Tin Vui: Đoạn Đường Dài Ước Mơ Của Cộng Đồng Trên Hàng Chục Năm, Giờ Đã Tới Đích! Lễ Động Thổ Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ Thành Công Tốt Đẹp! -Sáng nay, Thứ Hai, ngày 13 tháng 5, năm 2024, tại Vườn Truyền Thống Việt, đã diễn ra Buổi Lễ Động Thổ, hoàn tất giai đoạn cuối cho việc xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt & Mỹ tại Thành Phố San Jose.
Vào sáng ngày thường, mà vẫn có trên hàng trăm người tham dự, đông nhất là các Cựu Quân Nhân VNCH, mặc quân phục, mang huy hiệu, theo mầu cờ, sắc áo, Quân Binh Chủng mình đã phục vụ, hình ảnh thật đẹp, oai hùng, ấn tượng.
Điều ngạc nhiên hơn nữa, vì là sinh hoạt của thành phố, nên phóng viên ngoại quốc, đài địa phương, cũng như toàn quốc, đông gấp đôi phóng viên Việt!
Buổi lễ do Thành phố, khu vực 7 và Ủy Ban Thúc Đẩy Xây Dựng Tượng Đài phối hợp tổ chức.
Gần khoảng 10 giờ sáng, buổi lễ bắt đầu, với phần chào cờ Mỹ Việt do Ca sĩ Thu Nga hát. Và phút mặc niệm.
Người đầu tiên phát biểu, là đương kim Thị trưởng Matt Mahan, Ông công nhận cộng đồng người Việt tại San jose là một cộng đồng lớn mạnh, đóng góp vào kinh tế thành phố phồn thịnh, mà còn vấn đề văn hóa. Chúc mừng cộng đồng sẽ có một Tượng Đài những ngày sắp tới.
Người thứ hai phát biểu là Nghị viên Biên Đoàn, khu vực 7. Ông nói chút về ý nghĩa Tượng Đài, chưa kể còn hứa vận động tiền triệu, để hoàn tất những công trình trong Vườn Truyền Thống.
Sau đó là phần cầu nguyện, theo nghi thức tôn giáo, cho mọi chuyện may mắn, thành công tốt đẹp. Gồm lời cầu của Phật Giáo và Công Giáo.
Hào hứng nhất là nghi thức Động Thổ, qua việc xúc đất, ai cũng vỗ tay vui mừng, cho giây phút trọng đại vui mừng, chờ biết bao lâu này.
Sau đó phần chụp hình lưu niệm và phần phát biểu của các quan khách đặc biệt gồm: Đại Diện Ủy Ban, Liên Hội Cựu Quân Nhân, Cộng Đồng…
Buổi Lễ gói trọn 1 tiếng đồng hồ, sau đó Ủy Ban mời tất cả Quan Khách tham dự, ra Nhà hàng Cao Nguyên dùng bữa cơm trưa, cũng để ăn mừng, ước mơ đã được!
Ước mơ trên mười năm, giờ mới thành!
Cộng đồng người Việt tại San Jose, một trong những cộng đồng người Việt đông nhất trên toàn quốc, đã ủng hộ nhiệt liệt, yêu cầu giới chức chính quyền Quận Hạt, Thành phố giúp thực hiện dự án từ lâu. Giờ thì mới thành, Tượng đài được đặt tên là “Thank you, America,” nhằm mục đích tôn vinh những người Lính Mỹ và Miền Nam Việt Nam đã chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Tượng đài được đề xuất, cách đây trên hàng chục năm, nhưng tiến triển rất chậm chạp, có những lúc “ngâm tôm!” tưởng là không thể thực hiện!
Tại sao thế, vì các chính trị gia sắc dân khác tại đây, đã dùng dự án Tượng Đài như cái mồi câu phiếu cho mỗi kỳ bầu cử: “Cứ bầu cho tôi đi, tượng đài sẽ có!” và khi họ có chức rồi, dự án lại được cất vào…tủ lạnh!
Hiểu được nguyên do này, một số các Cựu Quân Nhân có lòng với biểu tượng ý nghĩa này, vì Tổ Quốc, vì Tình Đồng Đội, cách đây hơn 3 năm, đã ngồi lại với nhau, thành lập một Ủy Ban, nhằm kiếm mọi cách thúc đẩy dự án, vào tiến trình phải thực hiện.
Thành viên trong Ủy Ban, hầu hết là Những Người Lính Năm Xưa, gồm có:
Lê-Văn Hải Trưởng Ban
Nguyễn-Minh Đường P. Nội vụ (408) 582.2200
Triệu- Ngọc Hà P. Ngoại vụ (408) 646-8752
Ngô-Văn Tôn Tổng Thư ký (408) 679.8425
Hoàng Thưởng Phụ tá điều hợp .(408) 219.4334
Đàng sau có rất nhiều các đoàn thể Cựu Quân Nhân yểm trợ như: Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức, Hội Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, Liên Hội CQN VNCH Bắc Cali, Hội Ái Hữu Không Quân Bắc Cali….
Với mục tiêu, bằng mọi cách, thúc đẩy giới chính quyền đã hứa, thì phải thực hiện! Cơ hội tốt hơn nữa, trong kỳ bầu cử vừa qua, chúng ta lại đưa được một Nghị viên Việt vào Hội đồng thành phố, nên mọi chuyện trơn tru, không còn trở ngại nhiều.
Theo báo Spotlight phản ảnh:
“Ai cũng mong muốn mạnh mẽ trong cộng đồng, là có tượng đài này, càng sớm càng tốt!” Vu Le, một cư dân San Jose đã 40 năm cho biết. “Chúng tôi coi đây là biểu tượng cho cộng đồng người tị nạn của chúng tôi.” Tại sao một dự án phải kéo dài hàng thập kỷ!
Quế Trân, một người Việt Nam có thâm niên sống đối diện với Viet Heritage Garden, cho biết, cô đã biết về dự án tượng đài cách đây rất lâu. Tran nói với San José Spotlight: “Mỗi tháng, tôi đều đến tham dự lễ chào cờ tại Viet Heritage Garden. "Đài tưởng niệm ý nghĩa này, sẽ là một bổ sung tuyệt vời cho nơi này. Tóm lại đây là ước muốn của cả cộng đồng"
Tâm sự tác giả của Tượng.
Điêu khắc gia Nguyễn Tuấn nói: “Đầu năm ngoái, đại diện ‘Public Art’ (Ban Nghệ Thuật Công Cộng) của thành phố San Jose, liên lạc và yêu cầu tôi sáng tác lại một bức tượng khác, cùng một ý nghĩa, để họ cho trưng bày tại thành phố San Jose.
Tác phẩm mang tên “Thank You America” và theo kế hoạch dự trù, tượng đài này sẽ được an vị tại công viên Heritage Park, San Jose (Bắc California), thành phố có khoảng trên 130,000 cư dân gốc Việt.
“Tượng ở Westminster, hai quân nhân này có hai tư tưởng khác nhau. Quân nhân Mỹ đã hoàn tất công tác quân sự và chuẩn bị hạ súng để về nước, trong lúc quân nhân Việt Nam Cộng Hòa vẫn trong tư thế sẵn sàng xông ra trận,” ông Tuấn giải thích.
“Trái lại, tượng ở San Jose, hai quân nhân Việt Mỹ này cùng trong tư thế chuẩn bị ra trận. Cả hai cùng đang đứng trước cuộc chiến tranh dai dẳng và khốc liệt, sẽ cướp đi bao nhiêu mạng sống của những người lính trẻ,” ông Tuấn tiếp. “Vũ khí, đạn dược của họ còn đầy đủ cho cuộc chiến sắp tới.”
Tượng “Thank You America” mang tinh thần thực sự của những quân nhân chiến đấu đích thực. Họ không lộ vẻ thích thú vì sắp được bắn giết quân thù, mà có nét mặt kiên cường chấp nhận thi hành nhiệm vụ, “Vì Dân mà chiến đấu, vì Nước mà hy sinh” được cấp trên giao phó, dù mệt mỏi, gian khổ đến đâu!
Có kinh nghiệm và ý tưởng rồi, ông Tuấn bắt đầu thực hiện bức tượng “Thank You America.”
Sáu tháng sau khi được “bật đèn xanh,” điêu khắc gia này hoàn thành giai đoạn một vào cuối Tháng Sáu, 2023.
Ông nói: “Tôi làm xong bản mẫu của bức tượng cao hơn 10 ft. Đây mới là một phần ba công việc thôi.”
“Giai đoạn kế tiếp của tôi là sẽ đổ đồng rồi làm việc với công ty thực hiện. Công ty này sẽ làm việc chặt chẽ với thành phố San Jose về những đòi hỏi của thành phố, trước khi họ đồng ý để bảo đảm an toàn công cộng. Giai đoạn này rất gay go,” ông Tuấn cho biết.
Theo yêu cầu của thành phố San Jose, mùa Hè năm nay, ông Tuấn phải hoàn tất việc lắp ráp bức tượng đồng tại công viên Heritage.
“Tôi vui mừng được biết cuối Hè năm nay, sẽ cắt băng khánh thành! Đây là một tin vui!” ông nói.
Điêu khắc gia Nguyễn Tuấn là người Việt tị nạn, định cư tại Hoa Kỳ năm 1989.
Ông học và dạy tại đại học danh tiếng Art Institute of Southern California ở Laguna Beach suốt năm năm và có nhiều sáng tác tại nhiều nơi trên Hoa Kỳ.
Năm 1994, Hiệp Hội Điêu Khắc Quốc Gia ở New York đã vinh danh Nguyễn Tuấn là một nhà điêu khắc trẻ có công lao và trao tặng ông Huân Chương Gloria danh giá. Ông cũng là người gốc Việt đầu tiên nhận được giải thưởng này.
Năm 1995, ông Tuấn được California Art Club trao tặng huy chương vàng về điêu khắc.
Năm 1998, ông giành chiến thắng trong cuộc thi toàn quốc về thiết kế và điêu khắc Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ do thành phố Westminster tổ chức.
Năm 2016, phiên bản Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ được triển lãm thường trực tại Ngũ Giác Đài, thủ đô Washington DC.
Tường trình con đường gian nan mà Tượng Đài đã đi qua:
Qua Ủy Ban Thúc Đẩy Xây Dựng, Cộng đồng người Việt ở San Jose đấu tranh với tiếng nói chính trị của mình
Thượng nghị sĩ bang Dave Cortese, người từng là ủy viên hội đồng San Jose từ năm 2001 đến năm 2008, là quan chức thành phố đầu tiên thúc đẩy dự án. Ông ấy cho biết, nghị viên Esparza đã hứa với Ông ấy vào năm 2019 sẽ giao tượng đài cho cộng đồng, thêm vào đó là tiến độ rất chậm chạp đang diễn ra.
Cortese nói với San José Spotlight: “Đôi khi các bộ máy hành chính di chuyển quá chậm chạp, và chúng tôi chắc chắn đã bị COVID hạn chế vì một số việc khác, nhưng không có lý do gì để thành phố không tiếp tục với dự án. "Cho rằng bây giờ là năm 2022 và nó vẫn chưa được xây dựng, tôi nghĩ mọi người có quyền không còn kiên nhẫn nữa."
Với tư cách là thành viên hội đồng, Cortese đã giúp bảo đảm một vị trí ban đầu cho tượng đài trên Đường Tully. Các dự án như Little Saigon và Viet Heritage Garden không được xem xét, vì chúng chưa được xây dựng. Dự án sau đó được chuyển cho Madison Nguyễn, người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Hội đồng Thành phố San Jose. Nhưng khi Nguyen gặp phải phản ứng về việc đặt tên cho Little Saigon vào năm 2008, dự án đã bị gác lại, coi như đóng băng!
Một số cư dân đã thành lập một ủy ban và vận động để tượng đài được đặt tại McEntee Plaza. Đề xuất đã chết vào năm 2015, sau sự phản đối của những người phản chiến, những người này, nói rằng không thích hợp để có một tượng đài chiến tranh bên cạnh quảng trường tôn vinh Jim McEntee, một người ủng hộ hòa bình. Đến lúc đó, Viet Heritage Garden mới nổi lên như một sự lựa chọn lý tưởng.
Cortese và Giám sát Cindy Chavez vào năm 2019 đã thúc đẩy tài trợ cho tượng đài.
“Quận không có bất kỳ quyền tài phán nào đối với khu vườn di sản của thành phố, nhưng chúng tôi có tiền và chúng tôi có tầm nhìn,” thượng nghị sĩ nói. "Chúng tôi để nó trong tay của Ủy viên Hội đồng Esparza."
Các đối thủ của Esparza trong cuộc bầu cử năm 2022 tỏ ra nghi ngờ về thời gian của dự án, nói rằng, bà chỉ bắt đầu làm công trình tượng đài để giành được phiếu bầu từ người dân Việt Nam.
"Tôi nghĩ đây là mồi!", Bien Doan, một đội trưởng đội cứu hỏa San Jose và Ứng cử viên quận 7, (sau này đắc cử, thắng phiếu Esparza) nói với San José Spotlight. "Tại sao bây giờ? Tất cả thời gian này cô ấy có thể đã làm điều gì đó và cô ấy đang làm điều đó, bây giờ sáu tháng trước cuộc bầu cử. "
Những người dân như Trần và Lê, những người chạy trốn khỏi chế độ cộng sản Việt Nam sau khi Sài Gòn thất thủ, cho biết tượng đài sẽ tưởng niệm cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ. Nhưng đối với những người tị nạn, nhiều người trong số họ, hiện đã là người cao tuổi, và không biết liệu họ có thể nhìn thấy viễn cảnh Tượng Đài thành hiện thực hay không. Họ hoàn toàn thất vọng!
“Điều này đã diễn ra trong nhiều năm,” Le nói. “Chúng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ, nhưng vẫn chưa có gì xảy ra. Bế tắc!”
Kết
Cuối cùng, qua những nỗ lực thúc đẩy trong óng hơn 3 năm qua, coi như tượng đài đã hoàn tất! và Lễ Động Thổ cũng vừa điễn ra, đoạn dường gia nam đã tới đích! Chúc Mừng Cộng Đồng Người Việt tại San Jose! Ước nguyện đã thành!
Chào Mừng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ (Thanks America) Sẽ Hoàn Tất Và Khánh Thành Trong Cuối Mùa Hè Năm Nay!
Dinhmac
ĐỜI MỚI MEDIA
Tin Quốc Tế Đó Đây
Do Thái Tiến Vào Miền Bắc Gaza, Gia Tăng Áp Lực Quân Sự Lên Rafah
(Ảnh AFP, do quân đội Do Thái công bố vào ngày 8/5/2024, cho thấy lực lượng Do Thái đang ở Rafah.)
-Các viên chức y tế cho biết, Do Thái đã điều xe tăng vào phía Đông Jabalia ở miền Bắc Dải Gaza vào sáng sớm 12/5/2024, sau một đêm oanh kích dữ dội cả trên không và trên bộ, khiến 19 người thiệt mạng và làm hàng chục người khác bị thương.
Jabalia là trại tị nạn lớn nhất trong số 8 trại tị nạn lịch sử của Gaza và là nơi sinh sống của hơn 100.000 người, hầu hết là hậu duệ của người Palestine bị đuổi khỏi các thị trấn và làng mạc ở nơi ngày nay là Do Thái trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Do Thái năm 1948 dẫn đến việc thành lập nhà nước Do Thái.
Cuối ngày 11/5, quân đội Do Thái cho biết, các lực lượng của mình hoạt động ở Jabalia ngăn cản Hamas, nhóm vốn kiểm soát Gaza, tái thiết lập khả năng quân sự của tổ chức này ở đó.
(Hình: Người dân Palestine cầu nguyện cho những người thân thiệt mạng trong vụ ném bom của Do Thái vào Dải Gaza trước nhà xác của Bệnh viện Al Aqsa ở Deir al Balah, Dải Gaza, ngày 11/5/2024.)
Cánh vũ trang của Hamas và Islamic Jihad nói rằng các chiến binh của họ đã tấn công lực lượng Do Thái ở một số khu vực bên trong Gaza bằng rocket chống tăng và súng cối, kể cả ở Rafah, nơi trước đây là nơi lánh nạn cuối cùng của người Palestine, và là nơi có hơn một triệu người đang tạm trú.
Theo thống kê của Do Thái, cuộc chiến được châm ngòi bởi một cuộc tấn công do Hamas dẫn đầu vào miền Nam Do Thái vào ngày 7 tháng 10, làm khoảng 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt làm con tin.
Theo Bộ Y tế Gaza, hoạt động quân sự của Do Thái tại Gaza đã giết chết gần 35.000 người Palestine. Vụ bắn phá đã tàn phá vùng đất ven biển và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc.
Hôm 12/5, nhiều gia đình hơn, ước tính lên tới hàng ngàn người, đã rời Rafah khi áp lực quân sự của Do Thái ngày càng gia tăng.
Đạn pháo rơi xuống khắp thành phố trong khi quân đội đưa ra lệnh di tản mới bao trùm một số khu dân cư ở trung tâm thành phố, giáp biên giới với Ai Cập.
Do Thái Tấn Công Rafah, Tổng Thống Joe Biden Tiến Thoái Lưỡng Nan
(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ngày 2/5/2024 tại Wilmington, tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ.)
-Cuộc xung đột tại Gaza ngày càng trở nên ác liệt, nhất là sau khi chính quyền Do Thái trong tuần này đã quyết định tấn công thành phố Rafah, bất chấp những đe dọa đình chỉ viện trợ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Việc này đã khiến cho người đứng đầu Tòa Bạch Ốc nhận chỉ trích tứ phía. Một số người cáo buộc ông Biden ủng hộ cuộc diệt chủng ở Gaza, trong khi số khác thì lại cho rằng những hỗ trợ của ông dành cho Do Thái là không đủ. Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
"Dù có nói gì hay làm gì đi chăng nữa thì Joe Biden cũng đang ở trong tình thế hết sức tế nhị. Đối với đảng Cộng hòa và các nhóm ủng hộ Do Thái, Tổng thống Mỹ, xin trích, đã "bỏ rơi Do Thái". Đây cũng là những từ ngữ mà Donald Trump đã sử dụng sau khi đảng Dân chủ cảnh báo Do Thái rằng Hoa Kỳ sẽ đình chỉ việc viện trợ hàng ngàn quả bom nếu quân đội Do Thái tấn công Rafah. Tuyên bố này đã khiến một số nhà tài trợ lớn thân Do Thái của Tổng thống Biden tức giận.
Mặt khác, các quyết định của chính quyền Biden cũng khó có thể xoa dịu cơn giận của các nhóm và những người biểu tình ủng hộ Palestine, trong đó đa số là người trẻ, những cử tri chủ chốt của Joe Biden. Ngay trong chính phe của mình, ông Biden cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích. Một số Thượng Nghị sĩ và đại diện trong đảng của ông đã yêu cầu phải áp đặt các điều kiện trong việc viện trợ cho Isreal. Tuy nhiên, đề xuất này hiện vẫn bị Tòa Bạch Ốc gạt đi.
Joe Biden đã không còn nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng như trong những tuần đầu tiên sau hôm 7/10/2023 nữa. Tỷ lệ tín nhiệm của ông ở mức thấp nhất so với các Tổng thống Mỹ khác trong suốt 75 năm qua. Sáu tháng trước cuộc đối đầu với Donald Trump, Joe Biden đang phải chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết".
Ông Blinken: Do Thái Thiếu 'Kế Hoạch Đáng Tin Cậy' Để Bảo Vệ Dân Thường ở Rafah
(Hình: Ngoại trưởng Blinken trong một cuộc họp tại Riyadh, Ả Rập Saudi, nhân chuyến công du Trung Đông.)
-Hôm 12/5/2024, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bảo vệ quyết định tạm dừng chuyển giao 3.500 quả bom cho Do Thái vì lo ngại chúng có thể được sử dụng ở thành phố Rafah ở Gaza, đồng thời nói rằng Do Thái thiếu một "kế hoạch đáng tin cậy" để bảo vệ khoảng 1,4 triệu thường dân đang lánh nạn ở đó.
Trả lời trên chương trình "This Week" của kênh ABC News, ông Blinken nói rằng Tổng thống Joe Biden vẫn quyết tâm giúp Do Thái tự vệ và chuyến hàng 3.500 quả bom là gói vũ khí duy nhất của Mỹ bị giữ lại.
Ông nói, điều đó có thể thay đổi nếu Do Thái tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào Rafah, nơi mà Do Thái cho biết họ có kế hoạch xâm chiếm để tiêu diệt tận gốc các chiến binh của nhóm Hamas cầm quyền.
Ông Blinken cho biết, ông Biden đã nói rõ với Do Thái rằng nếu nước này "tiến hành chiến dịch quân sự lớn này ở Rafah, thì sẽ có một số hệ thống [vũ khí] nhất định mà chúng tôi sẽ không hỗ trợ và cung cấp cho chiến dịch đó".
Ông nói tiếp: "Chúng tôi thực sự lo ngại về cách chúng được sử dụng. Do Thái cần "có một kế hoạch rõ ràng, đáng tin cậy để bảo vệ dân thường, điều mà chúng tôi chưa thấy".
Rafah đang là nơi trú ngụ của khoảng 1,4 triệu người Palestine, hầu hết trong số họ phải di dời khỏi những nơi khác ở Gaza do giao tranh và các cuộc bắn phá của Do Thái, trong bối cảnh thiếu lương thực và nước uống trầm trọng.
Theo Bộ Y tế do Hamas điều hành ở Gaza, số người chết trong chiến dịch quân sự của Do Thái ở Gaza hiện đã vượt quá ít nhất 35.000 người Palestine.
Cuộc chiến được châm ngòi bởi cuộc tấn công do Hamas dẫn đầu vào miền Nam Do Thái vào ngày 7 tháng 10, làm khoảng 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt làm con tin, theo thống kê của Do Thái.
Do Thái cho biết 620 binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh.
Nga Tăng Cường Tấn Công Miền Bắc Ukraine Nhằm Tiêu Hao Lực Lượng của Kyiv
(Hình: Một địa điểm bị Nga tấn công bằng phi đạn, Kharkiv, Ukraine, ngày 10/5/2024.)
-Kể từ hôm 10/5/2024, quân đội Nga đã tấn công vào vùng Kharkiv của Ukraine. Trong bối cảnh thiếu đạn dược và nhân lực, các lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục kháng cự, nhưng thừa nhận rằng các cuộc giao tranh ngày càng căng thẳng và quân Nga tiếp tục tiến sâu vào khu vực mà Kyiv từng giành lại quyền kiểm soát hồi tháng 9/2022. Sáng 11/5, gần 2.000 người dân Ukraine đã phải di tản khỏi vùng Kharkiv, giáp biên giới Nga.
Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Jean-Didier Revoin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Điều Kyiv lo ngại cuối cùng đã được họ xác nhận vào hôm qua: Quân đội Nga đã bắt đầu cuộc tấn công, vượt qua biên giới ở phía Bắc của Kharkiv. Mạc Tư Khoa vẫn chưa đưa ra bất cứ xác nhận chính thức nào nhưng có thể hiểu rằng Nga có một mục tiêu kép.
Trước tiên, Mạc Tư Khoa muốn đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi biên giới với Nga trong khu vực vùng biên này, để tạo một vùng đệm nhằm bảo vệ thành phố Belgorod và vùng Belgorod của Nga khỏi các vụ tấn công của Ukraine, buộc Kyiv phải tấn công từ phía xa hơn.
Mục tiêu thứ hai là tạo ra áp lực mới trên chiến tuyến, buộc Kyiv phải bố trí lại một phần lực lượng để bảo vệ vùng Kharkiv. Chiến dịch này nhằm kìm chân một phần lực lượng Ukraine ở đó, khiến Kyiv không thể khai triển quân lực ở những mặt trận khác. Như vậy, Mạc Tư Khoa cũng có thể gây áp lực tại những mặt trận khác, nhất là ở vùng Donbass, nhằm xác định được các điểm yếu của Ukraine để tạo ra một bước đột phá thực sự.
Dường như điều này đã được xác nhận qua các thông báo của Tổng thống Ukraine Zelensky vào tối hôm qua về cường độ của các cuộc giao tranh trên toàn bộ các chiến tuyến. Những tuần vừa qua, quân Nga cũng đã chiếm được nhiều khu vực của Nga, nhất là gần Avdiivka và vùng Donetsk".
Hiện giờ, 4 ngôi làng ở vùng biên giới với diện tích khoảng 30 cây số vuông đã rơi vào tay quân Nga. Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng chiến dịch tấn công của Nga không phải là để chiếm Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, mà là một chiến dịch nhằm phân tán, tiêu hao lực lượng của Kyiv. Trả lời Đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia quân sự Peer de Jong khẳng định rằng Nga đang muốn bao vây Kharkiv, buộc người dân phải di tản, để họ có thể tiếp tục tiến về phía Dniepr một cách thuận lợi, chiếm lại vùng này và giành quyền kiểm soát tại các mặt trận khác.
Nga Nói Chiếm Thêm 5 Ngôi Làng của Ukraine ở Vùng Kharkiv
(Hình: Người dân từ Vovchansk và các làng lân cận chờ xe buýt trong lúc di tản đến Kharkiv do pháo kích của Nga, tại một địa điểm không được tiết lộ gần thị trấn Vovchansk ở vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 10/5/2024.)
-Ngày thứ Bảy (11/5/2024), Nga cho biết lực lượng của họ đã chiếm được năm ngôi làng gần biên giới ở khu vực Kharkiv của Ukraine, nơi Nga đã phát động cuộc tấn công vào ngày thứ Sáu, tận dụng lợi thế ngày càng tăng của họ trên chiến trường miền Đông Ukraine.
Trong cuộc họp cung cấp thông tin hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng cho biết lực lượng Nga đã chiếm các làng Pletenivka, Ohirtseve, Borysivka, Pylna và Strilechna, tất cả đều nằm ngay sát biên giới Nga.
Cuộc họp cũng cho biết quân đội Nga đã chiếm làng Keramik ở vùng Donetsk xa hơn về phía Nam, nơi Mạc Tư Khoa đã tiến quân chậm nhưng chắc kể từ khi chiếm giữ thành trì Avdiivka mà Ukraine nắm giữ lâu nay vào tháng 2.
Các viên chức Ukraine ngày thứ Sáu cho biết Nga đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới mới nhắm vào vùng Kharkiv, tập trung quanh thành phố Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.
Thống đốc Kharkiv, ông Oleh Syniehubov cho biết Nga vẫn tiếp tục tấn công khu vực Kharkiv vào ngày 11/5 và đang cố gắng tiến xa hơn.
Lực lượng Nga lần đầu tiên tấn công vùng Kharkiv vào tháng 2 năm 2022, nhưng bị đánh bật khỏi hầu hết tỉnh này sau một cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine vào tháng 9 năm đó.
Vùng Belgorod lân cận của Nga kể từ đó thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công bằng drone và pháo kích của Ukraine.
Khi được hỏi vào tháng 3 liệu quân Nga có cần chiếm khu vực Kharkiv hay không, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói cách duy nhất để bảo vệ lãnh thổ Nga khỏi các cuộc tấn công của Ukraine là tạo ra một vùng đệm giúp đặt lãnh thổ của Nga ra khỏi tầm bắn của quân Ukraine.
Nga kiểm soát khoảng 18% diện tích Ukraine - ở phía Đông và phía Nam - và đang giành thế thượng phong kể từ khi cuộc phản công năm 2023 của Kyiv không chọc thủng được đáng kể hàng phòng thủ kiên cố của quân Nga.
Tư Lệnh Quân Đội Ukraine Cảnh Báo Tình Hình Khó Khăn ở Khu Vực Kharkiv
(Hình: Ông Oleksandr Syrskyi.)
-Hôm 12/5/2024, người đứng đầu quân đội Ukraine nói rằng lực lượng nước ông đang phải đối mặt với tình thế khó khăn khi chiến đấu ở khu vực Kharkiv, nhưng họ đang làm tất cả những gì có thể để giữ vững phòng tuyến.
Nga hôm 10/5 đã phát động một cuộc tấn công mới từ lãnh thổ của mình vào khu vực Kharkiv ở phía Bắc Ukraine, đe dọa mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến kéo dài 27 tháng qua.
Mạc Tư Khoa hôm 11/5 cho biết đã chiếm được 5 ngôi làng, trong khi Kyiv cho biết đang đẩy lùi các cuộc tấn công và chiến đấu để giành quyền kiểm soát các khu định cư.
Ông Oleksandr Syrskyi viết trên ứng dụng Telegram: "Các đơn vị của Lực lượng Quốc phòng đang chiến đấu trong các trận phòng thủ ác liệt, nỗ lực của quân xâm lược Nga nhằm xuyên thủng phòng tuyến của chúng tôi đã bị ngăn chặn".
Ông nói thêm: "Tình hình rất khó khăn, nhưng Lực lượng Quốc phòng Ukraine đang làm mọi cách để giữ vững các vị trí phòng tuyến, gây thiệt hại cho kẻ thù".
Ukraine hiện đang trong thế phòng thủ trước Nga, nước có lợi thế đáng kể về nhân lực và đạn dược.
Kyiv cho biết việc Quốc hội Hoa Kỳ trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua một gói viện trợ khổng lồ trong nhiều tháng đã khiến họ phải trả giá đắt trên chiến trường.
Hiện họ hy vọng số lượng đáng kể hỗ trợ mới được phê duyệt sẽ nhanh chóng được chuyển đến để củng cố nỗ lực quốc phòng.
Bảy Người Chết Trong Vụ Tấn Công Bằng Phi Đạn của Ukraine Vào Khu Chung Cư ở Nga
(Hình: Nhân viên cấp cứu tại hiện trường vụ đổ sập một phần tòa chung cư.)
-Các viên chức Nga cho biết ít nhất 7 người thiệt mạng và 17 người bị thương, khi toàn bộ một phần khu chung cư ở Nga sụp đổ sau khi bị trúng phi đạn thời Liên Xô được Ukraine phóng và bị Nga bắn hạ.
Trong một trong những cuộc tấn công gây chết chóc nhất cho đến nay ở khu vực Belgorod, Ukraine đã phát động điều mà các viên chức Nga nói là một cuộc tấn công phi đạn quy mô lớn bằng phi đạn-đạn đạo Tochka và các loại rocket Adler và RM-70 Vampire.
Cảnh quay từ hiện trường cho thấy ít nhất 10 tầng của tòa nhà bị sập. Sau đó, khi các nhân viên cấp cứu đang tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát, mái nhà sụp đổ và mọi người chạy thoát thân, bụi và gạch vụn rơi xuống phía sau họ.
Bộ Quốc phòng Nga nói rằng vụ tấn công mà họ gọi là "cuộc tấn công khủng bố vào khu dân cư" có sự tham gia của ít nhất 12 phi đạn.
Bộ này cho biết: "Các mảnh vỡ của một trong những phi đạn Tochka-U bị bắn rơi đã làm hư hại một tòa nhà chung cư ở thành phố Belgorod".
Các hãng thông tấn Nga cho biết, ít nhất 7 người đã thiệt mạng và 17 người bị thương, trong đó có 2 trẻ em. Những người khác vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Cả Ukraine và Nga đều nói rằng họ không nhắm mục tiêu vào dân thường, mặc dù nhiều thường dân đã thiệt mạng bởi cả hai bên trong cuộc chiến.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng cuộc tấn công là một cuộc tấn công có chủ đích vào dân thường, cho thấy tội ác của cả Ukraine và những người ủng hộ nước này - chủ yếu là Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu.
Không có bình luận ngay lập tức từ Ukraine về vụ tấn công.
Ukraine Tấn Công Các Vùng Biên Giới của Nga và Donetsk, 5 Người Chết
(Hình: Một người dân địa phương đứng gần một ngôi nhà bị hư hại sau trận pháo kích gần đây ở vùng Donetsk thuộc Ukraine do Nga kiểm soát, vào ngày 10/5/2024.)
-Năm người thiệt mạng và chín người bị thương trong 3 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) và pháo kích riêng rẽ của Ukraine nhắm vào các tỉnh biên giới Belgorod và Kursk của Nga, và thành phố Donetsk mà Nga tuyên bố đã sáp nhập, các viên chức địa phương cho biết vào ngày thứ Bảy (11/5/2024).
Denis Pushilin, người đứng đầu khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine do Nga bổ nhiệm, nói trong một phát biểu đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng 3 thường dân thiệt mạng và 8 người khác bị thương, khi một phi đạn của Ukraine bắn trúng một nhà hàng ở thành phố Donetsk.
Donetsk, rơi vào tay phe li khai được Nga hậu thuẫn vào năm 2014, thường xuyên hứng chịu pháo kích của Ukraine sau khi Mạc Tư Khoa ra lệnh đưa hàng chục ngàn binh sĩ vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, nhưng đã trở nên an ninh hơn sau khi quân đội Kyiv buộc phải rời khỏi vùng ngoại ô vào đầu năm nay.
Trong một phát biểu đăng trên Telegram, Thống đốc vùng Belgorod, Vyacheslav Gladkov nói rằng 1 người đàn ông đã thiệt mạng và 1 người khác bị thương sau khi một drone của Ukraine đâm vào 1 chiếc xe vận tải đang đậu ở làng biên giới Novostroyevka-Pervaya.
Thống đốc khu vực Kursk lân cận, Roman Starovoyt, cho biết 1 thường dân chết trong bệnh viện sau khi bị thương trong một cuộc tấn công bằng drone nhắm vào thị trấn biên giới Sudzha.
Cả hai khu vực Belgorod và Kursk đều bị tấn công thường xuyên kể từ khi Nga đem quân xâm lược.
Trong một diễn biến riêng rẽ, một viên chức do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm ở khu vực Luhansk của Ukraine cho biết số người chết trong một cuộc tấn công bằng phi đạn gây ra đám cháy lớn với thiệt hại đáng kể tại kho nhiên liệu ở thị trấn Rovenky. Bốn người được nói là đã chết và 11 người bị thương
Trước đó trong ngày 11/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã ngăn chặn một loạt vụ tấn công bằng drone và pháo kích của Ukraine trên lãnh thổ nước này.
Trong một phát biểu đăng trên Telegram, bộ cho biết lực lượng của họ đã bắn hạ 21 phi đạn và 16 drone trên khắp các vùng Belgorod, Kursk và Volgograd của Nga.
Gruzia: Biểu Tình Đông Đảo Chống Dự Luật Về "Ảnh Hưởng Ngoại Quốc"
(Hình: Dòng người biểu tình phản đối "luật Nga" ở thủ đô Tbilisi của Gruzia, ngày 11/5/2024.)
Tại Gruzia, bất chấp một tuần lễ bạo lực nhằm vào những người phản đối, hôm 11/5/2024, gần 50 ngàn người đã tuần hành trên các nẻo đường ở thủ đô Tbilisi để nói "Không" với Dự luật "ảnh hưởng ngoại quốc", một văn bản được cho là lấy cảm hứng từ luật của Nga ban hành năm 2012, đồng thời nói "Có với Âu Châu".
Từ thủ đô Tbilisi của Gruzia, thông tín viên Régis Genté của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gởi về bài phóng sự:
"Chúng ta sẽ đi đâu? Đi về hướng Âu Châu", người biểu tình hô vang. Năm nay, ngày Âu Châu được tổ chức vào ngày 11/5, với sự tham gia đông đảo của người dân Gruzia trên các nẻo đường ở thủ đô Tbilisi.
Ba đoàn người biểu tình đã tụ về Quảng trường Âu Châu, đối diện với khu phố cổ, với những ban công được chạm trổ và nhiều tháp chuông nhà thờ, trong một bầu không khí khi thì nghiêm túc khi lại vui nhộn.
Trong đoàn người, Mamouka, trạc 50 tuổi, tài xế taxi cho biết: "Tất nhiên việc chúng tôi có mặt ở đây là rất quan trọng. Chúng tôi cảm thấy rất gần gũi với Âu Châu. Chúng tôi muốn Âu Châu, chúng tôi muốn một tương lai Âu Châu cho con cái của chúng tôi. Tôi muốn mọi thứ ở đất nước này đều mang phong cách Âu Châu, chứ không phải là Nga".
Giống như khoảng 50 ngàn người Gruzia tụ họp lại đây trong đêm thứ Bảy này, Mamouka có mặt ở đây vì ông nghĩ rằng tuần lễ sắp tới sẽ mang tính quyết định, rằng tương lai sẽ là Âu Châu hay là nước Nga chuyên chế, điều này phụ thuộc vào việc văn bản luật này được thông qua hay không.
Rất nhiều người đến đây là nhằm phản đối những hành động bạo lực do chính quyền và những người được ủy quyền gây ra trong những ngày qua. Đánh đập, quấy rối qua điện thoại, lăng mạ và đe dọa, chiến dịch áp phích ví các lãnh đạo những tổ chức phi chính phủ hay các đảng chính trị như những kẻ phản bội.
Nhiều người biểu tình cho rằng "luật Nga" xem như là đã có hiệu lực".
Bầu Cử Tổng Thống Lithuania: Quốc Phòng và An Ninh Ngự Trị Chiến Dịch Tranh Cử
(Hình: Người dân địa phương đi bỏ phiếu ở Vilnius, thủ đô của Lithuania, cho cuộc bầu cử Tổng thống, ngày 12/5/2024.)
-Hôm 12/5/2024, khoảng 2,8 triệu cử tri Lithuania được kêu gọi bỏ phiếu vòng một bầu Tổng thống cho nhiệm kỳ năm năm mới.
Tại quốc gia vùng Baltic giáp ranh với Nga này, Tổng thống là người hoạch định chính sách đối ngoại cũng như là các vấn đề an ninh và quốc phòng. Đây cũng là chủ đề thống trị trong chiến dịch vận động tranh cử, bị đánh giá là "khá mờ nhạt". Từ thủ đô Vilnius của Lithuania, thông tín viên Marielle Vitureau của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
"Trong vòng ba ngày, khu quảng trường trung tâm Lukiskes ở Vilnius đã được biến thành một điểm bỏ phiếu rộng lớn. Egle, một viên chức trong một công ty lớn, nhẫn nại xếp hàng chờ bỏ phiếu vào giờ ăn trưa.
Anh nói: "Vấn đề thời sự nhất lúc này là quốc phòng. Điều quan trọng là phải phát triển các mối liên kết lâu dài với các nước mạnh hơn chúng tôi".
Andrius, một nhân viên ngành hàng không, cũng có cùng mối bận tâm. Theo anh, "an ninh là một trong những nền tảng cơ bản cho quyền tự do của chúng tôi".
Lithuania đã làm rất nhiều để bảo đảm an ninh đất nước như tăng ngân sách quốc phòng lên đến mức 3% GDP, mở cơ sở cho một lữ đoàn Đức từ nay đến năm 2027. Nhưng việc lựa chọn giữa 8 ứng viên sẽ được đưa ra dựa trên cảm tính của mỗi người, theo như phân tích từ nhà Chính trị học Linas Kojala.
Ông nói: "Vì các ứng viên chính đều có cùng lập trường về quốc phòng và chính sách đối ngoại, cá tính của từng người cũng như là các quan điểm của mỗi người về kinh tế, xã hội sẽ tạo nên sự khác biệt".
Tổng thống mãn nhiệm Gitanas Nauseda, một cựu nhà băng, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò. Khó có thể đoán được ai sẽ về nhì, nữ Thủ tướng tại nhiệm Ingrida Simonyte hay ông Ignas Vegele, một luật sư đấu tranh chống chích ngừa và các biện pháp hạn chế trong suốt cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19".
Luật Mới của Bỉ Gây Tranh Cãi Vì Cho Phép Nhân Viên của Frontex Can Thiệp Vào Lãnh Thổ Trong Nước
(Ảnh: Hans Leijtens (phải), Giám đốc điều hành của Frontex, Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Bờ biển Âu Châu, tại Brussels, thủ đô của Bỉ, ngày 9/3/2023.)
-Được thông qua từ ngày 2/5/2024, "luật Frontex" của Bỉ cho phép các nhân viên của Cơ quan Biên phòng Âu Châu - Frontex, can thiệp vào lãnh thổ Bỉ, thậm chí là có quyền trục xuất, cưỡng bách những người không có giấy tờ hợp pháp khỏi nước này. Luật này đang gây tranh cãi vì các nhân viên Frontex vốn thường được khai triển để bảo vệ biên giới bên ngoài của Liên Hiệp Âu Châu, tại các nước tuyến đầu phải đối mặt với tình trạng di dân như Hy Lạp hay Ý Ðại Lợi.
Luật mới này cũng khiến nhiều tổ chức phi chính phủ lo lắng vì nhiều điểm không minh bạch, có thể không tôn trọng quyền lợi của các di dân. Từ thủ đô Brussels của Bỉ hôm 11/5, thông tín viên Jean-Jacques Héry của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
"Với luật mới này, khoảng 100 nhân viên của cơ quan kiểm soát biên giới Âu Châu sẽ được khai triển tại Bỉ. Những bộ đồng phục màu xanh đậm của Frontex sẽ hiện hữu tại các cảng, phi trường hay nhà ga xe lửa quốc tế ở Bỉ. Phạm vi hoạt động của họ như thế nào? Đó là câu hỏi mà nhiều hiệp hội đã đặt ra.
Bà Cecile Vanderstappen phụ trách tìm kiếm và biện hộ đòi công lý cho người nhập cư, tại CNCD-11.11.11 - một nền tảng tập hợp các tổ chức đoàn kết quốc tế của Bỉ. Bà cho rằng luật mới không bảo đảm quyền lợi của những người bị bắt giữ. Bà nói: "Trong một số tình huống khẩn cấp, các nhân viên của Frontex có thể bắt giữ những người bị khám xét nếu họ không có giấy tờ hợp lệ, trong lúc chờ đợi cảnh sát Bỉ đến địa điểm bắt giữ và tiếp quản. Điều khiến chúng tôi quan ngại là khoảng thời gian mà các nhân viên của Frontex có toàn quyền hành động, điều này tạo ra sự bất an về mặt pháp lý".
Về phía chính phủ Bỉ, khi trả lời RTBF, Bộ trưởng Nội vụ Annelies Verlinden khẳng định rằng quyền của các di dân vẫn được tôn trọng, và đó là nhờ vào sự giám sát thường trực của cảnh sát Bỉ. Ông nói: "Mỗi cuộc can thiệp của những nhân viên từ Frontex sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của cảnh sát liên bang. Bởi vì chúng tôi muốn mọi thứ được rõ ràng".
Các hiệp hội nêu ra nghi vấn: "Vậy trong trường hợp này, liệu sự hiện diện của Frontex có thực sự là để hỗ trợ cảnh sát hay không, trong khi họ lại bị cảnh sát giám sát"?
Các hiệp hội cũng nhắc lại những lời đồn xấu về lực lượng biên phòng và cảnh sát biển Âu Châu, vốn thường xuyên bị cáo buộc đối xử tệ những người tị nạn và đồng lõa trong các hoạt động xua đuổi di dân, đặc biệt là tại biển Aegan, bất chấp luật pháp quốc tế".
Eurovision 2024: Thụy Sĩ Giật Giải Tại Một Kỳ Thi Bị Chia Rẽ Vì Tranh Cãi
(Hình: Nemo, đại diện đến từ Thụy Sĩ, giành chiến thắng trong trận chung kết cuộc thi âm nhạc Eurovision tại Malmö,Thụy Điển, ngày 11/5/2024.)
-Vòng nguyệt quế cho cuộc thi âm nhạc Eurovision 2024 diễn ra tại Malmö, Thụy Điển, hôm 11/5/2024 đã được trao cho ca sĩ người Thụy Sĩ Nemo với ca khúc The Code. Nhưng phiên bản lần thứ 68 này cũng là một kỳ giải bị chia rẽ sâu sắc.
Hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ Palestine đã biểu tình bên ngoài khán phòng, phản đối sự tham dự của cô ca sĩ người Do Thái trong đêm trao giải. Từ Malmö, Thụy Điển, thông tín viên Morteo Carlotta của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật lại bầu không khí đêm chung kết:
"Vào đầu buổi tối, những người biểu tình đã tụ tập ồn ào xung quanh sân vận động Malmö Arena, nhưng cuộc tập hợp vẫn diễn ra yên bình như mọi khi. Đúng hơn là ở bên trong phòng hòa nhạc, người ta có thể nghe tiếng khán giả la ó cô ca sĩ Do Thái trong suốt màn biểu diễn của cô. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử Eurovision.
Khán giả thậm chí còn huýt sáo inh ỏi vị Chủ tịch Eurovision, ông Martin Österdahl, người thực hiện quyết định của ban tổ chức vẫn để Do Thái tranh tài trong khi đó Nga thì bị cấm vì cuộc chiến tranh Ukraine. Cách hành xử "nhất bên trọng, nhất bên khinh" này là tâm điểm mọi sự chỉ trích và rất nhiều người xem việc Do Thái có thể đến hát là không hợp lẽ trước những gì đang diễn ra ở Gaza.
Cần lưu ý thêm là cô ca sĩ Do Thái Eden Golan lúc ban đầu có vị trí rất thấp trong bảng xếp hạng nhưng rồi các phiếu bầu của khán giả trên toàn thế giới đã đẩy cô lên hạng thứ 5, chỉ đứng sau Pháp.
Việc một nước nổi tiếng trung lập thắng giải năm nay có thể làm khán giả mỉm cười một chút, nhưng bài hát của anh, pha lẫn rap, trữ tình và điện tử, kể về việc Nemo tự coi mình là phi nhị phân như thế nào, nghĩa là không hẳn là đàn ông, cũng không hẳn là phụ nữ, đã giúp anh giành chiến thắng trước Baby Lasagna, ca sĩ người Croatia, được công chúng yêu thích nhất vì bài hát khiến người ta phải nhảy múa theo và Ukraine, ở hạng thứ ba.
Nemo, người thanh niên Thụy Sĩ này đã khép lại đêm tranh tài bằng tuyên bố rằng anh hy vọng Eurovision, xin trích, có thể tiếp tục hoạt động vì hòa bình. Một lời chỉ trích có chừng mực về cuộc thi Eurovision thứ 68 bị phân cực hơn bao giờ hết!"
Phòng Thương Mại Âu Châu: Niềm Tin của Nhà Đầu Tư Vào Trung Quốc Giảm Xuống Mức Thấp Chưa Từng Có
(Hình: Chủ tịch phòng Thương mại Liên Hiệp Âu Châu tại Trung Quốc, ông Jens Eskelund phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/5/2024.)
-Trong tuần qua, sự kiện được nói đến nhiều tại Âu Châu là chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc tại Pháp, Serbia và Hung Gia Lợi với một trong những chủ đề quan trọng là hợp tác thương mại.
Hôm 10/5/2024, Phòng Thương mại Âu Châu ra báo cáo thường niên cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư Âu Châu vào Trung Quốc đang ở mức thấp kỷ lục. Không ít nhà đầu tư dự tính rời khỏi thị trường Trung Quốc, chuyển sang Việt Nam và các nước khác trong khối Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN). Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI)cho biết thêm:
"Trong số những thành viên của Phòng Thương mại Âu Châu tại Trung Quốc trả lời cuộc khảo sát này, chỉ có 13% xem Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - là điểm đến đầu tư đầu tiên của họ trong tương lai. Nhưng cũng có 13% không đự định như vậy, hoặc nói rằng họ không còn muốn đầu tư vào Trung Quốc trong tương lai.
Chẳng hạn như trường hợp của một ông chủ một doanh nghiệp xe hơi người Pháp. Doanh nghiệp của ông đặt tại vùng Bắc Kinh từ 20 năm qua, nhưng nay sắp chuyển sang Việt Nam. Điều gì đã thúc đẩy ông rời đi?
Doanh nhân Pháp này giải thích: "Trước hết, Tổng thống Mỹ Biden đã không bãi bỏ thuế quan nhập cảng mà Donald Trump từng áp đặt, khiến những hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc khi nhập cảng vào Mỹ có giá đắt hơn 25%. Lý do thứ 2 là chính phủ đã buộc chúng tôi phải bán lại khu đất và nhà máy. Ở đây, sự thiếu an toàn về mặt pháp lý khiến chúng tôi phải nghĩ đến việc chuyển đi. Hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xe hơi, chúng tôi không thể di dời doanh nghiệp đến khu vực nội đô Bắc Kinh, kể cả khu vực lân cận thủ đô Bắc Kinh. Đây là hai yếu tố đã đẩy chúng tôi rời khỏi Trung Quốc".
Báo cáo của Phòng Thương mại Âu Châu cho biết thêm Trung Quốc, nước từng được xem là công xưởng thế giới, không còn là sự lựa chọn hiển nhiên của mọi nhà đầu tư. Mức tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc suy yếu và công suất sản xuất công nghiệp dư thừa, nhất là trong lĩnh vực xe hơi điện và xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự, lại càng khiến tương lai thêm u tối. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất nhờ sự dịch chuyển đầu tư ngoại quốc này. 21% các doanh nghiệp trả lời khảo sát đã di dời hoặc đang tính tới việc chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á".
Bắc Hàn Đẩy Vũ Khí Cũ Sang Nga và Phát Triển Vũ Khí Thế Hệ Mới
(Hình: Lãnh đạo Cộng sản Bắc Hàn Kim Jong Un cạnh tàu ngầm tấn công nguyên tử mới tại một địa điểm không xác định ở Bắc Hàn vào ngày 6/9/2023.)
-Hôm 12/5/2024, Cơ quan Tình báo Nam Hàn (NIS) cho biết nhà cầm quyền Bình Nhưỡng cung cấp các loại vũ khí cũ kỹ, được sản xuất trong những năm 1970 để Nga sử dụng trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Nhưng cùng lúc, Cộng sản Bắc Hàn nhập cảng trái phép các linh kiện rời sản xuất tại các nước Âu–Mỹ để phát triển các loại vũ khí mới.
Theo phân tích hình ảnh do các phóng viên Ukraine cung cấp, NIS khẳng định Bắc Hàn đã dồn sang Nga loại pháo rốc-két đa nòng 122 ly và 152 ly được sản xuất trong những năm 1970. Khi đẩy sang Nga các loại đạn pháo cũ, Bình Nhưỡng đã tăng tốc sản xuất đại trà các loại đạn pháo mới đồng thời phát triển nhiều loại vũ khí mới hiệu quả hơn.
Cơ quan Tình báo Nam Hàn nghi ngờ chế độ Cộng sản Bắc Hàn nhập cảng thiết bị rời và linh kiện bán dẫn được dùng cho việc phát triển vũ khí ở các doanh nghiệp ngoại quốc.
Viện Nghiên cứu Xung đột Vũ trang (ICAR) của Anh đã thực hiện các phân tích mảnh vỡ từ một phi đạn-đạn đạo của Bắc Hàn được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine và cho biết có khoảng 100 thiết bị của Mỹ và Âu Châu đã được tìm thấy trong các mảnh vỡ này. NIS cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc Bắc Hàn cung cấp phi đạn cho Nga và mối quan hệ hợp tác Nga–Triều.
Yonhap nhắc lại, hôm 10/5, chế độ Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công loại pháo rốc-két đa nòng điều hướng kích cỡ 240 ly trước sự giám sát của lãnh đạo Kim Jong Un, đồng thời cho biết có kế hoạch khai triển trong năm nay loại vũ khí tấn công này nhắm thẳng vào thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, theo như tường thuật từ hãng thông tấn chính thức KCNA.
Quân Đội Trung Quốc Nói 'Đã Xua' Một Khu Trục Hạm của Mỹ Áp Sát Hoàng Sa
(Hình: Tàu USS Halsey trong một lễ kỷ niệm 75 năm trận Trân Châu Cảng ở Hawaii hôm 7/12/2016.)
-Trung Quốc nói đã đuổi chiến hạm Mỹ đang áp sát quần đảo Hoàng Sa, trong khi phía Mỹ nói chỉ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết, hôm 10/5/2024, họ đã theo dõi chặt và đuổi chiến hạm USS Halsey khi nó đi vào lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa hiện đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đang kiểm soát toàn bộ quần đảo này.
Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc khẳng định động thái của Mỹ "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc".
"Đây là một bằng chứng sắt đá khác về quyền bá chủ hàng hải và quân sự hóa Biển Đông của nước này", phía Trung Quốc nói và cho biết thêm quân đội Trung Quốc sẽ luôn cảnh giác cao độ và bảo vệ an ninh quốc gia.
Hải quân Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng khu trục hạm khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa "phù hợp với luật pháp quốc tế".
Tuyên bố cho biết chiến hạm USS Halsey đã rời khỏi khu vực sau hoạt động trên và tiếp tục đi vào Biển Đông.
Biển Đông: Phi Luật Tân Điều Tàu Đến Bãi Cạn Sa Bin Trước Mưu Đồ Xây Đảo Nhân Tạo của Trung Quốc
(Hình: Các công trình và tòa nhà của Trung Quốc tại đảo nhân tạo trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Hình ảnh ngày 20/3/2022.)
-Ngày 11/5/2024, chính quyền Phi Luật Tân cho biết đã khai triển chiến hạm đến bãi cạn Sa Bin, thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Manila cáo buộc Bắc Kinh có ý đồ xây dựng "đảo nhân tạo" tại bãi cạn này, đe dọa an ninh Phi Luật Tân.
Thông tấn xã Reuters dẫn thông báo từ văn phòng Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển đã cử một tàu đến "giám sát các hoạt động được cho là bất hợp pháp của Trung Quốc nhằm xây dựng một "đảo nhân tạo"". Thông cáo văn phòng Tổng thống nêu thêm hai tàu khác đang được bố trí luân phiên trong khu vực.
Trong buổi họp báo, phát ngôn viên Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Phi Luật Tân, Thiếu tướng Jay Tarriela cho biết có dấu hiệu của "việc cải tạo quy mô nhỏ" ở bãi cạn Sa Bin, thuộc cụm đảo Bình Nguyên, quần đảo Trường Sa, mà Manila gọi là Escoda.
Ông nghi ngờ Trung Quốc "rất có thể" là một tác nhân, do sự hiện diện đông đảo "đáng báo động" của hàng chục tàu Trung Quốc, bao gồm cả tàu nghiên cứu và tàu Hải quân tại đảo san hô Sa Bin, cách tỉnh Palawan của Phi Luật Tân 124 dặm (200 cây số) trùng hợp với việc lực lượng bảo vệ bờ biến phát giác nhiều rặng san hô chết và bị nghiền nát.
Phát ngôn viên lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân khẳng định sẽ gởi các nhà khoa học hải dương đến khu vực để xác định xem những rặng san hô bị nghiền nát là do tự nhiên hay do sự can thiệp của con người gây ra.
Ông Chester Cabalza, Chủ tịch tổ chức tư vấn Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế, trụ sở tại Manila, trả lời kênh truyền hình ABS-CBN News, nhận định nỗ lực cải tạo đảo của Trung Quốc ở bãi cạn Sa Bin là mối đe dọa cho an ninh. Trung Quốc để mắt đến đảo san hô như là một phần mở rộng đảo Vành Khăn mà nước này đã chiếm từ năm 1995.
Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh nỗ lực chiếm hữu bãi cạn Sa Bin do giá trị chiến lược mà nó mang lại với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo Cabalza, việc san hô bị nghiền nát "có thể là khúc dạo đầu cho sự hình thành đảo nhân tạo".
Còn theo cựu phó Thẩm phán Tối cao Pháp viện Phi Luật Tân, Antonio Carpio, công trình cải tạo đảo san hô Sa Bin của Trung Quốc có thể dẫn đến việc "dựng một tiền đồn gần bãi Cỏ Rong, khu vực được cho là có nhiều trữ lượng dầu khí". Cũng theo ông Carpio, những gì Trung Quốc làm là thiết lập "tiền đồn ở bãi Cỏ Rong để ngăn chặn Phi Luật Tân khai thác nhiên liệu".
Đổ Bộ Normandy: Câu Chuyện Về Cựu Quân Nhân Da Đỏ 100 Tuổi
-Nhân kỷ niệm 80 năm đồng minh đổ bộ, khởi đầu công cuộc giải phóng nước Pháp, Le Nouvel Obs chọn lựa 18 câu chuyện đặc sắc để thuật lại, trong đó có chuyện "Một người da đỏ ở Omaha Beach".
Ngày 6/6/1944, y tá Charles Norman Shay đi vào lịch sử khi xông pha dưới màn lưới lửa cứu được nhiều đồng đội bị thương. Ông là một trong số 500 người da đỏ Mỹ tham gia cuộc đổ bộ. Trong những giấc mơ của ông Shay ở tuổi 100, những viên đạn vẫn bắn như mưa trên một vùng biển đỏ máu. Người lính mới 19 tuổi thuộc một bộ lạc da đỏ ở tiểu bang Maine, không giống chút nào với những chú GI cao lớn trong túi đầy những gói thuốc Lucky Strike và chewinggum.
Vào lúc 6 giờ 35 sáng, đơn vị The Big Red One do tướng Huebner chỉ huy thuộc những toán đầu tiên trong số 160.000 quân nhân đổ bộ xuống bãi biển Colleville-sur-Mer ở Normandy, bằng những chuyến phà từ các tàu đậuh ngoài khơi. Shay lao xuống nước dưới những làn mưa đạn của quân Đức, xung quanh có những đồng đội bị trúng đạn hay chết đuối. Ông nhớ lại "một vùng biển loang đỏ máu của những người lính tử thương và bị thương".
Tìm được một góc an toàn trên bờ biển, Shay cứu chữa khoảng mấy chục thương binh. Thấy những đợt sóng có thể kéo các quân nhân bị thương khác trở lại biển, anh y tá trẻ vội vàng chạy đến kéo từng người lên, dưới trận mưa đạn và những khẩu đại bác 75 ly của quân Đức trên đồi cát gần đó. Big Red One mất đến 30% quân số trong những giờ đầu tiên. Trong số 34.250 quân nhân Mỹ đổ bộ xuống Omaha Beach, 2.500 người đã tử trận chỉ trong vòng một ngày. Người bạn thân của Shay thở hơi cuối cùng trên tay anh.
Charles Norman Shay được Hoa Kỳ tặng huy chương Silver Star và Pháp tặng Bắc Đẩu bội tinh. Kể từ 2007, hàng năm ông đều trở về Normandy. Mặc chiếc áo khoác bằng da hươu trên lưng gắn hình một con rùa, biểu tượng của bộ lạc, ông đốt những điếu thuốc quấn bằng lá thơm, dùng một chiếc lông đại bàng quạt lên "để tiếp xúc với linh hồn những người lính can đảm còn ở lại".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét