Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Koh Kra, một đêm trên 'đảo địa ngục' - Lưu Dân & Lý Nhân


Ghi chép của nhà báo Lưu Dân và Lý Nhân trong chuyến thăm lại hoang đảo Koh Kra, nơi được mệnh danh là ‘địa ngục trần gian’, nơi đã trở thành biểu tượng của oan nghiệt và tội ác trong trang bi sử thuyền nhân Việt Nam, tháng 3 năm 2016. Source: Văn Khố Thuyền Nhân Ghi chép Koh Kra, một đêm trên 'đảo địa ngục' gồm hai phần đi cùng một album hình ảnh. Đây là phần mở đầu. Đọc tiếp phần 2 ở đây. Hai chiếc ghe đánh cá và một taxi đổ bộ, 36 người hành hương từ năm quốc gia, một tấn lương thực và dụng cụ, 5 giờ hải hành và một đêm không ngủ…
<!>
Những con số thoạt nghe thật đơn giản nhưng phía sau đó là cả ngàn chuyện không tên và hơn chục vỉ thuốc nhức đầu; từ những việc hành (là) chính đến các vấn đề an ninh, di chuyển, ăn ở và cả chuyện… vệ sinh.

Dù vậy, những người tham dự đã không hé nửa lời phàn nàn về điều kiện sinh hoạt thiếu thốn hoặc đoạn đường cực nhọc gian nan mà ngược lại, mọi người đều cảm thấy thân ái, nhẹ nhàng và hạnh phúc. Niềm an lạc đó, có lẽ từ nỗi mong chờ được toại nguyện, từ ước vọng được chia sẻ… và cũng có thể từ những duyên lành kỳ lạ suốt cuộc hành trình.

Từ chuyến tiền trạm dò đường năm 2013, Văn khố Thuyền nhân Việt Nam (VKTNVN) đã phải mất đến gần 3 năm mới thực hiện được chuyến viếng thăm và cầu nguyện của đoàn người Việt hải ngoại đầu tiên đến hòn đảo hoang đã thành biểu tượng của tuyệt cùng oan nghiệt và tội ác trong trang bi sử thuyền nhân.


Source: Văn Khố Thuyền NhânKoh Kra (phiên âm tiếng Thái là Cỏ Cả, nghĩa là Đảo Rùa – đọc nhanh từ chữ ‘Kara’, người địa phương còn đặt tên là “đảo độc”, chẳng hiểu vì sao) là một cụm 3 hòn đảo Koh Kra Yai, Koh Kra Klang và Koh Kra Lek, nằm cách bờ khoảng 80km từ bến tàu của làng đánh cá Hua Sai thuộc tỉnh Nakhon Si Thammarat ở miền nam Thái Lan. Hòn đảo lớn nhất chỉ rộng 3,5 dặm vuông với khoảng 80% diện tích là đá tảng, cây rừng, không có nguồn nước ngọt và trên đảo có rết. Tùy theo mùa, rùa biển có thể lên bờ đẻ trứng.

Cụm 3 đảo Koh Kra thường là nơi núp bão của các chiếc tàu đánh cá khơi xa và cũng từng là sào huyệt của các nhóm hải tặc trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước. Địa danh khét tiếng này đã được nhiều người biết hơn qua những lời tố cáo đến Cao ủy Tỵ nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) và quyển Hải tặc trên Vịnh Thái Lan (xuất bản năm 1981 tại Hoa Kỳ) của các nhà văn / nhà báo Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy sau khi họ được cứu thoát khỏi Koh Kra năm 1979.

Theo lời kể của các nhân chứng, khoảng 160 thuyền nhân VN đã chết vì đói khát, kiệt sức, bị hãm hiếp và thậm chí bị sát hại dã man trên hòn đảo này (tính đến thời điểm đó) – chưa kể đến một số khác bị bắt đi mất tích.

Từ ấy đến nay đã 36 năm. Hôm nay, 36 người trở lại… Con số trùng hợp ngẫu nhiên đến khó tin!

Source: Văn Khố Thuyền NhânÔng Trần Đông, Giám đốc VKTNVN và là Trưởng ban Tổ chức chuyến đi, cho biết ông đã phải quyết định hạn chế con số tham dự - dù có nhiều người muốn ghi danh - vì đây là lần đầu tiên một đoàn người Việt (từ Úc, Mỹ, Pháp, Canada và Việt Nam) du khảo và hành hương đến đây. Không ai trong đoàn, kể cả những ngư dân địa phương dẫn đường, biết rõ tình trạng của đảo ngày nay thế nào.

(Một chi tiết thú vị: Trong chuyến đi có 2 cô giáo từ Việt Nam đang làm việc ở Thái – xin không viết tên vì lý do mà… ai cũng biết. Hai bạn trẻ này hầu như không biết gì về chuyện vượt biên. Do mối liên hệ “đại bác bắn không tới” với một thành viên trong đoàn, họ đã tình nguyện hướng dẫn và thông dịch cho cả nhóm; từ việc trả giá khi đi shopping thư giãn với các bà đến trận cãi nhau với chủ xe gian lận cho các ông. Quả tình, nếu không có sự giúp đỡ tích cực của họ, Ban tổ chức chắc… “căng” lắm vì phải quơ tay suốt ngày!)

5 giờ sáng (thứ Ba, 22.03.2016), từ Hat Yai, mọi người được đưa đến làng chài Hua Sai để bắt đầu chuyến hải hành 5 tiếng đồng hồ “ra khơi biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông, biết đời viễn vông, biết ta hãi hùng”… Hành trang cá nhân gọn nhẹ, gạo nước xăng nhớt đầy đủ, áo phao an toàn cho từng người, lại có cả cảnh sát đi theo bảo vệ… Quá “sang” so với những trận “đánh chui” ngày xưa! Những người từng vượt biên sống lại cảm giác nhộn nhạo hồi hộp và một ít người ra biển lần đầu cũng đãi cho cá buổi ăn sáng “mì gói recycled” sau vài đợt sóng nhồi…

(Một chi tiết thú vị nữa: Thuyền trưởng chỉ huy “Hải đội Koh Kra” không ai khác hơn là viên tài công từng đưa nhóm tiền trạm VKTNVN ra đảo cách đây 3 năm. Khi đi tìm đường cho lần này, ông Trần Đông – chúng tôi gọi thân tình là “Trần Lão gia” – lớ ngớ thế nào mà hỏi thăm đúng phóc vợ của ông ta ngay giữa chợ!)

Chưa kịp nhả cơn say đất, chúng tôi đã có ngay duyên lành khi đặt chân lên Koh Kra: cuộc hạnh ngộ kỳ diệu với 5 vị sư Phật giáo Nam tông. Nhóm tăng sĩ này đã đến đảo từ vài ngày trước để thực hiện lễ an vị kim thân Đức Phật và sẽ lưu lại tu học và cầu nguyện trong một tháng. Ngay cả những người dẫn đường lẫn các nhân viên an ninh của chính quyền địa phương cũng không hề biết trước về sự hiện diện của họ trên đảo.

Hỏi ra mới biết họ được vị sư trụ trì của một ngôi chùa lớn trong đất liền sai phái ra đảo trong mùa Thanh Minh để tĩnh tâm cầu siêu và giải oan cho những vong hồn còn vương vấn chưa rời. Những vị sư này – khoảng độ tuổi trung niên – dường như không biết chuyện gì đã xảy ra trên Koh Kra vì lúc đó, họ chỉ là các chú tiểu hoặc còn được bồng bế trong lòng mẹ, nhưng theo lời sư phụ của họ, âm khí nơi đây rất nặng nề vì các vong linh chưa siêu thoát…

Giữa trưa nắng nóng như đổ lửa và không một làn gió, chúng tôi nghe chuyện mà lạnh toát sống lưng!

Source: Văn Khố Thuyền NhânTrong lúc các công nhân địa phương giúp việc bếp núc và lều trại, địa điểm chúng tôi tìm đến đầu tiên là tấm bia Tưởng Nhớ người tỵ nạn VN và Ghi Ơn vị ân nhân đã giải cứu cho những người sống sót khỏi hòn đảo địa ngục này. Đây là di tích gần như duy nhất được biết đến còn ghi dấu thời khổ nạn đó. Nhờ tìm hiểu trước, chúng tôi đã tìm gặp ngay nó nằm khuất trong mé rừng phía trái. Nhưng tấm bia có lẽ đã được làm mới (không rõ do ai và từ bao giờ) để thay thế tấm bia nguyên thủy màu đen được dựng lên khoảng hơn mười năm trước bởi một Nghiên cứu sinh Tiến sĩ người Đức, đã tìm đến đảo Kra, dựng lên bởi xúc động trước những dấu tích của sự thật được lưu lại. Đáng tiếc là chúng tôi không còn tìm thấy nội dung và hình ảnh của tấm bia này trên internet nữa.

Dựa lưng vào một tảng đá lớn, tấm bia hoa cương hiện nay màu hồng điểm trắng khắc những dòng chữ tiếng Anh sơn nhũ vàng như sau:

In honor of the thousands of Vietnamese refugees who were marooned, abused, tortured and even murdered here on Koh Kra island. May their suffering never be forgotten. With heartfelt thanks to Mr. Ted Schweitzer who was instrumental in saving thousands of marooned refugees.

Tạm dịch:

Trong sự tưởng nhớ hàng ngàn người tỵ nạn Việt Nam bị bỏ rơi, xâm hại, tra tấn và thậm chí giết chết trên đảo Koh Kra này. Cầu mong nỗi khổ đau của họ không bao giờ bị lãng quên. Với lời biết ơn chân thành gửi đến Ông Ted Schweitzer, người đã có công cứu mạng hàng ngàn người tỵ nạn bị bỏ rơi.

Nhân vật này là ông Theodore G. Schweitzer, công tác viên của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, người đã cứu giúp xấp xỉ 1,200 Thuyền Nhân Việt Nam lâm nạn hải tặc tại đảo Kra chỉ trong nhiệm kỳ 12 tháng ngắn ngủi của mình. Bản thân ông sau những việc làm này, đã gặp rất nhiều rắc rối với chính quyền Thái Lan lúc ấy.

Hôm sau, sau nghi thức đơn giản nhưng trang trọng, một nhóm trong đoàn đã trồng bốn chậu bông giấy (mang ra từ đất liền), đặt tại đây hai tượng nhỏ của Đức Mẹ Maria (mang từ Việt Nam) và Bồ tát Quán Thế Âm (mang từ Úc) để tỏ lòng thành tâm tưởng niệm của cả đoàn trước khi rời đảo.

Cùng lúc đó, một nhóm khác cũng xoay trần ra khoan đá và gắn Bia Tưởng Niệm (do Văn Khố Thuyền Nhân thực hiện) vào vách núi. Những mũi khoan nóng rực thay nhau xoáy từng ly vào tảng đá triệu tuổi như in sâu lời hứa không quên những đồng bào bất hạnh nằm lại hoặc mất tích giữa biển khơi…

Việc làm tưởng như dễ dàng và đơn giản này đã ngốn “toán nhân lực chủ lực” hơn 5 tiếng đồng hồ, từ khi vừa lên đảo đến lúc chập choạng tối. Cuối cùng, dưới ánh trăng rằm mới nhú trên đỉnh đảo, tấm bia đã được gắn chặt vào vách núi bằng loại keo xi-măng chuyên dụng cho cần cẩu và giếng dầu ngoài khơi, mà sức người không thể phá hủy bằng các dụng cụ thông thường – ngoại trừ đập hẳn tảng đá lớn.

Đây là tấm bia làm bằng thép đặc biệt, không rỉ sét hoặc bị ăn mòn, có sức chịu đựng thời gian và thời tiết khắc nghiệt đến 30 - 40 năm, được mang đến bởi một thành viên từ Canada. Anh đã tự tay làm lấy tấm bia sau khi biết tin về chuyến đi Koh Kra. Nội dung của tấm bia – qua sự tham khảo ý kiến của nhiều vị lãnh đạo tinh thần và đại diện cộng đồng trên khắp thế giới – được tạc chìm vào bia với dòng chữ màu đen vĩnh viễn không phai:

This Memorial is a THANK YOU dedicated to the Thai People and Government who helped the Vietnamese boat people during their perilous journey and is a MARK of RESPECT to hundreds of thousands who did not survive the exodus (1975-1996)

Overseas Vietnamese Communities
Archive of Vietnamese Boat People
March 2016.
Tạm dịch:

Bia tưởng niệm này là lời CÁM ƠN gửi đến Nhân dân và Chính phủ Thái đã giúp đỡ cho thuyền nhân Việt Nam trong cuộc hành trình gian nguy của họ và cũng là sự BÀY TỎ LÒNG KÍNH NGƯỠNG đến hàng trăm ngàn người đã không sống sót qua cuộc đào thoát lưu vong (1975 - 1996)

Cộng đồng Người Việt Hải ngoại
Văn khố Thuyền nhân Việt Nam
Tháng Ba 2016.

Source: Văn Khố Thuyền Nhân

(Thêm một chi tiết thú vị khác: Nhóm gắn bia gồm 4 người, đến từ 4 quốc gia khác nhau: Mỹ, Úc, Canada và Việt Nam – và trong thùng dụng cụ mang theo, không có cái nào… 'Made in China')

Nhóm gắn bia lựa chọn vị trí này một cách ngẫu nhiên – giữa một vệt hằn mưa nắng từ bao đời, in đọng lại như dòng máu khô chảy từ đỉnh núi – sau quyết định tại chỗ của Ban tổ chức.

Một điều không ngờ là sau khi chúng tôi rời đảo, một người quen đã gởi đến tấm hình 36 năm trước. Khi xem lại và so chiếu, căn cứ vào dáng vẻ và màu sắc của vết nứt dọc triền núi trong 2 tấm hình, chúng tôi bàng hoàng nhận ra tấm Bia Tưởng Niệm nằm đúng nơi mà một nữ nạn nhân bị hải tặc hãm hại đang được các bạn đồng thuyền cứu cấp. Sự trùng hợp nhiệm mầu này đã làm cho mọi người cảm thấy nhẹ lòng rất nhiều.

Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Các nhóm khác, một cách tự nguyện, tham gia vào các việc bếp núc, lều trại, quay phim, phỏng vấn… Mỗi người một việc, tất cả đều sốt sắng vì biết đoàn không có nhiều thời giờ trong chuyến đi lịch sử này. Và ai nấy cũng nôn nao chờ đợi buổi sinh hoạt chung sau cơm tối.

Dù Úc là nhóm đông đảo, “chịu cày và chịu nhậu” nhất (19 người, từ khắp các tiểu bang của “xứ Miệt Dưới”), dẫn đầu bởi Trần Lão Gia và “Ông già Lựu Đạn”, nhưng có lẽ “đình đám” hơn là nhóm từ Mỹ (12 người) với “băng truyền thông” hăng say nghề nghiệp.

Đặc biệt trong nhóm Mỹ còn có “cậu bé Koh Kra” Don Hồ, ca sĩ nổi danh trong các cộng đồng người Việt khắp thế giới. Từ đầu anh đã kín đáo yêu cầu Ban tổ chức không loan báo danh tánh để cho anh được tự nhiên sinh hoạt với mọi thành viên trong đoàn và thoải mái khóc cười với những kỷ niệm thời mới lớn trên đảo.

Các nhóm “lẻ loi” hơn – nhưng không vì thế mà… cô đơn – là từ Việt Nam (3 người, toàn thanh nữ độc thân, đang làm việc tại các nước Á châu khác), từ Canada (1 người mỏng như con mực khô, nhưng “ai tới đâu tui tới đó!” trong các công tác chung) và từ Pháp (1 phụ nữ cao niên lần đầu tiên tham dự Về Bến Tự Do cùng thân nhân ở Úc).

Nếu không vì nỗi ám ảnh quá khứ, có lẽ đêm trăng rằm mà chúng tôi trải nghiệm giữa khung cảnh bao la trời biển trên đảo sẽ là một thời gian lãng mạn và êm đềm nhất. Dẫu sao, đó cũng đã là một kỷ niệm khó phai trong lòng những người tham dự. Bên ánh lửa trại bập bùng và tiếng vỗ rì rào của sóng biển lên bãi san hô lao xao, chúng tôi đã có một buổi sinh hoạt tâm tình và văn nghệ mà bất cứ ai dù có tiền triệu cũng không thể mua được.

Những tiếng đàn lời hát của Viễn Trình (Melbourne, Úc), Đức “Bolero” (Sydney, Úc) và Don Hồ (California, Mỹ), những chuyện kể từ các nhân chứng Koh Kra của Hữu Định (California, Mỹ) và Kha Long (Sydney, Úc), những chia sẻ của Liên Hương (Pháp), Phương Mai (Sydney, Úc) và Lê Hùng (Alberta, Canada), giọng đọc truyện trầm ấm của Hoàng Dũng (California, Mỹ), lời tường thuật truyền cảm của Ngọc Ân (California, Mỹ)… xen lẫn các câu chuyện tiếu lâm rôm rả và những ly rượu chuyền tay đã khiến mọi người lưu luyến không muốn “tan hàng” dù lúc ấy đã gần 3 giờ sáng.

Phần lớn những căn lều cá nhân được dựng lên từ chiều đã trở thành… vô dụng, vì mọi người đều mang túi ngủ ra lăn kềnh dưới mái che của căn trại chung, tranh thủ chợp mắt lấy sức cho buổi sáng cầu nguyện và du khảo. Chẳng ai thú nhận… sợ ma, có lẽ nhờ sự hiện diện của 6 vị tu sĩ và tượng Phật lớn trên đỉnh đảo.

(Còn tiếp)

Source: Văn Khố Thuyền NhânLưu Dân & Lý Nhân

Tháng Ba 2016
(Nhân chuyến Về Bến Tự Do 24 do VKTNVN tổ chức)

Koh Kra, một đêm trên 'đảo địa ngục' (Phần 2)
Ghi chép của nhà báo Lưu Dân và Lý Nhân trong chuyến thăm lại hoang đảo Koh Kra, nơi được mệnh danh là ‘địa ngục trần gian’, nơi đã trở thành biểu tượng của oan nghiệt và tội ác trong trang bi sử thuyền nhân Việt Nam, tháng 3 năm 2016.


Nhà báo Lưu Dân và chiếc lư hương tìm thấy trong chuyến đi 3/2016, dấu vết thuyền nhân Việt Nam còn lại trên hoang đảo Koh Kra Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Ghi chép Koh Kra, một đêm trên 'đảo địa ngục' gồm hai phần đi cùng một album hình ảnh. Đây là phần cuối. Đọc lại phần mở đầu

Tiếng lục đục pha cà-phê từ lúc chưa rõ mặt người của toán thám du lên đỉnh đảo dường như không đủ sức đánh thức những kẻ còn bị “phê” sau đêm văn nghệ.

Toán thám du 6 người; gồm Kenneth Nguyễn (Mỹ), Lý Nhân (Việt Nam), Hùng Lê (Canada), Lym Trần (Úc), Đức “Bolero” (Úc) và “Duyệt Tuyệt sư thái” Phấn (Perth - Úc), không ai từng có kinh nghiệm đi rừng. Thay vì mang dao, giây, nước và lửa, họ chỉ “gói” theo một tràng chuỗi hạt, tượng Đức Mẹ và… kem chống nắng!

Nhóm thám du khởi hành từ 5.30 sáng khi sóng biển còn rì rào ngái ngủ. Tuy nhiên, vì không ai biết địa thế của đảo hay đường đi, mọi người đã quyết định tách làm đôi: một nhóm tản về phía Đông Nam của đảo theo các triền đá và bãi bồi do thủy triều như nhà văn Nhật Tiến đã ghi lại, một nhóm di chuyển theo phía Đông Bắc hướng lên đỉnh đảo để tìm đường xuống các hang động mặt B (xem họa đồ).


Source: Văn Khố Thuyền NhânTrích đoạn trong quyển “Thuyền Nhân – Vài Trang Bi Sử” của nhà văn Nhật Tiến (Việt Tide ấn hành nhân dịp tưởng niệm 30.04.2008):

“Có nhóm phụ nữ lẻn vào rừng sâu nằm yên chịu trận với mưa gió lạnh lẽo suốt ngày đêm giữa những bụi rậm um tùm đầy rắn rết và bọ cạp, những con bọ cạp chỉ chích nhẹ một vòi là bắp thịt sưng vù lên và nhức buốt lên tới óc. Cũng có nhóm trèo lên núi cao chênh vênh, vách đá trơn trợt để chui vào những bụi cây um tùm, trong số này đã có những người bị trượt ngã xây xát khắp mình mẩy, nhưng rất may không có ai bị rớt xuống bãi biển qua vách đá dựng đứng ở cả hàng trăm thước bề sâu. Nhiều phụ nữ khác chui nhủi vào những mỏm đá ngoài bờ biển, ngâm chân suốt ngày đêm trong nước mặn, lúc nào lưng cũng phải khom xuống vì trần đá thấp…”

Sau khoảng nửa giờ tìm đường đi, chúng tôi nhận thấy hướng theo phía Đông là đường cùng, hướng duy nhất để lên đỉnh đảo để tiếp cận các hang động trên núi là theo đường rừng. Nhóm nhập lại và cùng tìm đường lên đỉnh.

Một thành viên cao niên trước khi trở về trại do đường đi khó khăn, sau này kể lại ngay lúc đó đã nhìn thấy một cánh bướm trắng cứ quẩn quanh tại vị trí chúng tôi quyết định leo lên núi. Cánh bướm này cũng xuất hiện một lần nữa trước mặt Cô và một thành viên trong nhóm truyền thông Mỹ, khi đoàn tập trung để gắn tượng Đức Mẹ và Phật Quan Âm trên Bia Tưởng nhớ người tỵ nạn và Ghi ơn Ông Theodore G. Schweitzer.

Quãng đường đi và về từ trại mặt A lên đỉnh đảo (nếu không vòng qua các triền đá ở mặt Đông của đảo) mất khoảng 3.5 giờ. Dọc đường đi chúng tôi gặp rất nhiều bụi gai và tàng lá thấp, càng lên cao thì cây càng trở nên thưa và lớn, nhưng có đá tảng và trơn.

Chúng tôi gật đầu với nhau rằng nếu không chuẩn bị cưa tay thì rất khó có thể lên được đỉnh và tìm di tích (bằng chứng là cả 6 thành viên sau khi trở về đều xây xát khắp mình mẩy; một thành viên cao niên còn bị trợt chân té xuống dốc, nhưng rất may mắn đã bám kịp vào một gốc cây; một thành viên khác trong lúc tìm đường xuống dốc đã đạp lên 1 tảng đá khiến nó rơi thẳng xuống người ở dưới, cũng rất may mắn người này tránh ra kịp).

Các nhóm tìm di tích trong tương lai cũng nên chuẩn bị giày đi rừng và quần áo chống côn trùng đặc biệt là vùng da quanh cổ, đồng thời mỗi người nên tìm một thân cây dài đủ để trợ lực những đoạn khó leo và dò đường, vì qua năm tháng, lá khô và mục đã phủ lên những khe đá nứt, nếu không cẩn thận có thể sụp chân xuống và bị bong gân dễ dàng.
Source: Văn Khố Thuyền Nhân

Source: Văn Khố Thuyền NhânKhi tìm đường đi, chúng tôi đã đặc biệt chú ý đến những mỏm đá không bị cản tầm nhìn bởi rừng cây dày đặc, nơi có thể nhìn ra biển mà ngày xưa Đồng Bào đã có thể tập trung để giơ tín hiệu S.O.S cho trực thăng và tàu Hải Quân Thái Lan. Cũng tại những mỏm đá này, Đồng Bào có thể đã đứng canh chừng tàu hải tặc Thái tấp vào, từ đó dẫn các phụ nữ đi trốn trong các hang động mặt B.

Tại một hốc đá ở đỉnh đảo, chúng tôi trân kính đặt một linh tượng Mẹ Maria Ban Ơn đã được làm phép Thánh và mang từ Việt Nam sang. Tượng được đặt hướng ra biển, và dang tay như người mẹ che chở và xoa dịu những đứa con xấu số, trải qua quãng đời ngắn ngủi mà khổ đau.

Chặn giữa đỉnh đảo và khu trại là một triền đá lớn, nhẵn, tương tự như triền đá nơi chúng tôi đặt Bia Tưởng Niệm. Các nhóm tìm kiếm trong tương lai khi gặp triền đá này nên tránh vì khá nguy hiểm, nên rẽ phải nhắm hướng khu trại, men theo một triền cỏ lau vì cỏ lau bám đất, có thể dựa theo đó để xuống sẽ an toàn hơn rất nhiều.

Source: Văn Khố Thuyền NhânDưới bãi, vài nhóm nhỏ khác do Trần Lão gia hướng dẫn (và các toán truyền thông Mỹ - Úc bám theo để ghi nhận những hình ảnh và thực hiện phỏng vấn tại chỗ) cũng bắt đầu tản mác vào các bờ bụi ven chân núi để tìm kiếm di vật. Đường đi cũng gay go và vất vả chẳng kém nhóm lên núi thám du; cũng gai nhọn, kiến vàng, cành mục, lỗ hang trồi sụp bất ngờ… Nghĩ lại mấy chục năm trước, những cô gái tả tơi, ốm đói, kiệt sức đã phải băng mình qua đoạn đường này để lên núi trốn bọn hải tặc mà không khỏi quặn lòng.

Sau vài giờ vạch cây hốt lá tìm kiếm, các nhóm đã phát giác ra bốn ngôi mộ đơn sơ (có thể còn nhiều hơn nếu có thêm thời gian) nằm gần nhau, được đánh dấu bằng những hòn đá xếp thành vòng tròn. Mọi người cũng đứng thành vòng tròn, chắp tay tưởng niệm trong thinh lặng của núi rừng u tịch hoang dã. Làn khói trắng từ những nén hương cầu nguyện tỏa lên, mong manh như phận người mà thắm thiết như tình tự quê hương.

Chúng tôi cũng đã tìm thấy một số vật dụng bên cạnh những ngôi mộ này: một bình trà, lọ hương, chiếc giày của một bé gái, vài mảnh xoong chảo đã rỉ sét và một lon sữa Guigoz, những món đồ không thể nhầm lẫn của thời khốn khó mang đi từ quê hương trên đường tìm sống. Những di vật đó sẽ được gìn giữ ở Viện Bảo tàng Thuyền nhân VN tương lai như các chứng tích của cuộc đào thoát bi tráng nhất trong lịch sử dân tộc.
Source: Văn Khố Thuyền Nhân

Source: Văn Khố Thuyền NhânTrên bãi, trời đã sáng rõ. Một ngày mới bắt đầu, tinh khôi như… vừa đến đây hôm qua. Ăn uống qua loa (một chuyện đã làm cho Ban tổ chức nhức đầu, nhưng bây giờ lại quá dư dả), mọi người bắt tay ngay vào việc thiết lập bàn thờ cầu nguyện cho các vong hồn oan thác.

Bóng mát của mái lều, màu sắc của bốn chậu bông giấy tươi tắn, những phẩm vật cúng tế trên bàn thờ, màu áo vàng đất của các sư thầy Thái Lan… hoà quyện trên nền cát trắng và rừng xanh thành một bức tranh sống động giữa trời biển mênh mông. Từng bàn tay ân cần, từng lời nói nhỏ nhẹ, từng bước chân êm ái… tất cả như e ngại một âm thanh hoặc cử chỉ bất nhã nào có thể gây xáo động những vong linh đang tụ về.

Năm vị sư Thái đã cùng hợp niệm với Thượng toạ Thích Phước Thiền (Chùa Quang Minh, Melbourne – Úc) trong buổi lễ chiêu hồn và cầu siêu trang nghiêm và cảm động. Lời kinh trầm buồn quyện theo mùi hương thoang thoảng trong gió sớm đã khiến nhiều người không ngăn được nỗi ngậm ngùi cho những đồng bào bất hạnh trên đường đi không đến.


Source: Văn Khố Thuyền NhânCũng tại địa điểm cầu nguyện này, một nhóm tín đồ Công giáo đã dâng lễ tạ ơn và hát “Kinh Hoà Bình”, một bài thánh ca do Lm. Kim Long viết theo Lời nguyện của Thánh Francis thành Assisi ở Ý vào thế kỷ 13, thay nén nhang lòng gửi đến những người nằm xuống và trao truyền tin yêu cho người đang sống, để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”


Source: Văn Khố Thuyền NhânBữa ăn trưa cũng vội vàng để kịp dọn trại trước khi biển trở sóng. Chẳng ai tha thiết lắm về nhu cầu bao tử, vì cảm xúc đã ngập tràn trong lòng họ. Chúng tôi cũng không quên dọn rác trên bãi trước khi rời đảo. Ít ra nó cũng sạch hơn khi chúng tôi mới đến…

Source: Văn Khố Thuyền NhânLàn gió biển nhè nhẹ của mùa đồng chung mơn man trên đường về đã giúp những mí mắt trĩu nặng vì thiếu ngủ được dăm phút nghỉ ngơi. Những địa danh xa lắc xa lơ mà cồn cào nỗi nhớ một thời như Hat Yai, Songkhla, Tha Sala, Hua Sai, Nakhon, Pak Panang... đang chờ đợi chúng tôi trong chặng đường kế tiếp của chuyến hành hương.
Source: Văn Khố Thuyền Nhân

Source: Văn Khố Thuyền NhânBỗng nhớ, thật tình cờ, một đoạn trong bài thơ dài “Ta về” của Tô Thùy Yên:

“Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này”…

Bài tường trình này, trong cách riêng của người viết, xin được hoá thân làm một giọt rượu hồng gửi đến những thuyền nhân Việt Nam nằm lại ở Koh Kra.

Lưu Dân & Lý Nhân


Tháng Ba 2016.
(Nhân chuyến Về Bến Tự Do 24 do VKTNVN tổ chức)


Source: Văn Khố Thuyền Nhân



Koh Kra, Koh Kra…


Koh Kra, Koh Kra
Vách đá dựng
Hoang đảo mịt mù xa
Từ hốc núi ẩn thân
Một bước sẩy chân
Xác rơi không tiếng vọng
Còn rờn rợn giọng cười dã thú
Bầy hải tặc gầm rú say sưa
Mưa sớm nắng trưa
Đọng thành dòng tội ác
Như vệt máu thời gian tan tác…


Tháng Ba chúng tôi về

Dù trễ mấy mươi năm

Vẫn những con sóng cũ

Đầu quấn khăn tang

Chập chờn trắng biển…


Hình như có tiếng ai

Nửa như trách

Nửa như than

Cừu hờn, oan nghiệt

Thoảng theo tiếng gió

Về trong tiếng mõ tiếng chuông


Hồi kinh chiêu hồn lặng lẽ

Vị sư già quệt giọt lệ như sương

Đã đi qua mấy đoạn trường

Mà sao hạt bụi vẫn còn vướng mi…


Trên đỉnh đảo

Tiếng hát ai đứt nghẹn

“Xác em nay ở phương nào?”

Xin chờ nhau cuối chiêm bao trùng phùng


Koh Kra, Koh Kra…

Em ở lại, ngàn năm ngời trinh tiết

Tôi để lại, một đời không quên được

Gửi trùng khơi lời tưởng tiếc khôn nguôi…


Lưu Dân (Sydney, Australia)
Tháng Ba 2016.
(Nhân chuyến Về Bến Tự Do 24 do VKTNVN tổ chức)


Ghi chép Koh Kra, một đêm trên 'đảo địa ngục' gồm hai phần cùng một album hình ảnh.

Không có nhận xét nào: