Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

Tay vẫy mùa Xuân - Truyện Trần Yên Hòa


Bữa nhậu gồm năm người đàn ông, hai thùng Budweiser, mỗi thùng 18 lon. Mồi là thịt bò nhúng dấm cuốn bánh tráng. Món này mang hương vị quê hương mà dễ làm, không cần có bàn tay đàn bà. Chỉ cần ra chợ Mỹ chọn mua thịt bò ngon đem về xắt mỏng, trải lên đĩa, rồi đem bếp lò điện loại nấu cơm, đổ giấm vào, đổ thêm một vài lon bia, nước sôi lên là có thể nhúng thịt bò vào, bỏ thêm hành tây xắt mỏng, là có một món bò nhúng dấm ngon ơ.
<!>
Bữa nhậu còn có thêm con gà quay nữa, chừng đó đã thấy ê hề. Tất cả năm người đàn ông ngồi dưới thảm, mồi đặt trên những tờ giấy báo Mỹ, trong căn phòng khách một Apartment của đám công nhân làm thịt heo thuê. Họ thuê hợp đồng sáu tháng, giá thuê nhà ở miền đông rẻ nên thường khoảng bốn người thuê chung một Apt hai phòng ngủ, một phòng tắm, khoảng 350$ một tháng. Kể như mỗi người chỉ tốn khoảng 100$ cho việc thuê nhà, còn ăn uống thì cuối tuần đi mua đồ về mạnh ai nấy nấu ăn.

Ngày cuối năm dương lịch buồn hiu hắt. Tuyết đã rơi từ tháng mười một, cộng thêm khí lạnh của đất trời làm thành phố nhỏ đã buồn lại buồn thêm. Buổi nhậu cuối năm với năm người đàn ông trung niên, toàn là dân mới qua Mỹ được một hoặc hai năm. Công việc đầu tiên là đi làm kiếm tiền, họ được các trung tâm tìm việc làm của cộng đồng tuyển đi làm ở hãng thịt heo. Họ như con bò kéo cày. Công nhân làm ở các hãng thịt thường thường là những người tận cùng bằng số. Anh ngữ không biết nhiều, không có bằng cấp chuyên môn, chỉ dùng sức lao động, các job đều nặng nề. Họ phải mặc áo bảo hộ lao động, mang bao tay tay sắt an toàn dày hai, ba lớp, tất cả đều với mục đích là tuyệt đối an toàn, để cắt thịt không lậm vào tay. Nghề cắt thịt, dù có máy móc phụ lực nhưng sức con người vẫn là chính. Với con dao bén ngót, để cắt, lạn, những sớ thịt đúng theo quy cách, không được làm hao phí của chủ hãng.

Cả năm người đàn ông ngồi im lặng, hình như đã đến tua thứ tư, người yếu nhất cũng cạn ba lon. Bỗng nhiên Hội nói lớn:

– Mới đó mà hết năm rồi, thời gian qua lẹ thiệt.

Câu nói của Hội khiến mọi người bỗng đâm ra ngẩn ngơ. Uống mấy lon bia, ai ai cũng bừng bốc. Cái bừng bốc là cái nhớ về, cái chìm đắm, cái suy nghĩ, nhưng không ai nói ra. Họ chỉ nói đến công việc, đến chuyện ngày cũ, chuyện lính tráng, chuyện tù cải tạo, không ai nhắc đến chuyện thời gian qua mau, câu nói của Hội làm ai cũng thẩn thờ.

Năm người đàn ông với năm tâm trạng nhưng cùng chung một hoàn cảnh, là ai cũng sống một mình, nghĩa là ngày trước họ cũng có một mái nhà, một đời tình, những đứa con, nhưng bây giờ thì không còn gì. Hoán thì li dị vợ năm ngoái, ông Quân thì không sống với vợ nữa nên bỏ đi xa, còn hai người kia, Phú và Định từ ngày ở trại tập trung ra đã mất vợ, hai ông buồn chán không lấy vợ nữa, riết thành quen.

Còn Hội, Hội còn có Quyên và ba đứa con ở Cali, nhưng anh cũng bỏ đi. Anh bỏ Quyên hay Quyên bỏ anh cũng không biết nữa. Năm người có năm nổi buồn riêng. Ai hiểu được ai nào. Chỉ biết họ cùng nhau chia xẻ những bơ vơ này trong bọt bia, trong những hàn huyên lạnh ngắt.

Phú nói như một khám phá:

– Bà Linh mới vào làm tuần trước đã cặp ngay với thằng Tân ngọng.

Định, người chuyên thạo chuyện, kể:

– Bà Linh đã có năm con rồi, thằng lớn cũng hai lăm tuổi, thế mà cũng bỏ chồng qua đây làm thịt heo, rồi kết ngay thằng Tân.

Phú nói một câu triết lý:

– Ô, đàn bà hơi đâu mà nói.

Định trên năm mươi tuổi, là người hay nghe ngóng mọi chuyện xảy ra ở hãng thịt, của đám công nhân người Việt. Cái gì anh cũng biết sớm hơn người khác, cặp nào lấy nhau, cặp nào rã đám. Hình như đó là niềm vui của Định. Anh tìm tòi, lục lọi, hỏi han, như một phóng viên báo chí. Định nói trúng phóc từng người, từng sự việc. Nhưng với Hội, chắc chắn là lời nói của Định với mọi người đều sai. Đó là những ngày đầu cùng thuê chung một Apt, khi ngồi uống rượu cùng nhau, anh kể chuyện đời anh cho mọi người nghe và tự hạnh phúc hóa đời anh, hạnh phúc hóa một bình an, một yên ổn:

– Tôi là dân mới qua Mỹ nên phải đi làm hãng thịt, vợ ở Cali đi may, các con đi học. Khí hậu ở Cali giống ở Việt Nam nên ở đó là tốt nhất. Tôi sẽ làm ở đây một thời gian kiếm tiền rồi về lại Cali với gia đình.

Nói xong, anh tự thấy mình lạnh đi. Không biết sự dối trá che đậy hoàn cảnh có làm tôn vinh thêm giá trị của đời anh không. Nhưng từ lâu, hình như đã lâu lắm, từ ngày ở trại tập trung ra, sống với vợ không hạnh phúc, không niềm vui, khiến anh trở nên lặng lẽ, hay che lấp, hay thi vị hóa cuộc sống mình. Điều này làm anh yên tâm hơn, nhưng tận cùng trong anh vẫn là nổi đau xót ngấm ngầm, buồn tủi.

Buổi chiều cuối năm bữa, bữa nhậu thật buồn, hình như ai cũng có một cái gì đó u uất, trầm thống. Uống một hơi bia đầy rồi tự dưng Định kêu lên:

– Mẹ nó thiệt, ở Mỹ buồn thấy mồ. Ở Việt Nam bây giờ đã sắp đón Tết rồi. Tôi làm ở đây mấy tháng nữa là tôi rút quân.

Hội nghe nao núng thật lòng, mọi người thường đến đây làm một thời gian kiếm tiền rồi đi. Còn anh thế nào? Trong cái đất nước Mỹ rộng bao la này còn ai thân thuộc, máu mủ. Và Quyên đâu, các con anh đâu? Những ngày tháng đã qua như một nhát dao đâm ngập vào lòng anh những đau thương, mất mát, mà hình như từ quá lâu rồi, chứ không phải mới xảy ra từ ngày anh bước chân đến Mỹ.

***
Chuyện tù cải tạo là một chuyện dài kể hoài không dứt. Ngày ở trại tập trung, có biết bao nhiêu người đã nếm mùi vị cay đắng bởi những người vợ ra đi không một lời từ giã. Thời gian luôn luôn tỉ lệ thuận với lòng người nhạt phai và phản bội. Những năm đầu trên vùng Long Giao, Long Khánh, nơi những trại tập trung được dựng lên, ngày nào đi lao động ở mấy khu trồng cao su, lúc nào anh cũng thấy thấp thoáng những bóng dáng đàn bà quanh quẩn gần đó. Họ có thể là mẹ, là vợ của những người đang bị cưỡng bách tập trung, đang lao động trên các nông trường cao su. Họ ngơ ngác tìm kiếm người chồng, những đứa con trai không biết trôi dạt đến nơi nào. Những người đàn ông được đài phát thanh thông báo đem theo đồ ăn, thức uống, áo quần đủ trong mười ngày, lầm tưởng rằng thời gian đi học tập là mười ngày, không ai nghĩ đến sự điêu ngoa của kẻ chiến thắng. Những người đàn bà mang dáng dấp phố thị, còn sót lại những nét thanh tao thon thả của một thời vàng son, bây giờ họ đang đi tìm chồng, tìm con, tìm anh em ruột thịt. Những nổi nhớ thương, sự chờ đợi dần dần cũng nhạt phai theo tháng năm.

Các năm sau đó, có những tin tức được thân nhân truyền miệng vào trại lúc thăm nuôi qua bạn bè, người thân – vợ đại úy Thạch đã lấy cán bộ rồi, đem tên cán ngố về ở luôn trong nhà, hay, vợ thiếu tá Ngọc cặp với một thanh niên buôn bán chợ trời, cùng rũ nhau vượt biên, đã thoát qua Thái Lan.

Những mẫu tin đó như những nhát dao đâm vào tim những người tù cải tạo. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng hồi hộp đợi chờ, nơm nớp lo sợ, sợ cái tin không vui một ngày nào sẽ đến với mình. Nó như một căn bịnh trầm kha lan từ người này đến người khác, trong âm thầm, họ tự nhìn lại cuộc đời mình, ngày trước khi còn quan quyền, còn “hét ra lửa”, còn lên xe xuống ngựa, có khi nào họ phụ rẫy vợ nhà không? Có ăn chơi trác táng bạt mạng không? Có vợ nhí, vợ bé không? Dĩ nhiên mấy bà cũng tuần tự ra đi theo tấm lòng của người chồng đã có từ trước, ai mà một thuở ăn chơi, không lo lắng gia đình thì thường những bà vợ ra đi rất sớm. Mỗi đợt thăm nuôi là định hình lại, khẳng định lại người đi, kẻ ở. Có lúc người ra thăm nuôi, mặt mày hớn hở bao nhiêu, nhưng khi trở vào trại thì mặt mày tiu nghĩu bấy nhiêu. Nhìn nét mặt từng người, có chút quan sát cũng biết người đó ở vào tâm trạng nào, hoàn cảnh nào. Những xôn xao của bạn bè kể về chuyện gia đình dần dần cũng bớt đi, nhường chỗ cho sự im lặng, như một bất an đến với từng người. Những người tù tập trung chỉ có một niềm vui, niềm hy vọng duy nhất là được biết tin tức về gia đình, vợ con. Niềm vui đó cũng từ từ tắt ngấm theo từng ngày tháng trôi qua. Những người vợ chờ đợi trong vô vọng đã lần lượt bước đi bước mới, để lại cho người chồng nổi đau thương vô hạn trong trại tập trung.

Hội biết gia đình mình không khá giả gì. Ngày anh đi vào trại tập trung Quyên đã khăn gói về quê cùng ba con dại. Ba đứa con là gánh nặng oằn lên vai vợ nên anh chẳng đòi hỏi gì. Ngày tháng cứ dần dần qua, một năm, hai năm, rồi ba năm. Anh lặng yên trong một nổi đau cùng tận. Cái đói khổ, cái côi cút gặm nhấm lấy anh hàng ngày hàng giờ. Anh bơ vơ sống bên những người bạn chân thành, chia sớt cùng anh một mớ rau, một củ sắn. Những người bạn đã chia sẻ những món quà thăm nuôi ít ỏi với anh. Anh đã một lần khóc ngất xin ra ăn riêng vì anh nghĩ, miếng ăn trong tù quý giá vô cùng. Bạn bè chia sớt với nhau như vậy là quá đủ rồi, nhưng người bạn tên Đỗ Thy ấy cũng vẫn giữ anh lại, để tiếp tục chia sẻ cùng anh những thiếu thốn cùng cực.

Nhưng tại sao em biệt tăm trong anh, biệt tăm như em không còn trên trái đất này, trên quãng đời này. Biệt tăm. Em không viết cho anh một chữ trong suốt mấy năm liền, mấy đứa con anh bây giờ ra sao? Trôi dạt về đâu?

Cứ như vậy cho đến ngày anh về. Hai vợ chồng gặp nhau như lạ. Sống trong một căn nhà mà như hai chiến tuyến, chia cắt, phân lìa. Có lẽ không do lỗi ở ai cả, mỗi người có một hoàn cảnh riêng mà thật là không ai hiểu ai. Quyên vẫn thường rêu rao với bạn bè, “Ôi cái ông nhà tôi bây giờ khùng nặng rồi, ở trại cải tạo ra người nào cũng khùng hết, không điên thì cũng mát, cũng chạm dây, hơi đâu mà nói đến mấy ổng cho mệt.”. Và hình như câu nói đó cũng là câu nói đầu môi của bao nhiêu bà vợ oán trách chồng. Oán trách sự trở về vô tích sự và choàng lên gia đình một gánh nặng thêm.

Hội buồn bã trong nổi đau thương đó, anh tách mình ra khỏi những sinh hoạt, anh sống một mình thui thủi như một sự cam chịu, một thua thiệt. Anh làm đủ mọi nghề để kiếm sống, còn vất vã và cực nhọc hơn ngày trong trại tập trung. Hai vợ chồng tự dưng mà xa nhau. Quyên giao tiếp, Quyên trang điểm. Quyên đi đi về về. Tất cả qua mặt anh bằng sự dửng dưng. Hình như sự việc tự nhiên đẩy họ xa nhau, xa thêm, xa lắc.

Cứ thế mà trôi theo dòng đời. Có mấy ai trên đời này vợ chồng sống cùng chung một mái nhà mà buổi tối phần ai nấy ngủ, cuộc sống phần ai nấy lo, đi ra đi vào thế nào cũng mặc, cho đến ngày xuất cảnh.

Hội không vùng vẫy ra khỏi nhưng trì trệ của cuộc sống. Anh tìm sự im lặng mãi đến bây giờ. Nhưng lòng anh vẫn còn những sĩ diện hảo. Anh không muốn cho ai biết gia đình anh có sự đổ vỡ, có sự tan nát. Anh luôn luôn vẽ vời cái hạnh phúc quanh anh, cái hạnh phúc hay sự bình an không có thực, nó như một an ủi sau cùng để anh được sống, được làm việc và ngẫng mặt với đời.

Hình như một người tù cải tạo nào về với cuộc đời thường ai cũng mang một tâm trạng u uất. Họ không làm ra tiền, bị công an dòm ngó, quanh đi quẩn lại chỉ còn mái âm gia đình, mà gia đình cũng thường chứa chất một sự bất an. Ai cũng tự trấn tỉnh mình. Có người phải cúi gầm mặt xuống không giám nhìn ai trong ngày trở về, khi người vợ đã bỏ đi. Cái đau nhói thấm sâu cùng với tâm trạng tủi hờn vô cùng bi thảm, cho nên không nói ra, sự khùng điên có thể đến với bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, với người tù cải tạo.

Bây giờ qua Mỹ, cái đầu tiên và duy nhất vẫn là tiền, nên anh nghĩ anh phải ra đi, phải làm việc, và anh đã ghi tên đi làm ở hãng thịt heo này. Ngày anh đi, Quyên không đưa tiễn anh, không nói một lời, chỉ có ba đứa con gặp thăm anh trước lúc anh đi. Anh nuốt mắt chảy ngược vào trong. Ba đứa con anh cũng từng ngày rời xa anh và chìm ngập vào cuộc sống mới nơi xứ Mỹ này.

Năm nguời đàn ông trong bữa nhậu cuối năm, uống hết hai thùng bia ba mươi sáu lon, ở một nơi không có đàn bà, thật buồn tẻ, trong cái sướt mướt của miền đông nước Mỹ. Trời bên ngoài lạnh thấu xương. Xong, người nào cũng chếnh choáng nhưng họ cũng biết tự làm vệ sinh căn phòng, rồi mạnh ai về phòng nấy trùm mền ngủ.

Cái Tết đến lạnh tanh cùng cơn mưa tuyết rơi bên ngoài rả rích.

Hội nhận được đơn ly hôn của Quyên gởi xuống một tháng sau đó. Đó là những ngày bắt đầu vào Tết ở quê nhà. Nơi Hội ở vẫn còn lạnh và tuyết vẫn còn rơi lác đác. Anh đi làm về thì nhận một bao thư dày, do một văn phòng luật sư làm dịch vụ ly hôn mà Quyên nhờ thụ lý gởi đến. Mẫu đơn với nhiều từ tiếng Anh, anh biết đại khái rồi ký ngay vào chỗ dành cho người phối ngẫu. Tâm hồn anh hoang mang và xao động cùng độ. Anh phải ký ngay chứ không thì anh sẽ đổi ý kiến, dù biết xứ Mỹ này là xứ tự do, anh có ký vào đơn ly hôn hay không cũng chẳng có gì là quan trọng, chẳng có gì thay đổi được tình thế. Ký xong anh bỏ vào phong bì và đem lên bưu điện gửi ngay.

Khoảng hai tháng sau, anh nhận giấy ly hôn chính thức. Anh cầm tờ giấy cất trong valy, nơi anh vẫn cất những giấy tờ quan trọng của anh, như thẻ xanh hay SS. Rồi anh gọi bạn bè lại uống rượu. Anh gõ nhịp mà ca: “Em ơi lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai.” (thơ Vũ Hoàng Chương).

***
Hai năm sau, trong bữa tiệc tân niên của trường đại học, nơi Hội từ đó xuất thân, bạn bè thấy Hội cặp tay với một người đàn bà. Người đàn bà đẹp quý phái. Nàng bận bộ đầm đen, mang kính cận, còn Hội bận veston, trông như một nhà ngoại giao. Mặt au đỏ, tóc chải láng. Gặp bạn bè, ai ai Hội cũng cười vui và bắt tay. Hội nói năng vung vít, tự mản và luôn miệng giới thiệu với mọi người, đây là Dáng Thu, bà xã tôi. Dù người đàn bà chỉ có tên là Thu thôi nhưng Hội đã thi vị hóa để chứng tỏ anh là nhà thơ. Dáng Thu là mùa thu đem lại sự dịu dàng thơ mộng đó mà.

Đám bạn bè ai cũng biết cái truân chuyên của cuộc đời Hội, nổi bất hạnh từ ngày anh ở tù về. Nay thấy Hội phởn phơ đều mừng cho anh, đều thông cảm cho sự vung vít của anh. Nhưng chỉ có anh biết rõ đời anh. Suốt gần ba năm “cày” ở hãng thịt, anh để dành đâu được mấy chục ngàn. Về lại Cali, anh mua một cái mobile home ở đường Bolsa và bắt đầu đi tìm vợ mới. Rất may là anh gặp Thu, cô gái cùng làm việc chung hãng. Sau những giây phút liếc tình, hỏi han hoàn cảnh nhau, biết Thu còn độc thân là anh tấn công tới tấp. Hai người xáp lại mau chóng. Cuối cùng thì anh được vợ.

Trong buổi văn nghệ tân niên của trường đại học, hứng chí Hội xung phong lên sân khấu đọc thơ, một bài thơ hay, có đoạn cuối như thế này:

Dù có thế nào thơ vẫn thế
Xin nâng ly mời rượu ân cần
Tình chếnh choáng bước lên cuộc sống
Bồng em qua tay vẫy mùa xuân

(thơ Phan Nhự Thức)

Trần Yên Hòa

Không có nhận xét nào: