Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

Văn Hóa và Cải Cách - Duy Nhân


VĂN HÓA được hiểu một cách đơn giản là NHỮNG GÌ CÒN LẠI. Còn lại ở đây không có nghĩa là còn lại trong phút chốc, trong một giai đoạn ngắn mà là còn lại với ý nghĩa là tồn tại qua nhiều biến động, qua nhiều giai đoạn lich sử rất lâu dài cả trăm năm, cả ngàn năm mặc cho vật đổi sao dời. Trong suốt bốn nghìn năm lịch sử trong đó hơn một nghìn năm bị Tàu đô hộ và đồng hóa, người Việt Nam vẫn giữ được ngôn ngữ của mình, đó là cái còn lại quí báu nhất, thiêng liêng nhất. Tiếng Việt ( bao gồm tiếng nói và chữ viết) là một thứ văn hóa đặc biệt của người Việt, nó đã có từ thuở người Việt xuất hiện trên hành tinh này và tồn tại cho đến bây giờ. 
<!>
Chữ Việt dùng để ghi tiếng Việt theo cách phát âm đã có từ thời Alexandre de Rhodes, theo mẫu tự La tinh, đã trở thành chữ Quốc Ngữ từ mấy trăm năm, tồn tại đến ngày hôm nay và sẽ tồn tại lâu dài.

Những ai có âm mưu xóa bỏ văn hóa, tiêu diệt một nền văn hóa, cho dầu nhân danh là cải cách , là cách mạng hay gì gì đi nữa, cũng chỉ là những kẻ điên rồ vì điều này không thể thực hiện được. Sau năm 1975, người Cộng sản dùng bạo lực cưỡng chiếm miền Nam, họ chủ trương tiêu diệt nền văn hóa rất nhân bản, kế thừa từ nền văn hóa lâu đời của tổ tiên cùng nền văn hóa tiên tiến, tự do của Tây phương. Họ nói nền văn hóa thời Việt Nam Cộng Hòa là văn hóa đồi trụy, phản động. Họ cho người đi đến từng nhà để tịch thu và tiêu hủy tất cả sách vở, báo chí, kể cả sách giáo khoa, sách y học, phim ảnh, băng đĩa và mọi sản phẩm của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Họ tịch thu các nhà sách, cửa hàng sách của tư nhân và bỏ tù chủ nhân các nhà sách đó. Họ lùng bắt và bỏ tù các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, soạn giả…là những người đã làm ra những sản phẩm văn hóa, họ gọi những người làm văn hóa là “ biệt kích văn nghệ”. Những thứ không tịch thu được thì họ ra lệnh cấm phổ biến dưới mọi hình thức, thí dụ trong nhân dân, trong các trại tù thì họ cấm hát “ nhạc vàng ”. 

Người Cộng sản chủ trương tiêu diệt một cách toàn diện và triệt để nền văn hóa dân tộc bị họ xem như kẻ thù nhưng họ đã không làm được, họ đã thất bại. Sau gần năm mươi năm nền văn hóa nhân bản Việt Nam Cộng Hòa vẫn sống âm thầm trong quần chúng và trổi dậy mạnh mẽ trong mấy năm gần đây: Các sách báo, truyện, tiểu thuyết, văn, thơ, nhạc, phim ảnh, tuồng cải lưởng, sản phẩm văn học, nghệ thuật,…đã được in lại và phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Một dẫn chứng : Các nhạc phẩm gọi là nhạc vàng, trong đó có giai điệu bolero đã phục hồi sức sống, đã được cổ vũ, được hát lại và trình bày trong các sân khấu, trong các cuộc thi hát từ Nam chí Bắc, từ trong nước ra đến hải ngoại. Lý do là gì ? Vì nó đã trở thành một thứ văn hóa, được người dân chấp nhận, đã ăn sâu vào tim óc, tình cảm của người dân thì không ai có thể thay thế, hủy diệt được. 

Người ta có thể dùng bạo lực để tiêu diệt một chánh quyền nhưng không thể dùng bạo lực để tiêu diệt một nền văn hóa. Để thực hiện chủ trương tiêu diệt nền văn hóa dân tộc, nhân bản và tiên tiến thời VNCH, người Cộng sản chỉ có thể làm được một việc là từ chối không dùng một số từ ngữ rất hay trước đây và thay vào bằng những cụm từ xa lạ, vô nghĩa hoặc rất dở như hoành tráng, bức xúc, diễu hành, hộ khẩu, hộ chiếu, nhà trắng, hội chữ thập đỏ, lính thủy đánh bộ, xưởng đẻ, vân vân…Sau năm 1975 khi đem hàng từ trên xe xuống thì họ nói “giải phóng” xe, làm sạch hay dọn dẹp một nơi nào đó thì họ nói là giải phóng mặt bằng.( Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trong bài viết khác ) Hiện nay trên các trang mạng và báo chí Việt Nam ta thấy xuất hiện thường xuyên cụm từ “ tự sướng” mà người dùng nó không biết đó là một từ rất khiếm nhã, được dùng khi đề cập đến chuyện thủ dâm.

Ông Bùi Hiền có bằng Tiến Sĩ, là Phó giáo sư, từng là hiệu phó trường đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, phó Viện trưởng viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông, sao lại không biết và không rút ra được bài học về âm mưu tiêu diệt nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa của Cộng sản? Sao lại đưa ra chủ trương cải tiến chữ Việt một cách ngớ ngẩn, điên rồ, bất khả thi ? Có người nói ông muốn làm chuyện đội đá vá trời để lưu danh muôn thuở ? Cũng có người nói đàng sau đề nghị cải tiến tiếng Việt của ông là một âm mưu chánh trị đen tối nhầm định hướng dư luận, muốn dư luận chú ý đến vấn đề do ông đưa ra mà quên đi những vấn đề nhức nhối khác đang xảy ra tại Việt Nam, sâu xa hơn là thực hiện âm mưu Hán hóa người Việt của Tàu qua con đường Văn Hóa, ngôn ngữ vì ông là người đã được Trung quốc đào tạo từ năm 1954 tại đại học nhân dân Trung Quốc ! Đây là vấn đề lớn khác, không nằm trong nội dung bài viết này nên chúng tôi không đề cập đến ở đây.

Đặc điểm của chữ quốc ngữ là viết ra theo cách phát âm và mỗi chữ viết ra đều có ý nghĩa khác nhau. Thí dụ chữ cái C phát âm là cờ, CH phát âm là chờ. Ghép các chữ cái lại với nhau thành ra một chữ có ý nghĩa và cách đọc hoàn toàn khác nhau. Thí dụ CA đánh vần là cờ- a- ca, viết là CA. Chữ CHA đánh vần là chờ-a- cha, đọc là CHA, là người sinh ra mình, khác với CA, là đồ dùng để múc nước. Cũng vậy, chữ CHẶT hoàn toàn khác với chữ CẶT. Vậy mà ông Bùi Hiền đưa ra sáng kiến thay thế chữ CH và chữ TR bằng chữ C, hậu quả là ngôn ngữ tiếng Việt mới sẽ không còn chữ CHẶT nữa mà chỉ cỏn chữ CẶT thôi. Cũng như không còn chữ CHUYỆN và TRUYỆN nữa mà chỉ còn một chữ CUYỆN thôi ! Chữ CẶT thì đọc được nhưng đến chữ CUYỆN của ông Bùi Hiền thì đọc ra làm sao và ý nghĩa của nó là gì đây ?! Không ai hiểu được. Thật ra, bản thân ông Bùi Hiền không phân biệt được cách đánh vần, cách phát âm giữa mẫu tự C và Q ( cái cuốc và tổ quốc ). Ông nói hai chữ đó phát âm giống nhau cho nên ông bỏ nó và thay bằng K, đưa tới lối viết tầm bậy tầm bạ, làm rối loạn ngôn ngữ Việt Nam.

Tiếng nói và chữ viết không thể tách rời nhau, chính nó là văn hóa của một dân tộc, không chỉ để ghi chép mà nó còn nói lên tính chất đặc thù của một dân tộc qua lịch sử, tôn giáo, phong tục tập quán, nhân sinh quan, giá trị đạo đức, triết lý sống của một dân tộc đó, thể hiện dưới hình thức ca dao, tục ngữ, truyện, tuồng, bài hát từ ngàn xưa cho tới bây giờ cùng với những sản phẩm văn hóa khác. Văn bản, chữ viết còn là phương tiện ghi chép, lưu giữ quan điểm , đường lối, chính sách của nhà nước từng thời kỳ cũng như phương tiện giao lưu hàng ngày, hàng giờ giữa cá nhân với nhau thì không ai có tư cách, quyền hạn, phương tiện để sửa đổi theo ý riêng của mình để làm sai lệch ý nghĩa ban đầu của nó. Chữ viết trong văn bản không chỉ dùng để đọc và hiểu mà từ đó người ta có thể thưởng thức cái hay, nét đẹp rất độc đáo chỉ riêng ngôn ngữ Việt Nam mới có như lời ca, tiếng hát, câu hò, điệu lý, từng cách luyến lái trong thơ ca của từng loại khác nhau. Thật ra, nhờ các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng mà tiếng Việt cất lên thì êm ái nhẹ nhàng như là lời ru, nói mà giống như hát, không giống như tiếng Tàu, nói mà như cãi lộn vậy ! 

Trong khi đó thứ tiếng Việt cải cách của ông Bùi Hiền đưa ra thì hoàn toàn xa lạ với chữ quốc ngữ chúng ta, đọc lên thì nghe như đọc thần chú thì làm sao mà hát, hò cho được, nói chi là đi vào lòng người. Trừ những kẻ làm tay sai cho Tàu, những kẻ rắp tâm bán nước cho Tàu, riêng chúng ta, những người yêu nước và yêu mến tiếng Việt, muốn gìn giữ sự trong sáng cho tiếng Việt không thể cho phép và chấp nhận các cụm từ “Tiếng Việt” viết thành “ tiếq Việt”, “ giáo dục” thành ra “ zao zuk ”, “ trục trặc” trở thành “ cụk cặk”, “đi chợ” thành ra “di cợ”…

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành một tài sản thiêng liêng, quốc hồn quốc túy của dân tộc, được thế giới công nhận. Tác phẩm Truyện Kiều có giá trị về tư tưởng và văn chương, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Từ giới trí thức tới giới bình dân, già cũng như trẻ, là người Việt Nam không ai mà không biết đến Truyện Kiều, không ai mà không thuộc năm ba câu Kiều, nó được đưa vào chương trình văn học sử bậc trung học thời VNCH. Người ta không những đọc Kiều mà còn ngâm, vịnh, lẫy Kiều. Phạm Quỳnh, một nhà văn hóa, một học giả lỗi lạc, đã từng phát biểu ( trong ngày lễ giỗ Nguyễn Du 8/12/1924 ) “ Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn ”. Câu hỏi đặt ra cho ông Bùi Hiền là có sửa văn bản truyện Kiều và lịch sử theo lối chữ cải cách của ông hay không ? Nếu có thì sửa bằng cách nào ? Nếu không thì thế hệ trẻ em sau này học tiếng Việt theo chữ của ông sẽ không đọc được truyện Kiều cũng như kho tàng văn hóa đồ sộ của ông cha ta để lại cũng như không đọc, không hiểu được lịch sử oai hùng của tổ tiên từ thời dựng nước. Như vậy, con đường vong bản, mất gốc đã nhìn thấy trước mặt. 

Lúc đó ông chính là thủ phạm cắt đứt con đường sinh mệnh của dân tộc nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai vì một khi hiện tại và quá khứ bị cắt đứt thì tương lai chỉ còn là màu đen u tối. Ngoài Nguyễn Du, Phạm Quỳnh, thế kỷ này đã có một Phạm Duy, nhạc sĩ tài ba, với lòng yêu nước, yêu tiếng Việt nồng nàn, được sống trong môi trường tự do, ông đã sáng tác và để lại một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với trên một ngàn bản nhạc mà đa số là nhạc hay, góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà. Nhạc Phạm Duy đi vào lòng người, với sức lan tỏa mạnh, kêu gọi, đánh thức được lòng yêu nước, yêu tiếng Việt của người nghe bằng những ca từ, giai điệu thiết tha, êm ái, nhẹ nhàng và sâu lắng. Có ai nghe nhạc Phạm Duy mà không thấy tâm hồn lâng lâng, bay bổng với niềm thương cảm, yêu nước dạt dào : “ Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời….Mẹ hiền ru những câu xa vời…Tiếng nước tôi…bốn nghìn năm ròng rả buồn vui…Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…’’

Rất may cho chúng ta và thế hệ con cháu sau này : Đến nay đã có những sự kiện, chỉ dấu cho thấy phương án cải cách tiếng Việt của ông Bùi Hiền đã bị phá sản : Cộng đồng mạng và nhân dân trong, ngoài nước kịch liệt lên án, phản đối, bộ Giáo Dục & Đào Tạo tuyên bố không đủ thẩm quyền, chánh phủ thì nói không có chủ trương cải tiến tiếng Việt trong lúc này.

Duy Nhân

Không có nhận xét nào: