Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Sài Gòn Tôi, Những Ngày Còn Mang Tên - Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh


1 - Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.”
<!>
Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
“Trời nóng há em!”
“Dạ, nóng khác thường chị ạ!”
“… Ngày mai em hát bản gì?”
Đoan hơi lạ lùng trước câu hỏi quen thuộc của chị Thuận. Hàng tuần, vào chiều thứ Bảy, Đoan vẫn hát một bản nhạc trên sân khấu nhỏ thân ái này. Nhưng sao bây giờ nghe lạ. Hát gì ư? Đoan chớp mắt, chưa biết trả lời sao…

Hai người nam sinh viên bước vào. Chị Thuận đứng dậy. Đó là hai anh quân dược, sinh viên năm cuối. Mọi người chào nhau. Bỗng dưng cái màu đồng phục ka-ki vàng của họ làm Đoan nghe bồi hồi và liên tưởng. Ngày hôm qua mới nhận được thư của Lưu. Lưu vẫn ở quê nhà Hàm Tân, làm người lính giải ngũ sớm. Một cái chân đã gửi lại trong đất sau ngày ký Hiệp định Paris 1973. Chưa có dịp gặp lại Lưu, Đoan chỉ còn biết viết thư để khích lệ tinh thần người bạn cũ.

Đoan gửi tiền nước cho chị Thuận. Chị dặn vói một câu trước khi Đoan rời Câu lạc bộ: “Đoan nhắn Phước Hương, kỳ này nhớ hát, lâu nay trốn đâu mất.”
Câu nói làm Đoan thấy vui. Đoan “dạ” và chào hai anh quân dược, đi về labo.

Muốn tìm Phước Hương không khó, chỉ vào phòng thực tập Sinh Hóa là gặp ngay. Đoan biết như thế vì nhóm của Phước Hương hôm nay làm “T.P. Sinh Hóa”. Đoan hơi mỉm cười vì sự quan tâm đặc biệt của mình đối với Phước Hương. Nhưng không phải là bây giờ, mà từ ngày Đoan làm “lính mới tò te” bước chân vào trường. Dạo đó Phước Hương học năm thứ Hai. Ngày đầu Đoan vào Câu lạc bộ chỉ để nghe nhạc, biết Phước Hương như một ca sĩ của trường. Cái tên như tên con gái làm Đoan để ý xem người này có gì đặc biệt. Một thư sinh nho nhã đúng nghĩa, nhưng có giọng hát mạnh, trầm và buồn. Đặc biệt, Phước Hương chỉ hát một loại nhạc: nhạc tình của Đặng Công Nam, người nhạc sĩ thời danh được ưa thích nhất của giới sinh viên. Và như một sự kết nghĩa, một gắn bó của duyên văn nghệ, Đoan và Phước Hương thường đi hát chung với nhau. Mà họ cũng rất lạ, hơi ngược đời: Đoan đàn guitar, Phước Hương hát.
Chỉ là “duyên văn nghệ”, Đoan mỉm cười.

… Và đã thấy Phước Hương ở trước cửa phòng Sinh Hóa.
“Chào Đoan.”
“Chào anh Phước Hương.”
Họ vẫn khách sáo với nhau như thế.
“Chị Thuận nhắc anh chọn bài cho đêm văn nghệ hàng tuần.”
“Vậy à?”
“Chị nói anh không hát mấy tuần rồi.”
“Tôi không khỏe Đoan à. Nhưng đã đỡ hơn rồi. Ngày mai tôi sẽ hát.”
“Anh chọn bài gì?”
“Nhạc tình số 5 của Đặng Công Nam.”
“Dạ.”
“Đoan vẫn đàn guitar và hát bè cho tôi chứ?”
“Vâng, như cũ, anh Phước Hương.”

Có người bạn gọi, Phước Hương cáo lỗi Đoan và vào phòng. Đoan tiếp tục đi, còn nửa tiếng nữa mới đến giờ mình vào làm trong labo Ký Sinh Trùng. Đoan muốn đi dạo một chút trong sân trường. Giờ này không đông lắm, chỉ có một số sinh viên vội vã đi vào Giảng Đường Một. Các khu thực tập đều đóng kín. Những con người cần mẫn nhốt mình trong đó. Đoan cũng thế, ngày ngày đến trường cũng nhốt mình trong các labo hay các giảng đường, học hành siêng năng. Có một điều hơi khác một chút, là Đoan cùng một nhóm bạn làm việc tự nguyện, thường họp nhau để bàn về những chuyến đi công tác xã hội. Họ không ồn ào, không có danh xưng, nhưng trong lặng lẽ đã làm được khá nhiều việc.

Một chiếc xe hơi chạy vào trường. Trên xe có Mỹ. Mỹ ra dấu chào Đoan. Đoan chào lại. Từ ngày đám cưới, Mỹ không còn chạy xe gắn máy nữa, mà đi làm bằng xe hơi, do chồng lái. Ở trường này, việc thầy cô hoặc một vài sinh viên đi xe hơi là bình thường. Đó cũng không phải là lý do khiến những người bạn xa lạ với nhau. Nhưng với Mỹ, Mỹ đã tỏ ra xa lạ trong những ngày gần đây. Thái độ của Mỹ hơi thiếu tự nhiên. Trừ những giờ phải thực tập chung với Đoan và Xuân, Mỹ không hăng hái gặp gỡ các bạn. Đoan lấy làm tiếc, vì Mỹ với Đoan rất hợp ý trên nhiều mặt. Xuân thì hời hợt hơn, mặc dù có tiếng là người mau nước mắt. Trong cái “bộ ba” Bắc Trung Nam này, Đoan và Mỹ thường tâm sự với nhau hơn là với Xuân. Có những buổi ngồi ở hàng ghế sau cùng trong giảng đường vắng, Đoan lặng người khi nghe những câu chuyện Mỹ kể về những người cô người chú bí ẩn của Mỹ. Đoan chỉ biết lắng nghe và không có ý kiến. Nó vượt khỏi sự tưởng tượng của Đoan.

Ở lứa tuổi này, Đoan cảm thấy mình chưa qua khỏi biên giới của tuổi thơ, dù có cái vỏ sinh viên đạo mạo, và làm những công tác xã hội với cái tâm của mình. Đoan có gặp những vết thương chiến tranh trên những người thương binh về từ chiến trận xa. Đoan có đến với những bà con chạy loạn. Đoan có đến thăm những tù binh được trao trả sau hiệp định Paris 1973. Đoan có chăm sóc, tặng quà những em bé mồ côi sống trong những cô nhi viện. Nhưng Đoan không biết gì đến những lý luận, những chủ nghĩa… Đoan hoàn toàn không biết. Nhưng Mỹ biết. Những cô, chú của Mỹ dạy cho Mỹ nhiều điều.

Mỹ mới lập gia đình hồi đầu năm nay. Chồng Mỹ là con của một ông chủ lớn, có hãng xưởng ở quận Tư. Mỹ không còn đi công tác xã hội chung với Đoan. Có khi, Đoan băn khoăn, khi đặt hai hình ảnh của Mỹ cạnh nhau – một khi nói về cô chú của mình, và một khi làm một bà chủ trẻ sang trọng. Đoan không hiểu được.

Mỹ đang đi về phía Đoan, sau khi chào tạm biệt chồng.
Chiếc xe chạy trở ngược ra cổng.
Đoan mỉm cười với Mỹ, nói:
“Mình vào labo đi, sắp tới giờ rồi!”
“Ừ.”
Thầy Tính đã có mặt trước. Đây là một người thầy tận tụy. Lúc nào Thầy cũng đến sớm hơn mọi người. Sau giờ các sinh viên thực tập, Thầy là người ở lại cuối cùng, sau cả các nhân viên. Thầy nhướng mắt sau đôi kính cận dày cộp, nói ngay khi thấy Mỹ và Đoan:
“Chào hai chị. Vào sửa soạn “monter lame” đi!”
“Dạ.”
Hai đứa cùng làm “chức” monitrice, phụ trong phòng thực tập Ký Sinh Trùng của Thầy Tính. Thầy chọn hai bạn này cũng do sự khéo tay và cần mẫn của họ. “Monter lame” là đặt sẵn những tiêu bản – tức là những mẫu vật – lên kính hiển vi, điều chỉnh kính cho thấy rõ để sinh viên đến xem trong giờ học. Tiêu bản trong phòng này là những mẫu ký sinh trùng sốt rét, các mô động vật, các tế bào máu, các mẫu giun sán, muỗi mòng… Ngoài ra hai bạn còn có thêm một nhiệm vụ là vẽ hình cho Thầy Tính làm các poster dạy học. Nhìn tấm gương của Thầy, hai bạn cũng muốn mình trở thành những người thầy tận tụy.

2 - Phước Hương ngân dài chữ cuối của bài hát. Đoan đi thêm một đoạn nhạc ngắn. Tình khúc chấm dứt. Các khán giả sinh viên vỗ tay khen ngợi. Không khí ấm cúng quen thuộc của Câu lạc bộ trở lại thân mật sau một buổi chiều nóng bức.

Đoan cùng Phước Hương bước xuống khỏi sân khấu – là một sàn gỗ lớn, bên trên trang trí thanh nhã. Họ đến ngồi chung bàn với các bạn quen. Đoan cất cây đàn guitar vào bao. Cây đàn cũ, nhưng tiếng rất tốt. Nó đi theo Đoan vào trường này, và “lưu diễn” ở một số trường bạn. Chưa hết, còn “lang thang” đến quân y viện nữa. Nghĩ đến đó, tự nhiên Đoan ôm chặt cây đàn vào lòng. Một cảm giác lạ lùng chợt đến.

Xuân, đến lượt mình, bước lên sân khấu. Giọng hát thoải mái, trong trẻo, Xuân diễn tả trọn vẹn một bản nhạc tiền chiến. Rồi tiếp nối, một số giọng hát của sinh viên các trường bạn cũng góp phần. Và như thế, những bản tình ca làm nên một buổi văn nghệ dễ thương.

Ngôi trường này, hay chính xác hơn là cái Câu lạc bộ này, đã là nơi hẹn của những người yêu văn nghệ trong giới sinh viên. Đôi khi, nơi đây có những buổi nhạc chủ đề. Đặng Công Nam, người nhạc sĩ được mến mộ, thỉnh thoảng cũng đến. Đoan nhớ có lần ông trình bày nhạc của ông, với một cây guitar, và ông tự diễn tả nỗi lòng. Ông hát cho quê hương. Ông hát về thân phận con người trong chiến tranh. Bao nhiêu giọt nước mắt rơi theo tiếng hát của ông. Nhiều chị sinh viên thổn thức đến xin ông chữ ký. Chị của Đoan, bên trường Văn Khoa sang dự, xin ông ký tên lên mảnh khăn tay vải đẫm ướt nước mắt của chị. Ông ký. Và cái khăn đó chị giữ làm kỷ niệm, không bao giờ chị giặt. Đoan thì không. Đoan ngồi ở đàng xa, nhìn về phía ông. Mặc dù Đoan vẫn thường chọn nhạc của ông để hát cùng Phước Hương, Đoan vẫn tự cho mình làm người xa lạ. Như vậy tốt hơn. Một phần nào đó, ông cũng là thần tượng ca nhạc của Đoan.

Đoan ra khỏi Câu lạc bộ. Đêm, trời đứng gió. Bỗng nhiên một luồng khí nóng ngột ngạt ùa đến. Có cái gì trong mắt Đoan cay xé. Thời tiết lạ quá! Chắc mình sắp bệnh?

3 - Khánh Dương, ngày 22 tháng 3

Đoan thân mến,
Anh đang ở Khánh Dương. Nghĩ rằng muốn viết cho Đoan. Pháo dội rát bên phía rừng, nghe gần lắm Đoan ạ! Đơn vị của anh đã được lệnh “di tản chiến thuật”. Không biết cô bé có nghe từ ngữ này bao giờ chưa nhỉ? Chỉ đêm nay hay ngày mai là tụi anh sẽ lên đường.
Anh nghĩ anh đang về gần Sài Gòn hơn. Anh đang về gần cô bé.

Ngày 23 tháng 3

Đơn vị bạn cho biết có chiến xa của địch. Các đơn vị tiền sát bắt đầu chạm địch với những trận cận chiến. Cận chiến đó cô bé! Nghe sợ quá phải không? Đoan đừng lo lắng nhé! Anh chỉ đang muốn nghĩ về cô bé thôi. Cái sống và cái chết gần nhau quá!

Ngày 28 tháng 3

Anh đang trên Quốc lộ 21. Một đoàn xe tiếp tế bị phục kích đánh tan.

Ngày 29 tháng 3

Phía địch đông lắm, gấp 10 lần. Mình không được bổ sung, không được tiếp tế, không chiến xa, không pháo binh hạng nặng yểm trợ.

… Có chuyến bay tiếp tế trở về Sài Gòn, anh gửi thư đây!..

Một lá thư như những lời tường thuật ngắt quãng như thế, cũng đủ cho Đoan hình dung được tình hình cấp bách nơi Thắng ở. Đầu tháng Tư, thư đến. Còn bây giờ Thắng ra sao, Đoan không biết được. Tự nhiên lòng bồn chồn. Một chút nhung nhớ mênh mang trong trí. Đoan gấp lá thư lại, bồi hồi nhìn sách vở, rồi cũng gấp lại luôn. Khánh Dương, địa danh nghe hay nhưng lạ. Đoan nhìn lên tấm bản đồ lớn treo trên tường. Nó đây rồi!…

4. - Vẫn là hành lang trước dãy phòng thực tập Đoan hay ra đứng khi rảnh rỗi. Từ đây có thể nhìn thấy Câu lạc bộ, nơi có vẻ đông đúc nhất của trường – đông đúc không ở số lượng, mà ở cảnh người ra kẻ vào, cười cười nói nói. Từ đây
mọi người có thể phóng tia mắt nhìn thấy vườn dược thảo với muôn sắc hoa. Cũng từ đây, tầm mắt vượt khỏi cổng rào, thấy được cảnh đường sá bên ngoài.

Chiều đã xuống. Bên kia đường là Đại học Văn Khoa. Những dãy lớp khang trang đứng lặng lẽ.
Đoan yêu màu nắng chiều trong khung cảnh bình yên này. Con đường Cường Để nhiều cây to bóng mát, rất sinh động vào buổi sáng, buổi trưa, nhưng đến chiều sẽ dịu dàng trong màu nắng. Xe cộ cũng thưa dần.

Lác đác vài sinh viên quân dược chạy xe ra khỏi trường. Màu áo ka-ki vàng lại khiến Đoan liên tưởng. Hôm qua nhận được thư của Lưu. Lưu cho biết trong tháng Tư Lưu sẽ tìm dịp về thăm lại Sài Gòn. Lưu sẽ vào thăm quân y viện, nơi con đường rợp bóng cây còng, cũng là nơi Lưu đã gặp Đoan. Đường cây còng, vâng, Sài Gòn có những con đường “hay hay” như thế. Người ta nói nhiều đến những con đường lá me, những con đường hoa phượng. Nhưng Đoan, và các bạn Đoan, thân thiết với những con đường cây còng. Loại cây cao như cây me, cây phượng, có tán rộng hình cây dù, quả dài như trái điệp, hoa màu hồng hay tím nhạt. Đoan còn gọi đó là “cây mưa”. Thật thế, sau những cơn mưa đường cây còng trông thật quyến rũ. Những chiếc lá đọng nước mưa như trĩu xuống. Hoa khép nép buồn buồn.

Khi ý tưởng dẫn đi xa, Đoan tưởng tượng ra hình ảnh Thắng ở một nơi Đoan chưa từng đến, Khánh Dương. Sau những lần “được” làm thương binh, nằm trong bệnh viện nơi đường cây còng, Thắng lại ra mặt trận. Cái nóng ngột ngạt của chiều Sài Gòn khiến Đoan tưởng tượng cái nóng của Khánh Dương, thật khác. Là cái nóng của lửa đạn, của chiến trường sôi sục.

Đôi mắt bỗng nghe cay. Đoan xoay người lại, tựa lưng vào lan can. Và thấy Phước Hương đang đi đến.

Vẫn với gương mặt có vẻ ơ thờ với những thứ xung quanh, Phước Hương lên tiếng trước:
“Chào Đoan.”
“Chào anh Phước Hương.” Đoan vẫn thích gọi cái tên hai chữ như vậy.
Và chưa thấy Phước Hương nói gì thêm, Đoan hỏi tiếp:
“Anh có giờ thực tập ạ?” – như tự nghĩ rằng Phước Hương tình cờ gặp mình trên đường đi.
“Không.” Phước Hương lắc đầu.
“Dạ.”
Đoan hơi buồn cười chính mình.
“Tôi tìm Đoan.”
Đoan ngạc nhiên, chợt nhớ ra hôm nay là thứ Sáu. Ngày mai sẽ là ngày có văn nghệ ở Câu lạc bộ như lệ thường.
Bỗng dưng Đoan có một cảm giác là lạ, như là uể oải. Không hiểu sao sự hăng hái say mê âm nhạc lúc này biến đâu mất. Nghĩ đến mình lại lên sân khấu nhỏ, đàn hát, cùng với Phước Hương. Rồi thì Phước Hương sẽ vẫn chọn hát những bản nhạc tình mơ mộng, lãng đãng. Mà Phước Hương thì chỉ có thế, vì giọng hát của anh chỉ hợp với kiểu cách ấy thôi. Không kềm giữ được, Đoan thở dài. Đoan muốn nói một điều gì đó với Phước Hương. Đoan tìm lời.
Nhưng Phước Hương đã nói trước:
“Tôi tìm Đoan để chào tạm biệt.”
Đoan giật mình, hỏi:
“Anh đi đâu ạ?”
Phước Hương mỉm cười thật nhẹ:
“Tôi đi đăng lính Đoan ạ.”

Đoan tưởng mình nghe lầm. Đoan nhìn chăm chăm người con trai trước mặt. Một người “nho nhã”, nói theo kiểu xưa, mà thật thế, có lẽ chỉ phù hợp với không khí trong giảng đường, làm những công việc nhẹ nhàng trong phòng thí nghiệm, và cất tiếng hát trầm buồn trên sân khấu sinh viên.
Phước Hương đăng lính. Đoan định thần. Một lời hỏi han thắc mắc trong lúc này chắc là không phù hợp.

Phước Hương cười nhẹ, vẫn là nụ cười nhẹ nhàng cố hữu, nói:
“Chắc không cần giải thích gì hở Đoan? Ai cũng hiểu.”
“Dạ.”
“Tôi hy vọng có ngày trở lại trường này, học tiếp. Có thể trở thành đàn em của Đoan đấy!”
“Dạ.”
“Nhưng tôi không quên sân khấu nhỏ của mình, ở Câu lạc bộ. Tôi sẽ rất nhớ những chiều thứ Bảy được cùng Đoan hát trên sân khấu đó. Tôi sẽ không quên nhiệm vụ lúc nào cũng mang một cái ghế lên sân khấu cho Đoan ngồi đàn.”
Bỗng nhiên Đoan hỏi như gấp gáp:
“Thế ngày mai, anh Phước Hương cũng sẽ hát chứ?”
“Không, sáng sớm mai tôi đi. Không có dịp hát cho chiều thứ Bảy. Đoan sẽ nói lời tạm biệt các bạn văn nghệ giùm tôi nhé!”

Nắng tắt. Đường sá ngoài kia bớt hẳn xe cộ. Trong này, vườn dược thảo bắt đầu khoác chiếc áo bằng lá cây màu xanh thẫm. Đôi bạn từ giã nhau. Đoan nghe một nỗi gì như mất mát đang ùa đến.

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 66 – tháng 10-2015)

Không có nhận xét nào: