TOÀN QUỐC ĐỀU CÔNG NHẬN: THÁNG 5, LÀ THÁNG DI SẢN VĂN HÓA NGƯỜI MỸ GỐC Á CHÂU-Tháng Năm là Tháng Di sản của Người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương. Hãy cùng nước Mỹ, tôn vinh những đóng góp lớn lao, thành tựu và di sản văn hóa phong phú của trên 20 triệu người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương.
<!>
Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali, hân hạnh giới thiệu:
Hội Chợ Văn Hóa Nghệ Thuật Người Mỹ Gốc Á Châu, Trong Đó Có Cộng Đồng Việt Nam Tại San Jose.
Thứ Bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024 (tuần này!)
Từ 11 giờ sáng, đến 4 giờ 30 chiều.
Tại History Park, 635 Phelan Ave, San Jose.
Lời Giới Thiệu Từ Quận Hạt Santa Clara: (Here is the link) VIETV DIRECTV CHANNELS 2036-2037 NATIONWIDE_THÁNG 5 THÁNG DI SẢN VĂN HÓA NGƯỜI MỸ GỐC Á CHÂU
Từ năm 2012, Thành phố San José đã công bố, Tháng Năm là Tháng Di Sản Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương (gọi tắt là APA)
-Hôm Thứ Ba, ngày 8 tháng 5, năm 2012, Nghị Viên Kansen Chu, cùng với Thị Trưởng Chuck Reed, Nghị Viên Ash Kalra, và Hội Ðồng Thành Phố đã ra tuyên bố Tháng Năm là Tháng Di Sản Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương thuộc thành phố San José.
(Ảnh: Thị Trưởng Chuck Reed (trái), Nghị Viên Kansen Chu (phải) cùng các em trong Hiệp Hội Học Sinh Trường Independence High trong buổi lễ công bố Tháng Năm là Tháng Di Sản Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương tại San Jose.)
Tháng Năm được toàn quốc dành riêng kỷ niệm Tháng Di Sản Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương để tôn vinh vô số những đóng góp và di sản văn hóa của trên 20 triệu người gốc Châu Á Thái Bình Dương đã đóng góp để giúp xây dựng một nước Hoa Kỳ hùng cường và sôi động!
Nghị Viên Kansen Chu cho biết: “Người Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương đã thực hiện vô số những thành tựu đối với sự tiến bộ của cộng đồng chúng ta. Những giá trị và cống hiến của họ cho gia đình và cộng đồng đã góp phần định dạng và tăng sức mạnh cho thành phố San José nói riêng cũng như cho toàn đất nước nói chung.”
Vào Tháng Năm năm 1977, đại diện Norman Y. Mineta thuộc California đã giới thiệu một nghị quyết của Hạ Viện chọn 10 ngày đầu tiên của Tháng Năm làm Tuần Lễ Di Sản Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương. Vào năm 1990, Quốc Hội đã bỏ phiếu để mở rộng trong suốt tháng. Kể từ đó, nhiều tổ chức trong Vùng Vịnh và cả nước đã kỷ niệm và ghi nhớ những thành đạt của Cộng Ðồng Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương.
Ðể vinh danh Tháng Di Sản Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương năm 2012, Nghị Viên Kansen Chu đã mời Hiệp Hội Học Sinh Trường Trung Học Independence thay mặt cho tất cả Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương đang sinh sống tại San Jose chấp nhận lời tuyên bố này của thành phố.
Kỷ niệm ngày này, Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali, hân hạnh giới thiệu:
Hội Chợ Văn Hóa Nghệ Thuật Người Mỹ Gốc Á Châu, Trong Đó Có Người Việt Nam
Ngày Thứ Bảy, 18 tháng 5 năm 2024 (Tuần này!)
Từ 11 giờ sáng, đến 4 giờ 30 chiều.
Tại History Park, 635 Phelan Ave, San Jose.
Vào Cửa Tự Do!
Toàn Quốc Công Nhận: Tháng 5 là Tháng Di sản Người Mỹ Châu Á Thái Bình Dương!
-Tháng 5 là Tháng Di sản Người Mỹ Châu Á Thái Bình Dương! Được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào những năm 1990, Tháng Di sản Người Mỹ Châu Á Thái Bình Dương, đề cao câu chuyện của những người ở Hoa Kỳ có gốc Á hoặc Đảo Thái Bình Dương. Câu chuyện của những người đến từ lục địa Châu Á và các đảo trên khắp Nam Thái Bình Dương bao gồm Hawaii, Samoa thuộc Mỹ, Quần đảo Liên bang Micronesia, Guam, v.v cũng nằm trong số đó. Ở Philadelphia, bảy phần trăm tổng dân số nhận dạng là người Châu Á.
Người từ các nước Châu Á hoặc các Đảo Thái Bình Dương đã đóng góp cho Hoa Kỳ theo nhiều cách. Sau khi phát hiện ra vàng ở California, nhiều người nhập cư Trung Quốc đã đến California trong Cơn sốt Vàng và sau đó xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa. Người nhập cư Trung Quốc cũng định cư ở Louisiana sau khi chế độ nô lệ Mỹ được bãi bỏ vì các chủ đồn điền cần lao động mới thay thế cho nô lệ được giải phóng. Ở Hawaii, các công ty đường đưa công nhân Trung Quốc, Nhật Bản, và Philippines đến lao động trong các đồn điền của họ. Hawaii cũng thuộc về người Hawaii Bản địa trước năm 1959, thời điểm quần đảo này trở thành một tiểu bang chính thức của Hoa Kỳ sau khi sáp nhập. Có thể nói rằng Hoa Kỳ sẽ không có được ngày hôm nay, nếu không có những người từ Châu Á, các Đảo Thái Bình Dương, hoặc người nhập cư nói chung.
Tuy nhiên thuật ngữ “người Mỹ gốc Á” lại tương đối mới. Đến từ nhiều quốc gia khác nhau, người nhập cư Châu Á mang theo chính kiến của đất nước quê hương họ và cả những khó khăn khi giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Họ không ngay lập tức nghĩ mình là một cộng đồng. Mãi đến năm 1968, các sinh viên tại Đại học Tiểu bang San Francisco mới nghĩ ra thuật ngữ “người Mỹ gốc Á” này.
Ngày nay, thuật ngữ “người Mỹ gốc Á” được chấp nhận rộng rãi. Các tài liệu chính thức của chính phủ thường có ô đánh dấu “Người Châu Á và Người Đảo Thái Bình Dương” để người dân có thể xác định chủng tộc hoặc dân tộc của mình. Các công ty và nền tảng truyền thông cũng có các chương trình đặc biệt trong Tháng Di sản AAPI để tôn vinh văn hóa Châu Á. Tuy nhiên, tiếp xúc với các cộng đồng nhằm thúc đẩy thay đổi vẫn là một phần không thể tách rời của bản sắc của người Mỹ gốc Á.
Chúc mừng Tháng Di sản Người Mỹ Châu Á Thái Bình Dương!
Nhớ ngày này! Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali, hân hạnh giới thiệu:
Hội Chợ Văn Hóa Nghệ Thuật Người Mỹ Gốc Á Châu, Trong Đó Có Việt Nam
Ngày Thứ Bảy, 18 tháng 5 năm 2024 (Tuần này!)
Từ 11 giờ sáng, đến 4 giờ 30 chiều.
Tại History Park, 635 Phelan Ave, San Jose.
Vào Cửa Tự Do!
Tin Quốc Tế Đó Đây
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Trình Quốc Hội Xem Xét Khoản Viện Trợ Vũ Khí 1 Tỉ Mỹ Kim Cho Do Thái
(Hình: Tòa Quốc hội Mỹ.)
-Hôm 14/5/2024, hai viên chức Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trình Quốc hội xem xét gói viện trợ vũ khí trị giá 1 tỉ Mỹ kim cho Do Thái.
Một viên chức nói với thông tấn xã Reuters rằng gói vũ khí mới nhất này bao gồm đạn xe tăng, súng cối và xe chiến thuật bọc thép.
Các Chủ tịch và thành viên cấp cao của các Ủy ban Đối ngoại ở Thượng viện và Hạ viện xem xét các giao dịch vũ khí lớn với ngoại quốc.
Hồi tuần trước, Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã trì hoãn chuyển giao lô bom nặng 2.000 pound (907 kg) và 1.700 quả bom nặng 500 pound cho Do Thái vì lo ngại chúng có thể được sử dụng trong một cuộc xâm lược lớn vào Rafah, một thị trấn ở miền Nam Gaza.
Ông Biden kêu gọi Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu không nên xâm lược Rafah nếu không có biện pháp bảo vệ dân thường, sau 7 tháng xảy ra cuộc chiến tàn phá Gaza.
Sự ủng hộ của ông Biden dành cho Do Thái trong cuộc chiến với Hamas đã trở thành một gánh nặng chính trị đối với ông, nhất là trong cử tri trẻ của Đảng Dân chủ khi ông tái tranh cử vào năm nay.
Quân Đội Ukraine Rút Khỏi "Một Số Khu Vực" ở Mặt Trận Phía Bắc
(Hình: Ngoại thành Vovchansk, Ukraine, sau một đợt bị Nga oanh kích. Ảnh ngày 11/5/2024.)
-Đêm 14 rạng sáng ngày 15/5/2024, quân đội Ukraine thông báo rút khỏi một số khu vực ở mặt trận Kharkiv, Đông-Bắc, nơi quân đội Nga phát động cuộc tấn công mới từ ngày 10/5.
Theo Bộ Tham mưu Ukraine, được thông tấn xã AFP trích dẫn, "ở một số khu vực gần Lukiantsi và Vovchansk, trước hỏa lực của đối phương đi kèm với những cuộc tấn công của Bộ binh, các đơn vị Ukraine đã rút về các vị trí thuận lợi hơn để bảo toàn sinh mạng binh lính và tránh có thêm thương vong". Riêng ngày 14/5, quân đội Nga đã thực hiện bảy cuộc không kích nhắm vào các khu dân cư ở Kharkiv. Nhà chức trách thông báo có 20 thường dân bị thương trong các cuộc tấn công này.
Tuy nhiên, Kyiv khẳng định sẽ không nhượng bộ, mặc dù cuộc tấn công tại miền Bắc Ukraine đã khiến quân đội nước này bị bất ngờ vào cuối tuần trước. Một số ngôi làng đã bị quân đội Nga chiếm, và các khu vực Lukiantsi và Vovchansk là tâm điểm của những trận chiến căng thẳng.
Trước khi bị tấn công ở khu vực Kharkiv, Ukraine vốn đã phải chịu nhiều áp lực ở mặt trận phía Đông và phía Nam trong nhiều tháng khi phải đối mặt với quân đội Nga được trang bị tốt hơn và nhiều binh lính hơn.
Đang có mặt tại Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua đã khẳng định Ukraine sẽ được Hoa Kỳ hỗ trợ đến chừng nào an ninh đất nước được "bảo đảm". Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra chỉ vài tuần sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỉ Mỹ kim cho Ukraine sau nhiều tháng tranh cãi gay gắt.
Về phần mình, Bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu cũng tuyên bố sẽ giao cho Kyiv một lô phi đạn địa đối không Aster.
Tổng Thống Nga Để Ngỏ Khả Năng Đối Thoại Về Ukraine
(Hình: Tổng thống Putin chủ trì một cuộc họp Nội các ngày 14/5/2024.)
-Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này sẽ có chuyến thăm cấp Quốc gia 2 ngày tại Trung Quốc. Hôm 14/5/2024, trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho Tân Hoa Xã, nguyên thủ Nga để ngỏ khả năng đàm phán về Ukraine khi ông tuyên bố hoan nghênh "mong muốn chân thành" của Bắc Kinh trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo thông tấn xã AFP, trong cuộc trả lời phỏng vấn được thực hiện tại Mạc Tư Khoa, Tổng thống Nga đánh giá cao "cách tiếp cận do Trung Quốc đề xuất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng". Theo ông, "Bắc Kinh thấu hiểu nguyên nhân sâu xa và tầm quan trọng địa chính trị toàn cầu của cuộc khủng hoảng này".
Khi nhắc đến tài liệu 12 điểm được Bắc Kinh công bố hồi tháng 2/2023 để bày tỏ lập trường của Trung Quốc về cuộc xung đột này, Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng "các ý tưởng và những đề xuất được đề cập đến trong tài liệu cho thấy mong mỏi chân thành của các bạn hữu Trung Quốc nhằm giúp bình ổn tình hình".
Hãng tin Pháp nhắc lại, trong tài liệu 12 điểm đó, Trung Quốc kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước (kể cả Ukraine), đồng thời hối thúc các nước xem xét đến các mối bận tâm an ninh của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin công du Trung Quốc trong hai ngày 16-17/5/2024. Trao đổi thương mại, dự án Con đường Tơ lụa Mới, cũng như là tình hình địa chính thế giới ở Cận Đông, Á Châu hay Ukraine sẽ là những chủ đề thảo luận chính giữa hai nguyên thủ. Vòng công du Á Châu của ông theo dự báo sẽ kết thúc với hai chặng dừng tiếp theo là Việt Nam và Bắc Hàn.
Đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ khi ông Putin tuyên thệ nhậm chức cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ 5. Nga xem Trung Quốc như là một nguồn hậu thuẫn ngoại giao, thương mại và kinh tế thiết yếu trong bối cảnh phương Tây trừng phạt kinh tế Nga vì cuộc chiến xâm lược tại Ukraine.
Nghị Viện Gruzia Thông Qua Dự luật Gây Tranh Cãi Bất Chấp Các Cuộc Biểu Tình Phản Đối
(Hình: Biểu tình chống luật "tác nhân ngoại quốc" vừa được Quốc hội Gruzia thông qua. Ảnh ngày 14/5/2024.)
-Ngày 14/5/2024, Nghị viện Gruzia đã thông qua Dự luật "ảnh hưởng ngoại quốc" gây tranh cãi bất chấp các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối. Một văn bản bị những người phản đối lên án là dựa theo luật Nga, đưa đất nước rời xa Liên Hiệp Âu Châu để đi theo quỹ đạo Nga.
Theo AFP, văn bản luật được thông qua với 84 phiếu thuận và 30 phiếu chống. Cuộc bỏ phiếu đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng: Một cuộc va chạm ngắn đã xảy ra giữa các nghị sĩ phe đa số và phe đối lập. Trong khi đó, trước Nghị Viện khoảng 2.000 người biểu tình đã tụ tập dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát. Việc thông qua Dự luật này là một vố đau cho phe phản đối.
Đặc phái viên Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), Daniel Vallot, có mặt tại thủ đô Tbilissi dự báo các cuộc biểu tình phản đối có thể tiếp diễn.
Đây chí ít là điều mà những người phản đối đạo luật này, bị thất vọng hôm qua nhưng cũng quyết tâm tiếp tục cuộc đấu tranh của họ. Một cuộc biểu tình mới đã diễn ra trước Nghị Viện tối hôm qua. Nhiều trục đường trong thủ đô cũng đã bị chặn trong đêm và một cuộc tập hợp mới đã được các sinh viên tại Tbilissi, những người đi đầu trong làn sóng phản đối, dự trù vào đầu giờ chiều hôm nay.
Những người phản đối luật có thể mong được điều gì? Trước hết là quyền phủ quyết từ Tổng thống Gruzia. Bà đã nói rằng bà sẽ kích hoạt quyền phủ quyết nhưng điều này chỉ mang tính biểu tượng. Trên thực tế, đảng cầm quyền sẽ có thể lách được sự phủ quyết này bằng một cuộc bỏ phiếu đơn giản ở Nghị Viện.
Bước tiếp theo là một bước quyết định, vì còn có cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào mùa thu sắp tới. Phe đối lập hy vọng kích động được các cử tri bằng cách tố cáo đường hướng của chính phủ hiện nay là đi theo hướng thân Nga và bài Liên Hiệp Âu Châu.
Cuộc bầu cử này là quan trọng nhưng còn có một nỗi lo lớn trong nội bộ phe đối lập là chính phủ có thể sử dụng đạo luật về ảnh hưởng ngoại quốc để bịt miệng truyền thông độc lập và tạo thuận lợi gian lận bầu cử và như vậy, có thể duy trì quyền lực.
Ắc-Quy Xe Điện: Nam Hàn Tiên Phong Về Chế Tạo, Dẫn Đầu Về Tái Chế
(Ảnh: Một trạm sạc bình điện xe hơi.)
-Từ 10 năm nay, không chỉ là một trong những nước đi đầu thế giới về chế tạo ắc-quy xe điện, Nam Hàn còn được xem nhà "nhà vô địch" thế giới về tái chế bình ắc-quy xe điện, nhờ có tầm nhìn chiến lược và sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ với giới công nghiệp.
Trong bài đăng ngày 11/5/2024, thông tín viên báo Công giáo La Croix tại Hán Thành, Celio Fioretti, nhắc lại rằng dù là nhà chế tạo bình ắc-quy xe điện hàng thứ hai trên thế giới, với những tên tuổi lớn như LG Energy hay Samsung SDI, nhưng cách nay hơn chục năm Nam Hàn từng hứng chịu cảnh khan hiếm quặng nguyên liệu để sản xuất.
Điều này đã thúc đẩy Nam Hàn đầu tư vào lĩnh vực tái chế bình điện trên diện rộng. Hán Thành đánh giá đây là ngành kỹ thuật mang tính chiến lược cao. Chính phủ Nam Hàn đã đầu tư ồ tạt vào ngành công nghiệp mới, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, từ khâu thu gom đến tái chế.
Hồi năm 2023, chính quyền Hán Thành thông báo tài trợ số tiền tương đương gần 27 tỉ Euro trong 5 năm tới để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của ngành tái chế bình ắc-quy xe điện, nhằm hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Từ nay đến năm 2026, việc xây dựng một trung tâm tích trữ mới về lithium và cobalt, hai kim loại quý hiếm chế tạo bình ắc-quy xe hơi điện sẽ được hoàn thành.
Hiện nay, Nam Hàn có 6 doanh nghiệp công chuyên về thu gom các bình xe điện đã qua sử dụng. Ông Ryu Chang Iyul, quản lý 1 doanh nghiệp tại Siheung, ngoại ô thủ đô Hán Thành, cho biết: "Chúng tôi thu gom các bình ắc-quy điện đã qua sử dụng, đánh giá xem khả năng tái chế và tái sử dụng vào các sản phẩm khác được đến mức nào. Nếu chúng khả năng sạc điện vẫn trên hơn 60%, các bộ phận nhỏ bên trong sẽ được tái sử dụng, chẳng hạn như lắp vào xe đạp điện. Nếu không thì chúng tôi sẽ bán đấu giá để chúng được tái chế".
Đi đầu lĩnh vực tái chế bình điện xe hơi tại Nam Hàn là công ty SungEel HiTech, được thành lập năm 2000. Quá trình tái chế cho phép họ tách được đến 95% kim loại quý hiếm trong bình ắc-quy điện. Do đó, khi trao đổi với thông tín viên báo Công giáo La Croix tại Hán Thành, Park Hyosun, một đại diện của SungEel HiTech, gọi những kim loại hiếm cấu thành pin điện, như cobalt và lithium là "một nguồn tài nguyên gần như vô hạn". Kỹ thuật của SungEel HiTech vẫn đang được cải thiện, cho dù mức tái chế 100% được xem là không thể.
Với 3 trung tâm tái chế, sử dụng 500 lao động, SungEel HiTech mỗi năm tái chế 75.000 tấn pin điện, tương đương với 400.000 ắc-quy mới. Kỹ thuật tái chế pin điện xe hơi được SungEel HiTech xem là "kiến thức chiến lược" của công ty nói riêng và đất nước nói chung, nên được giữ bí mật ở mức cao.
Sau khi mở các chi nhánh tại Mã Lai Á, Ấn Độ và Mỹ, nay đích đến mới của SungEel HiTech là Âu Châu. Mới đây, công ty hàng đầu của Nam Hàn đã đặt chi nhánh tại Đức và Tây Ban Nha. Liên Hiệp Âu Châu, dù xe hơi điện ít phổ biến hơn ở Nam Hàn, nhưng vẫn được các công ty của Hán Thành xem là một khu vực tiềm năng cả về thu gom và tái chế, trong bối cảnh lĩnh vực tái chế ắc-quy điện vẫn chưa phát triển mà Liên Hiệp Âu Châu thì đã đề ra những mục tiêu mới cụ thể cho những năm tới đây.
Trung Quốc: Tăng Thuế Kiểu 'Bắt Nạt' Cho Thấy Một Số Người ở Mỹ Đang 'Mất Trí'
(Hình: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị.)
-Động thái tăng thuế của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc là dấu hiệu của sự yếu kém chứ không phải sức mạnh và cho thấy một số người ở Hoa Kỳ có thể đang "mất trí", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói hôm thứ Tư (15/5/2024), với những bình luận thẳng thừng khác thường.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Ba công bố mức tăng thuế mạnh đối với hàng nhập cảng của Trung Quốc bao gồm pin xe điện, chip máy điện toán và các sản phẩm y tế, đề ra nguy cơ dẫn đến những bế tắc với Bắc Kinh trong năm bầu cử khi ông cần phải thu hút các cử tri Mỹ đang cho điểm thấp về chính sách kinh tế của ông.
Trung Quốc lập tức thề sẽ trả đũa.
"Đây là hình thức bắt nạt điển hình nhất trên thế giới hiện nay! Nó cho thấy một số người ở Mỹ đã tới mức mất trí để duy trì quyền bá chủ đơn cực của mình", Ngoại trưởng Vương Nghị nói, theo một tuyên bố được đài truyền hình nhà nước CCTV công bố.
"Việc Mỹ đàn áp Trung Quốc không chứng tỏ rằng Mỹ mạnh mẽ mà chỉ bộc lộ rằng Mỹ đã mất tự tin và mất trật tự".
Ông Vương nói thêm rằng động thái của Mỹ, thay vì cản trở sự phát triển của Trung Quốc, sẽ truyền cảm hứng cho 1,4 tỷ công dân nước này làm việc chăm chỉ hơn.
"Tại thời điểm quan trọng của sự phục hồi kinh tế toàn cầu này, cộng đồng quốc tế nên cảnh báo Hoa Kỳ không nên gây thêm rắc rối mới cho thế giới", vẫn lời ông Vương.
Tổng thống Biden nói Trung Quốc có thể sẽ tăng thuế để trả đũa, có thể đối với các sản phẩm không liên quan, nhưng ông cho rằng động thái này khó có thể dẫn đến xung đột quốc tế.
Tân Gia Ba Có Thủ Tướng Mới
(Hình: Tân Thủ tướng Tân Gia Ba Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong). Ảnh ngày 17/7/2023.)
-Ngày 15/5/2024, Phó Thủ tướng Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) chính thức thay ông Lý Hiển Long làm Thủ tướng Tân Gia Ba. Kinh tế gia 51 tuổi này là chính trị gia thứ hai không thuộc gia đình họ Lý và là Thủ tướng thứ 4 điều hành đảo quốc giàu có kể từ khi giành độc lập năm 1965.
Ông Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong Shyun Tsai), tốt nghiệp đại học ở Mỹ, từng giữ chức Bộ trưởng Tài chánh, được chọn làm người thay thế Thủ tướng Lý Hiển Long ngay năm 2022. Ông thuộc thế hệ nghị sĩ mới của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền liên tục từ năm 1965. Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Mustafa Izzuddin, thuộc Phòng tư vấn Solaris Strategies Tân Gia Ba, được thông tấn xã AFP trích dẫn, tân Thủ tướng "mang phong cách lãnh đạo thích hợp hơn với một thế hệ khác" dù "các nguyên tắc cơ bản của Tân Gia Ba sẽ không thay đổi".
Trả lời Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 15/5, nhà Sử học Pháp Jean-Louis Margolin, giảng viên lịch sử đương đại chuyên về Tân Gia Ba, nhận định về thách thức lớn đối với tân Thủ tướng:
"Từ năm 1959, gia tộc Lý, trước tiên là ông Lý Quang Diệu, tiếp theo là con trai Lý Hiển Long vừa mới nghỉ hưu, đã điều hành đảo quốc trong khoảng 53 năm. Vấn đề đặt ra là liệu ông Hoàng Tuần Tài xây dựng được uy tín riêng hay không. Đây là điều mà phần nào Thủ tướng (Ngô Tác Đống), người được coi là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thế hệ nhà Lý, nắm quyền trong khoảng hơn 10 năm, đã không làm được. Ông đã không thay đổi được tâm lý của một xã hội bị gia đình gần như được coi là hoàng tộc thống trị. Tuy vậy, trong gia hoàng tộc hiện bị chia rẽ này, không có người có khả năng tiếp nối. Do đó có nhiều khả năng là tân Thủ tướng có thể chứng tỏ nổi trội hơn người tiền nhiệm không xuất thân từ gia đình họ Lý".
Ông Hoàng Tuần Tài cũng dẫn dắt đảng PAP cho đến kỳ tổng tuyển cử diễn ra từ nay đến tháng 11/2025 nhưng có thể được tổ chức sớm hơn, ngay trong năm 2024. Trong cuộc bầu cử năm 2020, các đảng đối lập đã đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn chiếm thiểu số ở Nghị Viện vì 83 trên 93 ghế vẫn thuộc về đảng cầm quyền. Vẫn theo AFP, hình ảnh của đảng PAP gần đây bị tác động vì nhiều vụ tai tiếng: hai nghị sĩ đã từ chức và một Bộ trưởng bị truy tố vì tội tham nhũng.
Bạo Loạn Bùng Phát Tại Vùng Hải Ngoại Nouvelle-Calédonie của Pháp
(Hình: Một điểm bạo loạn tại Nouméa, Nouvelle-Calédonie, Pháp, ngày 14/5/2024.)
-Lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Nam Thái Bình Dương, Nouvelle-Calédonie, đang trong tình trạng "nước sôi lửa bỏng".
Đêm 14 rạng sáng ngày 15/5/2024, hai người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương sau khi bạo loạn nổ ra ở Nouméa và vùng ngoại ô, do dự án cải cách Hiến pháp được các Dân biểu thông qua, nhưng bị những người đòi độc lập bác bỏ.
Tổng thống Emmanuel Macron lên án tình trạng "bạo loạn không đáng có và không thể chấp nhận được". Chủ nhân điện Elysée đã ban bố tình trạng khẩn cấp và triệu tập Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia để tìm ra biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng. Từ Nouméa, thông tín viên Charlotte Mannevy của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI)tường thuật về tình hình tại chỗ:
Cao ủy Pháp – đại diện của Nhà nước – đã kêu gọi những kẻ gây bạo loạn cũng như những người mà ông coi là dân quân, đó là những cư dân dựng rào chắn tại các khu nhà ở, trong đó một số người có trang bị vũ khí có nguy cơ gây ra một thảm kịch mới.
Theo vị đại diện Nhà nước, tình hình rất nghiêm trọng và đây gần như là một cuộc nổi loạn. Nouméa và vùng ngoại ô đang chuẩn bị trải qua một đêm căng thẳng mới, và những người có mặt tại chỗ lo sợ bạo lực sẽ lan rộng ra phần còn lại của hòn đảo, cho đến nay vẫn chưa có bạo loạn. 1.000 hiến binh và 700 cảnh sát đã được huy động để tìm cách chấm dứt vòng xoáy bạo lực. Đã có khoảng 50 người bị thương và 180 người bị bắt.
Đã có nhiều lời kêu gọi bình tĩnh, từ những nhân vật đòi độc lập thuộc Mặt trận Giải phóng Xã hội Chủ nghĩa Kanak (FLNKS) của lãnh đạo phe ủng hộ độc lập, từ chính phủ hay thậm chí từ CCAT, nhóm điều phối các hoạt động trên thực địa, cũng chính là tổ chức đã phát động làn sóng biểu tình này. Nhưng những kẻ bạo loạn còn rất trẻ và dường như bất trị.
Phái Nữ Áp Đảo Lễ Khai Mạc Ðại Hội Ðiện Ảnh Cannes 2024
(Hình: Các nữ diễn viên điện ảnh Camille Cottin, Juliette Binoche, Meryl Streep vàGreta Gerwig trong đêm khai mạc Ðại hội Ðiện ảnh Cannes 14/5/2024.)
-Ðại hội Ðiện ảnh Cannes lần thứ 77 đã chính thức khai mạc tối 14/5/2024. Thảm đỏ Cannes thêm rực rỡ vì sự xuất hiện của những minh tinh nổi tiếng thế giới Meryl Streep, Greta Gerwig, Juliette Binoche, Léa Seydoux, Eva Green, Jane Fonda.... Lễ khai mạc do diễn viên nổi tiếng Pháp Camille Cottin chủ trì. Chủ tịch Ban Giám khảo Ðại hội Ðiện ảnh Cannes là Greta Gerwig, nữ đạo diễn bộ phim Barbie nổi tiếng.
Ngay sau khi tuyên bố khai mạc Ðại hội, Juliette Binoche trao giải Cành cọ vàng danh dự cho minh tinh Hollywood Meryl Streep, 74 tuổi, nổi tiếng trong các phim Những cây cầu ở quận Madison (The Bridges of Madison County, 1995), Mamma Mia... với lời cảm ơn đầy xúc động: "Chị đã làm thay đổi cách nhìn về phụ nữ, chị đã mang đến một hình ảnh mới về chúng ta".
Bộ phim đầu tiên được giới thiệu sau lễ khai mạc là Le deuxième acte của đạo diễn Pháp Quentin Dupieux. Lễ khai mạc có 2,3 triệu khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ và là một kỉ lục mới, theo Đài truyền hình Pháp France Televisions. Ðại hội Ðiện ảnh Cannes lần thứ 77 được đánh dấu với sự trở lại của phong trào Metoo và những người phụ nữ "mạnh mẽ".
Nữ diễn viên, nhà biên kịch kiêm đạo diễn Judith Godrèche, một tiếng nói quan trọng của phong trào Metoo Pháp, tham gia Ðại hội Ðiện ảnh với một bộ phim ngắn 17 phút tựa đề Moi aussi (tạm dịch: Tôi cũng thế) lên án hành vi bạo lực tình dục. Phim được chiếu tại hai địa điểm: tại buổi khai mạc hạng mục Un certain regard (Nhãn quan độc đáo) và trong khuôn khổ chương trình Điện ảnh trên Bãi biển cho công chúng và du khách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét