Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Cuối Tuần Này: Tưng Bừng Kính Mừng Đại Lễ Phật Đản 2024, PL 2568 Tại San Jose! Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Giới Thiệu Sinh Hoạt: Tưng bừng, rộn ràng, nhiều ý nghĩa, được chú ý nhất, cuối tuần này, tại Miền Bắc Cali! Kính Mừng Đại Lễ Phật Đản 2024, PL 2568 Với công thức tổ chức quy mô, kéo dài trong 2 ngày: Thứ Bảy ngày 4 tháng 5 và Chủ Nhật ngày 5 tháng 5/2024
Tại: History Park, số 635 Phelan Ave, San jose, Ca 95122
Với đầy đủ tiết mục:


<!>
*Nghi thức tôn giáo
-Lễ rước Phật
-Tắm Phật
-Lễ Sớt Bát Trai Tăng Cúng Dường
-Thả bồ câu
-Thắp nến cầu nguyện Hòa Bình
-Nghi Lễ Đản Sanh

*Những tiết mục dân gian mừng lễ:
-Thả bong bóng
-Hàng chục xe hoa diễn hành tại Grand Century Mall, Vietnam Town.
Đại Nhạc Hội “Hương Giác Ngộ”: Văn nghệ với những ca nghệ sĩ nổi tiếng nhất Hải ngoại và rất nhiều ca sĩ địa phương
-Hội Chợ: Ẩm thực chay, múa lân, loto, thư pháp, đố vui…

Do Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tại Bắc Cali phối hợp cùng nhau tổ chức!


Ngoài các lễ mừng Phật Đản tại các chùa, đây là Sinh Hoạt mừng chung, lớn nhất, hay nhất, quy mô nhất trong Mùa Phật Đản năm nay, cuối tuần này, xin đừng bỏ qua!

Lời Mời:


Chương Trình:



THÔNG ĐIỆP PHẬT ĐẢN

PL. 2568 – DL. 2024
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính gửi :
-Chư tôn Trưởng lão Hòa thượng, Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni.
-Chư Phật tử, Đồng bào các giới trong và ngoài nước.


-Cách đây gần ba ngàn năm có một vị vương giả đã từ bỏ ngai vàng, từ bỏ quyền lực và danh vọng cùng đời sống cao sang để có thể trải nghiệm về sự đau khổ trong cuộc đời, mong tìm kiếm hạnh phúc và sự an lạc đích thực, và Ngài đã ngộ ra rằng hạnh phúc và sự an lạc không thể tìm cầu ở bên ngoài, ở quá khứ, ở tương lai, mà ở trong nội tâm, ngay trong giây phút hiện tại, khi chúng ta buông bỏ sự cố chấp vào cái tôi và cái thuộc về tôi. Bậc vương giả đó chính là đức Phật.


Ngài đến thế gian với thông điệp về sự bình đẳng của mọi loài chúng sinh để từ đó giúp chúng ta phá bỏ chấp trước về sự cao sang của đẳng cấp này so với đẳng cấp khác, dân tộc này so với dân tộc khác, tôn giáo này so với tôn giáo khác. Tâm bình đẳng sẽ giúp chúng ta không còn có ý phân biệt, không phân biệt màu da, tôn giáo, dân tộc, văn hoá, chính kiến, từ đó, tâm từ bi, tâm vị tha, tâm bao dung sẽ hình thành. Nhân loại lúc đó sẽ là một nhà, chiến tranh không có cơ hội để bùng phát, một nền hoà bình bền vững sẽ ở cùng thế gian.


Ngài đã giúp chúng ta khai ngộ về lý Vô thường, Khổ, Vô ngã, để chúng ta hiểu được sự hiện hữu này là tạm bợ, nhà cửa không thuộc về chúng ta, vợ con không thuộc về chúng ta, tài sản, danh vọng không thuộc về chúng ta, bản thân này cũng không thuộc về chúng ta, từ đây chúng ta sẽ đoạn tuyệt với lòng tham. Mà lòng tham là nguyên nhân của mọi tội lỗi, tham dẫn đến sân, si, làm cho con người trở nên u tối và tàn ác.


Thế giới ngày nay đối mặt với nguy cơ huỷ diệt khi những lò lửa chiến tranh được nhen nhóm khắp nơi, từ châu Âu đến Trung đông và đang âm ỉ bùng phát ở đông Á. Tất cả đều do lòng tham, khi con người không những bám chấp vào cái tôi, cái của tôi mà còn muốn chiếm đoạt cái không thuộc về mình. Chiến tranh xuất phát từ sự ngộ nhận, cho rằng, dân tộc, tôn giáo, chính kiến của mình là cao quý hơn của kẻ khác, và họ muốn áp đặt giá trị của mình lên kẻ khác. Chiến tranh cũng xuất phát từ sự bất bình đẳng, bất công, giữa các quốc gia, dân tộc, bất dung về ý thức hệ và tôn giáo. Nhân loại ngày hôm nay, thay vì an trú nơi tâm an lạc để đạt được hạnh phúc như lời Đức Phật dạy, thì họ lại lao vào tìm kiếm sự hưởng thụ vật chất, và một cuộc chạy đua tìm kiếm vật chất đã tạo nên sự va chạm của các nền văn minh, các thể chế chính trị, các quốc gia và dân tộc, cho nên sự huỷ diệt nhân loại sẽ đến, thay vì hạnh phúc.


Ngày đức Phật đản sinh nhắc nhở cho toàn nhân loại bức thông điệp của Ngài về sự bình đẳng, về lý Vô thường, Khổ, Vô ngã, để chúng ta sống trong sự tỉnh giác, từ đó đạt được giác ngộ, hạnh phúc và một nền hoà bình trường cửu.


Hôm nay trong giờ phút trang nghiêm, trọng đại, chan hòa ánh đạo nhiệm màu, toàn thể những người con Phật chúng ta hãy lắng lòng thành kính tưởng niệm ơn đức vô lượng của đấng Từ phụ, của vị Đạo sư thánh thiện, đã thị hiện trên cõi đời nầy không ngoài mục đích cứu khổ ban vui, dẫn dắt hết thảy chúng sanh vượt qua biển khổ, bước lên bờ giác ngộ, giải thoát.


Đạo Phật là con thuyền đưa chúng ta vượt qua biển khổ đau, là con đường chân chánh thẳng tiến đến đạo quả Niết bàn. Đức Phật là bậc Đạo sư hướng dẫn chúng ta trên bước đường tu tập Chánh pháp, đức Phật không phải là một vị thần linh ban phước giáng họa như nhiều người hiện nay lầm tưởng. Đạo Phật, theo cách nhìn của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Từ một góc nhìn, Phật giáo là một tôn giáo, từ phương diện khác, Phật giáo là khoa học về tâm và không phải là tôn giáo, Phật giáo có thể là cây cầu giữa hai phương diện vừa nêu”. Là một người phật tử chân chánh phải hiểu và thực hành đúng theo giáo lý Đức Phật đã chỉ dạy, có như vậy, Phật pháp sẽ trường tồn, chúng sanh được an lạc.
Hiện nay ở các nước văn minh, Phật giáo được nhiều người ngưỡng mộ, có xu hướng phát triển rộng rãi là bởi sự thuyết phục của tinh thần nhân bản, giáo lý từ bi, thích ứng với khoa học trong sự kiến giải về vũ trụ và nhân sinh. Nhưng ở Việt Nam, dưới chế độ độc tài, độc đảng, toàn trị và vô thần, họ đã dựng lên một nền Phật giáo mang nặng tính thế tục, với mục đích phục vụ cho sự cai trị độc đoán, lâu dài. Chùa chiền được xây mới to lớn hơn, lễ lạc hoành tráng hơn, Tăng sỹ được tổ chức đào tạo rầm rộ theo định hướng của Nhà cầm quyền, tư duy mang màu sắc duy vật biện chứng. Lợi dụng niềm tin tôn giáo, họ tổ chức những điểm “Du lịch Tâm linh”, biến những nơi thánh tích thiêng liêng thành dịch vụ kinh doanh tôn giáo. Ở những nơi ấy hoàn toàn thiếu vắng những bậc chân tu, thiếu vắng sự giảng dạy và tu tập theo Chánh pháp. Hậu quả là Phật giáo Việt Nam hiện nay bị giới trí thức hoài nghi, khi Phật giáo chỉ còn là hình thức tín ngưỡng dân gian, mê tín dị đoan, để che mắt những người nhẹ dạ, cả tin. Như vậy chúng ta có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đang đi ngược lại xu hướng phát triển của Phật giáo thế giới.


Đây là một sự thật đau lòng mà người Phật tử chân chánh cần phải nhận thức đúng đắn. Sự thật nầy hầu hết hàng tu sỹ Phật giáo Việt Nam đều biết rõ, nhưng phần nhiều, vì cầu an nên không ai lên tiếng, còn một số khác, bị vướng vào vòng danh lợi, nên nhắm mắt xuôi tay, làm theo những chính sách sai lầm, làm cho Phật giáo mất đi tính tôn nghiêm và trí tuệ siêu việt.


Đứng trước hiện tình như vậy, phải cần có tâm đại hùng đại lực của tầng lớp Tăng –Ni và sự dấn thân của Phật tử, vì Tăng-Ni là sứ giả của Như Lai nên phải có đầy đủ oai nghi, chánh kiến, giới đức, trí tuệ và đạo hạnh để hoằng dương Chánh pháp, còn Phật tử chính là người hiện thực hoá giáo lý của Đức Phật ngay trong cuộc đời này, chỉ như vậy mới có thể hưng phục được Phật giáo, giải trừ được pháp nạn.


Hôm nay, nhân ngày Khánh Đản của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thiết tha kêu gọi toàn thể chư Tăng Ni và Phật tử, hãy vì sự tồn vong của mạng mạch Phật pháp mà an trú trong tỉnh giác, noi theo dấu chân Phật, xả ly ngã chấp, hy hiến cuộc đời, vì lợi ích của tất cả chúng sanh, ngõ hầu phần nào đền đáp công ơn sâu dày của Đức Phật.

Cầu nguyện Chánh pháp trường tồn, thế giới thái bình, chúng sanh an lạc.
Nam mô Lâm Tì Ni viên, Vô Ưu thọ hạ, thị hiện Đản sanh Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Tác đại chúng minh.
Mùa Phật Đản P.L. 2568, T.L. 2024.
Tăng Đoàn GHPGVNTN


Tin Quốc Tế Đó Đây


Tàu Vận Tải Bị Phi Đạn Tấn Công Gần Thành Phố Cảng Mokha của Yemen
(Hình: Chiến hạm HMS Richmond của Anh, với nhiệm vụ bảo vệ tàu thuyền ở Biển Đỏ khỏi các cuộc tấn công của phiến quân Houthi, đã bắn hạ các thiết bị bay không người lái của Houthi đang hướng về tàu trên Biển Đỏ vào ngày 9/3/2024.)
-Hôm thứ Hai (29/4), công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh cho biết một tàu container treo cờ Malta được cho là đã bị 3 phi đạn nhắm mục tiêu, khi đang trên đường đi từ Djibouti đến thành phố Jeddah của Saudi.
Cơ quan Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) cho biết họ đã được giám đốc an ninh thông báo về một vụ nổ gần một tàu buôn.
UKMTO nói thêm rằng chiếc tàu và thủy thủ đoàn vẫn an toàn và chính quyền đang điều tra sự việc.

Các chiến binh Houthi được Iran hậu thuẫn đã liên tục phóng thiết bị không người lái và phi đạn nhắm vào hoạt động vận chuyển thương mại quốc tế ở khu vực Biển Đỏ kể từ giữa tháng 11, nói rằng họ đang hành động trong sự đoàn kết với người Palestine để chống lại hành động quân sự của Do Thái ở Gaza.
Ambrey đánh giá rằng chiếc tàu trở thành mục tiêu vì nhà điều hành của nó được liệt kê đang có hoạt động thương mại với Do Thái, công ty này cho biết trong một lưu ý.
Ambrey và UKMTO đã nhận được báo cáo sự việc xảy ra cách thành phố cảng Mokha của Yemen 54 hải lý về phía Tây-Bắc.
Các cuộc tấn công của Houthi ở khu vực Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu, buộc các công ty phải thực hiện những chuyến đi dài và tốn kém hơn quanh miền Nam Phi Châu.
Hoa Kỳ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi để đáp trả.


Ngoại Trưởng Mỹ Kỳ Vọng Hamas Chấp Nhận Đề Nghị của Do Thái Về Ngừng Bắn ở Gaza


(Hình: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi, ngày 29/4/2024.)
-Đến Ả Rập Saudi dự hội Diễn đàn Kinh tế Thế giới Riyadh, ngoại trưởng Hoa Kỳ sáng 29/4/2024 hy vọng Hamas sẽ chấp thuận đề xuất "ngừng giao tranh đổi lấy tự do cho các con tin" Do Thái. Đây là một đề xuất mà ông Blinken cho là "rất hào phóng" từ phía Quốc gia Do Thái. Cùng ngày, tại Cairo, phong trào Hồi Giáo Palestine tiếp tục đàm phán với Ai Cập và Qatar về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Hãng tin Pháp AFP cho biết, trên nguyên tắc, "trong ngày hôm nay (29/4) tổ chức Hamas sẽ trả lời về đề nghị ngừng bắn tại Gaza" sau nhiều tháng đối thoại bế tắc. Một thành viên trong phái đoàn của Hamas thận trọng cho rằng còn quá sớm để khẳng định đàm phán đang diễn ra "trong bầu không khí thuận lợi". Nhân vật này cương quyết đòi Do Thái "rút khỏi Gaza, ngừng bắn vĩnh viễn và cho phép những người Palestine bị di dời chỗ ở được trở về nhà".

Một trong những bất đồng giữa Do Thái với Hamas liên quan đến số con tin Do Thái có thể được phóng thích. Các nguồn tin báo chí cho biết, chính quyền Benjamin Netanyahu đòi Hamas trả tự do cho 40 con tin Do Thái trong số gần 130 người vẫn đang bị cầm giữ, ưu tiên thả phụ nữ, trẻ em và những người đàn ông trên 50 tuổi. Trái lại, hiện tại Hamas chỉ chấp thuận trả tự do cho khoảng 20 con tin Do Thái trong đợt này.
Truyền thông phương Tây không đi sâu vào chi tiết về những đề nghị từ phía Do Thái, chỉ biết rằng, theo quan điểm của Hoa Thịnh Ðốn, qua lời ngoại trưởng Antony Blinken, đây là một "đề xuất rất hào phóng".

Ngoại trưởng Mỹ Blinken, sau chặng dừng tại Riyadh, thủ đô Ả Rập Saudi, hôm 29/4 dự trù sẽ đến Do Thái và Jordanie.
Cũng có mặt tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Riyadh, hôm 28/4, Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas một lần nữa kêu gọi Hoa Thịnh Ðốn gia tăng áp lực với Do Thái ngăn cản Thủ tướng Benjamin Netanyahu mở đợt tấn công Rafah. Ông tin rằng "Mỹ là quốc gia duy nhất có thể ngăn chận Do Thái tiến hành tội ác".
Tối qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Netanyahu để bàn về việc "tăng cường viện trợ nhân đạo" cho Gaza, theo thông cáo của Tòa Bạch Ốc.


Tin Đồn CPI Sắp Ra Lệnh Bắt Giữ Lãnh Đạo Cấp Cao: Do Thái Lên Kế Hoạch Đề Phòng


(Ảnh: Trụ sở của Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) ở The Hague, Hòa Lan, ngày 12/6/2016.)
-Sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Do Thái và Hoa Kỳ ngày hôm 28/4/2024, truyền thông Do Thái đưa tin hai nước đang tìm cách ngăn chặn Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) ra lệnh truy tố các viên chức cấp cao Do Thái vì chiến tranh ở Gaza.
Hôm 28/4, bộ Ngoại Giao Do Thái đã yêu cầu các cơ quan ngoại giao của nước này chuẩn bị đối phó với những hậu quả có thể xảy ra sau phán quyết của CPI. Từ thủ đô Jerusalem của Do Thái, thông tín viên Michel Paul của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Những người mà Tòa án Hình sự Quốc tế đặc biệt nhắm vào là Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Do Thái Yoav Gallant, Tổng tham mưu trưởng Quân đội cũng như các lãnh đạo quân sự và chính trị khác của Do Thái, có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến giữa Do Thái và Hamas.

Thủ tướng Do Thái khẳng định trên mạng xã hội: "Dưới sự lãnh đạo của tôi, Do Thái sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ nỗ lực nào của CPI nhằm làm suy yếu quyền tự vệ chính đáng của Quốc gia Do Thái". Ngoại trưởng Do Thái, Israël Katz đã ra lệnh cho các sứ quán của Do Thái trên thế giới tăng cường an ninh, để chuẩn bị đối phó với một làn sóng bài Do Thái, bài Do Thái, sau quyết định mà tòa ở The Hague có thể đưa ra.
Tòa án Hình sự Quốc tế có thể truy tố các cá nhân vì tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, tội diệt chủng, như đã làm đối với Vladimir Putin. Tuy nhiên, Do Thái không nằm trong số 124 quốc gia thành viên của CPI, và không công nhận thẩm quyền của tòa này".
Hiện CPI đang điều tra về các hoạt động của Do Thái tại Cisjordanie và ở Gaza, đặc biệt là việc Do Thái đưa dân định cư Do Thái đến các vùng chiếm đóng. Cuộc điều tra của CPI lần này tách biệt với các vụ kiện khác chống lại Do Thái, trong đó có vụ Nam Phi cáo buộc Do Thái phạm tội diệt chủng ở Gaza. Cả Do Thái và đồng minh Hoa Kỳ đều không công nhận thẩm quyền của CPI, nhưng nếu tòa phát lệnh bắt giữ, các viên chức của Do Thái có nguy cơ sẽ bị bắt giữ ở những nước đã ký Quy chế Roma về Tòa án Hình sự Quốc tế.


Ukraine Thừa Nhận Nga Có Những "Thắng Lợi Chiến Thuật"


(Ảnh: Một sĩ quan Ukraine quan sát vụ bắn pháo tự hành 2S3 152 mm về phía các vị trí của Nga ở chiến tuyến, gần Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 25/3/2024.)
-Vào lúc Nga gia tăng oanh kích tại nhiều nơi như Kherson, Zaporijia và nhất là khu vực Pokrovsk, vùng Donetsk, hôm 28/4/2024, Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, ông Oleksandr Syrksiy nhìn nhận tình hình chiến trường ngày một "xấu đi" và quân Nga đã giành được một số "thành công chiến thuật" tại nhiều khu vực.
Từ thủ đô Kyiv của Ukraine, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
"Tình hình trên chiến trường đã trở nên tồi tệ. Đây là ghi nhận được tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrksiy, chia sẻ trên mạng xã hội. Ông nói đến đà tiến chiến lược của quân Nga tại ba làng ở vùng Donetsk, nơi có đến bốn lữ đoàn Nga đã được điều đến để áp đảo quân Ukraine.

Tướng Syrksiy thừa nhận phải rút quân tại một số khu vực và nhìn nhận trong những ngày gần đây quân Nga đã đạt được một số thành công chiến thuật, nhưng theo ông, tại nhiều nơi khác, các vị trí chiến thuật của Ukraine đã được cải thiện. Bất chấp các nỗ lực của quân Nga, lực lượng Ukraine vẫn giữ được một đầu cầu ở Krinkiy, bên bờ sông Dnipro bị chiếm đóng, gần vùng Kherson, trước khi viện trợ của Mỹ đến được Ukraine.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ, trụ sở tại Hoa Thịnh Ðốn, đánh giá rằng các lực lượng Nga sẽ giành được một số lợi ích chiến lược trong những tuần sắp tới, nhưng sẽ không làm rối loạn quân đội Ukraine. Về phía Kyiv, lãnh đạo tình báo Ukraine Kyrylo Budanov cảnh báo về những tuần khó khăn sắp tới và một cuộc tấn công mới của quân Nga có thể giáng xuống Ukraine vào đầu mùa Hè này".
Theo thông tấn xã AFP, hôm 29/4, Kyiv cho biết đã đẩy lui 55 đợt tấn công của quân Nga ở miền Đông tại vùng Donetsk, vào lúc Nga thông báo chiếm được một làng mới ở Đông Ukraine.


Quốc Hội Gruzia Bỏ Phiếu Về Luật "Ảnh Hưởng Ngoại Quốc" Sau Cuộc Biểu Tình Rộng Lớn


(Hình: Người biểu tình mang cờ Gruzia và Liên Hiệp Âu Châu tuần hành bên ngoài tòa nhà Quốc Hội để phản đối dự luật về "ảnh hưởng của ngoại quốc" mà họ xem là "luật Nga", Tbilisi, Gruzia, tối 28/4/2024.)
-Hôm 29/4/2024, Nghị viện Gruzia xem xét dự luật về "ảnh hưởng của ngoại quốc", một ngày sau cuộc biểu tình lớn quy tụ khoảng 20 ngàn người tại thủ đô Tbilisi nhằm phản đối văn bản bị đánh giá là hủy diệt tự do. Liên Hiệp Âu Châu (EU) cảnh báo rằng luật này nếu được thông qua sẽ gây tổn hại cho tiến trình Gruzia gia nhập khối 27 nước.
Chính phủ cũng dự trù tổ chức một cuộc tập hợp, một hình thức phô trương thế mạnh nhằm khẳng định rằng người dân hậu thuẫn chính phủ. Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc thăm dò, 85% dân Gruzia ủng hộ việc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Vì vậy, tại Gruzia, hôm 29/4 là một ngày quan trọng, mang tính quyết định cho tương lai đất nước. Từ thủ đô Tbilisi của Gruzia, thông tín viên Régis Genté của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:

Không còn nghi ngờ gì nữa, sau hai tuần diễn ra các cuộc biểu tình hàng ngày chống dự luật, chính phủ Gruzia muốn tổ chức một cuộc tập hợp vào tối nay để chứng tỏ rằng người dân ủng hộ dự luật của chính phủ.
Đây sẽ là cuộc tập hợp đầu tiên ủng hộ luật về "minh bạch ảnh hưởng của ngoại quốc". Chưa có một cuộc biểu tình tự phát nào ủng hộ văn bản này được tổ chức kể từ khi dự thảo luật được khởi động lại.
Xin nhắc lại rằng đảng Giấc mơ Gruzia, đảng cầm quyền của nhà tài phiệt Bidzina Ivanichivili, mà trên nguyên tắc sẽ lên phát biểu tối nay, một dịp xuất hiện hiếm hoi trước công chúng, đã từng buộc phải rút lại dự luật này cách nay hơn một năm, sau những cuộc biểu tình đông đảo chống điều mà người dân Gruzia đã gọi là "luật Nga".
Tối 28/4, trong khi quảng trường trước Nghị viện đã bị phong tỏa, biểu tình ủng hộ chính phủ đang được chuẩn bị, thì những người phản đối dự luật đã tụ tập cách đó vài dãy nhà. Nhưng vào khoảng 10 giờ tối, đám đông, có thể lên tới 30 ngàn người, đã đổ về phía Nghị Viện, lao vào một cuộc đối đầu căng thẳng với lực lượng an ninh.


Ái Nhĩ Lan Muốn Gửi Trả Các Di Dân Bất Hợp Pháp Về Nước Anh


(Hình: Gặp nạn khi dùng xuồng vượt eo biển Manche, một nhóm di dân được Lực lượng Biên phòng đưa đến Dover, Kent, Anh Quốc ngày 23/4/2024.)
-Lo ngại bị trục xuất đến Rwanda, nhiều di dân bất hợp pháp tại Anh tìm cách đi sang các nước láng giềng gần nhất, như Ái Nhĩ Lan.
Hôm 29/4/2024, Bộ trưởng Tư pháp Ái Nhĩ Lan, Helen McEntee, gặp Bộ trưởng Nội vụ Anh để tìm cách ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp. Ái Nhĩ Lan cũng dự tính ban hành luật khẩn cấp để gửi trả các di dân này về nước Anh. Từ Dublin, thông tín viên Clémence Pénard của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
"Hôm 28/4, Thủ tướng Ái Nhĩ Lan đã khẳng định "sẽ không tạo ra lối thoát cho các thách thức nhập cư của Vương Quốc Anh". Theo chính phủ Ái Nhĩ Lan, 80% những người ngoại quốc mới đến nước này gần đây là không có giấy tờ hợp lệ. Họ vượt biên vào lãnh thổ nước này từ phía Bắc, tức là Bắc Ái Nhĩ Lan. Lý do là các di dân lo ngại bị trục xuất đến Rwanda trong những tuần sắp tới.

Trước dòng người di cư này, chính phủ Ái Nhĩ Lan có ý định ban hành một luật khẩn cấp để có thể gửi trả họ về Anh Quốc. Theo Bộ trưởng Tư pháp Helen McEntee, số người di cư từ phía Bắc đến Ái Nhĩ Lan gia tăng trong những tháng qua có thể có liên quan đến việc mở cửa biên giới giữa Bắc Ái Nhĩ Lan cà Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan, sau Brexit, tức là kể từ khi Anh Quốc rời Liên Hiệp Âu Châu.
Sau Brexit, biên giới giữa hai nước Ái Nhĩ Lan đã được mở mà không được kiểm soát gắt gao. Đây cũng là một trong điều kiện chủ chốt của thỏa thuận nhằm tránh căng thẳng giữa hai miền của hòn đảo, vốn đã có một lịch sử đẫm máu".


An Ninh Quốc Gia: Chính Phủ Pháp Muốn Mua Lại Các "Hoạt Động Chiến Lược" của Atos


(Hình: Trụ sở chính của tập đoàn Atos tại Bezons, gần Paris, thủ đô của Pháp, ngày 26/4/2024.)
-Là một lá chủ bài của Pháp trong các lĩnh vực quốc phòng, kỹ thuật không gian, trí tuệ nhân tạo..., tập đoàn tin học Atos của Pháp đang cần huy động hơn 1 tỉ Euro để phát triển và đang gấp rút tìm cách giải quyết 5 tỉ Euro tiền nợ. Hôm 28/4/2028, Paris loan báo ý định mua lại "những hoạt động chiến lược" của Atos để bảo đảm tính tự chủ của nước Pháp trong thời đại kỹ thuật số.
Atos là một con chim đầu đàn của Pháp trong lĩnh vực kỹ thuật mới và là một trong những cột trụ bảo đảm các dịch vụ điện toán, an toàn cho môi trường kỹ thuật số của Thế Vận hội Paris 2024. Chính phủ kỳ vọng vào tập đoàn này để phát triển trí tuệ nhân tạo, bảo đảm sự độc lập với kỹ thuật số của Mỹ, để bảo mật các dữ liệu "nhạy cảm" về an ninh, đề phòng những hoạt động phi pháp từ các toán tin tặc, nhất là của Nga, Trung Quốc hay Iran, Bắc Hàn. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư ngoại quốc quan tâm đến Atos.

Hôm 28/4, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire cho biết chính phủ muốn mua lại tất cả những chi nhánh của Atos thuộc diện "nhạy cảm nhất" để những lĩnh vực này vẫn thuộc quyền kiểm soát của nước Pháp. Việc mua lại một phần các chi nhánh của Atos nhằm "bảo vệ những lợi ích chiến lược" cho một tập đoàn của Pháp và cũng là để tránh trường hợp những "kỹ thuật nhạy cảm liên quan đến an ninh của nước Pháp bị lệ thuộc vào lợi ích của ngoại quốc".
Bộ trưởng Le Maire nói rõ hơn: "Atos đang nắm giữ nhiều kỹ thuật then chốt đối với chủ quyền của Pháp, đối với chiến lược quốc phòng, đối với an ninh mạng và lĩnh vực nguyên tử của Pháp". Tuy nhiên, Paris không có ý định quốc hữu hóa tập đoàn tư nhân này, mà chỉ tập trung vào việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các ngân hàng Pháp, cho các nhà đầu tư của Pháp, trong đó có những đại tập đoàn trong lĩnh vực Data hay an ninh mạng của Pháp, mua lại Atos.
Theo một số nguồn tin được thông tấn xã AFP trích dẫn, chính phủ dường như sẵn sàng huy động đến 50 triệu Euro để cứu Atos. Trong thông cáo sáng nay, Atos hoan nghênh ý định của chính phủ vào lúc mà cổ phiếu của tập đoàn này mất giá 70% trong bốn tháng đầu năm. Atos đang đàm phán về một kế hoạch "tái cơ cấu nợ" với các ngân hàng. Tình trạng tài chính của công ty cũng đã xấu đi trong những tháng gần đây.


Công Bố Thành Phần Ban Giám Khảo Ðại Hội Ðiện Ảnh Quốc Tế Cannes 2024


(Ảnh: Logo Ðại hội Ðiện ảnh Quốc tế Cannes.)
-Hai tuần trước lễ khai mạc, hôm 29/4/2024, Ðại hội Ðiện ảnh quốc tế Cannes 2024 công bố thành phần Ban giám khảo, với chủ tịch là nữ đạo diễn Mỹ Greta Gerwig, tác giả bộ phim ăn khách "Barbie". Cặp diễn viên Eva Green và Omar Sy, hai gương mặt tiêu biểu của điện ảnh Pháp và Hollywood, cũng được chọn làm thành viên bán giám khảo.
Ngoài cương vị chủ tịch trao cho nữ diễn viên Mỹ Gerwig, để tôn trọng thế cân bằng tuyệt đối giữa hai phái, được mời tham gia ban giám khảo Ðại hội Ðiện ảnh Cannes lần thứ 77 có 4 gương mặt tiêu biểu cho phái đẹp của điện ảnh thế giới: Diễn viên người Pháp Eva Green, rất nổi tiếng cả trên các phim trường Hollywood, ngôi sao màn bạc người Mỹ Lily Gladstone, từng được đề cử tranh giải Oscar nhờ thủ vai một cô gái da đỏ trong bộ phim của Scorsese, nữ đạo diễn người Lebanon, Nadine Labaki, và nhà viết kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ Ebru Ceylan,

Phái nam trong thành phần Ban giảm khảo Cannes 2024 gồm có đạo diễn gạo cội của điện ảnh Nhật Bản Kore Eda (61 tuổi) từng đoạt giải Cành Cọ Vàng năm 2018; nhà làm phim người Tây Ban Nha Juan Antonio Bayona, nam diễn viên Ý Ðại Lợi Pierfrancesco Favino. Mọi sự chú ý đều hướng về gương mặt tiêu biểu của điện ảnh Pháp, Omar Sy. Sinh ra tại ngoại ô Paris, cha mẹ là người nhập cư từ hai nước Senegal và Mauritanie, Omar đã chinh phục nghệ thuật thứ 7 của cả Pháp lẫn Hoa Kỳ.
Từ ngày 14/5 đến 25/5 tới đây, 9 thành viên ban giám khảo sẽ phân định để chọn ra bộ phim Xuất sắc nhất trong số 22 tác phẩm tranh giải Cành Cọ Vàng.


Bắc Hàn Gài Mìn ở Trục Lộ Sát Biên Giới Với Nam Hàn


(Ảnh AFP - Handout, tư liệu, không ghi ngày, do bộ Quốc Phòng Nam Hàn công bố ngày 27/11/2023: Binh sĩ Bắc Hàn gần một trạm gác ở phía Bắc Khu phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên.)
-Nam Hàn phát giác Bắc Hàn gài mìn dọc theo một lối đi nối hai miền Triều Tiên trong vùng phi quân sự. Hãng tin Yonhap hôm 29/4/2024, trích dẫn một viên chức trong quân đội Nam Hàn, cho biết Bình Nhưỡng tiếp tục phá hủy mọi biểu tượng hàn gắn với Hán Thành.
Năm 2018, Nam Hàn và Bắc Hàn trong giai đoạn tan băng, quân đội hai nước đã đồng ý mở một lối đi tại khu phi quân sự, gần biên giới liên Triều ngay tại khu vực gần đồi Arrowhead Hill, thuộc quận Cheorwon, tỉnh Gangon của Nam Hàn, cách thủ đô Hán Thành khoảng 85 cây số về hướng Đông-Bắc. Lối đi này nhằm tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm hài cốt binh lính của cả hai miền thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Nói cách khác, lối đi này là một biểu tượng mạnh của nỗ lực hòa giải giữa hai nước Triều Tiên.

Đây là trục lộ thứ ba nối 2 nước Triều Tiên bị gài mìn. Yonhap nhắc lại vào tháng 1/2024, Hán Thành đã phát giác Bắc Hàn gài mìn trên trục lộ nối thành phố Gyeongui với Paju thuộc Nam Hàn và trên trục lộ từ khu công nghiệp Kaesong cũng của Bắc Hàn với Donghe.
Tháng trước, Bình Nhưỡng đã cho tháo dỡ toàn bộ những cột đèn dọc theo các tuyến đường này. Đây là bước kế tiếp từ khi lãnh tụ Kim Jong Un ra lệnh chấm dứt mọi nỗ lực hòa giải từ hàng chục năm qua của cả đôi bên và đưa vào Hiến Pháp Bắc Hàn điều khoản xem "Nam Hàn là kẻ thủ số 1".
Phát ngôn viên quân đội Nam Hàn, trong cuộc họp báo hôm 29/4, thông báo Hán Thành đang chuẩn bị những "biện pháp cần thiết để đối phó" nhưng loại trừ khả năng Nam Hàn cũng gài mìn như Bắc Hàn để trả đũa.


Chủ Tịch Trung Quốc Thăm Pháp, Serbia, Hung Gia Lợi Để Tăng Cường Quan Hệ Với EU


(Hình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp tại Quảng Châu, Trung Quốc, vào ngày 7/4/2023. Ông Tập sẽ thăm Pháp, Serbia và Hung Gia Lợi từ ngày 5/5 đến 10/5/2024.)
-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Pháp, Serbia và Hung Gia Lợi từ ngày 5/5 đến 10/5/2024. Đây là chuyến công du Âu Châu đầu tiên của ông sau 5 năm nhằm thúc đẩy quan hệ với EU khi căng thẳng gia tăng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đề cập đến chuyến thăm Pháp của ông Tập Cận Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói quan hệ song phương với Pháp vẫn duy trì đà tăng trưởng lành mạnh và cả hai nước đã có liên lạc chiến lược và hợp tác thực tế.
"Đã đến lúc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Pháp lên một tầm cao mới và tạo động lực mới cho sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung Quốc-EU, đóng góp mới cho hòa bình, ổn định, phát triển và tiến bộ trên thế giới", ông Lâm nói tại cuộc họp báo thường kỳ.
"Trung Quốc mong muốn được hợp tác với Pháp để tăng cường hơn nữa sự tin cậy, đoàn kết và hợp tác lẫn nhau về mặt chính trị".

Những tranh chấp thương mại theo kiểu "ăn miếng trả miếng" với EU đã khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng khi Paris ủng hộ cuộc điều tra chống trợ cấp của Ủy ban Âu Châu đối với sản phẩm xe điện nhập cảng của Trung Quốc.
Sau đó, Trung Quốc đã tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh, một động thái được cho là nhằm vào Pháp.
Trong chuyến đi, ông Tập cũng sẽ hội đàm với Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic, để trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và thảo luận về việc nâng cấp mối quan hệ Trung Quốc-Serbia, ông Lâm cho biết thêm.
Ông Tập cũng sẽ thăm Hung Gia Lợi, quốc gia mà ông Lâm gọi là "đối tác hợp tác quan trọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu".

Không có nhận xét nào: