Hôm trước nói chuyện uống rượu bị ngã vì phản ứng thuốc, tôi chợt nghĩ sao không chia xẻ với các bạn những lần bị ngã của mình, cũng như bàn luận về ngã ở người già, biết đâu có bạn rút kinh nghiệm , tránh được tai nạn. Trước kia ở vai trò cha mẹ và sau này là ông bà, chúng ta có nhiều cơ hội trông trẻ, thấy trẻ em ngã rất nhiều,rất thường xuyên, vì lý do nghịch ngợm cũng có nhưng lý do chính do còn nhỏ (trường hợp những cháu mới biết đi), chúng chưa ước lượng được khoảng cách hay độ cao , cũng như chưa phối hợp được các động tác. Tuy nhiên,leo trèo, nghịch phá, té ngã…đều là một phần của việc phát triển thể chất, trí tuệ và năng khiếu của đứa trẻ.Ngã ở trẻ nhỏ thường ít khi gây nguy hại, trừ khi đập đầu vào vật cứng.
<!>Cơ thể chúng còn mềm mại, nhiều sụn, xương đang phát triển. Trẻ em lại nhỏ bé nên lực rơi cũng không nhiều.Ngược lại, ở người già , té ngã là một tai nạn rất nguy hiểm và thường do cơ thể đã yếu, mắt kém, chóng mặt… Bây giờ, chúng ta thử xét qua các trường hợp ở người già:
1. Ngã trong nhà tắm: rất thường xảy ra vì nhà tắm là nơi lúc nào cũng trơn trợt do nước, xà bông…Hiện nay nhiều nhà tắm và bồn tắm dùng loại gạch nhám, cũngnhư gắn các thanh kim loại trên tường để người dùng có chỗ vịn khi tắm hay nắm lấy khi ngã.Cũng có loại bồn cầu hay bồn tắm có khung, giúp người dùng không thể ngã được, như các hình kèm theo.
2. Ngã khi dắt chó, leo lầu, làm các việc và mất thăng bằng: Nếu bạn đọc để ý , lâu lâu có tin một cụ dắt chó, bị chó kéo mạnh và ngã.
Nếu đập đầu xuống đất thì rất nguy. Dù không đập đầu nhưng cũng có thể gãy xương: tay, chân, xương chậu… Nhiều khi mắt kém, đi không trông thấy vật trước mặt, đâm sầm vào, ngã ngồi xuống, dập đốt xương sống cuối, có khi phải nằm liệt cả mấy tháng.
3. Trong trường hợp mất calcium , xương yếu hơn…tự nhiên ngã và gãy xương hay nứt xương. Thường là xương chậu. Nên người già thường phải dùng thêm calcium và ăn uống đủ dinh dưỡng.
Rất nhiều khi ngã là do uống thuốc, bị phản ứng phụ chóng mặt hay hoa mắt và ngã.
Dù sao, nên tránh hết sức đừng để ngã. Với tuổi già, ngã một lần rất lâu hồi phục. Chưa kể nếu đập đầu, có thể chảy máu trong não. Tụ máu trong não thường được gây ra bởi một mạch máu trong não bị vỡ do chấn thương như tai nạn xe hơi hoặc ngã. Khối máu có thể nằm trong mô não hoặc bên dưới hộp sọ, ấn vào não. Một số chấn thương đầu, chẳng hạn nếu chỉ làm ngất đi một lúc ngắn, có thể không nguy hiểm nhưng nói chung có thể nguy tới tính mạng. Thường phải điều trị ngay lập tức.
Trở lại trường hợp cá nhân: Cách đây hai năm, tôi đi dự tất niên cuối năm ở nhà hàng Olive Garden. Cô phục vụ đưa rượu ra mời. Xin nói tôi vừa xong một đợt trị metronidazole cách đó ba ngày nên cẩn thận chọn một loại vang trắng rất nhẹ và dịu của Ý, vị ngọt nên nghĩ không sao. Quên không coi “half life” của metronidazole là bao nhiêu giờ.Cuối tiệc thấy hơi khó chịu bèn nhắc bà vợ (ngồi cạnh bên) xin về trước. Tôi đứng lên….tự nhiên thấy hoa mắt, choáng váng, không còn điều khiển được hai chân và khuỵu xuống. May mắn ông bạn ngồi bên và vợ tôi mỗi người chụp được một tay giữ lại.
Lần thứ hai, tôi đi BS vì thấy đau nhức chân phải như phong thấp. BS coi kỹ lưỡng, nắn chân, đầu gối…nói không có gì quan trọng, bảo về uống Tylenol hay Ibuprofen. Nhưng cũng cho thêm một toa 15 viên Ultram 50mgs nếu cần thì uống. Hẹn một tuần không khỏi sẽ cho chụp phim.Tôi mua Tramadol. Sau khi ăn tối chừng một giờ, hai vợ chồng đọc kinh tối. Trước khi đọc kinh 30 phút, tôi uống một viên tramadol.
Đọc chừng 10 phút, thấy choáng váng, tôi bảo vợ là tôi đi ngủ trước, bỏ đọc kinh một hôm. Vừa bước ra khỏi phòng , đi vào lối dẫn về phòng ngủ, cả người tôi đổ xuống cái rầm như khúc cây. Ngã mà vẫn mơ màng, vợ tôi phải dìu về phòng. Khoảng 30 phút thì tỉnh hẳn.
Qua hai lần chủ quan đó, tôi biết mình rất nhậy với thuốc và từ đó cẩn thận mỗi khi ăn hay uống món gì mới hay uống thuốc gì khác lạ.
Kết luận:
Khi già, đừng để bị ngã, bất cứ vì lý do gì. Bớt leo lầu càng tốt. Uống thuốc nên coi kỹ phản ứng phụ.Các bạn để ý, khi đi BS hay vô nhà thương , y tá luôn luôn hỏi bạn có ngã trong vòng 6 tháng vừa qua không. Trong nhà thương, nếu bạn trả lời có, nhiều nơi có đủ phương tiện ,họ sẽ nâng hai thanh chắn hai bên giường lên và gắn thêm sợi dây báo động vào tay bạn. Bạn ra khỏi giường là chuông kêu, y tá sẽ chạy vào dìu bạn xuống.
Thân.
DN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét