Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

THỜI THẾ, THẾ THỜI - Trần Khải Thanh Thủy


Từ bé nó đã biết nhà nó nghèo lắm , mẹ làm ruộng, bố bắt ếch , tát ao , quần quật từ sáng đến tối mà không “tát” nổi vài cân gạo cho cả nhà năm miệng ăn , vì vậy bữa ăn sáng của cả nhà nó chỉ là một mẩu sắn luộc hoặc vài củ khoai lang bé tẹo bằng ngón tay cái , cơm ăn hai bữa cũng phải độn ngô, nồi cơm cứ vàng khè, món ăn sở trường của mẹ nó là trứng vịt rắc muối mặn chát, nghĩa là khối lượng trứng tương đương với khối lượng muối, ăn rụt cả lưỡi, ấy thế không phải cứ thích xúc là xúc .Có lần em nó vừa ngồi vào mâm đã vội vàng xúc đầy một thìa tú hụ bị mẹ nó đánh cho oằn mông vì tội ăn tham, ăn không nghĩ đến người khác…
<!>
Tuổi thơ của ba anh em nó triền miên trong cảnh cãi vã của bố mẹ, hễ mẹ cần tiền đong yến thóc, mua vài quả trứng, mớ rau ,hỏi bố, bố lại quát nhặng sị ngậu “tiền có phải bỏ hến đâu mà bà cứ thúc tôi mãi thế” ?
-Ô hay! Mẹ nó phân trần: - Tôi hỏi là hỏi thay cho mấy đứa trẻ trong nhà này, chứ có hỏi cho một mình tôi đâu, hả cái thằng chồng nát rượu kia?
Thế là bố nó gầm lên :
- Mẹ mày, rượu tao uống là thứ rượu sắn rẻ tiền nhất trong các loại rượu, mỗi bữa chỉ vài chén để đủ sức tát, vét ao mương , xúc tiền đổ vào miệng mấy mẹ con nhà mày , chứ béo bở gì hở, cái con thần nanh mỏ đỏ kia?
Mỗi người một câu, thế là cả hai xông vào nhau và tai lũ trẻ toàn được nghe những lời chửi mắng điêu ngoa, dân dã :
- Cái con giòi đục miệng kia, mày nói bố mày thế hả? Nếu tao là thằng mặt xấu răng thưa, mồm thối, sao đêm nào mày cũng lăn xả vào tao, không cho tao có giấc ngủ trọn vẹn, hử ?
Cuộc cãi vã chỉ chấm dứt khi một trong hai người lao ra khỏi cổng và có bà con hàng xóm can thiệp, nếu không, càng cãi càng hăng, vài ba tiếng đồng hồ không dứt, mặc thằng út đói bụng khóc ư ử, cơm nước lạnh tanh không ai thèm nấu. Đã có lúc nó nghĩ :”khổ đến thế này thì buông bỏ nhau cho rồi” , như cái Tũn ở đầu làng ấy. Mẹ nó mang tiếng chửa hoang nhưng có bao giờ nó bị bỏ đói hoặc bị mẹ nạt nộ, mắng chửi đâu? Còn ba anh em nó, hễ bố mẹ cãi nhau là như một thứ bung xung, bị đánh đập vô cớ , bị hắt hủi , dè bửu, thiếu mức đuổi ra khỏi nhà vì tội ăn không, ăn hỏng…

Cuộc sống đã tưởng mãi trôi trong cảnh nghèo nàn tăm tối ấy, bỗng một hôm lão giữ chợ lăn đùng ra chết… nghe nói đêm hôm ấy lão không về nhà mà giăng mùng ngủ giữa chợ, dưới trời đêm mát lạnh , nửa đêm lại mò đi gái gú rồi bị cảm lạnh đột quỵ mà chết. Thế là mẹ nó quỳ xuống dưới chân ông chủ tịch xã khóc khóc mếu mếu kể lể xin xỏ để xin cho bố nó cái chân thu vé chợ.
Nước mắt đàn bà quả là có sức lay động, huống hồ giữa ông chủ tịch xã với bà ngoại nó lại có tí dây mơ rễ má, họ hàng hang hốc tới 6, 7 đời liền

Từ đó bố nó bỏ nghề mò cua, bắt ốc ra thu vé chợ. Mới đầu còn sụp cái mũ xuống giữa mặt cốt che bớt diện tích khuôn mặt đi, ai vào chợ dúi cho đồng nào biết đồng ấy , mà không dúi cũng chẳng sao… cả tháng trời nộp tiền cho Ủy ban xã còn không đủ, lấy đâu ra tiền mua gạo, mua thức ăn, làm mẹ nó phải ra sắc lệnh cấm không bỏ sót một ai, “thà thu lầm còn hơn bỏ sót

Rồi kinh tế thị trường mở ra, khu chợ bé tí hai ba ngày mới họp một phiên thành ngày họp đủ 2 phiên, từ sáng bửng đến tối mịt mới tan, lực lượng thu vé chợ cũng được bổ sung, bố nó từ một người nhút nhát, bị lương tâm cắn rứt mỗi khi phải làm khó một người già cả hoặc người làng nào đó thành kẻ sát thủ máu lạnh, bắt người không ghê tay, cứ cái còi thổi toe toe và băng vải đỏ trên cánh tay xông vào túm bằng được người trốn vé chợ đưa vào ban quản lý xử lý. Sức dài, vai rộng lại thêm sức hút của đồng tiền của quyền lực trong vai người quản lý chợ nên chẳng bao lâu nhà nó bắt đầu có của ăn của để, cụ thể cứ tầm trưa, vừa đi học về là mẹ nó sai :
-“ Mày ra chợ xem bố mày có cái gì thì lẳng lặng đem về đây, nhớ đi một mình, cấm đi ngang về tắt, nhớ không ?
Và nó đi, lần nào cũng thấy dưới chân bố nó và chú Tích, chú Tự là cả một đống dây khoai , rau muống, cân thịt, túi gạo …Thì ra cách làm của bố nó và hai chú cùng tổ là “không cho chúng nó thoát , chúng bay đã vào đây là ông bắt cho bỏ cha”. Người có tiền thì phải nộp tiền bến bãi, chỗ ngồi, người không có tiền thì nộp sản vật trong nhà . Ví dụ bán một thúng dây khoai cho lợn thì phải để lại ít nhất là ba bó cho ba người. Còn thịt lợn, thịt gà thì cứ xẻo đại một miếng, hoặc tịch thu vài con, khỏi mất tiền thu vé chợ, chưa kể những ai không tuân thủ nội quy cứ phóng xe đạp bừa vào, lập tức bị tịch thu xe, hôm sau đem tiền đến nộp để lấy xe về, thế là chỉ vì tiếc cái vé gửi 300 đồng phải nộp phạt ít nhất là 20 lần để chuộc xe ra. Số tiền đó chỉ có ba thằng mõ chợ được hưởng .

Cũng nhờ có tí nước mắt lẫn nước bọt của mẹ nó mà sau một thời gian bố nó được đưa lên thành trưởng ban quản lý chợ, quyền sinh quyền sát trong tay…Thay vì phải dậy sớm đi học, miệng ngậm khúc sắn luộc cho qua bữa thì bây giờ nhà nó đỏ lửa đủ ba lần, cơm không còn độn mà cứ trắng bong trong mắt bọn trẻ, thịt cá không phải ăn dé, ăn dè mà cứ việc “ăn cho có sức, ăn cho mau lớn” như lời mẹ nó động viên.

Ngày nào cũng được mẹ sai ra chợ sau buổi học, nó bỗng mê chợ hơn mê trường , thay vì ngủ sớm, để sáng mai dậy sớm đến trường thì nó ngủ muộn, dậy muộn rồi dần dần bỏ học, cả ngày cứ tha thẩn ra chợ xem người mua kẻ bán tấp nập, rồi quan sát xem nhà nào cân điêu, chỗ nào sắp sửa đánh nhau để mách với bố nó và hai chú. Cả ba đeo băng đỏ, cầm còi tới đó mà thổi toe toe rồi phạt thật nặng.
15 tuổi, nó tụ tập bọn trẻ làng lại và bắt đầu lập băng nhóm trấn cướp, đầu tiên lấy cớ là “bảo vệ gái làng, không cho yêu và lấy chồng ở làng khác”, rồi dần dần mở rộng ra khu vực trường học, hễ đứa nào đi qua đoạn đường vắng là phải nộp phạt, ít thì vài ba nghìn, nhiều thì vài ba chục, nếu không: “Ê để lại đôi dép cho anh mượn tạm” Hoặc : Chú mày có cái mũ đẹp quá, thôi bỏ lại đi, nhớ đừng có nói là bọn anh cầm nhầm mà hết đường đi lại nghe không?

Trận đánh cuối cùng chấm dứt tuổi thơ quậy phá của nó là trận đánh úp cậu con rể tương lai của ông chủ tịch xã…Chả là con gái ông vốn ế chỏng ế trơ, 25 tuổi đầu vẫn không một mảnh tình vắt vai chỉ vì má như sâu( xấu như ma)…Được cái làm chủ tịch thời quá độ xã hội chủ nghĩa nên ông cũng lắm màu mè, bổng lộc, chỉ cần mở rộng chợ, hay làm đường, điện, trường, trạm là ông được chi một khoản bẫm, chưa kể bao nhiêu đất mặt đường ông cùng bậu sậu hô biến thành đất công của xã, đền bù cho chủ đất một chút gọi là, sau đó chia thành 5,7 mảnh, rồi dần dần biến thành đất tư, mặc chủ đất tha hồ đi kiện… Tiếng xấu của ông bay tới đâu thì trai làng lánh xa con ông tới đấy, nhưng rồi cuối cùng cũng có mấy anh chàng nghèo rớt mùng tơi , bị vợ bỏ trên phố huyện ham giàu mà tìm đến nhà ông mồi chài, tán tỉnh, hi vọng năm, bảy năm sau sẽ có chỗ đứng trong làng xã, tha hồ ăn trên ngồi trốc, vơ vét của dân làng.

Thật cám cảnh cho chàng rể tương lai khi ấy , ăn mặc tươm tất nhưng chiếc xe đời 78 tố cáo người chủ bần hàn của nó . Cả bọn, gồm nó làm thủ lĩnh và bảy thằng khác , đứa vác cuốc , đứa cầm bịch phân trâu, phân bò ,đứa thủ gạch đá đầy sáu túi quần xông ra, mặc cho chàng rể kêu la::
- Tôi không phải dân chơi gái mà tôi đến nhà bạn gái để bàn về lễ ăn hỏi, các cậu buông ra để tôi đi, sớm muộn tôi cũng trở thành người làng này.
Trước khi họp phương thức chiến đấu , nó đã vớ được chai rượu gạo của bố cùng một lô đồ nhậu của mẹ dưới bếp để chén chú chén anh, không cho tên nào thoát để chúng nó phải cạch đến già, cấm không được rước đám gái làng này đi đâu nữa. Kết quả chàng rể tương lai nằm phủ phục ngay mép đường, bộ quần áo mới vương đầy máu, chiếc xe cỏ đời 78 cũng bị ghè túi bụi, bao nhiêu đồ dùng quà cáp bị tịch thu sạch, nếu không ăn được thì đập nát bét.

Buổi trưa đang thiu thiu ngủ sau một “trận đánh đẹp” kèm rượu say túy luý thì nó bị dựng dậy, mặc mẹ nó khóc lóc, mếu máo xin tha, chức trưởng ban quản lý chợ của bố nó cũng không giúp gì được..Theo lời dân làng kể lại thì một nhóm người đi chợ về thấy có người nằm ngất lịm bên vệ đường liền xúm lại khiêng lên trạm xá xã, đích thân ông chủ tịch xã cùng con gái đến đưa chàng rể lên bệnh viện huyện và ngay lập tức lực lượng dân quân tự vệ, gọi tắt là dân phòng được triển khai . Thằng Tư nhát gan nhất đám, tồng tộc khai ra kẻ chủ mưu là nó, khiến mẹ nó phải móc túi lấy 50 triệu đồng- là số tiền bố nó cướp được trong cả mấy tháng trời -để lo lót cho nó khỏi bị khởi tố và cái chức “trưởng ban quản lý chợ” của bố nó cũng không bị suy suyển nặng nề. Thôi thì “con dại cái mang” của đi thay người vậy.

Trước ngã rẽ cuộc đời , hoặc phải ra ruộng hàng ngày cày bừa với mẹ, bắt sâu lật cỏ hoặc đi lính nghĩa vụ, nó chọn đường vào công an. Nhờ cái chức trưởng ban quản lý chợ kiêm phó công an xã, bố nó cũng quen biết vài vị chức sắc trong huyện, thị trấn . Một lần một vị công an đeo súng ngắn ngang hông , lù lù tiến vào nhà, ngắm nó từ đầu đến chân bảo:
- Mày được đấy, cao 1 mét 70, nặng 63 kg, đúng chuẩn Bộ Công an yêu cầu, giờ nhờ anh chị lo cho cháu 350 triệu, tôi sẽ đưa nó vào làm lính nghĩa vụ, sau 3 năm tính tiếp.
- 350 triệu ? Mẹ nó ngạc nhiên - Thế thì bán cả nhà em đi ạ ?
- Ôi! gã trung tá lắc đầu: - Cần thì thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng , kê chỗ đứng cho nó, 3 năm sau nó thành công an chính thức sẽ san bằng tỉ số chứ sao? Chả lẽ chị lo lót cho anh nhà được chức trưởng ban quản lý khu chợ cả ngàn mét vuông, kiêm phó công an xã mà không lo nổi xuất nghĩa vụ cho con sao ? Hay để nó đi bộ đội rồi đào ngũ vì khổ cực, vất vả, sống cảnh cá chậu, chim lồng, cá lớn nuốt cá bé, có ngày đi mà chưa chắc đã có ngày về… Tùy!
Giữa lúc mẹ nó đang phân vân trước số tiền quá lớn thì bố nó thủng thẳng gạt đi: - Đàn bà suốt ngày quanh quẩn xó bếp thì biết gì về thời thế, thế thời mà nói ? Vâng, trăm sự nhờ bác, có gì em sẽ bán quách mảnh đất chó ỉa của ông bà ngoại cho để có tiền lo cho cháu .
- Có thế chứ, ông trung tá công an bảo: -Cứ chịu khó lo lót, chạy chọt, vài tháng sau là chú lên chức trưởng công an xã ngay ấy mà. Quyền sinh quyền sát trong tay, tha hồ mà đục khoét, kiếm chác…Gì chứ, tôi nghe mấy thằng ăn cắp ở chợ hoành hành dữ lắm, vì bọn chú cứ bắt được đứa nào là lại thả ngay ra, chỉ cần chúng nộp lại số tiền ăn cắp là xong… Khu chợ mới mở rộng cả ngàn mét vuông, ngày nào chả đủ thứ chuyện, từ trộm cắp, cãi vã, cứ gọi là tiêu cực bời bời ra, bọn chú tha hồ xà xẻo, chặt đẹp. Cỡ trưởng ban như chú , lại càng dễ kiếm, nào thu thuế sát sinh không chứng từ, biên lai để khỏi nộp vào công quỹ, nào “bán” chỗ ngồi bán hàng theo giá thỏa thuận, nào tiền thu vé chợ…nào kiểm tra hành chính vào ban đêm với các ki ốt có người ở, hoặc bồ bịch, nhân tình v.v …ái chà chà , chả mấy mà bù lại miếng đất chó ỉa ấy đâu. Ông nói một thôi một hồi như đi đôi giày của ngành công an trong đầu bố nó, khiến cả mẹ và nó tròn mắt ngạc nhiên .
- Nhưng… nhưng… quay lại hiện thực trần trụi, nó ấp úng :- Cháu… à con đã tốt nghiệp cấp II đâu? Làm sao vào công an được, dù chỉ là nghĩa vụ ?
Đang ngồi, Bố nó gạt đi, vẻ từng trải, điêu luyện của kẻ quen chạy chọt, lo lót chốn công đường :
- Thời buổi Kim Tiền này , cứ có tiền là có tất cả, bằng tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 chứ bằng đại học An Ninh, bằng Hằng Hải, Ngoại thương, Ngoại ngữ cũng cân tất… Tóm lại bố nó chốt , sau khi tợp thêm một ngụm rượu: - “Ông anh đòi 350 triệu để lo suất nghĩa vụ cho cháu , gia đình em không ý kiến gì … Chỉ mong ông anh bổ sung thêm mấy cái bằng tốt nghiệp cho cháu, nếu có thêm bằng tiếng anh loại C thì càng tốt …
Bàn đi tính lại, cuối cùng vị trung tá công an cũng đồng ý. Cả hai thống nhất sau một tuần bố mẹ nó đưa tiền cũng là lúc nó được nhận vào ngành công an , trước mắt đi nghĩa vụ 3 năm, được biên chế vào ngành cảnh sát cơ động của Bộ Công An, đóng ngay tại địa phận Bắc Ninh …còn sau sẽ tùy cơ ứng biến

II
Trở thành lính nghĩa vụ rồi nó mới biết số tiền 350 triệu ấy chỉ là tiền thế thân trong 3 năm mà thôi, còn muốn trở thành công an chính thức sau thời gian 3 năm phải có thêm 900 đến 1 tỷ VND kê chỗ đứng. Bọn 5C- 5D * thì khỏi nói , còn bọn chạy tiền như nó, không dây mơ, rễ má thì liệu hồn, hết thời hạn nghĩa vụ là… a lê cút, lại lâm cảnh thất nghiệp cùng món nợ khổng lồ.

Về thăm nhà , nó nói toạc móng heo những suy nghĩ của nó cho bố mẹ biết để còn liệu đường tính toán.
Vẫn như mọi khi, mẹ nó sụt sùi :
- Nhờ tiền thu vé chợ, bố mày cũng chạy được cái chức trưởng công an xã rồi nhưng những 900 triệu đồng thì đào đâu ra? Có bán cả cái nhà ba tầng này may ra mới đủ.
- Kệ đấy, nó nhấm nhẳn: - Con đi lính nghĩa vụ, ngoài ba bữa cơm no như ở nhà chỉ được lĩnh 3 triệu rưỡi một tháng tiêu vặt thôi, muốn con mở mày mở mặt với dân làng thì bố mẹ phải lo tiếp…Nếu không , phải trở về làng thì ê mặt lắm.
-
Vẫn như mọi khi, bố nó bắn thuốc lào sòng sọc , cẩn thận kê chiếc điếu cày vào chân bàn rồi lẳng lặng bảo :
- Lại phải nghĩ cách cướp của bọn dân đen thôi, lần trước đã bán đất rồi, lần này còn đất đâu mà bán ?
Nó sốt ruột hỏi:
-Thế phải làm thế nào hả bố?
- Thì phải chạy cửa, lo lót chức Chủ tịch thị trấn chứ sao. Cũng may xã được đưa lên thành cấp thị trấn rồi, tha hồ lập chợ, lập B0T, thu giá, thu ngân
- Trời ơi là trời , Mẹ nó kêu: -Hai lần trước chạy cái chân trưởng ban quản lý chợ rồi trưởng công an xã đã mất toi một trăm triệu rồi , giờ lại chạy nữa thì kiếm đâu ra?
Bố nó gạt đi:
- Đúng là đàn bà , con gái, chỉ đái lở đầu hè là giỏi …Tiền chạy chức, chạy quyền thì một vốn bốn muơi lời chứ sao? Ai cho bà cái quyền đi bắt những đứa lập bảng ghi đề? hả ? Một bảng đề bắt được là vài chục triệu đấy bà tưởng à? nộp cho các bác lãnh đạo trên huyện 5 , 7 triệu còn lại là bỏ túi chia nhau , rồi tăng giá vé vào chợ lên, từ 500 VND lên thành 1.000 VND, không kể hàng nghìn xe đạp, xe máy thu 2 nghìn, hoặc 3 nghìn ngon ơ … Còn những hộ buôn bán nhỏ lẻ, nếu cần chứng từ thì cứ luật nước mà làm , còn chịu đi đêm thì cưa đôi, cứ mắt nhắm mắt mở bỏ qua là xong, chỉ chết ông nhà nước, chứ chả chết thằng cha, con mẹ nào cả.
Đuối lý, mẹ nó chỉ biết quay mặt đi vớt vát:
- Đúng là xã hội cướp ngày thật!
Đang bực, Bố nó gắt sẵng:
-Không cướp thì lấy đâu ra nhà tầng cho bà ở, xe máy xịn cho bà đi? Quần áo đẹp cho bốn mẹ con bà mặc ? Bà tưởng thằng Vinh trở thành công an chính thức, ăn được của nhà nước mỗi tháng 13 triệu đồng là dễ lắm à? Còn là lo chạy cửa, chạy bằng, chạy chức chạy quyền chán ra nhé…
- Thôi con xin bố mẹ, đừng tranh cãi nữa, mọi việc mẹ cứ để bố lo, thành công an chính thức rồi con sẽ cố gắng phụ giúp – nó can.
- Phải đấy, bố nó bảo: - Đừng dại dột truy cùng đuổi tận con nhé, cứ ngấm ngầm bảo kê mấy quán karaoke, nhà hàng, khách sạn …động mại dâm, ổ cờ bạc …ổ chích hút thì lương lậu , bổng lộc còn gấp mấy lần đồng lương nhà nước ấy chứ.

Lâu lắm mới lại về thăm nhà , bố nó lấy cớ có con là công an nghĩa vụ về liền mở tiệc tưng bừng, mời đủ các thành phần ban bệ trong Ủy ban xã, huyện, từ chủ tịch đến bí thư Đảng ủy v.v “Chén chú , chén anh chỉ là phụ. “ Chén” chính là cả chục phong bì dày cộp đựng cả sếp tiền 500 nghìn để “nhờ các bác lo cho em cái xuất chủ tịch thị trấn sắp tới .“

Rượu vào lời ra, nó cảm thấy tương lai phía trước thật là huy hoàng, tươi đẹp, thế mà hồi phát hiện ra nó bỏ học, trước mặt cô giáo mẹ nó cứ ấm ức khóc: “Không học thì sau này chỉ tay gậy , tay bị, ăn mày suốt đời thôi , ối con ơi là con” …Lúc ấy nó cũng buồn nản và hoang mang lắm, không ngờ thời thế , thế thời…

TKTT
Rút trong tập “Chuyện dài CHCN”
Sẽ xuất bản 2023

Không có nhận xét nào: