ngửa mặt lên trời cười vang. Tên cán bộ quản giáo rất lấy làm khó chịu hỏi sao lại cười và bắt chúng tôi phải làm kiểm điểm. Có 2 đội cũng đi lấy mắm từ Phù Yên cách trại hơn 20 cây số đường đồi núi nhất là khi băng qua đèo Lũng Lô. Khi về đến trại thì hỡi ơi. Một lần đội tôi cũng đến Phù Yên để lãnh rau. Hai người khiêng 20 kg mà cũng lết bết, nằm la liệt dọc đường.
Những ngày sau đó lại phải lên rừng chặt cây đốn gỗ làm lại nhà cửa. Tôi thấy nản vô cùng.

Tôi và Nhơn định trốn trại một lần nữa. Lần này được anh Quang và Long cũng đồng ý. Chúng tôi chuẩn bị mọi thứ cần thiết và đem vào dấu trong rừng. Nhưng một hôm anh Quang đem chôn dao thì bị tên bộ đội bắt gặp và chúng bắt anh Quang nhốt kỷ luật và điều tra. Nhơn, Ninh và tôi cũng không được ra ngoài lao động. Vài ngày sau chúng cũng đem cả 3 nhốt vào nhà kỷ luật nhưng không cùm chân. Chúng tôi rất lo lắng không biết anh Quang có khai gì không ? Nhiều đêm tôi nghe tiếng thở dài của anh Quang mà rầu quá không ngủ được. Một hôm chúng tháo cùm cho anh Quang làm vệ sinh. Anh Quang nói thèm thuốc lào quá. Gặp tên vệ binh cũng dễ nên nó hỏi vọng vào : anh nào có thuốc lào cho anh Quang ? Tôi bèn vội vàng đem thuốc lào chạy ra, giả bộ điếu đóm và lợi dụng lúc tên vệ binh không để ý tôi đã hỏi nhỏ anh Quang có khai gì cho tụi tôi không ? Anh Quang nói không. Tụi tôi như vậy là yên trí rồi. Một tuần lễ sau, anh Quang chỉ bị cùm chân thôi nên ngủ được và lấy lại sức khỏe.

Một tháng sau thì chúng tôi được đưa ra khỏi nhà kỷ luật và đi lao động. Lần này đích thân tên trại phó ra chỉ tiêu cho mỗi người phải đào một thước khối đất. Vừa ở nhà kỷ luật ra, sức khoẻ đâu còn được bao nhiêu thì làm sao đào nổi một thước khối đất. Anh Quang thở dài (lại cái bịnh thở dài). Tôi bảo anh Quang cứ đào thành hình tròn và sâu xuống khoảng một tấc. Cuối ngày tôi làm một bài toán lấy diện tích hình tròn nhân với chiều cao thành khối lượng đất đào được. Tên trại phó mặt nám, trông rất đần độn nên chúng tôi gọi là B40. Hắn bảo tôi tính cho hắn coi. Tôi nói dễ thôi lấy bán kính bình phương nhân với số Pi rồi nhân với chiều cao sẽ ra số khối lượng đất đào. Hắn hỏi bán kính là cái gì ? Số Pi là cái gì. Các anh rắc rối quá rồi hắn bỏ đi.
Một lần tôi và Ngọc được lên làm vệ sinh cho khu nhà của đám bộ đội. Tôi thấy nguyên một ổ trứng gà 10 trứng ở phía sau nhà vệ binh. Tôi chia cho Ngọc một nửa rồi hút hết. Vỏ thì moi đất chôn. Tên quản giáo Thanh (Trung uý bộ đội) tức lắm bảo cả đội làm kiểm điểm. Hắn đe doạ đã biết anh nào rồi nhưng chờ các anh ‘thành thật khai báo’. Ngọc hỏi tôi bây giờ làm sao ? Tôi nạt cho mấy câu : Mầy ngu quá, nếu nó biết thằng nào thì nó đã đem vào nhà kỷ luật đánh cho một trận nhừ tử rồi..
Tôi cũng để ý thấy cách trại không xa có mấy cái cối giã gạo bằng sức nước từ con suối chảy từ trên cao xuống. Lâu lâu đi chặt giang nứa tôi thường ghé qua kiếm vài lon gạo về nấu cơm ăn.

Khoảng tháng 06/1977 trại 4 liên trại 2 dẹp bỏ, một số khoảng 40 người, đa số cấp Trung Tá được chuyển về trại 2, trong đó có Tr/Tá Vũ Văn Hồ, Trưởng khối CTCT Trường Võ Bị QGVN và Tr/Tá Nguyễn Khắc Đệ ở Bộ TTM tức nhà thơ Dương Tử. Anh Đệ đã làm nhiều bài thơ trong lao tù CS và anh đọc cho tôi nghe hay lắm. Bây giờ anh đang định cư ở Toronto (Canada) không biết anh có xuất bản tập thơ nào không ? Còn anh Hồ, khoảng gần Tết năm 1978, anh nói với tôi anh cần tiền để mua thuốc lào. Vì tôi buôn bán đổi chát với đám Mường nên có tiền, tôi cho anh hai đồng. Nhưng anh không mua thuốc lào mà anh mua rượu sắn (làm bằng khoai mì). Bị bộ đội bắt gặp và kêu lên hỏi cung. Khi anh về ngang chỗ tôi anh nói vì sợ bị chúng nó đánh nên anh đã khai là tôi cho anh. Anh thật tình xin lỗi tôi và mong rằng tôi thông cảm vì anh thèm rượu lắm. Vài ngày sau tôi bị gọi lên. Khi đến nơi thì tôi thấy anh Nhơn từ phòng hỏi cung đi ra hai tay ôm cái đầu đang chảy máu (sau này anh cho biết bị tên cán bộ Phú đánh bằng K54). Đến phiên tôi tên Phú cũng đặt cây K54 xuống bàn và nói :
- Có gì thì anh phải thành thật khai báo. Nếu anh dấu diếm tôi sẽ bắn anh bằng cây súng này !

Nhờ anh Hồ đã báo trước cho nên tôi chẳng còn gì để dấu diếm nữa.
Tên Phú có vẽ khoái chí với lời khai của tôi nên hắn nói :
- Anh đã thành thật khai báo nên hôm nay tôi tha cho anh. Anh phải lo cải tạo tốt đừng có mua bán linh tinh nữa.
Đầu năm 1978 chuyển trại làm 2 đợt. Đợt đầu gồm toàn cảnh sát, tâm lý chiến, CTCT, an ninh quân đội về Phù Yên do công an quản lý. Đợt sau chỉ có 5 ‘nhân vật đặc biệt’ là : Nhơn, Ninh, Hùng, Quang và tôi về trại 5 cũng thuộc liên trại 2. Chúng tôi đi bộ có bộ đội mang súng ‘ theo hầu’.Hôm sau lên Hội trường tên trại trưởng đem 5 chúng tôi ra răn đe mọi người. Chia 5 người ở 5 đội khác nhau. Ở đây tôi có gặp Đ/U Từ đức Thọ (TĐ4/TQLC) và Đ/U Trần đình Lợi (TĐ8/TQLC). Trại này đặc biệt là Chủ Nhựt nào cũng phải đi lao động xhcn.
Khoảng một tháng sau, 5 anh em tôi được lịnh lên xe di chuyển đến địa điểm tập trung có rất nhiều người để chuyển về trại Phú Sơn 4 (Bắc Thái) giao cho công an quản lý. Bộ đội được điều động về phòng thủ sáu trại phía bắc.
Trại Phú Sơn 4 (Bắc Thái)
Trại Phú Sơn ở vùng Bắc Cạn, Thái Nguyên đầu nguồn của sông Cầu, dưới chân của rặng núi Pia Bioc (1578 m). Nếu đi thẳng về phía Bắc sẽ gặp hang Pác Pó (bó bác) ở Bản Giới thuộc Hà Quảng. Đã có nhiều người ở đây rồi.

Những ngày đầu năm, buổi sáng trời lành lạnh và có nhiều sương mù. Lần đầu tiên đi trại tù ở miền Bắc tôi được thấy ánh đèn điện và nhà thì xây bằng gạch, lợp ngói. Chỗ ngủ có 2 tầng, tầng dưới tráng ciment, tầng trên bằng sườn sắt và lót ván. Mỗi khu nhà có cửa được khoá lại và gài then vào buổi chiều. Khu nhà có 2 dãy, ở giữa có một cái sân rộng để tập họp xuất cổng đi lao động. Ngày nghỉ không được quan hệ giữa các buồng. Mỗi nhà được chia cho 2 đội. Có một đội ‘đặc biệt’ khoảng 30 người gồm toàn sĩ quan trốn trại từ bên quân đội. Tôi thấy có Tr/Tá Trần Đăng Khôi, Th/Tá Trần Công Hạnh, Trần Tấn Hoà, Nguyễn Văn Nghiêm (Nhảy Dù), Th/Tá Hồ Văn Hoà, Vương Mộng Long (BĐQ), Đ/U Trần Tiến Bích (Không Quân), Đ/U Chu Trí Lệ (BB), Đặng Quốc Trụ và nhiều người nữa mà tôi không nhớ hết. Một đội toàn sĩ quan TC và Kampuchia. Đội mộc có Tr/Tá Hồ Quang Lịch (TĐ5/TQLC). Một đội gồm các Tuyên Uý Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo ... Đội này ở một buồng riêng và không đi lao động. Còn một đội gồm những nhân viên hành chánh VNCH trong đó có Đ/Tá Sơn Thương (BĐQ) (Không biết vì sao ông lại lọt vào trong đội này và về sau Ông đã tự tử vì buồn phiền cái gì đó ...).
Đội tôi được giao nhiệm vụ đúc gạch. Ngày đầu tiên tên quản giáo Túc điểm danh để nhận diện. Hắn đã chọn anh Nguyễn Văn Nghiêm làm Đội Trưởng, Nguyễn Văn Ninh làm Đội Phó còn tôi làm Thống Kê. Được 2 tháng hắn cho tôi xuống nhồi than thay cho Chu Trí Lệ lên làm Thống Kê.

Một ngày vào buổi chiều, quản giáo Túc gọi tôi lên cho anh Chu Trí Lệ hớt tóc. Tôi nói tôi không hớt ngày hôm nay vì trời lạnh không tắm được, ngày mai tôi sẽ hớt. Tên Túc xông tới định đánh tôi. Tôi lùi bộ thủ và nói : ‘Chính sách của đảng không cho phép đánh tù nhân. Nếu cán bộ đánh tôi, tôi sẽ đánh lại’. Có tên công an lái xe xuống can Túc và anh Trần Quang Khôi cũng can tôi. Hôm sau tôi ở nhà để gặp tên cán bộ an ninh. Lại nữa anh Trần Tấn Bích đang in gạch bị chóng mặt nên ngồi nghỉ, tên Túc cũng hỏi : Anh Bích không in gạch đi, bộ anh muốn gì ? Bích trả lời ngay : Tôi muốn chết. Bắn đi !
Sở dĩ tôi đưa hai dữ kiện trên để minh xác một điều : Tất cả anh em chúng tôi cho dầu có bị đè bẹp, họng súng kề bên trong lúc anh em tôi không có một tấc sắt, nhưng chúng tôi vẫn phản ứng, vẫn không sợ hãi, nao núng trước bất cứ áp lực nào. Đó là sự liêm sỉ và lòng tự trọng của một Sĩ Quan trong hoàn cảnh cùng cực nhất và đen tối nhất.
Tháng 02/1979, Đặng tiểu Bình xua Tàu cộng tấn công 6 tỉnh phía Bắc với mục đích dạy cho Việt Cộng bài học về sự phản bội. Các trại phía Bắc lập tức được chuyển về phía Nam. Trại Phú Sơn 4 cũng được chuyển về trại Nam Hà (Hà Nam Ninh).
Trại Nam Ninh (Hà Nam Ninh)
Đoạn đường chúng tôi được chuyển từ Phú Sơn về Nam Hà khá xa. Phải đi qua Hà Nội về Phủ Lý (Nam Định) rồi đổ về hướng tây qua vùng Thanh liêm, Chi nê (Lạc Thủy) rồi đến vùng Kim Bôi. Tôi nhớ đã nghe một bài hát của Phạm Duy
Ai về sau dãy núi Kim Bôi ...
Nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ
Hình dung một chiếc thắt lưng xanh
Một chiếc khăn màu trắng trắng
Một chiếc vòng sáng lóng lánh
Với nụ cười nàng quá xinh ...
Phạm Duy đã nhớ người em gái ở sau dãy núi Kim Bôi, còn tôi thì không bao giờ quên được những ngày khốn nạn nhất cũng như hào hùng nhất ở trại Nam Hà.

Đây là vùng núi đá vôi. Nắng thì tăng nhiệt độ còn lạnh thì tê cóng. Không khí nồng nặc mùi vôi. Những người nào có buồng phổi yếu là vi trùng bịnh suyễn xâm nhập ngay.
Trại Nam Hà gồm có 4 phân trại : A, B, C và Mễ. Trại A là nơi đặt Bộ Chỉ Huy của Liên Trại, có trại trưởng tên Xuyên, cấp bậc Trung tá. Trại được xây dựng từ thời Pháp có tên là trại Đầm Đùn, bây giờ được củng cố xây dựng thêm. Các dãy nhà đều xây bằng gạch, mái ngói, có cửa ra vào cho mỗi khu hai nhà. Các nhà hình chữ U, ở giữa là một sân rộng để tập họp đi lao động. Cuối sân là nhà văn hoá (thư viện), một góc là nhà bếp và góc đối diện là bịnh xá. Có cổng ra vào khu tù nhân bằng gạch có chòi gác ở trên cao. Bên dưới là nhà trực trại và một cái kẻng báo thức làm bằng vỏ bom Mỹ cũ. Kế bên đó là khu nhà ở của công an. Ở đây chúng tôi gọi bọn chúng là Chèo.
Khi chúng tôi về đây thì trại đã khá đông người. Đa số từ các trại phía Bắc chuyển về, một số chuyển về các trại Thanh Phong, Thanh Cẩm (Thanh Hoá) và một số được đưa về đây. Riêng trại Nam Hà A cao điểm đã phải chứa hơn ngàn người. Mỗi nhà nhốt tù được chia ra làm 2 tầng. Tầng dưới là những bệ ciment, tầng trên có khung sắt và lót ván. Giữa là một lối đi dẫn vào nhà vệ sinh. Nhưng vì nhân số quá đông nên phải dùng lối đi ở giữa lót ván và ngũ trên đó.

Ở đây công an quản lý tù nhân rất chặt chẽ và rất chuyên nghiệp. Chúng dùng bản nội qui như những sợi dây trói siết chặt mọi người. Lao động ban ngày có tính cách khổ nhục và đày ải nhiều hơn. Buổi chiều sau giờ điểm danh, chúng khoá chặt cửa từ bên ngoài. Công an là thành phần bảo vệ chế độ và thực hiện những chủ trương, đường lối của đảng cộng sản mà không cần phải suy luận hay phán đoán gì cả. Người ta còn có một nhận xét đúng đắn nhất là : chế độ cộng sản là chế độ công an trị. Bên ngoài dân chúng cũng thế. Ở trại Nam hà có những tên chèo gian manh và độc ác nhất như tên Thịnh và Lực. Chúng làm khổ rất nhiều người nhiều khi những vi phạm nhỏ nhặt như là lấy rau, liên hệ với các buồng khác cũng bị chúng đem ra đánh đập rất dã man. Từ những năm 1978, 1979 tình trạng ăn uống thiếu thốn, lao động khổ sai nên đã có nhiều người không chịu nổi và những nấm mộ bên triền đồi đá vôi ngày càng có nhiều người đến ‘đăng ký’. Lao động của chúng tôi ở đây thường là đập đá, lấy đá từ các triền núi về để xây nhà tù cho thêm kiên cố, rải đường bị những cơn mưa lũ phá hại hằng năm. Xuống khu đầm lầy trồng lúa. Thường thì phải dùng 2 người để kéo cày thay trâu, tôi chưa thấy ai chụp được ‘bức tranh vân cẩu, vẽ người tang thương’ này. Đào mương lấy đất đắp thành những bờ cao để trồng rau. Mỗi mùa mưa lũ cuốn đi và san bằng tất cả, chúng lại bắt tù đào đắp trở lại như ‘con dã tràng xe cát biển đông’ vậy. Dụng ý của chúng thì ai cũng thấy rõ, miệng thì chúng bảo cố gắng lao động để tạo ra của cải vật chất để cải thiện đời sống.. nhưng đời sống ngày càng suy sụp trầm trọng.
Trại Nam hà A là nơi nhốt nhiều người già nhất từ bên hành chánh cấp trung ương như cựu thủ tướng Nguyễn Văn Lộc, các thượng nghị sĩ và dân biểu như các ông Hoàng xuân Tửu, Nguyễn Văn Ngưu, Vũ Văn Quí. Thành phần quân đội thí có các vị cấp tướng, tá, kể cả thành phần ‘tạp lục’ như binh nhì (phục quốc) đến cán bộ xã ấp. Chúng tôi thấy có cựu Th/Tướng Huỳnh Văn Cao, Đ/Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng LĐ3 Dù bị bắt ngày 25/02/1971 tại căn cứ 31 Hạ Lào. Riêng Binh Chủng TQLC tôi thấy có các Đ/Tá Nguyễn Thành Trí, Nguyễn Năng Bảo, Nguyễn Thế Lương, Hoàng Tích Thông, Tr/Tá Lê Bá Bình, Th/Tá Trương Công Thông, Lê Văn Hiền, Lâm Tài Thạnh ...

Thỉnh thoảng cũng có những phái đoàn ngoại quốc đến thăm viếng để tìm hiểu đời sống của các quân cán chính VNCH trong các nơi gọi là ‘Tập trung cải tạo’. Thường vào những ngày đó, chúng tôi được dồn vào các khu canh tác của trại B để ‘ém quân’, khi nào phái đoàn đi rồi mới được về trại. Chúng chừa mỗi nhà hai người cho ăn mặc sạch sẽ, có vẻ khỏe mạnh để làm ‘cò mồi’. Những người nằm ở bịnh xá thì trên đầu giường có để họp sửa, thuốc men ... Sau khi phái đoàn đi rồi thì tất cả ‘đồ chưng bày’ đều được thu dọn lại và mọi việc ‘ vũ như cẩn’. Có lần Th/tướng Huỳnh Văn Cao được chọn ở lại tiếp phái đoàn. Không biết ông được hỏi và trả lời như thế nào mà sau khi phái đoàn ra về thì ông cũng được đưa vào nhà kỷ luật, ban đêm đưa vào trại B cùm, ban ngày về trại A lao động trong vòng 2 tuần lễ. Đó chỉ là cảnh cáo thôi. Còn nếu tuyên bố ‘ thoải mái’ thì cũng được ‘ cùm thoải mái’ và bị đánh đập rất dã man.
Tình trạng sức khoẻ của anh em càng ngày càng xuống cấp trầm trọng, số người được ‘ huyển chuyển về vùng 5’ mỗi ngày một đông. Như vậy là đúng chính sách và chủ trương của bọn đầu nậu Hà Nội rồi, nhưng dư luận quốc tế đã bắt đầu theo dõi những kế hoạch giết người một cách có hệ thống của bọn chúng, hơn nữa chúng cũng không thể cắt đứt những quan hệ của những người bà con ruột thịt giữa hai miền, nên cuối cùng bộ nội vụ VC phải ra lịnh cho các trại cho phép thân nhân được tiếp tế cho những người thân của họ. Những đợt thăm nuôi đã lần lần vực dậy và cứu sống được nhiều người. Có những cảnh thương tâm cũng đã xảy ra. Tôi xin kể lại một trường hợp của Ông Phạm thư Đường, trước đây ông là chánh văn phòng cho ông Ngô đình Nhu. Lúc đó đội lao động của ông từ trại C về trại A. Một đoàn người lôi thôi lếch thếch trên con đường lên dốc ngang qua nhà thăm nuôi. Vợ con ông Đường nhận ra ông, ông cũng nhận được vợ dầu chỉ liếc mắt nhìn nhau, âm thầm đổ lệ nghẹn ngào. Chúng tôi cũng chạnh nghĩ đến thân phận mình. Lòng cảm thấy bùi ngùi và căm giận. Chính sách gì mà hận thù, đày đọa con người cho đến chết mà trên đầu môi chót lưỡi thì ‘ khoan hồng, nhân đạo’, ‘đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại’... Cái chế độ chỉ dạy con người luôn luôn lừa dối nhau. Không ai tin được những điều nói thật vì nói sự thật bao giờ cũng là sự lừa dối kèm theo những âm mưu thủ đoạn hại người ...

Tù có ăn thì chèo cũng được cho ăn. Bây giờ ra ngoài lao động chỉ cần cho vệ binh, quản giáo một gói mì hay một điếu thuốc có cán thì muốn làm gì thì làm, tụm năm tụm ba bàn những tin tức từ thăm nuôi đưa vào hoặc từ chiếc radio lén lút có được trong tù. Tin mừng thì nhiều mà tin buồn cũng không thiếu. Bọn cán bộ, kể cả trực trại, an ninh cho các tù hình sự mang thịt cá, rau cải vào bán, những chợ trời được lập ra ... Chúng tranh nhau khai thác tiền bạc của tù. Đời sống sinh hoạt trong trại cũng dễ chịu. Phong trào hát nhạc vàng, nhạc chính huấn và tù khúc vang lên trong các buồng hằng đêm. Có những nhóm bàn luận chính trị, thời cuộc, những nhóm kể chuyện kim dung. Không khí ban đêm thật là sôi động tạm quên đi những ngày tháng lưu đày khốn khổ.

Vào khoảng giữa năm 1980, vào một buổi chiều Chủ Nhật, các đội đều được nghỉ ở nhà, Tr/Tá Huề (thuộc Bộ TTM) đi qua buồng kế bên thì bị tên chèo Lực bắt và dẫn lên nhà trực trại rồi đánh anh Huề trước mắt mọi người. Anh em thấy vậy bèn đồng thanh la lên và hô đả đảo CS. Tên chèo Lực bắt buộc phải trả anh Huề về đội. Hắn rất tức giận và hậm hực vô cùng. Thật ra hành động chống đối này không phải lần đầu mà đã nhiều lần anh em phản ứng lại thái độ sử dụng bạo lực của bọn chúng. Một phần trại thường xuyên có những phái đoàn ngoại quốc đến thăm viếng và điều tra và đã có nhiều tù nhân chấp nhận hình phạt và nhà kỷ luật để nói lên những chính sách hà khắc và dối trá của VC như Th/Tướng Huỳnh Văn Cao, Y sỉ Tr/Tá Ngô Văn Nhâm ... Một phần tên Liên Trại Trưởng là Tr/Tá Xuyên sắp đến tuổi về hưu nên nó không muốn gây căng thẳng với tù nhân và tên trưởng trại A là Tr/U Huy thì lại lo buôn bán làm ăn với tù nên cũng không muốn nhiều rắc rối. Tuy nhiên bản thân của chèo Xuyên và chèo Huy cũng không phải là những quyết định tiên quyết mà bọn chúng còn có chi bộ đảng nữa. Cho nên chúng phải đưa ra những biện pháp mạnh bạo như ta thấy hành động đối với Đội 20 và nội vụ cái radio đưa đến cái chết của Th/Tá Cảnh sát Trần Hàn mà tôi sẽ kể trong những trang tiếp.

Sáng hôm sau, khi tập họp ở giữa sân để đi lao động các đội rỉ tai nhau là không xuất trại. Ở trại A không có một Ban Tham Mưu để thống nhất hành động như ở trại B mà ở đây rất đồng lòng với nhau. Hăng hái nhất là Đội 20 đồng thanh la lên là không lao động và yêu cầu tên trại trưởng là Tr/U Huy giải quyết vụ đánh người của chèo Lực ngày hôm qua. Tên Huy bảo cứ đi lao động rồi giải quyết sau ... Lúc đó anh Mai, đội trưởng 16 gồm đa số anh em ở cấp bực Đ/Tá, đứng dậy định báo cáo xuất trại. Tôi đang ở đội 29 thấy vậy bèn la lên : Ngồi xuống, ngồi xuống ! Tên chèo Chi, quản giáo đội 20 đã ghi tên tôi. Đội 20 gồm những anh em trẻ bị bắt từ những hành động chống đối trực diện mà chúng gọi là ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ như là Đặng Hữu Nam, Lưu Việt Cương, Lý Thành Hổ. Tôi còn nhớ tên một vài người như là Hồng Trọng, Dương Khái Quân (Quân Đội), Bình, Kỉnh (Tuyên Uý Phật Giáo), Tín (Tuyên Uý Tin Lành), Nguyễn Văn Hồng (Tr/U Pháo Binh), Trần Văn Khương (giáo sư nhân văn tại Trường Vỏ Bị Đà Lạt) ,..
Kết quả ngày hôm đó anh em được lịnh về buồng và không đi lao động. Chắc chắn chúng đã họp chi bộ đảng và quyết định đưa Đội 20 trong đó có cả tôi vào trại Nam Hà B.

Trại B cũng có những phong trào đấu tranh rất mạnh, nhưng nó có vẻ ‘yên ấm’ hơn. Từ ngày đội 20 vào đây mang theo cái không khí đấu tranh hừng hực từ trại A. Mỗi đàn áp dù nhỏ cũng gây ra phản ứng của toàn trại khiến tên trại trưởng trại B đã đề nghị đưa đội 20 ra kiên giam tại trại Mễ.
Hôm đó sau khi cho các đội xuất trại thì đội tôi được lịnh về buồng lấy tư trang ra sân khám xét. Có khoảng 30 tên công an vũ trang đầy đủ, có cả chèo Xuyên. Hai xe bít bùng chờ sẳn. Chúng tôi hai người một bị còng lên xe và chuyển ra trại Mễ.
Trại Mễ là nơi để chữa những bịnh ‘ bất trị’, nghĩa là hết thuốc chữa rồi, nhưng thật ra có thuốc đâu mà chữa. Những chiến hữu TQLC có mặt ở đây cũng khá đông như Tr/Tá Đoàn Thức, Tham Mưu Trưởng LĐ369/TQLC, bị bịnh sơ gan cổ trướng, sắp đến thời kỳ sau cùng rồi nên chúng đưa ra trại Mễ, rồi cho về nhà ở Phú Nhuận, Sài Gòn và 2 tháng sau thì anh mất. Tr/Tá Nguyễn Văn Cát, Trung Tâm Trưởng TTHQ thuộc SĐ/TQLC đã chết ở đây. Riêng Th/Tá Đặng Văn Học và Đ/U Nguyễn Kim Thân cũng được đưa về đây vì kiệt sức nhưng may mắn thoát chết.
Phía bên trong gồm có những nhà gạch xây rất kiên cố để nhốt những thành phần chống đối. Trại này cũng có một số tù hình sự sắp mãn án được xử dụng cho nhà bếp và những tạp dịch trong trại giam. Chúng tôi xuống xe từng hai người một và được đưa thẳng vào các nhà kiên giam. Đó là những căn phòng nhỏ, hai bên có bệ ciment để nằm, giữa có một lối đi nhỏ khoảng 3 tấc, cuối phòng có một hố tiêu. Cửa bằng gỗ dày có then gài từ bên ngoài, trên cửa có một lỗ thông hơi có đan song sắt cao khoảng 3 tấc. Ở tù VC đã khổ mà kiên giam còn khổ hơn gấp bội. Tôi đã từng đi qua những nhục hình này rồi nên những cái ‘lẻ tẻ’ này có thể chấp nhận được. Tôi bị cùm bằng hai khoen sắt hình móng ngựa gắn chặt trên một thanh sắt dài thông ra bên ngoài và được khoá lại ở đó. Cùm như thế này chỉ có ngồi hoặc nằm chứ không thể đứng hay đi lại được. Tôi bị cùm suốt 3 tháng không mở. Đại tiểu tiện tại chỗ. Thức ăn chỉ toàn khoai lang luộc, sắn lát phơi khô, bo bo,..Giờ ăn bất thường để hành hạ bằng cái đói. Mỗi phòng kiên giam chúng cho thêm một người để phụ giúp cho hai người kia và phải nằm ở lối đi ở giữa. Được đi tắm mỗi tháng một lần nhưng 8 tháng sau tôi mới được đi tắm. Phòng kiên giam xây tường dầy và kín nên về mùa đông thì cái lạnh buốt xương còn mùa hè thì như cái lò hoả diệm sơn. Nhiều tên chèo thay phiên nhau coi phòng kiên giam nhưng có tên chèo tên Đảng là gian ác nhất. Hắn dùng mọi cơ hội để hành hạ tù nhân. Những ngày ăn tươi, hắn bảo nhà bếp chỉ phát mở và cho uống nước lạnh để tù bị tiêu chảy. Chính tên này cùng với một chèo cái y tá đã chích thuốc cho anh An chết. Anh Nguyễn Văn An là Th/Tá LLĐB đã trốn trại ở trại Nam Hà B bị bắt lại và đã đưa ra trại Mễ. Anh đã tuyên bố là nếu ra khỏi đây anh sẽ tìm cách trốn đi vì không chấp nhận sống chung với VC.
Đội 20 gồm 26 người và 4 người của trại B là các anh : Đ/U Phạm tấn Mới, Đ/U Nguyễn Văn Sanh, Tr/Tá Nguyễn Văn Trọng (KQ) và Th/Tá Nguyễn Văn An. Tất cả 30 người, trong 2 năm kiên giam đã chết hết 6 người là các anh : Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Văn Trọng, anh Quân và một người nữa mà tôi đã quên tên.

Đến năm thứ 2 vì số người chết đã lên cao, hơn nữa lúc này chèo Xuyên đã về hưu, tên chèo mới tên Hán đã thay thế, hắn đã cho khoảng 10 người về lại trại A và đúng 2 năm sau vào khoảng tháng 10/1982 số còn lại trong đó có tôi cũng về lại trại Nam Hà A. Đa số anh em không đi nổi, phải khiêng hoặc nhờ người khác dìu vào. Sức khoẻ của tôi cũng đã đến mức báo động nhưng tôi vẫn còn sống. Đa số anh em đã được chuyển về Nam từ tháng 8/1980, chỉ còn ‘tam đại cao thủ TQLC’ là các Đ/tá Nguyễn Thành Trí, Nguyễn Năng Bảo và Nguyễn Thế Lương. Tôi nghĩ như vậy là sống rồi. Chắc chắn các Mũ Xanh không bỏ mình cô đơn đâu.
Về đây tôi cũng được nghe kể lại câu chuyện thương tâm về cái chết của Th/Tá Cảnh sát Trần Hàn, Chỉ huy trưởng Cảnh Sát tỉnh Quảng Tín. Câu chuyện được Tr/Tá Hoàng Mão (Khoá 20 Vỏ Bị Đà Lạt) là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 2/SĐ1BB kể lại sau này khi anh và gia đình đang định cư tại thành phố Anaheim, California và tiện đây tôi cũng xin được ghi lại như là một trong những biến động của trại Nam Hà :
‘Cũng như nhiều ngàn anh em khác, năm 1976 tôi bị đưa ra Bắc trên tàu sông Hương, lúc đầu thì tôi ở Yên Bái (Hoàng Liên Sơn), một thời gian sau chuyển lên Văn Bàng, Dương Quì. Đây là vùng núi non trùng điệp, không có đường cho xe hơi mà chỉ có những con đường lên dốc dành cho ngựa thồ và người đi bộ. Trên đỉnh núi thì có người Mèo, lưng chừng ở giữa triền núi là người Lô Lô và ở dưới chân núi là người Thổ và những xóm nhà lèo tèo của người Việt bị ‘chỉ định cư trú’ từ năm 1954. Họ là những thành phần thuộc ‘chế độ cũ’ thời Pháp và những ‘tư sản dân tộc’, trước ngày 20/07/1954 họ là những công thương nghiệp giàu có ở Hà Nội và các thành phố lớn, họ không di cư vào Nam hoặc không đi lọt vào Nam mà ở lại. Tài sản đã dâng hết cho nhà nước và VC đã cho họ một mảnh đất để khai thác ở vùng thâm sơn cùng cốc này. Đến tháng 08/1978 chúng tôi được chuyển về Nam, đến trại Nam Hà A. Từ quân đội đưa qua công an. Thời gian này te tua thê thảm nhất. Nhiều người đã chết và bọn chúng phải cho gia đình ra thăm nuôi. Trại Nam Hà có 4 phân trại A, B, C và Mễ. Ngày nào cũng có người thăm nuôi. Có người nhận được cả hơn 100 kg quà và tiền bạc. Nhất là những gia đình có thân nhân ở ngoại quốc.

Bây giờ về mặt vật chất thì đã khá lắm rồi, còn về mặt tinh thần thì vẫn còn đói. Đói tin tức về tình hình thời sự quốc tế và trong nước. Nhưng cái quan trọng nhất là cái thân phận của mình rồi sẽ ra sao. Tất cả đều bị bỏ quên để rồi chết lần chết mòn hay được chỉ định cư trú tại một cái xó xỉnh nào đó ở cái vùng Việt bắc lưu đày này. Anh em bỗng có ý định tìm mua một cái radio bắt được những đài ngoại quốc như VOA, BBC hay Á Châu Tự do. Lúc đó tôi ở đội 16 chung buồng với đội 15 do anh May làm đội trưởng. Anh Nguyễn Văn May, cấp bực Đ/U Cảnh Sát chung nhiệm sở với Th/Tá Trần Hàn ở Quảng Tín. Tánh anh nhanh nhẹn, hoạt bát, hay mua bán đổi chát với đám chèo. Nếu ai cần gì như thịt cầy, rượu mơ hay cà phê thì đưa tiền cho anh May là có ngay vào ngày hôm sau. Bản thân anh cũng muốn có một cái radio để nghe nên anh đồng ý ngay. Anh liên lạc với tên chèo vẫn mua bán với anh, tên chèo đồng ý với giá tiền khá cao là 200 $ (giá một chỉ vàng lúc bấy giờ là 36 $). Anh em đồng ý và bắt đầu mở cuộc quyên góp, có cả những ‘nhà đại tư bản’ là Đ/Tá Phạm Kim Qui và Đ/Tá Phạm Kim Lân đóng góp. Lúc giao hàng thì tên chèo bảo 3 băng nhưng đem về thì chỉ có một băng cho đài địa phương còn 2 băng kia thì không còn nghe được. Anh em thấy nản lòng nhưng tôi nghĩ là phải tìm cách sửa chữa. Tôi bèn liên lạc với Tr/Tá Tôn Thất Phương, phòng 7/Bộ TTM (hiện đang ở Úc). Anh Phương xem xét thấy khó quá nhưng với sự thôi thúc, góp ý của nhiều anh em nên sau 2 ngày anh Phương bảo sửa được nhưng phải có nhựa thông để hàn những con chip lại trong cái hệ thống bán dẫn (transitor). Người ta dùng nhựa thông để gắn phần gỗ ở giữa thùng đàn. Tôi đã khai bịnh và lên mượn cây đờn ở thư viện về cạo lấy chất nhựa đó. Cuối cùng anh Phương đã hoàn thành được tác phẩm quan trọng và ưng ý nhất trong cuộc đời của anh. Công việc kế tiếp là chọn người nghe và vấn đề cất dấu sau khi nghe.
- Tôi góp ý với anh Tr/Tá Nguyễn Ngọc Tấn (Khoá 14 Đà Lạt) đang làm trực buồng, đào phía sau cầu tiêu của buồng một khoảng trống, gỡ một miếng gạch block và bỏ cái hộp đựng radio vào đây. Mỗi buổi chiều trước khi vào buồng thì anh Tấn sẽ ra lấy hộp dấu vào đóng củi mà anh em khi đi lao động lấy về để nấu ăn ngay cạnh cửa sổ của anh May. Khi nghe xong thì đưa cho anh May bỏ ra ngoài cửa sổ và sáng hôm sau anh Tấn sẽ đem bỏ vào chỗ cũ. Như vậy nếu chèo ập vào buồng thì anh May cũng kịp thời đưa cái radio ra ngoài.
- Th/Tá Trần Tấn Hoà (Nhảy Dù), Tr/Tá Ninh (Bộ TTM) và tôi có nhiệm vụ theo dõi tin tức vào buổi tối và buổi sáng hôm sau tôi ‘họp báo’ tường trình lại cho đại diện 19 đội kể cả đội nhà bếp.Tôi chỉ tường trình mà không diễn dịch, tóm gọn bản tin mà không bình luận.

Anh em rất vui mừng khi nghe được những tin tức từ bên ngoài. Tình hình thế giới và phong trào vượt biên ồ ạt được cả thế giới ủng hộ đồng thời cũng lên án chế độ hà khắc của VC. Những nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy ... trước đây ủng hộ trong cuộc chiến đã nhận thấy sai lầm và đã rút lại những phần viện trợ. Nhưng quan trọng nhất là thế giới dang tay cứu vớt thuyền nhân VN và mở rộng cửa cho phép định cư nhất là tại Mỹ. Việc này đánh động đến lương tâm thế giới và Quốc Hội Mỹ bắt đầu quan tâm đến những người bạn đồng minh mà mình đã bỏ rơi hiện đang bị đày đoạ trong những ngục tù VC. Anh em rất vui mừng và hy vọng hết sức. Như thế mình không phải là những kẻ bị bỏ rơi. Và trong tương lai không xa chắc phải có những diễn tiến tốt lành. Đời sống trong trại rất thoải mái, lao động thì cầm chừng. Tụi chèo cũng không thể khống chế được anh em. Những hệ thống ăng tên, cò mồi hình như hoạt động rất yếu ớt.
Cho đến một hôm tên chèo mua giùm radio đến bảo anh May hãy đem cái radio quăng đi, đừng giữ lại không tốt đâu. Anh May về nói lại anh em. Có người tiếc bảo cứ giữ một thời gian nữa. Có người bảo cái radio đã bị lộ rồi hãy đem phi tang ngay, kẽo nguy hiểm. Vì ai cũng biết trong thế giới CS vấn đề tin tức từ bên ngoài đều bị ngăn chận bởi những bức màn sắt hay những bức màn tre. Đối với dân cũng triệt để không được bắt đài ngoại quốc mà nhà cầm quyền chỉ cho lưu hành những loại radio chỉ có một băng bắt luồng sóng của chế độ. Các nhật báo, tuần báo cùng đều phải rập khuôn một luận điệu. Chứ đừng nói gì tù. Nếu vỡ lỡ ra có thể bị bắt, bị đánh đập và đưa đến tử vong. Cuối cùng anh trực buồng Tân đã quăng cái radio vào lò lửa nhà bếp.

Mất cái radio như mất một món ăn tinh thần rất quan trọng. Ai nấy cũng đều thẩn thờ như thiếu vắng một cái gì đó trong đời sống hằng ngày. Bẳng đi một thời gian, chẳng thấy động tĩnh gì. Một số anh em ở buồng 12 như Tr/Tá Yên (Không Quân), Đ/U Hằng, buồng 15 đến nói với anh Trần Hàn nhờ anh May mua lại cái khác. Thật sự anh Hàn cũng muốn nghe tin tức hằng ngày nên anh đồng ý. Còn anh May cũng rất nễ anh Hàn vì là ‘xếp cũ’ của mình. Anh em lại vận động tiền bạc để mua. Chính tôi cũng bán một bộ quần áo mà vợ mới đem ra thăm nuôi.
Cái radio mới nhỏ và gọn hơn và có đủ 3 băng, nghe được đài ngoại quốc mà không sửa chữa gì cả. Được một tuần lễ sau thì tôi phải chuyển buồng 6 vào đội bóng chuyền của các anh Lê kim Lợi, Bảo Thái ... nên công việc nhận và phát tin giao cho anh Trần Tấn Hoà và anh Ninh.
Được 3, 4 tháng sau thì đợt chuyển trại đầu tiên về miền Nam (08/1980) xảy ra càng làm cho anh em vui mừng và tin tưởng vào những tin tức phát đi hằng ngày. Nhưng cũng có một sự kiện quan trọng ; đó là hằng ngày đi lao động về anh em có thấy một đám công an lạ mặt đặt trên đỉnh núi Đầm Đùn một giàn máy mà sau này anh em biết được là máy trắc giác dò tìm làn sóng phát đi mà chúng nghi từ trong trại A. Nhưng cái radio chỉ là cái máy thâu mà thôi.

Một buổi sáng sớm, anh em còn đang ngũ thì một số đông công an lạ mặt và các vệ binh của trại ập vào hai buồng 15 và 16. Chúng ra lịnh cho tất cả ra ngoài và người nào được gọi tên thì vào đưa đồ đạc ra để khám xét. Chiếc radio mà anh Hoà và anh Ninh nghe đêm qua đã được bỏ vào hộp thiếc và chuyển qua bên anh May nhưng anh May chưa kịp bỏ ra ngoài cửa sổ mà vội vàng quá anh vất đại trên đường đi. Anh May là buồng trưởng nên được khám xét lúc gần chót. Trước đó anh Hồ Hoàng Khánh hỏi anh Hoà cái radio để đâu thì anh Hoà bảo đang để chỗ anh May. Tới phiên anh Khánh được gọi vào để khám xét thì anh thấy nó nằm trên lối đi giữa nhà nên khi đi ngang, bằng một động tác rất nhanh và gọn anh đã hất nhẹ cái họp thiếc đựng cái radio vào đống đồ đạc đã khám xét rồi mà không có thằng chèo nào thấy được. Anh Khánh là Trung Sĩ trong Liên Đoàn Người Nhái, là một Võ Sư về Karaté. Năm 1973 anh được đưa qua Nhật để học 2 năm và thi đậu đệ ngũ đẳng huyền đai về không thủ đạo (Karatedo). Anh bị bắt năm 1978 vì những hoạt động ‘phục quốc’ từ bên ngoài. Cho nên mặc dầu khám rất kỹ 2 buồng 15, 16 mà chúng vẫn không tìm thấy cái radio, tuy nhiên chúng cũng tìm thấy được một ‘tang vật’. Đó là tờ giấy mà khi mua chiếc radio đầu tiên, anh May đã yêu cầu chèo viết cho anh mấy chữ nói có nhờ anh sửa chữa cái radio. Sau đó thì anh May bị bắt lên điều tra thêm. Chúng dùng nhiều cực hình nhưng anh May nhất mực nói là đã giao lại cho tên chèo đó rồi. Chúng nhốt anh May vào nhà kỷ luật trong 3 ngày và cho người xác minh lại với tên chèo kia. Sau đó chúng đoan quyết là anh May còn giữ cái radio kia. Anh May chấp nhận bị đánh và không khai cho ai cả. Riêng anh Trần Hàn thấy lòng mình nặng chĩu và có phần nào hối hận mặc dù anh không nói ra. Còn cái radio thì sau đó được anh Khuyên, trực buồng 15 đem đi ‘hoả táng’ an toàn. Sau đó chúng bắt thêm một số người nữa trong đó có hai anh Phạm Kim Qui và Phạm Kim Lâm. Riêng phần tôi, anh Hoà và anh Ninh cũng chuẩn bị tâm tư và chấp nhận chịu đòn và nhất định chối là thượng sách vì chúng đã không tìm thấy tang vật. Khoảng 10 ngày sau chúng thả anh May về, xơ xác và bầm dập hết sức. Anh em nhìn ai nấy cũng đều ái ngại. Riêng anh Trần Hàn thì có vẽ suy nghĩ lung lắm. Khuôn mặt anh có vẽ trầm tư nhưng thái độ anh vẫn trầm tĩnh. Tôi thường đến trấn an và nói với anh : Mình ráng chịu một thời gian rồi mọi việc sẽ đi qua vì nó không có bằng chứng nào để buộc tội mình cả. Nhưng anh Hàn chỉ cười nhẹ mà không nói gì. Dầu sao tôi cũng chỉ là dân ‘tác chiến’ nên có những suy nghĩ khác với những anh em trong ngành cảnh sát đặc biệt và an ninh tình báo. Chắc chắn anh có những suy tính và quyết định mà tôi không thể nào biết được.

Chúng tiếp tục bắt một số người vào chiều hôm trước trong đó có anh Trần Hàn và sáng hôm sau thì chúng tôi nghe tin anh Hàn đã chết. Đa số anh em đều nghĩ là anh Hàn đã bị công an đánh chết, nhưng tôi lại có một suy nghĩ khác và tôi tin đó là sự hy sinh có tính toán của anh. Dĩ nhiên tôi không biết được những tính toán có vẽ nghề nghiệp của anh, nhưng tôi linh cãm là như vậy. Bởi vì sau đó thì không còn bắt bớ nữa và nội vụ cái radio cũng chìm xuồng luôn ...

Đó là những biến động ở trại Nam Hà, đa số là ở trại A. Dĩ nhiên vẫn còn những sự kiện khác nữa mà tôi không thể ghi hết được. Hôm nay ngồi viết lại những sự kiện có thật 100 % đã xảy ra trong quá khứ, một thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Việt Nam. Điều này không phải để gợi lại một niềm đau, một nổi khổ hay sự thù hận mà để nhớ lại và ghi nhận một sự chịu đựng của cả một thế hệ đã bước vào một khúc quanh cực kỳ đau đớn tủi nhục, tù đày, chết chóc mà hơn 100 ngàn quân cán chính VNCH đã phải gánh chịu một sự trả thù tàn bạo nhất, hèn hạ nhất mà miệng thì luôn luôn nói những điều nhân nghĩa, nhưng đó chỉ là sự lường gạt và dối trá. Bao nhiêu người đã bỏ thân trên biển đông. Bao nhiêu người đã chết trong những khu rừng âm u trên đường trốn chạy.
Viết để cho thế hệ con cháu thấy một điều bản chất của chế độ cộng sản vẫn là độc tài, độc đảng và độc ác.
30 năm rồi cái bản chất đó vẫn không thay đổi và sẽ không bao giờ thay đổi khi con quái vật của thời đại là cộng sản vẫn còn đó. Chỉ có một điều duy nhất là phải diệt nó đi.
Mùa thu Indiana, 2005.
(Trích từ Tuyển, Tập 3/TQLC từ trang 268-304)


Không có nhận xét nào: