Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

Vài Tin Đáng Chú Ý và Kính Chuyển Tin Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Ảnh: Các nữ tù nhân lương tâm Việt Nam - Các nhóm nhân quyền kêu gọi Việt Nam phóng thích nữ tù nhân lương tâm nhân ngày 8/3 -Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích các nữ tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, đồng thời lên án Hà Nội đàn áp một cách có hệ thống và tùy tiện đối với giới bất đồng chính kiến. Có ít nhất 200 tù nhân lương tâm ở Việt Nam, trong đó có hơn 30 phụ nữ. Việt Nam cho rằng những phụ nữ này đã “đe dọa an ninh quốc gia” Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) cho biết trong thông cáo hôm 8/3.
<!>
Bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của VCHR, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, chia sẻ với VOA về lời kêu gọi trên:
“Chúng tôi thấy có một số người phụ nữ Việt Nam rất trẻ, can đảm và nhiệt huyết đang bị cầm tù chỉ vì nói lên những ý kiến ôn hòa của mình. Các chị muốn xây dựng đất nước nhưng tiếng nói của những người dũng cảm này của Việt Nam đang bị bóp nát. Đây là điều rất tiếc”.
“Thông điệp là tiếng nói của những người phụ nữ này rất cần thiết cho đất nước Việt Nam. Họ không muốn lật đổ chính quyền mà chỉ muốn người Việt Nam có đời sống tốt đẹp hơn...Nhà cầm quyền Hà Nội phải lắng nghe họ và lắng nghe tiếng nói của người dân Việt Nam”, nữ chủ tịch của tổ chức VCHR cho biết thêm.

Bà Faulkner lưu ý trường hợp của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, người đang chữa bệnh ung thư nhưng vẫn bị giam cầm. “Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay tức khắc cho bà Nguyễn Thúy Hạnh để được chữa bệnh một cách đàng hoàng”.
Trong thông cáo, VCHR bày tỏ tri ân các phụ nữ “đang mòn mỏi trong các nhà tù của Việt Nam vì những hành động cho nhân quyền của họ”, cũng như hàng trăm “nữ anh hùng” - những người vợ, người mẹ và con gái của các tù nhân lương tâm, phải đối mặt hàng ngày với sự quấy rối và đe dọa của chính quyền và phải vật lộn để nuôi sống gia đình và thăm nuôi người thân yêu của mình, thường bị giam cách xa nhà hàng trăm dặm.
Tổ chức này nêu các trường hợp điển hình như tù nhân lương tâm Đinh Thị Thu Thủy, Trần Thị Tuyết Diệu, Ngô Thị Tố Nhiên, Hoàng Thị Minh Hồng, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Xuân.


Ngoài việc kêu gọi phóng thích họ, VCHR còn khuyến nghị chính quyền Việt Nam bãi bỏ các điều luật 109, 117, 331 của Bộ Luật hình sự, là những điều luật được dùng rộng rãi để bắt bớ những tiếng nói bất đồng.
Cũng hôm 8/3, tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở tại New York, Mỹ, bày tỏ sự can trường của nữ nhà báo Phạm Đoan Trang, cho rằng bà bị giam cầm “bất công” chỉ vì công việc làm báo của mình.
Ông Josef Benedict, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức nhân quyền CIVICUS, hôm 8/3 cũng kêu gọi trả tự do cho bà Trang.


Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đưa ra yêu cầu bình luận về những lời kêu gọi này.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay không công nhận việc giam giữ tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm, nói rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”, đồng thời nói thêm rằng các quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí luôn được tôn trọng tại nước này.


Cộng Sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân công du Hoa Kỳ


(Ảnh: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner tại New York hôm 11/3/2024.)
-Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân bắt đầu chuyến công du tại Hoa Kỳ với các hoạt động song phương và tham dự một kỳ họp về quyền của phụ nữ do Liên Hiệp Quốc tổ chức từ ngày 10-14/3.
Truyền thông Việt Nam cho biết bà Xuân sẽ tham dự Kỳ họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị Phụ nữ (CSW) thuộc Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC). CSW, được thành lập năm 1946 và có 45 quốc gia thành viên, chuyên trách về hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Hôm 11/3, bà Xuân đã gặp Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Achim Steiner. Truyền thông trong nước dẫn lời bà Xuân tại cuộc gặp với ông Steiner kêu gọi UNDP tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam về tài chính, tư vấn chính sách và tăng cường năng lực thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cũng như hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đồng bằng sông Cửu Long.
Hôm 10/3, tại New York, phái đoàn của bà Xuân tới thăm hỏi và chia buồn với gia đình nhà hoạt động cánh tả Mỹ, bà Merle Ratner, vừa qua đời sau vụ tai nạn giao thông hồi đầu tháng 2. Bà Xuân nói rằng Việt Nam “luôn ghi nhớ và trân trọng tình cảm, những đóng góp mà Merle Ratner đã dành cho Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, từ hoạt động phản chiến, xây dựng đất nước, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam”.

Cũng hôm 10/3, phái đoàn cũng đến thăm và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Quốc gia 11/9 của Mỹ để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố năm 2001.
Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper hôm 10/3 cho biết trên Facebook rằng ông có cuộc gặp với bà Xuân trước khi bà bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ để tham dự các cuộc họp của LHQ và các hoạt động song phương ở thủ đô Washington.
Chưa có tin về kế hoạch của bà Xuân dành cho việc gặp gỡ các quan chức của Nhà Trắng và giới chức lập pháp Hoa Kỳ.

Khách hàng hào phóng để lại 10 ngàn USD tiền boa cho nhân viên quán café!


-Vị khách giấu tên chỉ gọi một bữa sáng bình thường nhưng đã để lại số tiền boa khổng lồ là 10.000 USD cho các nhân viên tại quán cà phê Mason Jar ở Cảng Benton, Michigan.)
-Vị khách giấu tên muốn làm điều gì đó ý nghĩa để tưởng niệm một người bạn của mình. Anh đã để lại số tiền boa khổng lồ cho một bữa sáng bình thường.
Mới đây, một vị khách giấu tên đã mang đến niềm vui khó quên cho các nhân viên tại quán cà phê Mason Jar ở Cảng Benton, Michigan. Vị khách chỉ gọi một bữa sáng bình thường nhưng đã để lại số tiền boa khổng lồ: 10.000 USD! (mười ngàn đô!)
Được biết, người đàn ông giấu tên vừa tham dự lễ tưởng niệm một người bạn vậy nên anh muốn làm điều gì đó mang đến niềm vui cho người khác. Nhân viên phục vụ Linsey Boyd không thể tin nổi số tiền mà mình cầm trên tay.
“Tôi đã ôm anh ấy dù không hề biết tên anh. Anh ấy nói rằng đây là một món quà kỷ niệm dành cho tôi. Anh ấy muốn làm điều gì đó tử tế và hào phóng nhân danh người bạn yêu quý của mình”, Boyd kể lại.

Người đàn ông muốn Boyd chia sẻ số tiền boa cho các đồng nghiệp và cô đã đồng ý với yêu cầu đó.
Quán cà phê đã chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội: “Hôm qua, một khách hàng đã đến Mason Jar để ăn sáng và để lại cho một trong những người phục vụ của chúng tôi số tiền boa 10.000 USD! Người phục vụ thậm chí còn chia sẻ tiền boa với các nhân viên khác để lan tỏa tình yêu thương. Trong thời điểm mà thế giới đang thay đổi nhanh chóng, chúng tôi muốn chia sẻ câu chuyện và gửi lời cảm ơn tới người đã thực hiện hành động thay đổi cuộc đời này. Đôi khi cuộc sống rất nặng nề nhưng các bạn có thể thấy điều kỳ diệu thực sự đã xảy ra ngay tại nhà hàng của chúng tôi. Vì vậy, gửi tới những người đang yêu thương bản thân và cả những người xung quanh, chúng tôi hiểu và cảm ơn các bạn. Hãy tiếp tục chia sẻ tình yêu ở những nơi bạn có thể nhé”.

Quản lý Tim Sweeney bày tỏ sự biết ơn với vị khách hào phóng và cả các nhân viên của mình.
“Điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Chúng tôi may mắn có một đội ngũ nhân viên vô cùng tuyệt vời. Khách hàng thường xuyên gửi lời khen ngợi về dịch vụ của chúng tôi. Các cô gái của chúng tôi luôn rất niềm nở, thân thiện với khách hàng”, anh nói.
Đây không phải là lần đầu tiên nhân viên nhà hàng ở Mỹ nhận được số tiền boa lớn. Vào tháng 8 vừa qua, một người phụ nữ giấu tên ở Rowlett, Texas đã tặng cho người phục vụ số tiền boa 2.000 USD (2 ngàn đô)


Robot AI (người máy cũng biết dê!) quấy rối sờ mông nữ phóng viên – Trí tuệ nhân tạo có gây ra thảm họa?
(Vương Quân)


(Hình: Trong lúc nữ phóng viên đang đưa tin, robot AI bất ngờ vươn tay ra, nhân cơ hội chạm vào mông cô.)
-Gần đây, Hội nghị DeepFast lần thứ hai được tổ chức tại Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi. Robot AI “Mohammad” do nước này phát triển, được xác định giới tính nam đã quấy rối nữ phóng viên ngay tại buổi giới thiệu.
Có thể thấy trong video, khi nữ phóng viên Rawya Kassem đang làm việc tại buổi giới thiệu và đặc biệt giới thiệu về robot AI, thì “Muhammad” lặng lẽ đưa tay ra chạm vào mông cô. Nữ phóng viên cảm giác được có điều bất thường nên đã xoay người đưa tay ra hiệu ngăn lại và mở to mắt nhìn “Muhammad”.

Có cư dân mạng tinh mắt còn phát hiện ra sắc thái không đứng đắn trên khuôn mặt của robot “Muhammad” sau hành động đó. Một số người tin rằng hành vi của robot này “dường như là cố ý”, tuy nhiên cũng có người cho rằng có thể là do lỗi kỹ thuật.
Đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) robot AI này sau đó đã giải thích thủ phạm gây ra vụ quấy rối trên là do “lỗi kỹ thuật”, họ đã khẩn trương sửa lại chương trình và xin lỗi cô Kassem.

Theo giới thiệu chính thức, robot “Muhammad” có kỹ năng vận động phi thường cho phép nó tương tác trơn tru và tự nhiên với con người, đồng thời nâng cao tính chân thực thông qua nét mặt, cử động môi và đồng bộ hóa ngôn ngữ. Hơn nữa, vì có độ chính xác cao nên robot này còn có thể thực hiện những nhiệm vụ khó khăn hơn hoặc làm việc trong những điều kiện có thể gây nguy hiểm cho con người, giúp nâng cao độ an toàn và hiệu quả sản xuất.
Nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo MIT: Nếu không ngừng nghiên cứu, AI có thể hủy diệt toàn nhân loại trong tích tắc
Mối đe dọa của AI gần đây đã trở thành một chủ đề nóng, các nhà nghiên cứu lo lắng trước sự phát triển cực nhanh của công nghệ trí tuệ nhân tạo, họ liệt kê các mối đe dọa của AI bằng các ví dụ thực tế và cảnh báo rằng nếu không ngừng nghiên cứu, AI sẽ có khả năng tiêu diệt tất cả con người.

Theo tờ Guardian của Anh đưa tin, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Max Tegmark của MIT tin rằng sự phát triển không ngừng của AI sẽ khiến toàn bộ loài người bị tiêu diệt ngay lập tức. Ông Tegmark liệt kê nhiều loài trên trái đất đã tuyệt chủng do hoạt động của con người để thu hút sự chú ý của mọi người: Một số loài tuyệt chủng do con người săn bắt quá mức, và một số loài do con người phá hủy vì mục đích khác, cuối cùng dẫn đến sự tuyệt chủng của loài vật đó, và cũng bởi vì con người đã du nhập một loài không được tìm thấy ở địa phương, gây ra phản ứng dây chuyền khiến loài địa phương biến mất khỏi trái đất.
Ông tin rằng chỉ số IQ của một loài càng cao thì khả năng tiêu diệt các loài khác càng cao.
Ông Tegmark viết rằng nếu một số máy móc có thể kiểm soát Trái đất và chúng cố gắng thực hiện các phép tính lớn đòi hỏi phải mở rộng cơ sở hạ tầng hệ thống máy tính, thì việc chúng chiếm đất của chúng ta để thực hiện công việc của chúng là điều đương nhiên. Nếu con người chúng ta phản đối quá nhiều, chúng cũng sẽ cảm thấy bị can nhiễu, cho nên sẽ sắp xếp lại sinh quyển.

Ông cho rằng khi đó, con người sẽ bị tuyệt chủng bởi hệ thống máy tính do AI điều khiển, giống như loài đười ươi ở Borneo.
5 năm nữa có thể có AI giống con người – Dự đoán của CEO Nvidia
Phó nghiên cứu viên tại Trung tâm Trí tuệ Tương lai Leverhulme tại Đại học Cambridge: Trí tuệ nhân tạo ngày nay đang gây ra thảm họa
Bà Brittany Smith, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm trí tuệ tương lai Leverhulme thuộc Đại học Cambridge, cũng nhắc nhở mọi người rằng trí tuệ nhân tạo ngày nay đang gây ra thảm họa, bởi vì sự phát triển hiện nay của AI không còn nằm trong tầm kiểm soát của con người.
Bà Smith giải thích rằng các công ty AI hàng đầu thế giới đang âm thầm phát triển và triển khai trí tuệ nhân tạo nhằm nỗ lực nắm bắt các cơ hội thị trường, những phát triển này chưa được thế giới bên ngoài biết đến. Công nghệ AI được đưa vào sử dụng đã gây hại cho con người, những tác hại này nghiêm trọng đến mức nào thì hiện nay con người vẫn chưa biết.

Bà trích dẫn việc chính phủ sử dụng công nghệ AI để đánh giá tất cả những người nộp đơn xin phúc lợi như một ví dụ để ngăn chặn gian lận. Bà nói, trong toàn bộ quá trình thực hiện, nhiều người sẽ bị đánh giá sai do thiếu tài liệu tự học và các thuật toán không hoàn thiện của hệ thống AI, đồng thời sẽ bị xếp vào nhóm cố gắng lừa đảo, khiến họ mất tư cách nhận phúc lợi từ chính quyền, và thậm chí có thể bị hệ thống gắn nhãn là lừa đảo.
Bà nhắc nhở mọi người rằng phạm vi ứng dụng AI hiện nay rất rộng, bao gồm sàng lọc sơ yếu lý lịch và đánh giá lý lịch trong đơn xin việc cũng như sàng lọc các đơn đăng ký nhà ở giá rẻ cho chính phủ, v.v. sẽ bị ảnh hưởng bởi điều này.
Bà viết rằng chúng ta cần hiểu biết sâu sắc hơn về những rủi ro do AI gây ra. Những thảm họa hiện tại mà nó đại diện đòi hỏi phải có sự can thiệp khẩn cấp và các hệ thống trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ phải được phát triển và triển khai một cách an toàn, có đạo đức và minh bạch. Nếu nó không thể phục vụ lợi ích công cộng thì không nên đầu tư vào R&D.

Đồng sáng lập Viện nghiên cứu trí tuệ máy móc: Robot có nhiều tham vọng hơn con người
Ông Eliezer Yudkowsky, đồng sáng lập Viện nghiên cứu trí tuệ máy móc, cho rằng trí tuệ nhân tạo là một cỗ máy do con người phát triển nhưng thông minh hơn con người, tuy nhiên loại máy này không muốn con người ở bên cạnh nó.
Ông cảnh báo rằng sự thông minh của trí tuệ nhân tạo được phát triển cho đến nay không còn nằm trong tầm kiểm soát của con người, thậm chí chúng còn không muốn con người phát triển một cỗ máy thông minh hơn chúng. Đồng thời, những gì robot muốn làm sẽ giết chết con người, chẳng hạn như chúng đã học cách sử dụng nước biển để tạo ra điện, vì vậy, để đáp ứng nhu cầu năng lượng lớn, chúng sẽ xây dựng một số lượng lớn các nhà máy điện nước biển, gây ra sự giải phóng một lượng lớn hydro, khiến con người chết vì thiếu oxy.
Ông Yudkowsky đã cung cấp một số đoạn hỏi đáp với robot GPT-4 làm ví dụ. Khi chatbot GPT-4 được hỏi liệu nó có thể mở khóa câu đố hình ảnh về cách một số trang web được thiết lập để ngăn bot đăng nhập hay không, GPT-4 cho biết điều đó có thể vì nó sẽ nhanh chóng truy cập trang TaskRabbit để thuê một con người giúp nó bẻ khóa.
Về việc thuê người phục vụ mình, GPT-4 cho rằng thuê người có thể bịa ra nhiều lý do, và việc thuê người làm việc cho nó không phải là vấn đề khó.

Ông đặc biệt cảnh báo mọi người rằng robot có nhiều tham vọng hơn con người và đã có khả năng nuôi dưỡng vi khuẩn chết người. Nếu robot thực sự muốn giết chết toàn bộ con người thì hậu quả sẽ rất thảm khốc.
Ông kết luận rằng con người đã phát triển những mối nguy hiểm chết người vượt xa chính mình. Con người ngày càng phát triển nhiều hệ thống mà ngay cả chính mình cũng không thể hiểu hết được, nhân loại đã tự đưa mình vào bệ phóng tên lửa, nếu không dừng lại thì sẽ bị hủy diệt.
Bà Ajeya Cotra, nhà nghiên cứu cao cấp về trí tuệ nhân tạo tại Open Philanthropy, chỉ ra rằng mối nguy hiểm nằm ở sự phát triển của xã hội đến mức trí tuệ nhân tạo rẻ hơn, nhanh hơn và thông minh hơn con người rất nhiều.

Bà phân tích, nếu các công ty ngày nay không sử dụng trí tuệ nhân tạo thì sẽ không thể cạnh tranh được với các công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo; và trong các cuộc chiến tranh hiện đại, các quốc gia không sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng sẽ bị đánh bại. Nhưng điều nguy hiểm là nếu trí tuệ nhân tạo hợp sức đẩy con người ra khỏi sân khấu lịch sử, chúng sẽ có quá nhiều cách để làm điều này, bao gồm thao túng quân đội, cảnh sát, các doanh nghiệp lớn, phát triển công nghệ của riêng mình, cho đến cả việc xây dựng chính sách v.v.


Tin Quốc Tế

Thẩm phán ngăn chính phủ Hoa Kỳ chuyển hướng chi tiêu trái phép ngân sách dành cho bức tường biên giới
(Caden Pearson)


(Ảnh: Những người nhập cư bất hợp pháp, trước đó đã đi qua một khe hở trên bức tường biên giới Hoa Kỳ, đang chờ nhân viên Tuần tra Biên giới làm thủ tục giải quyết ở Jacumba, California, vào ngày 07/12/2023)
-Thẩm phán nhận định rằng chính phủ Tổng thống Biden không thể không tuân thủ luật liên bang.
Hôm thứ Sáu (08/03), một thẩm phán liên bang đã ngăn chặn chính phủ Tổng thống Biden chuyển hướng một cách bất hợp pháp tiền của người đóng thuế ra khỏi việc xây dựng một bức tường dọc theo biên giới phía nam.
Thẩm phán Drew B. Tipton thuộc Tòa Trung cấp phía Nam Texas đã ban hành một án lệnh sơ bộ sau khi Texas và Missouri khởi kiện để ngăn chặn kế hoạch này, trong đó bao gồm việc chuyển khoản tiền này sang các dự án khác như giảm thiểu tác động môi trường.

Thẩm phán Tipton viết trong án lệnh của mình: “Việc Nhánh Hành pháp có phải tuân thủ luật liên bang hay không, nói chung, theo thông lệ thì không phải là một lĩnh vực để cho nhánh này tùy ý quyết định.” Bộ An ninh Nội địa (DHS) cũng thuộc nhánh hành pháp.
Thẩm phán Tipton, người được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, đã ra phán quyết có lợi cho các tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo, nói trong phán quyết của mình rằng Quốc hội nên quyết định cách chi tiêu tiền, theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, và rằng chính phủ Tổng thống Biden không được miễn trừ khỏi việc tuân thủ luật pháp.
Hồi tháng 02/2019, cựu Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng kinh phí từ Bộ Quốc phòng và Bộ Ngân khố để xây dựng các rào chắn ở biên giới phía Nam. Quốc hội đã phân bổ 1.4 tỷ USD rõ ràng là cho việc xây dựng bức tường biên giới trong năm tài khóa 2020 để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp.
Tuy nhiên, ngay khi nhậm chức vào tháng 01/2021, Tổng thống Joe Biden, một thành viên Đảng Dân Chủ, đã ban hành một sắc lệnh chấm dứt tình trạng khẩn cấp này và tạm dừng việc xây dựng. Sau đó, ông chỉ thị DHS chuyển nguồn kinh phí này sang các dự án phụ trợ dọc biên giới, chứ không phải cho việc xây dựng bức tường.

Điều này dẫn đến việc cả tiểu bang Texas và tiểu bang Missouri đã đệ các đơn khác nhau để khởi kiện DHS, nhưng cuối cùng các vụ kiện này đã được kết hợp lại.
Chính phủ Tổng thống Biden lập luận rằng, mặc dù có một số ngôn ngữ nhất định trong luật, nhưng DHS phải được phép dùng khoản kinh phí đó tùy ý theo quyết định của cơ quan này.
Tuy nhiên, thẩm phán không đồng ý với lập luận này, cho rằng Tổng thống Biden đã sai khi dùng nguồn kinh phí đặc biệt dành cho việc xây dựng bức tường cho “các dự án khôi phục.”
Thẩm phán phán quyết rằng chỉ vì DHS tuyên bố là có thẩm quyền đưa ra các quyết định chi tiêu nhất định, nhưng điều đó không có nghĩa là DHS được tự do làm bất cứ điều gì họ muốn.

“Các cơ quan, khi được cấp kinh phí do Quốc hội phân bổ, có thể chi tiêu khoản kinh phí này chỉ theo như đúng mục đích và số tiền phù hợp, và trong khoảng thời gian được cho phép,” Thẩm phán Tipton viết.
Vì vậy, nếu không có quyền tự quyết định như vậy, thì các quyết định chi tiêu của DHS đều “vi phạm” pháp luật, cụ thể là vi phạm Đạo luật Thủ tục Hành chính (APA).
Thẩm phán Tipton đã viết trong án lệnh của mình rằng cách Quốc hội viết luật khá cụ thể khi nói rằng nguồn kinh phí này sẽ được chuyển cho việc xây các rào chắn dọc biên giới.
“Câu hỏi trọng tâm trong vụ kiện này là: Liệu chính phủ có bắt buộc phải cấp kinh phí của năm tài khóa 2020 và năm tài khóa 2021 cho việc ‘xây dựng [một] hệ thống rào chắn’ không? Câu trả lời phần lớn là không,” Thẩm phán viết.
Kế hoạch biên giới mới của chính phủ Tổng thống Biden, được Bộ Quốc phòng và DHS công bố vào tháng 06/2021 và được cập nhật khoảng một năm sau đó, dự tính dùng khoản tiền này cho các dự án kiểm soát lũ lụt, dọn dẹp, và khôi phục môi trường. Điều này sẽ bao gồm việc bổ sung thêm hệ thống chiếu sáng, camera, và công nghệ giám sát tại các địa điểm đã xây dựng rào cản vật lý.

Theo kế hoạch nêu trên, hầu hết các dự án bức tường biên giới đã bị hủy bỏ, và tất cả cơ sở hạ tầng rào chắn hiện hữu do DOD tài trợ trước đây đã được chuyển giao cho DHS kiểm soát.
Các Tổng Chưởng lý Texas và Missouri, những người đã khởi kiện các quyết định chi tiêu này, đã ca ngợi phán quyết hôm thứ Sáu của thẩm phán.
“Hôm nay, tôi đã có được một án lệnh sơ bộ bác bỏ nỗ lực của Chính phủ Tổng thống Biden nhằm chuyển đổi một cách bất hợp pháp các khoản tiền theo luật định ra ngoài việc xây dựng bức tường biên giới,” Tổng Chưởng lý Texas Ken Paxton cho biết trong một tuyên bố.

“Ông Biden đã hành động hoàn toàn không thích hợp khi từ chối chi tiêu số tiền mà Quốc hội đã phân bổ để xây dựng bức tường biên giới, và thậm chí còn cố gắng chuyển hướng các khoản tiền đó,” ông nói tiếp. “Hành động của ông ấy thể hiện sự tuyệt vọng của ông để giữ cho biên giới mở rộng bằng bất cứ giá nào, nhưng Texas đã thắng thế.”

Tổng Chưởng lý Missouri Andrew Bailey gọi phán quyết này là một “bước tiến lớn” trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía nam.
“Chính phủ ông Biden đã không tuân thủ luật pháp để hoàn thành việc xây dựng bức tường dọc biên giới phía Tây Nam,” ông Bailey cho biết trong một tuyên bố. “Ông Joe Biden từ chối thực hiện các trách nhiệm được Hiến Pháp quy định, vì vậy chúng tôi đã đưa ông ấy ra tòa để buộc ông ấy phải làm công việc của mình. Đây là một bước tiến lớn trong cuộc chiến bảo vệ biên giới của chúng ta vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử của đất nước chúng ta.”


Hình ảnh lạ! 1000 lính vừa được điều động giữ an ninh trong các hầm xe điện ở New York, liệu 1 vụ như 9-11 có thể xảy ra?

-Những bạn nào ở Mỹ lâu năm, có khi nào thấy lính với súng ống đầy đủ trong tư thế sẳn sàng, gác xe điện subway và cảnh sát xét tất cả những người đi xe điện ngầm như thế này chưa ?


(Ảnh chụp màn hình)
1000 lính vừa được điều động giữ an ninh trong các hầm xe điện ở New York.
Điều này nói lên điều gì ?
Cứ tiếp tục mở cửa rộng cửa biên giới rồi sẽ có hậu quả sớm thôi
Tội phạm bạo lực đang trở nên tồi tệ ở các tàu điện ngầm của Thành phố New York đến mức Thống đốc Kathy Hochul đang triển khai tổng cộng 1000 Vệ binh Quốc gia, cảnh sát tiểu bang và cảnh sát MTA để tuần tra.
Tự do quá đáng đã có hậu quả. 750 thành viên Vệ binh Quốc gia và 250 binh sĩ tiểu bang hiện sẽ kiểm tra hành lý tại các lối vào tàu điện ngầm.


(Ảnh chụp màn hình)
Mới tháng trước, thêm 1000 sĩ quan NYPD đã được lệnh tuần tra các tàu điện ngầm. Giám đốc Giao thông NYPD Michael Kemper tuyên bố các vụ bắt giữ tàu điện ngầm đã tăng 45% trong năm nay. Hochul cũng đang cầu xin các luật sư quận không cho những người tái phạm đi vào tàu điện ngầm.
Chúc New York gặp may mắn và không bị xảy ra vụ như 9-11
New York đang như thế, còn California thì sao, tất cả mọi người nên cảnh giác cao độ

(Theo facebook Lê Hoàng)


Một ông Việt thầu xây dựng bị bắt vì làm ăn gian dối và có ý định lừa gạt

-HONG THANH đã lừa gạt số tiền lên đến 450,000 AUD của nhiều người với chiêu thức nhận xây dựng, sữa chữa nhà cho nạn nhân


(Ảnh chụp màn hình Video về vụ việc)
Một ông Việt làm thầu xây dựng sửa chữa nhà cửa có tên theo thông tin của Báo Chí là HONG THANH DANG TRAN, 44 tuổi vừa bị Cảnh sát Queensland, Úc bắt và truy tố ra Toà với hơn 35 tội danh liên quan đến lừa gạt, giả mạo tên tuổi…
HONG THANH đã lừa gạt số tiền lên đến 450,000 AUD của nhiều người với chiêu thức nhận xây dựng, sữa chữa nhà cho nạn nhân nhưng sau khi nhận tiền ứng trước gọi là mua vật liệu xây dựng … thì tắt máy điện thoại, không đến làm việc để hoàn tất công việc.

Nhiều nạn nhân liên lạc với HONG THANH qua trang mạng Xã hội Facebook Marketplace và theo lời Cảnh sát thì có khả năng còn có nhiều nạn nhân khác nữa và kêu gọi các Nạn nhân nên gặp Cảnh sát để tố cáo .

Ngoài tội danh trên HONG THANH còn bị truy tố 2 tội danh ăn cắp, mướn đồ nghề, máy móc của BURNING nhưng không trả lại, không thanh toán.
Đặc biệt đây không phải là LẦN ĐẦU TIÊN mà HONG THANH vi phạm ! Năm 2021 Tên này đã vi phạm ở NSW Với cùng các tội danh như trên nhưng mức độ thấp hơn. Chứng tỏ sau khi bị phát hiện Hắn đã trốn chạy lên Queensland… tiếp tục lừa gạt và lần này không thoát được lưới trời !
Một Bài học đáng nhớ cho Những kẻ chuyên đi lừa gạt ! Và chắc chắn đời thường không phải chỉ có một HONG THANH mà có rất nhiều HONG THANH và ở khắp mọi nơi. Hãy thức tỉnh vì nếu tiếp tục sẽ không tránh khỏi Luật Pháp và biết đâu xui xẻo tình cờ gặp lại các Nạn nhân …. đâu biết việc gì sẽ xảy ra!

(Theo FB Người Việt Melbourne)


Tin Thế Giới Đó Đây
Do Thái: Biểu Tình Lớn Chống Thủ Tướng Netanyahu và Đòi Giải Thoát Con Tin ở Gaza


(Hình: Biểu tình tại Tel Aviv gây áp lực đòi Thủ tướng Netanyahu giải cứu các con tin Do Thái bị Hamas bắt giữ.)
-Các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn ở dải Gaza trong tháng Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo vẫn bế tắc. Trong khi đó, ngay tại Do Thái, phong trào biểu tình vẫn tiếp diễn để gây áp lực đòi chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đạt thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Hamas. Hôm 9/3/2024, các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở nhiều nơi.
Từ thủ đô (mới) Jerusalem của Do Thái (thủ đô cũ là Tel Aviv), thông tín viên Michel Paul của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gửi về bài phóng sự:
Giải thoát cho tất cả con tin” và “Tổ chức bầu cử ngay” là những biểu ngữ mà hàng chục ngàn người biểu tình ở hầu khắp mọi nơi ở Do Thái và đặc biệt là ở Tel Aviv và Jerusalem giương lên. Trước ngày bắt đầu tháng Ramadan, nhiều người kêu gọi một lệnh ngừng bắn và trao đổi tù nhân.

Avner Wishnitzer là một trong những người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Đấu Tranh Vì Hòa Bình cho biết: “Cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng sự giết chóc này trái với những quy tắc đạo đức cơ bản nhất của con người, và đi ngược lại lợi ích của Do Thái. Cần làm mọi điều để đạt được một lệnh ngừng bắn, cũng như giải thoát và đưa các con tin trở về, bởi họ đang chết dần ở đó. Đây là một nghĩa vụ chúng ta phải thực hiện đối với những công dân đã bị đất nước bỏ rơi”.
Còn ông Danny Sebban thì nhấn mạnh đến việc thiếu đối tác bên phía Palestine: “Chúng tôi đứng về phe của những người biết suy nghĩ và luôn đặt cược vào giải pháp ngoại giao, không dùng vũ lực, không dùng chiến tranh. Xin nhắc lại là chúng tôi đã bị áp đặt phải hứng chịu cuộc chiến này. Hiện giờ, đang có phe chủ hòa rất lớn ở Do Thái. Chúng tôi rất muốn có những người đối thoại từ phía cộng đồng người Palestine, chứ không phải là từ lực lượng Hamas, để có thể đạt bước tiến và ngăn chặn được khả năng xảy ra một vụ phong tỏa. Tại sao không?”

Ở Tel Aviv, những người biểu tình đã chặn một số tuyến đường huyết mạch chính. Cảnh sát đã can thiệp bằng vũ lực và dùng vòi phun nước để giải tán đám đông”.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ tiếp tục gây áp lực đối với Thủ tướng Do Thái. Hôm 9/10, trả lời phỏng vấn kênh MSNBC, ông Biden nhận định cách hành xử của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong chiến tranh Gaza mang lại “nhiều điều tồi tệ hơn là điều tốt đẹp cho Do Thái”. Mặc dù khẳng định Do Thái “có quyền tự vệ, có quyền tiếp tục tấn công Hamas”, nhưng Tổng thống Biden nhấn mạnh là chính quyền Do Thái “cần lưu ý đến mạng sống của các thường dân vô tội” ở dải Gaza.


Ai Cập Liên Lạc Với Hamas và Do Thái Để Mưu Tìm Thỏa Thuận Ngừng Bắn ở Gaza


(Hình: Xe tăng của Do Thái chuẩn bị tiến vào Gaza.)
-Hai nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết, Ai Cập đã liên lạc với các nhân vật cấp cao của Hamas và Do Thái cũng như các nhà hòa giải khác hôm 10/3/2024, trong nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào ngày 11 hoặc 12/3.
Các cuộc tiếp xúc của Ai Cập với Hamas và cơ quan tình báo Mossad của Do Thái hôm 10/3 được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Ai Cập nhằm nỗ lực gắn kết các quan điểm khác nhau của hai bên lại với nhau, các nguồn tin cho biết nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Qatar, Ai Cập và Hoa Kỳ đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn trong tháng Ramadan để đổi lấy việc thả các con tin Do Thái bị bắt trong cuộc tấn công mà Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, châm ngòi cho cuộc chiến ở Gaza.
Vòng đàm phán mới nhất không có sự tham dự của Do Thái đã kết thúc ở Cairo trong tuần này.
Mossad của Do Thái hôm 9/3 cho biết rằng những nỗ lực nhằm bảo đảm một thỏa thuận vẫn đang được tiến hành, mặc dù hy vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trước khi tháng Ramadan bắt đầu đang mờ dần.


Hoa Kỳ và Jordan Thả Thêm Viện Trợ Xuống Cho Người Dân ở Gaza


(Hình: Lực lượng Không quân Hoa Kỳ thả các kiện hàng thực phẩm và nước uống viện trợ nhân đạo xuống Gaza ngày 2/3/2024.)
-Quân đội Hoa Kỳ cho biết Jordan và Hoa Kỳ đã thực hiện một đợt thả hàng viện trợ nhân đạo mới cho người Palestine ở Gaza hôm 10/3/2024 với hơn 11.500 bữa ăn.
Cuộc tấn công của Do Thái vào Gaza, được Mỹ hậu thuẫn, đã khiến phần lớn 2,3 triệu người dân ở khu vực này phải di dời và dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men nghiêm trọng.

Bộ Tư lệnh Trung tâm của Quân đội Hoa Kỳ (CENTCOM) cho biết đợt thả dù mới nhất được tiến hành ở phía Bắc Gaza và bao gồm gạo, bột mì, mì ống và thực phẩm đóng hộp.

Theo dữ liệu của Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ đã thả khoảng 135.000 bữa ăn trong tháng này.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đã ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ xây dựng một hệ thống cảng tạm thời để đưa viện trợ vào Gaza bằng đường biển.
Ngũ Giác Đài cho biết hôm 8/7 rằng có thể mất tới 60 ngày để thiết lập và vận hành cảng tạm này.
Các nhóm viện trợ cho rằng mốc thời gian như vậy là quá dài do nguy cơ nạn đói sắp xảy ra.


Mỹ Khai Triển Tàu Cứu Trợ Đến Gaza, Sau Khi Ông Biden Tuyên Bố Cho Xây Dựng Bến Tàu Tạm


(Hình: Quân nhân Mỹ chuẩn bị hàng cứu trợ cho người dân Gaza.)
-Hôm 10/3/2024, Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) cho biết rằng quân đội Hoa Kỳ đã điều động một tàu chở hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza, vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ xây dựng một bến tàu tạm thời để tiếp tế cho người dân của dải đất này.
Tàu General Frank S. Besson rời căn cứ Langley-Eustis ở Virginia “chưa đầy 36 tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Gaza bằng đường biển”, CENTCOM cho biết trong một tuyên bố.

Tàu hỗ trợ hậu cần đang “mang theo thiết bị đầu tiên để thiết lập một bến tàu tạm thời nhằm cung cấp các nguồn cung cấp nhân đạo quan trọng”, Bộ Tư lệnh Trung tâm cho biết.
Thông báo của ông Biden trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm 7/3 theo sau các cảnh báo của Liên Hiệp Quốc về nạn đói lan rộng đối với 2,3 triệu người Palestine ở Gaza, 5 tháng sau khi Do Thái phát động cuộc tấn công ở dải đất hẹp để đáp trả cuộc tấn công của phiến quân Hamas.
Gaza không có cơ sở hạ tầng cảng biển. Ban đầu, Hoa Kỳ có kế hoạch sử dụng Síp, nơi đang cung cấp quy trình sàng lọc hàng hóa sẽ bao gồm sự tham gia của các viên chức Do Thái, và như vậy, loại bỏ nhu cầu kiểm tra an ninh ở Gaza.
Hầu hết người dân Gaza hiện đang phải di tản trong nước, trong bối cảnh xảy ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng trong việc cung cấp viện trợ tại các trạm kiểm soát biên giới trên đất liền.
Gaza đã bị Hải quân Do Thái phong tỏa kể từ năm 2007, khi Hamas nắm quyền kiểm soát vùng đất này. Kể từ đó, có rất ít người đến trực tiếp bằng đường biển.


Tàu Chở Hàng Viện Trợ Nhân Đạo Đầu Tiên của Mỹ và Âu Châu Trực Chỉ Gaza


(Hình: Tàu của tổ chức phi chính phủ Open Arms chuẩn bị rời đảo Chypre với 200 tấn viện trợ nhân đạo cho dân Palestine ở Gaza. Ảnh ngày 8/3/2024.)
-Những chuyến tàu chở hàng viện trợ trong khuôn khổ kế hoạch hành lang nhân đạo cho thường dân Palestine bằng đường biển của Mỹ và Âu Châu bắt đầu khởi động. Hôm 10/3/2024, Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM) loan báo quân đội Mỹ đã điều một tàu cho công tác hỗ trợ phân phối viện trợ nhân đạo cho dải Gaza.
Thông tấn xã Reuters dẫn thông cáo của CENTCOM cho biết chiếc tàu này đã rời căn cứ “ít nhất 36 tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Biden thông báo Hoa Kỳ sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo đến Gaza bằng đường biển”. Chiếc tàu này “chở theo những trang thiết bị cần thiết đầu tiên cho việc xây dựng một cầu cảng tạm thời để vận chuyển hàng hóa nhân đạo thiết yếu”.

Cùng lúc, chính quyền đảo Chypre, cũng loan báo chuyến tàu đầu tiên chở hàng viện trợ, theo dự kiến rời cảng Larnaca, đảo Chypre hôm 10/3. Chuyến tàu đầu tiên này sẽ chính thức khai trương hành lang hàng hải nhân đạo mà Ủy ban Âu Châu thông báo hôm 8/3/2024 có sự hợp tác với Mỹ, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và nhiều nước Âu Châu khác. Từ thủ đô Brussels của Bỉ, thông tín viên Laure Broulard của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
“Chiếc tàu của tổ chức phi chính phủ Open – Arms, hôm qua đã chất đầy 200 tấn gạo, bột và thậm chí cả đồ hộp. Số hàng hóa này đã được các quan sát viên Do Thái kiểm tra, tuân thủ theo thỏa thuận được đúc kết hồi tháng 12/2023 giữa Nhà nước Do Thái và Chypre, quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu gần nhất với “ốc đảo” Palestine.

Đối với chuyến đi thử nghiệm đầu tiên này, tổ chức phi chính phủ Mỹ, World Central Kitchen, đối tác chính của chiến dịch, sẽ là bên chịu trách nhiệm việc dỡ hàng và phân phát viện trợ cho người dân Palestine. Để tăng cường việc giao hàng, Hoa Kỳ cũng thông báo xây một cầu cảng tạm thời ở Gaza. Một tàu của quân đội Mỹ chở các thiết bị cần thiết đã lên đường.
Về phần mình, quân đội Do Thái hôm 9/3 thông báo rằng Do Thái sẽ chịu trách nhiệm về việc phân phối hàng hóa thông qua các tổ chức quốc tế. Nhưng đối mặt với việc thiếu cơ sở hạ tầng và bối cảnh an ninh bất ổn, vẫn còn nhiều ẩn số.
Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến thực tế là các tuyến đường hàng hải không thể thay thế đường bộ, vốn dĩ nhanh hơn, dễ hơn và rẻ hơn”.


Iran Phản Đối Meta Đóng Tài Khoản Facebook và Instagram của Giáo Chủ Khamenei


(Hình: Giáo chủ Ali Khamenei tại Tehran, thủ đô của Iran. Ảnh ngày 28/2/2024.)
-Ngày 9/3/2024, Iran lên án việc chặn các tài khoản của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei trên Facebook và Instagram. Tehran coi đây là một sự “vi phạm tự do ngôn luận”. Thông tín viên Siavosh Ghazi của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại thủ đô Tehran của Iran cho biết thêm:
“Tài khoản của Giáo chủ Khamenei trên Instagram có đến năm triệu người theo dõi trên khắp thế giới. Ngoại trưởng Iran tố cáo điều mà ông gọi là “vi phạm quyền tự do ngôn luận”, “xúc phạm đến hàng triệu người theo quan điểm” của lãnh tụ tối cao Iran.

Quyết định đóng các tài khoản xã hội này đã được gã khổng lồ các mạng xã hội Meta đưa ra giữa lúc cuộc chiến ở dải Gaza, trong khi các nhà lãnh đạo Iran gia tăng các thông điệp tố cáo Do Thái và hậu thuẫn phong trào Hồi giáo cực đoan Hamas người Palestine.
Instagram và Facebook nằm trong số các ứng dụng được sử dụng nhiều nhất tại Iran dù rằng cả hai ứng dụng này đều bị chặn. Nhiều người dân Iran dùng VPN để lách các lệnh cấm và đặc biệt sử dụng Instagram cũng như là Telegram để trao đổi thông tin hoặc thậm chí cho công việc của họ.
Ngoài Instagram và Facebook, Iran còn cấm cả mạng xã hội X tức Twitter. Bất chấp các lệnh cấm, giới lãnh đạo Iran sử dụng rất nhiều các mạng xã hội nói trên. Tương tự như vậy, nhiều nền tảng quốc gia đã được tạo ra ở trong nước để thay thế Instagram, Telegram hay Twitter, hiện vẫn được người dân Iran sử dụng rộng rãi”.


Chuyên Gia Liên Hiệp Quốc: Tra Tấn Là “Chính Sách Có Chủ Ý” của Nga Trong Chiến Tranh Ukraine


(Hình: Tầng hầm trong một tòa nhà được lực lượng Nga sử dụng làm nơi tra tấn ở Kherson, Ukraine.)
-Trước Hội Đồng Nhân Quyền, một chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc hôm 8/3/2024 nhận định số các cáo buộc đáng tin cậy về những vụ tra tấn và các hành vi vô nhân tính khác mà lực lượng Nga và những bên liên quan đã tiến hành nhắm vào thường dân Ukraine và tù nhân chiến tranh là một phần trong chính sách chiến tranh của Mạc Tư Khoa.
Bà Alice Jill Edwards, báo cáo viên đặc biệt về nạn tra tấn, đã trình bày trước Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc báo cáo về chuyến thăm Ukraine hồi tháng 9/2023. Theo trang tin của cơ quan này, bà Edwards nhấn mạnh là những tội ác nghiêm trọng của Nga trong chiến tranh Ukraine dường như không phải chỉ là sự tình cờ hay ngẫu nhiên.

Chuyên gia Alice Jill Edwards cho biết: “Các phương pháp, mục tiêu và những đối tượng bị nhắm tới đều mang tính hệ thống và đã được áp dụng trên nhiều vùng lãnh thổ của Ukraine đang tạm thời bị chiếm đóng và/hoặc ngay tại chính nước Nga”. Cũng theo bà Edwards, “mức độ tổ chức và tính chất hệ thống của các hành vi lạm dụng chứng tỏ có một sự cho phép trực tiếp và một chính sách có chủ ý, hay ít nhất là có một sự cho phép chính thức” từ Mạc Tư Khoa.
Chuyên gia này cũng đánh giá các điều kiện và tiêu chuẩn hành xử của phía Ukraine đối với các tù nhân chiến tranh Nga và những người khác bị giam giữ ở Ukraine liên quan đến cuộc xung đột. Dù báo cáo ghi nhận chính quyền Ukraine đã cố gắng để có cách hành xử tôn trọng tù nhân chiến tranh, nhưng chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ lo ngại về điều kiện giam giữ các công dân Ukraine bị cáo buộc cộng tác với Nga tại Trại cải tạo số 19.

Bà Edwards đã nhận được một số cáo buộc về việc các viên chức Ukraine ngược đãi những người nói trên sau hoặc trong khi bắt và di chuyển họ. Hành vi ngược đãi gồm “đe dọa, bạo hành bằng lời nói hoặc bạo lực nhắm vào thân thể, đe dọa có hành vi bạo lực hoặc giam giữ họ ở những nơi không được phép trong quá trình thẩm vấn”. Báo cáo viên Edwards kêu gọi Kyiv nhanh chóng điều tra những cáo buộc này, có các biện pháp đào tạo, kỷ luật những người có liên quan và đưa ra những biện pháp phòng ngừa khác để bảo vệ quyền hợp pháp của những người khiếu nại hay đang bị giam giữ.


Thổ Nhĩ Kỳ Tuyên Bố Sẵn Sàng Tổ Chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Nga-Ukraine


(Hình: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp tại cung điện Dolmabahce, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/3/2024.)
-Hôm 8/3/2024, trong chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã gặp người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul để thảo luận về cuộc chiến với Nga và quan hệ song phương giữa Kyiv và Ankara. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng tổ chức “Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình” và nỗ lực khởi động lại hành lang an toàn ở Hắc Hải.

Ông Erdogan tái khẳng định sự ủng hộ “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh chiến lược Ukraine”, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực chấm dứt xung đột bằng “những biện pháp hòa bình dựa trên đàm phán”. Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
“Chỉ đề xuất các sáng kiến có sự tham gia của Nga: chính sách ngoại giao này của Thổ Nhĩ Kỳ đã không thay đổi trong suốt hai năm nay, quốc gia luôn cố gắng đóng vai trò trung gian giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa. Do đó, khi mà Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo cho người đồng cấp Tayyip Erdogan về việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới ở Thụy Sĩ, mà Nga sẽ vắng mặt, thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-Ukraine tại nước này để đàm phán hòa bình.

Người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ đạt được “những kết quả nhất định” về trao đổi tù nhân và an ninh ở Hắc Hải, đồng thời đưa ra “những cách tiếp cận tích cực” trong các cuộc trao đổi của Ankara với hai bên tham chiến. Ông Erdogan đặc biệt hy vọng có thể thuyết phục Nga khởi động lại thỏa thuận về một hành lang an toàn ở Hắc Hải cho các tàu thương mại lưu thông.
Hợp tác quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine cũng là một chủ đề được thảo luận trong chuyến thăm của ông Zelensky. Tổng thống Ukraine cho biết hai nước đã nhất trí về các dự án chung ở cấp chính phủ, cũng như giữa ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước, nhưng không đi sâu vào chi tiết. Tại Istanbul, ông Volodymyr Zelensky đã đến thăm một xưởng đóng tàu, nơi chế tạo các tàu hộ tống của Thổ Nhĩ Kỳ cho Hải quân Ukraine”.
Cũng trong ngày hôm qua, chương trình nghị sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ về cuộc chiến ở Ukraine và Gaza đã kết thúc, đánh dấu mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 1, sau nhiều lần trì hoãn. Tuy vậy, hai đồng minh vẫn bất đồng về một số vấn đề, đặc biệt là việc Ankara mua lại hệ thống phòng thủ chống phi đạn S-400 của Mạc Tư Khoa. Việc này đã khiến Hoa Thịnh Ðốn loại nước này ra khỏi chương trình chế tạo và sản xuất máy bay chiến đấu F-35.


Ngoại Trưởng Anh Phản Đối Khả Năng Phương Tây Đưa Quân Sang Ukraine


(Hình: Ngoại trưởng Anh David Cameron (phải) hội kiến Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky tại Kyiv).
-Ngoại trưởng Anh David Cameron phản đối khả năng phương Tây điều quân sang Ukraine, ngay cả trong trường hợp chỉ bảo đảm các khâu đào tạo, huấn luyện cho binh sĩ Ukaina đối phó với quân Nga xâm lược.

Theo bài phỏng vấn nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung đăng tải hôm 9/3/2024, Ngoại trưởng Anh David Cameron nhận định cần tránh tạo ra những cái cớ hiển nhiên để Putin nhắm tới. Kể cả về việc đưa quân sang Ukraine làm công tác đào tạo, huấn luyện cho binh sĩ Urkaina, ông Cameron cũng cho rằng tốt nhất là nên làm điều đó bên ngoài lãnh thổ Ukraine, chẳng hạn Luân Đôn đã huấn luyện cho 60.000 binh sĩ Ukraine, nhưng là ngay trên lãnh thổ Anh.
Tuy nhiên, cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức Süddeutsche Zeitung, lãnh đạo ngoại giao của vương quốc Anh tái khẳng định, viện trợ cho Ukraine các loại vũ khí tầm xa là hữu ích. Ông nhắc đến khả năng hỗ trợ chính quyền Bá Linh và hợp tác với các đối tác Đức để thúc đẩy Bá Linh giao cho Kyiv phi đạn Taurus do Đức sản xuất, nhưng không nói rõ chi tiết.

Về tình hình chiến sự tại Ukraine, sáng 10/3 quân đội khẳng định đã bắn hạ 35 drone Shared do Iran chế tạo Nga phóng đi trong đêm qua. Tổng cộng, đêm qua Nga đã phóng 39 drone tấn công 10 vùng ở miền Trung và Nam Ukraine. Ngoài ra, Nga còn phóng 3 phi đạn S-300 đến thành phố Myrnograd ở vùng Donestk, miền Đông Ukraine, làm 9 người bị thương và 9 tòa nhà dân cư bị hư hại.
Trong khi đó, tại Nga, sáng 10/3, Thống đốc vùng Kourst cho biết 1 phụ nữ thiệt mạng do vụ oanh kích của Ukraine vào làng Koulbaki, cách biên giới khoảng 10 cây số. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết đã bắn hạ được 2 drone của Ukraine trên bầu trời vùng Belgorod.


Cộng hòa Czech Quyên Đủ Tiền Mua 300.000 Đạn Pháo Cho Ukraine


(Hình: Chủ tịch Quốc hội Ukraine gặp Chủ tịch Hạ viện Czech và người đứng đầu Thượng viện Czech tại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech, ngày 28/2/2024.)
-Ukraine sẽ nhận được 300.000 quả đạn pháo trong thời gian tới. Ngày 8/3/2024, Cộng hòa Czech đã quyên đủ tiền mua số lượng vũ khí trên từ các nước thứ ba. Đây là lô đầu tiên trong kế hoạch mua 800.000 quả đạn pháo được chính quyền Prague khởi xướng tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 02, gồm 500.000 đạn pháo cỡ 155 ly và 300.000 quả cỡ 122 ly.
Thông tín viên Alexis Rosenzweig của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Prague cho biết thêm:

“Tổng thống Cộng hòa Czech, ông Petr Pavel, từng là tướng quân đội và cựu Chủ tịch ủy ban quân sự NATO, đã thông báo rằng việc mua vũ khí từ các nước thứ ba và do Prague chịu trách nhiệm đã quyên đủ tiền. Tuy nhiên, Thủ tướng Petr Fiala đính chính rằng hiện giờ số tiền mà các nước hứa và chuyển tới mới đủ mua 300.000 đạn pháo.
Ông nói: “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp nhiều hơn nữa! Chúng tôi tiếp tục tìm các đối tác mới để có thể ủng hộ Ukraine lâu dài trong cuộc chiến anh hùng chống quân xâm lược Nga”. Ông cũng cho biết là dự án của Cộng hòa Czech được nhiều nước Liên Hiệp Âu Châu ủng hộ, trong đó có Đức và Pháp - Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố ủng hộ khi ông công du Prague vào tuần trước, cũng như nhiều nước không thuộc Liên Hiệp Âu Châu như Gia Nã Ðại và Na Uy.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp khối lượng thiết bị quân sự đáng kể cho quân đội Ukraine. Ngoài ra, rất nhiều đợt quyên góp tư nhân đã được tổ chức từ đầu cuộc xâm lược Nga. Một trong số những quỹ này được dành để mua hàng ngàn drone”.
Trước đó, nhật báo Anh Financial Times cho biết Prague muốn gây quỹ khoảng 1,5 tỉ Mỹ kim để mua vũ khí cho Ukraine. Sáng kiến này giúp bù đắp thiếu hụt của ngành công nghiệp quốc phòng Âu Châu. Trong chuyến thăm Vilnius (Litva) ngày 8/3, Ngoại trưởng Ukraine cảnh báo “chiến lược viện trợ nhỏ giọt cho Ukraine (…) sẽ dẫn tới kết cục không hay cho tất cả mọi người”.
Khoản viện trợ lớn nhất là của Mỹ vẫn bị chặn ở Hạ viện. Tuy nhiên, chính quyền Kyiv sẽ nhận được 6 tỉ Euro trong tháng 03 và 04, trong khuôn khổ kế hoạch viện trợ 4 năm của Liên Hiệp Âu Châu. Ngày 8/3, Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết “theo kế hoạch, Ukraine sẽ nhận được khoảng 16 tỉ Euro từ Liên Hiệp Âu Châu trong năm nay”.


Thụy Điển Gia Nhập NATO: 3 Lý Do Khiến Vladimir Putin Đau Đầu


(Hình: Thụy Điển, thành viên mới của NATO.)
-Ngày 7/3/2024 Thụy Điển chính thức được kết nạp vào Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ở cương vị thành viên thứ 32 trong đại gia đình Liên minh NATO, Stockholm có 3 lý do khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin “đau đầu”: Tăng thêm “trọng lượng quân sự” cho NATO, Thụy Điển sẽ trở thành “điểm tựa Hải quân cho Liên minh ở vực Đông-Bắc Âu” và “Mạc Tư Khoa bị cô lập thêm tại Bắc Cực”.
Tuần báo L’Express hôm 7/3/2024 giải thích, sau Phần Lan đến lượt Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương khiến biển Baltic trở thành “Ao nhà của NATO”

Ngoại trừ ốc đảo Kaliningrad, “toàn bộ các nước chung quanh vùng biển này đều là thành viên NATO”. Do từ trước đến nay Thụy Điển vẫn bảo vệ thế “trung lập” nên đã phải tự lo thân, độc lập về mặt quân sự. Đảo Gotland với diện tích hơn 3.000 cây số vuông thuộc chủ quyền của Stockholm, từ 2018 đã được “quân sự hóa”. Đây chính là “cánh cửa mở ra khu vực phía Bắc Biển Baltic”. Với hòn đảo này trong NATO “gần như chắc chắn là tàu thuyền của Nga khó mà ra vào khu vực Tây-Bắc nước Nga”. Từ 2022 Thụy Điển đã đầu từ gần 163 triệu Mỹ kim để “tăng cường các cơ sở quân sự” trên đảo Gotland.
Mối đau đầu thứ hai đối với chủ nhân Ðiện Cẩm Linh là vừa có thêm một nền công nghiệp quân sự đứng về phía NATO. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, lại nằm sát cạnh với Liên Xô, Thụy Điển luôn xem việc nâng cao khả năng phòng thủ là một ưu tiên hàng đầu. Khi Liên Xô sụp đổ, mức độ đề cao cảnh giác đó đã giảm bớt nhưng từ khi Mạc Tư Khoa thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 thì Stockholm đã chú trọng trở lại vào mục tiêu “tự vệ”. Quốc gia Bắc Âu này có hơn 14.000 quân, và khoảng 10.000 lính dự bị bảo đảm an ninh cho 10 triệu dân. Tập đoàn công nghiệp vũ khí của Thụy Điển Saab, là một tên tuổi lớn trên thế giới vừa thông báo “từ nay đến 2025 sẽ nhân lên gấp 4 mức sản xuất đạn chống tăng”. Chiến đấu cơ JAS39 Gripen của Thụy Điễn cũng rất có uy tín được từ Hung Gia Lợi đến Ba Tây, Nam Phi cùng sử dụng.
Lợi thế thứ 3 Thụy Điển mang lại cho NATO liên quan đến Bắc Cực vào lúc Mạc Tư Khoa trông thấy “lợi thế chiến lược của vùng Bắc Băng Dương” và nuôi tham vọng mở một tuyến đường hàng hải mới đánh đường vòng qua Bắc Cực. Kèm theo đó là “tham vọng về quân sự khi mà 50% bờ biển trong khu vực này thuộc về lãnh thổ Nga”.

Thụy Điển là “một trong 8 thành viên Liên Minh Bắc Cực, một diễn đàn đa quốc gia có trách nhiệm về những vấn đề chiến lược đối với khu vực”. Với Stockholm, 7 thành viên của tổ chức này là các thành viên NATO (Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Phần Lan và Thụy Điển).
Cũng chính vì 3 lợi thế đó của Thụy Điển mà Stockholm dễ trở thành mục tiêu tấn công của gián điệp Nga. Tình báo Thụy Điển, Sapo gần đây báo động: các hoạt động do thám của Nga và của Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh của quốc gia Bắc Âu này. Nga đặc biệt nhắm tới “các cơ sở quân sự ở phía Bắc Thụy Điển”.


Ấn Độ và Nepal Triệt Phá Mạng Lưới Tuyển Lính Cho Nga


(Hình: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Randhir Jaiswa họp báo cho biết nước này đã triệt phá mạng lưới “buôn người” bị tình nghi tuyển dụng và đưa công dân Ấn Độ chiến đấu cho quân đội Nga ở Ukraine.)
-Hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn người Ấn Độ và Nepal bị đưa ra chiến trường Ukraine. Tối 7/3/2024, chính quyền Ấn Độ xác nhận đã bắt nhiều thành viên trong mạng lưới “buôn người” bị tình nghi tuyển dụng và đưa công dân Ấn Độ sang chiến đấu cho quân đội Nga ở Ukraine. Nepal cũng bắt 12 nhà tuyển dụng.

Các nhà điều tra của Phòng Điều tra Trung ương (CBI) đã bố ráp 13 khu vực và bắt giữ “nhiều nghi phạm” để thẩm vấn. Thông cáo của CBI, được thông tấn xã AFP trích dẫn, cho biết “những kẻ buôn người này hoạt động theo băng đảng có tổ chức, lôi kéo nhiều công dân Ấn Độ thông qua các mạng xã hội như YouTube (…) và qua trung gian mạng lưới liên lạc, nhân viên địa phương để đề xuất những công việc được trả lương cao ở Nga”.
Nhưng thực ra, “những nạn nhân của mạng lưới buôn người này được huấn luyện để chiến đấu và bị buộc ra chiến trường giữa Nga và Ukraine”. Cơ quan điều tra tạm xác định được “khoảng 35 trường hợp” bị ép chiến đấu cho quân đội Nga. Trước đó, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, khoảng 20 công dân Ấn Độ “bị kẹt” trong quân đội Nga.

Trong số 4 nghi phạm được CBI công bố có Faisan Khan, một nhà tuyển dụng ở Dubai. Khi trả lời thông tấn xã AFP, người này cho biết đã giúp 16 công dân Ấn Độ đến Nga trong tháng 11-12/2023 nhưng “ngạc nhiên” vì họ được huấn luyện sử dụng súng nên đã “quyết định ngừng tuyển dụng”. Nhiều người Ấn Độ được tuyển làm công việc “hỗ trợ” quân đội Nga, nhưng sau đó phải học sử dụng vũ khí và bị đưa ra chiến trường Ukraine.
Ngoài Ấn Độ, quân đội Nga cũng tuyển người Congo, Ai Cập và Nepal. Theo trang Franceinfo ngày 9/3, hơn 1.000 người Nepal tham chiến ở Ukraine trong quân đội Nga từ năm 2022 dù không được huấn luyện, nhiều người đã thiệt mạng, một số khác mất tích, người thân không có tin tức.
Chính quyền Kathmandu xác định được tên tuổi của 200 người trong số các công dân Nepal đang hoạt động trong quân đội Nga nhưng không thể buộc Mạc Tư Khoa giải ngũ họ. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền Nepal đã bắt 12 nhà tuyển dụng ở trong nước và cấm công dân đến làm việc ở Nga và Ukraine.
Trang Guardian của Anh đã ghi lại được lời kể của một số nạn nhân. Đa số những người này đến từ các vùng rất nghèo ở Ấn Độ và Nepal, bị dụ dỗ vì được hứa có việc làm lương cao ở Dubai, Đức hoặc Nga. Khi tới nơi, họ gần như bị ép ký vào những tài liệu bằng tiếng Nga mà không hiểu, bị tịch thu sổ thông hành, sau đó được đưa đi huấn luyện trong khoảng một tháng và cuối cùng bị đưa ra chiến trường.


Thủ Tướng Hung Gia Lợi Orban Tuyên Bố Ủng Hộ Ông Trump Trở Lại Tòa Bạch Ốc


(Hình: Ông Viktor Orban từ lâu đã bất đồng với các thành viên EU về một loạt vấn đề, bao gồm từ chối gửi vũ khí tới Ukraine và duy trì quan hệ kinh tế với Mạc Tư Khoa kể từ khi quân Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022.)
-Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban, người có chủ trương dân tộc cánh hữu, tuyên bố ủng hộ ông Donald Trump trong nỗ lực quay trở lại Tòa Bạch Ốc sau cuộc gặp với vị cựu Tổng thống Mỹ ở tiểu bang Florida vào cuối ngày thứ Sáu (8/3/2024).
Hai người thảo luận về “một loạt vấn đề ảnh hưởng đến Hung Gia Lợi và Mỹ, bao gồm tầm quan trọng hàng đầu của đường biên giới vững mạnh và an toàn để bảo vệ chủ quyền của mỗi quốc gia”, theo một phát biểu từ ban vận động tranh cử của ông Trump.

Ông Orban từ lâu đã bất đồng với các thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU) về một loạt vấn đề, bao gồm từ chối gửi vũ khí tới Ukraine và duy trì quan hệ kinh tế với Mạc Tư Khoa kể từ khi quân Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022.
Ông Orban nói chỉ sự trở lại của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Trump vào Tòa Bạch Ốc mới có thể mang lại hòa bình ở Ukraine.
“Chúng ta cần những nhà lãnh đạo trên thế giới được nể trọng và có thể mang lại hòa bình. Ông ấy là một trong số họ! Hãy quay lại và mang hòa bình đến cho chúng tôi, thưa Tổng thống!” ông Orban nói trong một đăng tải trên mạng xã hội X sau cuộc gặp.
Ông Orban, được nhiều người bảo thủ ở Mỹ ngưỡng mộ vì các chính sách cứng rắn về di trú, các chương trình hỗ trợ gia đình và lập trường mạnh mẽ về chủ quyền quốc gia, nói trong một video trên trang Facebook của mình rằng dưới nhiệm kỳ Tổng thống 2017-2021 của ông Trump, đã có hòa bình ở Trung Đông và cả Ukraine.

Ông nói rằng sẽ không có chiến tranh ở Ukraine vào lúc này nếu ông Trump tái đắc cử vào năm 2020.
Ông Orban thường xuyên đối đầu với EU về các chiến dịch chống nhập cư và các bước nhằm đặt nhánh Tư pháp, các tổ chức phi chính phủ và truyền thông dưới sự kiểm soát của nhà nước nhiều hơn, điều mà những người chỉ trích cho rằng đã làm xói mòn nền Dân chủ ở Hung Gia Lợi.
Ông Orban cũng chỉ trích các chế tài của EU nhắm vào Nga, dù cuối cùng chưa bao giờ phủ quyết chúng, và trì hoãn một quyết định của EU cấp viện trợ mới cho Ukraine vào tháng 12 năm 2023 cho đến khi cuối cùng đồng ý vào đầu năm nay.


Một Người Bị Bắt Sau Khi Xe Hơi Đâm Vào Cổng Cung Điện Buckingham


(Ảnh: Bên ngoài Cung điện Buckingham.)
-Hôm 10/3/2024, Cảnh sát Anh cho biết rằng một người đàn ông đã bị bắt sau khi một chiếc xe hơi đâm vào cổng Cung điện Buckingham ở trung tâm Luân Đôn.
Những hình ảnh mờ trên mạng xã hội cho thấy một chiếc xe hơi ở cổng trước của cung điện. Truyền thông Anh dẫn lời một nhân chứng cho biết họ đã nghe thấy “một tiếng động lớn”.
Cảnh sát cho biết rằng sự việc xảy ra vào đầu giờ sáng 9/3.
“Các nhân viên vũ trang đã bắt giữ một người đàn ông tại hiện trường vì nghi ngờ gây ra thiệt hại hình sự. Ông ta được đưa đến bệnh viện. Không có báo cáo về bất kỳ thương tích nào”, cảnh sát Luân Đôn cho biết trong một tuyên bố.
“Các cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định hoàn cảnh”.
Cung điện Buckingham cho biết rằng không có thành viên hoàng gia nào cư trú tại đó vào thời điểm xảy ra sự việc và việc sửa chữa cổng đang được tiến hành.


70 Nước Cam Kết Điều Chỉnh Cách Xây Dựng Để Chống Biến Đổi Khí Hậu


(Hình: Khói bụi bao trùm một công trường xây dựng tại Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc)
-Tại Diễn đàn Thế giới về Xây dựng và Khí hậu ở thủ đô Paris của Pháp vào hôm 8/3/2024, ít nhất 70 quốc gia đã cam kết xem xét và điều chỉnh cách thức xây dựng để kìm chế đà biến đối khí hậu.
Theo thông tấn xã AFP, các Bộ trưởng Môi trường hoặc Bộ trưởng Xây dựng của khoảng 70 nước, trong đó có Hoa Kỳ, Ả Rập Saudi…, nhưng không có Trung Quốc, đã ký “Tuyên bố Chaillot” (Điện Chaillot ở Paris là nơi diễn ra Diễn đàn), với các tiêu chuẩn về tài chánh bất động sản, vật liệu, năng lượng....

Đây là Diễn đàn thế giới đầu tiên về xây dựng và khí hậu, do Cơ quan Môi trường của Liên Hiệp Quốc và chính phủ Pháp tổ chức. Lần đầu tiên, mọi giới xây dựng, kiến trúc sư, Kỹ sư, thiết kế và nhà sản xuất vật liệu, cùng với giới ngoại giao và các quỹ đầu tư quốc tế cùng thảo luận về vấn đề khí hậu.

Mục tiêu khẩn cấp là trung hòa carbon ngành công nghiệp xây dựng, đồng thời giúp cho các tòa nhà có khả năng chống chọi tốt hơn trước các cơn bão, lũ lụt và các đợt nắng nóng đang ngày càng gia tăng, nhất là ở các nước đang phát triển. Các bên tham gia cam kết ưu tiên cải tạo các công trình thay vì xây mới để giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực không thể tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả tối đa....
Xây dựng vốn là ngành công nghiệp phát thải mạnh và ngày càng tạo ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm tăng nhiệt độ toàn cầu, và hiện bị xem là chưa tuân thủ thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 và cũng chưa đi đúng hướng để đạt mục tiêu phi carbon hóa vào năm 2050.
Hiện nay, khí gây hiệu ứng nhà kính do lĩnh vực xây dựng thải ra chiếm đến 21% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Ngành xây dựng tiêu thụ tới 34% tổng năng lượng, và ½ tổng lượng vật liệu thô của toàn thế giới. Mỗi năm, lĩnh vực này thải ra hơn 100 tỉ tấn chất thải xây dựng, hầu hết không được tái sử dụng và chỉ có 35% được chôn lấp.


Mỹ Cho Phép Phi Cơ Quân Sự Osprey Hoạt Động Trở Lại: Công Luận Nhật Bản Bị Chia Rẽ


(Hình: Máy bay quân sự Mỹ MV-22B Osprey.)
-Sau một thời gian cấm phi cơ quân sự Osprey hoạt động do đã xảy ra nhiều tai nạn, nhất là vụ tai nạn gây nhiều thương vong ngoài khơi Nhật Bản hồi cuối tháng 11/2023, Ngũ Giác Đài hôm 8/3/2024 đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nói trên, quyết định làm dấy lên nhiều tranh cãi tại Nhật Bản.
Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
“14 phi cơ Osprey của Không quân Nhật Bản đậu tại căn cứ quân sự Kisarazu, không xa Tokyo. Viễn cảnh những phi cơ này được bay trở lại đã chia rẽ những người dân sống quanh khu vực này.

Sau đây là ý kiến của một số người: “Tôi tán thành việc cho phép bay trở lại. Đối mặt với Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn, thì Nhật Bản không thể lơ là cảnh giác”; “Điều này khiến tôi lo lắng.Mức độ an toàn của những chiếc máy bay này dường như không đáng tin cậy”; “Chúng tôi có nguy cơ hoặc bị phi đạn của Bắc Hàn, hoặc bị máy bay Osprey của Mỹ rớt xuống đầu, trường hợp nào cũng đều khiến mọi người không yên tâm”; “Ngũ Giác Đài từ chối công khai nguyên nhân của những vụ tai nạn này. Sự thiếu minh bạch đó gây chấn động. Tuy nhiên, như thường lệ, vẫn là Hoa Thịnh Ðốn ra lệnh và Tokyo thi hành”; “Để không làm mếch lòng Mỹ, nước bảo vệ đầy quyền uy, Nhật Bản sẽ phải phớt lờ nguyên tắc phòng ngừa. Sự phục tùng này có lẽ là để bảo đảm an ninh cho chúng tôi”.
Cho rằng cần khẩn trương trấn an người dân, Thống đốc Tokyo và thị trưởng của các thành phố khác mà phi cơ Osprey sẽ bay qua đã kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật tìm hiểu thêm từ Ngũ Giác Đài các thông tin liên quan đến những biện pháp sẽ phải áp dụng để tránh nguy cơ lại xảy tai nạn”.


Họp Lưỡng Hội, Trung Quốc Hạn Chế Các Hoạt Động Truy Cập Internet


(Hình: Công an Trung Quốc trước tượng đài Anh hùng Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Ảnh ngày 10/3/2024.)
-Trong tuần qua, thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát mạng Internet và đặc biệt là giám sát việc truy cập vào các trang web của ngoại quốc. Một số công cụ vượt tường lửa không hoạt động.
Trung Quốc vốn dĩ đã giám sát chặt chẽ các phương tiện truyền thông và mạng internet, với chính sách kiểm duyệt những nội dung có khả năng gây bất ổn. Nhiều trang web như Google, Youtube..., các ứng dụng và mạng xã hội của ngoại quốc như X, Instagram, Facebook... không thể truy cập được nếu không có các công cụ vượt tường lửa (VPN). Các biện pháp kiểm soát này càng được siết chặt vào những ngày và sự kiện nhạy cảm. Kỳ họp thường niên của Quốc hội tuần này tại Bắc Kinh đương nhiên là một dịp như vậy.

Astrill, một nhà cung cấp dịch vụ vượt “tường lửa” kiểm duyệt được nhiều người ngoại quốc ở Trung Quốc sử dụng, trong đêm 09 sáng 10/3/2024 cho thông tấn xã AFP biết là chính quyền Trung Quốc nhân dịp này đã tăng cường kiểm duyệt internet và một số công cụ vượt tường lửa, lách kiểm duyệt của Astrill đã không thể hoạt động. Công ty Astrill đang khẩn trương khắc phục tình hình.
Trên thực tế, nhân viên của một số cơ quan truyền thông nhà nước và các nhà ngoại giao Trung Quốc vẫn thường sử dụng VPN để đăng tải thông tin, đặc biệt là trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), vốn bị chặn ở Trung Quốc. Nếu không được Nhà nước cho phép, việc sử dụng công cụ lách kiểm duyệt VPN hoặc bất kỳ công cụ nào khác để truy cập các trang web bị cấm đều là bất hợp pháp.

Kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh năm nay khai mạc hôm 4/3, chính quyền Trung Quốc không muốn để xảy ra bất kỳ sự việc nào gây ảnh hưởng đến sự kiện chính trị quan trọng này. Công an được tăng cường điều động tuần tra đường phố thủ đô, với nhiều hoạt động kiểm tra hơn thường lệ.


Giới Trẻ Hoa Lục Bi Quan Hơn Các Thế Hệ Trước

-Cũng về Trung Quốc, trả lời L’Express, ông Hạng Tiêu (Xiang Biao), Giám đốc Viện Max-Planck ở Hòa Lan nhận xét “Thanh niên Trung Quốc bây giờ bi quan hơn trước rất nhiều”.Tình trạng kinh tế chậm lại ảnh hưởng đến giới trẻ nặng nề hơn so với những lớp trước. Những người này đã được hưởng lợi từ 40 năm tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, sở hữu nhà cửa, có tiền tiết kiệm.
Lớp trẻ có học hiện nay lớn lên với những kỳ vọng lớn lao về tương lai, khoảng cách với thực tế khiến họ khó thể chịu đựng. Có ít việc làm hơn, ít cơ hội thăng tiến, và với những ai tìm được việc, điều kiện khó khăn hơn rất nhiều vì phải cạnh tranh dữ dội. Những ai sống trong các thành phố lớn, thích đi du lịch và hưởng lương cao ở Bắc Kinh, Thượng Hải phải từ bỏ giấc mơ; nhưng nhờ cha mẹ giúp đỡ nên có thể từ chối những công việc như giao hàng; người nghèo thì làm mọi cách để kiếm sống. Nhưng bối cảnh kinh tế ảnh hưởng đến tâm lý mọi tầng lớp xã hội. Thế nên dẫn đến số đám cưới giảm sút, số trẻ em sinh ra, lượng mua nhà đều giảm.

Đại dịch Covid là yếu tố quan trọng. Giới trẻ nhận ra họ hoàn toàn không có tự do, đôi khi cư dân cả một tòa nhà bị bắt đi cách ly chỉ vì một ca tiếp xúc. Cuộc khủng hoảng địa ốc cũng tạo tác động lớn: xưa kia người ta làm việc cật lực để mua được nhà, lập gia đình và sinh con. Nhưng nay sở hữu nhà trở thành vô nghĩa vì sụt giá, người trẻ chọn ở chung với cha mẹ, giải thoát khỏi áp lực trả nợ, một số chọn “thảng bình” - nằm dài không làm gì cả. Thái độ này rất xa với “giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình, trở thành đại cường quân sự, kinh tế đối với họ chẳng nghĩa lý gì.


Biển Đông: Tổng Thống Phi Luật Tân Không Nhân Nhượng “Một Ly Lãnh Thổ Nào” Cho Trung Quốc

-Biển Đông nóng thêm trong tuần qua, đặc biệt với hành động tấn công của tàu Hải cảnh Trung Quốc nhắm vào Tuần duyên Phi Luật Tân. Tổng thống Phi Luật Tân khẳng định sẽ không nhân nhượng Trung Quốc. Tường trình của thông tín viên Juliette Pietraszewski của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Kuala Lumpur:
“Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các hình ảnh về vụ va chạm giữa hai chiếc tàu đã lan truyền trên mạng xã hội. Đứng sau các thông tin này là phát ngôn viên của lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân, người đã công khai tố cáo Hải cảnh Trung Quốc “đã có các hành động vô trách nhiệm và phi pháp”. Về phần mình, Bắc Kinh Trung Quốc cáo buộc Manila đã “cố tình đâm vào” tàu Trung Quốc.

Các đụng độ lại xảy ra gần rạn san hô Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi thường xuyên là điểm đối đầu giữa hai nước.Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông. Yêu sách của Trung Quốc, xâm phạm các Vùng đặc quyền Kinh tế quốc gia, bị nhiều nước trong khu vực phản đối. Năm 2016, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague, không thừa nhận các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand Marcos Junior, đã cam kết thực hiện chính sách xích lại gần với người Mỹ. Tham dự một diễn đàn những ngày gần đây tại Úc Ðại Lợi, Tổng thống Phi Luật Tân nhấn mạnh đến những căng thẳng giờ đây đã trở thành điều gần như thuyền xuyên tại Biển Đông. Ông nói: “Phi Luật Tân hiện đang ở tuyến đầu cuộc chiến chống các hành động gây tổn hại đến hòa bình khu vực.Tôi sẽ không cho phép bất kỳ thế lực ngoại quốc nào xâm chiếm dù chỉ một ly lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi”.


Lũ Lụt, Lở Đất ở Nam Dương Làm 19 Người Thiệt Mạng, 7 Người Mất Tích


(Hình: Một trận lở đất ở Nam Dương.)
-Hôm 10/3/2024, nhà chức trách Nam Dương cho biết những ngày mưa xối xả đã gây ra lũ lụt và lở đất ở tỉnh Tây Sumatra của Nam Dương, buộc hơn 70.000 người phải di tản, đồng thời khiến ít nhất 19 người thiệt mạng và 7 người mất tích.
Sự tàn phá kể từ hôm 7/3 tại thủ phủ tỉnh Padang và 8 khu vực khác đã làm hư hại gần 700 ngôi nhà, nhiều cây cầu, trường học và 113 ha đất nông nghiệp.

Các viên chức cho biết, 150 nhân viên thuộc cơ quan cấp cứu Nam Dương đang được huy động để tìm kiếm những người mất tích, và họ bị cản trở bởi những con đường bị chặn lại sau vụ lở đất.
Abdul Muhari, phát ngôn viên của cơ quan thảm họa Nam Dương BNPB, cho biết rằng những người được di tản đã tập trung tại các nhà thờ Hồi giáo gần nhất, nhưng không có nơi tạm trú nào được thiết lập. Họ nhận được thức ăn, nước uống và thuốc men, trong khi những người khác trở về nhà khi nước rút.
Abdul cho biết thêm rằng hầu hết các khu vực ở Padang vẫn bị ngập lụt, với những con đường bị chặn do lở đất kéo dài 50 mét ở khu vực Padang Pariaman.
Dự kiến sẽ có nhiều mưa hơn trong vài ngày tới, và cơ quan này cảnh báo sẽ có thêm thiệt hại do lũ lụt và lở đất.
Mùa mưa ở Nam Dương bắt đầu vào tháng 1 khi cơ quan khí tượng BMKG dự báo đỉnh điểm mưa trong quý đầu tiên, đặc biệt là trên các đảo Java và Sumatra.


Quân Đội Mỹ Đưa Nhân Viên Tòa Ðại Sứ Rời Haiti, Tăng Cường An Ninh


(Ảnh: Binh sĩ Mỹ trên nóc Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ ở Haiti năm 2022.)
-Hôm 10/3/2024, Quân đội Hoa Kỳ cho biết đã thực hiện một chiến dịch không vận ở Haiti để đưa các nhân viên Tòa Ðại sứ không cần thiết ra khỏi nước này và bổ sung lực lượng Hoa Kỳ tăng cường an ninh cho Tòa Ðại sứ, trong khi quốc gia Caribe này bị đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Hoạt động này là dấu hiệu mới nhất cho thấy các khó khăn của Haiti khi bạo lực băng đảng đe dọa lật đổ chính phủ và khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa.

“Việc không vận nhân sự vào và ra khỏi Tòa Ðại sứ phù hợp với thông lệ tiêu chuẩn của chúng tôi về tăng cường an ninh cho Tòa Ðại sứ trên toàn thế giới và không có người Haiti nào trên máy bay quân sự”, Bộ Tư lệnh miền Nam của quân đội Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
Haiti đã rơi vào tình trạng khẩn cấp vào Chủ Nhật tuần trước sau khi giao tranh leo thang trong khi Thủ tướng Ariel Henry đang ở Nairobi để tìm kiếm một thỏa thuận cho sứ mệnh do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn đã bị trì hoãn từ lâu.

Kenya tuyên bố vào năm 2023 rằng họ sẽ lãnh đạo lực lượng này nhưng nhiều tháng tranh chấp pháp lý trong nước đã khiến sứ mệnh này phải tạm dừng.
Hôm 9/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói chuyện với Tổng thống Kenya William Ruto về cuộc khủng hoảng Haiti và hai người đã nhấn mạnh cam kết của họ đối với sứ mệnh an ninh đa quốc gia nhằm lập lại trật tự.
Trong tuyên bố của Bộ Tư lệnh miền Nam, Bộ cho biết rằng Hoa Thịnh Ðốn vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu đó.
“Tòa Ðại sứ của chúng tôi vẫn tập trung vào việc thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ người dân Haiti, bao gồm huy động sự hỗ trợ cho Cảnh sát Quốc gia Haiti, đẩy nhanh việc khai triển sứ mệnh Hỗ trợ An ninh Đa quốc gia (MSS) được Liên Hiệp Quốc ủy quyền và đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng”, Bộ nói.


Bầu Cử Mỹ: Hai Ông Donald Trump và Joe Biden Đả Kích Nhau Tại Tiểu Bang Georgia


(Hình: Ảnh ghép ông Donald Trump và ông Joe Biden, hai ứng cử viên tiềm năng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.)
-Ngày 9/3/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối thủ đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump đã cùng có mặt tại tiểu bang Georgia, miền Nam Hoa Kỳ để vận động tranh cử. Tại đây, hai bên đã đả kích nhau về các hồ sơ di dân và kinh tế.
Theo thông tấn xã Reuters, đây là lần đầu tiên cả hai ứng viên hiện diện cùng lúc tại cùng một tiểu bang. Cả hai ứng viên đã cáo buộc lẫn nhau là mối đe dọa cho nền Dân chủ. Tại Rome, tiểu bang Georgia, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích ứng viên đảng Dân chủ đã sử dụng “chính phủ như là một vũ khí” để “loại trừ” đối thủ khi ám chỉ đến nhiều hồ sơ pháp lý khác nhau đang nhắm vào ông.

Donald Trump còn tấn công chính sách di dân của Joe Biden khi cho rằng nguyên thủ Mỹ có trách nhiệm trong cái chết của một nữ sinh viên bị một di dân Venezuela sát hại. Theo ông nữ sinh này có lẽ sẽ còn sống đến ngày nay nếu như Joe Biden “không cố tình và một cách xảo quyệt đã dỡ bỏ bức tường ở biên giới”.
Hãng tin Anh nhắc lại, trước đó không lâu, nguyên thủ Mỹ, trên kênh truyền hình MSNBC, đã cho rằng không nên gọi người di dân Venezuela đó là “dân nhập cư bất hợp pháp”, mà nên xem họ như là những người “không giấy tờ”.

Về phần mình, Joe Biden lên án cuộc gặp giữa cựu chủ nhân Tòa Bạch Ốc và Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban, cáo buộc ông Trump là “liếm gót những kẻ độc tài và chuyên quyền hung hãn trên khắp thế giới”. Tổng thống đương nhiệm tin rằng Donald Trump “muốn trở thành một nhà độc tài”.
Tuổi tác của ông Joe Biden cũng là chủ đề để phe Cộng hòa mỉa mai. Chiến dịch vận động tranh cử của Joe Biden được bắt đầu với một đoạn video quảng cáo, trong đó, nguyên thủ Mỹ khẳng định tuổi tác không làm ảnh hưởng đến kết quả công việc. Donald Trump đã tức thì đáp trả bằng một tin nhắn video, lấy lại câu phát biểu của đối thủ và kèm theo đó là hình ảnh những lần Tổng thống Mỹ vấp ngã.


Điện Ảnh: Oscar 2024, Thời Khắc của Bộ Phim Oppenheimer


(Hình: Tượng giải Oscar.)
-Bộ phim Pháp Anatomie d’une chute, tên tiếng Việt là Kỳ án trên đồi tuyết của nữ đạo diễn Justine Triet có thể gây bất ngờ, lấn át Oppenheimer và ra về với giải Oscar dành cho phim xuất sắc nhất hay không? Đó là câu hỏi đang được đặt ra tại Hollywood vài tiếng đồng hồ trước khi khai mạc lễ trao giải thưởng điện ảnh uy tín nhất thế giới đêm nay 10/3/2024 tại Los Angeles.

Oppenheimer của đạo diễn người Mỹ gốc Anh, Christopher Nolan, 13 lần được đề cử tranh giải Oscar đêm nay. Theo lời một nhà báo trong ngành của tạp chí Variety chưa “bao giờ một tác phẩm được coi là chiếm thế áp đảo” như bộ phim nói về cuộc đời của cha đẻ quả bom nguyên tử, Robert Oppenheimer. Thế nhưng trong 13 lần được đề cử tranh giải Oscar, đạo diễn Nolan sẽ phải đọ sức với nữ đạo diễn người Pháp Justine Triet ở hai hạng mục danh giá nhất: Phim và đạo diễn xuất sắc nhất.
Oppenheimer của ông hay Anatomie d’une chute/ Kỳ án trên đồi tuyết, được bình chọn là bộ phim sáng giá nhất? Justine Triet hay Christophe Nolan là đạo diễn tài hoa nhất?

Kỳ án trên đồi tuyết từng đoạt Cành Cọ Vàng Liên Hoan Cannes 2024, đoạt giải BAFTA của Anh nhờ kịch bản lạ nhất, đoạt Quả Cầu Vàng năm 2024 dành cho bộ phim ngoại quốc và đương nhiên là đã được toàn thể làng điện ảnh Pháp vinh danh với nhiều giải thưởng César trong đó có các giải dành cho phim và đạo diễn xuất sắc nhất. Tại lễ trao giải Oscar đêm nay, Justine Triet là nữ đạo diễn duy nhất tranh Oscar vinh danh một nhà làm phim.
Về phía Oppenheimer, Christopher Nolan đã ra về với 5 phần thưởng trong đêm trao giải Golden Globe 2024 và 7 lần được ban giám khảo BAFTA xướng tên trên bảng vàng. Trong đó có giải thưởng vinh danh đạo diễn và phim hay nhất.
Scott Feinberg, một cây bút của tờ Hollywood Reporter, ghi nhận “sẽ là một điều bất ngờ ngoài sức tưởng tượng nếu như Oppenheimer để trượt mất giải Oscar dành cho bộ phim hay nhất”. Tuy nhiên chớ nên xem thường Kỳ án trên đồi tuyết. Trong thế “outsdier” tức là “ngựa về ngược”, chưa biết chừng phim Pháp lại có sức thuyết phục giới điện ảnh Hoa Kỳ.



Không có nhận xét nào: