Chi tiêu quân sự của châu Âu lên đến mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh Trụ sở của Viện Quốc tế Nghiên cứu về Hòa bình Stockholm (SIPRI), ở Stockholm, Thụy Điển. © Wikipedia - Thanh Phương Theo một báo cáo của Viện Quốc tế Nghiên cứu về Hòa bình Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự ở châu Âu trong năm 2022 đã lên đến mức cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Theo báo cáo này, tính trên toàn thế giới, chi tiêu cho quốc phòng vào năm ngoái đã lên đến mức kỷ lục 2.240 tỷ đôla, chiếm 2,2% tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu. Đây là năm thứ tám liên tiếp mà số tiền đầu tư cho các quân đội tăng thêm trên toàn thế giới.
<!>
Một trong các đồng tác giả của báo cáo, nhà nghiên cứu Nan Tian, nói với hãng tin AFP: “Ngân sách quốc phòng của các nước tăng cao không chỉ là do chiến tranh Ukraina, khiến châu Âu chi tiêu nhiều hơn cho quân sự, mà còn do các căng thẳng không được giải quyết và tiếp tục gia tăng ở khu vực Đông Á, giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á”.
Theo báo cáo của SIPRI, năm ngoái, đánh dấu bằng việc Nga xâm lược Ukraina, chi tiêu quân sự của châu Âu đã tăng đến 13%. Đây là mức tăng cao nhất từ hơn 30 năm qua, trở lại bằng với mức của năm 1989, năm mà bức tường Berlin sụp đổ.
Riêng Ukraina đã tăng gấp 7 lần chi tiêu quốc phòng, lên đến 44 tỷ đôla, tức là một phần ba GDP của nước này, chưa kể hàng chục tỷ đôla viện trợ vũ khí của phương Tây. Cũng theo thẩm định của SIPRI, chi tiêu quân sự của Nga đã tăng 9,2% năm ngoái. Nhà nghiên cứu Nan Tian, một trong các đồng tác giả của báo cáo, nhấn mạnh, cho dù không tính đến hai nước đang có chiến tranh, chi tiêu quân sự của châu Âu cũng đã tăng đáng kể. Ông dự báo xu hướng tăng với mức độ tương tự sẽ tiếp diễn ở châu Âu trong nhiều năm tới.
Năm ngoái, chỉ riêng Hoa Kỳ đã chiếm tới 39% chi tiêu quân sự toàn thế giới, đứng thứ hai là Trung Quốc (13%), cả hai vượt xa các nước tiếp theo là Nga (3,9%), Ấn Độ (3,6%), Ả Rập Xê Út (3,3%). Đứng thứ sáu là Anh Quốc (3,1%), kế đến là Đức (2,5%) và Pháp (2,4%).
Nói chung, theo nhà nghiên cứu của SIPRI, sau khi giảm đáng kể trong thập niên 1990, chi tiêu cho quốc phòng trên toàn thế giới đã tăng trở lại kể từ thập niên 2000.
Matxcơva phản đối Mỹ không cấp thị thực nhập cảnh cho các nhà báo Nga tới New York
Ảnh minh họa: Trụ sở chính Liên Hiệp Quốc tại New York. AP - Osamu Honda
Minh Anh
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, hôm qua, 23/04/2023, trước khi lên đường đến New York để đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên tại Hội Đồng Bảo An, đã chỉ trích Hoa Kỳ có một quyết định « hèn hạ », đồng thời khẳng định « Nga sẽ không tha thứ cho Mỹ ». Lãnh đạo ngoại Nga có lời lẽ gay gắt như trên do việc Washington đã từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho các nhà báo Nga tháp tùng ông đến trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Từ Matxcơva, thông tín viên đài RFI, Jean-Didier Revoin tường trình :
« Chúng tôi sẽ không quên, chúng tôi sẽ không tha thứ. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã tuyên bố như vậy, tỏ ra khó chịu về việc các nhà báo Nga tháp tùng cùng ông đến New York đã không có được thị thực nhập cảnh. Ngoại trưởng Nga đã mỉa mai rằng Hoa Kỳ đã cho thấy rõ giá trị của những tuyên bố của Mỹ về tự do ngôn luận.
Về phần mình, Serguei Riabkov, thứ trưởng Ngoại Giao Nga đã lên án thái độ nhạo báng của Washington và nói thêm rằng Matxcơva sẽ có cách đáp trả để Hoa Kỳ phải luôn ghi nhớ là điều đó là không nên làm.
Chỉ có điều, giai đoạn căng thẳng mới này giữa Washington và Matxcơva xảy ra ba tuần sau vụ Nga bắt giữ phóng viên thường trực của tờ Wall Street Journal. Nhà cầm quyền Nga cáo buộc Ewan Gerkovitch hoạt động gián điệp, điều mà nhật báo tài chính Mỹ và nhà báo nhất mực phủ nhận.
Ông Serguei Lavrov dự kiến có mặt tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở Mỹ để đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An và nếu như một cuộc gặp giữa ngoại trưởng Nga với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã được xác nhận, thì không có gì khẳng định là ông sẽ gặp đồng nhiệm Mỹ AnthonyBlinken. »
Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ nhằm tăng cường quan hệ song phương đối phó với Bắc Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (P) cùng phu nhân Kim Keon Hee, lên đường đi Mỹ, sân bay quân sự Seoul ở Seongnam, Hàn Quốc, 24/04/2023. © Lim Hun-jung / AP
Trần Công
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm nay, 24/04/2023, lên đường đi Washington mở chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trong bối cảnh hai đồng minh tăng cường quan hệ trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :
« Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của tổng thống Yoon Suk Yeol đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh Hàn - Mỹ và là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc từ 12 năm qua. Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng là lãnh đạo ngoại quốc thứ hai mở chuyến viếng thăm cấp nhà nước dưới thời chính quyền Joe Biden sau tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo lịch trình, tổng thống Hàn Quốc và Mỹ sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 26/04/2023. Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng sẽ có bài phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ.
Cuộc họp thượng đỉnh Hàn - Mỹ lần này sẽ đề cập đến việc tăng cường khả năng răn đe mở rộng với Bắc Triều Tiên, và bàn về khả năng Washington cung cấp vũ khí hạt nhân, nếu mối đe dọa hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên xảy ra. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ thảo luận về an ninh kinh tế trong lĩnh vực chất bán dẫn cũng như trong các ngành công nghệ pin, ô tô điện và công nghệ sinh học. Tháp tùng tổng thống Yoon Suk Yeol trong chuyến đi lần này có 122 doanh nhân, trong đó có lãnh đạo các tập đoàn lớn như Samsung, SK, Hyundai, và nhiều tập đoàn khác.
Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh quan hệ của liên minh Hàn-Mỹ đang vướng phải nhiều tranh cãi như việc Washington bị nghi nghe lén đồng minh cũng như việc Seoul vẫn để ngỏ vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraina ».
Mỹ, Pháp sơ tán nhân viên ngoại giao và kiều dân khỏi Sudan
Hình minh họa: Cột khói bốc lên tại sân bay quốc tế của thủ đô Khartoum, do giao tranh giữa các phe tại Sudan, ngày 20/04/2023. © AFP
Thanh Hà
Nội chiến tại Sudan-châu Phi bước sang tuần lễ thứ nhì, làm hơn 420 người chết, 3.700 người bị thương. Paris ngày 23/04/2023 thông báo khởi động chiến dịch sơ tán cấp tốc các công dân Pháp và nhân viên ngoại giao. Sứ quán Mỹ tại thủ đô Khartoum « tạm ngừng hoạt động », tổng thống Biden ra lệnh cho quân đội đưa nhân viên tòa đại sứ đến những nơi an toàn.
Theo một số nguồn tin thông thạo được AFP trích dẫn, bộ Ngoại Giao Pháp đã « khởi động » chiến dịch sơ tán các công dân và « nhân viên ngoại giao của Pháp cũng như của một số quốc gia đối tác đồng minh ». Paris được cả hai lực lượng của quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự bảo đảm chiến dịch « sơ tán khoảng 250 công dân Pháp khỏi Sudan » sẽ diễn ra an toàn.
Từ ngày 15/04/2023 Sudan lâm vào một cuộc nội chiến giữa một bên là quân đội chính quy do tướng Abdel Fattha Al Burhane chỉ huy và bên kia là lực lượng bán quân sự FSR do tướng MohammetHamdan Daglo –biệt danh Hemedtilãnh đạo. Hemedti từng là nhân vật số hai của tướng Burhane trong cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Bechir năm 2019. Nhưng từ 2021, Burhane và Hemedticùng tranh giành quyền lực.
Tại Washington tổng thống Joe Biden hôm 22/04/2023 đã « yêu cầu quân đội mở chiến dịch sơ tán nhân viên của chính phủ Mỹ khỏi Khartoum ». Theo lời một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, « chưa đầy 100 » nhân viên ngoại giao Mỹ tại Sudan đã được « chuyển đi bằng trực thăng ». Tuy nhiên trước mắt Washington chưa tính đến khả năng sơ tán « hàng trăm công dân Hoa Kỳ đang sống tại Sudan ».
Hãng tin AP ghi nhận sáng Chủ Nhật 23/04/2023, ít nhất trong khoảng một giờ đồng hồ nhiều chuyến trực thăng của đặc nhiệm Hoa Kỳ đưa nhân viên tòa đại sứ Mỹ ra khỏi thủ đô Khartoum. Washington huy động 100 quân nhân và ba trực thăng loại MH-47 trong đợt sơ tán lần này. Nhân viên ngoại giao Mỹ được đưa đến Ethiopia. Từ nhiều ngày qua, Lầu Năm Góc đã điều một số quân nhân đến Djibouti để chuẩn bị cho chiến dịch nói trên. Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ và lãnh đạo lực lượng quân sự của Mỹ tại Châu Phi duy trì liên lạc với cả hai phe của tướng Burhane và Hemedti trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch sơ tán các công dân Mỹ trong những giờ qua. Washington tuy tiên bác bỏ tin là đã được lực lượng bán quân sự do tướng Hemedti lãnh đạo « phối hợp » với Mỹ nhằm đưa nhân viên sứ quán Hoa Kỳ đến một nơi an toàn.
Ngoài ra, Anh, Ý, Đức cùng Ả Rập Xê Út, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ... đã sơ tán các công dân khỏi Sudan.
Xung đột vẫn diễn ra khốc liệt tại thủ đô của Sudan. 5 triệu dân ở Khartoum bị mất điện, mất nước từ nhiều ngày qua. Hệ thống điện thoại và internet thường xuyên bị đứt quãng. Dân chúng bắt đầu thiếu lương thực. Tình hình có nguy cơ xấu đi thêm một khi các công dân nước ngoài rời khỏi thành phố này. Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới báo động « tình hình tại chỗ là một tai họa ».
Đại sứ TQ tại Pháp “phủ nhận” chủ quyền các nước Liên Xô cũ: Paris và ba nước Baltic phẫn nộ
Lư Sa Dã (Lu Shaye), đại sứ Trung Quốc tại Pháp. Ảnh minh họa chụp ngày 10/09/2019. AFP - MARTIN BUREAU
Trọng Nghĩa
Tuyên bố phủ nhận chủ quyền của Ukraina trên bán đảo Crimée cũng như “tư cách pháp lý” của các nước Liên Xô cũ trước đây của đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã (Lu Shaye) ngày 21/04/2023 tiếp tục khuấy động quan hệ giữa Bắc Kinh với Paris và ba nước Baltic, gây nên những phản ứng giận dữ tại Pháp, Litva, Latvia và Estonia. Vào hôm nay 24/04/2023, ông Lư Sa Dã và các đại sứ Trung Quốc ở 3 quốc gia Baltic đã bị triệu mời lên bộ Ngoại Giao để giải thích.
Theo nhật báo Le Monde, đại sứ Trung Quốc ở Paris được triệu mời lên Bộ Ngoại Giao về các tuyên bố khiêu khích của mình, nơi ông sẽ được Luis Vassy, chánh văn phòng ngoại trưởng Pháp tiếp kiến.
Cùng ngày, theo lời ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng Liên Âu, thì trong ngày hôm nay, ba quốc gia vùng Baltic – Litva, Latvia và Estonia - cũng triệu tập các đại sứ Trung Quốc tại nước họ lên bộ Ngoại Giao để yêu cầu giải thích về lời lẽ của ông Lư Sa Dã.
Theo ngoại trưởng Litva, các nước Baltic muốn biết là “phải chăng quan điểm của Trung Quốc về độc lập đã thay đổi và nhắc nhở Bắc Kinh rằng ba nước Baltic không phải là các quốc gia hậu Xô Viết mà là các nước đã bị Liên Xô chiếm đóng trái phép.”
Theo ghi nhận của Le Monde, đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã nổi tiếng với các tuyên bố khiêu khích và đã nhiều lần bị bộ Ngoại Giao Pháp khiển trách như về những lời nói dối về các viện dưỡng lão ở Pháp vào thời đại dịch Covid, hay những lời lẽ xúc phạm nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz...
Trên báo Le Monde, trong một diễn đàn, khoảng 80 nghị sĩ châu Âu đã cho rằng các tuyên bố của đại sứ Trung Quốc tại Paris “rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế” và “phải được coi là đe dọa đối với an ninh của các đối tác châu Âu của Pháp”. Những người ký tên vào diễn đàn đã yêu cầu chính quyền Pháp tuyên bố ông Lư Sa Dã là “persona non grata”, tức là “nhân vật không được hoan nghênh” tại Pháp.
Ngay từ hôm 21/04, Paris và thủ đô các nước Baltic đã cực lực lên án đại sứ Trung Quốc tại Pháp về các phát biểu của ông trên đài truyền hình tư nhân Pháp LCI, theo đó Crimée gốc là của Nga, còn chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ không có cơ sở.
Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, các tuyên bố của ông Lư Sa Dã có dấu hiệu mâu thuẫn với đường lối chính thức của Trung Quốc.
“Trên giấy tờ, lời lẽ của đại sứ Trung Quốc tại Pháp quả thực là đi ngược lại việc Bắc Kinh công nhận thỏa thuận Budapest, vào năm 1994, theo đó Nga chấp nhận biên giới của Ukraina và Kiev đồng ý bàn giao vũ khí hạt nhân thời Liên Xô cho Matxcơva.
20 năm sau, vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimée, Bắc Kinh bị lâm vào tình thế tế nhị. Trung Quốc không lên án vụ sáp nhập tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh không công nhận rõ ràng việc Nga sáp nhập Crimée, nhưng cũng không lên án hành động này.
Về Ukraina, Trung Quốc cũng không lên án vụ Nga xâm lược. Bắc Kinh đã nhiều lần hàm ý cho biết là họ không tán thành sự can thiệp của quân đội Nga, nhưng đồng thời cáo buộc Mỹ "đổ dầu vào lửa".
Do đó, có lẽ cần phải lý giải những bình luận của đại sứ Lư Sa Dã dưới ánh sáng của những tuyên bố của ông Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga, theo đó ông xác định rằng Trung Quốc ủng hộ “chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước”, đồng thời thừa nhận “bối cảnh lịch sử phức tạp và đặc biệt của vấn đề Ukraina”.
Trung Quốc vào hôm nay khẳng định họ tôn trọng “quy chế quốc gia có chủ quyền" của các nước thuộc Liên Xô cũ, sau những tuyên bố gây tranh cãi của đại sứ nước này tại Pháp.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh: “Trung Quốc tôn trọng quy chế quốc gia có chủ quyền của các nước cộng hòa”ra đời sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991,
Thượng đỉnh 9 nước châu Âu tại Bỉ : Mục tiêu tăng gấp 10 sản lượng điện gió trên biển
Trang trại điện gió ở ngoài khơi Burbo Bank, gần New Brighton, Anh Quốc. Ảnh chụp ngày 23/01/2023. REUTERS - PHIL NOBLE
Minh Anh
Hôm nay, 24/04/2023, thượng đỉnh Biển Bắc lần thứ hai diễn ra ở Ostende, Bỉ. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại Đan Mạch hồi tháng 5/2022 với ba khách mời tham dự : Đức, Hà Lan và Bỉ. Điện gió trên biển được đánh giá là một trong số các nguồn năng lượng chính thay thế cho nguồn khí đốt từ Nga.
Cuộc họp thượng đỉnh lần này có thêm năm nước tham gia : Luxembourg, Ireland, Na Uy, Anh Quốc và Pháp với sự hiện diện của tổng thống Emmanuel Macron, với mục tiêu không chỉ tăng sản lượng ở Biển Bắc, mà còn ở Đại Tây Dương, vùng biển Ireland và biển Baltic.
Từ Bruxelles, thông tín viên đài RFI, Pierre Benazet tường thuật :
Theo một thông cáo chung công bố hôm nay, các tập đoàn công nghiệp về điện gió và 90 doanh nghiệp khác cũng có mặt tại thượng đỉnh Biển Bắc. Họ kêu gọi 9 quốc gia hiện diện tăng gấp đôi đầu tư hàng năm vào mạng lưới vận chuyển điện được sản xuất trên biển. Cùng lúc, các doanh nghiệp này cũng dự trù tăng gấp ba lần sản lượng tuốc bin gió ngoài khơi của châu Âu, dù là loại cố định hay nổi trên biển.
Pierre Tardieu là giám đốc về hoạch định chính sách cho Wind Europe, đại diện cho toàn bộ ngành công nghiệp năng lượng gió biển của châu Âu, ước tính nguồn năng lượng này có thể chiếm đến một phần tư mức tiêu thụ điện hàng năm vào năm 2050.
Ông giải thích : "Châu Âu dẫn đầu về công nghệ và công nghiệp quạt điện gió trên biển. Châu Âu đi trước tiên với trang trại điện gió trên biển ở Đan Mạch năm 1991. Vấn đề bây giờ là phải thật sự tăng cường đầu tư. Đương nhiên, chúng ta không là bên duy nhất, Mỹ đã bắt đầu thực hiện, cònTrung Quốc ngày nay lắp quạt điện gió trên biển nhiều hơn cả châu Âu gộp lại. Tuy nhiên, châu Âu vẫn giữ vị thế đi đầu về công nghệ và công nghiệp và cần được củng cố. Đây thật sự là một cơ hội kinh tế trên phương diện chống biến đổi khí hậu, cũng như là an ninh cung ứng năng lượng."
Tại Ostende, chín nước châu Âu sẽ phải cam kết xác định các địa điểm, trao đổi kinh nghiệm để bảo vệ đa dạng sinh thái và lập kế hoạch kết nối các trang trại điện gió với nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét