Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :15/05/2024 - Mỳ Loan


Phái nữ áp đảo lễ khai mạc Liên hoan Điện ảnh Cannes 2024
Liên hoan Điện ảnh Cannes lần thứ 77 đã chính thức khai mạc tối 14/05/2024. Thảm đỏ Cannes thêm rực rỡ vì sự xuất hiện của những minh tinh nổi tiếng thế giới Meryl Streep, Greta Gerwig, Juliette Binoche, Léa Seydoux, Eva Green, Jane Fonda… Lễ khai mạc do diễn viên nổi tiếng Pháp Camille Cottin chủ trì. Chủ tịch ban giám khảo Liên hoan Cannes là Greta Gerwig, nữ đạo diễn bộ phim Barbie nổi tiếng. Các nữ diễn viên điện ảnh Camille Cottin, Juliette Binoche, Meryl Streep vàGreta Gerwig trong đêm khai mạc Liên Hoan Cannes 14/05/2024. © REUTERS - Sarah MeyssonnierThu Hằng'
<!>
Ngay sau khi tuyên bố khai mạc Liên hoan, Juliette Binoche trao giải Cành cọ vàng danh dự cho minh tinh Hollywood Meryl Streep, 74 tuổi, nổi tiếng trong các phim Những cây cầu ở quận Madison (The Bridges of Madison County, 1995), Mamma Mia… với lời cảm ơn đầy xúc động : « Chị đã làm thay đổi cách nhìn về phụ nữ, chị đã mang đến một hình ảnh mới về chúng ta ».

Bộ phim đầu tiên được giới thiệu sau lễ khai mạc là Le deuxième acte của đạo diễn Pháp Quentin Dupieux. Lễ khai mạc có 2,3 triệu khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ và là một kỉ lục mới, theo Đài truyền hình Pháp France Televisions. Liên hoan Phim Cannes lần thứ 77 được đánh dấu với sự trở lại của phong trào Metoo và những người phụ nữ « mạnh mẽ ».

Nữ diễn viên, nhà biên kịch kiêm đạo diễn Judith Godrèche, một tiếng nói quan trọng của phong trào Metoo Pháp, tham gia Liên hoan với một bộ phim ngắn 17 phút tựa đề Moi aussi (tạm dịch : Tôi cũng thế) lên án hành vi bạo lực tình dục. Phim được chiếu tại hai địa điểm : tại buổi khai mạc hạng mục Un certain regard (Nhãn quan độc đáo) và trong khuôn khổ chương trình Điện ảnh trên Bãi biển cho công chúng và du khách.

Mỹ sắp cấp hơn 1 tỷ đô la vũ khí cho Israel

Chính quyền Hoa Kỳ, hôm qua 14/05/2024, thông báo với Quốc Hội lưỡng viện về ý định chuyển giao vũ khí trị giá hơn 1 tỷ đô la cho Israel, một tuần sau khi tổng thống Joe Biden đe dọa hạn chế viện trợ quân sự cho Nhà nước Do Thái trong trường hợp họ tấn công vào thị trấn Rafah.


Thiết giáp của quân đội Israel tại Rafah, miền nam Gaza. Ảnh minh họa. via REUTERS - ISRAEL DEFENSE FORCES
Phan Minh
Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, được AFP trích dẫn, đợt giao hàng này bao gồm 700 triệu đô la đạn dược dành cho xe tăng và 500 triệu đô la cho các phương tiện quân sự chiến thuật.

Gói viện trợ này nằm trong khuôn khổ kế hoạch viện trợ lớn của Mỹ dành cho Ukraina, Israel và Đài Loan, với tổng trị giá 95 tỷ đô la, được Quốc Hội bỏ phiếu thông qua hồi cuối tháng 4 vừa qua. Riêng Israel sẽ nhận được 13 tỷ đô la.

Từ nhiều tháng qua, chính quyền Biden đã không ngừng kêu gọi các nghị sĩ phê duyệt gói viện trợ này cho Israel. Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng, ngày 08/05, đã khẳng định sẽ không giao một số vũ khí nhất định cho Israel, đặc biệt là “đạn pháo”, trong trường hợp Nhà nước Do Thái thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn vào Rafah, phía nam dải Gaza.

Đáp lại tuyên bố của ông Biden, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết “sẵn sàng chiến đấu một mình”, trong khi phát ngôn viên của quân đội Israel nói rằng “có đủ vũ khí để hoàn thành nhiệm vụ ở Rafah”.

Về tình hình chiến sự, quân đội Israel, hôm nay 15/05, thông báo một cuộc tấn công của Israel ở miền nam Liban đã giết chết một chỉ huy của nhóm lính Hezbollah vào tối qua.

Trong lĩnh vực nhân đạo, Lầu Năm Góc, hôm 14/05, cho biết cảng nhân tạo do quân đội Mỹ xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển thực phẩm và các nhu yếu phẩm tới Gaza sẽ đi vào hoạt động “trong những ngày tới” sau những trì hoãn do thời tiết xấu.

Tổng thống Nga để ngỏ khả năng đối thoại về Ukraina

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước hai ngày tại Trung Quốc. Hôm qua, 14/05/2024, trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho Tân Hoa Xã, nguyên thủ Nga để ngỏ khả năng đàm phán về Ukraina khi ông tuyên bố hoan nghênh « mong muốn chân thành » của Bắc Kinh trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina.


Tổng thống Putin chủ trì một cuộc họp nội các ngày 14/05/2024. via REUTERS - Vyacheslav Prokofyev
Minh Anh
Theo AFP, trong cuộc trả lời phỏng vấn được thực hiện tại Matxcơva, tổng thống Nga đánh giá cao « cách tiếp cận do Trung Quốc đề xuất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ». Theo ông, « Bắc Kinh thấu hiểu nguyên nhân sâu xa và tầm quan trọng địa chính trị toàn cầu của cuộc khủng hoảng này ».

Khi nhắc đến tài liệu 12 điểm được Bắc Kinh công bố hồi tháng 2/2023 để bày tỏ lập trường của Trung Quốc về cuộc xung đột này, tổng thống Nga nhấn mạnh rằng « các ý tưởng và những đề xuất được đề cập đến trong tài liệu cho thấy mong mỏi chân thành của các bạn hữu Trung Quốc nhằm giúp bình ổn tình hình ».

Hãng tin Pháp nhắc lại, trong tài liệu 12 điểm đó, Trung Quốc kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước (kể cả Ukraina), đồng thời hối thúc các nước xem xét đến các mối bận tâm an ninh của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin công du Trung Quốc trong hai ngày 16-17/05/2024. Trao đổi thương mại, dự án Con đường Tơ lụa Mới, cũng như là tình hình địa chính thế giới ở Cận Đông, châu Á hay Ukraina sẽ là những chủ đề thảo luận chính giữa hai nguyên thủ. Vòng công du châu Á của ông theo dự báo sẽ kết thúc với hai chặng dừng tiếp theo là Việt Nam và Bắc Triều Tiên.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Putin tuyên thệ nhậm chức cho nhiệm kỳ tổng thống thứ 5. Nga xem Trung Quốc như là một nguồn hậu thuẫn ngoại giao, thương mại và kinh tế thiết yếu trong bối cảnh phương Tây trừng phạt kinh tế Nga vì cuộc chiến xâm lược tại Ukraina.

Bạo loạn bùng phát tại vùng hải ngoại Nouvelle-Calédonie của Pháp

Lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Nam Thái Bình Dương, Nouvelle-Calédonie, đang trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng”. Đêm qua, 14/05/2024, hai người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương sau khi bạo loạn nổ ra ở Nouméa và vùng ngoại ô, do dự án cải cách Hiến Pháp được các dân biểu thông qua, nhưng bị những người đòi độc lập bác bỏ.


Một điểm bạo loạn tại Nouméa, Nouvelle-Calédonie, Pháp, ngày 14/05/2024. AFP - MATHURIN DEREL
Phan Minh
Tổng thống Emmanuel Macron lên án tình trạng “bạo loạn không đáng có và không thể chấp nhận được”. Chủ nhân điện Elysée đã ban bố tình trạng khẩn cấp và triệu tập Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia để tìm ra biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng.

Từ Nouméa, thông tín viên Charlotte Mannevy tường thuật về tình hình tại chỗ :

Cao ủy Pháp – đại diện của Nhà nước – đã kêu gọi những kẻ gây bạo loạn cũng như những người mà ông coi là dân quân, đó là những cư dân dựng rào chắn tại các khu nhà ở, trong đó một số người có trang bị vũ khí có nguy cơ gây ra một thảm kịch mới.

Theo vị đại diện Nhà nước, tình hình cực kỳ nghiêm trọng và đây gần như là một cuộc nổi loạn. Nouméa và vùng ngoại ô đang chuẩn bị trải qua một đêm căng thẳng mới, và những người có mặt tại chỗ lo sợ bạo lực sẽ lan rộng ra phần còn lại của hòn đảo, cho đến nay vẫn chưa có bạo loạn. 1.000 hiến binh và 700 cảnh sát đã được huy động để tìm cách chấm dứt vòng xoáy bạo lực. Đã có khoảng 50 người bị thương và 180 người bị bắt.

Đã có nhiều lời kêu gọi bình tĩnh, từ những nhân vật đòi độc lập thuộc Mặt trận Giải phóng Xã hội Chủ nghĩa Kanak (FLNKS) của lãnh đạo phe ủng hộ độc lập, từ chính phủ hay thậm chí từ CCAT, nhóm điều phối các hoạt động trên thực địa, cũng chính là tổ chức đã phát động làn sóng biểu tình này. Nhưng những kẻ bạo loạn còn rất trẻ và dường như bất trị.

Bắc Kinh tố Việt Nam chiếm đóng nhiều đảo san hô của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 14/05/2024, một tổ chức nghiên cứu Trung Quốc công bố một báo cáo, lên án Hà Nội trong ba năm qua đã cải tạo và mở rộng đất đai ở Biển Đông nhiều hơn so với bốn thập kỷ trước. Tổ chức này của Trung Quốc còn cảnh báo rằng những hoạt động này của Việt Nam có thể « gây phức tạp và mở rộng » tranh chấp trong khu vực.


Ảnh vệ tinh được công bố ngày 30/11/2016 : Cảnh quan bãi Đá Lát được tôn tạo mở rộng, do Việt Nam nắm giữ, thuộc nhóm đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trevor Hammond/Planet Labs/Handout via Reuters
Minh Anh
Theo báo South China Morning Post, trong một báo cáo đề tựa « Xây dựng trên các đảo và rạn san thuộc quần đảo Nam Sa bị Việt Nam, Philippines và Malaysia chiếm đóng », ông Lưu Hiểu Bác (Liu Xiaobo), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hải dương thuộc Viện Grandview và cũng là tác giả của báo cáo, cho rằng « Việt Nam đã tiến hành mở rộng lãnh thổ quy mô lớn trên một số đảo và rạn san hô, bổ sung thêm ba cây số vuông đất mới, vượt xa tổng quy mô xây dựng trong 40 năm trước. »
Báo cáo của ông Liu còn tố cáo Việt Nam « chiếm đóng nhiều đảo và rạn san hô của Trung Quốc hơn, cho trú đóng binh sĩ nhiều hơn và xây dựng nhiều cơ sở hơn bất kỳ quốc gia ven biển nào khác ở Biển Đông ».

Vẫn theo báo cáo này, Việt Nam trong năm 2021 đã sử dụng máy hút bùn, tàu nạo vét có trang bị máy cắt để khai hoang, nạo vét đá, đất sét, phù sa và cát.

Trong một báo cáo khác được công bố hồi tháng 12/2023, dựa vào các dữ liệu do tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) công bố tháng 11/2023, Grandview từng cho rằng Việt Nam có thể đã học kinh nghiệm từ Trung Quốc khi « cực kỳ kín đáo và bí mật » xây dựng các đảo nhằm tránh thu hút sự chú ý của quốc tế, và « quy mô xây dựng mở rộng đất đai của Việt Nam tại quần đảo Nam Sa dự kiến sẽ tiếp tục được mở rộng ».

Ông Lưu cho rằng Hà Nội có thể đang tìm cách mở rộng vị thế của mình ở quần đảo Trường Sa càng nhiều càng tốt trước khi Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, đang được Trung Quốc và ASEAN thảo luận, có hiệu lực.

Báo cáo công bố hôm qua của Grandview cũng chỉ trích Philippines tìm cách sửa chữa và gia cố một tầu chiến mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.

Cuối cùng ông Lưu cho rằng tất cả những hành động trên của Việt Nam và Philippines « làm phức tạp thêm và mở rộng » tranh chấp, đồng thời « làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định » trong khu vực.

Ắc quy xe điện : Hàn Quốc tiên phong về chế tạo, dẫn đầu về tái chế

Từ 10 năm nay, không chỉ là một trong những nước đi đầu thế giới về chế tạo ắc quy xe điện, Hàn Quốc còn được xem nhà « nhà vô địch » thế giới về tái chế bình ắc quy xe điện, nhờ có tầm nhìn chiến lược và sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ với giới công nghiệp.


Ảnh minh họa : Một trạm sạc bình điện xe ô tô. © CC0 Pixabay/Stux
Thùy Dương
Trong bài đăng ngày 11/05/2024, thông tín viên báo Công giáo La Croix tại Seoul, Celio Fioretti, nhắc lại rằng dù là nhà chế tạo bình ắc quy xe điện hàng thứ hai trên thế giới, với những tên tuổi lớn như LG Energy hay Samsung SDI, nhưng cách nay hơn chục năm Hàn Quốc từng hứng chịu cảnh khan hiếm quặng nguyên liệu để sản xuất.

Điều này đã thúc đẩy Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực tái chế bình điện trên diện rộng. Seoul đánh giá đây là ngành công nghệ mang tính chiến lược cao. Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư ồ tạt vào ngành công nghiệp mới, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, từ khâu thu gom đến tái chế.

Hồi năm ngoái, chính quyền Seoul thông báo tài trợ số tiền tương đương gần 27 tỉ euro trong 5 năm tới để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của ngành tái chế bình ắc quy xe điện, nhằm hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Từ nay đến năm 2026, việc xây dựng một trung tâm tích trữ mới về lithium và cobalt, hai kim loại quý hiếm chế tạo bình ắc quy ô tô điện sẽ được hoàn thành.

Hiện nay, Hàn Quốc có 6 doanh nghiệp công chuyên về thu gom các bình xe điện đã qua sử dụng. Ông Ryu Chang Iyul, quản lý 1 doanh nghiệp tại Siheung, ngoại ô thủ đô Seoul, cho biết : « Chúng tôi thu gom các bình ắc quy điện đã qua sử dụng, đánh giá xem khả năng tái chế và tái sử dụng vào các sản phẩm khác được đến mức nào. Nếu chúng khả năng sạc điện vẫn trên hơn 60%, các bộ phận nhỏ bên trong sẽ được tái sử dụng, chẳng hạn như lắp vào xe đạp điện. Nếu không thì chúng tôi sẽ bán đấu giá để chúng được tái chế ».

Đi đầu lĩnh vực tái chế bình điện ô tô tại Hàn Quốc là công ty SungEel HiTech, được thành lập năm 2000. Quá trình tái chế cho phép họ tách được đến 95% kim loại quý hiếm trong bình ắc quy điện. Do đó, khi trao đổi với thông tín viên báo Công giáo La Croix tại Seoul, Park Hyosun, một đại diện của SungEel HiTech, gọi những kim loại hiếm cấu thành pin điện, như cobalt và lithium là « một nguồn tài nguyên gần như vô hạn ». Công nghệ của SungEel HiTech vẫn đang được cải thiện, cho dù mức tái chế 100 % được xem là không thể.

Với 3 trung tâm tái chế, sử dụng 500 lao động, SungEel HiTech mỗi năm tái chế 75.000 tấn pin điện, tương đương với 400.000 ắc quy mới. Công nghệ tái chế pin điện ô tô được SungEel HiTech xem là « kiến thức chiến lược » của công ty nói riêng và đất nước nói chung, nên được giữ bí mật ở mức cao.

Sau khi mở các chi nhánh tại Malaysia, Ấn Độ và Mỹ, nay đích đến mới của SungEel HiTech là châu Âu. Mới đây, công ty hàng đầu của Hàn Quốc đã đặt chi nhánh tại Đức và Tây Ban Nha. Liên Âu, dù ô tô điện ít phổ biến hơn ở Hàn Quốc, nhưng vẫn được các công ty của Seoul xem là một khu vực tiềm năng cả về thu gom và tái chế, trong bối cảnh lĩnh vực tái chế ắc quy điện vẫn chưa phát triển mà Liên Âu thì đã đề ra những mục tiêu mới cụ thể cho những năm tới đây.

Không có nhận xét nào: