Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình.
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.
Saukhúc nhạc Hồn Tử Sĩ dạo đầu, cô ca sĩ vừa cất tiếng hát: “Ngày mai đi nhận xác chồng” thì người đàn ông ở tuổi 82 với 13 năm cầm súng bỗng rụng rời chân tay, mặc dù đã nghe nhiều lần khi còn là lính. Dù nghe ngoài chiến trường, nghe ở hậu phương, nghe khi còn trẻ, nghe khi đã về già, nghe ở mọi thời gian và không gian thì con tim nào mà không xúc động với lời thơ của thi sĩ Lý Thị Ý do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, xúc động cho nỗi đau mất chồng của người vợ lính, sống với hình ảnh người vợ lính khóc bên xác chồng.
<!>
Thi sĩ đã tâm sự với nhà báo Đinh Quang An Thái về hoàn cảnh sáng tác bài thơ:
– Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku, thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep, hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình.”
Không là vợ lính, chưa là vợ lính mà tác giả đã sống với hình ảnh người vợ lính khóc bên xác chồng thì còn nỗi đau nào hơn của người goá phụ đi nhận xác chồng.
Đi nhận xác chồng để đem về lo hậu sự thật là đau đớn, nhưng rồi thời gian sẽ xoa dịu vết thương lòng khi biết “anh” đã mồ yên mả đẹp, “em” còn biết anh ở nơi nào để đến thăm với bó hoa, nén nhang, còn được ngửi mùi hương mà nhớ tưởng hơi chồng.
Nhưng còn những bà mẹ, goá phụ không đi nhận mà phải đi tìm xác con, xác chồng thì không còn nỗi đau nào hơn. Trịnh Công Sơn rên xiết:
Khi đất nước tôi không còn chiến tranh.
Mẹ già lên núi tìm xương con mình!
Khi không còn chiến tranh, đồng đội đã về đoàn tụ với gia đình mà chẳng thấy bóng dáng các anh đâu, các anh đã nằm lại nơi rừng sâu, góc biển, không manh chiếu rách phủ xác, côn trùng, mối mọt đục khoét thân xác người lính mất tích nên nỗi đau người goá phụ càng thêm chồng chất ngày đêm nên phải đi tìm, nhưng biết anh nằm ở đâu mà tìm!
Khi không còn chiến tranh, đã có biết bao goá phụ TQLC đi tìm xác chồng, trong đó có các chị goá phụ HNH, chị ĐHT, chị NXP v.v… đã vượt trăm gian ngàn khổ, liều mình tìm đến chiến trường xưa, nhưng vật đổi, sao dời, biết ai mà hỏi, biết đâu mà tìm, đứng giữa chốn hoang vu, chiến trường xưa mà khóc, ngay cả đám đất, nơi anh nằm xuống cũng không biết để thắp nén nhang.
Mà dẫu có tìm đến nơi anh tử trận, biết anh nằm chung cùng đồng đội, nhưng làm sao phân biệt xương cốt để rước anh về.
Chị quả phụ Tô Thanh Chiêu cùng người anh là Tô Hạnh*, em Tô Giao đã tìm đến thôn An Dương để tìm xác chồng, xác em, xác anh, nhưng xương cốt Đại Uý Chiêu đã trộn lẫn cùng với 132 bộ hài cốt đồng đội, nên người goá phụ chỉ còn biết khóc than:
– Anh! Xưa anh chiến đấu cùng đồng đội, thì nay xin anh tiếp tục cùng đồng đội chung một nấm mồ: “Thập Loại Cô Hồn Hiển hách Chi Mộ”.
(* Từ Mỹ và Úc, Hạnh – Giao đã đôi lần về thôn An Dương thắp nhang cho Chiêu, tháng 2/2023, Hạnh chuẩn bị về thăm em Chiêu lần nữa thì bất ngờ Hạnh mất, Hạnh không về thăm em bằng máy bay mà bay theo gió!)
“Khi đất nước tôi không còn chiến tranh, mẹ già lên núi tìm xương con mình!”
Mẹ già Tô Thị Tiếp lên núi Bá Hô tìm xương con mình là Kình Ngư Vũ Văn Tuấn.
Vũ Văn Tuấn được Tiểu Đoàn Trưởng Trần Xuân Quang TĐT/TĐ4 Kình Ngư cho làm tài xế theo lời đề nghị của mẹ Tuấn, vì em ruột là Vũ Văn Hùng, tuy chưa tới tuổi đi lính, nhưng đã dùng khai sinh của Tuấn để tình nguyên vào Cọp Biển rồi Hùng tử trận. Nhưng Tuấn nói với mẹ Tiếp: “Con không thể chết 2 lần”, thế là Tuấn xin ra tác chiến.
Năm 1972, trên đỉnh Bá Hô, VC tấn công vào cánh B TĐ4 của ông Phó Nguyễn Đăng Hoà, quân ta thiệt hại và Vũ Văn Tuấn được báo cáo là mất tích!
Khi hết chiến tranh “mẹ già lên Bá Hô tìm xương con mình” nhưng bà có biết Bá Hô là nơi mô. Núi đồi nhấp nhô trùng điệp, bà hốt nắm đất Quảng Trị, tin rằng có xương cốt con mình trong đó, rồi nhớ thương con, nắm đất con đã nằm trong quan tài mẹ!
Mẹ già Kình Ngư Hữu Dũng thở dài: “Biết tìm con nơi đâu!”
Kình Ngư Nguyễn Hữu Dũng Đại Đội Tiểu Đoàn 4 cùng đồng đội tham dự hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào. Hỏa lực của địch tàn khốc quá. Dũng bị tử thương ngày 21/3/1971, mất xác ở một ngọn đồi, mà sau nầy không ai biết ngọn đồi nằm ở toạ độ nào.
Huyền Nga – em gái Dũng viết:
“Thằng Hèn” Tô Hải trong đoàn quân của phía bên kia, đã chứng kiến và khóc lặng trước cái chết của một tiểu đoàn, của một đoàn xe, hàng trăm thây người, xác người lính Quốc Gia, xác lính bộ đội nằm lẩn lộn, chất cao như ngọn đồi, mà chẳng bên nào kịp chôn cất hoặc thắp bó hương cầu cho linh hồn họ được siêu thoát. Chiến tranh thật là tàn nhẫn!
Mẹ già đã khóc rất nhiều vì thương con trai ra đi khi chưa được 22 tuổi đời. Mẹ già đã tìm đến rừng núi Hạ Lào, “Mẹ già lên núi tìm xương con mình ”nhưng rừng núi mênh mông, mắt mờ vì mẹ già khóc con thì còn biết tìm nơi đâu! Thôi thì đành nhờ vào thần linh, nhờ vào bói toán, nhờ nhà “ngoại cảm” v.v… nhưng không ai tìm ra được nơi nào là ngọn đồi vùi xác con nên mẹ già đành bốc nắm đất mang về.
Hoài Thanh - đồng đội Dũng, thay bạn báo mộng về cho Mẹ Già Bình Thạnh:
Hồn Gọi
Đây nắm xương tàn, đây nắm xương
Nằm trơ vất vưởng ở ven rừng
Qua bao niên tuế, vùi chôn mãi
U uất vong linh chốn tục trần
Bao nắm xương tàn, bao nắm xương
Hồn hoang đêm xuống khóc thảm thương!
Mẹ ở phương trời xa có thấu?
Hồn con thổn thức, bấy thu trường!
Sao mẹ không lên núi tìm con?
Máu xương con hòa đất tha hương
Nhưng hồn con mãi mong về mẹ
Sao mẹ không về núi tìm con?
Đồng đội Dũng khóc thay cho Mẹ Già Bình Thạnh.
Mẹ Ru Hồn
Mẹ đã bao lần lên núi non
Tìm con mù mịt, sức hao mòn,
Đôi chân rời rã, lòng tơi tả,
Nhưng mẹ không tìm đâu thấy con?
Mẹ ở chân trời, xa núi non,
Nhớ con tóc mẹ nhuốm u buồn!
Khóc con mắt mẹ khô dòng lệ!
Mẹ nhớ con nhiều, ôi hỡi con!
Thôi nhé con ngoan ngủ thật nồng
Dù trời giông bão nắng mưa chang
Lời đau mẹ vẫn ru hồn ngủ
Qua mấy Thu tàn, qua mấy Đông./.
☆
Nỗi đau đi nhận xác chồng!
Niềm sầu thương nhớ đi tìm xác chồng.
Chúng tôi xin kết thúc câu chuyện nỗi đau mất chồng của các chị goá phụ TQLC bằng câu chuyện bi thảm hơn, sau khi đã tìm được xác chồng thì người goá phụ lại “đi” theo chồng, để lại sầu thương cho đàn con dại.
“Đi” Theo Xác Chồng.
Tôi đã đọc nhiều lần bài viết
“Hoạ Vô Đơn Chí” của chị Trần Thị Huy Lễ, Trưởng Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC nói về người goá phụ “đi” theo xác chồng. Câu chuyện quá bi thương đậm nét “tâm linh”, khó tin nhưng có thật nên tôi cố đi tìm hiểu, nhưng ít ai biết. Tưởng chuyện đã đi vào quên lãng thì bất ngờ tháng 2/2023, TQLC Nguyễn Kha Lạt từ Dallas chuyển cho tôi bài viết “Hoạ Vô Đơn Chí” và hỏi tôi có biết gì về chuyện này không, các em mong ước được nghe rõ đầu đuôi.
Lời yêu cầu của các đồng đội làm tôi suy nghĩ, chỉ có một người có thể biết đầu đuôi. Nhưng tôi hơi e ngại, vì từ ngày tị nạn CS tại Hoa Kỳ, ông và tôi chưa liên lạc với nhau bao giờ, nay có người thúc dục, giúp tôi thêm can đảm nên tìm cách kiên lạc với ông.
Người đó là Trung Tá Hồ Quang Lịch, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ5/TQLC, đặc lệnh truyền tin của ông là Quang Dũng. Quang Dũng là tên con trai đầu lòng của ông, Quang Dũng luôn quấn quýt bên chú Trần Ba. Trần Ba là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó TĐ.5/TQLC- người Quang Dũng coi như em ruột. Trần Ba mất tích trong trận đánh tháng 4/1972.
Hiện nay (3/2023) Quang Dũng
(Tr/Tá Hồ Quang Lịch) đã 87 hiện định cư tại North Carolina, tôi liên lạc với ông bằng cell-phôn mà cứ tưởng như đang dùng máy truyền tin C25
* * *
– Cần Thơ gọi Quang Dũng nghe không trả lời?
– Quang Dũng nghe Cần Thơ 5/5, có gì nói đi.
Giọng một ông đã 87 mà nghe sang-sảng như lão Ngoan Đồng?
– Anh khoẻ không?
– Khoẻ, nhưng đang chạy chơi với thằng cháu nội – con Quang Dũng nên hơi mệt.
– Ông mà còn được chạy vui chơi với cháu nội, ngoại là một điều hạnh phúc nhất trần đời. Tôi đọc bài viết “Hoạ Vô Đơn Chí” của bà Huy Lễ, xin Quang Dũng cho biết một số tin tức về Thiếu Tá Trần Ba.
– Th/Tá Trần Ba tốt nhiệp Khoá 3 Nha Trang (Đồng Đế), cùng với Th/Tá Đoàn Đức Nghi, nay thì cả hai đã tử trận rồi! Nghi tử trận khi là TĐP/TĐ1, Ba tử trận khi làm TĐP/TĐ5 của tôi. Có chuyện gì mà Cần Thơ lại đi cào vào vết thương của tôi?
– Bà Huy Lễ, Trưởng Phòng Xã Hội đã viết bài “Hoạ Vô Đơn Chí”, nội dung bi thảm quá, nhưng nhiều TQLC chưa biết về Th/Tá Trần Ba, xin anh cho biết thêm chi tiết.
Hồi lâu mới nghe Quang Dũng nói:
– Quang Dũng đã đọc bài viết này rồi, nội dung đúng, ngoại trừ một vài chi tiết về thời gian ngày tháng liên quan. Đây là sự thật quá đau lòng nên Quang Dũng giữ im lặng từ đó đến nay, không muốn nói với ai cả, vì mỗi khi nhắc đến, anh đều bị nghẹn họng không nói được, anh cũng không viết ra được, nay Cần Thơ hỏi thì Quang Dũng sẽ nói rõ, có những chi tiết thuộc về tâm linh, tùy lòng tin của mỗi người. Trần Ba không chỉ là cánh tay mặt, mà còn hơn thế nữa, một nửa đời người của Quang Dũng, “niềm đau nhớ đời” nên những gì xảy ra với Trần Ba nó hằn sâu trong đầu anh, nhớ từng chi tiết cho tới chết.
Thì ra Quang Dũng biết là sẽ khó nói, vì suốt trong câu chuyện, Quang Dũng cứ nghẹn lời, có những lúc anh ngừng lại hơi lâu khiến tôi phải “a-lô” thì mới nghe tiếng xụt-xịt. Quang Dũng tiếp tục:
– Trần Ba là một trong những sĩ quan giỏi và can đảm nhất mà anh từng chỉ huy. Trước ngày TĐ.5/TQLC đi hành quân Quảng Trị, sáng 4/4/1972, anh dẫn mấy sĩ quan ra ngã ba Cái Lơn (Dĩ An, Biên Hoà) ăn sáng, gồm có Tiểu Đoàn Phó Trần Ba, các Đại Đội Trưởng Ngô Thành Hữu, Dương Công Phó, Nguyễn Văn Quang v.v.., Ngô Thành Hữu nói nhỏ với anh: “Em có bạn là cảnh sát đi theo, xin Quang Dũng cho nhập tiệc nhá”. Anh nói với Ngô Thành Hữu cứ tự nhiên, “tứ hải giai huynh đệ” mà…
– Alo! Alo! Quang Dũng, stop, stop cho Cần Thơ hỏi.
– Hỏi đi!
– Thời gian tháng 4/72 cả Sư Đoàn TQLC đang ở tuyến đầu, Huế Quảng Trị, sao ngày 4/4/72 anh vẫn còn ở ngã ba Cái Lơn, Biên Hoà?
– Không phải cả Sư Đoàn, mà chỉ có Lữ Đoàn 147/TQLC và 258/TQLC đang ở tuyến đầu, ngày 2/4/72 Bộ Tỗng Tham Mưu mới điều động Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn và Lữ Đoàn 369 từ Sài Gòn ra Huế. Lữ Đoàn 369 của Đại Tá Phạm Văn Chung gồm có TĐ2 của anh Nguyễn Xuân Phúc, TĐ9 của Đà Lạt Nguyễn Kim Đễ và TĐ5 của Quang Dũng lần lượt được không vận ra Huế. Quang Dũng đi chót nên ngày 5/4 mới đi.
Quang Dũng nói tiếp về bữa ăn sáng:
– Ăn được chừng 10 phút thì anh bạn Cảnh Sát của Hữu xin phép nói đôi lời. Chuyện hơi lạ, hiếm khi trong bàn ăn của đàn Cọp Biển mà có người ngoài dám xen vào lên tiếng trước, Quang Dũng tò mò nên đồng ý ngay.
Anh Cảnh Sát ấp úng thưa:
– Thưa quý anh, vì quá thương mến và kính phục các anh TQLC nên em xin đi theo anh Hữu để được làm quen, không ngờ tới đây, em thấy có chuyện cần thưa, có thể điều em nói làm các anh không vui, nhưng vì em là bạn thân của anh Ngô Thành Hữu.
Thấy anh Cảnh Sát có vẻ lo âu rào đón, Quang Dũng phất tay:
– Bạn cứ nói đại đi.
Anh Cảnh Sát ngó thẳng vào Trần Ba nói:
– Thưa anh, (tức Trần Ba) “thiên cơ bất khả lậu”, nhưng vì em vô cùng quý trọng anh, nên em nghĩ rằng phải nói ra, dù sau này em gặp điều không may. Anh (tức Trần Ba) phải hết sức thận trọng, đề phòng bất trắc, nếu không thì trong vòng 10 ngày tới anh sẽ gặp đại nạn, có thể mất mạng, em báo cho anh biết trước để đề phòng.
Quang Dũng thở dài rồi nói tiếp:
– Sau khi nghe anh Cảnh Sát nói thế, không khí bữa ăn sáng không còn ồn ào, nhưng ai đã là lính đánh giặc thì cũng đôi lần gặp những lời “tiên tri” như thế này rồi, đôi khi sai, đôi khi đúng. Dù sai hay đúng, đã là lính cầm súng ra trận thì không có quyền đề phòng gì cả, mà chỉ việc tuân lệnh cấp chỉ huy, dù nhìn thấy cái chết trước mắt. Chúng ta đã từng chứng kiến trong chiến trận như: Binh Nhất A xung phong vào mục tiêu, chưa tới nơi đã gục ngã, tức thì Hạ Sĩ B tiến lên, nhưng vẫn gục ngã giữa đường, trung đội trưởng ngó vào Trung Sĩ C ngoắc tay, thế là C phóng tới, không có đề phòng con mẹ gì cả. Tuy vậy để trấn an thằng em, buổi chiều hôm ấy (4/4/72), vợ chồng Quang Dũng mời vợ chồng Trần Ba qua ăn cơm, nhà hai thằng cùng trong trại gia binh TĐ5/TQLC (cạnh suối Lồ Ồ, Dĩ An), 4 con gái của Trần Ba và thằng Quang Dũng con của anh vẫn vui đùa. Sau một hớp rượu cay, Trần Ba ghé tai anh nói nhỏ:
– Đại Bàng! Em thương vợ em quá, nếu có chuyện gì thì em sẽ đem vợ em theo.
Tôi tưởng nghe lầm, nghe không rõ lời Quang Dũng nên vội ngắt lời:
– Anh Lịch, anh còn nhớ rõ không mà nói thế…
– Mày* không tin lời tao nói phải không? Tao là thằng Hồ Quang Lịch, đã 87 tuổi rồi, mày cũng đã 82, chúng ta có thế quên chuyên hôm qua, nhưng chuyện sống chết mấy chục năm về trước thì nó hằn sâu trong đầu, trong tim, vì đó là những nỗi đau vô cùng tận. Hơn nữa Trần Ba nó đang ở trên cao, đang nghe tao nhắc lại chuyện xưa, chuyện 51 năm về trước, làm sao tao dám phịa chuyện?
* Hình như Quang Dũng phật lòng về câu hỏi của tôi nên anh “mày tao”, điều này chứng tỏ anh nói là thật lòng nên tôi vội vàng xin lỗi:
– Xin lỗi anh, vì lời tâm sự của Trần Ba làm tôi phát hoảng, xin anh nói tiếp.
– Chiều ngày 5/4/72 Tiểu Đoàn tao đáp xuống Phú Bài, GMC chở tiểu đoàn tao về chỗ Cao Bằng LĐ 369 của Đại Tá Chung để hoạt động trong khu vực Mỹ Chánh.
Ngày 6/4/72 một đơn vị Địa Phương Quân bị VC tấn công, ông Cao Bằng lệnh cho tao bảo đưa cánh B đi tiếp viện. Nhớ lời của người cảnh sát, thay vì đưa cánh B của Trần Ba đi tiếp viện theo lệnh Cao Bằng, tao dẫn 3 đại đội đi tiếp viện còn Trần Ba với 1 đại đội ở lại để làm trừ bị. Chuyện tiếp viện chẳng có gì khó, VC bỏ chạy để lại 10 xác. Chắc mày hiểu quyết định của tao để Trần Ba ở lại làm trừ bị.
Nghe giọng Quang Dũng sôi nổi như đang điều quân rồi muốn chửi thề nên tôi cần giảm “nhiệt độ” của anh xuống bằng cách nhắc lại chuyện của tôi:
– Quang Dũng, tôi hiểu quyết định của anh đầy lý và tình, tôi cũng đã có lần làm như anh. Đại Đội Phó của tôi mới cưới vợ trước khi đi hành quân, Chính than buồn, nên khi nhảy trực thăng vào kinh Cái Thia, tôi sắp xếp cho Chính nhảy sau cùng với trung đội súng nặng, nhưng Chính vẫn lên tuyến đầu và rồi tử trận, để lại mẹ già và..
Quang Dũng ngắt lời khi tôi chưa nói hết câu, anh bảo:
– Sao giống trường hợp của tao: Ngày 7/4/72, tiểu đoàn tao nhận năm ngày tiếp tế để hành quân lục soát. Mờ sáng ngày 8/4/72 xuất phát, cánh A tao tiến chiếm những mục tiêu chính, nặng, còn cánh B của Trần Ba có đại đội của Dương Công Phó và Đỗ Trung Giao tao cho tiến theo các mục tiêu phụ (nhẹ). Nhưng tao luôn nhắc Trần Ba là phải đi thật chậm, nếu cần thì dừng quân lại ngay, không cần ngang hàng với tao.
Khoảng 8 giờ 30, cánh A tao chạm địch, cùng lúc nghe súng nổ bên cánh B, tao luôn nhớ lời anh cảnh sát nói lúc ăn sáng tại ngã ba Cái Lơn nên tao thét Trần Ba dừng lại, kiếm vị trí cố thủ để tao lo điều động cánh A sang giúp nó.
Vài phút sau, tao nghe Trần Ba báo cáo tịch thu được súng cối và đại liên, tao biết tính Trần Ba khi đụng trận nên tao thét bạch văn luôn:
– Trần Ba, tao ra lệnh cho mày dừng quân lại ngay, nghe chưa Ba?
Nhưng rồi tao không nghe Trần Ba trả lời, tao gọi cho Phó, Giao cũng không nghe, mất liên lạc với cánh B! Tao liếc nhìn đồng hồ lúc đó là 8.45 sáng ngày 8/4/1972! Mất liên lạc với cánh B, mất liên lạc với Trần Ba, người tao lạnh toát, cứng đơ, tao kêu trời:
– Chưa tới 10 ngày, mới chỉ có 4 ngày thôi mà! Trần Ba ơi!
Im lặng hồi lâu, Quang Dũng nghẹn lời, tôi biết, tôi thấy anh đang khóc! Tôi cũng đã thét lên khi nghe Th/Uý Quang báo Tr/Uý Chính chết! Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn hỏi, tôi khóc không trả lời được nên ông mắng:
– Cậu đừng làm người khác mất tinh thần”. (Hiện nay Đồ Sơn đang ở San Jose, ông còn nhớ chuyện này)
Tôi cần tôn trọng những giọt nước mắt của Quang Dũng đối với Trần Ba, không được phép hỏi thêm bất cứ điều gì lúc này, nên tôi (nói dối) xin phép tạm ngưng “vì còn phải đi đón cháu ngoại”. Nghe tôi phải đi đón cháu ngoại thì anh cũng nói:
– Ừ đi đi, tao cũng đi chơi với cháu nội, nó đang ngó tao khóc, mai gọi lại.
Thiếu Tá Trần Ba “mất tích” lúc 8 giờ 45 phút sáng ngày 8/4/1972 cùng với trung đội đi đầu! Nếu có gọi lại, tôi sẽ không hỏi Quang Dũng bất cứ chi tiết nào liên quan tới trận chiến Th/Tá Trần Ba mất tích, vì anh có giải thích thế nào tôi cũng không hiểu, đơn giản là tôi không ở trong cuộc, và không muốn cào thêm vết thương đau cũ của anh.
Từ tháng 4, tháng 5/1972, và những tháng sau đó, trận chiến khốc liệt liên tiếp xảy ra ở vùng địa đầu giới tuyến Huế, Quảng Trị. Ngoài Sư Đoàn 1 và Sư Đoàn 3BB, thượng cấp còn đưa luôn toàn bộ 2 Sư Đoàn Tổng Trừ Bị là Nhảy Dù và TQLC tham dự, cho tới khi tái chiếm được Quảng Trị ngày 16/9/1972, xương máu đổ ra, có biết bao quân tử trận, mất tích, bị thương. Trận chiến tiếp diễn ngay cả sau khi có đình chiến ngày 28/1/1973.
Cho nên ngày hôm sau tôi gọi lại Quang Dũng, tôi chỉ cần nghe anh nói về việc tìm ra hài cốt của Th/Tá Trần Ba.
– A-lô, Cần Thơ gọi Quang Dũng!
– Quang Dũng nghe đây, tao chờ chú mày.
– Anh kể vắn tắt cho nghe việc tìm thấy hài cốt anh Trần Ba.
– Mày biết là sau cái ngày gọi là “đình chiến”, TQLC vẫn hành quân “giữ đất”, trong một lần hành quân vào vùng nơi Trần Ba mất tích, tao nhận được lệnh từ cấp trên cho tạm dừng quân. Tao không thắc mắc dừng quân để làm gì, nhưng tao sực nhớ ra đây là toạ độ, là vùng Trần Ba mất tích nên tao vội cho Thượng Sĩ Thường Vụ tên Đông cùng anh em Đại Đội Chỉ Huy đi lùng sục trong phạm vi dừng quân. Khu vực này đã bị bom đạn cày nát, chỉ còn những bụi cây nhỏ và những bãi cỏ may. Lục tìm bụi cây, bới đất, tới chiều toán của Thượng Sĩ Đông báo cáo tìm được 12 bộ hài cốt, không còn ai nữa. Tao cho lệnh Thượng Sĩ Đông dẫn anh em về vị trí đóng quân. Một lúc sau Đông gọi máy báo cáo không hiểu tại sao Đông cứ bị vấp té hoài, không đứng dậy được, kêu tao lên cứu.
Linh tính cho tao biết có chuyện, tao gọi thầm tên Trần Ba và nói Thượng Sĩ Đông khấn vái xem sao. Thượng Sĩ Đông bèn quỳ gối vái lạy:
– Lạy Đại Bàng Trần Ba, xin Đại Bàng hướng dẫn cho chúng tôi tìm được..
Thượng Sĩ Đông đứng dậy được, đi tới như có lực đẩy sau lưng, đi quanh co một hồi thì Đông trông thấy một vạt cỏ xanh, xanh hơn những chỗ khác, Đông vẹt đám cỏ xanh ra và trông thấy bộ quân phục rằn ri đã mục nát, rồi Đông hốt hoảng báo cho tao: “Tìm thấy rồi, thấy rồi Quang Dũng ơi”.
Toàn thân tao nổi gai ốc, không biết nói thế nào về cảm xúc của tao trong lúc đó. Nhớ thương thằng em cả năm nay rồi, nay tìm thấy hài cốt thì lại đau lòng, em tao chết thật rồi, không còn tia hy vọng mất tích rồi có ngày sẽ trở về!
Dưới vạt cỏ, Đông tìm thấy bộ quân phục TQLC đã mục nát, nhưng trên nắp túi áo có thêu chữ: TRAN BA. Tìm thêm được thẻ bài mang tên TRÂN BA và bộ xương.
Trần Ba đã về với đồng đội và gia đình vào tháng 4/1973 sau 1 năm “mất tích”.
Tối hôm đó, Quang Dũng cho rửa sạch hài cốt, cho binh sĩ thay nhau đứng gác bên hài cốt suốt đêm, sáng hôm sau tao xin phương tiện đưa hài cốt Trần Ba về Saigon, đồng thời lệnh hậu cứ biệt phái 1 xe Jeep cho chị Trần Ba dùng tới khi nào không cần nữa.
☆
Hoạ Vô Đơn Chí
Hậu cứ TĐ 5 báo cáo cho tao tin tức hằng ngày, và đúng như bà Huy Lễ đã viết. Hậu cứ sắp xếp quàn hài cốt Trần Ba tại chùa thì chị Trần Ba xin quàn tại nhà và chôn tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà, thay vì nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Đại Tá LĐQ, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn đã đến tư gia viếng hài cốt, truy thăng Cố Trung Tá và gắn Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc cho Thiếu Tá Trần Ba.
Tài xế hậu cứ lái xe Jeep đưa chị Trần Ba, bố và em trai Trần Ba là Trần Lành đến nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà để lo việc xây kim tĩnh cho Cố Trung Tá Trần Ba.
Khi gần đến nghĩa trang, một xe GMC của Mỹ đi từ Biên Hoà về hướng Saigon, bất ngờ lạc tay lái, bay qua đường ngăn đôi xa lộ, đâm trực diện vào xe Jeep!
Hậu quả là Bố và chị Trần Ba tử nạn tại chỗ, tài xế và Trần Lành bị thương nặng. Quang Dũng nghẹn lời, dù anh biết như thế nhưng vẫn tự đặt câu hỏi:
– Có phải Trần Ba đã về đón vợ đi theo như đã nói trong bữa cơm chiều tại nhà Quang Dũng ngày 4/4/1972 không?
Im lặng.
Dù độc giả cũng như tôi còn muốn biết thêm nhiều chi tiết khác liên quan tới trận chiến cuối cùng của “Người Hùng Trần Ba”, nhưng sau khi nghe Quang Dũng tự đặt câu hỏi như trên thì độc giả và tôi không nên hỏi thêm bất cứ chi tiết nào khác nữa, ngoài những chi tiết mà Quang Dũng đã bộc lộ sau hơn 50 năm chôn chặt trong lòng.
Tôi hỏi câu chót:
– Hiện nay anh có liên lạc được với các con của Cố Trung Tá Trần Ba không?
– Hiện nay tao còn liên lạc được với một trong bốn cháu gái con Trần Ba, cháu này ở Maryland, ba cháu kia vẫn còn ở Việt Nam./.
Đồi Bắc, K19/TVBQGVN
CA 29/11/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét