Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

TU THÂN CÓ PHẢI XIN PHÉP? - Tạ Duy Anh


Đang ốm, mệt lơ lửng, thế mà đọc cái Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bỗng không nhịn được, cứ cười như bị ma ám. Tại sao cứ phải là thành viên của hội nào đó, nhân sự của chùa nào đó mới được tu thân? Từ lâu tôi quyết không đi chùa, khi một lần, vài lần, rất nhiều lần tận mắt thấy những người đi tu có thẻ hội viên thị phạm cho tôi ngộ ra rằng, nhà mình hóa ra thanh sạch hơn nhiều; bạn bè mình, những người chưa một lần đọc bất cứ quyển kinh Phật nào, không tự nhận là tín đồ, cứ tràn trề Phật tính hơn nhiều! Và rồi vụ ông Sư cả khi chết, lòi ra cái thẻ đảng và con số 50 năm tuổi đảng thì rùng mình vái sống các vị.
<!>
Cái sự nhập nhèm giữa đạo và đời, nó khiến đạo không ra đạo, đời chả ra đời. "Nửa đời nửa đoạn" là câu rủa của dân gian với kẻ nào đó ít đức. Giờ "nửa đời nửa đạo" cũng thành câu mỉa những kẻ núp bóng tôn giáo để vun cho cái thân xác mình thành thứ nặng hơn cả đá.
Có câu càng tu càng chìm là thế.
Ông thầy của giai cấp vô sản, trong một cuốn sách mà tôi đọc từ hồi trẻ, không còn nhớ tên, đã rất ác liệt khi đòi hỏi tính chất tư nhân của tôn giáo như thế này (tôi chỉ còn nhớ đại ý):
-Nếu các người (Giáo hội Chính thống giáo Nga) không an phận với tư cách tư nhân của mình; nếu các người không tuyên bố rõ ràng tôn giáo là công việc tư nhân và hành động trên tư cách như vậy mà cứ nhập nhằng dính líu đến chính quyền, can thiệp vào công việc của chính quyền, đòi tài trợ từ chính quyền...thì giai cấp vô sản toàn Nga sẽ tuyên chiến với các người!

Rõ ràng thế cơ mà! Chính các vị đang làm sai lời ông thầy đời của các vị đấy chứ.
Thưa với các vị, tự do tín ngưỡng là quyền bất khả bàn cãi, bất khả xâm phạm. Ông Minh Tuệ đang thực hiện quyền cá nhân của ông ấy và không có lỗi với bất cứ ai, bất cứ tổ chức tôn giáo nào, vì ông ấy không hề mạo danh quý vị, không nhận mình là sư, không đeo túi vơ tiền cúng dường như lái buôn thu lãi. Lấy cớ gì để ngăn cấm ông ấy?
Tôi không đủ duyên để hành xác như ông Thích Minh Tuệ và nói thật, tôi chẳng thấy cần thiết phải tu khổ như vậy. Nhưng gương mặt và nụ cười của con người ấy chắc chắn thuộc về ánh sáng.
Mà tôi thì luôn e ngại bóng tối.
Tu có nhiều cách. Đến với Phật có nhiều đường. Con đường các vị đang đi có ai cấm các vị đâu, trừ Lê Nin, như những gì vừa dẫn. Nhưng Lê Nin chết lâu rồi, không nhất thiết phải theo phải sợ ông ấy nữa, nếu các vị muốn, cũng chả sao.
Chỉ có điều nhân danh một tổ chức tôn giáo để bài bác, chế nhạo, tìm cách mượn tay quyền lực ngăn cản thô bạo mỗi cá nhân đến thẳng với Phật mà không làm hại ai, là vi phạm luật pháp đấy, mong các vị nhớ cho.
Xin đừng u mê đến mức ném đá lên trời!
------


Chú thích ảnh: một cách đến với Phật.

SỰ KIỆN THÍCH MINH TUỆ
Phạm Lưu Vũ

Mấy ngày qua, sự kiện tu sỹ Phật Giáo Thích Minh Tuệ đã át hẳn trận sóng gió cung đình đang diễn ra, khiến các phe phái chính trị có cảm tưởng dư luận đã lãng quên, lòng người đã buông bỏ, hồn thiêng sông núi đã ngoảnh lưng, trầm mặc. Như lớp váng trên bề mặt cứ cuồn cuộn, liên tục đổi màu và bốc mùi… nhưng đáy biển vẫn lặng im, trong xanh một màu và thanh tịnh. Thế mới biết Chánh Pháp thật nhiệm màu, tâm Phật vẫn bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm trong tâm hồn người Việt, bất chấp sự vô thường, đổi màu của thế tục, bất chấp sự phá pháp, hung hăng của những ma tăng, bẩn thỉu và lừa đảo như Thích Trúc Thái Minh, lưu manh và ghê tởm như Thích Chân Quang, giả dối và gian xảo như Thích Nhật Từ… bất chấp sự hoảng hốt của cả một “Giáo hội” thế quyền, tiếm mạo danh Phật để dựng lên, hòng tiêu diệt tuệ giác của cả một Dân tộc, thay vào đó là sự vô minh, lầm lạc trong luân hồi đời đời, kiếp kiếp… để phục vụ cho lợi ích của một nhóm người.

Ngài không thuyết pháp, không nhận tiền cúng dường, không yêu, ghét, không nhận mình là thầy, là tu sỹ, không nhà và không chùa… Nhưng người dân dõi theo từng bước chân, hoan hỉ chào đón ngài, quét đường cho ngài đi… Các trí thức, học giả chân chính tán thán ngài, họa sỹ vẽ tranh ngài, đắp tượng ngài…
Có những vị nhân sĩ như Nguyễn Thanh Huy, Thái Đức Phương… mạng xã hội hầu như chưa biết tên, nay nhân sự kiện về ngài mà lần đầu tiên xuất hiện, lập tức có những bài viết, bài luận tuyệt vời, giản dị mà uyên bác, nhẹ nhàng mà thâm sâu, khiến cư dân mạng hân hoan đồng tình và đón nhận, ca ngợi và chia sẻ với hàng triệu lượt.
Những điều đó khiến các ma tăng hoảng sợ và tức tối, GHPGVN bị lu mờ, hiện nguyên hình là một tổ chức tầm thường và thế tục, bởi ngài là hiện thân của ánh sáng, thì bóng tối và ma quỷ tất phải hoảng sợ.
Đây là bằng chứng của sự nhiệm màu, vô biên của Phật Pháp, là sự bất khả tư nghì của Bồ Tát đạo, là “quả” mênh mông của đức đại từ, đại bi, là “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh” giữa cuộc đời ô trọc này.

Ngược lại trong quá khứ, ngài có những nét tương tự tổ Huệ Viễn đời Tấn (334 - 416), một trong số những vị tổ của Tịnh Độ tông. Tổ Huệ Viễn cũng hành thiền, không tọa thiền, không ngủ nằm, mà ngủ đứng, và khước từ mọi sự liên lạc không cần thiết với đời, nguyện giải quyết vấn đề sinh tử ngay trong kiếp hiện tại.

Xuất hiện một bài luận quá hay, quá giỏi, dí dỏm, hài hước mà sâu thẳm. Đủ cả "tông", "nhân", "dụ", nhưng là nghịch tông, thuận nhân và nghịch dụ. Viết thế mới tài.
Xin copy hầu Quí Vĩ
Bàn về 7 cái sai trong pháp tu của ông Minh Tuệ.
Bài viết của Thái Đức Phương
13 tháng 5
Cổ nhân có câu:
"Có thực mới vực được đạo.”
Nhiều người cho rằng chữ “thực” trong câu trên có nghĩa là “ăn uống”, hiểu đơn giản là bao tử có đầy thì đầu óc người ta mới nghĩ đến những điều thiêng liêng, tâm trí mới hướng đến những thứ cao siêu huyền nhiệm (chẳng hạn như kiếp sau ở một tầng trời nào đó).
Bởi vậy, lấy lý do “vực” đạo Phật, rất nhiều sư thầy đã kêu gọi Phật tử cúng dường tài vật cho họ để họ hoằng dương đạo pháp: xây lên những chùa to phật lớn, thành lập ban truyền thông để gây dựng tiếng tăm, sức ảnh hưởng.

Để tạo động lực cho Phật tử cúng dường, nhiều sư thầy đã dùng đến một công cụ rất vi diệu, đó là PHƯỚC ĐỨC - một thứ vô hình. Họ bảo rằng: quý vị càng cúng dường nhiều (nhất là tiền chẵn) cho các sư thầy thì càng tăng trưởng phước đức, con cháu quý vị sẽ vinh hiển, đời sau của quý vị sẽ giàu sang, sung sướng.
Trong một cộng đồng những vị họ Thích ngày nay, mà hầu hết đều thích nhận tiền, bỗng đâu xuất hiện một ông Thích Minh Tuệ từ chối nhận tiền!
Ông đã gây nên một hiện tượng lạ trên MXH.
Ông Minh Tuệ tự nhận mình là một người “tập học” theo Phật Thích Ca. Ông xem Phật Thích Ca là thầy và cũng xem giới luật là thầy. Ông không nhận mình là sư hay thầy của ai, không nhận đệ tử hay thị giả, không chủ động giảng đạo lý cho bất cứ ai.
Vì không thọ y bát từ nhà sư nào nên ông Minh Tuệ không mang bộ y bát giống một nhà sư mà ta thường gặp, thay vào đó, ông đắp một mảnh vải to được chắp vá từ những mẩu vải vụn mà người ta vứt đi và ôm cái ruột nồi cơm điện.
Ông cứ đi lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác, ngủ trong nghĩa địa, không nhận tiền của bất cứ ai mà chỉ nhận một lượng đồ chay đủ dùng cho một bữa ăn duy nhất trong ngày. Ông đi như vậy được 6 năm rồi.

Trên mạng có thông tin nói rằng ông từng vào chùa tu, nhưng sau một thời gian ngắn thì ông rời chùa vì thấy bản thân KHÔNG HỢP với PHÁP TU ở đó. Tôi gọi tắt là ông “TU KHÔNG HỢP PHÁP”.
Trong một xã hội toàn những người lưng gù thì kẻ lưng thẳng mới là người khuyết tật. Trong một xã hội mà ai cũng “thích nhận tiền” thì kẻ từ chối nhận tiền bị coi là “thằng ba trợn”.
Ông Minh Tuệ đã bị nhiều nhà sư và đệ tử của họ chỉ trích, hàng loạt cái sai trong pháp tu của ông được họ đem ra kể. Tôi đã tổng hợp được một số điều mà họ cho rằng ông Minh Tuệ đang tu sai:

1. Ông Minh Tuệ không phải là nhà sư mà lại nhận đồ cúng dường
Chính vì cái sự “TU KHÔNG HỢP PHÁP” của ông nên page Phật Giáo Việt Nam (có tick xanh) đã lên một bài viết khẳng định ông Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo.
Bản thân ông Minh Tuệ chưa bao giờ thừa nhận mình nhận đồ “cúng dường” từ ai, mà ông chỉ đi khất thực (ăn xin). Tôi đã xem nhiều clip về ông trên mạng nhưng chưa thấy ông xin của ai thứ gì, mà chỉ thấy người ta tự nguyện mang đồ tới cho ông.

2. Ông Minh Tuệ không phải là nhà sư mà lại lấy pháp danh họ Thích
Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi thì không hề có luật nào cấm người ta tự đặt pháp danh cho mình. Thậm chí trên cõi mạng, dân chúng con ưu ái “tặng” thêm pháp danh cho các vị sư họ Thích như: Thích Chuyển Khoản, Thích Cúng Nhà, Thích Hiến Kế…

3. Ông Minh Tuệ chọn lối tu “khoe hình ảnh” để nhận được sự tôn kính của mọi người Chúng ta gần như không thấy những vị tu sĩ nổi tiếng ở VN đi bộ ngoài đường, nếu cần ra đường, họ thường khiêm tốn ẨN MÌNH trong xe Mec hoặc Audi. Tôi đoán là những vị này đang thực hành lối ẨN TU.

Ngược lại, ông Minh Tuệ không phải là nhà sư nhưng lại chọn lối tu “khoe hình ảnh”: đầu trần chân đất đi bộ khất thực từ Nam ra Bắc.
Ngày xưa, Đức Phật cũng đã chọn lối tu “khoe hình ảnh” như thế.
Trong một clip trên mạng, ông Minh Tuệ từng tâm sự rằng ông đi để những phiền não trong tâm ông khởi lên để ông “tập chánh niệm.”

4. Ông Minh Tuệ vẫn còn tâm phân biệt, không dễ dãi trong việc nhận đồ khiến Phật tử phiền lòng
Tôi biết có nhiều vị sư ở VN đi khất thực theo lối “ẩn tu” kín đáo: họ chỉ đi trong khuôn viên chùa (tất nhiên là ban truyền thông của chùa đã thông báo trước thời gian, địa điểm các thầy sẽ đi khất thực lên MXH để Phật tử biết mà đến cúng dường cho đúng giờ). Những vị sư này không có tâm phân biệt, họ nhận mọi thứ mà Phật tử cúng, nếu họ cầm không hết thì chuyền cho đệ tử đi cùng cầm giúp.
Ngược lại, ông Minh Tuệ không nhận tiền mà chỉ nhận một lượng đồ chay đủ dùng cho một bữa ăn duy nhất trong ngày. Chính vì việc này mà ông Minh Tuệ bị một số người chỉ trích là đã tu theo Phật rồi mà còn giữ cái tâm phân biệt. Không những thế, có những người mang đồ chay đến cho ông mà ông không nhận, có nài nỉ mấy ông cũng không nhận, vì hôm đó ông đã thọ thực rồi.
Theo quan điểm chủ quan của tôi, những ai nài nỉ ông nhận thêm đồ chính là đang dùng cái tâm tham phước đức của mình để phá cái hạnh tu của ông.

5. Ông Minh Tuệ tổn phước vì khiến người ta cãi nhau vì pháp tu của ông
Có một sư thầy cho rằng “mình tu mà khiến người ta cãi nhau là mình tổn phước”.
Phật nói có tám vạn bốn ngàn pháp tu, tôi không rõ trong đó có pháp nào tu theo “miệng đời” hay không, chỉ biết rằng điều ngu ngốc nhất là cố làm vừa lòng tất cả mọi người.
Tu là sửa mình để bớt tham-sân-si, nhưng nhiều vị sư hiện nay, họ sửa mình cho khớp với cái tham-sân-si của thiên hạ để dĩ hòa vi quý, để vuốt ve cái tâm tham và tâm si của Phật tử, để Phật tử vui vẻ mang tài vật tới cúng chùa thật nhiều. Tôi không nói họ tu sai hay tu hú, mà là “tu dữ chưa”.

6. Ông Minh Tuệ tu ích kỷ, chỉ tu cho mình
Ông Minh Tuệ xưng “con” với tất cả mọi người. Ông không nhận mình là sư hay thầy của ai nên ông không có trách nhiệm hoằng dương đạo pháp. Theo hiểu biết thiển cận của tôi, khi Đức Phật chưa giác ngộ, ngài không hoằng pháp cho ai cả. Làm sao Phật có thể dạy cho người khác về từ bi hỷ xả, vô ngã, vị tha… nếu tâm ngài chưa đạt đến trạng thái đó? Ngày nay, có rất nhiều sư thầy đã dạy cho người khác làm điều đó. Liệu họ có thực hành thứ đạo lý mà họ giảng hay không thì mọi người có thể tự quan sát và rút ra câu trả lời. Nhưng tôi tin rằng người ta không thể cho thứ mà họ không có.

7. Ông Minh Tuệ tu ép xác nghĩa là đi sai con đường trung đạo của Phật
Có người hỏi ông Minh Tuệ rằng sao thầy có thể ngồi được lâu như vậy (ý hỏi rằng sao ông có thể thực hiện được hạnh ngủ ngồi suốt cả đêm).
Ông đáp rằng người đã xả đi nhiều phiền não thì mới ngồi được lâu, còn người nào trong lòng vẫn còn nhiều phiền não mà cố ngồi thì sẽ thành ép xác.
Trong chuyến hành trình của ông Minh Tuệ, có một số vị sư đã tháp tùng cùng ông, nhưng họ không theo được tới cùng. Trong một clip trên mạng, tôi thấy có một vị sư trẻ đi chân đất cùng ông được một ngày thì chân đã phồng rộp, không theo được nữa, riêng ông Minh Tuệ thì chân vẫn bước thoăn thoắt, miệng vẫn mỉm cười.
Trên khuôn mặt ông không hề có vẻ đau đớn cực khổ một người đang bị “ép xác”.
Khái niệm “ép xác” hay “trung đạo” rất mơ hồ và tương đối. Đối với tôi, máy lạnh chỉnh 30 độ là vừa phải, còn với người bạn đồng nghiệp là 28 độ.
Đối với người có mức thu nhập bèo bọt như tôi thì đi xe máy là trung đạo, còn đối với những sư thầy vang danh thiên hạ có hàng trăm tỉ trong tài khoản ngân hàng thì đi Mec hay Audi là trung đạo.

Đối với người bình thường thì hạnh ngủ ngồi là một cực hình, còn đối với ông Minh Tuệ thì việc đó không khó. Trung đạo không hề có tiêu chuẩn. Ai cũng có thể tự cho mình là sống trung đạo. Không thể đem cái trung đạo của người này áp đặt lên người kia rồi phán xét người kia là khổ hạnh, ép xác.
Cá nhân tôi có cái nhìn rất tích cực về ông Minh Tuệ, hình ảnh của ông đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều khi thực hành tâm nhẫn trong công việc.
Một người “tập học” theo Đức Phật, chưa làm gì lỗi đạo thì đáng được tán thán, chứ không đáng bị gọi là “thằng ba trợn” (như một vị “nhân tài đất Việt thời kỳ hội nhập quốc tế” đã gọi).
Nhờ những Youtuber và đoàn Phật tử đã đi theo ông Minh Tuệ suốt ngày đêm mà người ta biết được ông tu tinh tấn cỡ nào. Trước đây, tôi không tin có người thực hiện được hạnh ngủ ngồi suốt nhiều ngày liền và cho rằng đó chỉ là chuyện bịa ở trong kinh. Giờ đây, điều đó đã có người làm được một cách nhẹ nhàng.

Trước đây, người ta chỉ nghe giảng về buông xả, vô ngã qua miệng các nhà sư, thì giờ đây bỗng có người “dám” đem điều đó ra thực hành, cả xã hội ồ lên nhận ra thế nào là “thực hành”, và bọn tu mõm thì nhảy sồn sồn. Nhờ có ngắn, người ta mới biết thế nào là dài. Nhờ có bầu trời đêm, người ta mới thấy được các vì sao. Nhờ có bọn tu mõm, người ta mới biết được thế nào là một người “tập học” theo Phật.
Tôi hiểu chữ “thực” trong câu “Có thực mới vực được đạo” có nghĩa là “thực hành”. Phật pháp bị mạt phải chăng là do người ta mải rao giảng Phật pháp mà không chịu thực hành. Theo tôi, chỉ có thực hành đạo pháp mới mong vực dậy được đạo pháp.
Có người cho rằng cái hạnh của mỗi người mỗi khác, có thầy chọn hạnh thuyết pháp thì cả cuộc đời thầy chỉ chuyên tâm dành cho thuyết pháp thôi (chứ không thực hành), có người chọn hạnh hành pháp thì cuộc đời họ chuyên tâm hành pháp.
Tôi không đồng tình với quan điểm này, vì nếu có quá nhiều nhà “tu” theo hạnh “thuyết pháp” (như bây giờ) thì đến một lúc nào đó người ta sẽ đánh đồng thầy chùa với thầy Huấn.
Thành ngữ có câu “Tấm áo cà sa làm nên ông thầy tu”.
Hiện nay, ngay cả những vị mặc áo cà sa kiếm được cho mình một tờ A4 có đóng mộc đỏ của giáo hội (TU HỢP PHÁP), làm trụ trì mười cái chùa cũng chưa chắc là thầy tu thật sự.
Tu là điều cần “thực hành” chứ không cần cái mộc của giáo hội hay một trang fb có tick xanh xác nhận.
Tóm lại, tôi viết bài này không mong thay đổi bất kỳ ai, mà chỉ vì ngứa mồm nên phải nói, bởi đời ai người nấy quyết, tôi có quyền gì mà can thiệp.
Có người chọn tu theo con đường trung đạo, có người chọn tu theo con đường âm đạo. Dù sao cũng chúc mọi người hạnh phúc và tinh tấn với con đường mà mình đã chọn.

A di đà lạt.

Không có nhận xét nào: