Người dân sắp hàng mua vé số ở Florida. (Hình: Getty Images)
Hoa Kỳ: - Vẫn còn cơ hội để thành tỉ phú! Không ai trúng lô độc đắc tối hôm qua, Thứ Tư, trị giá Powerball tăng lên tới $1.5 tỷ! Cơn sốt xổ số tăng nhiệt độ, nóng lên khắp nơi! Sự hồi hộp chờ đợi đầy hứng khởi về cuộc xổ số Powerball tiếp tục kéo dài, sau khi không ai có đầy đủ các số trúng cho lô độc đắc trong lần xổ vào tối ngày Thứ Tư, 2 Tháng Mười Một, theo bản tin của hãng thông tấn AP.Điều này có nghĩa là trị giá lô độc đắc Powerball trong lần xổ tới, vào tối ngày Thứ Bảy, sẽ lên tới mức $1.5 tỷ.
Các số trúng tối hôm Thứ Tư là 2, 11, 22, 35, 60 và 23 (banh đỏ powerball).
Trị giá mới của lô độc đắc Powerball này sẽ lớn hàng thứ ba trong lịch sử xổ số Mỹ. Trị giá kỷ lục của Powerball cho tới nay là $1.586 tỷ cho lần xổ vào năm 2016, với ba vé trúng.
Các lần xổ số với trị giá độc đắc lên tới cả trăm triệu đô la hay nhiều hơn nữa nay ngày càng thấy thường xuyên hơn, do các cơ quan điều hành thay đổi luật lệ và giá mua vé để đẩy lô độc đắc lên cao hơn nữa. Hồi Tháng Tám vừa qua, các giới chức điều hành Powerball đưa ra thêm một ngày xổ số nữa, lên thành ba lần trong một tuần thay vì hai như trước để tăng số bán và tăng trị giá.
Tuy con số trị giá lô độc đắc Powerball xổ tối ngày Thứ Bảy tuần này được ước tính vào khoảng $1.5 tỷ, con số này chỉ là cho những người chấp nhận lãnh dần dần trong 29 năm. Người nào muốn lãnh tiền một lần tức thời sẽ chỉ nhận được khoảng $745.9 triệu.
Từ ngày 3 Tháng Tám tới nay chưa có vé nào có được cả 6 số trúng, nghĩa là có 39 lần xổ liên tiếp mà không có người may mắn ôm trọn lô độc đắc, một điều cũng cho thấy cơ hội ít ỏi trúng số, vốn chỉ là 1 trong 292.2 triệu.
Vé số Powerball được bán tại 45 tiểu bang, cùng với Washington, DC, Puerto Rico và US Virgin Islands.
Tình Hình Chiến Sự:
Nga Tham Gia Trở Lại Thỏa Thuận Xuất Cảng Ngũ Cốc Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã mang lại kết quả. Hôm 2/11/2022, chính quyền Nga thông báo trở lại Thỏa thuận Sáng kiến Hắc Hải, cho phép bảo đảm an ninh cho hoạt động xuất cảng lương thực Ukraine qua Biển Đen.
Hãng tin AFP dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga, theo đó: “Nga cho rằng các bảo đảm nhận được cho đến hiện tại dường như đã đủ, và quyết định thực thi trở lại thỏa thuận”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan xác nhận việc nối lại các hoạt động xuất cảng lương thực Ukraine qua ngả Biển Đen kể từ trưa hôm nay.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết cụ thể: “Nhờ sự can dự của một tổ chức quốc tế, cũng như nhờ vào sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, (Nga đã nhận được) các bảo đảm bằng văn bản, cần thiết, từ phía Ukraine về việc không sử dụng hành lang nhân đạo, và các cảng của Ukraine được chỉ định để xuất cảng sản phẩm nông nghiệp vào các hành động thù địch chống lại Nga”.
Trước đó, vào tối 1/11, theo thông báo của Trung tâm Điều phối Chung quốc tế (JCC), phụ trách việc thực thi Sáng kiến Hắc Hải, toàn bộ việc đi lại của tàu chở ngũ cốc ở khu vực Biển Đen phải ngừng hoạt động kể từ hôm nay, 2/11/2022. Ðiện Cẩm Linh đã cảnh báo tàu Ukraine sẽ gặp “nguy hiểm”, khi tiếp tục sử dụng hành lang nối liền các cảng biển miền Nam Ukraine với eo biển Bosphore (Thổ Nhĩ Kỳ), cửa ngõ ra Địa Trung Hải, nếu không có sự đồng thuận của Nga.
Ngày 1/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án “quyết định đơn phương của Nga một lần nữa lại đe dọa an ninh lương thực toàn cầu”, sau cuộc điện đàm với đồng nhiệm Ukraine Volodymir Zelensky. Theo Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky, cần có “một phản ứng quốc tế nghiêm khắc chống lại mọi biện pháp cản trở xuất cảng thực phẩm Ukraine”. 45 quốc gia, trong đó có 33 nước Phi Châu, phụ thuộc vào lương thực đến từ Ukraine.
Ngày 1/11, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ - đồng bảo trợ Sáng kiến Hắc Hải cùng với Liên Hiệp Quốc - tiếp tục các nỗ lực ngoại giao. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recip Erdogan đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga Vladimir Putin về chủ đề này. Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố “tin tưởng” vào khả năng đạt được một giải pháp.
Nga Cáo Buộc Tình Báo Anh, Đứng Sau Cuộc Tấn Công của Ukraine, Nhắm Vào Căn Cứ Sebastopol
- Ngày 2/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Mạc Tư Khoa cáo buộc tình báo Anh hỗ trợ Ukraine trong cuộc tấn công vào căn cứ Hải quân Nga kiểm soát tại Sebastopol, bán đảo Crimea của Ukraine, mà Nga sáp nhập từ năm 2014. Chính phủ Anh tố cáo Nga “đánh lạc hướng” công luận.
Theo thông tấn xã AFP, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, Dmitri Peskov hôm 1/11 tuyên bố: “Các cơ quan tình báo của chúng tôi có các bằng chứng cho thấy cuộc tấn công này đã được các chuyên gia quân sự Anh chỉ huy và tổ chức”. Vụ tấn công với các drone của Ukraine nhắm vào Hạm đội Nga tại Sebastopol ngày 29/10 gây chấn động.
Nga đã quyết định trả đũa bằng cách không khích ồ ạt vào nhiều cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, đồng thời tạm thời rút khỏi thỏa thuận Sáng kiến Hắc Hải. Thỏa thuận này có mục đích bảo đảm an toàn cho tàu xuất cảng lương thực của Ukraine qua Biển Đen.
Nga cáo buộc Ukraine “sử dụng hành lang an toàn” để tổ chức cuộc tấn công và một drone bị coi là cất cánh từ một “tàu dân sự” hoạt động trên hành lang này.
Phát ngôn viên của tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 1/11, ngay lập tức đã bác bỏ các cáo buộc và cho rằng chính quyền Nga làm như vậy để “đánh lạc hướng”, và đây là “các biện pháp quen thuộc” của Nga.
Ngoại trưởng Anh James Clevery cũng phản bác một cáo buộc khác của phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, khẳng định chuyên gia quân sự Anh tổ chức và điều phối cuộc tấn công phá hoại nhắm vào hai đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2 hồi tháng Chín. Theo Ngoại trưởng Anh, các cáo buộc của Nga “đang ngày càng hoàn toàn tách rời khỏi thực tế”, với mục tiêu là để “kéo sự chú ý của dân Nga khỏi các thất bại của Nga trên chiến trường” tại Ukraine.
Ukraine: Cuộc Sống Tại Nhiều Nơi Được "Giải Phóng" Vẫn Ngột Ngạt, Chưa Trở Lại Bình Thường
- Ngày 2/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay quân đội Ukraine chuẩn bị tiếp tục phản công tại mặt trận miền Đông, theo trục Kharkiv-Izioum-Lyman. Tình hình ở mặt trận này không tiến triển kể từ đầu tháng 10.
Thị trấn nhỏ Kozatcha Lopan nằm ở phía Bắc Kharkiv đã được Ukraine giải phóng hôm 11/9, tuy nhiên cuộc sống của hàng ngàn cư dân ở đây dường như còn lâu mới trở lại bình thường. Từ Kozatcha Lopan, đặc phái viên Anastasia Becchio và Boris Vichith của Đài RFI gửi về bài phóng sự:
Tiếng đạn pháo vang vọng đến sảnh tòa thị chính, các lối vào đều được bảo vệ bằng bao cát. Khoảng 10 người đang chờ được phân phát lương thực. Nhà của bà Nadiia, 60 tuổi, có nhiều cửa sổ bị hất tung và mái nhà bị hư hại do mảnh đạn pháo.
Bà nói: “Chúng tôi sợ. Hôm qua cũng có bắn phá, hôm kia cũng vậy. Chúng tôi ẩn náu trong tầng hầm của nhà. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi ngủ trong nhà, nhưng mỗi khi nghe thấy tiếng bắn pháo, là chúng tôi đi trú ẩn”.
Những tiếng nổ ở phía xa không làm cho Oleksandr hoang mang. Ông đang xếp hàng xin giấy thông hành. Các lối ra vào của thị trấn đều được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ những người dân đã được cơ quan an ninh phỏng vấn và nhận được giấy thông hành mới có thể rời khỏi thị trấn.
Ông nói: “Bà có nghe thấy tiếng nổ không? Tôi có cảm giác thời gian gần đây ngày càng có nhiều tiếng nổ hơn. Từ 2-3 ngày nay, các tiếng nổ thậm chí còn dồn dập hơn. Cũng có những khoảnh khắc bình yên, nhưng giờ thì chúng tôi cảm thấy căng thẳng”.
Viktor, 63 tuổi, thì phàn nàn về việc điện, nước và khí đốt vẫn chưa được khôi phục tại khu vực ông sống.
Ông cho biết: “Chúng tôi không thể tắm rửa, cạo râu. Họ đang làm gì vậy? Chúng tôi phải nạp điện cho điện thoại ở những nhà có điện. Hiện giờ là tháng 11, chúng tôi cần điện và khí đốt”.
Viện trợ nhân đạo mà mọi người mong đợi sẽ không tới vào hôm nay, con phố chính vắng tanh và tiếng nổ thì ngày càng lớn.
Pháp Tổ Chức “Hội Nghị Quốc Tế”, Huy Động Viện Trợ Giúp Ukraine Vượt Qua Mùa Đông Năm Nay!
- Ngày 2/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay quốc tế tiếp tục hậu thuẫn Ukraine trong cuộc chiến chống Nga xâm lăng.
Hôm 1/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Ukraine - Volodymir Zelensky - có cuộc điện đàm. Pháp dự kiến tổ chức một hội nghị quốc tế tại Paris vào tháng tới để huy động các hỗ trợ cho Ukraine.
Trong cuộc điện đàm hôm 1/11, hai Tổng thống Pháp và Ukraine nói đến “một hội thảo quốc tế nhằm giúp các khu vực dân sự của Ukraine có đủ sức chống chịu trong mùa Đông sắp tới”, dự kiến tổ chức vào ngày 13/12/2022. Điện Elysée cho biết cụ thể là việc chuẩn bị cho hội nghị, cùng với các đối tác khác của Ukraine, “sẽ sớm được khởi động”.
Hãng tin Anh Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Pháp, cho biết thêm là hội nghị quốc tế này “cũng có mục tiêu xác định một phương pháp làm việc và thiết lập một mạng lưới gồm Ukraine và các nhà tài trợ nhằm bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của Ukraine và khả năng hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”. Cụ thể, Paris với sự hậu thuẫn của nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, sẽ tập trung cung cấp cho Ukraine máy phát điện, các thiết bị chạy điện, đèn điện, lò sưởi, nhiên liệu, vật liệu cách nhiệt cho nơi.
Vẫn theo phủ Tổng thống Pháp, Paris và Kyiv sẽ tổ chức một hội nghị song phương vào ngày 12/12, nhằm huy động sự tham gia của các doanh nghiệp Pháp.
Liên Hiệp Âu Châu, trong đó có phần đóng góp của nước Pháp, đã hỗ trợ Ukraine tổng cộng khoảng 22 tỉ Mỹ kim.
Trong cuộc điện đàm hôm qua với Tổng thống Ukraine, Tổng thống Pháp một lần nữa nhấn mạnh đến việc nước Pháp sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, “đặc biệt về hệ thống phòng không”.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua trong chuyến công du Nhật Bản đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Kishida Fumio. Theo đài Nhật NHK, hai bên cam kết “tiếp tục các trừng phạt mạnh mẽ nhắm vào Nga, và hậu thuẫn Ukraine để chấm dứt cuộc xâm lăng”. Đức hiện là Chủ tịch luân phiên nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất (G7). Năm tới Nhật Bản sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G7.
Ba Lan Sẽ Dựng Hàng Rào Dây Thép Gai ở Biên Giới, Với Kaliningrad của Nga
(Hình: Cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Belarus-Ba Lan hồi năm 2021.)
- Ba Lan sẽ xây dựng hàng rào dây thép gai ở biên giới với Kaliningrad của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng nước này cho biết hôm 2/11/2022, trong bối cảnh lo ngại rằng vùng lãnh thổ cách biệt này có thể trở thành đường dẫn cho di cư bất hợp pháp.
Việc xây dựng hàng rào tạm thời cao 2,5 mét và sâu 3 mét sẽ bắt đầu ngay lập tức, ông Mariusz Blaszczak phát biểu trong một cuộc họp báo.
Với căng thẳng gia tăng do cuộc chiến ở Ukraine, ông viện dẫn những lo ngại về an ninh và đề cập đến cuộc khủng hoảng bùng nổ vào mùa Thu năm 2021 khi hàng ngàn người di cư Phi Châu và Trung Đông cố gắng băng qua biên giới Belarus vào Ba Lan, một số người trong số họ đã chết.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Lực lượng Biên phòng Ba Lan cho biết không có vụ xâm nhập bất hợp pháp nào từ Kaliningrad vào Ba Lan trong tháng 10.
“Biên giới Ba Lan-Nga ổn định và yên tĩnh. Không có vụ vượt biên trái phép nào”, bà Anna Michalska nói.
“Chúng tôi không chỉ có mặt ở đó trong thời bình. Chúng tôi đã chuẩn bị cho các tình huống khủng hoảng khác nhau và sau những gì xảy ra ở biên giới Ba Lan-Belarus, chúng tôi thậm chí còn chuẩn bị tốt hơn cho mọi thứ, bất chấp các kịch bản xấu nhất”, bà nói thêm.
Liên Hiệp Âu Châu (EU) vào thời điểm đó đã cáo buộc Belarus – đồng minh thân cận của Nga – đã đẩy di dân đến, kế hoạch nằm trong chiến dịch chiến tranh hỗn hợp nhằm gây bất ổn cho Âu Châu. Minsk phủ nhận họ có hành động sai trái.
Bộ trưởng Blaszczak cho biết hàng rào Kaliningrad sẽ tương tự như hàng rào mà Ba Lan dựng lên dọc biên giới với Belarus năm 2021.
Tạp chí kinh doanh trực tuyến Russia Briefing đưa tin hồi tháng trước rằng Kaliningrad đang tìm cách thu hút các hãng hàng không từ Vùng Vịnh và Á Châu theo chính sách bầu trời mở mới.
Vùng đất riêng biệt này, nơi Nga có sự hiện diện quân sự lớn, nằm trên bờ biển Baltic giữa Ba Lan và Litva và được ngăn cách với Belarus bởi một hành lang biên giới.
Nga Nói, Ưu Tiên Tránh Đụng Độ Chiến Tranh Nguyên Tử Với Nhóm Ngũ Cường!
(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi các cuộc diễn tập thử nghiệm năng lực răn đe chiến lược thông qua truyền hình hôm 26/10/2022.)
Hôm 2/11/2022, Nga nói rằng tránh đụng độ nguyên tử giữa các cường quốc nguyên tử trên thế giới là ưu tiên hàng đầu của họ, nhưng Mạc Tư Khoa cáo buộc phương Tây ‘khuyến khích khiêu khích với vũ khí hủy diệt hàng loạt’.
Các thủ đô phương Tây cho biết Mạc Tư Khoa là bên ngày càng có giọng điệu quyết liệt về nguyên tử kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng Hai – mới đây nhất là liên tục cáo buộc Kyiv có kế hoạch sử dụng ‘bom bẩn’ phóng xạ mà không trưng ra bằng chứng. Kyiv đã phủ nhận họ có kế hoạch nào như vậy.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ lo ngại năm nước đã công khai là cường quốc nguyên tử đang chao đảo trên ‘bờ vực của cuộc xung đột vũ trang trực tiếp’ và phương Tây phải ngừng ‘khuyến khích các hành động khiêu khích bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, vốn có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc’.
“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng trong tình hình phức tạp và hỗn loạn hiện nay, do các hành động vô trách nhiệm và thiếu cẩn trọng nhằm phá hoại an ninh quốc gia của chúng tôi gây ra, nhiệm vụ trước mắt nhất là tránh bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào của các cường quốc nguyên tử”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.
Mạc Tư Khoa cho biết họ vẫn tuân theo tuyên bố chung mà họ đưa ra cùng với Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp vào tháng 1 khẳng định trách nhiệm chung của họ để tránh chiến tranh nguyên tử.
“Chúng tôi hoàn toàn tái khẳng định cam kết của mình đối với tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo năm nước có vũ khí nguyên tử về việc ngăn chặn chiến tranh nguyên tử và tránh chạy đua vũ trang từ ngày 3/1/2022”, cơ quan này cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã vài lần đe dọa tấn công nguyên tử liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và Mạc Tư Khoa đã nhiều lần nói rằng học thuyết quân sự của họ cho phép sử dụng vũ khí nguyên tử nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa.
Hồi tháng Chín, ông Putin nói rằng ông ‘không nói chơi’ khi tuyên bố Nga đã chuẩn bị sử dụng ‘tất cả phương tiện có sẵn’ để bảo vệ lãnh thổ. Ông nói Mỹ đã tạo ra ‘tiền lệ’ vào cuối Đệ nhị Thế chiến khi thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.
Không lâu sau đó, ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo khu vực Chechnya và là đồng minh quan trọng của ông Putin, đã kêu gọi Nga sử dụng ‘vũ khí nguyên tử quy mô nhỏ’ ở Ukraine.
Mạc Tư Khoa cũng thường xuyên cáo buộc Kyiv tìm cách đắc thủ vũ khí nguyên tử, và cáo buộc vào đầu cuộc chiến rằng Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đã lên kế hoạch sử dụng Ukraine làm đầu cầu để đe dọa Nga – những cáo buộc mà Ukraine và NATO bác bỏ.
Tin Nói, Nga Tuyển Mộ Biệt Kích A Phú Hãn Do Mỹ Đào Tạo!
(Hình: Các binh sĩ lực lượng đặc biệt A Phú Hãn trong buổi lễ tốt nghiệp tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Kabul ngày 17/7/2021.)
Ba cựu tướng lĩnh A Phú Hãn nói với hãng tin AP rằng các binh sĩ lực lượng đặc biệt A Phú Hãn từng chiến đấu với lính Mỹ và sau đó chạy sang Iran sau khi Mỹ rút quân vào năm 2021 hiện đang được quân đội Nga tuyển dụng để chiến đấu ở Ukraine.
Họ cho biết người Nga muốn thu dụng hàng ngàn cựu biệt kích tinh nhuệ của A Phú Hãn vào ‘binh đoàn ngoại quốc’ với các khoản lương bổng ổn định 1.500 Mỹ kim/tháng và hứa hẹn về nơi trú ẩn an toàn để họ khỏi bị trục xuất về A Phú Hãn mà nhiều người sợ là sẽ bị Taliban tiêu diệt.
“Họ không muốn chiến đấu - nhưng họ không có lựa chọn nào khác”, một trong những tướng lĩnh vừa kể cho biết. Ông Abdul Raof Arghandiwal nói thêm rằng khoảng hơn chục lính biệt kích ở Iran mà ông đã nhắn tin đang lo sợ bị trục xuất. “Họ hỏi tôi, ‘Hãy cho tôi một giải pháp? Chúng tôi nên làm gì? Nếu chúng tôi quay trở lại A Phú Hãn, Taliban sẽ giết chúng tôi’.”
Ông Arghandiwal nói việc tuyển mộ do lực lượng lính đánh thuê Nga Wagner Group dẫn đầu. Một tướng khác, ông Hibatullah Alizai, tư lệnh quân đội A Phú Hãn cuối cùng trước khi Taliban nắm quyền, cho biết nỗ lực này cũng đang được giúp đỡ bởi một cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt A Phú Hãn sống ở Nga và nói được tiếng Nga.
Việc tuyển quân của Nga diễn ra sau nhiều tháng cảnh báo từ những người lính Mỹ từng chiến đấu với lực lượng đặc biệt A Phú Hãn rằng Taliban đang có ý định giết họ và họ có thể gia nhập với kẻ thù của Mỹ để duy trì sự sống hoặc vì tức giận với đồng minh cũ của mình.
Một báo cáo Quốc hội do phía đảng Cộng hòa đệ trình vào tháng Tám đã cảnh báo cụ thể về mối nguy hiểm mà các biệt kích A Phú Hãn - được huấn luyện bởi Lực lượng SEAL của Hải quân Hoa Kỳ và Lực lượng Mũ nồi xanh của Lục quân Mỹ - cuối cùng có thể tiết lộ cho Nhà nước Hồi giáo, Iran hoặc Nga thông tin về các chiến thuật của Hoa Kỳ hoặc có thể chiến đấu cho họ.
Ông Michael Mulroy, một sĩ quan Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã nghỉ hưu từng phục vụ tại A Phú Hãn, nói các biệt kích A Phú Hãn này có kỹ năng rất cao, là những người chiến đấu dũng mãnh. “Thành thật mà nói, tôi không muốn nhìn thấy họ trên bất kỳ chiến trường nào, mà đặc biệt là không phải chiến đấu chống lại người Ukraine”.
Tuy nhiên, ông Mulroy tỏ ra nghi ngờ rằng người Nga có thể thuyết phục nhiều biệt kích A Phú Hãn tham gia bởi vì hầu hết những người ông biết đều được thúc đẩy bởi mong muốn làm cho nền Dân chủ hoạt động ở đất nước của họ chứ không phải là lính đánh thuê.
Việc tuyển mộ diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Nga đang lao đao trước những bước tiến của quân đội Ukraine và Tổng thống Nga Vladimir Putin theo đuổi nỗ lực động viên quân đội, khiến gần 200.000 người Nga phải bỏ trốn khỏi đất nước để trốn nghĩa vụ.
Bộ Quốc phòng Nga không trả lời yêu cầu bình luận. Một phát ngôn viên của ông Yevgeny Prigozhin, người gần đây thừa nhận là sáng lập Tập đoàn Wagner, nói ý kiến về nỗ lực liên tục nhắm tuyển mộ các cựu binh sĩ A Phú Hãn là ‘điều vô nghĩa điên rồ’.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng không trả lời yêu cầu bình luận, nhưng một viên chức cấp cao cho rằng việc tuyển dụng này không có gì đáng ngạc nhiên vì Wagner đang cố gắng tuyển mộ binh sĩ ở một số quốc gia khác.
Không rõ có bao nhiêu thành viên lực lượng đặc biệt A Phú Hãn trốn sang Iran đã được Nga ve vãn, nhưng một người nói với hãng thông tấn AP rằng ông đang liên lạc qua WhatsApp với khoảng 400 lính biệt kích khác, những người đang cân nhắc đề nghị của Nga.
Ông nói rằng nhiều người như ông sợ bị trục xuất và tức giận Mỹ vì đã bỏ rơi họ.
“Chúng tôi nghĩ rằng họ có thể tạo ra một chương trình đặc biệt cho chúng tôi, nhưng không ai thậm chí nghĩ về chúng tôi”, cựu biệt kích yêu cầu giấu tên vì lo sợ cho bản thân và gia đình. “Họ chỉ bỏ lại tất cả chúng tôi trong tay của Taliban”.
Người lính biệt kích cho biết lời đề nghị mà ông nhận được bao gồm thị thực Nga cho bản thân, cho vợ và ba người con còn ở A Phú Hãn. Những người khác đã được đề nghị gia hạn thị thực của họ ở Iran. Ông cho biết ông đang chờ xem những người khác trong nhóm WhatsApp quyết định gì nhưng cho rằng nhiều người sẽ chấp nhận thỏa thuận.
Các cựu binh Mỹ từng chiến đấu với các lực lượng đặc biệt A Phú Hãn đã mô tả với hãng thông tấn AP gần một chục trường hợp, không có trường hợp nào được xác nhận độc lập, về việc Taliban đến từng nhà để tìm kiếm các biệt kích còn lại trong nước, tra tấn hoặc giết họ, hoặc hành động tương tự với các thành viên trong gia đình họ nếu không tìm ra tung tích họ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết hơn 100 cựu binh sĩ, sĩ quan tình báo và cảnh sát A Phú Hãn đã bị giết hoặc ‘biến mất’ chỉ ba tháng sau khi Taliban lên nắm quyền bất chấp những lời hứa ân xá. Liên Hiệp Quốc trong một báo cáo vào giữa tháng 10 đã ghi nhận 160 vụ giết người ngoài Tư pháp và 178 vụ bắt giữ các cựu viên chức chính phủ và quân đội.
Anh trai của một lính biệt kích A Phú Hãn ở Iran, người đã chấp nhận lời đề nghị của Nga, cho biết những lời đe dọa của Taliban khiến rất khó để từ chối. Ông cho biết em của ông đã phải ẩn náu trong ba tháng sau khi Kabul thất thủ, chạy trốn từ nhà người thân này sang nhà người quen khác trong khi Taliban lục soát nhà của ông.
“Em trai tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận lời đề nghị”, ông cho biết. “Đây không phải là một quyết định dễ dàng đối với nó”.
Cựu chỉ huy quân đội A Phú Hãn Alizai cho biết phần lớn nỗ lực tuyển mộ của Nga tập trung vào Tehran và Mashhad, một thành phố gần biên giới A Phú Hãn, nơi nhiều người đã chạy trốn. Không ai trong số các tướng lĩnh nói chuyện với AP, bao gồm cả một người thứ ba, Abdul Jabar Wafa, cho hay những người liên hệ của họ ở Iran biết có bao nhiêu người đã chấp nhận đề nghị của Nga.
“Bạn được huấn luyện quân sự ở Nga trong hai tháng, và sau đó bạn ra chiến tuyến”, một tin nhắn mà một cựu binh sĩ A Phú Hãn ở Iran gửi cho Arghandiwal. “Một số đã ra đi, nhưng họ hoàn toàn mất liên lạc với gia đình và bạn bè. Không có con số thống kê chính xác”.
Ước tính có khoảng 20.000 đến 30.000 lính đặc nhiệm A Phú Hãn đã chiến đấu với người Mỹ trong cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ, và chỉ có vài trăm sĩ quan cấp cao được cứu thoát khi quân đội Mỹ rút khỏi A Phú Hãn. Vì nhiều biệt kích A Phú Hãn không làm việc trực tiếp cho quân đội Hoa Kỳ nên họ không đủ điều kiện để được cấp thị thực đặc biệt của Mỹ.
“Họ là những người đã chiến đấu thực sự đến phút cuối cùng. Và họ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ nói chuyện với Taliban. Họ không bao giờ thương lượng”, ông Alizai nói. “Bỏ lại họ là sai lầm lớn nhất”.
Ba Tây:
Giải Tỏa Các Điểm Phong Tỏa của Cánh Tài Xế Ủng Hộ Ông Bolsonaro
(Hình: Cánh tài xế xe vận tải dựng chướng ngại vật trên các cao tốc ở Ba Tây để phản đối kết quả bầu cử Tổng thống.)
BRASILIA (VOA/Reuters) - Hôm 2/11/2022, giới chức Ba Tây cho biết họ đang đạt được bước tiến trong nỗ lực giải tỏa các điểm phong tỏa do các tài xế xe vận tải dựng lên trên khắp đất nước để phản đối thất bại sít sao của đương kim Tổng thống Jair Bolsonaro trước ứng viên cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai hôm 30/10.
Cảnh sát Cao tốc Liên bang Ba Tây (PRF) cho biết người biểu tình đã chặn một phần hoặc toàn bộ đường cao tốc ở 156 địa điểm tính đến sáng ngày 2/11, giảm từ 190 địa điểm vào đêm hôm trước. Các cuộc phong tỏa bắt đầu vào tối ngày 30/10 sau khi các phòng phiếu đóng cửa ở Ba Tây.
Mặc dù có quy mô nhỏ hơn so với những ngày trước, các cuộc biểu tình phong tỏa này vẫn có thể làm gián đoạn phân phối nhiên liệu, sản xuất thịt, giao thực phẩm đến các siêu thị và vận chuyển ngũ cốc đến các cảng.
Anvisa, cơ quan y tế quốc gia, cảnh báo rằng các cuộc phong tỏa này có thể dẫn đến thiếu vật tư y tế.
Cảnh sát cho biết 601 chướng ngại vật trên đường đã được dọn sạch trên khắp nước, mặc dù các con đường vẫn bị chặn hoặc bị chặn một phần ở 15 trong số 26 tiểu bang của Ba Tây, đáng chú ý nhất là ở các tiểu bang Santa Catarina và Mato Grosso, nơi ông Bolsonaro nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri.
Ông Bolsonaro, người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, đã không nhận thua nhưng không kiện tụng kết quả bầu cử và đã ủy quyền cho chánh văn phòng của ông bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực với các đại diện của ông Lula.
Trong bài phát biểu hôm 1/11, Tổng thống Ba Tây nói các cuộc biểu tình là kết quả của ‘sự phẫn nộ và cảm giác bất công’ trong cuộc bầu cử, và ông không kêu gọi thẳng các ủng hộ viên của ông dỡ bỏ chướng ngại vật hay ngưng biểu tình.
Tài xế xe vận tải, nhóm cử tri quan trọng của Bolsonaro được hưởng lợi từ các chính sách giảm giá xăng dầu của ông, đã làm gián đoạn nền kinh tế Ba Tây bằng cách phong tỏa các đường cao tốc trong những năm gần đây. Một số người biểu tình đã kêu gọi can thiệp quân sự để giữ ông Bolsonaro tiếp tục nắm quyền.
Bầu Cử Tổng Thống Ba Tây: Jair Bolsonaro Khẳng Định Sẽ Chuyển Giao Quyền Lực Một Cách Ôn Hòa
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 1/11/2022, Tổng thống mãn nhiệm của Ba Tây, Jair Bolsonaro, lần đầu lên tiếng kể từ khi thất cử ở vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống hôm 30/10.
Ông tuyên bố sẽ tiến hành chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử, Lula da Silva một cách ôn hòa. Từ Rio de Janeiro, thông tín viên Sarah Cozzolino của Đài RFI cho biết thêm thông tin:
Các nhà báo và người dân Ba Tây đã đợi hơn hai tiếng trước một bục phát biểu trống trong điện Alvorada để được nghe một bài phát biểu dài chưa đầy hai phút. Như thường lệ, giọng điệu của ông Bolsonaro vẫn khô khan, nói như người máy.
Ông nói: “Các phong trào biểu tình hiện nay là kết quả của sự phẫn nộ và cảm giác bất công liên quan đến tiến trình bầu cử”.
Người ta có thể hiểu một cách gián tiếp rằng Jair Bolsonaro một lần nữa chỉ trích tiến trình bầu cử. Ông kêu gọi những người ủng hộ mình biểu tình, nhưng không phải bằng cách làm tắc nghẽn những xa lộ giống như những ngày gần đây.
Ông nói tiếp: “Các cuộc biểu tình ôn hòa luôn luôn được hoan nghênh. Nhưng phương pháp của chúng ta không thể giống như của cánh tả, tức là luôn gây tổn hại cho người dân như xâm nhập gia cư bất hợp pháp, phá hoại di sản hay gây khó dễ cho việc đi lại của người dân”.
Trong bài phát biểu của mình, Jair Bolsonaro không nói một lời nào về thất bại của mình, về người kế nhiệm, hay quá trình chuyển giao quyền lực.
Ông nói thêm: “Tôi luôn bị cáo buộc là phản dân chủ, nhưng trái với những gì mà những kẻ gièm pha tôi nghĩ, tôi luôn tôn trọng Hiến pháp”.
Sau đó, Tổng thống đã nhường lời cho Chánh Văn phòng của mình, Ciro Nogueira. Ông Nogueira cho biết đã được ông Jair Bolsonaro cho phép khởi động quá trình chuyển giao quyền lực với nhóm cộng sự của Lula.
Bắc Hàn:
Lần Đầu Tiên Phóng Phi Đạn Về Phía Nam, Nam Hàn Ngay Lập Tức Đáp Trả!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay rạng sáng hôm 2/11/2022, lần đầu tiên Bắc Hàn đã bắn phi đạn về phía Nam kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Nam Hàn đã điều máy bay phóng phi đạn không đối địa để đáp trả lại hành động khiêu khích của Bắc Hàn. Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Trần Công của Đài RFI tường trình:
Sáng 2/11, Bắc Hàn đã bắn hơn 10 phi đạn các loại bao gồm cả phi đạn-đạn đạo tầm ngắn và phi đạn địa-đối-không về khu vực biển Nhật Bản, đặc biệt có một phi đạn đã bắn về hướng Nam Hàn và vượt qua ranh giới vùng biển quốc tế, sát lãnh hải Nam Hàn. Phi đạn này rơi cách đảo Sokcho 57 cây số và đảo Ulleung 167 cây số. Đây là lần đầu tiên Bắc Hàn bắn phi đạn về phía Nam Hàn.
Hành động này được Bình Nhưỡng giải thích là nhằm đáp trả lại cuộc tập trận trên không của Mỹ và Nam Hàn mang tên “Bão táp cảnh giác”, với sự tham gia của rất nhiều chiến đấu cơ hiện đại. Bình Nhưỡng tuyên bố Mỹ và Nam Hàn sẽ phải trả giá “rất khủng khiếp” nếu sử dụng vũ lực.
Đáp lại hành động khiêu khích nói trên, Nam Hàn đã bắn 3 quả phi đạn không-đối-địa từ máy bay chiến đấu của Không quân nước này. Hành động này thể hiện thái độ cứng rắn với Bắc Hàn, đồng thời chứng minh khả năng tấn công chính xác của quân đội Nam Hàn.
Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ-Hàn cũng đã có cuộc họp để trao đổi thông tin về tình hình phóng phi đạn và củng cố thế trận phòng thủ trước các mối đe dọa của Bắc Hàn. Đại diện quân đội Nam Hàn cho biết “sẽ duy trì tư thế sẵn sàng để đáp trả áp đảo bất kỳ hành động khiêu khích nào của Bắc Hàn và bảo đảm an toàn cho người dân Nam Hàn”.
Theo quân đội Nam Hàn, ngoài số phi đạn nói trên, sáng 2/11, Bắc Hàn lại bắn thêm 4 phi đạn-đạn đạo tầm ngắn từ hai địa điểm ở tỉnh Pyongan của miền Bắc. Bên cạnh đó, quân đội Bắc Hàn còn bắn hơn 100 đạo pháo vào “vùng đệm” trên biển giữa hai miền Triều Tiên.
Về phần mình, Tổng thống Yoon Suk-yeol kịch liệt lên án hành động “khiêu khích” của Bình Nhưỡng, xem đây là “một cuộc xâm lăng trên thực tế”. Ông còn triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận vụ này. Chính phủ Hán Thành đã buộc phải đóng nhiều đường hàng không trên vùng Biển Nhật Bản, khuyến cáo các hãng hàng không tránh khu vực này để bảo đảo an toàn cho các chuyến bay đến Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Mỹ Có Bằng Chứng Tố Cáo Bắc Hàn Cung Cấp Đạn Pháo Cho Nga!
(Hình: Phát ngôn viên An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby.)
Ngày 2/11/2022, phát ngôn viên An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby loan báo Hoa Kỳ có thông tin rằng Cộng sản Bắc Hàn đang bí mật cung cấp cho Nga một số lượng “đáng kể” đạn pháo cho cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.
Ông Kirby nói tại một cuộc họp báo rằng Bắc Hàn đang cố gắng che giấu các lô hàng bằng cách chuyển chúng qua các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi.
“Các tín hiệu chúng tôi nhận được cho thấy Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang bí mật cung cấp và chúng tôi sẽ theo dõi xem liệu các lô hàng đó có được nhận hay không”, ông Kirby nói và cho biết thêm rằng Hoa Thịnh Ðốn sẽ tham vấn với Liên Hiệp Quốc về vấn đề trách nhiệm đối với các lô hàng vừa kể.
Ông Kirby nói: “Chúng tôi biết họ sẽ chuyển những quả đạn này đi đâu”, nhưng từ chối cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào vì Mỹ đang cân nhắc các lựa chọn khả thi.
Ông Kirby cho biết số lượng đạn pháo không phải không đáng kể, nhưng không có khả năng thay đổi động lực hoặc kết quả của cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể gây chết chóc cho người dân Ukraine, ông nói.
“Và chắc chắn nó sẽ không thay đổi sự tính toán của chúng tôi... hoặc với rất nhiều đồng minh và đối tác của chúng tôi về các loại khả năng mà chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho người Ukraine”, ông nói.
Ông Kirby cho biết các chuyến hàng của Bắc Hàn không chỉ là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng hỗ trợ Nga mà còn cho thấy tình trạng thiếu vũ khí của Mạc Tư Khoa do các chế tài và kiểm soát xuất cảng do Mỹ dẫn đầu.
Hồi tháng Chín, Bắc Hàn nói chưa bao giờ cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho Nga và không có kế hoạch làm như vậy, đồng thời yêu cầu Mỹ “ngậm miệng lại” và ngừng tung tin đồn nhằm “làm hoen ố” hình ảnh Bắc Hàn.
Đề cập đến các vụ phóng phi đạn của Bắc Hàn ngày 2/11, ông Kirby nói rằng các phi đạn này không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho nhân sự Mỹ trong khu vực và nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ bảo đảm rằng họ có khả năng ở đó để bảo vệ các đồng minh của mình.
Bắc Hàn đã bắn ít nhất 23 phi đạn ra biển hôm 2/11, trong đó có một phi đạn rơi cách bờ biển Nam Hàn chưa đầy 60 cây số, mà Tổng thống Yoon Suk-yeol của Nam Hàn mô tả là “xâm phạm lãnh thổ”.
Đây là lần đầu tiên một phi đạn-đạn đạo rơi gần vùng biển của Nam Hàn kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vào năm 1945, và là lần đầu tiên miền Bắc bắn nhiều phi đạn nhất trong một ngày. Nam Hàn đã ban hành báo động không kích và phóng phi đạn đáp trả.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với các phóng viên ngày 2/11 là Hoa Kỳ sẽ xem xét các công cụ và thẩm quyền bổ sung có thể dùng để chống lại viện trợ quân sự của Bắc Hàn cho Nga.
Bắc Hàn Gia Tăng Gây Hấn, Bắn 23 Phi Đạn Liên Tiếp, Một Trong Số Đó, Một Số ‘Xâm Phạm Lãnh Thổ’ Nam Hàn!
(Hình: Người dân Nam Hàn theo dõi bản tin về vụ phóng phi đạn của Bắc Hàn trên truyền hình.)
Hôm 2/11/2022, Cộng sản Bắc Hàn đã bắn ít nhất 23 phi đạn ra biển, trong đó một phi đạn đã rơi xuống cách bờ biển Nam Hàn chưa đầy 60 cây số, mà Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol gọi là ‘xâm phạm lãnh thổ’.
Đây là lần đầu tiên một phi đạn-đạn đạo rơi xuống gần vùng biển của Nam Hàn kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vào năm 1945, và là lần Bắc Hàn bắn nhiều phi đạn nhất trong một ngày. Nam Hàn đã đưa ra cảnh báo không kích hiếm hoi và phóng phi đạn để đáp trả.
Phi đạn đã rơi xuống ngoài lãnh hải Nam Hàn, nhưng lại nằm về phía Nam Đường giới hạn phía Bắc (NLL), đường biên giới trên biển đang tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên.
Các chiến đấu cơ Nam Hàn đã bắn ba phi đạn không-đối-đất vào vùng biển phía Bắc qua đường NLL để đáp trả, quân đội Nam Hàn cho biết.
Vụ phóng của Nam Hàn xảy ra sau khi văn phòng ông Yoon tuyên bố sẽ có ‘phản ứng nhanh chóng và kiên quyết’.
“Tổng thống Yoon Suk-yeol lưu ý rằng hành động khiêu khích của Bắc Hàn hôm nay trên thực tế là xâm phạm lãnh thổ bởi một phi đạn xâm nhập NLL lần đầu tiên kể từ khi hai miền Triều Tiên chia cắt”, văn phòng của ông ra tuyên bố nói.
Khi được hỏi liệu phi đạn có bay về phía lãnh thổ Nam Hàn và lẽ ra phải bị đánh chặn hay không, một viên chức cấp cao của phủ Tổng thống nói: “Nói chính xác, nó không rơi xuống lãnh thổ của chúng tôi mà nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế thuộc quyền tài phán của chúng tôi, do đó nó không bị đánh chặn”.
Phi đạn đó là một trong ba phi đạn-đạn đạo tầm ngắn được bắn từ vùng ven biển Wonsan của Bắc Hàn xuống biển, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn (JCS) nói. JCS sau đó cho biết có tới 14 phi đạn khác thuộc nhiều loại đã được bắn ra từ bờ biển phía Đông và phía Tây của Bắc Hàn.
JCS cho biết ít nhất một trong số các phi đạn này đã rơi xuống cách NLL 26 cây số về phía Nam, cách thành phố Sokcho của Nam Hàn 57 cây số, trên bờ biển phía Đông và cách đảo Ulleung 167 cây số, nơi cảnh báo không kích được phát ra.
Bắc Hàn cũng đã bắn hơn 100 loạt đạn pháo từ bờ biển phía Đông vào vùng đệm quân sự vốn được thiết lập trong thỏa thuận quân sự với Nam Hàn, quân đội Nam Hàn cho biết.
Việc bắn đạn pháo này vi phạm thỏa thuận hồi năm 2018 vốn cấm các hành vi thù địch ở vùng biên giới, JCS cho hay.
Bắc Hàn, vốn có vũ khí nguyên tử, đã thử số lượng phi đạn kỷ lục trong năm nay, và các viên chức ở Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn cho biết Bắc Hàn đã hoàn thành chuẩn bị kỹ thuật để tiến hành thử vũ khí nguyên tử lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Các vụ phóng diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Bình Nhưỡng đòi Mỹ và Nam Hàn ngừng các cuộc tập trận quy mô lớn, nói rằng ‘sự hấp tấp và khiêu khích quân sự như vậy sẽ không được dung thứ’.
Hoa Kỳ và Nam Hàn đã bắt đầu một trong những cuộc diễn tập Không quân phối hợp lớn nhất của họ hôm 31/10. Được gọi tên là ‘Cơn bão Cảnh giác’, cuộc tập trận có sự tham gia của hàng trăm máy bay chiến đấu từ cả hai nước thực hiện tấn công giả định 24 tiếng đồng hồ một ngày.
Ông Pak Jong Chon, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động cầm quyền của Bắc Hàn, cho biết trong một tuyên bố hôm 2/11 rằng số lượng chiến đấu cơ tham gia vào cuộc tập trận đã chứng tỏ nó mang tính ‘hung hăng và khiêu khích’ và đặc biệt nhắm vào Bắc Hàn. Ông nói ngay cả tên gọi của nó cũng bắt chước Chiến dịch Bão táp Sa mạc do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Iraq vào những năm 1990.
Hôm 1/11 tại Hoa Thịnh Ðốn, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng các cuộc tập trận này ‘hoàn toàn mang tính chất phòng thủ” và Hoa Kỳ đã nói rõ với Bắc Hàn rằng họ không có ý định thù địch.
Việt Nam: Bộ Tài Chánh Yêu Cầu Báo Cáo Chi Phí Nhập Xăng Dầu. Khan Hiếm Xăng Trầm Trọng Tiếp Diễn ở Sài Gòn, Hà Nội và Cả Nước!
(Hình: Người mua xăng tại một cây xăng ở Hà Nội hôm 10/3/2022.)
- Ngày 2/11/2022, Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin của truyền thông trong nước cho hay tình hình khan hiếm xăng dầu ở Sài Gòn vẫn đang tiếp diễn, trong khi một số nơi tại thủ đô Hà Nội cũng đã xuất hiện cây xăng đóng cửa.
Bộ Tài chánh mới đây cho biết Bộ này đã yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ ngoại quốc về Việt Nam nhưng chưa nhận được báo cáo nào.
Theo truyền thông nhà nước, yêu cầu này được Bộ Tài chánh đưa ra trong một văn bản chính thức đề ngày 21/10. Hiện còn 10 công ty là đầu mối kinh doanh xăng dầu vẫn chưa nộp báo cáo theo yêu cầu.
Tình hình khan hiếm xăng dầu diễn ra ở Sài Gòn đã nhiều tuần nay khi người dân phải xếp hàng dài chờ hàng tiếng đồng hồ để mua xăng, thậm chí có khi không mua được đầy bình. Một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết họ không có đủ nguồn cung nhưng cũng có ý kiến nói rằng do chiết khấu thấp nên không có lãi.
Trong một giải trình trước Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chánh Hồ Đức Phớc cho biết nhu cầu xăng của Việt Nam là khoảng 19,2 triệu tấn một năm, nguồn từ sản xuất trong nước và nguồn nhập cảng không đạt kế hoạch đề ra. Trong quý ba, nhập cảng xăng dầu giảm 35-40% nên vẫn thiếu hụt nguồn cung.
Thời gian qua, để giúp ổn định giá các mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chánh đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường với tổng mức giảm khoảng 28.000 tỉ đồng, giảm thuế nhập cảng từ 20% xuống 10%. Chi phí xăng dầu, premium cũng đã được tăng hai lần trong năm nay. Định mức chi phí vận chuyển và quản lý của một lít xăng RON92 đã vào khoảng gần 2.000 đồng.
Hôm 21/10, Bộ Tài chánh đã có văn bản xin ý kiến công ty đầu mối và Bộ Công thương để tiếp tục nâng chi phí định mức nhưng chưa nhận được nhiều ý kiến phản hồi.
Biết Đến Bao Giờ, Người Dân Việt Nam Vẫn Còn Chịu Phải Chịu Cảnh Khan Hiếm Xăng Dầu, Kéo Dài Nhiều Ngày Qua!
(Hình: Người dân Hà Nội xếp hàng dài tại một cây xăng chờ mua xăng hôm 1/11/2022 do tình trạng khan hiếm.)
Người dân ở thủ đô Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh, thành khác tiếp tục phải chịu cảnh không mua được xăng, dầu hoặc chỉ mua được với hạn mức ít ỏi trong khoảng 1 tuần nay, sau khi tình trang khan hiếm nhiên liệu bắt đầu xảy ra cách đây gần 1 tháng.
Thông tin do người dân phản ánh trên mạng xã hội và cũng được tường thuật trên báo chí Việt Nam cho thấy ở thời điểm ngày 2/11/2022, người Hà Nội phải xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để chờ đổ xăng; tại Sài Gòn, nhiều trạm xăng đóng cửa, người dân cảm thấy “may mắn” khi tìm được nơi để xếp hàng mua xăng; trong khi đó, một loạt các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên cũng “khan hiếm” mặt hàng này.
Ở Hà Nội, nhiều người cho biết tình trạng các trạm xăng ngừng bán hoặc hoạt động cầm chừng là khá phổ biến, nên họ phải đi lòng vòng 3-4 tiếng mới tìm được nơi có bán. Nhưng tại đó, số người chờ rất đông, họ phải xếp hàng “chờ đợi mòn mỏi” từ 1-1 tiếng rưỡi mới đến lượt mua.
“Cả tháng nay, bỏ tiền ra đi mua xăng mà cực quá” là ý kiến của ông Nguyễn Văn Hiếu ở Sài Gòn nói với báo Thanh Niên. Ở thành phố lớn nhất Việt Nam và được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, người dân cũng phải xếp hàng “rồng rắn” chờ rất lâu. Không ít trạm xăng chỉ bán theo định mức chứ không theo nhu cầu của người mua, thường là 30.000 đồng đối với xe gắn máy và 200.000 đồng mỗi xe hơi.
Một số tờ báo, trong đó có Tuổi Trẻ và Công An Tp. HCM, tường thuật rằng bên cạnh hai thành phố lớn, một loạt các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… và vùng Tây Nguyên cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng thiếu nhiên liệu, gây bất bình cho người dân, đồng thời làm dấy lên nỗi lo về an ninh năng lượng “bấp bênh” của đất nước và đặt ra câu hỏi “ai phải chịu trách nhiệm”.
Giữa lúc nhiều người dân cảm thán rằng không biết đến lúc nào “cơn khát xăng, dầu” ở nhiều nơi trên cả nước mới chấm dứt, một đại biểu Quốc hội khẳng định rằng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm chính và cần thay đổi cơ chế quản lý việc phân phối xăng, dầu.
Các bản tin của Lao Động và Tuổi Trẻ hôm 2/11 trích lời đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do “mức chiết khấu xuống quá thấp, chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ” nên họ “buộc phải nghỉ bán”.
Ông Cường chỉ ra rằng Bộ Công thương - cơ quan quản lý nguồn cung, xuất-nhập cảng xăng, dầu - chưa phối hợp tốt với Bộ Tài chánh - cơ quản lý về giá, chi phí. Đồng thời ông chất vấn vì sao các nước khác không có tình trạng này, trong khi Việt Nam lại bị như vậy, dù là đất nước tự sản xuất được xăng dầu với hai nhà máy lọc dầu chiếm 70% thị phần.
Vị đại biểu này đề nghị để ngành xăng, dầu vận hành theo thị trường hoàn toàn, đa dạng hóa tổ chức kinh doanh phân phối xăng, dầu, không nên tập trung quá.
Ông Cường và một đại biểu Quốc hội khác, ông Trần Văn Lâm, nói với báo chí rằng họ ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chánh về việc giao lại quản lý giá xăng, dầu về một đầu mối là Bộ Công thương, xem đó là điều hợp lý.
Theo quan sát của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), bên cạnh nhiều lời chỉ trích của dư luận đối với Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trong gần một tháng nay, gần đây cũng đã xuất hiện những lời kêu gọi ông Diên từ chức do không bảo đảm nguồn cung loại nhiên liệu thiết yếu cho đất nước.
VOA cố gắng liên lạc với Bộ trưởng Diên để tìm hiểu xem ông có lý giải gì và quan điểm ra sao về vấn đề này, song không nhận được hồi đáp.
Công Ty Đài Loan Đột Ngột Chấm Dứt Hợp Đồng Lao Động, Khiến Gần 1.200 Người Mất Việc!
(Hình: Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng.)
- Một công ty chuyên may giầy xuất cảng 100% vốn Đài Loan vừa đột ngột chấm dứt hợp đồng lao động với gần 1.200 công nhân vì lý do ảnh hưởng kinh tế, mất đơn đặt hàng nên phải thu hẹp sản xuất.
Theo truyền thông nhà nước, vào ngày 31/10/2022, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng tại quận Bình Tân (Sài Gòn), ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động. Nội dung thông báo được đăng tải trên các báo Nhà nước viết: “Do ảnh hưởng tình hình kinh tế, Công ty không có đơn hàng sản xuất, đây là lý do không ai mong muốn. Các khách hàng chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng bị thiệt hại nặng nề nên không có đơn hàng”.
Công ty cũng cho biết “Mặc dù đã tìm mọi biện pháp khắc phục” nhưng Công ty “gặp nhiều khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể khôi phục sản xuất như kế hoạch đề ra”.
Vì lý do đó Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng phải “thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất có khoảng 1.185 lao động”.
Thời gian chấm dứt hợp đồng lao động bắt đầu từ ngày 1/12/2022.
Công ty thông báo sẽ trả trợ cấp mất việc là hai tháng lương cho toàn bộ lao động bị cắt giảm. Những lao động làm cho công ty từ 2008 về trước được chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Ngoài ra, Công ty sẽ chi tiền thưởng năm 2022 với mức thưởng một tháng lương cho người làm việc đủ 12 tháng, mức thưởng sẽ được tính tỷ lệ theo thời gian thực tế làm việc trong một năm của người lao động.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng hiện có khoảng 1.800 lao động và đã bắt đầu hoạt động tại Sài Gòn từ năm 1998.
Cộng Sản Trung Quốc:
Có Âm Mưu Gây Chiến! Mỹ Nói Bắc Kinh Không Chịu Đàm Phán, Từ Chối Nói Chuyện Về Kiểm Soát Vũ Khí Nguyên Tử!
(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 năm 2021.)
Bất chấp bài học về cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba cách đây 60 năm, Trung Quốc tỏ ra không quan tâm đến thảo luận về các bước để giảm thiểu rủi ro của vũ khí nguyên tử, các viên chức cấp cao Mỹ cho biết hôm 2/11/2022, sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường khả năng răn đe chiến lược của mình.
Ngũ Giác Đài cho biết Trung Quốc đang tiến hành đợt mở rộng lớn lực lượng nguyên tử và hướng tới sở hữu 1.000 đầu đạn nguyên tử trước năm 2030.
Nhưng Bắc Kinh lâu nay vẫn chống đối đàm phán kiểm soát vũ khí với Hoa Thịnh Ðốn, lập luận rằng Mỹ có kho vũ khí lớn hơn nhiều.
Alexandra Bell, phó Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ về kiểm soát, xác minh và tuân thủ vũ khí, nói với Hội đồng Đại Tây Dương rằng bất chấp những nỗ lực của Mỹ, Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh vẫn chưa bắt đầu can dự về vấn đề này.
“Bước đầu tiên, chúng tôi thực sự muốn nói chuyện với họ về học thuyết của nhau, về giao tiếp khủng hoảng, quản lý khủng hoảng”, Bell nói, lưu ý rằng Hoa Thịnh Ðốn đã có những cuộc thảo luận như vậy với Nga trong hàng chục năm.
“Chúng tôi chưa tiến tới mức đó với Bắc Kinh. Vì vậy, có nhiều việc phải làm để bắt đầu thảo luận, chúng tôi suy nghĩ cần làm việc song phương”, Bell nói.
“Giờ đây chúng ta đang kỷ niệm 60 năm cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba. Chúng ta không cần để xảy ra khủng hoảng lần nữa để biết rằng chúng ta cần phải ngồi vào bàn đàm phán với nhau”, Bell nói, đề cập đến các sự kiện vào năm 1962 khi Hoa Kỳ và Liên Xô tiến gần đến chiến tranh nguyên tử vì sự hiện diện phi đạn Liên Xô trên lãnh thổ Cuba.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan sau cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden hồi năm 2021 đã nói rằng hai bên đã đồng ý ‘tìm cách bắt đầu thảo luận về ổn định chiến lược’.
Nhưng ông Tập đã báo hiệu tại Đại hội Đảng hồi tháng 10 rằng Trung Quốc sẽ tăng cường răn đe chiến lược, thuật ngữ thường được sử dụng để nói vũ khí nguyên tử.
Ông Richard Johnson, phó Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chính sách Nguyên tử và Ngăn chặn Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt, nói tại Hội đồng Đại Tây Dương rằng Mỹ đang tìm cách bắt đầu trao đổi với Trung Quốc về ‘những điều cơ bản’ hơn là số lượng đầu đạn.
Ông Johnson nói thêm rằng nếu Bắc Kinh không muốn can dự song phương, họ có thể ‘thể hiện sự minh bạch’ về việc xây dựng năng lực nguyên tử của mình thông qua Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế bằng cách công bố dự trữ plutonium của họ cho mục đích dân sự.
Viên Chức Mỹ Thăm Đài Loan, Bàn Về An Ninh Mạng và Viễn Thông
(Hình: Ủy viên Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) Brendan Carr điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 24/6/2020.)
Tuần này, Ủy viên Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC), ông Brendan Carr đang có mặt tại Đài Bắc để họp về 5G, an ninh mạng và viễn thông, nhằm chứng tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan.
Ông Carr là viên chức cấp cao gần đây nhất của Hoa Kỳ đến thăm hòn đảo và là ủy viên FCC đầu tiên đến đây.
Ông Carr cho biết: “Mọi thứ mà chúng ta có thể làm với tư cách là người Mỹ để thể hiện sự ủng hộ và rằng chúng ta là đồng minh với Đài Loan - cho dù đó là những việc lớn hay trong trường hợp của tôi là những việc rất nhỏ - mọi thứ đều quan trọng đối với tính toán của Trung Quốc”.
Ông Carr đang tổ chức các cuộc thảo luận song phương theo lời mời của Ủy ban Truyền thông Quốc gia Đài Loan cho một loạt cuộc họp với các cơ quan chính phủ.
Ông cũng đang họp với các lĩnh vực kỹ thuật và viễn thông và tổ chức các cuộc họp tại Tân Trúc - quê hương của ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan mà theo ông là “một phần không thể thiếu” trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Đài Loan từ chối bình luận.
Ông Carr là người chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc và là một trong hai thành viên Đảng Cộng hòa trong FCC, tổ chức hiện có bốn ủy viên và được chủ trì bởi một ủy viên Dân chủ do Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm.
Ông Carr xác nhận với Reuters những phát biểu ông từng đưa ra với Axios rằng ông nghĩ chính phủ Hoa Kỳ nên cấm ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc vì lo ngại về an ninh quốc gia và rằng ông cảm thấy chính phủ sẽ không thể bảo đảm an ninh dữ liệu của người dùng TikTok ở Hoa Kỳ.
Trung Quốc, quốc gia tuyên bố Đài Loan thuộc Trung Quốc bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ Đài Loan, trước đây từng phản ứng giận dữ trước những trao đổi chính thức như vậy giữa Đài Bắc và Hoa Thịnh Ðốn.
Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan dân chủ kể từ tháng Tám, tiến hành các cuộc tập trận phong tỏa xung quanh hòn đảo sau chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.
Chính quyền Biden đã tìm cách giữ cho căng thẳng giữa Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh, vốn bùng phát từ các chuyến thăm, không nổ thành xung đột, nhắc lại rằng những chuyến đi như vậy là thường lệ.
Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi luật pháp để cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện để tự vệ.
Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của mình. Chính phủ Đài Loan nói rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị hòn đảo này và vì vậy các tuyên bố chủ quyền của họ là vô hiệu.
Những Bức Ảnh Mới, Chứng Minh Cho Thấy Rõ Ràng: Các Đảo Nhân Tạo của Trung Quốc Là Những Căn Cứ Quân Sự Thứ Thiệc Rất Phát Triển! Việt Nam Không Phản Đối! Không Lên Tiếng!
*Các bãi đá ngầm và đảo đá được cải tạo có hệ thống phi trường, radar và có thể có cả hầm chứa phi đạn.
(Hình: Trong bức ảnh chụp từ trên không ngày 25/10/2022 này, các tòa nhà và cấu trúc liên lạc được nhìn thấy trên đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã dần khẳng định yêu sách chủ quyền đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông bằng mở rộng quy mô đảo, tạo ra các đảo mới và xây dựng các cảng, tiền đồn quân sự và phi đạo.)
Những ảnh chụp gần đây cho thấy phi trường và các công trình khác hiện diện trên một số đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông - nơi mà Mỹ cho rằng đã được “quân sự hóa hoàn toàn”.
Nhiếp ảnh gia Ezra Acayan của Getty Image đã tiếp cận được các chuyến bay gần một số đảo đá mà Trung Quốc đã cải tạo và biến thành các căn cứ quân sự có các trạm radar, phi đạo và các cơ sở Pháo binh.
Những bức ảnh được chụp vào ngày 25/10 vừa qua cho thấy một khía cạnh khác của các đảo nhân tạo của Trung Quốc - những nơi hầu như từ trước đến nay chỉ được biết đến qua ảnh vệ tinh.
Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc John C. Aquilino, hồi tháng 3/2022 cho biết Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba đảo nhân tạo gồm Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập - tất cả đều thuộc quần đảo Trường Sa nơi mà Bắc Kinh tuyên bố có “quyền lịch sử”.
Cuộc Sống Trên Đá Chữ Thập
Các bức ảnh của Getty cung cấp thông tin chi tiết về các cơ sở của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) trên các bãi đá Vành Khăn, Ga-ven, Subi, Châu Viên, Chữ Thập và Tư Nghĩa - sáu trong số 15 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng.
Chữ Thập dường như là một trong những bãi đá phát triển nhất với một phi trường đã hoạt động hoàn chỉnh, các nhà chứa máy bay (hangars), các tòa nhà lớn và vòm bảo vệ radar hoặc các cấu trúc có mái tròn với thiết bị radar bên trong.
Một loại tòa nhà mới được phát giác trên Đá Chữ Thập cũng như trên Đá Vành Khăn và Subi, là một cấu trúc giống như garage để xe mà theo các nhà phân tích có thể là nơi đặt các bệ phóng phi đạn.
“Tôi đoán rằng các garage hướng ra biển là dành cho các bệ phóng phi đạn liên lục địa góc cạnh” - ông Tom Shugart, Phụ tá Nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, viết trên Twitter.
Một nhà phân tích khác, ông Tyler Rogoway, biên tập viên của cổng thông tin quốc phòng The War Zone, cho biết những garage này có thể “được sử dụng để cất giữ, phục vụ và nhanh chóng khai triển” các bệ phóng được sử dụng cho phi đạn đất-đối-không, phi đạn chống hạm hoặc đất-đối-đất.
Ông Shugart cũng lưu ý một số chi tiết khác như: Ảnh chụp cho thấy “một chiếc xe đang lái quanh đá Chữ Thập và một người đang đi bộ trên đường”.
“Đó không phải là đám đông, nhưng cũng không phải là không có gì”- ông viết.
Ba tuần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng với sự có mặt của hơn 5.000 binh lính và sĩ quan, dân số trên các đảo và bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông đang ngày càng gia tăng.
(Ảnh: Bức ảnh chụp từ trên không ngày 25/10/2022 này ghi lại hình ảnh một chiếc máy bay trên phi đạo của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.)
Những Mái Vòm Bảo Vệ Radar và Tháp Súng
Một trong những bức ảnh chụp Đá Chữ Thập đã ghi lại hình ảnh một chiếc máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không KJ-500 trên phi đạo.
“Hình ảnh một chiếc KJ-500 trên phi đạo thật cuốn hút và nó giúp khẳng định rằng: PLA vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra trên không ngoài khơi các đảo” - Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á Châu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói với Đài Á Châu Tự Do.
“Điều này đã diễn ra kể từ năm 2020” - ông nói thêm.
Theo biên tập viên Rogoway của The War Zone, máy bay KJ-500 và các máy bay săn tàu ngầm và thu thập thông tin tình báo khác “thường xuyên hoạt động từ phi trường ở đó”.
Các mái vòm bảo vệ radar, tháp pháo và hệ thống vũ khí tầm gần để phát giác và tiêu diệt phi đạn và máy bay đang bay tới là những đặc điểm chung của tất cả các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Trên đảo đá Subi, phi đạo chính đang bị chặn bởi một số vật thể, có thể là xe hơi hoặc xe đẩy.
“Đây là một hành động không an toàn, không thân thiện với bất kỳ ai khác bay trong khu vực” vì phi công của một chiếc máy bay đang thực sự gặp nguy hiểm có thể không nhìn thấy khu vực bị chặn và đâm vào đó - ông Shugart nói.
“Điều này một lần nữa cho thấy sự giả dối của ý tưởng cho rằng những hòn đảo này được xây dựng vì sự an toàn đi lại cho tất cả” - nhà phân tích có trụ sở tại Fort Hood nói.
“Chúng là những căn cứ quân sự. Chấm hết!”
(Bức ảnh chụp từ trên không ngày 25/10/2022 này cho thấy các tòa nhà, phi đạo và các cấu trúc liên lạc trên đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa.)
Trung Quốc và năm quốc gia khác tuyên bố chủ quyền đối với các phần của Biển Đông, bao gồm cả những thực thể mà theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, là các bãi đá ngầm và đá chứ không phải đảo.
Theo luật, các bãi đá ngầm và đá có quyền đối với tài nguyên thiên nhiên hạn chế hơn nhiều so với các đảo.
Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á Châu của CSIS, kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã phát triển ít nhất 07 đảo nhân tạo và tạo ra 1.295 ha đất mới (tương đương với 3.200 mẫu Anh).
Trong chuyến công du tới Hoa Thịnh Ðốn năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Trung Quốc không có ý định theo đuổi hoạt động quân sự hóa” các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng Trung Quốc đã gia tăng đáng kể năng lực tấn công của PLA và cũng như sự đe dọa đối với các nước khác trong khu vực lân cận.
Có Gì Lạ? Sau “Cuộc Chầu Thánh Thể” Long Trọng, Nhận Lịnh Của “Vua Tập Cận Bình” Tại Kinh Đô Bắc Kinh của Ông Trọng?
(Trần Đông A)
(Hình AFP: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh, cư dân mạng xã hội ở Việt Nam lo lắng, Hà Nội ngả về Bắc Kinh quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến các mối bang giao khác của Việt Nam.)
Với não trạng quan phương bị quy phục, có thể ông Nguyễn Phú Trọng không hay biết rằng, sau khi đạt đến đỉnh cao của quyền lực, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây cô đơn hơn bao giờ hết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh, cư dân mạng xã hội ở Việt Nam lo lắng, Hà Nội ngả về Bắc Kinh quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến các mối bang giao khác của Việt Nam. Tuy nhiên, so với các triều đại phong kiến xa xưa, giờ đây sau Đại hội 20 ĐCSTQ (chu kỳ 5 năm một lần), thì việc ông Trọng “sang chầu” Bắc Kinh là phải đạo.
Não Trạng Quan Phương Bị Quy Phục
Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 3 ngày ở Bắc Kinh (30/10-1/11) là cả một “cuộc chầu thánh thể” để bày tỏ sự cung kính đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, giống như con chiên bày tỏ lòng trung thành dành cho Chúa Trời. Ông Trọng hẳn cũng biết rằng, bản thân ông Tập Cận Bình vốn chẳng say mê gì chủ nghĩa Mác – Lênin cả. Trong thâm tâm, ông Tập chỉ tôn thờ một thứ chủ nghĩa Mác được Trung Quốc hóa để toàn Đảng của ông kiên trì “tín ngưỡng và lòng tin” vào công cuộc “phục hưng vĩ đại” của Trung Hoa. Đấy chính là tư tưởng Tập Cận Bình – chủ nghĩa Đại Hán trong thế kỷ 21. Cho nên đoạn trích trong Tuyên bố chung, nói rằng, Việt Nam và Trung Quốc “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin” là cả một sự nhượng bộ của Tập Cận Bình đối với Nguyễn Phú Trọng. Và Tuyên bố chung 6.000 từ, thì cũng chỉ đề cập đến Mác – Lê có một lần duy nhất.
Việc Tập Cận Bình ưu tiên tiêu chí trung thành khi bổ nhiệm nhân sự vào Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị thể hiện sự thay đổi to lớn ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo trước ông Tập luôn đặc biệt coi trọng vai trò lãnh đạo tập thể và sự tách biệt giữa Đảng và Nhà nước sau thời kỳ cai trị hỗn loạn của Mao Trạch Đông. Những luồng gió mới mở cửa đã tạo tiền đề cho những cải cách theo định hướng thị trường, dẫn đến sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc từ một quốc gia nghèo bị cô lập vươn lên thách thức trật tự toàn cầu của Mỹ và phương Tây. Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất tại Đại hội 20 là Tập Cận Bình đã phát triển hai khái niệm: “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI) và “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu” (GDI) thành khung khổ chung cho toàn bộ quản trị kinh tế-xã hội Trung Quốc trong kỷ nguyên mới. Đây là nội dung ông Trọng đặc biệt quan tâm và ông Trọng cam kết, Việt Nam sẽ tham gia GDI và ông cũng đánh giá tích cực đối với GSI, theo như nội dung thứ 7 trong Tuyên bố chung giữa hai nước.
Với não trạng quan phương bị quy phục, có thể ông Nguyễn Phú Trọng không hay biết rằng, sau khi đạt đến đỉnh cao của quyền lực, Tổng Bí thư – Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây cô đơn hơn bao giờ hết. Trước Đại hội 20, ông Tập còn phải lo đối phó với các sự chống đối ngấm ngầm hoặc công khai của đoàn phái, bang phái và các thế tử đảng ngay trên thượng tầng lãnh đạo. Nhưng từ nay, một mình một chợ, ông sẽ đối phó với nguy cơ hỗn loạn bởi tình huống: duy nhất chỉ có một mình ông kiểm soát toàn diện đất nước 1,4 tỉ dân. Như vậy, Tập sẽ rơi vào cái bẫy do chính ông tạo ra. Nếu có tầm nhìn như thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không dũng cảm bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo “nguyên tử” của ông Tập, nhân dân Trung Quốc sẽ hoàn thành đúng thời hạn các mục tiêu do Đại hội 20 ĐCSTQ đề ra, thực hiện thắng lợi các định hướng phấn đấu “100 năm lần thứ hai“.
Thế “Tam Quốc Chí” Có Tạo Sức Ép?
Hôm đầu tuần 30/10, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nói với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng, cả hai nước và hai ĐCS Trung Quốc và Việt Nam “không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào tiến trình của đôi bên”. Thông điệp nhấn mạnh việc chống lại sự can thiệp từ bên ngoài được ông Tập đưa ra đưa ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan, xung đột Ukraine, thương mại và nhiều vấn đề khác. Phát biểu tại lễ tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Tập còn nhấn mạnh: “Sự phát triển của sự nghiệp tiến bộ nhân loại là quá trình dài và quanh co…. Hai ĐCS Trung Quốc và Việt Nam cần kiên định hành động vì hạnh phúc của nhân dân và sự tiến bộ của nhân loại, đẩy mạnh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa bằng tất cả nguồn lực của mình, và không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của chúng ta hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế trong sự phát triển của chúng ta”. Tuyên bố này được trích từ Đài truyền hình Trung Quốc, nội dung này không tìm thấy trên các tin tức của TTXVN.
Với “Tuyên bố chung” gồm 13 nội dung lớn bao trùm hầu hết mọi mặt của bang giao Việt-Trung, dư luận băn khoăn nếu Trung Quốc đã “quy phục” được toàn diện Việt Nam như thế, từ nay, lối ra thế giới của Việt Nam liệu có bị hẹp bớt không? Sức ép từ một thế “tam quốc chí” mới tạo nên giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và LB Nga đối với Hà Nội sẽ như thế nào? Ngày 30/10, bình luận về vấn đề này trên truyền thông quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung từ Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, mối quan hệ hai nước Việt – Trung cũng như giữa Việt Nam với các nước, về cơ bản sẽ không có nhiều chuyển biến, sau chuyến công du Bắc Kinh của ông Trọng. Tuy nhiên, dư luận vẫn quan ngại, với chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng, có thể ảnh hưởng gì tới tình trạng nhân quyền vốn đang rất bết bát của Việt Nam và vai trò của của Mỹ trong việc cải thiện tình trạng này ra sao?
Phó Giám đốc Phân ban Á Châu của HRW Phil Robertson tuyên bố trong một thông cáo gửi truyền thông quốc tế: “Việt Nam có mối quan hệ ‘yêu-ghét’ với Trung Quốc. Và Việt Nam thường dùng điều này khiến Hoa Kỳ có thể gặp khó khăn. Chính phủ Việt Nam đôi khi đứng về phía Hoa Kỳ chống lại các hành động của Trung Quốc trong các vấn đề hàng hải, nhưng những lần khác lại hợp tác rất chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc, nơi cũng vi phạm trắng trợn các quyền con người như thế. Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales (Úc Ðại Lợi) nói với BBC hôm 1/11 rằng, nếu thông tin hiện chưa được xác nhận, Việt Nam đang vận động Hoa Kỳ thu xếp chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng 11 này là chuẩn, thì Việt Nam có thể bất ngờ trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang.
Bình luận trên của Giáo sư Carl Thayer được đưa ra trước “Đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ 26” diễn ra tại Hà Nội vào 2/11, đúng một ngày sau khi Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng trở về nước sau chuyến thăm Trung Quốc. Trong khi Việt Nam nhấn mạnh Trung Quốc là ưu tiên ngoại giao hàng đầu, ý kiến này, theo Giáo sư Thayer, không nên diễn dịch rằng Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu duy nhất. Dựa trên sự thuận lợi về mặt địa lý, mối quan hệ thương mại và sức mạnh đang ngày càng được củng cố của Trung Quốc là tất nhiên. Cuộc đối thoại sẽ là một phần của các sự kiện ngoại giao theo khuôn mẫu. Cả hai bên sẽ trình bày lập trường đã có từ lâu của mình về nhiều vấn đề khác nhau. Cả hai sẽ đồng ý rằng tiếp tục đối thoại là quan trọng. Việt Nam có quan điểm dàn trải về quyền con người, bao gồm cả việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới. Trong khi Hoa Kỳ sẽ bàn đến các vấn đề tự do tôn giáo và các quyền dân sự và chính trị của mọi công dân.
Trước Đối Thoại Nhân Quyền Việt-Mỹ 26: Kêu Gọi CSVN “Nỗ Lực Vươn Lên, Tôn Trọng Về Nhân Quyền!”
(Hình: Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala gặp gỡ đại diện Xã hội dân sự ở Việt Nam tại Hà Nội tháng Tám năm 2021.)
Ngay trước thềm Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ thường niên lần thứ 26, bốn tổ chức Xã hội dân sự ở trong và ngoài nước kêu gọi chính quyền Việt Nam phải nỗ lực vươn lên về nhân quyền để xứng đáng với vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền mà họ mới được bầu.
Thư ngỏ của bốn tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Người Bảo vệ Nhân quyền, Lực lượng Cứu quốc, và Đài phát thanh Đáp lời Sông núi gửi tới bà Erin Barclay, viên chức cấp cao Văn phòng Dân chủ, Nhân Quyền & Lao Động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong phiên đối thoại nói trên.
Thư được gửi tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong ngày 1/11, một ngày trước khi đối thoại thường niên dự kiến diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày, bắt đầu từ ngày 2/11.
Trong thư ngỏ, 4 tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam đề nghị phái đoàn Hoa Kỳ tham gia đối thoại thường niên ở Hà Nội kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do tức khắc cho tù nhân chính trị, người bất đồng chính kiến, nhiều lãnh đạo xã hội dân sự về bảo vệ môi trường, những người bị bắt và kết án chỉ vì các hoạt động ôn hòa.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Chúng tôi thấy 26 kỳ đối thoại vừa qua không có tiến bộ nào (về nhân quyền- PV) đáng kể cả. Trong thời gian qua, những vụ bắt bớ đã lên đến tột đỉnh. Nhà nước Việt Nam lạm dụng Bộ luật Hình sự để bịt miệng người bất đồng chính kiến, những người nói lên lẽ phải.
Phái bộ Mỹ trong Đối thoại Nhân quyền với Việt Nam nên yêu cầu Hà Nội phải thả những người bị kết án một cách bất công”.
Ông cho biết, từ đầu năm đến nay có gần 20 người bị bắt giữ và 27 người bị kết án tù với những án tù nặng nề. Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh đàn áp tự do biểu đạt bằng việc áp dụng Điều 117 “phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước” và Điều 331 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” của Bộ luật Hình sự.
Mới nhất là trường hợp của nhà báo tự do Lê Mạnh Hà, người chỉ sử dụng mạng xã hội để bênh vực dân oan mà bị xử theo Điều 117 và bị kết án 8 năm tù giam cùng 3 năm quản chế.
Sau khi kết án người hoạt động bằng những bản án hà khắc, nhà chức trách đày đọa họ bằng việc bắt họ đi thi hành án ở những nơi xa gia đình và có khí hậu khắc nghiệt.
Trong tháng trước, nhà hoạt động nhân quyền được nhiều giải thưởng quốc tế Phạm Đoan Trang bị đưa đi lưu đày ở Trại giam An Phước, cách nơi sinh sống của mẹ già và người thân của cô 1.500 cây số.
Bà Trang bị bắt giữ hồi tháng 10/2020, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi cuộc Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 24 kết thúc.
Việc đàn áp giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự không thuyên giảm sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền tiến hành đại hội Đảng lần thứ 13 và tổ chức bầu cử Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng nói.
Theo ông, Việt Nam vừa mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc phải cải thiện nhân quyền chứ không thể lợi dụng vị trí này để vi phạm nhân quyền.
Trong thư ngỏ, các tổ chức cho rằng phía Hoa Kỳ cần thúc giục Việt Nam triệt để tôn trọng quyền tự do biểu đạt tư tưởng, tôn trọng quyền tự do lập hội, đặc biệt là hoạt động công đoàn độc lập.
Các tổ chức cũng cho rằng Việt Nam cần phải trả lại các cơ sở từ thiện, trường học, nơi hành lễ của các tôn giáo, bên cạnh việc tôn trọng truyền thống, nếp sống của các sắc tộc thiểu số.
Trong thời gian một tháng trước Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ, nhiều nhóm Tin lành ở Tây Nguyên cho biết họ bị chính quyền địa phương sách nhiễu và cấm đoán việc thực hành nghi lễ tôn giáo.
Trong nhiều ngày gần đây, một số nhà hoạt động và thân nhân của tù nhân lương tâm ở nhiều địa phương cũng cho biết họ bị an ninh thường phục canh gác tư gia.
Nhà nước Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền để phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Hà Nội đã ký kết và nhất là tương xứng với vai trò một nước thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam vừa được bầu giữa tháng 10 vừa qua cho nhiệm kỳ 2023-2025, bốn tổ chức nhấn mạnh trong thư ngỏ.
Vương Quốc Anh:
Liệu Tân Thủ Tướng 42 Tuổi, Không Biết Có Thọ Nổi Đến 42 Ngày!
(Nguyễn Hùng)
(Hình: Tân Thủ tướng Sunak thăm một bệnh viện tại Luân Đôn.)
Nhưng cũng nhờ sự xuống dốc không phanh của bà Truss mà ông Sunak đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong hàng trăm năm qua. Ở tuổi 42, ông cũng là người hành đạo Ấn giáo đầu tiên ngồi vào ghế Thủ tướng Anh.
Sẽ chẳng có ai hỏi như vậy vài năm về trước nhưng chỉ vài tháng qua Anh Quốc đã có tới 3 Thủ tướng thay nhau cầm quyền nên câu hỏi này không hề vô lý.
Thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên của Anh, ông Rishi Sunak, sợ ghế lung lay tới mức tuyên bố sẽ không dự thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu ở Ai Cập trong tháng 11. Ông nói ông muốn tập trung giải quyết các vấn đề quốc nội mà nổi bật là kinh tế khó khăn. Sau khi bị chỉ trích vì không sẵn sàng đi đầu thế giới trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, ông Sunak nói ông vẫn có thể tới Ai Cập nhưng chưa khẳng định.
Cho dù vài tháng qua cho thấy sự bất ổn trong chính trường Anh, nó cũng cho thấy cơ chế dân chủ cho phép người ta thấy các vấn đề cần giải quyết trong chính trường nhanh chóng và có giải pháp ngay lập tức. Bà Liz Truss đưa ra những quyết định không đúng đắn dẫn tới không còn sự ủng hộ của Dân biểu trong Nghị viện và đã phải đi vào lịch sử với tư cách là Thủ tướng tại vị ngắn ngày nhất của nước Anh.
Nhưng cũng nhờ sự xuống dốc không phanh của bà Truss mà ông Sunak đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong hàng trăm năm qua. Ở tuổi 42, ông cũng là người hành đạo Ấn giáo đầu tiên ngồi vào ghế Thủ tướng Anh.
Cũng phải nhắc lại chỉ cách đây vài tháng người ta còn nghĩ rằng cơ hội thành Thủ tướng của ông Rishi Sunak đã tiêu tan và ông sẽ phải đợi tới năm 2035, tức hơn một thập niên nữa. Lý do là vì một loạt biến động trong tháng Hai năm nay. Thứ nhất, theo trang tin Tortoise của Anh, ông Sunak sợ thâm hụt ngân sách nên đã không giúp gì đáng kể cho người dân khi công bố kế hoạch ngân sách giữa kỳ khiến báo chí kêu ca thay cho dân hồi đầu năm. Thứ hai, vợ của ông Sunak, bà Akshata Murthy, bị tố cáo được lợi hàng chục triệu bảng Anh khi đường đường ở nước Anh nhưng lấy tư cách là dân Ấn Độ để đóng thuế cho thu nhập có được từ ngoài Anh. Điều này không trái luật nhưng không đúng đạo lý vì chỉ những người dự định sau này sẽ quay về quê hương mới được hưởng ưu đãi như vậy. Mà cả ông Sunak và vợ đều không có ý định sẽ rời Anh về Ấn Độ sống. Điều này càng rõ ràng hơn khi giờ ông đã đạt tham vọng thành Thủ tướng.
Nhưng hai vấn đề đó giờ đều đã không còn vì vợ ông Thủ tướng đã tuyên bố “vì chồng” mà trả toàn bộ thuế ở Anh cho cả những thu nhập có được ở bên ngoài Anh. Người dân giờ đã thấy tránh gánh thêm nợ nhà nước quá mức là điều đúng khi chứng kiến cách thị trường nổi đóa trước sự sẵn sàng vay vô tội vạ của bà Liz Truss.
Thế còn chuyện ông Sunak sẽ thọ được bao lâu, có nhiều khả năng ông sẽ không chịu chung số phận như bà Truss. Ông Sunak là người cẩn trọng và đã có gương của vài người tiền nhiệm nên ông sẽ cố duy trì sự ủng hộ khá lớn hiện có trong Nghị viện. Kể cả trong lần chọn Thủ tướng hồi mùa Hè năm nay, số Dân biểu ủng hộ ông Sunak vẫn lớn hơn số nghị viên ủng hộ bà Truss. Chỉ có điều các đảng viên Bảo thủ, những người vốn tôn thờ cựu Thủ tướng Boris Johnson, không ưa ông Sunak vì cho rằng thần tượng của họ buộc phải từ chức do ông Sunak rời khỏi Nội các để phản đối ông Johnson gây ra nhiều bê bối.
Vậy những lý do nào có thể khiến những ngày ở phủ Thủ tướng của ông Sunak ngắn lại? Thực tế vẫn có nhiều lý do. Đảng Bảo thủ đang bị Đảng Lao động đối lập bỏ xa trong các thăm dò dư luận và có thể ông Sunak sẽ không thể mang lại thắng lợi tại phòng phiếu trong kỳ bầu cử tới, có thể vào đầu năm 2025 hay sớm hơn. Ngoài ra vì phải giữ sự ủng hộ của các phe nhóm trong Nghị viện, ông Sunak phải dùng tới những người mà tư cách và khả năng không hoàn toàn phù hợp. Đó là những người có thể tạo ra scandal gây hại tới khả năng tại nhiệm của ông Thủ tướng gốc Ấn. Kinh tế èo uột là lý do khác khiến tham vọng cầm quyền lâu của ông Sunak không dễ đạt dược. Bên cạnh đó là sự chia rẽ tại Anh với Scotland muốn độc lập, Bắc Ái Nhĩ Lan rối bời vì Brexit, vấn đề mà cả nước Anh cũng đang chịu tác động.
Một điều vẫn đáng nhắc lại là cơ chế dân chủ chẳng phải là hoàn hảo nhưng người ta nói trên thế giới này vẫn chưa có cơ chế nào tốt hơn nó. Đó là cơ chế khiến Anh có bất ổn nhưng xã hội không rối loạn và người gốc Ấn có thể đứng trên triệu người ở tuổi 42, tuổi mà nhân vật có tiếng của FPT, ông Trương Đình Anh, cũng muốn thành Thủ tướng nhưng đó là giấc mơ chẳng biết bao giờ mới thành hiện thực cho những người ở độ tuổi 40 tại Việt Nam. Trước ông Rishi Sunak, Thủ tướng David Cameron của Anh giữ kỷ lục Thủ tướng trẻ ở tuổi 43 và điều đó xảy ra mới gần đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét