Chính là đại tá Hoàng Cơ Lân. Một cuộc phỏng vấn khơi dậy quá khứ sôi động hãy còn sống trong lòng mỗi người dân miền Nam đã trải qua Nội chiến.
Các đoạn trong ngoặc đơn hay đánh số (1), (2), (3)… là ghi chú của người dịch, cũng như người dịch giữ nguyên quy tắc Pháp văn không viết hoa cấp bậc. Do quân đội Pháp không viết hoa từ hạ sĩ đến thống chế vì xem là danh từ chung.
[Trần Vũ]
Phỏng vấn do Olivier Vece và Benjamin Fayet thực hiện
Trần Vũ dịch thuật
Tốt nghiệp Quân y và khóa Nhảy dù của Quân đội Pháp, Hoàng Cơ Lân liên tục cứu chữa các thương binh của cả hai phía trong các trận đánh từ 1959 đến 1970. Thăng cấp đại tá và làm giám đốc Trường Quân y Sài Gòn (1), Hoàng Cơ Lân kịp thoát khỏi tay Cộng sản. Những kẻ mà ông không bao giờ tha thứ… (LTS của tạp chí Chiến Tranh và Lịch Sử Guerres & Histoire)
(1) Trường Quân y của Quân đội Quốc gia thành lập năm 1951 tại bệnh viện Patterson, phố Hàng Chiếu, Hà Nội với tên ban đầu là Trường Quân y Trung ương. Sau Hiệp định Genève năm 1954, trường di chuyển vào Nam đặt trụ sở tại bến Bạch Đằng, Sài Gòn và đổi thành Đại học Quân y. Năm 1956, đổi thành Trung tâm Huấn luyện Quân y sau sát nhập Đại học Quân y với Trung tâm Huấn luyện Y tá, đặt cơ sở tại Quân y viện Chi Lăng, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn. Sau đó dời về số 4 đường Hùng Vương, Chợ Lớn. Năm 1964, một lần nữa cải danh thành Trường Quân y đặt tại Phú Thọ, Gia Định. Đại tá Hoàng Cơ Lân là giám đốc cuối cùng (1972-1975).
Guerres & Histoire: Gia thế của ông?
Hoàng Cơ Lân: Tôi sinh năm 1932 trong một gia đình khá giả, vì cha tôi là bác sĩ chuyên khoa khẩu-xoang (stomatologue), là y sĩ duy nhất ở Hà Nội khi ấy điều trị các bệnh về miệng, quai hàm và răng. Tôi học trung học ở Lycée Albert-Sarraut, là một ngôi trường ưu tú. Chúng tôi rất hòa đồng với học sinh Pháp, cùng chơi chung trên đường phố. Tôi nghĩ nước Pháp đã kiến tạo nhiều ở Đông Dương. Tôi giữ lại những điều tốt đẹp.
Guerres & Histoire: Nhật chiếm Đông Dương năm 1940. Cậu bé lên 8 sống giai đoạn này ra sao?
Hoàng Cơ Lân: Đối với chúng tôi, cuộc sống gần như không thay đổi mấy, nhưng năm 1944 xảy ra nạn đói khiến 2 triệu người chết, dân chúng chỉ đủ thức ăn cầm hơi. Lúc đó, tôi đang là hướng đạo sinh; sau mỗi bữa ăn chúng tôi sang nhà hàng xóm xin một bát cơm cho những người đang cần. Không hiếm những buổi sáng, khi mở cửa trông thấy 1, 2 xác chết trước nhà. Chúng tôi không giao du với lính Nhật nhưng trông thấy họ tuần tiễu qua các ngôi phố với sĩ quan mang trường kiếm dài. Kỷ luật thép sắt đá của quân đội Nhật là những điều gây ấn tượng. Lâu lâu chúng tôi trông thấy phụ nữ Nhật đi sau chồng 5 bước chân. Các sĩ quan Nhật đến khám bệnh ở phòng mạch của cha tôi. Sau đầu hàng, lính Nhật vẫn đóng ở Hà Nội vì phía Đồng Minh yêu cầu họ giữ an ninh trật tự.
Guerres & Histoire: Năm 1945, ông được 13 tuổi. Không khí Hà Nội vào lúc đó?
Hoàng Cơ Lân: Trường trung học Albert-Sarraut mở cửa lại. Các giáo sư Pháp từ chính quốc sang vẫn còn nhưng không đủ nên Quân đoàn Viễn chinh phải biệt phái một số sĩ quan qua làm giáo chức. Các ty sở hành chánh Pháp tái lập. Giới nghiêm vài tuần lễ rồi là cuộc sống trở lại bình thường. Không có tấn công khủng bố hay đặt bom ở Hà Nội. Nhìn chung, dân chúng không theo Việt Minh. Năm 1952 sau tú tài toàn phần, để có lương tháng, tôi thi vào trường Quân y Hà Nội và ra trường mang lon y sĩ trung úy năm 1958 (sau Di cư). Năm 1955 tôi lấy bằng Dù cùng lúc với lính Lê dương gốc Đức (của binh chủng Nhảy dù-Lê dương). Tôi nhớ đã bị khiển trách, vì sau một tập huấn đã dẫn đầu một tốp lính Lê dương vừa nhịp quân hành vừa hát Horst-Wessel-Lied (là ca khúc chính thức của Đảng Quốc xã) mà tôi hoàn toàn không hiểu lời!
Guerres & Histoire: Năm 1958 ông trở thành đại úy quân y ‘‘nhiệm chức’’ của Liên đoàn Nhảy dù Việt Nam Cộng Hòa. Bước đầu đó diễn ra như thế nào?
Hoàng Cơ Lân: Tốt nghiệp trường Y năm 1958, tôi ký hợp đồng nhập ngũ 10 năm và tùng sự ở Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Việt Nam. Liên đoàn Nhảy dù có 5 tiểu đoàn Dù do Pháp huấn luyện rồi giao lại cho VNCH, với tất cả truyền thống của Nhảy dù Tây. Chẳng hạn như lính Nhảy dù VN khi ấy hay thi ném quả banh sắt là môn thể thao thịnh hành tại Pháp… Chúng tôi làm công tác bảo an, canh phòng và giữ an ninh, nhưng chiến trận tái phát năm 1959. Ban đầu chủ yếu là những cuộc phục kích nhưng chiến tranh gia tăng cường độ ngay từ 1960.
Hoàng Cơ Lân: Tôi tham dự quá nhiều những trận nhỏ và lớn, nên không còn nhớ trận đầu tiên. Thoạt đầu Việt cộng tưới đạn lên đoàn xe rồi là bỏ chạy. Rồi từ từ là những cuộc phục kích quy mô, có giao tranh thực sự. Một ngày, vào năm 1960, tôi xém chết vì viên đạn bắn xuyên tấm kính chắn phía trước mặt tôi. Tay du kích nhắm tôi hẳn hoi.
Từ ngày đó, tôi đặt niềm tin vào thánh Michel, vị thánh bảo mệnh của binh chủng Nhảy dù. Với Việt cộng, không có Hòa ước Genève ký kết năm 1954. Đeo băng Hồng Thập Tự là cách nhanh nhất biến mình thành mục tiêu cho Việt cộng bắn hạ. Vì chúng biết rõ khi không còn y sĩ cứu thương, lập tức lính trong đơn vị đó xuống tinh thần. Từ khi biết, tôi ra lệnh cho tất cả y tá và cáng thương dưới quyền không bao giờ đeo băng có huy hiệu chữ thập đỏ.
Guerres & Histoire: Tổ chức quân y bên trong tiểu đoàn Nhảy dù VNCH?
Hoàng Cơ Lân: Mỗi tiểu đoàn Dù có một toubib (Tiếng lóng gọi bác sĩ tốt nghiệp y khoa thuyên chuyển sang quân đội). Dưới quyền là một y tá trưởng, thường là một hạ sĩ quan kinh nghiệm và tháo vát. Y tá trưởng của tôi là một trung sĩ-nhất tinh ranh nhưng rất giỏi giang, từng phục vụ trong quân đội Pháp. Mỗi tiểu đoàn Dù có 1 đại đội Chỉ huy với 4 đại đội tác chiến. Mỗi đại đội có 2 y tá. Y sĩ trung úy toubid, y tá trưởng và 10 y tá + cáng thương tùng sự ở đại đội chỉ huy. Tổng cộng, cấp số quân y từ 20 đến 30 quân nhân ở mỗi tiểu đoàn, tùy theo thời kỳ. Mỗi đại đội có một chiếc cáng cộng thêm dược phẩm và dụng cụ y tế cho trường hợp cấp thiết. Tiếp máu là một vấn đề. Chúng tôi được cung cấp những chai huyết tương hút khô. Tức là máu lỏng dạng bột. Mục đích chính là tản thương thật nhanh về hậu phương, nơi có bệnh viện với đầy đủ phương tiện để cứu sống người lính. Không phẫu thuật nặng hoặc cưa cụt mà truyền máu, khâu vết thương, băng bó.
Guerres & Histoire: Nhảy dù đảo chánh Ngô Đình Diệm năm 1960. Ông có tham dự?
Hoàng Cơ Lân: Có và không. Sáng 11 tháng 11, vào lúc 4 giờ sáng, tôi được lệnh lập một trạm xá phía sau Dinh Độc Lập. Sau đó, tôi biết là đã có một cuộc tấn công vào phủ tổng thống nhưng thất bại, khiến các thủ lĩnh trốn sang Cam-bốt. Chúng tôi, những sĩ quan cấp thấp ở lại, hoàn toàn không hay gì hết. Rồi An-ninh Quân-đội điều tra: ‘‘Ai ra lệnh cho anh?’’ với tất cả phiền toái tiếp theo… ‘‘Thật là chuyện quốc sự!’’… Tôi không bị giam nhưng việc thăng cấp bị đình trệ. Phải đến cuối năm 1961, khi tiểu đoàn Dù của tôi cạo trọc đầu một tiểu đoàn ‘‘Mặt trận Giải phóng’’ miệt châu thổ sông Cửu Long, tôi mới thăng đại úy thực thụ. (2)
(2) Cùng một cấp, Quân lực VNCH có nhiều bậc: Nhiệm chức, Thực thụ và Giả định. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng khi tử thủ An Lộc là chuẩn tướng nhiệm chức, tức mới lên do thâm niên. Sau chiến công oanh liệt đã giữ vững An Lộc, chuẩn tướng nhiệm chức Lê Văn Hưng thăng chuẩn tướng thực thụ Lê Văn Hưng mà không lập tức lên thiếu tướng. Giả định là khi vào mật khu cho công tác tình báo hay khi nhảy toán, hoặc ra nước ngoài, một trung úy có thể mang cấp bậc giả là đại úy hay thiếu tá. Hệ thống quân giai này cũng áp dụng trong quân đội Pháp.
Guerres & Histoire: Trận ‘‘cạo trọc đầu’’ Việt cộng diễn tiến ra sao?
Hoàng Cơ Lân: Xảy ra ở tỉnh Kiến Phong (3), trong một cuộc hành quân bình thường. Một buổi sáng, ở bìa làng nơi chúng tôi đóng quân đêm, xuất hiện một tiểu đoàn Việt Cộng đang giữa ruộng cách chúng tôi 300 thước. Tôi đang bên cạnh tiểu đoàn trưởng, chúng tôi núp sau hàng rào tre. Lệnh ra vị trí chiến đấu, lên đạn và chúng tôi khai hỏa tức khắc bằng súng cối, đại liên … Chúng tôi đóng trên mặt đất rắn ở bìa làng, đã nghỉ ngơi và chuẩn bị. Việt Cộng đang lội trong sình, thiếu ngủ vì di chuyển thâu đêm. Sau nửa tiếng tưới đạn, lệnh xung phong và tiểu đoàn Việt cộng khoảng 300 tên bị loại khỏi vòng chiến. Chúng tôi săn sóc thương binh địch không phân biệt.
(3) Tỉnh Kiến Phong thời VNCH còn gọi Cao Lãnh, giờ là Tỉnh Đồng Tháp.
Bìa báo Guerres & Histoire số tháng 2-2024 với hình đại tá Hoàng Cơ Lân
Guerres & Histoire: Thời kỳ này, hoạt động chính của các cuộc hành quân là gì?
Hoàng Cơ Lân: Các tiểu đoàn Dù hành quân liên tục, trung bình là 1 đến 2 tuần lễ. Thương vong tăng giảm tùy theo cấp độ, nhưng thông thường là chúng tôi chiến thắng. Hành quân tảo thanh, còn các trận phục kích do Việt Cộng tung ra. Cá nhân tôi mục kích 2, 3 trận phục kích lớn. Lúc nào đối phương cũng tính toán, tổ chức và sắp đặt tỉ mỉ. Phương cách phản phục kích duy nhất là tấn công tức khắc, đánh thẳng vào trung tâm bố trận của địch rồi bung rộng ra, tạt vào sau lưng địch. Là một chiến thuật đòi hỏi sự điều động cao mà chỉ những đơn vị thiện chiến mới thi hành được. Sau đó, là băng bó thương binh, của cả Việt Cộng. Phía địch, nếu còn đi được, tù binh sẽ bị bắt mang đi, ngược lại ăn một viên đạn vào đầu. Là nguyên tắc của Việt Cộng. Phía chúng tôi, không bao giờ làm vậy.
Guerres & Histoire: Ông kết hôn năm 1957. Bà nhà sống những trận đánh này với tâm trạng nào?
Hoàng Cơ Lân: Khi các tiểu đoàn Dù khác thiếu y sĩ, hoặc viên y sĩ bị thương hay chưa đáo nhậm mà tiểu đoàn phải hành quân, thì tôi thay thế. Đôi khi tiểu đoàn Dù đó vừa về hậu cứ thì đến phiên tiểu đoàn của tôi nhận vùng, tôi lại lên đường. Vợ tôi sống trong chờ đợi và thường xuyên ở nhà một mình, có khi kéo dài 2, 3 tháng. Tất cả những người vợ lính xứng đáng được tuyên dương vì họ vô cùng quả cảm, vừa nuôi con, vừa quán xuyến mọi việc trong nhà, không một tiếng than. Trong vài cuộc hành quân, số tử thương lên đến 20, bị thương trên 50, khi tiểu đoàn quay về, hàng hàng vợ lính ẵm con đứng đợi, nước mắt đầm đìa khuôn mặt. Thật thê thiết. Tôi có thể làm gì cho những cô phụ đang vật vã khóc này? Một cách hèn mạt, tôi chạy trốn họ, để không phải nghe gào: ‘‘Tại sao bác sĩ không cứu sống chồng tôi?’’
Guerres & Histoire: Ông có con?
Hoàng Cơ Lân: Nhà tôi sinh 2 cháu. Cả 2 lần, tôi đều không có mặt khi 2 con chào đời.
Guerres & Histoire: Năm 1963, Tổng thống Diệm bị giết trong một cuộc đảo chánh khác. Lần này ông có dự phần hay không?
Hoàng Cơ Lân: Cấp trên của tôi khi đó là đại tá Văn Văn Của, y sĩ trưởng Nhảy dù, ra lệnh cho tôi đem đơn vị đến gần thành Cộng Hòa (4) nơi đặt bản doanh của Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống Phủ. Sau khi Nhảy dù đánh chiếm vị trí, tôi vào bên trong quan sát và trông thấy một toubib trên mình chỉ độc một chiếc quần lót, đang ngồi trên đất với những người lính bị bắt khác. Tôi nói với viên toubid: ‘‘Đồng nghiệp ơi! Đứng lên đi, mặc lại quân phục rồi về nhà.’’ Chúng tôi thả họ. Là kỷ niệm cá nhân của tôi trong chính biến 1963. Phải sau đó tôi mới hay việc ông Diệm bị giết.
(4) Thành Cộng Hòa nằm ở góc đường Hồng Thập Tự và Đinh Tiên Hoàng, gần cầu Thị Nghè và Thảo Cầm Viên, cạnh Đài Truyền hình. Đi thẳng tới là các trường Trưng Vương và Võ Trường Toản, đi hướng ngược lại xuống khu rạp hát Casino ĐaKao. Sau chính biến thành Cộng Hòa bị cắt làm 2 tòa nhà.
Hoàng Cơ Lân (bìa phải)
Guerres & Histoire: Năm 1964, quân nhân Mỹ vào Việt Nam. Các ông tiếp nhận họ như thế nào?
Hoàng Cơ Lân: Họ đã có mặt từ trước. Hầu hết các đơn vị đều có cố vấn Mỹ. Ở cấp tiểu đoàn có 2 cố vấn. Riêng ở tiểu đoàn của tôi, tôi nhớ họ hiện diện năm 1963 nhưng có thể trước đó nữa, ngay từ những năm 1961-1962. Schwarzkopf (5) làm cố vấn trưởng cho chúng tôi năm 1966. Khi đó ông ta là trung tá.
(5) Herbert Norman Schwarzkopf về sau là tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Trung-Đông và chỉ huy binh lực Đồng Minh trong Chiến tranh Vùng Vịnh (Gulf War).
Guerres & Histoire: Đại tướng tương lai Schwarzkopf có dễ chịu không?
Hoàng Cơ Lân: Khá, nhưng rất mập, to con như cái bàn này! [cười]… Schwarzkopf ở khu biệt thự Manor BOQ (Bachelor Officer Quarters, cư xá sĩ quan độc thân) trong Sài gòn. Thỉnh thoảng tôi đến đó uống rượu và chơi bài. Schwarzkopf xấu tánh mỗi khi thua.
Guerres & Histoire: Công việc của các cố vấn Mỹ là gì?
Hoàng Cơ Lân: Họ đeo cùng huy hiệu cấp bậc, mặc cùng quân phục của binh chủng mà họ cố vấn và đi hành quân chung với chúng tôi. Khá đông nói sõi tiếng Việt. Vì trước khi sang, họ phải học tiếng Việt từ 6 tháng đến 1 năm ở Hoa Kỳ. Nhờ vậy, họ hòa nhập vào các đơn vị VNCH rất nhanh.
Guerres & Histoire: Họ cho những lời khuyên chiến thuật?
Hoàng Cơ Lân: Khuyên gì? Số đông cố vấn Mỹ sang Việt Nam chưa từng đánh trận. Nhưng họ rất hiệu quả trong các lĩnh vực tiếp vận, hỏa lực. Nhờ sự giàu có phương tiện của Hoa Kỳ. Khi hành quân, họ gọi trực thăng đem đến cho chúng tôi trái cây tươi và thuốc lá …
Hoàng cơ Lân (bìa trái) và cố vấn Mỹ
Guerres & Histoire: Ông có tham dự những cuộc hành binh lớn của Hoa Kỳ giai đoạn 1965-1967?
Hoàng Cơ Lân: Có. Khi đó tôi lên thiếu tá. Sư đoàn Dù VNCH phối hợp với Sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ (First Cav là đại đơn vị không vận đầu tiên) – không xe cộ nhưng 3, 4 trăm trực thăng! Thật đáng gờm. Là năm 1966, chúng tôi giành lại Trung phần từ tay Việt Cộng. Sư đoàn Dù VN quét từ Nam lên Bắc, Sư đoàn Không Kỵ Mỹ quét từ Bắc xuống Nam. Schwarzkopf vẫn là cố vấn trưởng của chúng tôi.
Đánh nhau đẫm máu, y như trong chiến tranh Thái Bình Dương, phải lôi kẻ thù ra khỏi từng chiếc hố bằng lựu đạn… Tôi băng bó cho cả thương binh Mỹ vì các đơn vị trộn trấu khi quần thảo. Tôi nhớ một thương binh Mỹ không ngừng gọi mẹ, ‘‘Mum…’’… ‘‘Mum…’’ Trước lúc chết, anh ta mang bản năng của một đứa trẻ.
Guerres & Histoire: Lính Việt không có phản ứng đó?
Hoàng Cơ Lân: Không. Chúng tôi, lính Việt câm mồm khi chết! [Cười.]
Gào la gọi Mẹ là thuần tính cách Hoa Kỳ. Tôi chăm lo thương binh còn cứu được. Các tuyên úy Công giáo và Phật giáo chăm lo linh hồn kẻ sắp ra đi.
Guerres & Histoire: Tải thương cách nào?
Hoàng Cơ Lân: Đầu tiên bằng xe GMC, rồi bằng vận tải cơ Fairchild C-123 Provider. Khoảng 1964-1965, Hoa Kỳ bắt đầu tải thương bằng trực thăng. Với các thương binh tải thương cách này, chúng tôi hứng chịu 8% tử vong. Phía Hoa Kỳ dồi dào phương tiện hơn chúng tôi gấp bội, thì tử vong 6%. Quân y VNCH sánh ngang với họ! Quân y Hoa Kỳ không ưỡn ngực khi đứng cạnh chúng tôi, vì y sĩ VNCH nhiều kinh nghiệm hơn họ. Y sĩ Hoa Kỳ chỉ phục vụ 1 năm ngoài chiến trường, còn chúng tôi biền biệt …‘‘mút chỉ Cà Tha’’!
(6) Đại tá Hoàng Cơ Lân trả lời phỏng vấn bằng Pháp văn: ‘‘Nous, c’était perpète!’’. Chữ ‘‘perpète’’ trong tiếng Pháp mang tính vui nhộn có nghĩa ‘‘tràng giang, mãi mãi, không chấm dứt…’’ Mạn phép ông dịch thành…‘‘mút chỉ Cà Tha’’ cho phù hợp với ngôn ngữ hài hước của quân dân miền Nam trước 75.
(còn tiếp 1 kỳ)
Phụ chú của nguyệt san Guerres & Histoire
First Cavalry Division (Airmobile) ban đầu là một lữ đoàn trực thăng vận thành lập năm 1965. Sau đó cải danh thành Sư đoàn 1 Không Kỵ với cấp số 14,650 binh sĩ, 1,600 quân xa và 434 trực thăng. Sư đoàn 1 Không Kỵ tham chiến ở Việt Nam từ tháng 10-1965 đến tháng 8-1972, thiệt hại 32,036 chết và bị thương – số thương vong nhiều hơn tất cả các sư đoàn Mỹ khác, kể cả Thủy quân Lục chiến.
C-123 Provider là máy bay vận tải 2 động cơ cánh quạt có sức chứa 60 lính hoặc 50 cáng thương với thương binh và 6 y tá, hoặc 11 tấn quân dụng. Vào năm 1971 Không lực VNCH có 64 chiếc. Đặc điểm là có thể đáp và cất cánh trên phi đạo ngắn không cần tráng xi-măng. Vận tốc tối đa 367 km/g, tầm xa 1,600 km.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét