Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

Lại Có Tin Vui: Tiểu Bang Cali Công nhận Tuần lễ Áo Dài của người Việt! và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Cuộc - Lê Văn Hải


Tin Vui: Dự Luật “House Resolution 94” Đã Thông Qua! Tiểu Bang Cali Công nhận Tuần lễ Áo Dài của người Việt! Tuần Lễ Áo Dài đầu tiên trong lịch sử Tiểu bang, bắt đầu từ ngày 12 đến 18 tháng 5/2024.-Tháng 5 là tháng Văn Hoá Người Á Châu và Thái Bình Dương. Vào ngày 9 tháng 5 vừa qua, Dân biểu tiểu bang ông Ash Kalra đệ trình House Resolution 94, để vinh danh chiếc Áo Dài là di sản Văn hóa của cộng đồng người Việt tại Mỹ và cả tiểu bang California. 
<!>


Qua đó, HR 94 cũng công nhận Tuần Lễ Áo Dài đầu tiên trong lịch sử tiểu bang từ ngày 12 đến 18 tháng 5. Dự luật được Hạ viên bang California thông qua với 64 phiếu thuận. Hai Dân biểu gốc Việt, ông Trí Tạ từ Quận Cam và Bà Stephanie Nguyễn từ Sacramento là 2 nhà đồng bảo trợ chính của dự luật trên.


“Tôi kính mời tiểu bang California tham gia vinh danh Áo Dài.” Ông Ash Kalra chia sẻ bằng chính tiếng Việt trên sàn Quốc hội sau khi kết thúc diễn văn tiếng Mỹ thúc giục đồng viện bỏ phiếu thuận cho dự luật. Ông thúc giục toàn thể cư dân bang California tìm hiểu và vinh danh nét đẹp của chiếc Áo Dài.


Dân biểu Trí Tạ và Dân biểu Ash Kalra không quên nhắc đến niềm tự hào của chính mình khi mỗi vị đại diện 2 nơi đông cư dân gốc Việt nhất trên thế giới ngoài nước Việt Nam. Quận Cam, nơi Ông Trí Tạ đại diện, là Quận hạt đông người Việt Hải ngoại nhất, trong khi Thành phố San José, nơi Ông Ash Kalra đại diện, là thành phố đông người gốc Việt nhất.


HR 94 cũng nhắc nhở đến, sự đóng góp lớn lao của Cố Luật Sư và Nhà Hoạt Động Xả Hội, Tranh Đấu Dân Quyền Jenny Đỗ, cư dân San Jose, khi cô đã bền bỉ, đấu tranh thành công, để tiểu bang Cali, công nhận văn hóa Nét Đẹp Phụ Nữ Việt qua Chiếc Áo Dài.


Nhân tuần lễ vinh danh chiếc Áo Dài là di sản Văn hóa của cộng đồng người Việt tại Mỹ và cả tiểu bang California, tìm hiểu chút về Cố Luật Sư Jenny Đỗ, một khuôn mặt phụ nữ, hoạt động năng nổ, trên các lãnh vực Nhân Đạo, văn Hóa, Nhân Quyền, mà sự ra đi của Cô, làm biết bao người thương tiếc!


Ước nguyện cuối đời của Jenny Đỗ: ‘Người Việt Nam đoàn kết nhau! Để Làm Những Điều Tốt Đẹp!’


- “Tôi có được rất nhiều thứ, và chỉ thiếu có một thứ, đó là sự đoàn kết của cộng đồng để đi lên! Cho nên, nếu bây giờ được có một ước nguyện thôi, thì tôi chỉ khao khát một điều duy nhất, đó là người Việt Nam đoàn kết với nhau, thì làm được những điều tốt đẹp!”

Ước nguyện của nữ luật sư gốc Việt Jenny Đỗ, hiện đang sống tại San Jose, miền Bắc California, được phát ra giữa lúc những di căn của căn bệnh ung thư đang hoành hành, tàn phá cơ thể cô một cách tàn nhẫn nhất, có thể khiến bất kỳ một người Việt nào cũng cảm thấy giật mình, cúi mặt, thương cảm!
Không chỉ vậy, câu chuyện của người phụ nữ mang hai dòng máu Việt-Mỹ đang ở giữa lằn sinh – tử này, còn mang đến cho người nghe nhiều suy nghĩ về một thái độ sống, một lẽ sống trong đời.


Luật Sư Jenny Đỗ, “Nếu bây giờ được có một ước nguyện thôi thì tôi chỉ khao khát một điều duy nhất, đó là người Việt Nam đoàn kết với nhau, sẽ làm được những điều tốt đẹp!”
‘Đằng nào cũng chết, sao không chọn chết cách vẻ vang?’


Thật khó để hình dung người phụ nữ còn trẻ, vừa chạm tuổi 50, với gương mặt đẹp, khiến người đối diện khó lòng rời mắt, đang từng phút đối diện với cơn đau tận xương tủy, lại có thể khẳng khái nói ra điều đó, cùng nụ cười trong trẻo lẫn ngạo nghễ.


Jenny Đỗ đến Mỹ năm 1984 theo diện con lai đầu tiên. Khi ấy cô vừa tròn 18 tuổi. Từ thân phận một đứa con lai bị coi thường tại quê mẹ, cô đã biết nắm bắt cơ hội làm lại cuộc đời trên đất cha, vừa học vừa làm, để có thể tốt nghiệp tiểu bang thành luật sư!


Không chỉ thành công trong vai trò của một luật sư, cô còn được biết đến qua những sinh hoạt văn hóa và cộng đồng tại San Jose. Luật Sư Jenny Đỗ từng tích cực vận động cho đạo luật Con Lai Về Quê Cha (Amerasian Home Coming Act), cho phép gần 30,000 con lai tại Việt Nam được sang Mỹ định cư.
Bên cạnh đó, Jenny Đỗ còn là chủ tịch sang lập Hội Thân Hữu Huế (Friends Of Hue Foundation), sau này là Trung Tâm Từ Thiện Thân Hữu Huế, nơi chăm sóc, cưu mang trẻ em đường phố, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, bị bán vào các đường dây mại dâm…


Chín năm trước, khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, Jenny được bác sĩ phát hiện ra căn bệnh ung thư vú!
Tiếng gọi tử thần đó không làm cô nao núng. Chữa trị và tiếp tục làm việc. Cho đến Tháng Chín năm rồi, bác sĩ lại báo: Ung thư đã di căn vào xương sống, tấn công các hạch bạch huyết cầu!
Đó là lý do vì sao thời gian gần đây cô phải mỗi tháng một lần vào bệnh viện cấy xương, mà “mỗi lần như vậy rất là đau!” nhưng “nếu không làm, xương sống sẽ sụm xuống, còn nguy hiểm và đau đớn hơn vì tê liệt!”


Cô kể, “Trước khi về Việt Nam hồi Tháng Hai vừa rồi, để sắp đặt những công việc còn lại cho các con nuôi, tôi có làm kiểm tra y khoa, thì hai lá phổi giống như hai cây đèn Noel, sáng rực lên. Xương sống cũng sáng trưng lên. Tức là tế bào ung thư đã ăn hết hai lá phổi và xương sống. Hiện giờ, sau mấy tháng điều trị, muốn biết sức khỏe xuống hay lên, thì phải làm xét nghiệm nữa, nhưng bác sĩ không dám làm thêm, vì chất phóng xạ họ sử dụng mạnh quá, nên phải đợi.”
Tuy nhiên, “cách đây hai tuần, khi thấy bắt đầu khó thở trở lại, là tôi tự biết sức khỏe mình đang có vấn đề rồi, nhưng mà công cuộc mình đeo đuổi đã quá gần rồi. Nhà thương bảo 13 Tháng Năm vô cấy xương, nhưng tôi hẹn đến ngày 17, chờ thêm năm ngày không có chết đâu,” người luật sư có khuôn mặt khả ái nói cùng nụ cười hóm hỉnh.

Cô trải lòng, “Tôi nghĩ cái gì cũng có số hết. Nếu tôi qua được, tôi làm công việc này, mà tạo được cộng đồng một sức mạnh mới, một tinh thần mới, thì nếu tôi nằm xuống cũng không sao hết. Đằng nào cũng chết, thà mình chết vẻ vang, vẫn hay hơn chết dần chết mòn, đúng không?”
“Tôi không bao giờ muốn kéo dài đời sống một cách vô vị. Nếu cho tôi sống, phải cho tôi làm việc. Còn bảo đừng làm việc, chỉ nên ngồi thiền, niệm Phật, như nhiều người khuyên, rồi uống ăn kiêng khem, kỹ lưỡng thì thôi, thà cho tôi ra đi sớm. Tại vì tôi là một người hoạt động từ xưa đến nay rồi,” cô Jenny nói, dù có lúc tiếng cô như khàn đi.
Người phụ nữ mà cuộc sống như mành treo trước gió, tiếp tục câu chuyện, “Người ta nói rằng tôi đốt đèn cầy hai đầu thì làm sao chịu nổi. Câu trả lời của tôi là đốt một đầu, hay đốt hai đầu, thì rồi cũng hết cây đèn cầy! nhưng nếu mình đốt hai đầu, thì nó sáng hơn là đốt một đầu!” Cô lại cười, tiếng cười của một người, nhất là một người phụ nữ, quá đỗi bản lĩnh, tự tin trước nghịch cảnh.

Những công việc đang nung nấu
Cô Jenny chia sẻ, “Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ bị bất lực, tàn phế mà thôi. Điều đó đáng sợ hơn thần chết. Tôi biết đây là sứ mệnh của mình, và tôi nung nấu để làm chuyện này. Cho nên cái giá của nó như thế nào cũng phải trả.”
“Vậy, những công việc chị đang nung nấu và mong muốn hoàn thành, để phải dời cả việc đi cấy xương, là gì?” Tôi thắc mắc.
“Lý do hoãn năm ngày đi cấy xương là để cho xong lễ hội ‘Áo Dài Festival’ tổ chức vào ngày 15 Tháng Năm. Năm nay ‘Áo Dài Festival’ được hưởng ứng nhiều hơn là do có ngày “Áo Dài Day” vừa được Thượng Viện California thông qua hôm đầu tháng. Cứ hình dung nếu mọi người cùng mặc áo dài thì sẽ như thế nào? Điều này đối với tôi quan trọng hơn là chuyện cấy xương, xương đợi thêm năm ngày nữa mọc cũng không sao,” chị lại cười.


Quả thật, lần đầu tiên trong lịch sử California, Thượng Viện Tiểu Bang đã chính thức công nhận ngày 15 Tháng Năm là Ngày Áo Dài, sau khi đồng thuận thông qua Nghị Quyết Thượng Viện SR 73, do Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn làm tác giả chính, cùng với Thượng Nghị Sĩ Jim Beall (Dân Chủ-San Jose) và Thượng Nghị Sĩ Richard Pan (Dân Chủ-Sacramento) làm đồng tác giả. Tuy nhiên, không mấy người biết rằng, người viết kiến nghị và miệt mài vận động cho điều này trở thành sự thật từ nhiều năm qua chính là Jenny Đỗ.

Ước nguyện duy nhất


Trả lời cho câu hỏi “Ngay trong lúc này, điều chị mong muốn nhất là gì?,” người luật sư đang tính thời gian tồn tại của mình bằng tháng, bằng ngày, nói không ngại ngần, “Tôi có được rất nhiều thứ, và chỉ không có một thứ, đó là sự đoàn kết của cộng đồng để đi lên. Cho nên, nếu bây giờ được có một ước nguyện thôi thì tôi chỉ khao khát một điều duy nhất, đó là người Việt Nam đoàn kết với nhau, sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp!”
“Tôi muốn được nhìn thấy một cộng đồng Việt đoàn kết nhưng không cách gì đoàn kết được hết. Con cháu mình không có chỗ đứng, mà mình ở đây đã hơn 40 năm rồi. Đó là điều tôi không an tâm khi ra đi. Cho nên, ước nguyện duy nhất của tôi là người Việt Nam đoàn kết với nhau, vì đoàn kết mình mới có sức mạnh, mà có sức mạnh thì con cháu mới được nhờ. Đó là điều tôi khao khát nhất!”


Riêng ước nguyện Vinh Danh Tà Áo Dài, chắc giờ này, Cô đã mỉm cười mãn nguyện nơi Chín Suối!


Tin Quốc Tế Đó Đây

Tấn Công Rafah, Do Thái Đẩy Quan Hệ Ngoại Giao Với Ai Cập Đến Bờ Vực Thẳm


(Hình: - Ramez Habboub: Khói bốc lên từ dải Gaza, gần bức tường ngăn cách giữa Ai Cập và Rafah, sau các cuộc tấn công của Do Thái, ngày 7/5/2024.)
-Sáng sớm ngày 14/5/2024, Do Thái thực hiện hàng loạt các cuộc không kích vào phía Bắc dải Gaza đồng thời đẩy mạnh tiến công vào thành phố Rafah, biên giới phía Nam với Ai Cập. Động thái này của Nhà nước Do Thái đã khiến quan hệ giữa Do Thái và Ai Cập ngày càng trở nên căng thẳng.
Ai Cập đang xem xét hạ cấp quan hệ ngoại giao với Do Thái. Cụ thể, theo báo Mỹ The Wall Street Journal, chính quyền Cairo đang tính đến việc triệu hồi Ðại sứ Ai Cập tại Do Thái. Đồng thời, Ai Cập từ chối phối hợp với Do Thái trong việc đưa hàng viện trợ vào Gaza và hủy bỏ các cuộc đối thoại quân sự giữa hai nước.

Từ thủ đô Cairo của Ai Cập, thông tín viên Alexandre Buccianti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
"Căng thẳng giữa hai nước đã được phơi bày ra ánh sáng khi quân đội Do Thái chiếm cửa khẩu Rafah bên phía Palestine. Sự căng thẳng sau đó đã chuyển thành nỗi tức giận khi quân đội Do Thái treo cờ Nhà nước Do Thái tại cửa khẩu. Ai Cập coi đây là một hành động khiêu khích.
Trên mặt trận ngoại giao, Ai Cập phối hợp cùng Nam Phi trong một vụ kiện mới nhắm vào Do Thái trước Tòa án Công lý Quốc tế vì "vi phạm công ước chống diệt chủng ở Gaza". Trước khi Do Thái đóng các cửa khẩu Rafah và Kerem Shalom, mỗi ngày có hơn 300 xe vận tải viện trợ nhân đạo vào Gaza. Dư luận Ai Cập cũng trở nên phẫn nộ. Trên mạng xã hội, người dân nước này đang kêu gọi cắt đứt quan hệ ngoại giao, hủy bỏ Hiệp ước Hòa bình ký với Do Thái và đôi khi thậm chí là thực hiện các hành động vũ trang chống lại Do Thái".


Ngoại Trưởng Mỹ Bất Ngờ Đến Ukraine Trong Lúc Nga Huy Động 30.000 Quân Tấn Công Kharkiv


(Hình: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến Kyiv, thủ đô của Ukraine, ngày 14/5/2024.)
-Chiến dịch của Nga tấn công vùng Kharkiv, Đông-Bắc Ukraine, bước sang ngày thứ tư. Hôm 13/5/2024, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken bất ngờ đến Kyiv để chuyển đến chính quyền Ukraine "một tín hiệu hậu thuẫn mạnh mẽ" từ Hoa Thịnh Ðốn, trong khi Ukraine đang ở vào một trong những thời điểm "khó khăn nhất kể từ năm 2022".
Theo thông tấn xã AFP, phát biểu với báo giới trên chuyến xe lửa đêm, từ Ba Lan, đưa Ngoại trưởng Blinken đến Kyiv, một viên chức cao cấp Mỹ nhận định: "Chuyến đi này trước hết có mục tiêu chuyển một tín hiệu mạnh để trấn an người Ukraine hiện đang trong một tình thế rất khó khăn, do chiến sự gia tăng về cường độ tại mặt trận phía Đông, nhưng đồng thời do Nga đang chuyển sang tấn công vào các khu vực biên giới vùng Kharkiv".
Sự chậm trễ của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Ukraine đang gây lo ngại tại Kyiv. Gói viện trợ 61 tỉ Mỹ kim chỉ được thông qua vào tháng 4/2024, sau 6 tháng bế tắc tại Hạ viện. Chuyến công du Kyiv trước đó của ông Blinken là vào tháng 9/2023.

Đặc phái viên Stéphane Siohan của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) có mặt tại Kharkiv, cho biết diễn biến chiến sự tại chỗ:
"Ngoại trưởng Blinken công du Ukraine trong lúc đang bắt đầu một giai đoạn chiến tranh mới hết sức hỗn loạn, một biến chuyển chưa từng có kể từ năm 2022. Tại khu vực phía Bắc Kharkiv này, tất cả đều biến động khó lường. Người ta không biết rõ đâu thực sự là chiến tuyến, trước khi có mặt tại chỗ. Mọi sự đều có thể xảy ra tại một khu vực có chiều rộng từ 10 đến 20 cây số, với sự hiện diện của các nhóm trinh sát, các cuộc oanh kích bất ngờ của Không quân cùng các drone FPV mang thuốc nổ, có thể tấn công bất cứ phương tiện di chuyển nào.

Tình hình biến chuyển rất khó lường này ắt sẽ là chủ đề thảo luận giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Tổng thống Volodymyr Zelensky. Bởi trước đợt tấn công này, từ một năm rưỡi nay, khu vực phía Bắc vùng Kharkiv đã tương đối yên tĩnh, nhưng kể từ giờ, thành phố lớn thứ hai của Ukraine đang phải liên tục đối mặt với nguy cơ bị tấn công.
Triển vọng sắp tới phụ thuộc vào khả năng kháng cự của quân đội Ukraine. Chúng ta biết hiện tại có khoảng 30.000 quân Nga đang tham chiến trên bộ tại vùng Kharkiv. Tuy nhiên, kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất là việc thị xã Vovtchansk rơi vào tay Nga. Quân Nga sẽ lấn dần từng bước một. Pháo binh sẽ được điều đến khu vực cách thành phố Kharkiv khoảng từ 20 đến 30 cây số. Quân Nga chắc chắn sẽ không đưa Bộ binh tấn công thành phố, vì địa bàn này quá lớn. Tuy nhiên suốt mùa Xuân và mùa Hè này, thành phố Kharkiv sẽ phải lãnh nhận hàng ngàn đạn pháo".


Hiếm khi thấy! Ngoại trưởng Mỹ chơi đàn, hát rock lành nghề! khi thăm Ukraine


-Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14/5 đã có chuyến thăm thủ đô Kiev của Ukraine để khẳng định cam kết ủng hộ vững chắc của Mỹ. Đáng chú ý, trong chuyến thăm này, nhà ngoại giao Mỹ đã có một phần ngẫu hứng chơi guitar điện và hát cùng ban nhạc 19.99 khi đi xem họ biểu diễn.
Ban nhạc 19.99 biểu diễn bài "Rockin' in the Free World" của Neil Young, bản nhạc rock nổi tiếng phát hành năm 1989. Ở phần cuối chương trình, ca sĩ chính của ban nhạc đã giới thiệu Ngoại trưởng Blinken là "người bạn lớn của Ukraine".
Ông Blinken bước lên sân khấu và gửi gắm thông điệp động viên đến Ukraine. Sau đó, nhà ngoại giao Mỹ đã ngẫu hứng cùng ban nhạc chơi đàn và hát điệp khúc của bài "Rockin' in the Free World". Một ca sĩ của ban nhạc 19.99 nói rằng, anh rất ấn tượng với khả năng chơi đàn guitar của nhà ngoại giao Mỹ.

Ông Blinken là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ tới Ukraine sau khi quốc hội nước này thông qua gói viện trợ mới gần 61 tỷ USD cho Kiev cuối tháng trước. Đây là chuyến thăm thứ 4 của ông đến Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra tháng 2/2022.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với tình thế khó khăn khi Nga tăng cường tấn công, mở mặt trận mới ở Kharkov giữa lúc Kiev cạn kiệt vũ khí, đạn dược.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết các lô viện trợ mới của Washington đang trên đường đến và chắc chắn sẽ giúp Ukraine tạo sự khác biệt trên chiến trường.


Ngoại Trưởng Ukraine "Lặng Lẽ" Đến Serbia, Nga Phản ứng Mạnh Mẽ


(Hình: Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (P) tiếp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, tại Beograd, Serbia, ngày 13/5/2024.)
-Hôm 13/5/2024, Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmitro Kuleba bắt đầu chuyến thăm chính thức Serbia 2 ngày. Đi cùng ông còn có bà Olena Zelenska, Phu nhân Tổng thống Zelensky. Chuyến công du bất ngờ đầu tiên của Ngoại trưởng Ukraine đến Belgrade kể từ khi Nga xâm lược Ukraine đã khiến Mạc Tư Khoa có những phản ứng mạnh mẽ.
Theo thông tấn xã AFP, Ngoại trưởng Ukraine có cuộc gặp với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, Thủ tướng Milos Vucevic cùng nhiều viên chức cao cấp khác. Trong khi đó, phu nhân Tổng thống Ukraine, Olena Zelenska, đã ký kết một Thỏa thuận Hợp tác với một trường Đại học Serbia và có cuộc gặp với đại diện cộng đồng người Ukraine tại quốc gia vùng Balkan.

Chuyến công du Belgrade của Ngoại trưởng Ukraine diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Serbia trải thảm đỏ long trọng đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, chuyến thăm Serbia của Ngoại trưởng Kuleba và bà Zelenska diễn ra lặng lẽ. Nội dung cuộc trao đổi giữa Ngoại trưởng Ukraine với các lãnh đạo Serbia đã không được tiết lộ. Từ thủ đô Belgrade của Serbia, thông tín viên Laurent Rouy của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:
Truyền thông thân chính phủ Serbia vẫn tỏ ra kín tiếng về chuyến thăm bất ngờ, chuyến thăm đầu tiên của giới chức Ukraine đến Belgrade. Không có chuyện phơi bày việc Olena, phu nhân Tổng thống Zelensky, và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba có cuộc gặp với giới chức Serbia. Điều đó có nguy cơ khiến người dân – đa phần là thân Nga –phải sửng sốt trong khi Serbia luôn từ chối trừng phạt Nga vì cuộc chiến xâm lược này.

Chính quyền Belgrade vẫn giữ kín về mục đích chuyến thăm. Belgrade chỉ tái khẳng định sự gắn bó với toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và Kuleba cũng tuyên bố tương tự đối với lãnh thổ Serbia. Người ta không biết gì hơn. Xin nhắc lại rằng Belgrade đã bí mật cung cấp vũ khí cho Ukraine từ năm 2023.
Trong mọi trường hợp, chuyến thăm này diễn ra không thể không gây sự chú ý từ Nga. Thủ tướng Serbia đã phải gặp Ðại sứ Nga ngay sau cuộc gặp với phía Ukraine. Một lần nữa, người ta không biết được hai người này nói với nhau về điều gì. Chỉ biết rằng, trong khoảng thời gian này, báo chí Nga lại nhắm vào Serbia, cáo buộc một nước anh em, dường như đã đâm dao sau lưng Mạc Tư Khoa nhân chuyến thăm này.


Pháp: Khai Mạc Ðại Hội Ðiện Ảnh Cannes Trong Bối Cảnh Nhiều Bê Bối Tình Dục Có Nguy Cơ Bị Phanh Phui


(Hình: Các nhân viên chuẩn bị thảm đỏ trước Cung Ðại hội Ðiện ảnh Cannes, Pháp, ngày 14/5/2024.)
-Ðại hội Ðiện ảnh Cannes lần thứ 77 khai mạc vào tối 14/5/2024 tại thành phố Cannes, miền Nam nước Pháp, và kéo dài đến ngày 22/5.
Dự kiến sẽ có 22 bộ phim tham gia tranh giải Cành Cọ Vàng lần này, trong đó có các tác phẩm của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Trong 12 ngày diễn ra Ðại hội Ðiện ảnh, hơn 35.000 người, từ khoảng 160 quốc gia và nền văn hóa, sẽ tham dự các buổi chiếu phim trong vòng tuyển chọn chính thức cũng như tại các Hội chợ phim.
Tuy nhiên, sự kiện lần này được cho là sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ làn sóng Metoo, (chống quấy rối và bạo lực tình dục) trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về việc công khai danh sách các diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất người Pháp bị cáo buộc tấn công tình dục.

Ngay trước thềm khai mạc Ðại hội Ðiện ảnh, tối thứ Hai (13/05), tạp chí Elle đã cho công bố cuộc điều tra về ông Alain Sarde, nhà sản xuất của khoảng 200 bộ phim. Cụ thể, 9 người phụ nữ đã cùng lên tiếng tố cáo ông về tội hiếp dâm, quấy rối và tấn công tình dục. Nàng thơ của làng điện ảnh Pháp Judith Godrèche cũng đã cáo buộc ông Benoît Jacquot, đạo diễn và biên kịch người Pháp, tội hiếp dâm.
Trước đó, trang Mediapart đã công khai một danh sách dài các nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên bị cáo buộc thực hiện các hành vi tấn công tình dục, nhưng đã bị nhiều phương tiện truyền thông khác phủ nhận. Vì vậy, 147 người nổi tiếng đã yêu cầu xây dựng một luật toàn diện chống bạo lực tình dục nhằm xét xử những kẻ hiếp dâm hàng loạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập bằng chứng, mở rộng lệnh bảo vệ những nạn nhân bị hiếp dâm, cho phép họ tiếp cận ngay lập tức và miễn phí với dịch vụ chăm sóc chấn thương tâm lý, cấm điều tra về quá khứ bị tấn công tình dục của nạn nhân, v,v….

Mới đây lại có một người nặc danh đe dọa trên mạng xã hội rằng sẽ công khai danh sách 10 người đàn ông có dính líu đến bê bối tình dục đang tham dự Ðại hội Ðiện ảnh Cannes. Dù không có bằng chứng xác thực, nhưng tin đồn này cũng khiến Chủ tịch ông Iris Knobloch, Chủ tịch Ðại hội Ðiện ảnh Cannes phải công khai trả lời trên tờ Paris Match rằng nếu những lời cáo buộc này là sự thật "chúng tôi bảo đảm sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn trong từng trường hợp cụ thể". Không giống như năm 2023, lần này người đứng đầu sự kiện đã hứa sẽ tích cực giải quyết chủ đề quấy rối tình dục.


Ngoại Trưởng Nam Hàn Công Du Trung Quốc Lần Đầu Tiên Từ Hơn 6 Năm


(Ảnh: Ngoại trưởng Nam Hàn Cho Tae-yul trong cuộc gặp 2+2 với đối tác Úc Ðại Lợi tại Melbourne, Úc Ðại Lợi.)
-Hôm 14/5/2024, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nam Hàn Cho Tae-yul tại Bắc Kinh, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã kêu gọi hai bên tăng cường đối thoại để củng cố niềm tin. Chuyến công du đầu tiên của một Ngoại trưởng Nam Hàn từ sáu năm nay là nhằm chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh Nam Hàn-Nhật Bản-Trung Quốc, dự kiến tổ chức cuối tháng 5/2024.
Theo thông tấn xã AFP, cuộc thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn, dự kiến cuối tháng 5/2024, có mục tiêu giảm nhẹ các lo ngại của Bắc Kinh về việc Hoa Thịnh Ðốn, Tokyo và Hán Thành siết chặt quan hệ về an ninh, quốc phòng.

Về quan hệ song phương, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra nhận định là hai quốc gia "đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức", "hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng lẫn nhau, tăng cường trao đổi và đối thoại, loại trừ các hiểu lầm, củng cố niềm tin".
Cũng trong cuộc hội đàm, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng là Nam Hàn xử sự "đúng đắn và thận trọng" về các vấn đề liên quan đến Đài Loan và tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Quốc". Hồi tháng 4/2024, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol tuyên bố các căng thẳng liên quan đến Đài Loan là do "các nỗ lực nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực", ngụ ý lên án Bắc Kinh.
Trung Quốc vừa là đối tác thương mại số một của Nam Hàn, vừa là đồng minh chủ chốt của chế độ Bắc Hàn.


Hai Tập Đoàn Pin Mặt Trời Trung Quốc Rút Khỏi Một Dự Án Công Âu Châu


(Hình: Tấm pin mặt trời trong dây chuyền sản xuất, tại nhà máy Meyer Burger Technology AG, ở Freiberg, Đức, ngày 12/3/2024.)
-Hôm 13/5/2024, hai tập đoàn pin mặt trời Trung Quốc thông báo rút khỏi một cuộc đấu thầu dự án xây dựng một trạm điện mặt trời tại Lỗ Ma Ni, trị giá gần 400 triệu Euro.
-Đối với các nước Âu Châu, đây là bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của các công cụ pháp lý mới, về các dự án công của Liên Hiệp Âu Châu (EU), cho phép bảo đảm tính "minh bạch" và "cạnh tranh công bằng". Thông tín viên Pierre Bénazet của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ Brussels (thủ đô của Bỉ):

Hai doanh nghiệp Trung Quốc Longi và Shanghai Electric rút khỏi cuộc đua giành quyền xây dựng trạm điện mặt trời Rovinari, một dự án trị giá khoảng 400 triệu Euro, do các quỹ Âu Châu tài trợ một phần. Quy định mới của Âu Châu, có hiệu lực từ gần một năm nay, cho phép kiểm soát các bên tham gia đấu thầu đối với các dự án công có trị giá cao hơn 250 triệu Euro. Trong trường hợp đó, các doanh nghiệp tham gia đấu thầu có nghĩa vụ thông báo với Ủy Ban Âu Châu, khi nhận được hơn 4 triệu tài trợ của ngoại quốc.
Trong trường hợp này, Longi là một tập đoàn sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới và Shanghai Electric là doanh nghiệp của nhà nước Trung Quốc. Đối với Ủy Ban Âu Châu (EC), việc công ty nhận được trợ giá ngoại quốc tham gia đấu thầu sẽ gây cản trở đối với thị trường. Hiện tại cuộc điều tra của Âu Châu về hai doanh nghiệp Trung Quốc mới chỉ trong giai đoạn đầu, tuy nhiên kể từ giờ quy định mới của Âu Châu cấm tất cả các doanh nghiệp nhận tài trợ ngoại quốc tham gia đấu thầu các dự án công của Âu Châu. Lĩnh vực pin mặt trời đặc biệt nhạy cảm, bởi Âu Châu hiện đang nhập cảng đến 97% tấm pin mặt trời.

Nhu cầu điện mặt trời của Liên Hiệp Âu Châu (EU) là rất lớn. Từ đây đến năm 2030, EU có kế hoạch tăng tỉ lệ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, từ 22% hiện nay lên ít nhất 42,5%. Tuyệt đại đa số tấm pin mặt trời EU nhập cảng đến từ Trung Quốc.
Theo trang mạng chuyên về năng lượng mới revolution-energetique.com, Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực điện mặt trời. Năm 2023, tại Trung Quốc, tổng cộng 216 GW công suất điện mặt trời được lắp đặt, gần gấp đôi năm 2022. Công suất điện mặt trời Trung Quốc lắp đặt chỉ riêng trong năm 2023 đã bằng 80% tổng công suất điện mặt trời của toàn Âu Châu tính đến cuối 2023.


Trung Quốc Phát Hành 138 Tỉ Mỹ kim Trái Phiếu Chính Phủ Để Thúc Đẩy Kinh Tế


(Ảnh: Đồng Nhân dân tệ Trung Quốc.)
-Hôm 3/5/2024, Bộ Tài chánh Trung Quốc thông báo trong tuần này bắt đầu phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm nhằm hỗ trợ kinh tế.
Theo giới chuyên gia, đợt phát hành này giúp bổ sung vốn cho các ngân hàng công và đầu tư cho các dự án dài hạn của chính phủ trong bối cảnh khủng hoảng địa ốc và những thất bại trong việc giải quyết nợ dài hạn ở cấp địa phương. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể về biện pháp mới này:
"Đây là lần thứ năm Trung Quốc thực hiện chu kỳ phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt. Lần đầu tiên là vào năm 1998, Bắc Kinh phát hành công trái nhằm tái cấp vốn cho các ngân hàng Nhà nước; vào năm 2007 nhằm thành lập quỹ quốc gia; năm 2020 Nhà nước đã huy động 1 tỉ Nhân dân tệ cho cuộc chiến chống đại dịch Covid; vào năm 2023 cũng là 1 tỉ Nhân dân tệ, mà theo thông báo chính thức của Nhà nước là để ứng phó với các thảm họa thiên nhiên, nhưng trên thực tế là để vực dậy nền kinh tế đang suy thoái.

Lần này, chính phủ muốn hỗ trợ kinh tế trong một thời gian rất dài vì trái phiếu được phát hành sẽ có kỳ hạn 20, 30 và 50 năm. Theo Bộ Tài chánh, công trái sẽ giúp tài trợ cho các dự án rất dài hạn "cần thiết cho quá trình hiện đại hóa nền kinh tế". Từ tháng 5 đến tháng 11 năm sau, chính phủ trung ương sẽ phát hành 300 tỉ Nhân dân tệ trái phiếu kỳ hạn 20 năm, 600 tỉ Nhân dân tệ trái phiếu kỳ hạn 30 năm và 100 tỉ Nhân dân tệ trái phiếu kỳ hạn 50 năm.
Việc Nhà nước phát hành công trái sẽ giúp "đẩy nhanh các khoản chi ngân sách", theo một chuyên gia kinh tế được Bloomberg trích dẫn. Đây là một cách để góp phần "duy trì tăng trưởng dương trong quý I" và tăng cơ may đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%/ năm mà chính quyền đã đề ra".


Trung Quốc Điều 300 Quân Đến Tập Trận Cùng Cam Bốt


(Hình: Tàu Trung Quốc đến cảng ở Sihanoukville hôm 13/5/2024.)
-Tàu đổ bộ lưỡng cư của Trung Quốc, mang theo 300 lính, vừa đến tỉnh Sihanoukville của Cam Bốt, để tham gia cuộc tập trận chung Rồng Vàng 2024 giữa hai nước.
Các hình ảnh đăng tải trên trang Facebook của căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt cho thấy một buổi lễ chào đón tàu Trung Quốc Type 071 Qilianshan đến cảng ở Sihanoukville.
Hồi tuần trước, trang tin quân sự Trung Quốc – China Military Online – cho biết tàu Qilianshan đã rời cảng Trạm Giang ở tỉnh Quảng Đông mang theo 300 quân từ các lực lượng Hải quân, Không quân và Bộ binh tham gia cuộc tập trận chung.

Cuộc tập trận Rồng Vàng lần thứ sáu sẽ diễn ra từ ngày 16/5 đánh dấu bước tiếp theo trong việc làm sâu hơn quan hệ hợp tác quân sự giữa Xứ Chùa Tháp với Trung Quốc. Cuộc tập trận kéo dài 15 ngày ở hai địa điểm thuộc hai tỉnh Kampong Chhnang và Sihanoukville.
Tướng Thong Solimo, phát ngôn viên Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Cam Bốt, nói tại họp báo hôm 13/5 ở thủ đô Nam Vang rằng Cam Bốt sẽ tham gia với 1.300 quân và Trung Quốc sẽ có hơn 700 quân tham gia. Cùng tham gia tập trận có 3 chiến hạm lớn của Trung Quốc và 11 chiến hạm của Cam Bốt. Đây được coi là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay giữa hai bên.

Hiện không rõ hơn 400 quân Trung Quốc khác sẽ đến tham gia tập trận vào lúc nào.
Tập trận chung Rồng Vàng giữa hai nước được thực hiện hằng năm bắt đầu từ năm 2016 nhưng bị hủy vào các năm 2021 và 2022 do đại dịch COVID-19.

Báo chí Cam Bốt dẫn lời tướng Thong Solimo hôm 13/5 cho biết cuộc tập trận chung với Trung Quốc lần này nhằm nâng cao khả năng của quân đội cũng những kỹ năng tác chiến nhưng không nhằm đe dọa hay gây hại cho bất cứ quốc gia nào.


Mỹ Bắt Đầu Cấm Nhập Cảng Uranium Tinh Chế của Nga Từ Ngày 11/8


(Hình: Một mẫu uranium tinh chế. Mỹ sẽ bắt đầu cấm nhập cảng uranium tinh chế từ Nga vào ngày 11/8/2024.)
-Hôm thứ Ba (14/5/2024), Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết Lệnh cấm của Mỹ về nhập cảng uranium tinh chế từ Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 11/8.
Lệnh cấm, được Tổng thống Joe Biden ký thành luật hôm thứ Hai (13/5), cho phép miễn trừ trong trường hợp các nhà máy điện nguyên tử gặp vấn đề về nguồn cung. Việc miễn trừ sẽ kết thúc vào hoặc trước ngày 1/1/2028.
Đây là động thái mới nhất của Hoa Thịnh Ðốn nhằm giảm nguồn thu của Tổng thống Nga Vladimir Putin để chống lại cuộc chiến ở Ukraine.

Đạo luật này cũng tiết kiệm được 2,7 tỉ Mỹ kim cho Hoa Kỳ để tăng cường ngành công nghiệp nhiên liệu uranium trong nước.
"Tương lai năng lượng sạch của quốc gia chúng ta sẽ không phụ thuộc vào nhập cảng của Nga", Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết trong một thông cáo báo chí. "Chúng tôi đang đầu tư để xây dựng chuỗi cung ứng nhiên liệu nguyên tử an toàn tại Hoa Kỳ".
Anatoly Antonov, Ðại sứ Nga tại Mỹ, nói sau khi ông Biden ký Dự luật rằng động thái của Hoa Thịnh Ðốn đang dẫn đến những cú sốc trong quan hệ kinh tế toàn cầu, nhưng sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.
Tòa Ðại sứ Nga tại Hoa Thịnh Ðốn dẫn lời ông Antonov nói hôm thứ Hai trong một bài đăng trên kênh nhắn tin Telegram của mình: "Sự cân bằng mong manh giữa các nhà xuất cảng và nhập cảng các sản phẩm uranium đang bị phá vỡ".


Tổng Thống Biden Tăng Mạnh Thuế Quan Mỹ Lên Chip, Xe Hơi Trung Quốc


(Hình: Chip Trung Quốc là một trong những mặt hàng bị Hoa Kỳ áp đặt mức thuế tăng mạnh.)
-Hôm thứ Ba (14/5/2024), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố hàng loạt thuế tăng mạnh đối với nhiều hàng nhập cảng của Trung Quốc, bao gồm xe điện, chip máy điện toán và các sản phẩm y tế, động thái có thể gây ra nguy cơ bế tắc với Bắc Kinh trong năm bầu cử khi ông cần thu hút những cử tri cho điểm thấp về chính sách kinh tế của ông.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố rằng ông Biden sẽ giữ nguyên các mức thuế do người tiền nhiệm đảng Cộng hòa Donald Trump đưa ra trong khi tăng các mức thuế khác, với lý do "những rủi ro không thể chấp nhận được" đối với "an ninh kinh tế" của Mỹ vì tình trạng được nói là những hành vi không công bằng của Trung Quốc đang khiến cho thị trường toàn cầu tràn ngập hàng giá rẻ.
Tòa Bạch Ốc cho biết các biện pháp mới này tác động tới 18 tỉ Mỹ kim hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc, bao gồm thép và nhôm, chất bán dẫn, pin, khoáng sản quan trọng, pin mặt trời và cần cẩu.

Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, Hoa Kỳ đã nhập cảng 427 tỉ Mỹ kim hàng hóa từ Trung Quốc vào năm 2023 và xuất cảng 148 tỉ Mỹ kim sang nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, một khoảng cách thương mại đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và trở thành chủ đề nhạy cảm hơn bao giờ hết ở Hoa Thịnh Ðốn.
Cố vấn Kinh tế Quốc gia Tòa Bạch Ốc Lael Brainard nói với các phóng viên trong một cuộc họp qua điện thoại: "Trung Quốc đang sử dụng cùng một chiến thuật trước đây trong việc thúc đẩy tăng trưởng của mình mà gây thiệt hại cho người khác bằng cách tiếp tục đầu tư, bất chấp năng lực dư thừa của Trung Quốc và tình trạng thị trường toàn cầu tràn ngập hàng xuất cảng giá thấp vì những hành vi không công bằng".
Ngay cả khi các bước đi của ông Biden tương đồng với điều mà ông Trump trước đây cho rằng cần bảo đảm có các biện pháp thương mại cứng rắn hơn, thì Tổng thống của đảng Dân chủ vẫn nhắm vào đối thủ của ông trong cuộc bầu cử vào tháng 11.

Tòa Bạch Ốc nói Thỏa thuận Thương mại năm 2020 của ông Trump với Trung Quốc không làm tăng xuất cảng của Mỹ hay thúc đẩy việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ, đồng thời cho biết mức thuế 10% đối với hàng hóa xuất xứ từ tất cả các nơi mà ông Trump đã đề xuất sẽ khiến các đồng minh của Mỹ thất vọng và tăng giá cả. Ông Trump đã áp mức thuế từ 60% trở lên đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc.
Các viên chức chính quyền nói các biện pháp của họ được "nhắm mục tiêu cẩn thận", kết hợp với đầu tư trong nước, được lên kế hoạch với các đồng minh thân cận và không có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát vốn đã khiến cử tri Mỹ tức giận và gây nguy hiểm cho nỗ lực tái tranh cử của ông Biden. Họ cũng hạ thấp nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa.
Ông Biden đã gặp khó khăn trong việc thuyết phục cử tri về tính hiệu quả của các chính sách kinh tế của mình bất chấp tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng kinh tế cao hơn so với xu hướng. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos vào tháng trước cho thấy ông Trump có lợi thế hơn ông Biden 7 điểm phần trăm về kinh tế.

Không có nhận xét nào: