Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

Chữ Việt Gốc Pháp - Nguyễn Hữu Phước


Chữ Việt gốc Pháp trong vấn đề ăn uống
Ăn phở uống cà phê
Ăn uống là nhu cầu căn bản đầu tiên của tất cả các dân tộc. Do đó khi giao tiếp với người Pháp, những chữ liên quan đến thực phẩm được dùng đến nhiều. Trước hết có chữ “cà phê.” Già trẻ, từ nam tới bắc, từ đông sang tây (quốc nội hay hải ngoại) đều biết từ nầy. Nó do chữ café của Pháp. Cây cà phê đã góp một phần quan trọng vào đời sống của dân Việt từ thời Pháp thuộc cho đến ngày nay. Cách đây ba, bốn năm, VN đã đứng đầu thế giới trong việc sản xuất và xuất cảng cà phê loại “Robusta.” Liên quan tới cà phê, có “cà phê phin” (filtre: lọc). Cà phê phin có một độ còn có biệt danh “cái nồi ngồi trên cái cốc.” Đó là sự “tả chân” về cái phin cà phê của các bộ đội ngoài Bắc vào Nam. 
<!>

Phải công nhận một điều là khi trời lạnh, vào quán gọi một ly cà phê sữa nóng, ngồi nhìn cái nồi thảnh thơi ngồi trên cái cốc, nhỏ từng giọt cà phê xuống cái ly (cái cốc), là một sự chờ đợi lý thú. Khi nhắp chút cà phê sữa từng hớp nhỏ, hưởng cái vị đắng-ngọt “đã” cái lưỡi không thể tả được. Nhưng chưa hết. Hãy gọi một bát phở tái, chín, nạm, gân, sách nữa.

Có người nói với tôi chữ “phở” có nguồn gốc Lang sa đấy. Một cựu thuyền trưởng thương thuyền, đã có thời làm việc cho Pháp và sau nầy cho VNCH, đã kể cho tôi nghe rằng thời trước 1954, ông ta chở tiếp liệu cho quân đội Pháp. Thuyền Phó và nhiều thủy thủ ở tàu của ông là dân Pháp chính cống. Khi tàu cập bến ở Hải Phòng, vào mùa lạnh, họ thường nấu một món “súp” (soupe) thịt bò và sau đó họ để thêm một loại mì sợi (loại giống như spaghetti) đã luộc chín vào súp trước khi ăn. Muốn giữ cho món súp được nóng suốt bữa ăn, họ để súp luôn trên lò lửa. Họ gọi món đó là “boeuf au feu”: (chữ “feu” đọc là “phơ”) tức là “bò nấu trên lửa.”

Các thủy thủ người Việt không để “spaghetti” vào mà lại để hủ tiếu vào và gọi món đó là “boeuf au feu” VN. Chữ nầy dài quá nên được gọi tắt là món “au feu” và sau đó chỉ còn có chữ “feu.” Rồi chữ “phơ” là lửa ấy trở thành chữ phở (có dấu hỏi) lúc nào, ông ta không biết. Món “soupe au feu” nầy trở thành thông dụng cho dân chúng miền Hải Phòng trước, và sau đó cho cả miền Bắc. Sau 1954, khi có nhiều đồng bào di cư vào Nam sau cuộc chia đôi đất nước năm 1954, món “phở” mới thành món ăn phổ biến trong Nam. Trước đó dân miền Nam dùng hủ tiếu thịt heo nấu theo kiểu Tàu.

Một ông bạn già khác, chẳng quen biết gì ông thuyền trưởng trên, lại nói với tôi rằng người Pháp có nhiều loại súp khác nhau, họ thường ăn súp nóng khi trời lạnh. Họ giữ cho súp luôn nóng bằng cách đựng súp trong cái “pot” tức cái nồi và để ninh trên lửa. Họ gọi nó là “pot au feu” và chữ phở do từ feu mà ra. Tóm lại, “boeuf au feu” hay “pot au feu,” cả hai ông đều cho một kết luận giống nhau về nguồn gốc của chữ “phở.” Quí vị có biết thêm giả thuyết nào nữa không?

Điểm tâm: Dăm bông, ba tê, ốp la

Điểm tâm, có bánh mì, trứng gà, “dăm bông” (jambon): thịt heo hun khói và “ba tê” (pâtée) tức thịt hay gan xay, đã làm chín và ướp mùi vị đặc biệt. Có nhiều cách ăn hột gà. Bình thường là luộc chín. Có thể ăn hột gà “la cót” (oeufs à la coque): chỉ thả vào trong nước sôi độ vài phút, bên trong chưa chín hẳn. Ngoài ra còn có thể chiên hột gà bằng cách khuấy trộn chung lòng trắng và đỏ, ta có hột gà “ô mơ lết” (omelette); hoặc chiên nguyên tròng trắng và tròng đỏ để có hột gà “ốp la” (oeufs sur plat).

Cơm trưa và tối với súp, xà lách, phi lê, cỏ nhác

Bữa cơm trưa hay tối có nhiều thứ canh hay súp. Súp bò, gà, hay súp rau cải. Súp rau cải còn có tên gốc Pháp là súp “lê gim” (légume). Tiếng bình dân của ta gọi nước súp là “nước lèo.” Súp hành để lạnh nổi tiếng của người Pháp mà các nhà hàng tây nào cũng có bán là “consommé froid”: thức uống lạnh. Sau bữa ăn chánh, thực khách thường dùng cà phê đen trong một cái “tách” (tasse) thật nhỏ. Chữ “tách” thông dụng cho đến ngày nay. Đã dọn ăn thì phải có muỗng và đũa. Muỗng nhỏ gọi là muỗng cà phê và muỗng lớn gọi là muỗng súp. Có nơi ngày xưa còn gọi muỗng là cái “cùi dìa” (cuillère).

Trong bữa ăn, ngoài “súp” ra, còn có “xà lách” (salade) tức rau cải. Xà lách còn là tên của một loại cải. Món salade “hằm bà lằng” nhiều loại rau cải đôi khi có cả đậu hủ, thịt gà, hay thịt heo hun khói hay “dăm bông.” Cây cải xà lách Đàlạt nổi tiếng ngon và được ưa dùng ở Sài Gòn (dân Mỹ gọi nó là butter lettuce). Một loại xà lách khác rất được ưa thích để trộn với dầu dấm là cải “xà lách xon” (cresson). Để thịt bò xào tái lên đĩa xà lách son dầu dấm là có một món nhậu vừa ngon vừa bổ. Thịt bò phải lựa loại “phi lê mi nhông” (filet mignon) mới đúng điệu vì nó rất mềm.

Cho đúng tiêu chuẩn ngon, phải uống “cỏ nhác be ri ê,” hay “mạc ten be ri ê” (rượu hiệu Cognac hay Martel và nước suối Perrier) trong một cái ly lớn. Dân nhậu gọi ly rượu ấy là “công xôm ma xông” (consommation). Nếu không có “be ri ê,” thì dùng một loại nước suối có bọt hay nước soda cũng được. Một số người chỉ dùng nước lạnh pha với cỏ nhác hay mạt ten và nước đá. Họ cho rằng pha với các loại nước có bọt làm mất nguyên vị của rượu đi. Có người uống rượu mạnh không pha gì cả, thường gọi là “uống xếch” (Boire sec).

Phó mách, bơ, và rượu vang

Sau bữa cơm tối và các câu chuyện hàn huyên, người ta còn ăn “phó mách” (fromage) và uống rượu “vang” (vin), còn gọi nôm na là rượu chát. Trong thức ăn kiểu tây có nhiều món nấu rượu vang như gà, vịt, lưỡi heo, thỏ.

Phó mách và “bơ” (beurre) là sản phẩm từ sữa. Dân Pháp, Hoa Kỳ đều khoái hai thứ nầy. Có vô số loại phó mách khác nhau. Trong số đó có vài loại có mùi nồng và nếu không biết ăn thì đành xin lỗi vì nó hôi không thể tả. Nhưng dân sành ăn thì lại cho là nó ngon khỏi chê nhứt là dùng làm mồi để uống rượu vang. Đa số người Việt chỉ thích loại phó mách hiệu “con bò cười” (“La vache qui rit”) hay có tên HK là “the laughing cow.” Vào các siêu thị VN ở HK tìm mua phó mách, chỉ có thể tìm thấy loại nầy mà thôi.

Sâm banh, la ve

Dân Việt ta khi xưa, lúc Pháp mới cầm quyền ở VN ba bốn chục năm, có một số làm công chức cho Pháp hay những người giàu có mới ăn phó mách, uống sữa bò tươi và ăn bánh mì trét “bơ” Bretel, tên một loại bơ mặn nổi tiếng của Pháp. Ngoài ra còn có một chỉ số khác để chỉ nhà giàu xưa ở VN là việc dùng rượu “sâm banh” trong những tiệc vui. Sâm banh (champagne) là một loại rượu vang có bọt làm ra từ những trái nho ngon của vùng đất tên là Champagne, ở miền đông bắc nước Pháp. Ngày nay thì sâm banh sản xuất ở California, HK, tràn ngập thị trường quốc tế và là một loại rượu coi là “bình dân” vì quá phổ biến trong mọi giới, mặc dù có vài loại rượu sâm banh giá khá cao. Tú Xương có viết: “Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” để chỉ những nhà giàu thời xưa như đã nói.

Ngoài rượu vang và sâm banh ra, người bình dân thích dùng “la ve” (la bière), một loại rượu có bọt với nồng độ rượu rất nhẹ (chỉ khoản 5%; trong lúc ấy rượu vang kể cả sâm banh có nồng độ trung bình từ 11% đến 13.5%, và rượu mạnh có 40% trở lên). La ve còn được gọi là “bia” và do đó, có chữ “bia ôm” mà hầu hết chúng ta đều biết.

Bom, bôm, và bơm

Trong các loại tráng miệng sau bữa cơm, chúng ta có thể dùng trái “bôm” (pomme) hay còn gọi là trái táo tây. Gần đây có một loại bôm nổi tiếng của Nhật tên Fuji. California đã sản xuất tràn ngập loại bôm nầy.

Tiện đây xin cho nói luôn kẻo quên, trong tiếng Việt có đến ba chữ Việt gốc Pháp có âm đọc gần như nhau: “bôm,” “bơm,” và “bom.”

“Bơm” (pomper) là động từ chỉ động tác đem không khí, hay một chất lỏng vào một chỗ nào đó như bơm bánh xe, bơm nước từ giếng lên thùng chứa nước, bơm mỡ bò vào bạt đạn xe. Vật dùng để bơm, gọi là cái bơm, ống bơm hoặc máy “bơm” (pompe).

Chữ “bom” (bombe) chỉ một loại vũ khí gây nổ có tác dụng phá hoại và giết chóc. Ném bom, dội bom (bombarder) là động từ chỉ việc dùng phi cơ thả bom xuống từ trên không.

Chữ Việt gốc Pháp trong giao thiệp và ăn mặc

Chào hỏi

Các ông tây “bà đầm” (madame) khi gặp nhau, chào nhau bằng cách “bông rua” hoặc “bủa sua” (bonjour: bắt tay chào nhau). Khi từ giã nhau thì nói “ô rờ voa”(au revoir: sẽ gặp lại) hay “a-dơ” (adieu: vĩnh biệt). Khi cần thoái thác hay xin lỗi điều chi thì bắt đầu bằng từ “bạt đông” (pardon: xin lỗi). Lại nhớ có câu thơ rằng:

Bạt đông anh chớ pha sê (1)
Ắt tăn moa rắc công tê tú xà

(1) (fâcher: giận; attendre: đợi ; moi: tôi; raconter: kể; tout ca: tức thời; phụ âm c trong lời ca của tiếng Pháp, còn thiếu cái râu bên dưới).

Lẽ dĩ nhiên không đúng văn phạm Pháp, nhưng nghĩa thì rất rõ ràng và lại đúng vần thơ lục bát, mặc dầu là thơ ba rọi. Chữ “mông sừa” (monsieur: ông) và “ma đàm” (madame: bà) dùng trước tên họ của ông hoặc bà nào đó để tỏ sự kính trọng. Khi những ông bạn quen thân gặp nhau, người nầy gọi người kia là toa (toi: anh hay mầy) và xưng là “moa, mỏa” (moi: tôi hay tao). Cho đến ngày nay, những người VN lớn tuổi vẫn còn dùng lối xưng hô nầy. Dân ta dùng từ “bà đầm tôi” để chỉ người vợ của mình. Ngày nay từ “bà xã” thông dụng hơn.

Ăn mặc

Khi dân Việt dùng kiểu áo tây phương trong việc ăn mặc, một số các cô, bà mặc “áo đầm” tức loại áo và váy chung nhau. Đàn ông thì mặc “sơ mi” (chemise) và quần dài (quần Tây) như chúng ta mặc bây giờ. Nói đến sơ mi, ông Lãng Nhân (2) có nhắc đến những chữ Việt hóa trong những bài thơ mà ông xếp chúng vào loại văn thơ Việt Nam hóa trong bài lục bát sau đây:

Lạnh lùng một mảnh sơ mi
Li-ve trằn trọc, lơ li một mình,
Loăng-tanh ai có thấu tình
Em-mê đến nỗi thân mình biểng-pan

(chemise: áo; l’hiver: mùa đông; le lit: cái giường; lointain: xa; aimer: yêu, thương; bien pâle: xanh mét.)

Nếu các ông mặc áo vết (veste) hay áo “vết tông” (veston) bên ngoài áo sơ mi, cùng loại vải, và cùng màu với quần thì chúng ta gọi y phục đó là bộ “côm bờ lê” hay “côm lê” (complet: đủ bộ, hay nguyên bộ). Ngày xưa, khoảng trước 1954, người ta còn gọi cái áo veston là áo “bành tô” (paletot).

Các ông bà trong ngành y khoa như bác sĩ, y tá thường mặc áo “bờ lu” (blouse) khi làm việc. Đó là chiếc áo mang tính chất nghề nghiệp rất oai. Nhưng khi dạo chơi, người đàn ông có thể mặc áo “u ve” (veston ouvert); trong lúc đó, đàn bà tân thời, cải cách (của thời xa xưa đó) thích mặc áo “lơ muya” (Lemur: loại áo dài do họa sĩ Cát Tường vẽ kiểu), áo thun Montaigut của đàn ông cũng thuộc loại áo được các ông ưa thích.

Cả ông, bà khi đi đâu khỏi nhà, đều có mang “bóp” (porte, porter: mang, đựng). Bóp cho các bà thì gọi là “bóp đầm.” Bóp cho các ông có tên “bóp phơi” (porte feuille).

Trong thập niên 1950 tôi nhớ đám trẻ nhỏ chúng tôi thường hát nhái theo giọng bài ca “Dứt đường tơ” như sau:

Tóc em dài sao em không uốn?
Tốn bao nhiêu anh trả dùm cho,
Đây bóp phơi anh đầy “bộ lư”

(giấy bạc 100 đồng có hình bộ lư) ....
Nàng ơi uốn đi... đừng lo.

Đàn ông mặc côm lê phải mang “cà ra oách,” hay “cà vạt” (cravate: trang sức bằng vải đeo trước ngực) mới đúng cách. Muốn cho thiên hạ biết có tiền, nhứt là khi dẫn bạn gái đi “ban” (bal: dạ tiệc có khiêu vũ) trong bóp phải đem theo nhiều giấy oảnh (vingt: hai mươi) tức giấy hai mươi đồng; và thêm vào còn có nhiều tờ giấy “xăng” (cent piastres: giấy $100.00).

Trong lúc đó các bà các cô phải đeo “cà rá” (carat) nạm hột xoàn. Thực ra carat là đơn vị đo lường kim cương. Nó là sức nặng bằng 1/24 của một “gam” (gramme) vàng nguyên chất. Gam là một phần 1000 của một “ki lô” (kilogramme). Vàng 18 là một hợp kim gồm có 18 phần vàng và sáu phần kim loại khác.

Cái cà vạt và cái cà rá sống vượt thời gian. Ngày nay nó vẫn còn thông dụng cho cả hai phái, chỉ thay đổi màu và phẩm chất tùy theo số lượng “anh hai” (tiếng lóng để chỉ tiền).

Chữ Việt gốc Pháp trong giao thông

Ô tô, sớp phơ, gạt đờ co

Trước hết có xe “ô tô” (automobile) hay “xe hơi.” Ở nhà lầu, đi xe ô tô là biểu tượng của nhà giàu. Muốn tỏ ra sang trọng hay có uy quyền, người ta mướn tài xế hay “sớp phơ” (chauffeur). Chữ nầy thông dụng ở miền Nam hơn miền Bắc. Sau nầy, kể cả những thập niên cuối của thế kỷ 20 chữ tài xế trở nên thông dụng cho cả VN. Nhiều ông làm chức vụ cao, hay quan trọng, hoặc các người giàu còn có thêm một tài xế phụ. Thực sự người nầy là “gạt đờ co” (garde du corps: cận vệ) ngồi phía trước, cạnh tài xế, thường đeo kính đen trông rất oai vệ.

HK gọi người nầy là “bô đi gạt” (bodyguard). Ông “bô đi gạt” nổi tiếng là ông cận vệ của Tổng thống Ford. Ông ta gạt (garde) hay đến nỗi ông ta cưới luôn con gái của tổng thống. Ông cận vệ nầy trở thành “gạt đờ co” trăm năm của ái nữ tổng thống. Vậy ông nào có người làm công với chức vụ “gạt đờ co” thì nên... coi chừng con gái mình và coi chừng luôn cả... phu nhân (nói đùa cho vui, bỏ qua đi tám!).

Trở về với xe, ngoài xe nhỏ thường gọi là xe du lịch, còn có xe “căm nhông” (camion) dùng để chuyên chở hàng hóa. “Cam nhông” thứ thật to và chở thật nặng có tên là “boa lua” (poids lourd). “Cam nhông nết” (camionette) là xe chở hàng hóa loại nhỏ, giống xe “pick up” của ngày nay.

VN khi xưa và ngay cả ngày nay, ít khi nhập cảng “căm nhông” nguyên chiếc. Họ chỉ mua cái sườn xe thôi. Đến VN rồi họ đóng mới đóng thùng xe tùy theo nhu cầu: đóng thùng vuông chung quanh để chở hàng, hoặc đóng thùng có cửa, có “băng” (banc: ghế ngồi) để làm xe đò hay làm xe “ô tô buýt” (autobus) hay “xe buýt.” Xe buýt rất thông dụng trong việc chuyên chở công cộng trong đô thành hay các thị xã lớn. Xe chuyên chở hành khách đi các tỉnh lại gọi là xe đò, trong khi Pháp hay HK lại gọi cả hai loại trên là xe buýt. Cũng trong lãnh vực chuyên chở, chúng ta còn có xe lô hay xe “lô ca xông” (location). Đó là những chiếc xe du lịch được dùng làm xe cho mướn hay xe chuyên chở hành khách.

Xe đò: Ăn banh, lơ

Trên mỗi chuyến xe đò, ngoài người “sớp phơ” ra còn có một hay hai người phụ tá gọi là anh “lơ.” Những người nầy lo việc sắp xếp chỗ ngồi, kiểm soát giấy đi xe (chữ “lơ” do nguyên ngữ “contrôleur” tức kiểm soát viên). Ở VN, những anh nầy còn phụ trách nhiều việc khác như đưa hành lý lên và xuống xe cho khách, giao thiệp với cảnh sát công lộ khi xe bị chận vì một lý do gì đó, hoặc phụ với tài xế sửa xe khi xe bị “ăn banh” (en panne) tức là khi xe bị hư. Nhiều anh lơ rất có tài trong việc sửa xe: từ việc nhỏ như vặn chặt một vài con “bù lon” (boulon) đến việc lớn như thay cả cái “ăm vô da” (embrayage: bộ phận trong hộp số để chuyển những chuyển động của máy xe sang cái trục làm xe chạy trong hệ thống sang số bằng tay).

Có người hỏi tại sao họ chịu khó làm việc như vậy (mà không đòi chủ xe trả tiền công)? Số là đa số chủ xe chỉ thâu tiền bán vé ở các trạm xe chánh mà thôi. Còn việc đón khách lên xuống dọc đường và tiền kiếm thêm nầy thì tài xế và lơ chia nhau. Các chủ xe đều biết chuyện nầy, nhưng vì không thể nào kiểm soát được, nên thà cho trước cái quyền lợi đó cho tài xế và lơ. Chủ xe được cái lợi là khỏi lo việc kéo xe về nằm “ga ra” (garage: chỗ sửa xe) vừa tốn nhiều tiền vừa mất thì giờ (tức mất tiền). Để cho tài xế và lơ tự sửa xe, chủ chỉ phải bồi hoàn chi phí về “bạt” (parts: các bộ phận rời). Xe được sửa mau, cả chủ và người làm công đều có lợi. Một hợp tác hỗ tương không văn kiện nhưng lại rất hiệu quả trong giới xe đò.

Xăng và lốp xe

Muốn chạy xe phải có “xăng” (essence). Ngày nay, từ nầy còn thông dụng ở mọi nơi. Xe mà hết xăng thì trở thành... sắt cục. Xưa kia nếu quên đổ xăng, để xe hết xăng dọc đường, không chạy được nữa, thì gọi là “ăn banh xéc” (panne sèche: hư xe khô, có nghĩa hết xăng). Chỉ còn có những lão già “vang bóng một thời trong việc sử dụng Pháp ngữ” dùng từ nầy. Từ “ga xăng” sẽ nói đến ở một đoạn sau.

Chữ “xăng” còn được dùng trong một nghĩa khác. Khi trẻ con đói bụng, mặt nhăn nhó, người ta nói em bé “thiếu xăng” hay em bé cần đổ xăng thêm.

Dân Việt có tài chế biến trong việc dùng từ ngữ. Thí dụ việc dùng chữ “quá giang” khi chúng ta đi nhờ xe của một người khác. Nguyên ngữ “quá giang” có nghĩa “qua sông” bằng cách đi nhờ đò, hay ghe của người khác. Quá giang cũng dùng đến khi đi nhờ từ nơi nầy đến nơi khác bằng thuyền. Không hiểu tự bao giờ, chữ “quá giang” được dùng cho việc đi nhờ xe. Ngày nay thì quá giang chỉ có nghĩa là đi nhờ thôi, thuyền hay xe gì cũng được. Nhưng nếu quá giang thường quá thì nên đóng góp tiền xăng cho vui cả hai bên.

Quan trọng không kém xăng là “lốp xe” (enveloppe): vỏ xe, phần bọc bên ngoài cái “ruột xe”; sau nầy vỏ xe chỉ có vỏ mà không có ruột . HK gọi là “tubeless.” Khi bánh xe xẹp, phải bôm thêm hơi vào ngang qua cái “súp báp” (soupape: vật dụng dùng để cho không khí đi vào hoặc đi ra một chiều thôi). Tùy theo công dụng cái súp báp còn có tên là cái “van” (vanne).

Ở VN lốp xe cũ được dùng một cách hữu hiệu. Họ bọc thêm bên ngoài một lớp “cao su” (caoutchouc) gọi là vỏ xe tân trang để dùng thêm một thời gian nữa. Đôi khi xe đang chạy, phần đắp thêm bị văn ra. Đó là xe bị “lột lốp” hay bị bung “ta long” (talon: đế giày, hoặc phần ngoài vỏ xe). Ngoài ra lốp xe cũ còn dùng để chế tạo dép. Loại dép nầy rất thông dụng ở miền Bắc. Nhưng ở miền Nam chúng mang một hình ảnh hơi đen tối sau năm 75:

Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ,
Mũ tai bèo che lấp ánh tương lai.”

(không rõ tác giả)

Cây cao su và anh sớp phơ nói tiếng Tây

Chữ “cao su” đã được Việt hóa trọn vẹn. Cây cao su là một loại cây cho nhựa. Nhựa nầy được biến chế thành nhiều vật dụng mà quan trọng nhất là vỏ xe. Cây cao su là một loại cây kỹ nghệ. Các chủ đồn điên thời tây là những nhà giàu có nhiều quyền thế và ảnh hưởng trong việc cai trị. Những ngôi nhà do họ xây cất để ở là những dinh thự to lớn, còn tồn tại ở rải rác nhiều nơi. Số lớn các ngôi nhà nầy nằm trong vùng đồn điền hẻo lánh. Chủ nhân người Pháp của thời đó đều mang súng và có nhiều cận vệ.

Sản phẩm khác của cao su là dây thun được dùng nhiều trong kỹ nghệ y khoa và quần áo. Vì tính chất thun giãn của nó, dân ta dùng từ giờ cao su để chỉ sự kiện hay trễ nãi hay không đúng giờ của dân ta. Giờ cao su trong các bữa tiệc cưới đã trở thành một nét đặc thù của dân Việt. (Tôi có nghe câu nói đùa: “không ăn đậu không phải là Mễ, không đi trễ không phải là Việt Nam.”)

Xe máy (xe đạp) với dây sên và ru líp

Trong chiếc xe đạp hay xe máy, rất nhiều tên các bộ phận được Việt hóa như dây “sên” (chaine), dây nầy chạy vòng quanh một bánh xe có răng như răng cưa, gọi là cái “ru líp” (roue libre: bánh xe tự do).

Trong cái “ru líp” lại có một bộ phận nhỏ có công dụng độc đáo là khi chúng ta đạp xe tới thì bộ phận đó kéo bánh xe đi tới. Nhưng khi chúng ta quay lui cái bàn đạp thì chỉ nghe re re mà không có ảnh hưởng gì đến việc kéo xe. Bộ phận đó có ba tên khác nhau, tùy theo vùng. Trong Nam, nó tên là “con chó”; ở miền Trung nó được gọi là “con heo”; và ở miền Bắc nó mang danh là “con cóc.” Ai biết sửa chữa cái “ru líp,” đều biết cái bộ phận nhỏ quan trọng đó. Còn tại sao nó có ba tên thì đành chịu thua.

Xe đạp dùng trong việc chạy đua thường có cái “ghi đông” (guidon: tay cầm) cong sụp xuống. Xe đạp loại đua nầy còn có tên là xe “cuộc” (course: chạy đua) . Ngày xưa, những “tua” (tour: vòng) đua xe đạp vòng quanh Đông Dương, hay tua Bến Hải - Cà Mau là những cuộc đua nổi tiếng. Ngày nay tua vòng quanh nước Pháp (Tour de France) vẫn rất là hấp dẫn cho giới hâm mộ đua xe đạp. Ngoài ra dân ta thường hay nói “đi dạo một tua cho khỏe.”

Các hãng du lịch thường hay tổ chức những “tua du lịch” mà chi phí gồm cả tiền vé phi cơ, tiền khách sạn, tiền ăn v..v... và có cả hướng dẫn viên đi chung rất tiện cho khách du lịch. Cả Anh, Pháp đều dùng chữ “tour” nên chữ “tua” của VN rất là thông dụng.

Nguyễn Hữu Phước

Trần Văn Giang (ghi lại)

Không có nhận xét nào: