Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 6//1/2023 - ĐHL


Ukraina bác bỏ đề xuất ngừng bắn tạm thời của Nga nhân dịp Giáng sinh Chính thống giáo Ukraina đã bác bỏ đề xuất mà Nga đưa ra về việc ngừng bắn tạm thời trong dịp lễ Giáng sinh Chính thống giáo. "Nga phải rời khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng — chỉ khi đó mới có một 'sự ngừng bắn tạm thời'. Hãy đạo đức giả một mình đi", Mykhailo Podolyak — Cố vấn Tổng thống Ukraina — cho biết trên Twitter sau khi Nga kêu gọi ngừng bắn nhân dịp Giáng sinh Chính thống giáo. "Ukraina không tấn công lãnh thổ nước ngoài và không giết dân thường. Như Nga đã làm. Ukraina chỉ tiêu diệt các thành viên của quân đội chiếm đóng trên lãnh thổ của mình", ông Podolyak nói thêm.
<!>
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ngừng bắn trong 36 tiếng ở Ukraina nhân lễ Giáng sinh của Chính thống giáo, đồng thời kêu gọi phía Ukraina hành động tương tự.

Tổng thống Nga Putin ra lệnh ngừng bắn ở Ukraina trong lễ Giáng sinh Chính thống giáo


Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ngừng bắn trong 36 tiếng ở Ukraina nhân lễ Giáng sinh của Chính thống giáo.

"Xét đến lời kêu gọi của Đức Thượng phụ Kirill, tôi chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đưa ra lệnh ngừng bắn dọc theo toàn bộ tuyến tiếp xúc giữa các bên tại Ukraina từ 12:00 ngày 6/1/2023 đến 24:00 ngày 7/1/2023", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 5/1/2023.

Giáng sinh Chính thống giáo được tổ chức theo lịch Julius. Ngày 25/12 theo lịch Julius hiện đang tương ứng với ngày 7/1 theo lịch Gregorius (Dương lịch) được sử dụng tại hầu hết các nơi trên thế giới.

"Dựa trên thực tế là một số lượng lớn công dân theo Chính thống giáo sống trong các khu vực giao tranh, chúng tôi kêu gọi phía Ukraina tuyên bố ngừng bắn và cho họ cơ hội tham dự các buổi lễ vào đêm Giáng sinh, cũng như vào Ngày Chúa giáng sinh",tuyên bố nói thêm.

Thượng phụ Kirill của Matxcơva và Toàn nước Nga — nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Nga — trước đó vào cùng ngày đã kêu gọi cả hai bên giao tranh thực hiện ngừng bắn vào dịp Giáng sinh.

Mỹ và Đức đồng loạt gửi xe chiến đấu bọc thép tới Ukraine


Trong cuộc điện đàm hôm 5/1, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Schulz đã thảo luận về “quyết tâm chung” của hai nước trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine để chiến đấu chống lại quân đội Nga, theo một tuyên bố của Nhà Trắng.

“Vì mục đích này, Hoa Kỳ dự định cung cấp cho Ukraine Xe chiến đấu bộ binh Bradley [BFV] và Đức sẽ cung cấp cho Ukraine Xe chiến đấu bộ binh Marder. Cả hai nước đều có kế hoạch huấn luyện lực lượng Ukraine trên các hệ thống tương ứng”, theo tuyên bố của Nhà Trắng.

Vào ngày 29/12, ông Biden đã ký một dự luật tài trợ trị giá 1,7 nghìn tỷ USD để duy trì hoạt động của chính phủ liên bang cho năm tài khóa 2023. Dự luật này bao gồm gồm khoản viện trợ bổ sung trị giá 45 tỷ USD cho Ukraine. Khoản viện trợ được công bố vào ngày 5/1 đại diện cho phần đầu tiên của gói viện trợ.

Tổng thống Biden nói với các phóng viên hồi đầu tuần này rằng, ông đang cân nhắc việc cung cấp cho Ukraine Xe chiến đấu bọc thép Bradley. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ tăng cường viện trợ cho đất nước ông.

Ngày 4/1, Pháp tuyên bố sẽ gửi xe chiến đấu bọc thép AMX-10 RC tới Ukraine.

Đức cũng cho biết vào ngày 5/1 rằng, nước này sẽ cùng với Hoa Kỳ cung cấp hệ thống phòng không Patriot (do Mỹ sản xuất) cho Ukraine.

Tháng 12/2022, Nhà Trắng thông báo rằng, Mỹ sẽ gửi hệ thống phòng không Patriot để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
“Trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái mà Nga đang tiến hành nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine, Tổng thống Biden và Thủ tướng Scholz khẳng định mong muốn tăng cường hỗ trợ yêu cầu cấp thiết của Ukraine về năng lực phòng không”, tuyên bố của Nhà Trắng đề cập đến việc Mỹ gửi hệ thống Patriot cho Ukraine.

Vào ngày 4/1, ông Zelenskyy đã gửi lời cảm ơn Pháp về việc nước này gửi xe chiến đấu bọc thép AMX-10 RC cho Ukraine. Đồng thời, ông Zelenskyy cũng kêu gọi các nước đồng minh khác gửi xe tăng và các vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Trước thông báo của ông Biden và Thủ tướng Scholz, Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng, sự đóng góp của Pháp sẽ đưa Ukraine xích lại gần hơn với chiến thắng, “đặc biệt là khi Mỹ (và có thể là Đức) gửi xe chiến đấu bọc thép AMX-10 RC cho Ukraine”.
Theo giới chức Mỹ, việc Washington cung cấp các phương tiện chiến đấu bộ binh cho Ukraine sẽ giúp Kyiv nhận được xe tăng từ phương Tây. Các loại xe tăng này vốn cơ động hơn, chính xác hơn và có tầm bắn xa hơn so với xe tăng thời Liên Xô cũ hiện đang được quân đội Ukraine sử dụng.

Ukraine đã kêu gọi phương Tây tăng cường viện trợ xe chiến đấu bộ binh, xe tăng và các loại vũ khí khác để giúp nước này đánh chặn các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố và cơ sở hạ tầng dân sự của mình.

Xe chiến đấu Bradley không phải là xe tăng, mà là xe bọc thép di chuyển trên đường ray và có tháp pháo quay tự do được gắn với vũ khí.

Bradley có một khẩu súng chính nhỏ hơn so với xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất. Ngoài ra, tầm bắn của M1 Abrams là 24 km và tầm bắn của Bradley là gần 7 km.

"'Xe chiến đấu Bradley' không phải là một chiếc xe tăng, nhưng nó có thể là một sát thủ xe tăng", Trung tướng đã nghỉ hưu Mark Hertling, cựu tướng chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ tại Châu Âu, viết trên Twitter.

Vào ngày 3/1, ông Zelenskyy tuyên bố rằng Nga đang huy động một cuộc tấn công quy mô lớn mới vào đầu năm 2023.

Chỉ huy quân sự cấp cao của Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, đã tuyên bố vào tháng 12/2022 rằng, Nga có thể tăng cường nỗ lực chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine sớm nhất là vào tháng 1/2023.

Ông Zelenskyy nói: “Không có lý do hợp lý nào giải thích tại sao Ukraine vẫn chưa được cung cấp xe tăng từ phương Tây".

Ấn Độ phát hiện 11 dòng phụ của chủng Omicron ở du khách quốc tế


Ngày 5/1, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đã phát hiện thấy 11 dòng phụ của biến chủng Omicron ở du khách quốc tế, những người đã đến quốc gia thuộc vùng Nam Á này trong khoảng thời gian từ ngày 24/12/2022 đến ngày 3/1/2023, theo tờ India Herald.

Cụ thể, trong số 19.227 hành khách thực hiện xét nghiệm COVID-19 trong giai đoạn này có 124 người phát hiện dương tính. Trong số các dòng phụ được phát hiện có BA.5.2 và BF.7 vốn đang lây lan tại Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Chính phủ Ấn Độ đã thắt chặt quy định nhập cảnh khi bắt buộc xét nghiệm đối với những người đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. Trước đó, Ấn Độ chỉ tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên đối với 2% số hành khách quốc tế đến quốc gia này.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, các dòng phụ BA.5.2 và BF.7 của biến thể Omicron đang là những dòng gây bệnh chủ đạo ở nước này. Cả hai dòng phụ này gây ra khoảng 97,5% số ca mắc mới tại Trung Quốc.

Hiện số ca mắc COVID-19 mới tại Trung Quốc có chiều hướng tăng sau khi nước này cho phép gỡ bỏ nhiều hạn chế và nới lỏng các quy định ứng phó với dịch.

Theo mô hình của công ty phân tích sức khỏe Airfinity của Anh, có tới 15.000 người chết mỗi ngày vì nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc.

Ước tính mới nhất của công ty có trụ sở tại London, được cập nhật vào ngày 4/1), cho thấy số ca nhiễm hàng ngày ở quốc gia đông dân nhất thế giới là 2,27 triệu và số ca tử vong hàng ngày là 14.700. Nhóm dự đoán làn sóng COVID toàn quốc đầu tiên của Trung Quốc có thể sẽ đạt đỉnh vào ngày 13/1 với 3,7 triệu ca mỗi ngày.

Sau khi Trung Quốc tuyên bố mở cửa từ ngày 8/1, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã yêu cầu người từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi nhập cảnh.

Trong bối cảnh đó, ngày 3/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh lên tiếng chỉ trích các hạn chế COVID-19 của một số quốc gia đối với du khách từ Trung Quốc, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả tương ứng.

Các tỷ phú công nghệ mất khoảng 433 tỷ USD trong năm 2022


Giá cổ phiếu lao dốc khiến tài sản những tỷ phú công nghệ như Elon Musk, Jeff Bezos hay Bill Gates giảm mạnh, theo ước tính mất khoảng 433 tỷ USD trong năm 2022 vừa qua.

Elon Musk (mất 132 tỷ USD, còn 139 tỷ USD): CEO Tesla, SpaceX và Twitter đã có thời điểm mất vị trí người giàu nhất thế giới sau khi cổ phiếu Tesla lao dốc gần 70% suốt năm. Ngoài ra, Tesla còn đối mặt khó khăn liên quan đến chi phí vật liệu sản xuất. Vị tỷ phú này còn bán cổ phiếu Tesla để trang trải thương vụ mua lại Twitter. Việc tỷ phú công nghệ quá tập trung vào mạng xã hội khiến nhiều nhà đầu tư vào Tesla lo lắng. Khối tài sản bị mất của ông Elon Musk trong năm thậm chí cao hơn tài sản của những tỷ phú khác.

Jeff Bezos (mất 84,1 tỷ USD, còn 108 tỷ USD): Cổ phiếu Amazon, công ty do ông Jeff Bezos đồng sáng lập, đã giảm gần 50% trong cả năm. Tuy đã từ chức CEO, ông Bezos vẫn là cổ đông lớn nhất với Amazon. Công ty này đối mặt tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng chậm khi đại dịch COVID-19 bớt căng thẳng khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến giảm. Bên cạnh đó, Amazon cũng trải qua đợt cắt giảm nhân sự trên diện rộng với khoảng 10.000 người.

Mark Zuckerberg (mất 80,7 tỷ USD, còn 44,8 tỷ USD): Từ vị trí thứ 6, người đồng sáng lập Facebook đã rơi xuống thứ 25 trong danh sách người giàu nhất thế giới. Sau khi đổi tên thành Meta, công ty chuyển hướng tập trung sang vũ trụ ảo metaverse. Số tiền đầu tư quá lớn khiến mảng Reality Labs của Meta thua lỗ. Ngoài ra, sự cạnh tranh từ phía TikTok và các app tương tự khiến doanh thu Meta suy giảm trong 2 quý đầu năm. Để cắt giảm chi phí, công ty này đã tuyên bố kế hoạch sa thải 11.000 nhân sự.

Larry Page (mất 44,6 tỷ USD, còn 83,8 tỷ USD) và Sergey Brin (mất 43,4 tỷ USD, còn 80,2 tỷ USD): Các nhà sáng lập Google mất tổng cộng 88 tỷ USD tài sản trong năm. Dù không còn giữ vị trí điều hành từ năm 2019, Page và Brin vẫn giữ quyền lực lớn nhờ kiểm soát đa số cổ phiếu biểu quyết đặc biệt. Trong năm mà ngành quảng cáo trực tuyến gặp khó khăn, Alphabet đã hạn chế tuyển dụng, đóng cửa các dịch vụ không hiệu quả như Stadia.

Bill Gates (mất 28,7 tỷ USD, còn 109 tỷ USD): Mức giảm tài sản của người đồng sáng lập Microsoft khoảng 20%, gần bằng tỷ lệ suy giảm của chỉ số S&P 500 từ đầu năm. Ông Gates đầu tư vào nhiều lĩnh vực, trong đó giá trị nhất vẫn là cổ phiếu Microsoft với mức giảm 30% trong năm. Hãng công nghệ ghi nhận doanh thu dịch vụ đám mây tăng 24%, còn doanh thu hệ điều hành Windows giảm 15%.

Apple mất 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường trong 1 năm


Apple đã mất 1 nghìn tỷ USD giá trị thị trường trong 1 năm vừa qua, trong khi công ty công nghệ này phải đối mặt với đợt sụt giảm giá cổ phiếu mạnh. Vấn đề với chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty.

Vốn hóa thị trường của gã khổng lồ công nghệ đã giảm xuống dưới 2 nghìn tỷ USD vào ngày 03/01, lần đầu tiên kể từ tháng 05/2021, một năm kể từ ngày nó trở thành công ty giao dịch công khai đầu tiên ở Thung lũng Silicon được định giá 3 nghìn tỷ USD.

Cổ phiếu của Apple Inc. đã giảm 3,7% trong ngày 03/01, do xuất hiện tin tức về việc nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của công ty suy yếu.

Việc mất giá đã xóa sạch 85 tỷ USD giá trị thị trường của nhà sản xuất điện thoại thông minh.

Giống như các công ty công nghệ lớn khác, Apple đang phải đối mặt với những khó khăn trong chuỗi cung ứng và nỗi lo suy thoái kinh tế, những thứ tác động xấu tới các nhà quảng cáo và chi tiêu của người tiêu dùng.

Nikkei Asia đã đưa tin vào ngày 02/01 rằng Apple đang nhận thấy nhu cầu suy yếu, đặc biệt là đối với một số thiết bị phổ biến nhất của hãng như MacBook, AirPods và Apple Watch.

Công ty được cho là đã thông báo cho một số nhà cung cấp để sản xuất ít bộ phận hơn cho những mặt hàng đó trong quý đầu tiên năm 2023.

“Apple đã cảnh báo chúng tôi về việc giảm đơn đặt hàng đối với hầu hết các dòng sản phẩm kể từ quý kết thúc vào tháng 12, một phần do nhu cầu không mạnh như vậy”, một quản lý tại một nhà cung cấp của Apple nói với Nikkei Asia.

Các nhà phân tích cũng lo ngại về mức độ phổ biến của các sản phẩm mới của Apple và khó khăn mà hãng gặp phải với các lô hàng iPhone 14 trong mùa mua sắm quan trọng sau khi nhà cung cấp chính của hãng ở Trung Quốc gặp phải gián đoạn liên quan đến đại dịch. Logo của công ty Apple được treo phía trên một cửa hàng bán lẻ của Apple vào ngày 28/11/2022 tại Chicago, Illinois, Mỹ. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)
Vấn đề với chuỗi cung ứng Trung Quốc

Apple cho biết họ đã chứng kiến “nhu cầu mạnh mẽ” đối với các thiết bị iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max nhưng dự kiến sẽ có ít lô hàng hơn dự đoán do các biện pháp phong tỏa của chính quyền Trung Quốc.

Công ty phải đối mặt với việc giảm sản lượng sản xuất từ các nhà máy ở Trung Quốc, dẫn đến tồn đọng các đơn đặt hàng.

Điều này dẫn đến thời gian chờ đáng kể để khách hàng có thể chạm tay vào các mẫu iPhone Pro phổ biến, làm ảnh hưởng đến thu nhập dịp lễ của Apple vào tháng trước.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, Foxconn, đã bị gián đoạn vào tháng 10, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành các biện pháp phong tỏa do đại dịch, theo sau đó là các cuộc biểu tình rầm rộ của công nhân.

Bất chấp thông tin từ phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng hoạt động vận hành hiện được cho là đang đạt tới gần 90% công suất tại nhà máy Foxconn, thời gian chờ giao hàng cho một chiếc iPhone 14 Pro vẫn còn khoảng hai tuần, theo trang web của Apple, CNN đưa tin.

Phó tổng giám đốc của nhà máy Wang Xue nói với Nhật báo Hà Nam: “Hiện tại, các đơn đặt hàng có vẻ tốt và các đơn đặt hàng sẽ đạt đỉnh từ bây giờ cho đến vài tháng sau Tết Nguyên đán”.

Nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush Securities cho biết, sự gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc đã khiến Apple mất khoảng 1 tỷ USD mỗi tuần do thiếu hụt doanh số bán iPhone chỉ trong tháng 11.

Apple gần đây đã đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

Công ty công nghệ này đã nói với các nhà cung cấp rằng họ có kế hoạch chuyển một số dây chuyền lắp ráp sản phẩm của mình sang các nước như Ấn Độ và Việt Nam.

“Việc chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc sẽ không dễ dàng và đi kèm với những rào cản rõ ràng về hậu cần, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng khi việc chuyển hướng mạnh mẽ sang Ấn Độ và Việt Nam hiện đang bắt đầu với hệ sinh thái Apple được cảnh báo”, ông Ives viết vào ngày 04/12.

Ông nói rằng nếu Apple quyết định thực hiện một động thái nghiêm túc, hơn 50% hoạt động sản xuất iPhone toàn cầu của họ có thể được chuyển đến hai quốc gia đó vào năm tài chính 2025/2026.
Thiệt hại nặng nề của các công ty công nghệ lớn

Mặc dù cổ phiếu của Apple gần đây đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, nhưng các gã khổng lồ công nghệ khác cũng phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề.

Giá trị thị phần của Amazon và Meta lần lượt giảm khoảng 50% và khoảng 70% trong năm qua.

Trong khi đó, Apple chỉ mất khoảng 30% giá trị trong cùng kỳ.

Không có nhận xét nào: