Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

THÁI-ĐẮC-NHÃ, TỪ-GIÃ CỎI ĐỜI ! - NVT

Thái Đắc Nhã 1949-2023 (Hình đăng báo Việt Tide)
QUẬN CAM - Một nghệ sĩ chụp ảnh nghệ thuật quen thuộc một thời ở phố Little Saigon, từng thắng giải quốc tế, đã ra đi vĩnh viễn. Theo tin từ các bằng hữu, nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã đã từ giã gia đình và các bạn thân thiết vào sáng sớm thứ Ba, ngày 3 tháng 1, 2023 tại bệnh viện ở Quận Cam. Theo tài liệu trước đây, ông chào đời tại Trà Vinh ngày 11 tháng 11, 1949, như vậy ông hưởng thọ 74 tuổi Nhạc sĩ Trần Chí Phúc viết trên trang Facebook cá nhân chiều thứ Ba, “Chỉ mới quen anh trong vòng hai năm nay khi gặp nhau tại quán cà phê, anh hứa khi nào tôi sẵn sàng thì anh sẽ chụp cho một tấm chân dung làm kỷ niệm. Nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã nổi tiếng ở Quận Cam với nhiều bức chân dung anh chụp cho ca nhạc sĩ. Ngoài ra anh có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật độc đáo.
<!>
“Tánh tình điềm đạm, nói chuyện chậm rãi, tướng mạo cao ráo đẹp đẽ, anh được bằng hữu thương mến. Giã biệt nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã- người bạn văn nghệ dễ thương.”

Thái Đắc Nhã đã chụp ảnh trong hơn năm thập niên, từ Việt Nam trước năm 1975 đến California sau này. Tại Quận Cam, ông hành nghề chụp chân dung mà ông yêu thích trong các studio ở Garden Grove mà địa điểm cuối cùng là ở đường Capital Avenue, gần góc đường Euclid St. và Hazard Ave. cũng thuộc phố Little Saigon. Ảnh nghệ thuật của ông không chỉ đạt độ cao về kỹ thuật, mà còn có chiều sâu, nét đẹp về con người và cuộc đời.

Vào năm 2007, bức ảnh “Suối Tóc” của ông đoạt giải Huy Chương Vàng trong cuộc thi ảnh quốc tế có tên là “Trierenbeg Super Circuit 2007” được tổ chức tại Áo Quốc. Tựa đề của tác phẩm là Hair #1 trong tiếng Anh và dự thi trong phân bộ ảnh Khỏa Thân.

Tuy là ảnh khỏa thân nhưng tác phẩm của Thái Đắc Nhã không cho thấy những phần thường được che kín của phụ nữ. Trong ảnh Hair No. 1, nhiếp ảnh gia để mái tóc dài thật của cô gái xòe ra hai bên thành những cánh hoa đen. Cô gái ở giữa như nhụy hoa nổi bật trên nền màu trắng tinh khiết, tạo không khí êm dịu, thoải mái giúp tôn vinh tất cả nét dịu dàng của cô gái và sự mịn màng của da thịt. Màu da trung thực, hài hòa, bắt mắt. Đây là ảnh chụp thật, không dùng kỹ thuật photoshop.

Trong một cuộc phỏng vấn với người viết Văn Diệp được đăng báo Việt Tide năm 2019, nhân diệp 50 năm chụp ảnh, Thái Đắc Nhã kể “hồi nhỏ ở dưới quê Trà Vinh, cha ông có cái máy ảnh do người anh biếu nhưng không dùng, nên ông lấy ra, say mê thử nghiệm. Những người lớn xung quanh thấy ông ham thích chụp ảnh, nên đưa phim cho ông chụp. Nhờ vậy, ông có dịp tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật này mà không tốn tiền. Năm 16 tuổi, ông lên Sài Gòn và theo học lớp nhiếp ảnh ở Hội Việt Mỹ. Thầy của ông có nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi (chủ tịch Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam), Nguyễn Cao Đàm, Cao Lĩnh, Nguyễn Văn Thông, và Bùi Quý Lân.

“Cùng năm đó, trong một cuộc thi do Hội Việt Mỹ tổ chức, ông đoạt một huy chương cho tấm ảnh đen trắng chụp một người ăn xin với cây cầu xi-măng làm hậu cảnh, tạo nên một bố cục đẹp. Đây là thành công đầu tiên của ông ở tuổi còn rất trẻ. (Đó là tấm ảnh tựa đề “Cho Tôi Cuộc Sống.”)

“Đến năm 19 tuổi, ông gia nhập bộ binh Việt Nam Cộng Hoà. Ông vượt biên đến Hoa Kỳ năm 1977, đi làm nghề khuân vác một thời gian trước khi một người bạn giới thiệu cho công việc rửa hình trong phòng lab chuyên nghiệp ở Irvine. Trong suốt thời gian đầu định cư tại Nam California, những người bạn đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh đã tìm gặp lại ông cũng như ông đã tìm đến họ để thành nhóm và tổ chức những cuộc triển lãm và các lớp giảng dạy về nhiếp ảnh đầu tiên tại Hoa Kỳ. Ông kể lại, lúc đó nhu cầu cuộc sống không có nhiều; bao nhiều tiền kiếm được, ông dành hết cho thú chơi ảnh.

“Người mẫu Thanh Hằng, phu nhân của ông, là một trong những học viên đầu tiên của lớp nhiếp ảnh. Vì nhân dáng đẹp, gương mặt ăn ảnh, cô thường được mời làm người mẫu để chụp ảnh. Từ đó, cô cũng học thêm nghề trang điểm để làm đẹp cho chính mình và những người xung quanh.

“Năm 1985, nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã thành lập phòng chụp hình riêng, lấy tên là Reflection Studio tại khu vực Little Saigon. Khi đó ông còn làm việc tại phòng lab rửa hình, nên chỉ điều hành studio sau giờ làm việc. Dần dần, khi có khách đến nhiều hơn, ông nghỉ hẳn công việc để chụp hình toàn thời gian trong studio của mình. Sau khi Thanh Hằng và Thái Đắc Nhã kết hôn, hai người tiếp tục xây dựng Reflection Studio thành một cơ sở đầy đủ tiện nghi vật chất cho nghệ thuật nhiếp ảnh, từ phòng lab tối tân nhất đến studio trang trí sang trọng cho các người mẫu, ca sĩ, diễn viên, cô dâu chú rể chụp hình.”

Ký giả Văn Diệp cho biết “nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã ít khi chịu nói về mình. Hỏi gì, ông chỉ cười cười và cho xem những bức ảnh mới chụp. Ông cho thấy thành quả không phải bằng lời nói mà qua hành động cụ thể. Phải gạn hỏi lắm, ông mới chia sẻ những kinh nghiệm chụp ảnh và cảm quan mỹ thuật của ông.

Đối với nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã, khi đã cầm máy ảnh là đã có sẵn những ý tưởng trong đầu, nên ông không bao giờ thấy bối rối. Nhưng nhiếp ảnh đòi hỏi sự kiên nhẫn vì rất nhiều lúc phải chờ đợi thật lâu mới có được tấm ảnh ưng ý. Một áng mây che đúng lúc để ánh sáng chiếu vừa đủ để tạo nên một bức ảnh về cảnh trí thiên nhiên như ý muốn đôi khi phải mất vài giờ. Một nét mặt mà mình muốn bắt được nơi chủ đề con người mình muốn chụp cũng phải chờ đợi cảm xúc chín muồi. Cho nên, cảm giác sung sướng nhất của ông là “chụp được cái hình mình bấm đúng lúc được”, nghĩa là chụp cảnh thì chờ được đến lúc ánh sáng không gian đã hoàn hảo, chụp người thì bắt được cảm xúc trên nét mặt mà mình muốn. Ông mô tả cảm giác khi đó: “Mình rất mừng. Mình không cần xem ảnh ra sao hết vì khi bấm được là mình hiểu hết rồi, là hạnh phúc của mình đã tràn trề rồi.” Đó là lúc người chụp ảnh tiếp cận được với cảm xúc, với vẻ đẹp qua cái bấm máy, tự nhiên, không có gì đợi chờ, không còn gì ngăn cách. Chứ không phải chờ đến lúc rửa ảnh ra rồi mới biết là mình đã chụp được tấm ảnh vừa ý hay không.”

Tác phẩm Suối Tóc của Thái Đắc Nhã thắng Huy Chương Vàng tại cuộc thi “Trierenbeg Super Circuit 2007” được tổ chức tại Áo Quốc.

Trong một dịp nói với một người viết khác, ký giả Thanh Mai của báo Việt Lifestyles Magazine, cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm sống với nghệ thuật của mình, Thái Đắc Nhã nói thêm về quá khứ và niềm đam mê chụp ảnh của ông.

Ông kể, “Nhìn lại chặng đường năm mươi năm tôi rất bàng hoàng, cảm thấy thời gian trôi qua như là một giấc mơ... biết bao nhiêu thay đổi... biết bao nhiêu điều mình đã học được qua bao nhiêu lần thử nghiệm đúng sai ... chụp hình bằng phim đen trắng... lấy cây lá buông che làm phòng tối để tráng phim và rửa hình lấy liền... Từ một phương tiện chật hẹp thiếu thốn của những ngày tháng xa xưa đến hiện tại với những máy móc dụng cụ tối tân của một “Custom Lab” và “Digital Lab,” tôi đã có cơ hội sử dụng những máy phim 35 mm, máy trung 6x4.5, 6x7, 4x5, 8x10 và hiện tại với Digital Medium Format và Digital 35 mm.”

Ông nói với Thanh Mai về “thế nào là một bức ảnh đẹp?” như thế này, “Nhận định một cách nôm na, một tấm ảnh đẹp là một tấm ảnh được nhiều người dù có kiến thức hay không về nhiếp ảnh cũng đều thấy đẹp. Một tấm hình đẹp thường có những yếu tố như sau: (1) Rõ ràng mịn màng (ngoại trừ dùng các kỹ thuật đặc biệt). (2) Lôi cuốn mắt người xem, đề tài lạ ít người biết tới. (3) Bố cục: sắp xếp đường nét, màu sắc, đậm lợt... làm sao cho chủ đề được nổi bật và mỹ thuật. (4) Nội dung phải có hồn mới gây được cảm xúc, đi vào tiềm thức của người xem.”

Về phương tiện digital camera thời này, ông nhận xét, “Chụp hình bằng phim hay bằng digital đều giống nhau chỉ khác là về vấn đề dụng cụ thôi. Thời gian đầu vì chưa quen, tôi thường gặp trở ngại trong cách sử dụng máy computer và software, nhiều khi phải nhờ đến con cháu hoặc bạn bè giúp đỡ.”

Sau khi cộng sản chiếm Miền Nam năm 1975, Thái Đắc Nhã cho biết, “Tôi vượt biên từ Rạch Giá vào cuối năm 1976. Đến năm 1977, tôi tới đươc trại tị nạn tại Thái Lan và vào tháng bảy cùng năm tôi được định cư ở California. Lúc đầu tôi ở với người em gái tại Los Angeles được vài tháng sau đó tình cờ tôi liên lạc được với ông bạn là Nguyễn Hoài Phương. Ông có người bạn rất mê nhiếp ảnh là nhiếp ảnh gia Ngô Thanh Tùng nguyên là tổng thư ký Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam dưới thời Đệ Nhị Cộng Hoà. Sau một lần gặp gỡ, ông thấy mến tôi nên nói tôi về ở chung với gia đình ông để anh em có dịp trao đổi tâm tư về nhiếp ảnh và giúp tìm việc làm cho tôi. Sau đó chúng tôi liên lạc được với nhiếp ảnh gia Lê văn Khoa và tái thành lập lại Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam ở Hoa Kỳ.”

Thái Đắc Nhã đã đồng sáng lập lại Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam với các nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa (cũng là một nhạc sĩ đại tài), Ngô Thanh Tùng, Trần Minh Vàng, Đặng Văn Lợi và Trần Chí Trung.

Nói thêm về phong cách chụp hình của riêng mình, ông cho biết, “Kỹ thuật tôi chọn phần nhiều là dùng sắc độ nhẹ (High key) ít khi là sắc độ nặng (Low key). Thông thường tôi dùng ánh sáng bình thường. Tôi là người bình dị thành ra không có cầu kỳ mọi chuyện... nhưng cái nhìn, bố cục, dụng cụ và góc độ thu hình thì lại ít có người sử dụng đến.”

Xin từ giã “người bình dị” Thái Đắc Nhã, cầu nguyện cho Ông sớm về miền vĩnh hằng của ánh sáng.

************
Còn nhớ, năm 2005, tôi tham-dự lớp học "Nhiếp-ảnh nghệ-thuật" cuả Hội nhiếp-ảnh VN, do Ông LÊ-VĂN-KHOA làm Hội-Trưõng (Ô. LVK. là Nhà-Văn, Nhạc-sĩ & Nhiếp-ảnh-gia), thì Ông THÁI-ĐẮC-NHÃ cũng có vài giờ hướng-dẩn với lớp học cuả tôi. Phong-cách cuả THÁI-ĐẮC-NHÃ rất được anh em học-viên quý mến, dù lúc ấy Ông đã đoạt được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc-tế ! Xin cầu mong hương-linh THÁI-ĐẮC-NHÃ sớm được ơn trên dẩn đưa về cõi vĩnh-hằng ! NVT./-

Không có nhận xét nào: