Hy vọng ở đây là niềm hãnh diện mà thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại đã thực hiện được, làm nở mặt cộng đồng tị nạn VN đã từng được đất nước và người dân Hoa Kỳ đón nhận. Họ là nhóm Viet4Afghans (V4A) được vội vã thành lập vào tháng Tư, 2021, để cứu trợ khẩn cấp những ngưới tị nạn A Phú Hãn vào thời điểm HK rút quân ra khỏi quốc gia này. Hầu hết thành viên của nhóm V4A đều sinh ra và lớn lên ở Mỹ, hoặc đến định cư từ khi còn rất trẻ, nhưng họ đã thay mặt chúng ta để đáp ứng lời kêu gọi của chính phủ HK trong nỗ lực cứu giúp những người cùng hoàn cảnh, nhưng khác mầu da và chủng tộc.
<!>
Vận động cho quyền lợi của người tị nạn đã khó, nhưng đích thân giúp họ định cư là một công việc khó khăn, vất vả và phức tạp gấp bội phần, nhất là sự bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán. Nhưng các nhà bảo trợ gốc Việt trẻ tuổi đã làm được việc này một cách suôn sẻ và tốt đẹp, bằng tấm lòng nhân ái, bằng tình thương đồng loại. Tương tự như các nhà hảo tâm trong cộng đồng VN đã đóng góp gần $200 ngàn dollars qua cuộc vận động của đài truyền hình SBTN, để trao cho các cơ quan thiện nguyện giúp đỡ người tị nạn Afghanistan, trong đó có hội Thánh Tin Lành, LIRS, là tổ chức đã từng định cư người Việt chúng ta từ hàng chục năm liên tiếp. Người A Phú Hãn đã khóc khi nhận được những món quà tình nghĩa của các thành viên trong cộng đồng Việt Nam lúc họ đến định cư tại Orange County. Từ những chiếc TV, tủ lạnh, đến xe cộ, quần áo, tiền bạc, công ăn, việc làm v..v.., thậm chí tôi còn biết, cô con gái của một vị cố đại tướng VNCH, đã đem cả gia đình, gồm vợ và 2 đứa con nhỏ của một người lính biệt kích Afghans về sống chung trong ngôi nhà xinh đẹp của cô tại thành phố Huntington Beach, CA. Tất cả những việc làm cùng thành quả nói trên đã là những món quà tốt đẹp để chúng ta hãnh diện chia sẻ với bất cứ ai khi họ muốn tìm hiểu.
Vào 2 ngày, mùng 7 và 8, tháng 12, 2022 vừa qua, một phái đoàn gồm các viên chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, hướng dẫn bởi bà Sarah Cross, Phụ Tá Thứ Trưởng Ngoại Giao, đặc trách về định cư người tị nạn, cùng Tổng Giám Đốc Trung Tâm Bảo Trợ Cộng Đồng, và Phó Giám Đốc Nha Định Cư thuộc chính phủ Liên Bang, đồng thời với các nhà lãnh đạo chương trình tị nạn và y tế tiểu bang Washington. Họ đã đến thành phố Seattle để thăm viếng, thanh tra cũng như tìm hiểu nỗ lực định cư các gia đình người tị nạn A Phú Hãn đã được nhóm thiện nguyện Viet4Afghans, cùng một số cá nhân và tổ chức khác, bảo trợ từ tháng 11, 2021 và hiện đang sinh sống cũng như làm việc tại đây.
Qua vai trò tình nguyện viên cố vấn cho nhóm Viet4Afghans, tôi đã được mời tham dự buổi họp mặt và tường trình nói trên. Tôi hết sức ngạc nhiên, cảm động, đồng thời không kém phần hãnh diện, là nhiều người bạn đồng sự với mình ngày trước, nay đã trở thành các nhà lãnh đạo những cơ quan trọng yếu của chính phủ HK. Cảm động hơn nữa là họ vẫn không quên mình cùng những ký ức đẹp và ý nghĩa thời gian mà chúng tôi cùng chung sức nhau phục vụ người tị nạn.
Phái đoàn thanh tra của chính phủ Liên Bang đã hết sức ca ngợi và ngưỡng mộ việc làm của nhóm Viet4Afghans, cùng các thành viên trẻ, họ đã vượt qua bao khó khăn, trở ngại. Nhất là vào thời điểm cấp bách, không được hướng dẫn hay huấn luyện về các thủ tục định cư. Nhiều cơ quan thiện nguyện vào thời điểm đó đã ngưng hoạt động, nên rất thiếu sự hiện diện của các cán sự xã hội, hay định cư chuyên môn. Lại thêm dịch Covid hoành hành, ấy vậy mà V4A đã dấn thân nhận giúp đỡ và bảo lãnh theo phương thức “Bảo Trợ Tư Nhân” (Private Sponsorship), có nghĩa là cần một nhóm 5 người (group of 5) ký giấy bảo trợ cho một gia đình, phải đóng tiền thế chân cho mỗi đầu người tị nạn, cũng như cam kết sẽ hoàn toàn trách nhiệm và lo lắng để họ không trở thành “gánh nặng của xã hội” (become Public Charge). Viet4Afghans đã bảo trợ và giúp đỡ tổng cộng là 60 người tị nạn A Phú Hãn, và họ đã thành công.
Điều đáng nói ở đây là, sự thành công trong việc làm đầy tình người của nhóm V4A cùng những đóng góp nhiệt tình của cộng đồng người Việt qua chương trình thử nghiệm (pilot program) “Bảo Trợ Tư Nhân”, đã mở rộng cánh cửa hy vọng rất lớn cho gần 2000 người tị nạn VN đang mòn mỏi đợi chờ nơi đất nước Thái Lan. Nhiều cựu thuyền nhân trốn cưỡng bức hồi hương đã sống vất vưởng tại đây từ hơn 30 năm qua. Hàng trăm nạn nhân bị đàn áp tôn giáo ở VN, cùng với rất nhiều nhà hoạt động nhân quyền phải lánh nạn ở quốc gia này để tránh bị tù tội, cộng với hàng trăm dân oan, nạn nhân Formosa và các vị tù nhân lương tâm v..v…
Theo các viên chức của BNGHK thì chính phủ Mỹ, ngoài việc tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn trong tài khóa 2023, họ còn dự trù sẽ áp dụng chương trình “Bảo Trợ Tư Nhân” cho các chủng tộc khác, trong đó có Việt Nam. Và đó cũng chính là lý do mà chữ “Hy Vọng Đã Vươn Lên” được dùng làm chủ đề cho bài viết này.
Nếu giấc mơ tranh đấu cho việc định cư toàn bộ người Việt ở Thái Lan trở thành sự thật, thì công lao lớn nhất phải dành cho sự hy sinh cùng tâm sức và lòng tận tụy trong việc định cư người tị nạn Afghanistan của nhóm Viet4Afghans cùng các thiện nguyện viên người Mỹ gốc Việt khác ở khắp mọi nơi. Nhưng cũng không thể không nhắc đến nỗ lực vận động âm thầm nhưng rất ảnh hưởng của Phong Trào Việt Hưng, kể cả việc liên tục cung cấp thực phẩm, giúp đỡ cho đồng bào tị nạn VN tại Thái Lan từ nhiều năm qua.
Đặc biệt là cô Grace Bùi và tổ chức V-RAP (Vietnamese Refugees Assistance Project) do cô thành lập đã có những cuộc vận động vô cùng mạnh mẽ ngay tại Hoa Thịnh Đốn và ở nhiều nơi, kể từ tháng 8, 2021 cho đến nay. Sau cùng cũng không thể không nhắc đến cơ quan USCRI (United State Committee for Refugee and Immigrants), một trong những tổ chức thiện nguyện giúp người tị nạn lâu đời nhất ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới, mà tôi hân hạnh là một trong số 12 thành viên của Hội Đồng Quản Trị. Cơ quan USCRI đã tình nguyện đứng ra để vận động cho việc định cư toàn bộ người Việt tị nạn đang tạm trú tại Thái Lan hiện nay, đồng thời sẽ đảm trách và hỗ trợ quy trình “Bảo Lãnh Tư Nhân” cho người Việt tị nạn của chúng ta.
Sau cơn mưa, thì Trời lại sáng! Những kế hoạch nhằm phá vỡ chương trình định cư người tị nạn VN tại HK và Canada của Cộng Sản VN đã hoàn toàn thất bại. Mục đích của họ là để thế giới nghĩ rằng, ở VN hiện nay không có sự bất công hay ngược đãi nên “không còn người tị nạn”. Và chúng đã phỉ báng các vị tù nhân lương tâm, bằng cách gọi họ là “tù nhân vô lương tâm”. Tuy nhiên các luận điệu xảo trá đó đã không thể che giấu được ai, bằng cớ là vào ngày 2 tháng 12, 2022, Hoa Kỳ đã đưa VN vào “Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt" (Special Watch List) về vấn đề tự do tôn giáo, cùng với các nước Algerie, Trung Phi và Comoros. Gần đây nhất, ngày 14 tháng 12, 2022, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) của Pháp đã báo cáo các quốc gia có số nhà báo bị bỏ tù nhiều nhất, Việt Nam đã đứng hàng thứ tư, chỉ sau Trung Quốc, Miến Điện và Iran.
Đây cũng là lời nhắc nhở đến các thành viên trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, chúng ta cần phải đề cao cảnh giác trước các luận điêu tuyên truyền cùng tin tức láo khoét (fake news) của bọn Việt Cộng và dư luận viên, mục đích là để đánh phá các tổ chức đứng đắn, đã và đang giúp người tị nạn VN.
Riêng chính phủ Canada, họ đã hoàn toàn bác bỏ những lời vu cáo của bọn tay sai CS mà chúng đã đưa ra qua một tờ báo ở Canada, bằng cách tiếp tục cứu xét toàn bộ hồ sơ định cư đồng bào tị nạn VN tại Thái Lan của tổ chức VOICE. Và chỉ trong vòng vài tháng qua gần 60 người do VOICE Canada bảo lãnh đã đặt chân đến bến bờ tự do.
Và hôm nay thì cánh cửa được định cư tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đang dần dần hé mở. Hy vọng đã vươn lên, và ánh sáng đang ló rạng ở cuối đường hầm cho đồng bào tị nạn VN của chúng ta! Chúng tôi rất mong các cơ quan, hội đoàn, các tổ chức tôn giáo và những cá nhân có lòng trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại sẽ đưa tay đón nhận bằng cách bảo trợ đồng hương thiếu may mắn của chúng ta, những người tị nạn muộn màng, đang mòn mỏi đợi chờ được đến bến bờ tự do.
Nam Lộc
(Giáng Sinh, 2022)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét