“Thật không ngờ, số phận cậu ấy lại bi thảm đến vậy!”. Tôi bất ngờ, khi nghe lại chuyện đời của người bạn mà tôi từng ngưỡng mộ, suốt thời ấu thơ. Thời gian như nước qua cầu, ngày tháng cũ lại trở về trước mắt tôi…Trong con hẻm nhỏ, cứ chiều chiều là lũ trẻ từ những căn nhà khang trang, ùa ra đường chạy nhảy, nô đùa. Nơi một góc hẹp, phía trước con lộ lớn dẫn vào hẻm, đặt một chiếc bàn để dày những xấp báo xen lẫn những tờ vé số. Ở đó, có một cô bé, đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt nỗi buồn. Đó chính là tôi, vào những ngày nghỉ hè, lên thành phố phụ mẹ, bán báo và vé số.
<!>
Tôi thường âm thầm đứng từ xa quan sát, những trò chơi của lũ trẻ ở đây. Thi thoảng, họ cũng lại gần hỏi han, rủ tôi chơi cùng. Trong số họ, tôi thật sự ấn tượng với cậu bạn, có cái tên vừa dài, vừa lạ: Anh Ba Quốc Tài.
Thuở ấy, những đứa trẻ quê nghèo như tôi, chưa bao giờ có trong túi lấy một ngàn bạc. Nhưng Anh Ba Quốc Tài luôn đi học với cái túi căng phồng, những tờ tiền bác Hồ xanh, đỏ, mới tinh. Cuộc sống của cậu phủ đầy nhung gấm, lụa là, ngập tràn tình yêu thương của người thân.
Khi lũ trẻ trong hẻm đang túm tụm say mê với trò chơi bắn bi thì Anh Ba Quốc Tài bỗng òa khóc rồi chạy nhanh về nhà. Lập tức, vài phút sau, một bà cụ mặt hầm hầm đi ra, chỉ tay vào đám nhóc, lớn tiếng: “Đứa nào… ăn hết bi của nó. Mau trả lại cho nó”.
Cả đám trẻ cùng nhìn nhau, mặt tái mét, không đứa nào chịu lên tiếng thừa nhận. Tức thì, bà giở chiếc dép lên, ném nhào về phía chúng tôi. Cả bọn sợ hãi, chạy tứ phía.
Sau đó, tôi mới biết: Những khi chơi trò chơi mà thua cuộc hay lỡ bị bạn nào chọc ghẹo, Anh Ba Quốc Tài sẽ chạy về mách với bà nội. Bà cậu sẽ ra mắng chửi ầm ĩ và xử đẹp bất kỳ đứa nhóc nào, dám ăn hiếp cháu bà. Chính điều này khiến nhiều đứa bạn chán ngán, nghỉ chơi cậu. Số khác thì xa lánh, kháo nhau, cậu là đứa khó ưa. Nhưng rồi một chuyện xảy ra, khiến tôi thay đổi cách nghĩ về cậu.
Một chiều, mưa trắng trời. Một cô bé nép mình vào hiên nhà vắng, người run rẩy, trước những làn nước liên tục tạt vào người. Con bé cố ôm thật chặt những chồng báo lẫn vé số vào lòng. Nó sợ, mẹ sẽ cụt vốn.
Thùng thình trong chiếc ao mưa rộng, một người bạn nhỏ bất ngờ xuất hiện, chìa cái ô về phía nó, giọng ân cần: “Cho cậu mượn này! Che đi… khỏi ướt”. Đó là hình ảnh đẹp nhất về Anh Ba Quốc Tài đã theo tôi đến tận khi trưởng thành.
Nhiều năm sau, mẹ tôi đổi chỗ bán báo dạo, tôi không qua lại con hẻm cũ và cũng chẳng bao giờ gặp lại Anh Ba Quốc Tài. Nhưng có một lần, tôi tình cờ gặp vài người quen cũ. Họ kể, cha mẹ Anh Ba Quốc Tài đã ly dị nhau. Cậu về sống với bà nội.
Đến một ngày gần đây, tôi tình cờ đi qua con hẻm cũ. Hơn 20 năm qua, cảnh vật chẳng đổi dời, chỉ có lớp người cũ đã thưa vắng và được thay dần bằng lớp người mới. Cô bạn ngày ấu thơ, giờ bán cà phê trước hẻm, vịn vai tôi, bỏ nhỏ: “Cậu còn nhớ Anh Ba Quốc Tài không?”.
Tôi nhanh nhẹn gật đầu. Bởi tôi làm sao quên được, khi cuộc sống vương giả, hạnh phúc của cậu ngày ấy, chính là giấc mơ suốt thời ấu thơ của tôi. Và càng không quên, khi nhớ về cái ô, cậu từng cho tôi mượn giữa chiều mưa lạnh lẽo.
“Cậu ta mất được mấy năm rồi”. Cô bạn vừa nói, vừa thoăn thoắt quậy ly cà phê. Tôi nhẩm tính, cậu ấy chỉ mới ngoài 30 tuổi. “Sao lại mất trẻ vậy?”. Tôi nửa tin, nửa ngờ.
Giọng cô đều đều: “Nghe đâu cũng nghiện ngập, cờ bạc dữ lắm, bay luôn căn nhà của bà nội. Mà hình như đua xe bị tai nạn… mất… . Nghĩ cũng tội nghiệp, bà nội cưng chiều quá nên mới hư thúi cuộc đời. Cha mẹ thì có gia đình riêng… chẳng ai ngó ngàng đến”.
Rời khỏi con hẻm cũ, đầy kỷ niệm tuổi thơ, lòng tôi nặng nỗi ưu tư. Tôi bỗng nhớ đến cậu bé có đôi mắt trong vắt cùng nụ cười tỏa sáng như thiên thần đã giúi cái ô nhỏ vào tay tôi, trong một chiều mưa ngày xưa… .
Nghĩ về cuộc đời ngắn ngủi của cậu, tôi lại tiếc thầm: Giá như… bà nội đừng nuông chiều cậu hết mực. Giá như… cha mẹ cậu đừng bỏ nhau và cũng đừng bỏ rơi cậu. Giá như… cậu có ý chí, nghị lực hơn để thoát khỏi những cám dỗ… . Đời người cứ mãi có hai chữ “giá như” để người ta tiếc nuối không nguôi…
Tác giả: Nguyễn Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét