Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :26/11/2022 - ĐHL


Phá hạ tầng năng lượng :Nga dùng chiến lược bẻ gãy hậu phương, đánh sụp tiền tuyến Ukraina Trung tâm thành phố Kiev mất điện sau các vụ oanh kích của Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraina, ngày 24/11/2022. AP - Evgeniy Maloletk Thu Hằng - Nga tiếp tục trả đũa Kherson hai tuần sau khi rút khỏi thành phố miền nam. Ngày 25/11/2022, quân đội Nga đã oanh kích nhiều khu vực dân cư ở Kherson, khiến « 15 người chết, 35 người bị thương, trong đó có 1 trẻ em ». Chính quyền thành phố cho biết đây là trận oanh kích tang thương nhất trong những ngày gần đây, « nhiều ngôi nhà và chung cư cao tầng » đã bị phá hủy.
<!>
Thống đốc vùng Kherson viết trên mạng xã hội : « Quân xâm lược Nga đã dùng bệ phóng tên lửa đa nòng oanh kích một khu dân cư. Một tòa nhà lớn bị bốc cháy ». « Do Nga oanh kích liên tiếp, chúng tôi phải sơ tán các bệnh nhân trong các bệnh viện ở Kherson ». Theo bộ Tái nhập các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, được AFP trích dẫn, tối 25/11, một chuyến tầu chở « khoảng 100 công dân đầu tiên ở Kherson được chính phủ hỗ trợ sơ tán đã rời thành phố, trong đó có 26 trẻ em, 7 bệnh nhân liệt giường và 6 người tàn tật ».

Tổng thống Zelensky trong buổi điểm tin hàng ngày cho biết đến tối 25/11, hai ngày sau vụ Nga bắn 67 tên lửa vào Ukraina, vẫn còn hơn 6 triệu gia đình không có điện trên hầu hết các vùng và Kiev. Trên trang Facebook, ông cổ vũ người dân « cố chịu đựng mùa đông này - một mùa đông mà mọi người sẽ nhớ mãi ».

Tại sao quân Nga đánh phá cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraina ?
Chiến lược của Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraina vào lúc nhiệt độ mùa đông xuống thấp bị ông Zelensky lên án là « tội ác chống nhân loại ». Trên đài RFI, tướng Pháp Vincent Desportes, giáo sư về chiến lược trường Sciences Po và HEC, giải thích về ý đồ chiến lược của Nga :

« Tôi không nghĩ là quân Nga nhắm đến thường dân mà thường dân trở thành một trong những cách để giành kết quả chiến lược. Chúng ta đã thấy quân Nga gặp khó khăn ở cấp chiến thuật. Vì không thể thắng trên bình diện chiến thuật, Nga tiến lên một bậc và tìm cách chiến thắng ở cấp chiến lược.

Kế hoạch này đơn giản. Nếu một quân đội không có hậu phương thì sẽ không trụ được. Điều này đúng đối với cả quân đội Nga và Ukraina. Vì thế, ý đồ chiến lược hiện nay của tổng thống Putin là đánh đổ hậu phương của Ukraina để tiền tuyến cũng sụp đổ. Vì quân Nga không có khả năng đối đầu trực tiếp trên chiến trường, họ tìm cách làm suy yếu năng lực của quân đội Ukraina, làm giảm khả năng hỗ trợ cho quân Ukraina cũng như các trận chiến của Ukraina ».

Phương Tây khẳng định tiếp tục hỗ trợ Ukraina
NATO sẽ sát cánh với Ukraina đến chừng nào cần thiết và sẽ không lùi bước. Theo trang web của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ngày 25/11, trong buổi trình bày về kế hoạch cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên, tổng thư ký Jens Stolternberg nhấn mạnh : « Về mặt an ninh, hỗ trợ Ukraina cũng vì lợi ích của chúng ta » vì « không thể có hòa bình lâu dài nếu kẻ xâm lược chiến thắng ».

Cũng trong ngày 25/11, trên Twitter, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cho biết Bruxelles « viện trợ lớn » giúp Ukraina tái lập mạng lưới điện và sưởi, cụ thể là vài trăm máy phát điện để các bệnh viện dù lớn hay nhỏ không bị gián đoạn hoạt động. Hai thủ tướng Đức và Pháp, trong cuộc gặp tại Berlin, cũng khẳng định tiếp tục ủng hộ Kiev chống cuộc chiến của Nga.

Giáo hoàng Phanxicô cũng có cử chỉ được coi là « chưa từng có ». Trong thư ngỏ đề ngày 24/11, người đứng đầu tòa thánh thể hiện sự gần gũi với người dân Ukraina đang phải sống ở « những thành phố bị bom đạn tấn công trong khi mưa tên lửa gây chết chóc, tàn phá và đau thương, đói lạnh và rét ».

Pháp và Đức ký thỏa thuận tương trợ năng lượng


Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) tiếp đồng nhiệm Pháp Élisabeth Borne, tại Berlin ngày 25/11/2022. AP - Michael Sohn
Trọng Thành
Từ một tuần nay, Pháp và Đức có hàng loạt cuộc gặp và tuyên bố nhằm sưởi ấm lại quan hệ song phương, sau nhiều trục trặc trong thời gian qua, đặc biệt về hai vấn đề năng lượng và quốc phòng. Các nỗ lực tái siết chặt quan hệ song phương dồn dập khép lại ngày hôm qua, 25/11/2022, với chuyến công du Berlin của thủ tướng Pháp Elisabeth Borne. Trong dịp này Paris và Berlin ký kết một thỏa thuận tương trợ về năng lượng.

Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin :

Pháp và Đức muốn quan hệ gắn bó, sát cánh bên nhau. Tuyên bố chung về đoàn kết năng lượng giữa hai nước cho thấy Paris và Berlin, bất chấp những căng thẳng trong những tuần gần đây, vẫn có thể đạt được các thỏa thuận. Hai thủ tướng Olaf Scholz và Elisabeth Borne thống nhất quan điểm. Thủ tướng Đức nói : “Bạn bè phải giúp nhau khi hoạn nạn. Chúng tôi muốn sử dụng mối quan hệ của chúng tôi cho lợi ích của hai đất nước chúng ta cũng như của châu Âu".

Thỏa thuận đã ký quy định, Pháp giúp Đức về khí đốt. Ngược lại, Đức hỗ trợ láng giềng bằng cách cung cấp điện. Đây là một biện pháp cần thiết, khi nhiều lò phản ứng hạt nhân của Pháp đã đóng cửa. Nhưng về năng lượng, vẫn còn nhiều bất đồng, trước hết là về việc áp trần giá khí đốt, Berlin phản đối, còn Paris ủng hộ.

Về cải cách thị trường điện, thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tuyên bố: ‘‘Chúng ta phải tiến xa hơn’’, bà cho biết đang làm việc ‘‘cật lực’’ để tìm các giải pháp. Các phản ứng chung ở châu Âu đối với kế hoạch đầu tư lớn của Hoa Kỳ hiện vẫn chưa được đúc kết. Và thỏa thuận chính trị về dự án máy bay chiến đấu của châu Âu (SCAF) dường như gặp khó khăn, do các bất đồng giữa hai nhà sản xuất Dassault và Airbus, ngay cả khi thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố '‘tin tưởng".

Pháp tăng cường hợp tác quân sự với Indonesia và ASEAN


Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Prabowo Subianto (trái) và đồng nhiệm Pháp Sebastien Lecornu (phải) duyệt hàng quân danh dự tại Jakarta, ngày 25/11/2022. AFP - BAY ISMOYO
Thu Hằng
Mười ngày sau chuyến công du Indonesia dự G20 của tổng thống Macron, đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Pháp thăm Jakarta trong hai ngày 25 và 26/11/2022. Pháp muốn tăng cường hợp tác chiến lược với Indonesia và ASEAN để chống những rủi ro leo thang căng thẳng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp được đồng nhiệm Indonesia Prabowo Subianto tiếp tại Jakarta hôm 25/11. Indonesia là nước chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023. Ngoài ra, Jakarta là đối tác quân sự lớn nhất của Paris ở Đông Nam Á, với hợp đồng 42 chiến đấu cơ Rafale trị giá 8,1 tỉ đô la. Hai bên đang đàm phán mua hai tầu ngầm Scorpènes và một kế hoạch đào tạo sĩ quan Indonesia trong các trường quân sự Pháp ngay năm 2023.

Trả lời phỏng vấn AFP, bộ trưởng Lecornu nhận định là « giữa Pháp và Indonesia đang hình thành một sự gắn bó chiến lược mạnh mẽ ». Pháp sẽ trở thành quan sát viên của Hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), trong giai đoạn 2024-2027. ADMM+ hiện có 10 nước ASEAN và 8 đối tác, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Trên Twitter ngày 26/11, Sébastien Lecornu đánh giá việc được tham gia ADMM+ « cho phép chúng ta (Pháp), cùng với các đối tác, tham gia vào các nhóm làm việc được thành lập, bàn về những thách thức quan trọng trong vùng, như vấn đề an ninh hàng hải ».

Ngoài ra, Paris cũng thấy cần hiện diện về chính trị và mong muốn đóng vai trò đa phương trong vùng. Do đó, theo ông Lecornu, « ASEAN là một không gian đối thoại rất quan trọng, đó là những nước nắm giữ các giải pháp cho hòa bình và an ninh của vùng ».

Trước đó, tại Hội nghị APEC, tổng thống Macron đã nhấn mạnh đến chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp.

Viện nghiên cứu Nhật Bản : Quân đội Trung Quốc gia tăng hoạt động ‘‘vùng xám’’


Không quân Trung Quốc luyện tập bắn đạn thật ở Biển Đông Ảnh do báo Japan Times chụp lại trên truyền hình Trung Quốc. (Capture d'image www.japantimes.co.jp)
Trọng Thành
Báo cáo của một viện nghiên cứu về quốc phòng Nhật Bản công bố hôm qua, 25/11/2022, cho biết chính quyền Trung Quốc đang đầu tư mạnh cho các hoạt động gây hấn gọi là ‘‘vùng xám’’, tại nhiều vùng biển tranh chấp, hay các hình thức gây hấn dưới ngưỡng chiến tranh.

Báo Nhật Japan Times dẫn bản Báo cáo An ninh Trung Quốc thường niên 2023 (National Institute for Defense Studies), theo đó Bắc Kinh đang ‘‘liên tục tìm cách tạo ra các tình huống vùng xám, gây áp lực lên đối thủ, trong khi tránh đụng độ quân sự với các nước khác”. Tuần duyên và lực lượng dân quân biển là lực lượng chủ lực của các hoạt động gây hấn ‘’vùng xám’’.

Báo cáo cho biết khả năng hoạt động của Trung Quốc tại các vùng xám được cải thiện xuất phát từ việc kết hợp Cảnh sát biển với ‘‘lực lượng dân quân biển’’, và đặt lực lượng này dưới quyền chỉ huy của các lãnh đạo quân sự. Kể từ năm 2018, Cảnh sát biển Trung Quốc trực thuộc Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc, một lực lượng bán quân sự, do Quân ủy Trung ương Trung Quốc chỉ đạo.

Ông Shinji Yamaguchi, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết cụ thể : ‘‘Lực lượng tuần duyên và lực lượng dân quân biển đã tăng cường các hoạt động kể từ những năm 2010’’. Theo ông Yamaguchi, các lực lượng này cũng đã ‘‘có nhiều hoạt động vũ trang’’.

Báo cáo nói trên được công bố trong bối cảnh Tokyo liên tục tố cáo Bắc Kinh xâm nhập quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, một nhóm các đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông do Nhật Bản quản lý, nhưng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Cũng theo báo cáo này, lực lượng tuần duyên Trung Quốc cũng tỏ ra‘‘hung hãn hơn’’ ở Biển Đông so với Biển Hoa Đông. Bắc Kinh có nhiều tranh chấp chủ quyền với các quốc gia ven Biển Đông, như Philippines và Việt Nam. Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần như với toàn bộ vùng biển này.

Nhật lo ngại bị tấn công đồng loạt bằng tên lửa đạn đạo

Còn theo đài NHK, giới chức quốc phòng Nhật Bản hôm qua đã nhấn mạnh đến việc Nhật Bản cần tăng cường khả năng phản công. Trong một phiên họp của liên đảng cầm quyền Nhật Bản, các giới chức Quốc Phòng lưu ý đến việc hệ thống phòng vệ hiện nay của Nhật được trang bị kém, khó chống trả được các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, đặc biệt nếu diễn ra đồng loạt.

Mỹ cấm bán thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi và ZTE trên lãnh thổ


Các thiết bị viễn thông của Hoa Vi bị cấm bán vào thị trường Mỹ, theo như quy định chính thức công bố ngày 25/11/2022. AP - Ng Han Guan
Thu Hằng
Thiết bị viễn thông của hai tập đoàn Huawei Technologies và ZTE cùng với một số công ty khác của Trung Quốc bị cấm bán trên thị trường Mỹ, theo những quy định mới vừa được chính thức thông qua. Ngày 25/11/2022, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) nêu lý do về « rủi ro không thể chấp nhận được » cho an ninh Mỹ.

Ngoài ra, thiết bị video giám sát của ba công ty Dahua Technology, Hangzhou Hikvision Digital Technology và Hytera Communications cũng bị cấm bán và nhập khẩu vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Bà Jessica Rosenworcel, chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang, nêu trong thông cáo : « Những quy định mới là một phần quan trọng trong những nỗ lực hiện nay của chúng tôi để bảo vệ người dân Mỹ trước những đe dọa về an ninh liên quan đến viễn thông ».

Theo Reuters, quyết định trên của chính quyền Joe Biden là minh chứng mới nhất cho thấy sự nghi ngờ của Washington về các đại tập đoàn công nghệ Trung Quốc, cũng như lo ngại thiết bị của những tập đoàn này được sử dụng vào mục đích dọ thám Hoa Kỳ.

Tập đoàn Hoa Vi (Huawei) từ chối phát biểu về quyết định trên của Washington. Còn hai tập đoàn ZTE và Dahua, cũng như đại sứ quán Trung Quốc chưa hồi âm đề nghị bình luận của hãng tin Anh Reteurs. Riêng Hikvision khẳng định trong một thông cáo là sản phẩm của họ không đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Covid-19 : Dân Trung Quốc nhiều nơi xuống đường đòi chấm dứt phong tỏa


Người dân ở Tân Cương biểu tình phản đối chính sách Zẻo Covid khắc nghiệt tại thủ phủ Urumqi, ngày 25/11/2022. Video Obtained via REUTERS - Video Obtained by Reuters
Trọng Thành
Chính sách phong tỏa khắc nghiệt kéo dài tại Trung Quốc vượt quá mức chịu đựng của người dân. Tại nhiều nơi, người dân đã xuống đường phản đối. Hôm qua, 25/11/2022, tại Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, nhiều người kéo đến trước trụ sở chính quyền yêu cầu chấm dứt phong tỏa.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

« Ở Thượng Hải, đó là những buổi hòa nhạc với xoong nồi, còn tại Urumqi, đó là những câu khẩu hiệu : ‘‘Giải phóng’’ (Jie feng). Hai chữ ‘‘giải phóng’’ đồng thanh vang lên khắp thành phố tối thứ Sáu, như thể tất cả mọi người đã thống nhất với nhau về điều này : ‘‘Giải phóng !’’, ‘‘Dỡ bỏ phong tỏa !’’…

Thủ phủ của khu tự trị Tân Cương đã bị đóng cửa với phần còn lại của thế giới trong 110 ngày. Đêm nay, giọt nước đã tràn ly. Ở quận Shayibak, ở trung tâm thành phố, rồi ở các khu dân cư khác, người dân đã xuống đường để yêu cầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Họ bình tĩnh quay phim bằng điện thoại di động.

Các video lan truyền trên các mạng xã hội Douyin và Twitter cho thấy đám đông tụ tập trước các công sở. Phía trước tòa thị chính của Urumqi, một phụ nữ hét qua một chiếc loa. Người phụ nữ này yêu cầu các nhà chức trách chấm dứt phong tỏa thành phố. Ở những nơi khác, quốc ca được hát vang dưới lá quốc kỳ vàng đỏ.

Đây không phải là lần đầu tiên cư dân biểu tình ở Urumqi. Vào đầu tháng 9/2022, những người bị phong tỏa ở Tân Cương đã kêu gọi sự giúp đỡ trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của công luận về những đau khổ của việc đóng cửa kéo dài. Các quan chức sau đó đã phải xin lỗi về những “lỗ hổng” trong chính sách phòng chống dịch.

‘‘Phong tỏa bắt đầu từ mùa hè này, và nay đã là mùa đông’’, một dân mạng bình luận mới đây ».

Không có nhận xét nào: