Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

ĐẤNG KHUẤT MẶT XƯNG DANH QUAN LỚN TRÀ VONG, VÙNG BIÊN GIỚI TÂY NINH. - Lâm Chương


Tôi đi tù từ năm 1975 đến 1985. Khi ra khỏi tù, thân mang nhiều mầm bệnh. Sau những chuyến vượt biên thất bại, tôi không thể trở về quê cũ nên trốn trong căn nhà nơi một vùng quê hẻo lánh, thuộc địa phận Trãng Bàng – Tây Ninh. Trong lúc đang khó khăn, lại xuất hiện căn bệnh phù thũng quái ác, người tôi trướng nước phù lên. Có kẻ nói tôi bị người ta bỏ bùa thư yểm, phải kêu thầy bùa, thầy pháp giải cứu mới xong. Tôi không tin vào chuyện bùa chú. Tôi được thân nhân đưa vào bệnh viện An Bình ở Chợ Lớn khám bệnh. Sau khi thử nghiệm bằng phương pháp khoa học, bác sĩ cho biết tôi bị chứng phù thũng, và cho nhập viện.
<!>

Tôi mang tên giả khi vào bệnh viện. Vì sợ công an bất ngờ xông vào bắt nên tôi phải rời khỏi bệnh viện, sau ba ngày ở đó. Tôi trở lại Trãng Bàng, nằm trong căn nhà cũ và tiếp tục uống thuốc theo toa bác sĩ. Vào thời bát nháo, thuốc giả nhiều hơn thuốc thật. Tôi càng uống thuốc, bệnh chẳng những không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Thân thể tôi phù trướng gần nứt da. Khi tôi ngồi, nước dồn xuống chân, chảy ra từng vũng trên sàn nhà, mùi tanh khó chịu.

Nhìn thần sắc tôi lúc đó, không ai nghĩ tôi có thể sống được lâu dài. Và tôi chỉ còn chờ thời gian sang qua thế giới bên kia. Trong những ngày chờ chết, tôi bình tĩnh lạ thường. Tôi nhớ đọc ở đâu đó, có một vị thầy nói với đệ tử rằng: “Con đến với trần gian bằng một thân xác trần truồng, thì khi ra đi cũng nên nhẹ nhàng, bỏ lại tất cả, không bận lòng lưu luyến.” Tôi thâm nhiễm câu ấy, và sẵng sàng trút bỏ tất để ra đi. Vì thế, lìa xa thể xác đối với tôi, cũng bình thường như trút bỏ một chiếc áo cũ. Xưa nay, không ai vượt qua khỏi luật đào thãi của tạo hoá. Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn. Tôi đã ở vào giai đoạn của đông tàn. Ra đi là lẽ tự nhiên. Sợ hãi cũng chẳng thay đổi được gì.

Nhà tôi đang tạm trú, trên căn gác nhỏ có những bàn thờ. Tôi bệnh hoạn mệt mỏi quá, chẳng buồn tìm hiểu những ông thần, ông thánh nào được thờ trên đó. Ban ngày, nhà cửa vắng hoe, chỉ một mình tôi nằm thoi thóp. Ban đêm, có một ông già trở về, ngồi trước ngọn đèn dầu leo lét, chậm rãi quấn thuốc rê, hút và nhả những cuộn khói âm thầm buồn bã. Ông già cô đơn. Tôi cũng cô đơn. Ông không hỏi tôi một điều gì về sức khoẻ. Ông biết tôi sắp chết. Chẳng lẽ ông hỏi tôi có khoẻ không, thì thật là vô lý. Nhưng, nếu ông hỏi chừng nào mày chết, thì quá tàn nhẫn. Trong tình huống này, lãng tránh những câu thăm hỏi là điều tốt nhất. Thỉnh thoảng, để có chuyện nói với nhau cho bớt cái vẻ im vắng, ông kể những mẫu chuyện rời rạc về nguyên nhân có cái bàn thờ trên căn gác.

Chuyện rằng: ông có đưa con gái goá chồng lúc còn đang xuân sắc. Bỗng một hôm, có ông thần nhập vào cô, yêu cầu gia đình phải lập bàn thờ, và cho mượn xác của cô để ông thần trị bệnh giúp đời. Ông già phản đối tới cùng. Lý do, con gái của ông dù goá chồng nhưng nó còn trẻ, còn cơ hội để làm lại cuộc đời. Nếu thần cứ nhập vào nó hoài, người đời sẽ gọi nó là “cô cốt”. Đàn ông thanh niên nào lại chịu lấy cô cốt làm vợ? Vì phản đối yêu cầu của thần, ông già bị bệnh. Bệnh cũng lạ. Có lúc ông đau đớn vật vã, tự đánh vào mình. Nhiều khi ông điên khùng đến nỗi nằm lăn lộn trong chuồng trâu. Tự lấy phân trâu trét đầy lên mặt và thân thể. Những lúc ấy, con gái ông bị thần nhập. Thần nói: “Ngươi bằng lòng cho ta mượn xác con gái của ngươi làm cốt, bệnh ngươi khỏi tức khắc. Nếu không, ta hành ngươi đến chết.” Sau cùng, ông già chịu thua. Ông nói, không ai có thể chiến thắng được kẻ vô hình. Ông chịu lập bàn thờ, và đương nhiên con gái ông là cô cốt. Từ đó trở đi, ông khỏi bệnh mà không qua một thứ thuốc nào cả.

Theo lời ông già nơi căn nhà tôi tạm trú, ông Trà Vong đã giúp cho nhiều người trong vùng khỏi bệnh, nên người dân rất tin tưởng. Và điều lệ bắt buộc cô cốt phải tuân:
* Không được nhận tiền và quà của thân chủ.
* Không được ăn bất cứ thứ gì thân chủ đem đến cúng trên bàn thờ.
Tôi nghe chuyện lạ, nửa tin nửa ngờ. Hơn nữa, bệnh tôi cũng đang trong thời kỳ tuyệt vọng, tại sao không thử một phen. Thế là một ngày, trên căn gác nhỏ diễn ra buổi cầu thần nhập cốt, có những thân nhân của tôi chứng kiến.

Cô cốt (con gái của ông già), ngồi xếp bằng ngay ngắn, hai mí mắt khép lại như người đang tham thiền. Ông già lên đèn trên bàn thờ, đốt nhang, chắp tay khấn vái. Xong, ông quay ra ngồi chung với mọi người, chờ đợi. Vài phút sau, cô cốt gầm hừ hừ, mắt trừng lên sáng quắc như người đang giận dữ, và nói: “Ta là Quan lớn Trà Vong. Các ngươi có chuyện chi mà gọi ta cấp bách trở về?”
Tiếng nói của cô cốt, bây giờ đổi thành giọng nam, phát âm theo giọng của người Huế, mà Huế giọng trầm nặng của những vùng quê hẻo lánh Thừa Thiên. Có một điều gì lạ lùng khó hiểu, cô cốt là người miền Nam, chưa bao giờ đi ra miền Trung quá khỏi lằn ranh Phan Thiết, sao lại nói được tiếng Huế, với cái giọng ồm ồm của người đàn ông dũng mãnh?

Tôi lên tiếng: “Con là ........., cầu ông về, xin ông cứu giúp. Thầy bùa thầy ngãi nói con bị người ta thư yểm. Bác sĩ bệnh viện nói con bị chứng phù thủng. Xin ông cho biết ý kiến của ông.”
“Chẳng có ai thư yểm. Bác sĩ nói đúng bệnh đấy.” Ông Trà Vong nhìn tôi, quan sát một hồi, nói: “Bệnh của “thằng cốc” này, bất cứ khi mô cũng có thể ngủ luôn một giấc, không thức dậy nữa.”
Không biết tại sao ông gọi tôi là “thằng cốc”. Tôi cũng chẳng hiểu “thằng cốc” có nghĩa là gì, nhưng điều đó không quan trọng. Mục đích của tôi là cầu xin chữa bệnh, tôi nói: “Con biết con đã nguy lắm rồi, xin ông cứu con.”
Thần cười: “Thằng cốc thường ngày ngang bướng lắm. Bây giờ hạ mình năn nĩ tội nghiệp. Ta bằng lòng cứu ngươi, nhưng phải hứa với ta một điều.”
Tôi quả quyết: “Điều gì con cũng hứa.”
Thần lại nói: “Ẩu! Chưa biết ta muốn gì, ngươi đã hứa. Thôi, ta nói cho rõ. Ngươi vượt biên nhiều lần nhưng thất bại. Khi hết bệnh, ngươi sẽ vượt biên nữa. Cái số của ngươi chưa đi được đâu. Phải chờ hết mùa xuân năm sau, ta sẽ giúp ngươi đi thoát.”

Tôi nghĩ từ nay đến hết mùa xuân năm sau, thời gian còn bảy tháng và nói: “Con ở đây không yên. Người ta sẽ bắt con.”
Thần cười, pha chút khôi hài: “Gần chết mà còn sợ bị bắt. Dù ngươi có dẫn xác tới nạp cho nó, nó cũng đuổi ngươi về để khỏi tốn cái hòm. Ta nói cho ngươi yên tâm. Cứ ở trong nhà này, có âm binh của ta che chở.”
“Xin ông làm cho con lành bệnh, con mới tin.”
Bất ngờ, thần chồm tới chụp lên vai tôi mà lắc, những ngón tay của cô cốt, bây giờ, cứng như gọng kềm. Thần cười ha hả: “Thằng cốc này ranh hí! Dám thử thách ta.”
“Con không dám, nhưng chưa có gì tạo niềm tin cho con.”
“Được! Ta sẽ làm cho thằng cốc tin. Dù ta không phải thầy thuốc, nhưng ta hỏi người khác để chỉ thuốc cho ngươi. Bây giờ, sẵn sàng giấy bút để ghi tên thuốc.”

Ông thần Trà Vong ngồi im một lúc, như đang liên lạc với vị thần nào đó. Rồi ông che bàn tay lên lỗ tai, một hình thức để nghe âm thanh từ xa vọng lại. Ông đang nói chuyện với một đấng khuất mặt nào đó: “Hả? Mồng trâu hay muồng trâu? Muồng trâu. Rồi, ghi vị thứ nhứt: muồng trâu. Rễ gì? Rễ tranh hả? Rồi, ghi vị thứ hai: rễ tranh ...”
Bằng cách ấy, ông Trà Vong cho tôi năm vị thuốc. Nói đúng hơn, năm vị cây cỏ, có thể lấy từ những rào giậu quanh nhà, hoặc ngoài đồng nội. (Thời gian bao nhiêu năm qua rồi, tôi không còn nhớ hết năm loại dược thảo này). Trước khi thăng, ông Trà Vong căn dặn: Phải kiên trì uống thuốc của ông, kèm với thuốc của bác sĩ, cho đến khi khỏi bệnh. Phải ẩn nhẫn chờ hết mùa xuân năm sau, ông sẽ giúp tôi vượt biên thành công.

Tôi sắc lấy nước năm vị dược thảo, uống thay nước mỗi ngày. Ba hôm sau, tôi thức giấc giữa đêm, và nghe mắc tiểu đến cứng bàng quang. Từ ngày tôi bị bệnh, ít khi nào tôi mắc tiểu đến thế. Tôi lần ra phía sau nhà, đêm khuya thanh vắng, tôi đứng tiểu. Tiểu hoài không dứt, mỏi chân, tôi ngồi xuống và tiểu tiếp tục. Khoảng nửa tiếng đồng hồ mới ngừng. Đêm ấy, tôi còn đi tiểu thêm mấy lần nữa. Hai ngày trôi qua như thế, tôi thấy mình ốm tong teo, chỉ còn da bọc xương. Bao nhiêu nước trong người đã tháo ra hết. Khi đang bị phù thủng, cả người trướng nước, tôi cân nặng 70 ký, giờ đây tôi còn 39 ký.

Một tuần sau, tôi chấm dứt thuốc của ông Trà Vong Tôi lo ăn uống tẩm bổ, và dùng thêm thuốc Bắc cho mau lại sức để có thể tìm đường vượt biên trong vài ngày tới. Khi đang chuẩn bị lên đường, bệnh tôi tái phát. Dự định bị trở ngại, tôi dùng lại thuốc của ông Trà Vong. Không thấy thuyên giảm chút nào, bệnh lại càng nặng hơn. Bụng tôi trướng to lên, như bụng đàn bà sắp đến ngày sanh nở.
Một lần nữa, tôi cầu đến ông thần Trà Vong. Vừa nhập vào cô cốt, ông giận dữ đứng dậy đi qua đi lại trên căn gác nhỏ, chân nện ầm ầm xuống sàn.
Ông hỏi: “Thằng cốc muốn gì?”
Tôi nói: “Bệnh con bị tái phát. Dùng lại thuốc của ông, không hiệu nghiệm. Bây giờ phải làm sao?”
“Thì chết đi!”
Tôi năn nĩ: “Xin ông mở lòng từ bi cứu con.”
“Ngươi biết lỗi chưa?”
“Biết.”
“Lỗi gì, nói nghe thử?”
“Con chuẩn bị vượt biên.”
“Ừ! Ngươi hứa với ta là chờ hết mùa xuân năm sau, ta sẽ giúp. Nhưng ngươi thất hứa. Ta biết ngươi chưa đi bây giờ được. Nếu đi, ngươi sẽ chết trên biển. Ta phải cầm chân ngươi lại bằng cách làm cho bệnh của ngươi tái phát.”
“Xin ông cứu con lần nữa. Con sẽ nghe lời ông. Con hứa, sau này ra được nước ngoài con sẽ lập bàn thờ ông, sẽ ăn chay suốt quãng đời còn lại.”
Ông Trà Vong nguôi giận, ngồi xuống, khoát tay và nói: “Thôi! Thôi! Đừng hứa hẹn quá nhiều. Sắp chết, thì điều gì cũng hứa. Mai kia, ra tới nước ngoài sống yên thân, rồi quên tất cả, bị tội. Ngươi nói một lần, ta không chấp, ta không nhận lời hứa này. Chỉ cần ngươi chờ hết mùa xuân năm sau. Chịu không?”
“Con chịu, nhưng thuốc cũ dùng không bớt.”
“Ta làm cho bệnh nặng hơn kỳ trước. Thuốc cũ làm sao khỏi được.”
“Bây giờ phải làm sao? Xin ông chỉ dạy.”

“Thời gian ngươi ở tù quá lâu, sức lực đã bị vắt cạn hết rồi. Như một thân cây héo úa, bên ngoài thấy còn vài chiếc lá, nhưng cốt lõi bên trong đã mục rồi. Muốn cứu lại, phải tưới nước, bón phân từ từ. Tưới nhiều quá, cây bị úng gốc và chết mau hơn. Ngươi cũng thế, đang ngắc ngoải mà tẩm bổ quá nhiều, cơ thể làm sao hấp thụ kịp? Hãy nghe lời ta, kiên nhẫn chờ đợi, và nhớ câu “dục tốc bất đạt”. Thôi, hãy chuẩn bị giấy bút, ghi tên thuốc mới.”
Và cũng như lần trước, ông Trà Vong lại liên lạc với một vị thầy thuốc khuất mặt nào đó, cho tôi năm loại dược thảo mới. Năm vị này thật khó kiếm. Chẳng hạn như, phải trèo lên những cây cổ thụ, lấy cái “ổ rắn bay” (một loại cây tầm gửi) lâu năm, lặn xuống sông rạch lấy những củ dứa màu hồng (giống như một loại hồng sâm) v.v... Tất cả những dược thảo này, tôi phải mướn người lặn lội tìm kiếm một thời gian lâu mới có được.

Tôi dùng thuốc mới, nửa tháng sau, tôi lại đi tiểu ồ ạt và khỏi bệnh.
Thời gian chờ đợi đến “mùa xuân năm sau” còn quá lâu. Quanh quẩn suốt ngày trong cái nhà vắng hoe, làm tôi thêm buồn chán. Ý nghĩ tìm đường vượt biên lại thôi thúc, lòng tôi không yên. Tâm lý này, những người vượt biên đã từng trải qua. Đã vượt biên thất bại một lần, thế nào cũng tìm cách vượt biên nữa. Thất bại keo này, ta bày keo khác. Vượt biên giống như một loại ma túy, vượt biên hoài sẽ ghiền vượt biên. Vượt biên đến chừng nào bị công an bắt nhốt vào tù, hoặc hao tán hết tài sản mới thôi. Kiên trì vượt biên, đến nỗi, thời đó có câu vè:
Má ơi, lạy má, con đi
Một là con nuôi cá
Hai là má nuôi con
Ba là con nuôi má
Tâm trạng tôi cũng thế. Lời hứa chờ đợi với ông thần Trà Vong, không mạnh hơn tiếng gọi vượt trùng dương. Lần thứ hai, tôi lo bồi dưỡng cấp tốc bằng sự ăn uống và dùng thêm thuốc Tây, thúc đẩy cho cơ thể mau chóng phục hồi sinh lực. Quyết tâm thực hiện hoài bão cho sớm. Và lạ thay, bệnh tôi tái phát không ngờ! Cường độ tái phát rất nhanh. Chỉ trong vài ngày, thân tôi phù trướng lên như một con bò. Hỡi ơi, cái mộng vượt biên, một lần nữa đã bị cầm chân bằng cơn phù thủng quái ác.
Tôi lập tức văn nài cô cốt, cầu khẩn ông thần Trà Vong. Thần trở về trong cơn thịnh nộ. Mắt ông Trà Vong qua mắt cô cốt, nhìn tôi toé lửa.
“Thằng cốc lại gọi đến ta?”
“Vâng! Con thỉnh ông về để tạ lỗi.”
“Khỏi tạ lỗi. Ta chưa vật chết ngươi là may rồi. Ta cũng chưa thấy “thằng cốc” nào cứng đầu như ngươi. Mục đích ngươi chỉ muốn xin ta cho thuốc trị bệnh. Thôi, hãy nằm đó chờ chuyện gì đến sẽ đến. Đừng cầu xin vô ích. Ta đi đây.”
“Khoan! Khoan! Xin ông cho con nói thêm mấy lời...”

Nhưng cô cốt đã thở hắt ra những hơi rất mạnh, và ngã người vào cánh tay của ông già sẵn sàng đón đỡ phía sau.
Lần này, bệnh tôi tưởng như không cách gì cứu được nữa. Nhưng tôi vẫn ở trong căn nhà có căn gác thờ quan lớn Trà Vong. Một hôm, ông già chủ nhà dặn tôi 8 giờ tối nay lên gác thắp nhang giùm, vì ông có việc phải về muộn. Đến 8 giờ tối, tôi không thể leo lên gác bằng cái thang gỗ trong khi cả người phù thũng nặng nề, mệt mỏi. Bỗng tôi nghe tiếng động như tiếng va chạm làm rung lắc bàn ghế trên gác. Tôi đứng dưới chân cầu thang nhìn lên và nghĩ chắc có con mèo gây ra tiếng động. Một lần nữa, tiếng động càng lớn hơn. Tôi nghe rợn người vì sợ ma. Nghĩ lại thật buồn cười. Tôi sắp trở thành một con ma mà lại sợ ma. Không dám đứng dưới chân cầu thang, tôi ra đứng trước hiên nhà. Tiếng động rung lắc càng mạnh hơn nữa, tôi sợ hãi đi luôn ra ngồi ngoài đường nhựa, cách sân nhà khoảng 50 mét. Đêm ấy trăng sáng lắm, tôi mong có người đi qua, nhưng chẳng có ai. Đến 10 giờ tối, ông già chủ nhà về, thấy tôi ngồi ngoài đường. Ông hỏi, “sao mầy ngồi đây?” Tôi nói với ông về những tiếng động lạ trên căn gác. Ông lại hỏi, “8 giờ tối mày có thắp nhang trên gác không?” Tôi nói không vì mệt mỏi quá. Ông nói, “tao biết rồi, 8 giờ tối mà không thắp nhang cho Ông, nên âm binh nhắc nhở thôi. Có gì mà sợ.” Dù ông gìa nói thế, nhưng từ đó trở đi, tôi bắt đầu sợ ma.

Sau ba ngày lễ Tết, tôi được thân nhân chuyển vô bệnh viện Chợ Rẫy, cũng với một cái tên giả. BS nhìn tôi và nói, bị xơ gan cổ trướng thì về nhà chờ chết, chứ vào đây làm gì. Người nhà của tôi khóc lóc nan nĩ mãi, cuối cùng tôi cũng được nhập viện. Tôi nằm trong khoa gan hay thận gì đó. Khoa này có hai phòng, mỗi phòng có hai mươi giường. Nhưng bệnh nhân đông quá, nên hai giường phải đặt sát vào nhau để nằm được ba người. Mỗi ngày có bác sĩ vào thăm bệnh. Bác sĩ và y tá rất ít để ý đến tôi, người ta chăm sóc những bệnh nhân khác nhiều hơn. Tôi hiểu lý do. Tôi là bệnh nhân vô phương cứu chữa, cho nằm đó để chờ chết mà thôi, chăm sóc mất thì giờ. Cứ vài ngày, lại có người bệnh được đem lên phòng cấp cứu. Và từ đó, họ đi luôn vô nhà xác, không về phòng nữa. Tôi nghĩ, rồi sẽ tới phiên tôi. Tôi bình tĩnh chờ đợi, nhiều khi còn tỏ ra rất vô tư nữa.

Đến một đêm, giữa khuya bỗng hai đầu gối tôi đau nhức không chịu nỗi. Tôi rên la vang cả phòng. Những người bệnh khác vội gọi y tá, nhưng y tá không đến. Tôi đau nhức đến nỗi mình mẫy tháo đầy mồ hôi, đau đến vọt nước đái xối xả trên giường. Gần sáng, tôi thiếp đi. Khi tỉnh lại, tôi thấy nhẹ người. Từ đó, tôi cứ tiếp tục tháo mồi hôi ướt cả áo quần, và vịn theo vách tường, lần vào phòng tiểu. Một tuần sau, người tôi xộp hẵn, chỉ còn da bọc xương.
Khi tôi xuất viện, về nằm trốn trong một căn nhà ở miền quê, sức khoẻ chưa kịp phục hồi, thì cũng vừa hết muà xuân. Không hẹn trước, mà có người từ Kampuchia trở về dẫn tôi lên Nam Vang. Rồi lên cảng Kompongsom, xuống tàu vượt trùng dương, tìm đất mới.

Đúng như ông thần Trà Vong đã nói, tôi chỉ có thể đi thoát vào cuối mùa xuân năm sau. Có sự phù hộ của ông hay không, tôi không biết, nhưng tôi đã trót lọt một cách bình yên.
Bao nhiêu năm ở xứ người, chuyện cô cốt xưng danh Quan Lớn Trà Vong, vẫn làm tôi suy nghĩ. Đành rằng, tôi khỏi bệnh hoàn toàn, phần lớn nhờ vào bệnh viện của Mỹ. Nhưng cứu tôi qua khỏi cơn ngặt nghèo lúc đầu là những vị thuốc Nam, từ ông Trà Vong. Sau này, tôi có hỏi một ông thầy thuốc Nam về những vị thuốc tôi đã dùng. Ông nói tất cả những dược liệu ấy đều có tính cách xổ độc và lợi tiểu.

Tôi ghi lại việc này, như một hiện tượng lạ xảy ra trong đời tôi. Tuyệt nhiên không có ý định cổ xúy cho một vấn đề mà mình không đủ tư cách và khả năng thẩm định.
Riêng tôi, tôi tin tưởng tuyệt đối vào sự linh thiêng của Quan Lớn Trà Vong. Mỗi lần về VN, việc đầu tiên là tôi đi thăm viếng lăng mộ Quan Lớn Trà Vong. Tôi cầu xin điều gì cũng được ông đáp ứng, dĩ nhiên điều cầu xin đó không vì lòng tham vị kỹ.
Tại đền thờ Quan Lớn Trà Vong, có một quyển sách nhỏ ghi tiểu sử ông Trà Vong. Theo đó, ông Trà Vong tên thật Huỳnh Công Giãn, làm quan triều nhà Nguyễn. Ông được triều đình phái vào Nam, trấn đóng dọc theo biên giới Việt Miên, thuộc tỉnh Tây Ninh. Cùng vào Nam với ông còn có hai người em tên Huỳnh Công Nghệ trấn đóng vùng Bến Cầu, và Huỳnh Công Thắng trấn đóng vùng Cẩm Giang. Riêng ông Huỳnh Công Giãn trấn đóng ở nơi hiểm yếu nhất, vùng Lò Gò thuộc Tân Biên ngày nay. 

Thời ấy xa xưa ấy, quân Miên thường sang quấy phá xóm làng người Việt dọc theo biên giới. Từ ngày có ba anh em ông Huỳnh Công Giãn về trấn đóng, mỗi lần quân Miên kéo sang đều bị đánh và đẩy lui về bên kia biên giới. Và rồi, quân Miên quyết tâm phục hận, chúng tập trung một lực lượng lớn kéo sang biên giới, bất ngờ bao vây tấn công căn cứ phòng ngự của ông Huỳnh Công Giãn. Vì biết quân số ít hơn, không thể chống cự lâu dài, ông cho người cầu cứu quân tiếp viện từ hai người em đang trấn đóng ở Cẩm Giang và Bến Cầu. Nhưng thời ấy, di chuyển bằng đường bộ còn rất khó khăn và chậm chạp, quân tiếp viện tới nơi chắc cũng mất vài ngày. Cuối cùng do thế cô, ông Huỳnh Công Giãn đã tự sát sau khi đã chiến đấu đến sức cùng lực tận.

Người dân Tây Ninh nhớ ơn ba anh em ông Huỳnh Công Giãn, Hùynh Công Nghệ, Huỳnh Công Thắng và lập đền thờ ở ba nơi mà những anh em ông từng trấn đóng. Riêng ông Huỳnh Công Giãn nổi tiếng linh thiêng, đền thờ và lăng mộ ghi là QUAN LỚN TRÀ VONG, thuộc vùng Lò Gò, Tân Biên. Theo tài liệu, nơi tự sát của ông Trà Vong ngày xưa được tìm bởi nhà ngoại cảm ở một vùng rừng hẻo lánh. Và người dân ngày nay lấy nơi đó lập thành lăng mộ Quan Lớn Trà Vong .
Quyển sách nhỏ ghi tiểu sử Quan Lớn Trà Vong, tôi đọc lâu lắm rồi, nên có nhiều sai sót. Xin người đọc lượng thứ.

Lâm Chương

Không có nhận xét nào: