Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:15/5/2024 - Mỹ Loan

Ngoại trưởng Mỹ chơi đàn, hát rock khi thăm Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ngẫu hứng chơi đàn guitar và hát cùng ban nhạc rock trong chuyến thăm Kiev nhằm gửi gắm thông điệp đến Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14/5 đã có chuyến thăm thủ đô Kiev của Ukraine để khẳng định cam kết ủng hộ vững chắc của Mỹ.Trong chuyến thăm này, nhà ngoại giao Mỹ đã xem ban nhạc 19.99 biểu diễn tại một nhà hàng dưới tầng hầm. Họ chơi bài "Rockin' in the Free World" (Rock trong thế giới tự do) của Neil Young, bản nhạc rock nổi tiếng phát hành năm 1989. Ở phần cuối chương trình, ca sĩ chính của ban nhạc đã giới thiệu Ngoại trưởng Blinken là "người bạn lớn của Ukraine".
<!>
Ông Blinken bước lên sân khấu và gửi gắm thông điệp động viên đến Ukraine. "Những người lính, người dân Ukraine, đặc biệt ở vùng Kharkov đang vô cùng đau khổ. Nhưng các bạn cần biết rằng Mỹ luôn ủng hộ các bạn, rất nhiều người trên thế giới này ủng hộ các bạn. Các bạn đang đấu tranh không chỉ vì một Ukraine tự do, mà còn vì một thế giới tự do".

Sau đó, nhà ngoại giao Mỹ đã ngẫu hứng cùng ban nhạc chơi đàn và hát điệp khúc của bài "Rockin' in the Free World". Ông Blinken mặc áo sơ mi, mặc quần bò và chơi đàn guitar màu đỏ.
Một ca sĩ của ban nhạc 19.99 nói rằng, anh rất ấn tượng với khả năng chơi đàn guitar của nhà ngoại giao Mỹ. "Ngài Ngoại trưởng chơi rất tốt", ca sĩ này cho biết.

Ông Blinken là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ tới Ukraine sau khi quốc hội nước này thông qua gói viện trợ mới gần 61 tỷ USD cho Kiev cuối tháng trước. Đây là chuyến thăm thứ 4 của ông đến Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra tháng 2/2022.
Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với tình thế khó khăn khi Nga tăng cường tấn công, mở mặt trận mới ở Kharkov giữa lúc Kiev cạn kiệt vũ khí, đạn dược.

Ông Blinken tuyên bố: "Tôi đến Ukraine với một thông điệp: Các bạn không đơn độc".
Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết các lô viện trợ mới của Washington đang trên đường đến và chắc chắn sẽ giúp Ukraine tạo sự khác biệt trên chiến trường.
Ông cam kết, Mỹ sẽ giúp đẩy nhanh nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp quân sự Ukraine, cho phép nước này xây dựng "một lực lượng quân sự của tương lai", ít phụ thuộc hơn vào hỗ trợ từ các nước khác về lâu dài, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông cũng cho biết, Mỹ tịch thu các tài sản của Nga để hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước.
"Quốc hội đã trao cho chúng tôi quyền tịch thu tài sản của Nga ở Mỹ. Chúng tôi dự định sử dụng chúng. Nga sẽ phải bỏ tiền để tái thiết những gì mà họ đã phá hủy. Đó là điều mà luật pháp quốc tế yêu cầu, là điều mà người dân Ukraine đáng được nhận", nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Mỹ hứa cấp cho Ukraine vũ khí mới "thay đổi cuộc chơi"


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14/5 đã có chuyến thăm bất ngờ tới thủ đô Kiev của Ukraine và gặp gỡ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Chuyến thăm đánh dấu lần thứ tư ông tới Ukraine kể từ khi xung đột ở quốc gia này nổ ra cách đây hơn 2 năm và diễn ra không lâu sau khi quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ gần 61 tỷ USD cho Kiev.

AP và Reuters dẫn nguồn thạo tin cuộc họp của hai quan chức cho biết, Ngoại trưởng Blinken đã nói với Tổng thống Zelensky rằng: "Viện trợ đang trên đường tới Ukraine, một số viện trợ đã đến và sẽ còn nhiều lô viện trợ hơn nữa. Chúng sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự cho Ukraine trên chiến trường".

Nguồn tin cho biết thêm, trong cuộc họp, ông Zelensky thừa nhận quân đội Ukraine đang phải trải qua một "giai đoạn khó khăn", đặc biệt là ở miền đông. Ông đồng thời cảm ơn phía Mỹ về "gói hỗ trợ quân sự quan trọng".

Nhà lãnh đạo Ukraine được cho là đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận vũ khí Mỹ càng nhanh càng tốt và nhắc lại yêu cầu về các hệ thống phòng không bổ sung. Ông cũng giải thích rằng Ukraine đang thiếu các loại vũ khí như vậy, đặc biệt là xung quanh Kharkov, nơi Nga bắt đầu tấn công trở lại từ cuối tuần trước.

Một quan chức Mỹ tháp tùng Ngoại trưởng Blinken cho hay, chuyến thăm của ông nhằm "gửi một tín hiệu trấn an mạnh mẽ tới người Ukraine, những người rõ ràng đang ở trong thời điểm rất khó khăn". Ông Blinken cũng nêu chi tiết viện trợ của Mỹ sẽ giúp lực lượng Kiev như thế nào trong việc "giành lại thế chủ động trên chiến trường".

Phát biểu trong chuyến thăm Kiev, ông Blinken nhấn mạnh một thỏa thuận an ninh song phương tiềm năng giữa Mỹ và Ukraine sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đưa nước này đến gần mục tiêu trở thành thành viên NATO.

"Theo thỏa thuận 10 năm của chúng tôi, Mỹ sẽ hỗ trợ quốc phòng và an ninh trên một loạt năng lực thiết yếu từ lực lượng không quân đến lực lượng phòng không, từ máy bay không người lái đến rà phá bom mìn", ông Blinken nêu rõ.

Ngoại trưởng Blinken cũng gợi ý về cơ chế tham vấn được quy định trong thỏa thuận trong trường hợp Ukraine bị tấn công. "Nếu Nga hoặc bất kỳ bên nào khác tấn công Ukraine, chúng tôi sẽ làm việc với Ukraine ngay lập tức ở cấp cao nhất để phối hợp giúp đỡ các bạn đáp trả", ông Blinken nhấn mạnh.

Ông Blinken tin rằng thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Mỹ sẽ giúp đẩy nhanh nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp quân sự Ukraine, cho phép nước này ít phụ thuộc hơn vào hỗ trợ quân sự từ các nước khác về lâu dài, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mỹ và Ukraine đang trong quá trình hoàn tất thỏa thuận. Theo ông Blinken, các thỏa thuận an ninh song phương mà Ukraine đã ký kết hoặc đang đàm phán với các nước hiện nay sẽ đóng vai trò là cầu nối đưa Ukraine đến gần NATO hơn.

Ba Lan dự đoán xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài 10 năm


Trả lời Polskie Radio, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết, cuộc chiến Nga - Ukraine có thể kéo dài 10 năm.
"Nói chung, những cuộc xung đột như vậy sẽ kéo dài khoảng 10 năm", nhà ngoại giao cấp cao Ba Lan cho biết.

Ông Sikorski cũng tin rằng Nga sẽ không tấn công các nước NATO nếu như liên minh quân sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho khả năng leo thang xung đột với Moscow. Tuy nhiên, ông cho rằng NATO "không nên loại trừ hoàn toàn khả năng như vậy".

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng xung đột ở Ukraine có thể kéo dài thêm vài năm nữa.
Vào tháng trước, ông Scholz nói: "Chiến tranh ở Ukraine kết thúc vào thời điểm Tổng thống (Nga Vladimir) Putin quyết định rút quân. Tuy nhiên, ông ấy sẽ chỉ đưa ra quyết định đó nếu nhận ra rằng mình không thể giành chiến thắng trên chiến trường".

Ông Scholz cho rằng sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine là "chìa khóa để khôi phục hòa bình" ở châu Âu.
Nga nhiều lần khẳng định để ngỏ đàm phán với Ukraine với điều kiện Kiev thừa nhận tình hình thực tế, nói cách khác là thừa nhận sự kiểm soát của Nga đối với một số vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 10/2022 đã ký ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine.
Chính vì vậy, cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn chưa thể đến hồi kết do các bên quá khác biệt về điều kiện tiên quyết để bắt đầu đàm phán.

Trong khi đó, giới chức NATO nhiều lần cảnh báo liên minh này không được phép để Nga giành chiến thắng tại Ukraine vì có nguy cơ Moscow sẽ không dừng lại.

Tuần trước, người đứng đầu cơ quan phản gián quân sự Ba Lan Jarosław Stróżyk cảnh báo rằng Nga dường như đã chuẩn bị cho một chiến dịch nhỏ chống lại các quốc gia biên giới NATO ở đông bắc châu Âu.
"Nga chắc chắn đã chuẩn bị sẵn sàng cho một số chiến dịch quy mô nhỏ chống lại một trong các quốc gia vùng Baltic", ông Stróżyk nói, không nêu ra bằng chứng cụ thể.

Ông cảnh báo Nga có thể "sẵn sàng để tiến vào thị trấn biên giới Narva" dọc biên giới Estonia - Nga "hoặc đổ bộ lên một trong những hòn đảo của Thụy Điển".
Giới chức Nga nhiều lần nhấn mạnh họ không có kế hoạch tấn công NATO vì nó không mang lại cho họ bất cứ lợi ích gì.

"Điều này thật vô nghĩa. Những suy đoán rằng chúng tôi sẽ tấn công châu Âu sau Ukraine hoàn toàn vô nghĩa và chỉ nhằm mục đích đe dọa người dân các nước này để lấy tiền của họ", Tổng thống Nga Vladmir Putin phát biểu hồi tháng 3.

Không có nhận xét nào: