Mỹ phê duyệt thuốc điều trị ung thư phổi giá 780.000 USD - Mỹ mới đây đã cấp phép thuốc tarlatamab-dlle điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ di căn, giá 780.000 USD cho một năm chữa bệnh. Quyết định trên được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra ngày 16/5. Thuốc được bán với tên thương mại là Imdelltra, liệu pháp miễn dịch nhắm mục tiêu, sử dụng kháng thể đặc hiệu để liên kết với tế bào ung thư và tế bào miễn dịch, từ đó hướng dẫn hệ miễn dịch tiêu diệt ung thư. Thuốc dành cho người lớn ở giai đoạn tiến triển của bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ khó điều trị.
<!>
Kết quả thử nghiệm lâm sàng của thuốc được công bố trên Tạp chí Y học New England, cho thấy khối u giảm 40% ở bệnh nhân dùng 10 mg tarlatamab thông qua hình thức truyền tĩnh mạch, hai tuần một lần. Nhà sản xuất Amgen cho biết giá thuốc ở Mỹ là 31.500 USD cho chu kỳ điều trị đầu tiên, 30.000 USD cho lần truyền bổ sung. Một năm điều trị lên tới 780.000 USD, được cho là một trong thuốc trị ung thư phổi đắt nhất.
Các bệnh nhân tham gia nghiên cứu có thời gian sống trung bình là 14,3 tháng, cao hơn tiên lượng thông thường là khoảng 5 tháng. Ung thư phổi được chia làm hai loại là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại thường xảy ra nhất (khoảng 85%), 15% bệnh nhân mắc ung thư có tế bào nhỏ. Đây là nhóm Imdelltra nhắm đến.
Jay Bradner, giám đốc khoa học của Amgen, cho biết khoảng 35.000 người Mỹ mắc bệnh này hàng năm. Đây là một trong những loại ung thư tăng sinh nhanh và hung hãn nhất.
Trong các thử nghiệm lâm sàng, tác dụng phụ thường gặp nhất là hội chứng giải phóng cytokine, tình trạng xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng mạnh mẽ thái quá đối với tác nhân gây nhiễm trùng hoặc thuốc miễn dịch.
Amgen cho biết hãng cần thực hiện thêm các thử nghiệm lớn và quan trọng đối với bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn muộn để được FDA chấp thuận hoàn toàn. Hiện thuốc chỉ được phê duyệt có điều kiện.
Quân đội Israel: Thi thể của 3 con tin được tìm thấy ở Gaza
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết hôm thứ Sáu (17/5), rằng quân đội Israel đã phát hiện thi thể của 3 con tin Israel bị Hamas sát hại trong cuộc tấn công ngày 7/10 năm ngoái, một trong 3 nạn nhân là người Đức gốc Israel.
Theo hãng tin AP, quân đội Israel đã xác nhận danh tính của 3 con tin thiệt mạng. Họ là Itzhak Gelerenter, 56 tuổi; Amit Bouskey, 28 tuổi và một phụ nữ Đức gốc Israel 22 tuổi, Shani Louk.
Những bức ảnh về thi thể vặn vẹo của Louk nằm sau xe bán tải được lan truyền khắp thế giới.
Người phát ngôn của IDF, Thiếu tướng Daniel Hagari, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu (17/5) rằng cả ba người đều bị Hamas giết chết khi chạy trốn khỏi một lễ hội âm nhạc ở miền nam Israel vào ngày 7/10 năm ngoái. Các chiến binh Hamas có trụ sở tại Gaza đã giết chết hàng trăm người tại bữa tiệc khiêu vũ ngoài trời.
Quân đội Israel hôm thứ Sáu cho biết, thi thể đã được tìm thấy vào đêm hôm trước, nhưng không nói rõ hoặc tiết lộ ngay nơi thi thể được tìm thấy.
Quân đội Israel đã tiến hành các hoạt động ở thành phố Rafah ở phía nam Gaza trong những ngày gần đây và cho biết họ đã thu được thông tin tình báo rằng các con tin đang bị giam giữ ở đó.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi đó là những cái chết thật "đau lòng" và ông nói, "Chúng tôi sẽ trả lại tất cả con tin, còn sống và đã chết".
Các chiến binh Hamas đã giết hại khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường và bắt khoảng 250 con tin trong vụ tấn công hôm 7/10. Khoảng một nửa số con tin đó đã được thả, hầu hết là trong thời gian ngừng bắn kéo dài một tuần vào tháng 11. Đổi lại, Israel cũng thả một số tù nhân Palestine.
Israel cho biết khoảng 100 con tin vẫn đang bị giam giữ ở Gaza và khoảng 30 thi thể vẫn còn ở đó. Theo các quan chức y tế Gaza, cuộc chiến ở Gaza đã giết chết hơn 35.000 người Palestine kể từ khi Israel tiến hành các cuộc tấn công trả đũa.
Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố sẽ loại bỏ Hamas và giải cứu tất cả con tin, nhưng đạt được rất ít tiến bộ. Ông đang chịu áp lực phải từ chức và Hoa Kỳ đã đe dọa sẽ giảm hỗ trợ cho Israel do tình hình nhân đạo ở Gaza.
Trong nội các của ông Netanyahu chia thành hai phe: những người muốn chính phủ gác lại chiến tranh và thả con tin; những người cho rằng con tin là một cái giá đáng tiếc phải trả cho việc tiêu diệt Hamas.
Các cuộc đàm phán do Qatar, Mỹ và Ai Cập làm trung gian đã không ổn định và đạt được rất ít kết quả.
Zelensky đáp trả lệnh cấm tấn công Nga bằng vũ khí của Mỹ
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng, không thể cấm Ukraina sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công Nga, bởi đây là một phần phòng thủ chứ không phải tấn công.
Tại cuộc gặp với các nhà báo, ông Zelensky nói: “Tôi không nghĩ nên có bất kỳ lệnh cấm nào, bởi vì đây không phải là cuộc tấn công của quân đội Ukraina bằng cách sử dụng vũ khí phương Tây trên lãnh thổ Nga. Đây là phòng thủ. Đây cũng giống như các biện pháp trừng phạt phòng ngừa mà tất cả chúng ta đã nói đến trước một cuộc xâm lược toàn diện. Đó là một lời cảnh báo”.
Tổng thống Ukraina Zelensky giải thích, những cuộc tấn công này sẽ được thực hiện trong “vùng xám” nơi chính quyền Nga trục xuất dân thường.
Ông cũng nói về mục đích chuyến thăm Ukraina của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Theo ông Zelensky, thứ nhất, ông Blinken mang đến gói viện trợ trị giá 2 tỷ USD, thứ hai là các đề xuất từ Mỹ liên quan đến bảo đảm an ninh. Ông nhấn mạnh: “Dự thảo Hiệp định về bảo đảm an ninh đã có sẵn”.
Thứ ba, tầm nhìn của Ukraina về hội nghị thượng đỉnh NATO đã được thảo luận. Ông Zelensky nói rằng người Mỹ “đã nghe thấy tầm nhìn của chúng tôi, chấp nhận thông tin này và sẽ phản hồi lại”.
Tổng thống Ukraina nói thêm rằng vấn đề chính hiện nay là hệ thống phòng không.
Gần đây, Ngũ Giác Đài một lần nữa tuyên bố rằng Ukraina chỉ có thể sử dụng vũ khí của Mỹ trong lãnh thổ của mình.
Triều Tiên phóng nhiều hỏa tiễn đạn đạo khi Tổng thống Nga thăm Trung Quốc
Theo hãng tin Reuters hôm 17/5, Triều Tiên đã bắn một số hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn về phía biển ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.
Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, các hỏa tiễn được bắn từ thành phố Wonsan ở bờ biển phía đông, trong khi đài truyền hình NHK của Nhật Bản cho biết hỏa tiễn tầm ngắn đã rơi.
Trong những tháng gần đây, Triều Tiên đã phóng hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình cũng như hỏa tiễn chiến thuật như một phần của chương trình hiện đại hóa năng lực quân sự.
Trước đó, người chị quyền lực của nhà độc tài Triều Tiên Kim Yo Jong cho biết, vũ khí chiến thuật chỉ nhằm mục đích ngăn chặn Hàn Quốc, đồng thời phủ nhận việc Bình Nhưỡng xuất khẩu vũ khí.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên gửi vũ khí tới Nga để giúp Matxcova bổ sung nguồn cung cấp cho cuộc chiến xâm lược Kyiv. Matxcova và Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc này.
Vụ phóng hỏa tiễn trùng hợp với chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thành phố Cáp Nhĩ Tân ở phía đông bắc Trung Quốc.
Ông Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ trích Washington và các đồng minh của họ về điều mà các nhà lãnh đạo gọi là “sự đe dọa quân sự” đối với Triều Tiên tại cuộc gặp ở Bắc Kinh.
Bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu vũ khí, nhiều bức ảnh vệ tinh do các nhóm nghiên cứu và chính phủ Mỹ công bố chỉ ra rằng, dòng vũ khí từ Triều Tiên sang Nga rồi đến các kho đạn dược gần biên giới với Ukraina.
Ngày 16/5, Mỹ công bố các lệnh trừng phạt mới đối với hoạt động buôn bán vũ khí nhằm hỗ trợ cuộc xâm lược Ukraina của Nga. Tuyên bố của Bộ Tài chính nêu rõ Nga đã sử dụng hơn 40 hỏa tiễn đạn đạo và các loại đạn dược khác trong chiến tranh, trái với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Đại diện cấp cao EU Josep Borrell: EU sẽ không công nhận Đài Loan
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết EU cần kiên quyết đảm bảo rằng một cuộc xung đột quân sự không nổ ra ở Đài Loan, nơi mà họ coi là một phần của “Trung Quốc duy nhất”.
Căng thẳng xung quanh hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh coi là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, ngày càng gia tăng khi Mỹ duy trì mối quan hệ không chính thức với chính phủ Đài Loan và cung cấp vũ khí phòng thủ cho nước này.
Phát biểu với tạp chí Foreign Policy trong chuyến đi tới California để gặp gỡ các nhà lãnh đạo công nghệ và quan chức nhà nước, ông Borrell đã đề cập đến một số vấn đề, bao gồm quy định công nghệ, quan hệ EU-Mỹ, vấn đề Trung Quốc, xung đột địa chính trị, cũng như quan điểm của EU về Đài Loan và khả năng xảy ra xung đột quân sự.
Ông Borrell nói với Foreign Policy: “Chúng tôi vẫn nói cùng một điều: Chúng tôi tin rằng chúng tôi phải giảm căng thẳng, chúng tôi phải tôn trọng quy chế chiến tranh và chúng tôi phải loại trừ mọi khả năng sử dụng giải pháp quân sự cho vấn đề này”.
“Lập trường cố định của chúng tôi là chúng tôi không công nhận tư cách quốc gia của Đài Loan và chúng tôi sẽ không làm điều đó. Đó là một Trung Quốc duy nhất. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ không công nhận tư cách quốc gia của Đài Loan; chúng tôi sẽ có quan hệ kinh tế và văn hóa với lãnh thổ này mà không cần công nhận tư cách nhà nước”, ông Borrell nói.
Ông nói thêm rằng EU kêu gọi tất cả các quốc gia “hiểu rằng không có giải pháp quân sự nào cho vấn đề này”.
Ông Borrell đã nhiều lần tuyên bố rằng Đài Loan “hoàn toàn quan trọng” đối với nền kinh tế EU, đặc biệt do vai trò chiến lược của Đài Loan trong việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất.
Vào tháng 4 năm 2023, ông đề nghị hải quân châu Âu nên tuần tra eo biển Đài Loan đang tranh chấp “để thể hiện cam kết của châu Âu đối với quyền tự do hàng hải”. Những bình luận trên được đưa ra sau các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan. Bắc Kinh đã tiến hành mô phỏng tấn công có mục tiêu và phong tỏa hòn đảo sau cuộc gặp giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ vào thời điểm đó, Kevin McCarthy.
Đài Loan là nơi ẩn náu của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa trong cuộc nội chiến Trung Quốc những năm 1940, từ đó hòn đảo vẫn độc lập khỏi Bắc Kinh và liên minh với Washington.
Theo chính sách “Một Trung Quốc” – chính sách tạo nên cốt lõi của mối quan hệ giữa chính phủ Trung Quốc với Đài Loan, Bắc Kinh tìm cách tái hòa bình hòn đảo này và ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm tuyên bố đây là một quốc gia có chủ quyền, đe dọa sử dụng vũ lực nếu cần thiết.
Bắc Kinh nhấn mạnh rằng tình trạng của Đài Loan là vấn đề nội bộ và kêu gọi các chính phủ nước ngoài không can thiệp. Các quan chức Trung Quốc đã chỉ trích Washington vì liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ Đài Loan và ký kết các hợp đồng quốc phòng với quân đội hòn đảo này.
Tháng trước, Hoa Kỳ đã phê duyệt gói viện trợ nước ngoài trị giá hàng tỷ USD, trong đó hơn 8 tỷ USD được dành cho Đài Loan để “chống lại Trung Quốc cộng sản và đảm bảo khả năng răn đe mạnh mẽ trong khu vực”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét