Sau Tết Mậu Thân, khi vừa đánh thắng nhiều trận lớn, giải tỏa thành phố Phan Thiết trong vòng vây và tiêu diệt toàn bộ đám Cộng quân xâm nhập, đơn vị tôi đón mừng một vị trung đoàn trưởng mới. Ông được Đại Tá Trương Quang Ân, Tư Lệnh Sư Đoàn xin bổ nhậm và đích thân đưa đến bản doanh của Trung Đoàn tại Sông Mao, để bàn giao với vị tiền nhiệm. Ông đến nhậm chức với duy nhất một cái “xắc ma-ranh” vác trên vai, trông giống như anh chàng tân binh vừa lãnh quân trang ở một quân trường nào đó.Buổi lễ bàn giao đơn giản nhưng rất trang nghiêm, dưới sự chủ tọa của vị Tư Lệnh Sư Đoàn.
<!>
Sau khi tiễn đưa ông cựu trung đoàn trưởng theo ông Tư Lệnh lên trực thăng bay đi, tất cả được lệnh “thao diễn nghỉ” để nghe vị tân Trung Đoàn Trưởng ban chỉ thị:
Điều trước tiên mọi người lưu ý là ông rất nhỏ con, nhưng đôi mắt sáng quắc, có nhiều uy lực, tướng đi nhanh nhẹn. Tóc cắt ngắn ba phân, để lộ từ trên đầu sau vành tai bên trái một vết sẹo láng bóng làm tăng thêm cái uy dũng của một người từng dạn dày trận mạc.
Sau khi được vị trung đoàn phó trình diện hàng quân, ông đi quanh một vòng bắt tay các sĩ quan thuộc bộ chỉ huy trung đoàn và các đơn vị trưởng. Ông đi đứng, bẻ góc, dậm chân, đằng sau quay, và chào hỏi rất đúng quân cách. Bọn tôi không mấy ngạc nhiên vì đã được biết, trước khi thuyên chuyển về đây, ông từng là Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn SVSQ của Trường Võ Bị QGVN, một quân trường nổi tiếng tại Vùng Đông Nam Á. Nhưng ngay sau đó ông lại làm chúng tôi ngạc nhiên với câu hỏi đầu tiên của ông:
-Các anh có biết tôi đi lính từ cấp bậc gì không?
-Thiếu úy! – một sĩ quan lên tiếng.
-Sai!
-Trung sĩ! – một sĩ quan khác trả lời
-Cũng sai!
-Binh nhì – một anh tiểu đoàn trưởng, tốt nghiệp từ Trường Võ Bị, tỏ ra biết ít nhiều về ông.
Nhưng rồi tất cả, từ quan tới lính, đều ngơ ngác khi nghe ông bảo:
-Cũng chưa đúng!
Im lặng một lúc, để gợi thêm sự tò mò, ông lên giọng nói lớn:
-Binh ba!
Rồi tự giải thích:
-Đúng như thế! Binh nghiệp của tôi đi lên từ cấp “binh ba”.Vì khi vào lính nhảy dù, tôi chưa được cho đi đánh nhau mà phải làm hỏa đầu quân, tức là thằng nấu bếp, rồi sau đó làm “ô đô” cho ông đại đội trưởng Đỗ Cao Trí.
Giải thích xong, ông ngẫng mặt lên và cao giọng:
-Tất cả các anh nên hãnh diện là đang có một cấp chỉ huy như thế!
Phải công tâm mà nói, từ khi ông về chỉ huy, Trung Đoàn đã thay đổi khá nhiều, từ cách tổ chức, sinh hoạt tới chiến thuật phòng thủ, hành quân. Nhưng song song với việc tạo cho đơn vị một khí thế mới để vươn lên, trở thành đơn vị ưu tú với nhiều chiến công hiển hách, ông cũng đã để lại rất nhiều giai thoại, mà đến hôm nay, mỗi lần anh em cùng đơn vị xưa có dịp gặp nhau luôn nhắc tới. Ngày xưa, đó chỉ là những mẩu chuyện vui để cùng cười, nhưng bây giờ tất cả trở thành những kỷ niệm mang theo nhiều cảm xúc.
Trước tiên phải công nhận là ông rất liêm khiết, công minh. Ngay cả cái xe jeep của ông cũng đích thân ông ký giấy nhận xăng, và mỗi khi xong công việc, tài xế đưa ông về trước tư thất rồi quay lại đậu trước văn phòng. Vợ con ông không được phép ngồi trên xe, chứ đừng nói đến việc xử dụng. Ông không hề dùng một người lính nào cho gia đình hay trong công việc riêng.
Trong đơn vị có anh Hoàng Văn An, sau khi tốt nghiệp Khóa 20 VB cũng được bổ sung về Trung Đoàn. Anh An là em (thúc bá) của vợ ông. Khi anh An còn là SVSQ thì ông đang là Liên Đoàn Trưởng LĐ/SVSQ. Một lần đi phép về trễ một ngày, anh An bị ông gọi lên văn phòng bảo: “Nếu là SVSQ khác tôi tha, nhưng vì chú là em nên tôi phạt chú 7 ngày trọng cấm!” (Sau này anh An cho biết đó là 7 ngày trọng cấm duy nhất trong hồ sơ quân bạ của anh)
Với các sĩ quan già, ông xưng hô “ông, tôi”, nhưng với mấy thằng sĩ quan trẻ như bọn tôi, ông chỉ gọi “mày” hoặc “chú mày” và xưng “tao” như em út trong nhà. Sau một cuộc hành quân, ông thường mời tất cả sĩ quan thuộc BCH Trung Đoàn và các đơn vị đóng chung quanh, dùng cơm với ông. Điều đặc biệt là đích thân ông đi chợ, lựa và mua cá, mua rau. Món ông thích nhất là cá rô chiên. Được ông mời ăn cơm phải nói là một cực hình. Nhưng không ai có thể vắng mặt bởi ông sẽ điểm danh. Nói là mời nhưng phải xem đó là lệnh. Trong bữa ăn ông thường luận về các món ăn dân dã và cách nấu nướng. Có một lần anh đầu bếp không hiểu ý của ông, đánh vảy, chặt vi mấy con cá rô, chiên vàng xong mang bày lên bàn, bay mùi thơm phức, nhưng rồi bọn tôi bất ngờ tròn mắt, khi ông ném cả đĩa cá vào sọt rác và la cho một trận! Ông bảo, con cá rô mà mất vảy và cái vi thì còn ăn cái gì?
Lâu lâu ông cũng mời một số sĩ quan tham mưu cũng như các tiểu đoàn trưởng đến tư thất của ông dùng cơm. (Tư thất là một villa khá đẹp nằm trong doanh trại do Sư Đoàn 5 của Đại Tá Wòng A Sáng để lại). Các bữa cơm do chính tay vợ chồng ông nấu nướng. Điều làm chúng tôi ái ngại nhất, là phu nhân của ông không được ngồi chung mà là người hầu bàn. Hầu bàn chính hiệu chứ không phải làm cảnh. Bà đứng sau lưng, rót nước, xới cơm vào bát và đưa cả từng tấm giấy lau miệng cho “thực khách”. Bà là một người đàn bà có nhan sắc, phúc hậu và là một “phu nhân” hiếm hoi mà tôi đã gặp trong cuộc đời binh nghiệp. Bà không hề biết (và có lẽ không được quyền biết) bất cứ điều gì của đơn vị. Cả đám sĩ quan bọn tôi ngồi trong bàn ăn, bà không biết cả tên và ai đang giữ chức vụ gì. Chúng tôi rất nể phục bà, nhưng cũng thấy tội nghiệp cho bà. Lúc ấy tôi thầm nghĩ, giá mà vị “phu nhân” nào cũng như bà thì quân đội và đất nước mình có lẽ đã khá hơn.
Trong bữa ăn, ông cũng thường kể về cuộc đời và binh nghiệp của mình, đôi lúc có chút xúc động nhưng luôn với niềm hãnh diện:
-Các anh biết tại sao tôi nhỏ con như vầy mà được đi lính nhảy dù không?
-Có lẽ trung tá nhanh nhẹn và gan dạ! – một sĩ quan trả lời
Ông cười, xuống giọng:
-Gan dạ cái con khỉ! Quê tôi ở tận Hòa Bình, ngoài Bắc. Lúc nhỏ nhà nghèo. Sau khi học hết bậc tiểu học, tôi phải tạm ở nhà phụ bố ra đồng. Nhà tôi ở gần một cái đồn lính Pháp, lại là một đơn vị Nhảy Dù. Một hôm, ông đại úy đồn trưởng gặp tôi, thấy tôi nói giỏi tiếng Pháp, ông thích thú và quí mến, nên sau đó ông thường ghé lại nhà tôi chơi. Có lần ông hỏi tôi thích cái gì ông sẽ cho. Tôi bảo, tôi chỉ muốn đi lính Nhảy Dù. Vậy mà ông gật đầu ngay. Thế là tôi trở thành thằng lính Nhảy Dù! Sau đó, tôi được bổ sung về đại đội do một sĩ quan Viêt nam làm đại đội trưởng.
Đó là Trung Úy Đỗ Cao Trí. Thấy tôi nhóc con, nên ông đại đội trưởng cho tôi vào toán đầu bếp, và sau đó lấy tôi theo làm “ô đô” cho ông. Trong một lần bị phục kích, địch tràn cả vào ban chỉ huy đại đội, tôi xông vào đánh cận chiến, giết chết mấy thằng, giải vây cho ông. Tôi được lên hạ sĩ và trở thành “gạc đờ co” của ổng. Khi lên Đại úy đi làm tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 19 Việt Nam (tiền thân của Tiều Đoàn 6 Nhảy Dù), ông dắt tôi theo làm tiểu đội trưởng thám báo, đánh bao nhiêu trận ngon ơ, được lên hạ sĩ nhất, rồi trung sĩ. Sau này ông nhờ một sĩ quan Pháp dạy kèm tôi học thêm và cũng chính ông giới thiệu để tôi được nhận vào Khóa 9 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.
Giống như Tướng Đỗ Cao Trí, ông rất lưu tâm tới hàng hạ sĩ quan (từ cấp bậc hạ sĩ). Ông gần gũi, chăm lo đời sống và thỉnh thoảng tập trung họ lại để nói chuyện, tâm tình, trao đổi kinh nghiệm chiến trường và việc chỉ huy tiểu đội. Ông thường bảo chúng tôi:
-Bọn mày phải nâng đỡ đám hạ sĩ quan này, nhưng cũng phải để ý học hỏi kinh nghiệm của họ. Chính cấp tiểu đội, trung đội mới quyết định chiến trường!
Ông nói tiếng Anh giọng Bắc, không giỏi lắm, bất chấp cả văn phạm, nhưng các cố vấn Mỹ đều hiểu và nể ông ra mặt. Gặp ông là tất cả đứng nghiêm chào. Ông bảo gì họ cũng nghe. Có lần ông nói thẳng với mấy tay cố vấn Mỹ:
-Các anh đến đây là để giúp chúng tôi những gì chúng tôi cần, còn chuyện đánh nhau là chuyện của chúng tôi. Các anh đừng xía vào. Đánh bọn du kích VC mà đánh theo kiểu Mỹ của các anh là hỏng!
Ông ra lệnh tất cả sĩ quan phải nói được tiếng Anh. Không biết phải học. Nói sao cho Mỹ nó hiểu là được. Nhờ vậy mà anh Cố vấn trưởng nghe theo đề nghị của ông, tổ chức ngay một số lớp dạy Anh văn cho tất cả các sĩ quan, đặc biệt về phương pháp đàm thoại và cách liên lạc, hướng dẫn các phi công oanh tạc cơ của Hoa Kỳ.
Bản doanh Sông Mao nằm giữa Phan Rang và Phan Thiết, nhưng đường bộ mất an ninh. Ông muốn mỗi tuần phải có hai chuyến Chinook để chở lính đi phép và cho gia đình binh sĩ được ra phố mua sắm, học hành. Vậy mà chỉ mấy ngày sau là anh Cố vấn trưởng lo xong.
Không biết vì sao Tướng Peers, Tư Lệnh Các Lực Lượng Quân Sự Mỹ tại Cam Ranh, biết thành tích đánh giặc và cả sự liêm khiết của ông, nên lâu lâu ghé lại Trung Đoàn thăm và hàn huyên với ông. Tướng Peers thường đưa ngón tay cái lên nói đùa với bọn tôi: các anh có một ông “boss” rất tuyệt vời!
Đầu năm 1969, trong kế hoạch “tự lực tự cường”, Bộ TTM ban hành chỉ thị, mỗi đơn vị phải thành lập một trại chăn nuôi, Trung Đoàn có một trại chăn nuôi khá lớn, do một vị thiếu úy lớn tuổi (thăng tiến từ cấp binh sĩ) trông coi với hơn 20 lao công đào binh. Trại chăn nuôi thống thuộc Đại Đội Chỉ Huy Công Vụ.
Một hôm cả BCH Trung Đoàn và các sĩ quan từ cấp đại đội trưởng trở lên, được Ông Tỉnh Trưởng Bình Thuận mời khoản đãi vì Trung Đoàn vừa phối họp với Tiểu Khu trong một chiến dịch bình định, đánh tan các đơn vị Cộng quân hoạt động trong phạm vi của tỉnh. Tất cả tập trung tại Căn cứ Trinh Tường (Trung Đoàn dùng làm hậu trạm) để đi đến tòa tỉnh. Trên đường đi, ông bất ngờ thấy bên vệ đường có một người đang thả heo giống. Ông ra lệnh dừng lại, xuống xe và đứng xem. Bọn tôi rất ngượng ngùng còn ông thì cứ tỉnh bơ quan sát. Cuối cùng ông khen con heo (đực) tốt và ra lệnh cho anh trung úy đại đội trưởng CHCV thương lượng với người chủ để mướn. Sau buổi tiệc ông dùng trực thăng cho anh đại đội trưởng chở con heo và người chủ bay về hậu cứ Sông Mao để gây giống cho trại heo. Chúng tôi có một trận cười đến nôn ruột, và thấy tội nghiệp cho anh đại đội trưởng rất “mô phạm” vì là một giáo sư trung học bị đông viên vào Khóa 16 Thủ Đức. Nhưng sau này trại heo đã thu nhiều lợi nhuận vì sản sinh rất nhiều heo con béo tốt. Được chọn là trại chăn nuôi “kiểu mẫu” của Quân Đoàn II&QK2. Chúng tôi càng kính phục ông hơn.
Vào khoảng giữa năm 1969, Ban Truyền Tin nhận một cuộc điện thoại (qua hệ thống siêu tần số) trực tiếp từ văn phòng Đại Tướng Cao Văn Viên, TTMT, lệnh cho Trung Đoàn, cho xe ra sân bay Sông Mao để đón một vị trung tá, thuyên chuyển đặt thuộc quyền xử dụng của Trung Đoàn. Thấy một việc bất thường, ông Trung Đoàn Trưởng gọi lại, thì được văn phòng TTMT cho biết: “đó là Trung tá Đào Văn Hùng, Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù. Ông uống rượu ngà ngà say, đến tìm Đại Tướng để phản đối về việc xử dụng Nhảy Dù của ông không đúng chỗ. Ông khá thân thiết và được đại tướng Viên trọng nể khi còn ở Nhảy Dù. Thấy ông say và lớn tiếng, Đại Tướng bỏ đi ra ngoài, ông Trung tá Nhảy Dù (có lẽ do say quá) la hét một chặp rồi cởi bộ đồ nhảy dù vất trên bàn bảo trả lại cho Đại Tướng. Đại Tướng giận quá, ra lệnh dùng máy bay riêng của Đại Tướng và cho hai Quân Cảnh“áp tải” ông thẳng ra Sông Mao giao cho Trung Đoàn. Lệnh bổ nhiệm sẽ do Phòng Tổng Quản Trị gởi đến sau. Máy bay đã cất cánh hơn nửa tiếng rồi.”
Ông Trung Đoàn Trưởng vội vàng ra lệnh cho các sĩ quan thuộc BCH tháp tùng ông ra phi trường chào đón Trung tá Hùng, ông cũng cho gọi cả anh lính kèn đi theo. Khi máy bay đáp xuống, Ông và tất cả sĩ quan đứng thành một hàng dọc, đích thân ông chỉ huy dàn chào, có cả kèn thổi “nghênh đón thượng cấp”. Điều đặc biệt làm chúng tôi ngạc nhiên hơn là ông đứng nghiêm trình diện Trung tá Hùng, với cả cấp bậc, số quân, như một tân binh hay một SVSQ trong quân trường:
-Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh, số quân 48/300340 trình diện Trung Tá!
Vẫn trong thế đứng nghiêm, ông mời Trung Tá Hùng lên xe ông, còn ông thì đi chung xe với chúng tôi về doanh trại. (Tôi chưa thấy ông lái xe bao giờ). Đến nơi, ông hướng dẫn Trung tá Hùng lên nghỉ ngơi uống nước tại văn phòng Trung đoàn trưởng. Ra lệnh cho anh Đại đội trưởng CHCV sang tư thất của ông, cùng ông đích thân dọn dẹp và dành căn phòng của vợ chồng ông cho Trung tá Hùng. Ông bà dọn sang phòng nhỏ phía sau. Nhưng khi ông sang mời Trung tá Hùng về tư thất, thì Trung tá Hùng quyết liệt từ chối, bảo ông chỉ xin một cái ghế bố và sẽ ở trong Trung Tâm Hành Quân (Trung Đoàn có một TTHQ khá lớn và kiên cố).
Bọn tôi bàn tán với nhau, không ai hiểu cung cách đối xử kỳ lạ của hai ông trung tá. Ông Trung Đoàn trưởng thì lại đứng nghiêm đưa tay chào từ xa, mỗi lần gặp ông Trung tá vừa thuyên chuyển tới đặt dưới quyền chỉ huy của mình. Ngược lại ông Trung tá Nhảy Dù cũng một điều kính thưa, hai điều kính thưa ông Trung tá Trung đoàn trưởng?
Đến chiều, Trung Tá Thịnh ra lệnh cho anh đại đội trưởng ĐĐCH cho người sang tư thất của ông mang cơm chiều sang cho Trung tá Hùng. Lúc ấy ông gọi chúng tôi lại để dặn dò:
-Các chú mày phải lễ phép và lo lắng thật chu đáo cho Trung Tá Hùng. Ông là ông Thầy của tao. Ngày trước khi ông là đại đội trưởng Nhảy Dù, thì tao là thằng Hạ sĩ 1 mang máy và làm tiểu đội trưởng cho ổng. Ổng đánh giặc khỏi chê, nổi tiếng từ thời Pháp cho đến bây giờ. Mấy thằng Tây, kể cả sĩ quan, mà lôi thôi là bị ông chửi như tát nước vào mặt. Khi Đại Tướng Cao Văn Viên còn trung tá, làm Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù thì ông Hùng đã là một tiểu đoàn trưởng xuất sắc mà ông Viên rất nể nang.
Ông không giao cho Trung tá Hùng bất cứ công việc gì. Nhiều lần Trung tá Hùng yêu cầu phải giao cho ông một công việc, bất cứ việc gì cũng được. Nhưng ông Trung đoàn trưởng lại đứng nghiêm:
-Xin Trung tá làm cố vấn cho tôi.
Trung tá Hùng lại dậm chân, than phiền:
-Tớ đi lính là để đánh giặc chứ đếch biết làm cố vấn cố véo gì sấc! Trung tá quên tớ là thằng “Cai Hùng” Nhảy Dù à?
Ông Trung đoàn trưởng lại đứng nghiêm:
-Thôi, xin Trung tá thấy thích làm cái gì thì làm!
Cuối cùng Trung tá Hùng nhận một công việc không có trong bản cấp số: Sĩ quan thường trực tại Trung Tâm Hành Quân. Ăn ngủ tại chỗ. Có mặt 24/24!
Kể từ hôm ấy, Trung Tá Thịnh cũng cho kê một cái ghế bố trong TTHQ để ngủ với Trung Tá Hùng.
Một hôm, vào khoảng 2 giờ sáng, Việt Cộng pháo kích vào BCH Trung Đoàn. Nhờ có máy nhắm hồng ngoại tuyến mới được trang bị, một vọng gác phát hiện đặc công xâm nhập vào doanh trại. Ông giao việc điều động cho Trung Tá Hùng, rồi đích thân chỉ huy hai toán Viễn Thám đi lùng, giết hơn 20 tên đặc công bằng lựu đạn và bắt sống 3 tên khác, đang tìm cách chui qua hàng rào phòng thủ. Trung tá Hùng thì leo lên nóc TTHQ lắng nghe tiếng “depart” để xác định vị trí súng cối địch, cho Pháo Binh phản pháo chính xác, sau đó 2 chiếc cobra do cố vấn Mỹ điều động kịp thời đến mục tiêu xạ kích. Đại Đội Trinh Sát được lệnh truy kích, thu được 2 súng cối 82 ly, 2 ống phóng hỏa tiễn và một số súng cá nhân, hơn 15 xác địch còn bỏ lại trận địa. Trận phản công chớp nhoáng và chính xác với thắng lợi hoàn toàn, bên ta vô sự. Đúng là chiến công của hai ông trung tá gốc Nhảy Dù!
Những lúc tâm tình với chúng tôi, Trung Tá Hùng cũng đã hết lời ngợi ca Trung Tá Thịnh. Ông thường bảo:
-Ông Trung đoàn trưởng là một tay đánh giặc rất “lì” và chỉ huy rất “chì” trong binh chủng Nhảy Dù. Trong cấp tá, ông là người có nhiều huy chương nhất, chỉ sau ông Sơn Thương. Hình như trên 20 cái nhành dương liễu, sao vàng sao bạc đếm không hết, còn chiến thương bội tinh thì cũng hơn 10 cái!
Rồi ông đùa:
-Bao nhiêu lần đã tưởng ông đi đứt, nhưng có lẽ nhờ nhỏ con quá nên đạn bắn không trúng! Khoảng hai tháng sau, chiếc máy bay riêng của Đại Tướng Cao Văn Viên bay trở lại Sông Mao. Lần này thay vì hai anh Quân Cảnh, thì chở theo hai sĩ quan Nhảy Dù để đón Trung tá Đào Văn Hùng về lại Sư Đoàn Dù. Nhưng chỉ sau đó một thời gian, (chính Trung tá Thịnh cho biết), ông bị ra khỏi binh chủng, ra chỉ huy một trung đoàn thuộcSư Đoàn 5 BB, rồi bị tai nạn xe hơi nên mù mắt và ngã bệnh đến gần như mất trí nhớ.
Tr. Tá Đào Văn Hùng
Sau này, bọn tôi được biết Trung tá Đào Văn Hùng cũng là một người rất đặc biệt đã tạo nhiều giai thoại trong binh chủng Nhảy Dù. Ông là sĩ quan lớn tuổi và rất thâm niên trong Nhảy Dù, thường thích nhận mình là “Cai Hùng”, như niềm hãnh diện về một thời trai trẻ khi còn là một anh hạ sĩ trong lực lượng nhảy dù Pháp, và người ta đặt thêm cho ông cái tên “Hùng Gà” vì ông rất mê đá gà. Những năm giữa thập niên 1960, ông đã từng là Lữ Đoàn Trưởng có tiếng của Nhảy Dù.
Thời Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh làm trung đoàn trưởng, Tướng Trương Quang Ân là Tư Lệnh Sư Đoàn. Có lẽ vừa là niên đệ từ trường VBLQĐL lại vừa là đàn em trong binh chủng Nhảy Dù, nên ông rất kính nể và luôn đề cao Tướng Ân. Ngày 8.9.1968 , khi Tướng Ân bị hy sinh cùng phu nhân trong một tai nạn phi cơ ở Đức Lập, BCH Trung Đoàn đang đóng ở Cà Ná, chỉ huy cuộc hành quân trong vùng ranh giới hai tỉnh Ninh Thuận- Bình Thuận. Khi nghe tin, Trung Tá Thịnh bật khóc và than thở tiếc nuối một vị tướng tài – chuyện rất hiếm hoi đối với một mẫu người cứng cỏi như ông- . Thấy vậy, tôi an ủi:
-Thôi, trung tá đừng buồn tiếc nữa. Một con én đâu có làm được một mùa Xuân!
Ông trợn mắt, nhìn tôi, quát:
-Mày ngu thế! Ít ra trong mùa Xuân cũng còn có được một con én chứ!
Cả bọn chúng tôi bụm miệng cười. Lần đầu tiên nghe ông nói một câu văn hoa như thế!
Nhờ mắng tôi, nên ông hết khóc. Ông rủ tôi và anh trung tá cố vấn Mỹ, gọi mấy chú lính hộ tống, theo ông ra bờ biển phía trước, bên một ghềnh đá, mà ông bảo là vô số cá đang tập trung trú ẩn ở đó. Anh cố vấn Mỹ không tin và hỏi xin ông cho đích thân anh ném thử một trái lựu đạn. Ông lưỡng lự rồi gật đầu. Có lẽ đây là một quyết định ngoại lệ so với bản tính nghiêm khắc cố hữu của ông. Và quả đúng như ông nói, đám lính và cả anh trung tá Mỹ lặn xuống bắt cả mấy trăm ký cá mang về. Sau khi chia cho các tiểu đoàn, ông đích thân chỉ huy làm mấy món cá đãi cả BCH Trung Đoàn, Toán cố vấn Mỹ và Đại Đội Trinh Sát.
Sau ngày Tướng Trương Quang Ân mất, ông tỏ ra chán nãn. Ông được Tướng Đỗ Cao Trí kéo về Quân Đoàn III/ Vùng 3 CT và dự định đề cử giữ chức tỉnh trưởng nào đó. Ông cho bọn tôi biết rồi bảo:
-Tớ có nhiều chữ nghĩa gì đâu mà làm quận với tỉnh. Đi lính là để đánh giặc. Trường Võ Bị có dạy ai đi làm tỉnh trưởng đâu. Tớ vẫn thích nắm trung đoàn.
Hôm rời Trung Đoàn, ông cũng chỉ vác theo một cái “xắc ma-ranh” như hồi ông đến. Tất cả chúng tôi thật cảm động và tiêc nuối khi phải chia tay ông. Một cấp chỉ huy thanh liêm, bình dân, gan dạ. Khi bắt tay tôi, ông khen “ chú mày khá lắm” và rơm rớm nước mắt. Trước đây, không ai nghĩ một người cứng rắn, đanh thép như ông lại giàu tình cảm với đàn em, thuộc cấp mà ông đã giấu kỹ trong lòng.
Sau đó, ông về làm Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 52, thuộc Sư Đoàn 18BB.
Không biết ở đơn vị mới này ông có thay đổi ít nhiều gì không. Tôi chỉ còn nhớ, có lần báo Sóng Thần “đánh” Tướng Trí về một vụ gì đó. Ông lên tiếng hết mình bênh vực và ca ngợi Tướng Trí, bị báo chí mỉa mai gọi ông là “Chuẩn Đại Tá”. Ông chửi thẳng thừng: đám báo chí này bố láo! Chẳng biết tí gì về Tướng Trí, chỉ giỏi nằm nhà khoác lác! Với Tướng Trí thì đừng có giỡn mặt!
Mới biết ông, ai cũng nhìn thấy ở ông sự cứng cỏi, nghiêm khắc, nhưng khi đã thân tình mới biết là ông cũng rất vui, thích đùa cợt. Có lần anh Hoàng Văn An (Khóa 20VB) kể lại: Năm 1970, An đang làm việc tại Sài gòn, được Trung Tá Thịnh cho vợ chồng anh được xử dụng căn cư xá của ông nằm trong Trại Đào Bá Phước, vì đơn vị của anh trú đóng gần nơi này. Một hôm Trung tá Thịnh đến thăm và rủ An đến thăm Tướng Đỗ Cao Trí và ông cụ Đỗ Cao Lụa, thân phụ của Tướng Trí. Ông cụ quý mến Trung Tá Thịnh như là em út trong nhà.
Trên đường đi, Trung tá Thịnh cười, bảo anh An:
-Hôm nay chú mày sẽ được Tướng Trí rót rượu mời đấy!
Biết tính ông anh rể của mình ưa đùa, anh An chỉ cười. Khi bước vào nhà Tướng Trí, chỉ có Cụ Lụa đón chào vui vẻ. Nói chuyện một chặp, Tướng Trí về với đầy đủ quân phục và cấp bậc 3 sao trên cỗ áo. Tướng Trí vừa chào ông cụ và hai người khách, ông cụ bảo:
-Trí! Mày đi rót mấy ly rượu mang đến đây.
Tướng Trí là một đứa con chí hiếu và lễ phép. Rót 3 ly rượu whisky mang đến mời ông cụ cùng cả Trung tá Thịnh và anh An. An mặc thường phục và được Trung tá Thịnh giới thiệu là em vợ. Anh An bắt tay Tướng Trí mà thấy “run” trong lòng.
Trên đường về, ông bảo An:
-Chú mày thấy tao nói có đúng không? Quan ba mà được Tướng Trí bưng rượu mời, sướng nhé!
Một lần, nhân dịp anh cố vấn trưởng bay vào Sài gòn họp, chúng tôi theo trực thăng đáp xuống thăm ông ở Đồi Phượng Vỹ (Doanh Trại Trung Đoàn 52) sau khi ông vừa trở về từ chiến trường Cam Bốt. Ông mời bọn tôi uống rượu. Khoe đây là loại rượu đặc biệt, hảo hạng, có tiền không mua được. Ông kể lại chuyện ông chỉ huy Chiến Đoàn 52, sang hành quân “giải tỏa” Kampong Chàm. Thành phố sầm uất thứ nhì của Cam bốt sau Nam Vang. Khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, ông được ông In Tam, thị trưởng (sau này có thời là Thủ Tướng của Cam Bốt) làm lễ đón tiếp ông long trọng như một vị anh hùng. Ông được mời vào dinh thết đãi, trước một đội vũ công toàn là những cô con gái đẹp. Ông thị trưởng InTam bảo nhỏ, ông thích cô nào?, Ông nghiêm mặt lắc đầu. Ông thị trưởng cho cận vệ mang đến cho ông một xách Samsonite nhỏ chứa đầy tiền, bảo là quà tặng. Ông bảo ông là một cấp chỉ huy của Quân đội VNCH thi hành nhiệm vụ, chứ không phải lính đánh thuê đâu mà nhận quà cáp. Cuối cùng để làm vui lòng ông thị trưởng, ông theo xuống hầm rượu và lấy 6 chai rượu hảo hạng.
Ông kể lại rồi cười:
-Thấy gái đẹp và tiền từ trên trời rơi xuống thằng nào chả ham, nhưng lỡ đã đóng vai anh hùng rồi mà đưa tay lấy thì còn ra thể thống gì!
Bọn tôi chọc ông, bảo là “Sếp hơi quân tử tàu! Cứ xách cả hai thứ về đây thì bây giờ thầy trò mình lên hương và khắm khá rồi!”. Ông vỗ đùi cười. Lúc này trông ông thấy hiền khô.
Ngày 23.2.1971 nghe tin Tường Đỗ Cao Trí tử nạn, chúng tôi chắc chắn Trung Tá Thịnh buồn lắm. Không biết ông có khóc và tiếc thương như lúc ông nghe tin Tướng Trương Quang Ân hy sinh gần ba năm trước?
Vào đầu tháng 4.1972, tôi nghe tin ông chỉ huy Chiến Đoàn 52 (-) chỉ có 2 tiểu đoàn và đại đội Trinh Sát, đã rất khôn khéo và dũng cảm điều động phản công một cuộc phục kích qui mô của hơn hai trung đoàn địch tại khu vực Cần Lê (15 cây số Bắc An Lộc). Một cuộc phản công đẫm máu kéo dài gần bốn ngày trên một tuyến phục kích dài hơn ba cây số, mà địch chiếm hoàn toàn ưu thế về cả quân số cũng như địa thế. Cuối cùng Chiến Đoàn của ông đã gây tổn thất nặng nề cho địch và vượt khỏi vòng vây. Vị Trung Tá Cố Vấn Mỹ, tuy bị thương, nhưng không chịu tản thương, ở lại bên cạnh Trung Tá Thịnh, cùng chiến đấu và yểm trợ hết mình. Trên nhiều báo chí, có bình luận về chiến công này và đã dành cho ông nhiều lời khen ngợi: “Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh, gốc Nhảy Dù, là cấp chỉ huy tài giỏi, biết linh hoạt ứng phó trong mọi hoàn cảnh và trạng huống, về kỹ thuật lãnh đạo chỉ huy, ông rất được lòng các cấp dưới quyền và toàn thể các Cố vấn Mỹ thật tình kính nể mến thương. Trung Tá Walter D. Ginger, Cố vấn trưởng, dù đã bị thương, nhưng từ chối tản thương, vẫn tình nguyện ở lại sống chết với Trung Tá Thịnh cùng đơn vị bạn đồng minh của mình.”
Tháng 6.1972 ông được đặc cách thăng cấp đại tá và sau đó một thời gian nhận lệnh thuyên chuyển về Trường Võ Bị Đà Lạt để làm Tham Mưu Trưởng. Đến cuối năm 1973, ông lại nhận lệnh thuyên chuyển về Trường Chỉ Huy Tham Mưu đảm trách chức vụ Trưởng Khôi Giám Sát Các Lớp. Khi ấy, trường vừa ổn định sau khi từ Đà Lạt chuyển về Long Bình để tiếp nhận một khu doanh trại rất khang trang của Quân Đội Hoa Kỳ giao lại.
Đầu năm 1974, nhân dịp theo học một khóa tham mưu tại Huấn Khu Long Thành, tôi đến thăm ông, và bất ngờ gặp thêm một ông trung đoàn trưởng cũ khác nữa, Đại Tá Trần Quang Tiến.(Đại Tá Tiến cũng được thăng cấp đặc cách tại mặt trận Kontum vào tháng 6/1972, khi đơn vị tôi tạo được nhiều chiến công để có một “Kontum Kiêu Hùng”) Hai ông ở chung trong một cái bunker (rất đẹp và đầy đủ phương tiện của một sĩ quan cao cấp Mỹ để lại). Ông nhất định tự tay làm cơm đãi tôi. Tôi ái ngại, xin phụ một tay, nhưng ông nghiêm mặt trợn mắt nhìn tôi:
-Mày là khách của chúng tao. Chớ có lộn xộn.
Ông bảo Đại tá Tiến nấu cơm và hái rau (do ông trồng), rồi rủ tôi mang cái vợt đi theo ông ra mấy trụ đèn điện phía trước để bắt con cà cuống. Ông bảo:
– Món này mà thiếu mấy giọt cà cuống là vất đi!
Lúc nào cũng vậy, ông hãnh diện về cái tài nấu nướng còn hơn cả tài đánh giặc và chỉ huy đơn vị của ông.
Đúng là thức ăn ông nấu rất ngon, nhưng ngồi ăn với hai ông Thầy cũ tôi không thoải mái lắm. Nhớ tới ngày xưa, khi ông còn ở Trung Đoàn, mỗi lần được ông mời ăn cơm là bọn tôi cảm thấy như… hết đói!
Ông dặn tôi, cứ cuối tuần lại ở đây chơi với ông. Có hôm ông còn dắt tôi đến chào Tướng Phan Trọng Chinh, Chỉ Huy Trưởng. Đó cũng là lần duy nhất tôi được gặp vị Tướng nổi danh này. Cùng gốc Nhảy Dù, nên Tướng Chinh có vẽ rất thân thiện và quý mến ông
Một thời gian, sau khi tôi rời khỏi Long Thành trở về đơn vị, thì ông cũng đi lãnh một trách nhiệm mới: Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp.
Năm 2003, nhân dịp từ Bắc Âu sang Cali thăm mấy đứa con đang theo học ở đây, tôi rủ vài thằng bạn cùng đơn vị cũ đến thăm ông. Ông vui lắm. Bây giờ tuổi đã khá cao, người ông trông càng nhỏ lại, nhưng tiếng nói vẫn đanh thép, đôi mắt vẫn sáng quắc, nhanh nhẹn như xưa. Và đặc biệt với phu nhân, ông vẫn tỏ ra uy quyền như lúc trước. Ông gọi bà từ nhà sau lên chào chúng tôi, rồi bảo:
-Bà xuống lo mấy cái mâm nhang đèn, chút nữa đi lễ chùa, để bọn tôi nói chuyện!
Vốn đã nghèo, sang Mỹ ông càng trắng tay. Dù khá lớn tuổi ông vẫn đi làm cho đến khi về hưu. Cũng như ngày xưa khi còn trong lính, bây giờ dù với những công việc rất tầm thường nhưng ông luôn vui vẻ và tận tụy làm tròn trách nhiệm. Với bất cứ ai ông cũng tỏ ra rất tư cách. Hầu hết đồng nghiệp trong sở nghe nói ngày xưa ông từng là đại tá chỉ huy một trung đoàn tác chiến, họ rất nể trọng.
Ông bảo bây giờ ông bà ăn chay. Ông còn mời chúng tôi ngày mai trở lại ông sẽ tự tay nấu mấy món chay đãi bọn tôi. Bọn tôi tin là ông nấu rất ngon, nhưng thấy tội nghiệp ông, nên tìm cách chối từ. Chia tay ông, lòng chúng tôi thấy thật buồn và có chút xót xa, thương cho một con người hiến gần cả một đời cho quân đội, tạo biết bao chiến công và bao lần sống chết với đất nước, để rồi về già vẫn phải vất vả với kiếp tha hương.
Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp ông. Ông qua đời sau đó vài tháng, ngày 16.05.2003.
Thời chỉ huy đơn vị chúng tôi, ông là một vị Trung Đoàn Trưởng tốt. Cương trực, liêm khiết, công minh, làm việc hết mình. Ông xem đơn vị như là nhà mình và đám sĩ quan như là em út trong gia đình. Lâu lâu trợn mắt, hò hét la rầy, nhưng rất thương yêu và không hề phạt thuộc cấp. Điều đáng nhớ nhất, là ông để lại cho chúng tôi rất nhiều giai thoại, để bây giờ, mỗi lần có dịp gặp nhau, nhớ tới ông bọn tôi thường kể lại như là những kỷ niệm vui, và cũng thật dễ thương của một thời binh nghiệp.
Nhớ hôm lễ nhậm chức, sau khi tự nhận binh nghiệp của mình đi lên từ cấp bậc “binh ba”, ông bảo: “Các anh nên hãnh diện đang có một người chỉ huy như thế!”
-Thưa vâng! Chúng tôi rất vui và cũng rất hãnh diện đã từng có một ông Thầy như thế.
Phạm Tín An Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét