Chiến tranh Ukraina : Pháp sẽ giao xe tăng hạng nhẹ cho Kiev Xe tăng Pháp AMX-10 RC tại cảng Yanbu, Ả Rập Xê Út, tham gia chiến dịch của liên quân chống Irak xâm lược Koweit. Ảnh chụp tháng 10/1999. AFP - PASCAL GUYOT Thu Hằng Pháp sẽ chuyển cho Ukraina nhiều xe tăng chiến đấu hạng nhẹ AMX 10-RC để đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp bách của Kiev trong cuộc chiến chống xâm lược Nga. Theo phủ tổng thống Pháp, « đây là lần đầu tiên, xe tăng theo thiết kế của phương Tây được giao cho quân đội Ukraina ».
<!>
Tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo tin trên cho đồng nhiệm Ukraina trong cuộc điện đàm kéo dài một tiếng ngày 04/01/2023. Theo điện Elysée, « tổng thống (Macron) muốn tăng cường hỗ trợ quân sự » và tái khẳng định « sự ủng hộ không lay chuyển » của Pháp, cũng như của Liên Hiệp Châu Âu đối với Ukraina. Bộ Quân Lực Pháp cho AFP biết là hai nước sẽ « sớm trao đổi để xác định » cách chuyển giao, cũng như thời hạn và số lượng xe tăng.
Được sản xuất từ những năm 1980, xe tăng AMX-10 RC nặng 25 tấn, được trang bị pháo cỡ 105 mm, dùng bánh lốp, nên « rất cơ động », « dù cũ nhưng hiệu quả », theo một cố vấn của phủ tổng thống Pháp. Xe tăng AMX-10 RC từng được sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh, Afghanistan và vùng Sahel (châu Phi). Xe tăng AMX-10 RC đã có sẵn trong kho, do bộ binh Pháp đang dần thay thế khoảng 250 xe loại này bằng xe bọc thép trinh sát và xe tăng thế hệ mới Jaguar. Thay vì phá hủy, các xe tăng AMX-10 RC có thể có ích cho Ukraina.
Cũng thông qua quỹ đặc biệt do Pháp triển khai, Ukraina đã nhận được nhiều xe bọc thép Bastion hạng nhẹ hôm 04/01. Trước đó, các đồng minh châu Âu của Ukraina đã giao xe tăng cho Kiev, nhưng đều là kiểu do Liên Xô sản xuất, dù tổng thống Zelensky liên tục đề nghị được viện trợ xe tăng phương Tây. Đức vẫn lưỡng lự về việc giao xe tăng chiến đấu Leopard-2 cho quân đội Ukraina.
Nga triển khai tầu chiến thử tên lửa Zircon ?
Trái ngược với Ukraina, liên tục được các nước đồng minh phương Tây hỗ trợ quân sự, quân đội Nga chịu nhiều tổn thất lớn. Tính đến giữa tháng 11/2022, Nga đã mất khoảng « 60% xe tăng và 70% số tên lửa tấn công mục tiêu trên đất liền », « 40% xe chở quân và 20% pháo binh » bị hư hại, khoảng « 250.000 quân nhân Nga không có khả năng chiến đấu ». Theo báo Le Figaro ngày 04/01, những thông tin trên được đô đốc Hervé Bléjean, giám đốc Ban tham mưu quân sự Liên Hiệp Châu Âu, cung cấp trong buổi họp kín hôm 16/11 của các dân biểu thuộc ủy ban Quốc Phòng Pháp, nhưng báo cáo chỉ được Hạ Viện công bố gần đây.
Trước những khó khăn về khí tài, tổng thống Nga từng hứa « không giới hạn »kinh phí cho quốc phòng. Ngày 04/01, qua video, ông Putin đã dự lễ ra khơi của một chiến hạm được trang bị nhiều loại tên lửa đời mới hiện đại, làm nhiệm vụ ở các khu vực Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Tên lửa siêu thanh được trang bị trên tầu có thể là loại Zircon hiện đại, được Nga quảng bá là « có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không hiện nay và trong tương lai » và « có thể tiến hành những cuộc tấn công mạnh, chính xác trên biển và trên đất liền ».
Chỉ trích ở Nga lại bùng lên sau thông báo 89 lính chết trong vụ Makiivka
Một lễ tưởng niệm lính Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công của Ukraina vào một cơ sở ở Makiivka (miền đông Ukraina), tại quảng trường Glory ở Samara, Nga, ngày 03/01/2023. REUTERS - ALBERT DZEN
Thùy Dương
Hôm qua, 04/01/2023, nhiều chỉ trích trong công luận Nga nhắm vào bộ chỉ huy quân sự nước này lại bùng lên sau khi Matxcơva thông báo có đến 89 lính Nga thiệt mạng trong vụ Ukraina oanh kích vào một nơi trú đóng của quân Nga tại Makiivka, miền đông Ukraina, đêm 31/12/2022 rạng sáng 01/01/2023.
Đây là thiệt hại nhân mạng cao nhất trong một cuộc oanh kích mà Matxcơva thừa nhận kể từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraina tháng 2 năm ngoái. Ban đầu, hôm 02/01, Nga chỉ thừa nhận có 63 nạn nhân. Truyền thông Nga loan báo các binh sĩ thiệt mạng là quân dự bị động viên chứ không phải quân nhân chuyên nghiệp.
Đích thân bà Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh Russia Today, vốn giữ vai trò trung tâm trong chính sách tuyên truyền của Matxcơva trên trường quốc tế, hôm qua, kêu gọi công bố danh tính các sĩ quan Nga có liên quan và có các biện pháp xử lý về trách nhiệm của những sĩ quan này, bởi « việc không trừng phạt sẽ dẫn đến những tội ác mới », kéo theo đó là sự phản kháng trong xã hội.
Trong khi đó, trên mạng xã hội, nhiều người Nga yêu cầu điều tra minh bạch về hoàn cảnh diễn ra vụ oanh kích tại Makiivka. Về phía chính quyền, tổng thống Nga Vladimir Putin chưa có phản ứng chính thức.
Số binh lính thiệt mạng trong vụ oanh kích ở Makiivka mà Nga thông báo đã tăng thêm gần 1/3 so với con số ban đầu, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với số liệu mà Ukraina đưa ra. Theo AFP, cơ quan truyền thông chiến lược của quân đội Ukraina tổng kết vụ oanh kích đã tiêu diệt 400 lính Nga và làm 300 lính bị thương. Những con số này hiện vẫn chưa được một nguồn tin độc lập kiểm chứng.
WHO chỉ trích Bắc Kinh không minh bạch số liệu Covid-19
Trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tại Genève, Thụy Sĩ. REUTERS - Denis Balibouse
Thùy Dương
Bắc Kinh hôm nay 05/01/2023 kêu gọi Tổ Chức Y Tế Thế Giới ( WHO ) có quan điểm « đúng đắn, dựa trên cơ sở khoa học khách quan và công bằng » về dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi hôm qua, ông Michael Ryan, phụ trách các tình huống khẩn cấp y tế của WHO, nhận định các số liệu mà Bắc Kinh công bố không phản ánh đúng thực tế dịch Covid-19.
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình :
« Không thể chấp nhận được », Bắc Kinh nói như vậy khi đề cập đến biện pháp xét nghiệm Covid-19 áp dụng đối với hành khách đến từ Trung Quốc. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đáp lại : « Đó là điều bình thường ». Định chế của Liên Hiệp Quốc nhận định cho dù biện pháp nói trên không hẳn phù hợp dưới góc độ y tế, nhưng vẫn có thể hiểu được. Đó là bởi vì Trung Quốc không minh bạch, từ chối chia sẻ dữ liệu về tình hình bùng phát Covid hiện nay.
Michael Ryan, giám đốc đặc trách các hoạt động khẩn cấp tại WHO, phát biểu : « Việc bắt buộc mọi người xét nghiệm không cản trở việc di chuyển. Đây không phải là một chính sách quá nghiêm ngặt. Xin quý vị nhớ lại : Chính Trung Quốc đã có một chính sách rất gắt gao đối với tất cả những ai muốn đến nước này trong suốt 3 năm qua. Thực tế là nhiều nước không có đủ thông tin về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, nên họ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa bằng cách yêu cầu du khách xét nghiệm. »
Cuộc họp hôm thứ Ba (03/01) giữa các nhà khoa học Trung Quốc và các thành viên của WHO không mang lại thay đổi lớn nào. Chúng ta vừa biết rằng các biến thể lây lan tại Trung Quốc tạm thời vẫn giống trước đây, nhưng lại không có số liệu mới về bệnh nhân tại khoa chăm sóc đặc biệt hay số ca tử vong. Nói tóm lại là không có các số liệu đáng tin cậy. Ông Michael Ryan nói tiếp : « Chúng tôi nghĩ rằng các số liệu Trung Quốc hiện giờ công bố chưa phản ánh đúng tác động thực sự của dịch bệnh ». Theo lối nói ngoại giao, một lần nữa điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đang nói dối về chủ đề này ».
Liên Âu khuyến khích nước thành viên xét nghiệm du khách đến từ Trung Quốc
Một du khách từ Trung Quốc qua điểm xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Charles de Gaulle ở Roissy, ngoại ô Paris, ngày 01/01/2023. AFP - JULIEN DE ROSA
Thu Hằng
Sau cuộc họp ngày 04/01/2023, các chuyên gia dịch tễ châu Âu đã khuyến nghị 27 nước thành viên yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 48 tiếng trước khi lên máy bay. Nhiều biện pháp cũng được thông qua và sẽ được triển khai « từ giờ đến giữa tháng 1 ».
Thông tín viên RFI Laure Broulard tại Bruxelles cho biết thêm :
« Sau nhiều giờ thảo luận, các đại diện của khối 27 nước đã nhất trí về nhiều khuyến cáo. Trước tiên, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu rất được khuyến khích đòi hỏi kết quả xét nghiệm âm tính đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc. Xét nghiệm phải được thực hiện trong vòng 48 tiếng trước khi khởi hành. Các nước cũng khuyên hành khách đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay.
Thông cáo chính thức cũng nêu nhiều biện pháp bổ sung, như triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên khi hành khách đến các nước thành viên hoặc phân tích nước thải tại các sân bay đón các chuyến bay đến từ Trung Quốc.
Những quyết định của cơ chế phối hợp đối phó khủng hoảng của Hội Đồng Châu Âu (IPCR - The integrated political crisis response) không mang tính ràng buộc về pháp lý, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu có quyền chọn áp dụng hoặc không. Nguồn tin từ một người tham dự cuộc họp cho biết : « Tất cả các nước thành viên nhất trí về việc phải có tầm nhìn phối hợp ở châu Âu về hồ sơ này ».
Một số khuyến nghị, như xét nghiệm lúc khởi hành hoặc tại nơi đến, đã được Ý, Tây Ban Nha và Pháp thông qua - những biện pháp mà Bắc Kinh coi là « không chấp nhận được ». Trong khi đó, Áo và Bỉ thông báo ý định phân tích nước thải của các chuyến bay đến từ Trung Quốc ».
Liên Hiệp Châu Âu hoàn toàn có cơ sở để lo ngại tình hình dịch bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Theo trang RTL, ngày 04/01, người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran cho biết một sân bay của Pháp đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 đối với hành khách trên một chuyến bay từ Trung Quốc hôm 03/01. Kết quả là 1/3 số hành khách nhiễm Covid-19. Kể từ ngày 05/01, Pháp bắt buộc hành khách đến từ Trung Quốc phải có xét nghiệm âm tính Covid trong vòng 48 tiếng trước khi xuất phát.
Về phía Đức, bộ trưởng Y Tế Karl Lauterbach lo ngại về độ nguy hiểm của biến thể Omicron XBB.1.5 đang hoành hành tại Mỹ, chiếm đến 40% số ca nhiễm. Trên mạng Twitter, ông cho biết Berlin « đang theo dõi liệu XBB.1.5 đã có ở Đức chưa và lây như thế nào » và hy vọng nước Đức « sẽ qua được mùa đông trước khi một biến thể như vậy lây lan mạnh ».
Trung Quốc, Philippines cam kết tìm giải pháp ''hữu nghị'' cho tranh chấp Biển Đông
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (P) cùng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/01/2023. AP - Shen Hong
Thu Hằng
Trung Quốc và Philippines cam kết giải quyết những bất đồng ở Biển Đông thông qua « tham vấn hữu nghị ». Ngày 04/01/2023, khi tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình cũng tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng nối lại đàm phán về khai thác dầu khí chung với Philippines.
Theo đài truyền hình Nhà nước CCTV, ông Tập Cận Bình nói với ông Marcos Jr. rằng Trung Quốc mong muốn mang « thêm năng lượng tích cực cho hòa bình và ổn định ở trong vùng » và « khuyến khích hợp tác để phát triển dầu khí ở những vùng không có tranh chấp ».
Tổng thống Philippines công du Bắc Kinh vào lúc Trung Quốc bị cáo buộc bồi đắp nhiều thực thể đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Trong cuộc họp ngày 04/01, nguyên thủ hai nước kêu gọi « tham vấn hữu nghị để giải quyết một cách thỏa đáng những vấn đề hàng hải » dựa trên Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS ) 1982.
Theo thông cáo chung, được trang CNN Philippines trích dẫn, một cơ chế liên lạc trực tiếp đã được thiết lập giữa Ủy ban Biên giới và Hàng hải thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc và Văn phòng Hàng hải và Đại dương thuộc bộ Ngoại Giao Philippines để tránh « mọi sai lầm về tính toán và trao đổi » ở Biển Đông. Ông Tập Cận Bình và ông Marcos Jr. đánh giá đường dây liên lạc này nhằm củng cố niềm tin và cải thiện sự tin tưởng lẫn nhau.
Ngoài vấn đề chủ quyền lãnh hải, Philippines và Trung Quốc đã ký 14 thỏa thuận song phương trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, an ninh hàng hải, đánh bắt hải sản, cơ sở hạ tầng, du lịch, giáo dục. Tổng thống Marcos Jr. kết thúc chuyến công du Trung Quốc hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét