Có một Sài Gòn rất riêng...“Hồi 1954, cả trăm ngàn dân di cư mang theo đủ loại kiểu sống bó trong lũy tre làng ra đi, đem "nhét" hết vô mảnh đất nhỏ xíu này, cũng gây xáo trộn cho người ta chứ. Phong tục, tập quán, ở đất người ta mà cứ như là ở đất mình...Nhưng người Sài Gòn chỉ hiếu kỳ một chút, khó chịu một chút, rồi cũng xuề xòa đón nhận...! Lúc đầu tụi bạn ghẹo tôi là “thằng Bắc kỳ rau muống”. Con nít đổi giọng nhanh mà, trong nhà giọng Bắc, ra ngoài giọng Nam. Thế là huề hết...! Rủ nhau đi oánh lộn phe nhóm là chuyện thường ngày... Khỏi cần biết đúng sai, mày đánh bạn tao, thì tao đánh lại, oánh lộn tưng bừng. Vài ngày sau lại rủ nhau đi xem xinê cọp...! Dễ giận dễ quên...!
<!>
Hè, tụi bạn về quê, Bến Lức, Vĩnh Long, Kiến Hoà… Cũng chia tay hứa hẹn, tình cảm ra rít : “Tao về quê sẽ mang lên cho mày ổi xá lỵ, xoài tượng…” Tôi ngóng cổ chờ bạn, chờ quà. Thực ra, tôi rất thèm có quê để về...!
Tết đến, Thầy Cô, bạn bè về quê, nhiều người Sài Gòn xôn xao về quê. Tôi ở lại Sài Gòn mà thấy mình vẫn không phải dân Sài Gòn...!
Vậy ai là dân Sài Gòn chính hiệu đây...? Chẳng lẽ phải tính từ thời mấy ông Pétrus Ký hay Paulus Của...?
Sài Gòn trẻ măng, mới chừng hơn 300 tuổi tính từ thời Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền ở đây.
Sài Gòn khi cắt ra khi nhập vào, to nhỏ tùy lúc.To nhất khi nó là huyện Tân Bình, kéo dài đến tận Biên Hoà.
Nhỏ nhất là vào thời Pháp mang tên Sài Gòn. Ngay trước 1975, Sài Gòn rộng chừng 70 km², có 11 quận, từ số 1–11.
Hồi đó Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức… còn được xem là nhà quê (tỉnh Gia Định).
Bây giờ Sài Gòn rộng tới 2.061 km².
Sài Gòn đắc địa, có cảng nối biển, là đầu mối giao thương quốc tế, tiếp cận văn minh Tây phương sớm.
Dân Sài Gòn không có địa giới rõ rệt. Nói tới họ có vẻ như là nói tới phong cách của dân miền Nam.
Họ là những lưu dân khai phá, hành trang không có bờ rào lũy tre nên tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, nói năng bộc trực…
Ai thành đại gia thì cứ là đại gia, ai bán hàng rong, mua gánh bán bưng thì cứ bán...!
Sài Gòn không tự hào mình là người thanh lịch, không khách sáo, không mời lơi... Họ luôn lấy bụng đãi nhau một cách chân thành...!
Sài Gòn có mua bán chém chặt...?
Có, đúng hơn là nói thách. Cứ vô chợ Bến Thành xem mấy bà bán mỹ phẩm, hột xoàn hét giá "mát trời ông Địa". Không cứ phải là khách tỉnh, khách phương xa, dân Sài Gòn lơ mơ cũng mua hớ như người khác ...
Ít nơi nào có nhiều Hội ái hữu, Hội tương tế, Hội đồng hương như Sài Gòn.
Có máu lưu dân trong người, dân Sài Gòn thông cảm đón nhận hết, không ganh tị, không thắc mắc, không kỳ thị. Người ta có thể kỳ thị Sài Gòn vì lý do nào đó..., chứ Sài Gòn chẳng kỳ thị ai...!
Nhiều gia đình người Bắc người Trung ngại dâu, ngại rể Sài Gòn, chứ dân Sài Gòn cứ chấp hết, miễn sao ăn ở biết phải quấy, trên dưới, có tình có nghĩa, lấy bụng đãi nhau,... là được hết...!
Dân Sài Gòn làm giàu bằng năng lực hơn là quyền lực. Người ta nói “dân chơi Sài Gòn”. Trời đất ơi...!
Sài Gòn mà “tay chơi” cái nỗi gì.
Còn du đãng thì cũng có nhưng đa phần họ mang hơi hám của nét xưa: quân tử Tàu: biết trọng nghĩa giang hồ, biết dừng đao khi kẻ bại xin hàng, biết cướp của nhà giàu tài phiệt, biết chia sẻ cho giới lao động nghèo một chút tình người về vật chất..., nhắc đến thì người Sài Gòn và dân tứ xứ đều biết những cái tên khét tiếng :
Nhất Đại, Nhì Tỳ, Tam Cái, Tứ Thế (tức Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế).
Tay chơi dành cho những đại gia giàu lên đột xuất từ đâu đó đến.
Sài Gòn a dua thì có, nhưng a dua biết chọn lọc. Coi vậy chứ dân Sài Gòn đâu đó vẫn còn chút máu tốt:
"Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”.
Cứ xem dân Sài Gòn làm công tác xã hội thì biết, cứu trợ lũ lụt mỗi lúc mọi nơi, có chi giúp chi, từ tiền triệu đến cuốn tập, xách xe chạy vòng vòng gặp xe hết xăng thì cho, gặp ai đói thì phát ổ bánh mì thịt, thấy người nào đón xe không được giữa đêm thì sà vào chở free, trời trưa nắng gắt thì luôn có bình trà đá ven đường, trời mưa to thì có thùng áo mưa rẻ tiền để "cứu bồ", thấy người ta lạnh quá, cởi áo len đang mặc tặng luôn.
Họ làm vì cái bụng nó thế, chứ không phải vì PR, đánh bóng bộ mặt, tên tuổi...!
Biết bao văn-nhạc-nghệ sĩ miền Bắc, miền Trung vào đất này “quậy” tưng, tạo ra cái gọi là văn học miền Nam hậu 54 xem ra cũng thành danh, cũng được quá chứ...!
Tiếp cận văn minh phương Tây từ rất sớm, nên dân Sài Gòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ, chạy xe lỡ va quẹt nhau, giơ tay chào ngỏ ý xin lỗi là huề, thấy cái chống chân xe chưa đá lên..., "cái chống... Chú Cô...ơi!"
Những thói quen này giờ đây đang mất dần, nhưng dân Sài Gòn không đổ thừa cho dân nhập cư. Họ cố gắng duy trì (dù hơi tuyệt vọng) để người mới đến bắt chước...!
Chợ hoa là một chút văn hóa của Sài Gòn, có cả nửa thế kỷ nay rồi, có dân nhập cư nào “yêu” hoa mà ra đó cướp giựt hoa đâu...?
Sài Gòn nhỏ tuổi nhiều tên, nhưng dù thế nào Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Nhiều người thành danh từ mảnh đất này...!
Sài Gòn nhớ không hết, nhưng mấy ai nhớ đến chút tình của Sài Gòn...?
May ra những người xa Sài Gòn còn chút gì nhức nhối...!
Tôi có người bạn Bắc kỳ chín nút, xa Việt Nam cũng gần 40 năm.
Tên này một đi không trở lại, vừa rồi phone về nói chuyện lăn tăn, rồi chợt hỏi :
- “Sài Gòn còn mưa không ?”
- “Đang mưa”.
Đầu phone bên kia thở dài :
- “Tao nhớ Sài Gòn chết… mẹ !”
Sài Gòn nay buồn mai quên, nhưng cũng có nỗi buồn chẳng dễ gì quên...!
Mới đây đi trong con hẻm lầy lội ở Khánh Hội, chợt nghe bài Kiếp nghèo vọng ra từ quán cóc ven đường. Tôi ghé vào gọi ly cà phê.
Giọng Thanh Thuý sao da diết quá:
“Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gởi theo gió sương…”
Chủ quán, ngoài 60 cầm chồng báo cũ thẩy nhẹ lên bàn “Thầy Hai đọc báo…” Hai tiếng “thầy Hai” nghe quen quen…!
Tự nhiên tôi thấy Sài Gòn như máu chảy từ tâm, Sài Gòn bao dung.Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sài Gòn từ thuở bào thai rồi, cần gì xin nhập tịch...!"
( Sưu tầm )
Thân mến
TQĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét