Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích nhà ga, ít nhất 25 người chết (Ảnh minh họa) - Một đoàn tàu khởi hành từ Dnipro chạy ngang qua khu vực có các đống đổ vỡ sau một cuộc không kích nhắm vào một cửa hàng bán lốp xe ở phía tây thành phố Lviv, Ukraina, ngày 18/04/2022. AP - Philip Crowther Thanh Phương Đúng sáu tháng kể từ khi Matxcơva phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, và cũng đúng ngày Độc Lập của Ukraina, hôm qua, 24/08/2022, một vụ oanh kích của quân Nga vào một nhà ga xe lửa đã khiến ít nhất 25 người chết và hàng chục người bị thương, theo thông báo của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.
<!>
Trong bài phát biểu trực tuyến trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua, ông Zelensky cho biết Nga đã bắn một tên lửa vào một nhà ga ở vùng Dnipropetrovsk, miền trung Ukraina, trúng vào các toa tàu chở đầy hành khách. Theo tổng thống Ukraina, tổng cộng có ít nhất 22 người chết, trong đó có 5 người chết thiêu trong một toa tàu. Tuy nhiên, hôm nay, số nạn nhân đã lên tới 25 người chết.
Sáng sớm hôm qua, nhiều vụ nổ đã xảy tại nhiều thành phố của Ukraina, như Kharkiv, Zaporijjia và Dnipro, theo thông báo của các chính quyền địa phương. Trong đêm qua, nhiều vụ nổ khác cũng đã được ghi nhận ở một thị trấn ngoại ô Kiev và ở Kryvy Rig, sinh quán của tổng thống Zelensky.
Lập tòa án xét xử “tội xâm lược”
Trong khi đó, một quan chức cao cấp của Ukraina hôm nay cho hãng tin AFP biết chính quyền Kiev dự định thành lập ngay từ năm tới một tòa án quốc tế để xét xử tổng thống Nga Vladimir Putin và những người có trách nhiệm trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.
Kế hoạch thành lập tòa án để xử về “tội xâm lược” sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của ông Andrii Smirnov, phó văn phòng tổng thống Ukraina. Theo lời ông Smirnov, đó là phương án tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất để xét xử những kẻ có trách nhiệm trong cuộc chiến tranh Ukraina.
“Tội xâm lược” là một khái niệm tương tự như “tội ác chiến tranh”, đã từng được sử dụng trong các phiên tòa Nuremberg và Tokyo ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt.
Tòa án Hình sự Quốc tế đã bắt đầu điều tra về các tội ác mà tòa án này có thẩm quyền xét xử (tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh), nhưng tòa không thể điều tra về các cáo buộc về “tội xâm lược”, vì cả Nga lẫn Ukraina đều chưa phê chuẩn Quy chế Roma về Tòa án Hình sự Quốc tế.
Tại Hội Đồng Bảo An, tổng thư ký LHQ tố cáo một “cuộc chiến phi lý” ở Ukraina
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nghe đại sứ Nga bên cạnh LHQ, Vasily Nebenzia, phát biểu tại Hội Đồng Bảo An, New York, ngày 24/08/2022. Getty Images via AFP - MICHAEL M. SANTIAGO
Trọng Nghĩa
Vào lúc cuộc chiến tranh Ukraina bước sang tháng thứ bảy, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 24/08/2022 đã phát biểu trước Hội Đồng Bảo An và kêu gọi hòa bình. Ông đồng thời bày tỏ thái độ đặc biệt lo ngại về nguy cơ hạt nhân tại nhà máy điện Zaporijjia ở Ukraina.
Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki tường thuật:
Một lần nữa, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lại nhóm họp để thảo luận về những lo ngại xung quanh cuộc chiến ở Ukraina. Một lần nữa, các cuộc tranh luận lại dừng ở đó! Cuộc họp trùng với Ngày Độc Lập của Ukraina diễn ra hôm thứ Tư, 24/08, với sự hiện diện của tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Vừa từ Ukraina trở về, ông Antonio Guterres đã trình bày báo cáo về tình hình với các thành viên Hội Đồng Bảo An. Ông đặc biệt nhắc lại "mối quan tâm sâu sắc của mình" về các hoạt động quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia. Theo ông: “Bất kỳ sự leo thang nào khác đều có thể dẫn đến sự tự hủy diệt”.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng điểm lại tình hình về việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ cảng Odessa và nhấn mạnh rằng nguy cơ khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng. Ông khẳng định: “Nếu tình trạng chiến tranh kéo dài, đơn giản là sẽ không có đủ lương thực vào năm 2023”, một cuộc khủng hoảng lương thực mà tổng thống Ukraina cũng đã nêu lên trở lại trong cuộc nói chuyện với Hội Đồng Bảo An qua cầu truyền hình. Volodymyr Zelensky nói: “Thế giới đã thấy được rõ mức độ phụ thuộc của mình vào sự độc lập của chúng tôi”.
Các thành viên khác của Hội Đồng Bảo An đã kêu gọi chấm dứt chiến tranh. "Một cuộc chiến tranh tàn bạo và phi lý", theo đại diện của Hoa Kỳ.
Giáo hoàng lo lắng về thảm họa hạt nhân ở Ukraina
Vào hôm qua, 24/08, đức giáo hoàng Phanxicô cũng kêu gọi “ngăn chặn nguy cơ thảm họa hạt nhân” ở Ukraina. Ngài một lần nữa tố cáo “sự điên rồ của chiến tranh”.
Lãnh đạo Tòa Thánh Vatican ghi nhận: “Từ sáu tháng nay, người dân Ukraina đã phải chịu đựng nỗi kinh hoàng của chiến tranh”, và ngài yêu cầu các bên “thực hiện các bước cụ thể để chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân ở Zaporijjia”.
Úc khẳng định tiếp tục tuần tra Biển Đông, bất chấp khiêu khích của Trung Quốc
(Ảnh minh họa) - Tầu chở trực thăng HMAS Parramatta của Hải Quân Úc tập trận với tầu đổ bộ Mỹ USS America, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Barry và tầu USS Bunker Hill, tại Biển Đông, ngày 18/04/2020. © REUTERS - Australia Department Of Defence
Trọng Nghĩa
Trong phát biểu đầu tiên từ ngày nhậm chức, tân tư lệnh Không Quân Úc, tướng Robert Chipman, hôm 22/08/2022 khẳng định quân đội Úc sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra ở Biển Đông bất chấp những sự cố mà phía Trung Quốc gây ra.
Theo báo chí Úc, phát biểu tại Canberra, người đứng đầu lực lượng Không Quân Hoàng Gia Úc cho biết là các nhiệm vụ tuần tra của phi cơ quân sự Úc trên Biển Đông vẫn sẽ được tiến hành “như bình thường”, bất chấp một loạt sự cố thiếu an toàn đã xẩy ra trong khu vực, do phía Trung Quốc gây ra.
Nổi bật nhất là sự cố xẩy ra vào tháng 5, khi Úc tố cáo vụ một chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc chặn đường một máy bay do thám P-8 của Úc bay trên Biển Đông, thả ra các mảnh kim loại gây nhiễu khiến động cơ máy bay Úc hút phải. Vài tháng trước đó, Úc cũng lên án Trung Quốc về vụ chĩa tia laser vào một phi cơ phản lực Úc ở vùng biển ngoài khơi miền Bắc Úc.
Đối với tư lệnh Không Quân Úc, quân đội Trung Quốc cần tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn về "tính chuyên nghiệp". Bắc Kinh đã bác bỏ những phản đối của Úc, đồng thời cáo buộc ngược lại là quân đội Úc đã có những hành động “khiêu khích”.
Tư lệnh Không Quân Úc đã có những phát biểu như trên sau một cuộc hội đàm với bộ trưởng Không Quân Hoa Kỳ Frank Kendall ghé thăm Úc để thị sát các cuộc tập trận quân sự hỗn hợp Mỹ-Úc mang tên Pitch Black đang diễn ra ở vùng Lãnh Thổ Phía Bắc của Úc.
Theo một số nhà phân tích được nhật báo Hồng Kông SCMP hôm nay trích dẫn, việc Úc tiếp tục duy trì các cuộc tuần tra trên Biển Đông sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Canberra muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Úc và Trung Quốc gần đây đã nối lại các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng sau nhiều năm quan hệ không tốt đẹp. Các chính phủ Úc trước đây đã cấm thiết bị 5G của Hoa Vi, đồng thời kêu gọi mở điều tra về nguồn gốc của Covid-19 khiến Trung Quốc tức giận và áp đặt các biện pháp trả đũa về ngoại giao và kinh tế, thương mại.
Tuy nhiên, sau khi tân chính phủ của thủ tướng Albanese lên cầm quyền tại Canberra, vào tháng 7, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố với đồng nhiệm Úc Penny Wong rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng phục hồi quan hệ với Úc, trong lúc bà Wong cũng xác định rằng cả hai nước đều có lợi để ổn định trở lại mối quan hệ.
Alex Bristow, một chuyên gia quốc phòng từ Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI cho rằng: Mặc dù muốn duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc, nhưng Úc sẽ không đánh đổi lợi ích quốc gia của mình để lấy “một số triển vọng cải thiện quan hệ kinh tế”. Theo chuyên gia này, những lợi ích của Úc bao gồm sự ổn định trong khu vực và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Căng thẳng với Trung Quốc, Đài Loan dự trù tăng 13 % ngân sách quốc phòng
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) tới thăm các binh sĩ tại căn cứ quân sự Tân Bắc Thị, Đài Loan, ngày 23/08/2022. via REUTERS - TAIWAN PRESIDENTIAL OFFICE
Thanh Hà
Chính phủ Đài Loan hôm 25/08/2022 đề nghị nâng ngân sách quốc phòng năm 2023 lên tới 19 tỷ đô la Mỹ. Đây sẽ là mức cao kỷ lục, tăng thêm 13 % so với tài khóa 2022. Nếu Quốc Hội thông qua đề xuất nói trên, đây sẽ làm năm thứ sáu liên tiếp Đài Loan tăng ngân sách phòng thủ để đối phó với « đe dọa quân sự từ Trung Quốc »
Hãng tin Anh Reuters cho biết, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2022 trung bình mỗi năm, ngân sách quốc phòng của Đài Loan tăng 4 %. Nhưng cho tài khóa 2023, chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn đề xuất một ngân sách hơn 586 tỷ đô la Đài Loan, tương đương với khoảng 19 tỷ đô la Mỹ, tăng 13 % so với năm nay, trong đó có hẳn một « khoản đặc biệt » để trang bị thêm chiến đấu cơ. Theo giải thích của bộ trưởng bộ Ngân Sách Kế Toán Thống Kê Đài Loan, Chu Trạch Miên (Chu Tzer Ming) « an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu ».
Vẫn theo bộ trưởng Chu, ngân sách phòng thủ của Đài Loan tăng mạnh vì hai yếu tố. Một là do giá nhiên liệu tăng cao, các chi phí bảo trì tàu chiến và máy bay càng lúc càng tốn kém. Nhưng nguyên nhân thứ hai còn quan trọng hơn nữa. Đó là Đài Loan đã phải liên tục điều động máy bay và tàu chiến bảo vệ hải phận và không phận trong lúc các hoạt động quân sự của Bắc Kinh trong khu vực eo biển Đài Loan « ngày càng dồn dập ».
Trong thời gian gần đây Bắc Kinh liên tục mở các cuộc tập trận quy mô gần eo biển Đài Loan, chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc xâm phạm vùng nhận dạng phòng không với một số lượng càng lúc càng lớn. Hãng tin Pháp AFP ghi nhận trong năm 2021, đã có 970 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Con số này cao hơn gấp đôi so với hồi năm 2020. Trong chưa đầy 9 tháng năm 2022 phái Đài Loan đã ghi nhận trên 980 vụ và nội trong tháng 8/2022 Trung Quốc đã 360 lần xâm nhập vùng nhân dạng phòng không của Đài Loan.
Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan, « vào lúc mà chính quyền Cộng Sản Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự » trong những năm gần đây và muốn « bình thường hóa » việc điều tàu chiến và máy bay quân sự sách nhiễu Đài Loan, quân đội quốc đảo này tuy « không gây hấn trước nhưng hoàn toàn phải chuẩn bị đối phó với chiến tranh và để bảo vệ an ninh quốc gia bằng tiềm lực quân sự ».
Đức Giáo Hoàng chuẩn bị tấn phong 20 hồng y, trong bối cảnh tin đồn về việc ngài từ chức
Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican ngày 19/03/2022. AP - Andrew Medichini
Trọng Nghĩa
Theo dự kiến, ngày 27/08/2022, đức giáo hoàng Phanxicô, sẽ tấn phong 20 hồng y mới. Nhiều người trong số này, một ngày nào đó, có thể chọn giáo hoàng kế nhiệm. Sự kiện, được gọi là Công Nghị, đang được đặc biệt theo dõi, trong bối cảnh chính giáo hoàng Phanxicô gần đây đã gợi lên khả năng nghỉ hưu do sức khỏe giảm sút.
Theo hãng tin Pháp AFP, 20 tân hồng y được đề cử bao gồm những người được biết đến với quan điểm tiến bộ và công việc mục vụ. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, từ Brazil, Nigeria, cho đến Ấn Độ, Singapore và Đông Timor.
Sau lễ tuyên thệ vào thứ Bảy 27/08 tại Thánh Đường Thánh Phêrô, các tân hồng y sẽ tham gia một cuộc họp hai ngày của toàn bộ các hồng y bắt đầu từ thứ Hai 29/08. Cuộc họp đã được triệu tập từ đầu năm nay để thảo luận về vấn đề điều hành giáo hội, nhưng làm dấy lên suy đoán về khả năng đương kim giáo hoàng chuẩn bị đường từ nhiệm.
Tháng Bảy vừa qua, chính giáo hoàng Phanxicô, vốn đã hủy bỏ nhiều sự kiện trong những tháng gần đây và phải sử dụng xe lăn vì đau đầu gối, cho biết là “cánh cửa” để ngài rút lui đang “rộng mở”.
Nếu giáo hoàng Phanxicô theo gương người tiền nhiệm Benedictô XVI và từ chức, một “Mật Nghị” tập hợp tất cả các hồng y dưới 80 tuổi sẽ được triệu tập để chọn người kế vị.
Kể từ cuối tuần này, sẽ có khoảng 90 trong số 132 hồng y đủ điều kiện để bầu tân giáo hoàng, tức là khoảng 2/3 tổng số hồng y, một tỷ lệ cần thiết để thông qua bất kỳ ai được đề cử làm tân lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo.
Việc đề cử ai làm hồng y luôn luôn được xem xét kỹ lưỡng về tính cách là một chỉ dấu cho thấy định hướng tương lai của Giáo Hội Công Giáo và các ưu tiên của Giáo Hội đối với 1,3 tỷ tín đồ trên thế giới. Tuy nhiên, trả lời AFP, chuyên gia Pháp về Tòa Thánh Vatican Bernard Lecomte cho rằng lựa chọn của giáo hoàng Phanxicô không nhất thiết đảm bảo rằng vị giáo hoàng tiếp theo sẽ là người phản ánh các ưu tiên của chính Phanxicô.
Phanxicô: Một giáo hoàng “cấp tiến”
Dẫu sao thì từ ngày lên làm giáo hoàng đến nay, Phanxicô đã nỗ lực nhằm làm cho Giáo Hội hòa nhập hơn, minh bạch hơn và tập trung vào những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Năm nay, vị giáo hoàng người Achentina đã hoàn thành một công cuộc cải tổ lớn đối với guồng máy quản lý Vatican đầy quyền lực. Ngài đã đề cử những hồng y đã bác bỏ hệ thống cấp bậc hiện hành và hiện trạng của Giáo Hội, đồng thời góp phần phá bỏ thế thống trị kéo dài hàng thế kỷ của người châu Âu trong Giáo Hội.
Virgilio Do Carmo Da Silva, tổng giám mục giáo phận Dili, vào thứ Bảy tới đây, sẽ trở thành hồng y đầu tiên của nước Đông Timor nhỏ bé, một quốc gia có đa số dân Công Giáo áp đảo ở Đông Nam Á.
Một hồng y mới khác là Robert McElroy, giám mục 68 tuổi của thành phố San Diego, California (Hoa Kỳ), người đã ủng hộ người Công Giáo đồng tính và chỉ trích những động thái truất quyền rước lễ nhắm vào các chính khách Mỹ - như tổng thống Joe Biden chẳng hạn - đã ủng hộ việc phá thai.
Cách đây hai năm, đức giáo hoàng Phanxicô đã làm nên lịch sử khi đề cử làm một hồng y một người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên - tổng giám mục Wilton Gregory thuộc giáo phận Washington.
Và thứ Bảy tới đây cũng sẽ chứng kiến lễ tấn phong của vị hồng y trẻ nhất trên thế giới, nhà truyền giáo người Ý Giorgio Marengo, 48 tuổi, đang hoạt động tại Mông Cổ.
Tổng thống Pháp Macron công du Algérie, sưởi ấm quan hệ song phương
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm Algérie 3 ngày, từ 24/08/2022. © AP/Gonzalo Fuentes
Thanh Hà
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du Algérie ba ngày kể từ hôm nay 25/08/2022. Pháp muốn hâm nóng quan hệ với một nước cựu thuộc địa và cũng là một nguồn xuất khẩu khí đốt.
Đây là lần thứ nhì tổng thống Pháp Macron đến Algérie, lần đầu tiên là khi ông Abdelmajid Tebboune làm tổng thống nước này. Theo chương trình nghị sự ngaytừ chiều nay, lãnh đạo hai nước viếng thăm tượng đài tử sĩ tại thủ đô Alger. Đây là một biểu tượng về cuộc đấu tranh của người Algérie giành độc lập trong giai đoạn 1954-1962.
Ngày mai ông Macron sẽ có một buổi trao đổi với thanh niên và doanh nhân trẻ của Algérie tại Oran, thành phố lớn thứ nhì của quốc gia bắc Phi này. Theo giới quan sát, đây là bằng chứng cho thấy tổng thống Pháp thực sự muốn mở ra một trang mới trong quan hệ song phương sau giai đoạn bang giao đã phần nào bị sứt mẻ do tuyên bố hồi năm ngoái của Emmanuel Macron. Tổng thống Pháp khi đó cho rằng đã đến lúc Alger nên « ngừng khai thác quá khứ thuộc địa để trục lợi ». Gần như cùng lúc Paris đã giảm lượng visa cấp cho người Algérie vào Pháp.
Giới phân tích tuy nhiên nêu bật một yếu tố quan trọng khác trong chuyến « viếng thăm hữu nghị » này của tổng thống Macron. Đó là vấn đề năng lượng. Trong bối cảnh Nga liên tục dọa ngừng xuất khẩu khí đốt cho châu Âu, Paris không quên rằng Algérie là nguồn cung cấp 10 % khí đốt tiêu thụ tại Pháp.
Ngoài ra, Pháp là đối tác thương mại quan trọng thứ nhì của Algérie. Đôi bên có nhiều dự án hợp tác trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, ngân hàng, công nghiệp xe hơi, dược phẩm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét