Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Miếng Thịt - Đinh Lâm Thanh


Mỗi lần vợ làm thịt heo, bà thường dùng con dao nhọn lẹ làng lóc hết toàn bộ mỡ cũng như da, tôi thấy miếng thịt chỉ còn lại một tí nạc nhưng không dám phản đối, chỉ nhẹ nhàng nhắc chừng rằng, lóc hết mỡ và da thì ăn chẳng còn mùi vị gì của miếng thịt. Bà nhìn tôi lắc đầu cằn nhằn, trong người đủ thứ bệnh mà lúc nào cũng đòi mỡ, thích mặn lại còn hảo ngọt nữa. Ăn ba cái thứ nầy vào cho nhiều rồi đổ bệnh nằm đó, ai lo? Cứ đem mấy chứng bất trị như mỡ trong máu, huyết áp cao và tiểu đường của tôi ra hăm là bà thắng ngay. Tôi im lặng không còn lý gì để bảo vệ ý kiến của mình. 
<!>
Nhưng khi bà đi vắng một vài bữa, tôi ghé qua khu 13 Paris xách về một ký ba rọi, để nguyên da và mỡ, rửa sơ sài và luộc chín bằng một tí muối, xắt ra từng miếng nhỏ bằng nửa ngón tay cái rồi bày ra bàn. Trịnh trọng ngậm từng miếng một vào miệng, nhai từ từ, không bia không rượu, cốt để nhớ lại mùi vị miếng thịt heo trong tù cải tạo của Cộng Sản cách đây đúng ba chục năm. Nhưng đã nhiều lần tôi không thể tìm được hương vị cũ của ngày trước.
Thịt heo Tây bên nầy đã dở, khi làm bếp lại lóc hết các phần phụ thuộc, dù kho nấu cách nào ăn cũng không tìm mùi vị như heo tại quê nhà. Thật vậy, ở bên nầy nuôi heo kỹ nghệ, tắm rửa hằng ngày, chích ngừa từ lúc mở mắt chào đời rồi phải khám nghiệm gắt gao trước khi đưa lên bàn mổ. Heo được nuôi ăn đúng tiêu chuẩn đầy đủ chất bổ nhưng miếng thịt vẫn không ngon bằng heo tại các vùng quê Việt Nam. Ở quê nhà, heo không cần chích ngừa khám nghiệm, thường mổ lậu đôi lúc chẳng cần đóng dấu thú y. Thịt chỉ cần luộc với nước sông nước hồ gì cũng thơm một cách ngon lành. Mỗi lần về quê tôi cứ dặn người nhà mua cho được thịt heo nuôi theo lối cổ điển, nghĩa là nuôi chuồng, nước tiểu phân rác lúc nào cũng ngập lên tới bụng nhưng khi ăn miếng thịt luộc bao giờ cũng thơm ngon quyến rũ…
Đôi lúc bà con tại Việt Nam ngạc nhiên nhìn tôi ngậm thật lâu miếng thịt trong miệng, vừa nạc vừa xương vừa bầy nhầy mỡ, rồi trịnh trọng nhai từ từ như để thưởng thức món cao lương mỹ vị tưởng như suốt đời chưa bao giờ biết tới. Người anh họ hỏi nguyên nhân, tôi chỉ trả lời vắn tắt rằng, thịt heo ta ngon hơn thịt của Tây rất nhiều. Nếu so với ngày trước, dù là heo ta nuôi theo lối cổ điển nhưng vẫn thua xa miếng thịt mỡ trong trại tù cải tạo, dù đã trên ba mươi năm tôi vẫn hình dung ra được, vừa béo vừa thơm và ngon một cách lạ lùng không sách vở nào diễn tả nổi.

*****
Trong khoảng gần ba tháng tập trung tại Trảng Lớn, mỗi ngày tù được phát hai nắm cơm gạo mốc trộn bo bo ăn với muối bọt. Dù chưa lao động đúng mức nhưng người nào mắt cũng lờ đờ, tay chân bủn rủn, bụng thóp lại, người xuống cân trầm trọng. Lúc khăn gói lên đường trình diện đi học tôi cân bảy chục ký, bây giờ không biết còn lại chính xác bao nhiêu nhưng bộ mặt hốc hác, hai gò má nhô lên như chiếc sọ người, tay chân nhô gân xanh và bộ sườn hiện ra rõ từng chiếc xương, rất tốt cho việc dạy môn cơ thể học cho các em học sinh. Các chất dinh dưỡng cần thiết đã rủ nhau ra đi không thương tiếc cho tấm thân tù tội của tôi. Nhớ lại những bữa ăn thịnh soạn thừa mứa ngày trước, bây giờ chỉ có nắm bo bo với muối ngày nầy qua ngày khác, tôi cứ tiếc rẻ hoài. Đầu óc tôi lúc nào cũng nghĩ đến cục đường, miếng cá hay tí thịt… tự nhiên nước miếng cứ liên tục chảy ra đầy miệng. Nhiều lúc thấy xấu hổ, không ngờ mình đã thèm ăn đến độ phải nuốt nước bọt liên hồi.
Lúc dời xuống Long Khánh, tiểu đoàn tù gồm có 4 khối, trên một ngàn người chen chúc nhau trong tám dãy nhà tôn của tiểu đoàn 18 quân y cũ. Toàn bộ khu trại chỉ có một cái giếng cạn, sâu chừng trên mười thước, mỗi lần kéo lên được vài chục lít nước phèn đỏ như máu trộn lẫn với rác rến, lá cây và xác chuột chết, nhưng tù không được dùng theo lệnh quản giáo, chỉ được phép để nấu cơm và nước uống.
Cũng nhờ vùng Long Khánh đang ở vào mùa mưa, lâu lâu trời ban cho một trận để tù cải tạo có cơ hội tắm và hứng nước uống. Mỗi lần mưa rào trút xuống, tất cả đều nhào ra sân, thân mình trần truồng như nhộng, râu tóc bù xù, mặt ngữa lên trời há miệng hứng nước vừa uống vừa súc miệng. Đánh răng và tắm rất tân tiến theo kiểu bộ đội, một tay đút ngón trỏ vào chà hai hàm răng thế bàn chải, một tay cố kỳ cọ liên tục từ trước ngực ra sau lưng rồi từ trên xuống dưới vì cơn mưa thường ngừng bất chợt. Cả ngàn con người tồng ngồng chen lấn trên khoảng trống bằng sáu sân đánh bóng chuyền, như một bầy vượn, hò hét vui mừng nhảy múa khi gặp nước sau một thời gian dài chịu đựng hôi hám ngứa ngáy và nóng bức.
Doanh trại nằm trong khu vực gần như không có cây cối. Khối tù tôi khoảng chừng hai trăm chen chúc nhau trong hai dãy nhà nằm sát một hàng rào bằng cây dâm bụt. Phía bên tay trái một khu đất trống, sau lưng, một kho đạn thật lớn của một đơn vị trực nào đó thuộc sư đoàn 18 bộ binh để lại. Đứng trong cửa sổ phòng giam có thể nhìn thấy nhiều loại đạn súng cối, M72, các thùng đạn đại liên và lựu đạn còn vất bừa bải chung quanh ụ đất gồm nhiều cành cây khô và cỏ chết. Hai ngày sau khi chúng tôi đến, một vệ binh có nhiệm vụ gác, túc trực ngày đêm phía sau căn nhà tù để canh chừng chúng tôi nhảy rào đồng thời bảo vệ an toàn cho kho đạn. Không biết mấy chú ngố nầy đêm làm gì mà ngày tôi thấy chúng thường dựa gốc cây mít ngủ, hết ngủ lại ôm điếu thuốc lào kéo liên tục. Tôi cứ phập phồng lo sợ tai nạn thế nào cũng xảy ra vì bọn ngu nầy, mỗi lần kéo xong hơi thuốc chúng vứt bừa bãi đóm xuống chân trong lúc chung quanh kho đạn một số cành cây gãy nằm ngổn ngang với lá khô lẫn lộn với đám cỏ chết, chạy dài từ sau lưng phòng giam chúng tôi đến tận ụ đất.

Với gần một ngàn tù cải tạo của bốn khối, mặc dù không được ăn uống gì nhiều nhưng vấn đề vệ sinh bắt buộc phải tuân theo thói quen tự nhiên, sắp hàng đi cầu mỗi sáng. Một dãy nhà cầu công cộng được lệnh dựng lên cho trại. Kiến trúc rập theo khuôn mẫu hiện đại tiên tiến của miền Bắc: Không mái, không vách che hai bên cũng như sau và trước ! Gồm hai chục hố sâu chừng 100 cm, dài 60 cm và rộng 50 cm nằm kế cận, cách nhau chừng 40 cm. Ở trên bắc ngang hai thanh cây nhỏ, phía sau mỗi hố được khoét rộng thêm, vừa đủ cho một người có thể chui xuống hốt phân hằng ngày. Mỗi buổi sáng sắp hàng làm phận sự, dù đang trong cảnh tù tội nhưng tất cả không thể nhịn cười khi nhìn cảnh vượn thành phố đi đại tiện tập thể. Bốn chục người làm nhiệm vụ một lượt trên hai chục miệng hố, thân mình trần truồng như nhộng, lông, râu tóc bờm xờm. Anh ngồi xuôi anh ngồi ngược như một bầy chim đói đã nhổ sạch hết lông, đậu thành hàng dài trên sợi dây điện. Một người vừa bước ra có anh khác vào thế chỗ liền. Mấy ngày đầu ai cũng ngắt một vài lá dâm bụt để kết thúc mỗi chuyến đi cho đúng phép vệ sinh, do đó hàng rào dâm bụt sau ba ngày trơ trụi chẳng còn một ngọn lá nào. Hết lá, không còn phương tiện nào khác, hầu hết đi cầu xong tất cả vui vẻ đứng dậy rất tự nhiên chẳng cần thắc mắc gì. Nhưng cũng có một vài anh cẩn thận, lúc nào cũng thủ sẵn trong sợi dây thung quần xà lỏn một cây que như chiếc đũa, mục đích để làm phận sự thay giấy đi cầu và sau mỗi lần đại tiện xong xuôi, lại cẩn thận nhét kỹ vào chỗ cũ để xử dụng tiếp cho những lần sau.

Anh em cải tạo thường ở trần ngày cũng như đêm, trên người chỉ chiếc quần xà lỏn. Bộ áo quần mặc theo lúc ra đi được xếp lại cẩn thận để dành lúc ra tù trở về thành phố hoặc những lúc cần thiết như đi làm lý lịch, lên hội trường nghe nhồi sọ, bị quản giáo kêu lên làm tự kiểm, thì bất đắc dĩ phải khoác thêm chiếc áo lên người. Quần xà lỏn mặc suốt ngày đêm, không có nước giặt và thường xuyên bị ẩm vì mồ hôi muối. Tội nghiệp những miếng vải giảm dần tuổi thọ, mục và rách như trái xơ mướp. Có nhiều anh quần xà lỏn rách hết phần dưới chỉ còn lại một ít vải chung quanh lưng quần, mặc vào trông như các cô mang trên người chiếc mini jupe kỷ lục sexy! Cũng có anh đành xé chiếc quần dài ra thành miếng nhỏ, quấn ngang phần dưới bụng như chiếc khố của người dân tộc thiểu số. Quản giáo kêu lên buộc làm tự kiểm, kết tội đi học tập cải tạo mà ăn mặc kiểu đóng khố hoặc đưa nguyên của “quý” ra ngoài theo kiểu dâm ô của bọn Mỹ-Ngụy là ngoan cố, chống đối cách mạng! Có anh thành thật trình bày, chỉ đem theo đồ dùng đúng mười ngày theo cách mạng đã hứa, nay quần bị mục nát chẳng còn gì để quấn cho kín “phần dưới”, thì cũng bị quản giáo khép vào tội ăn nói “linh tinh” và có ý bôi xấu chế độ.
Xuống đến đây tù được thêm một món ăn mới. “Không có gì quý hơn trái su su”, anh em tù đã thay câu nói vàng ngọc của già Hồ để lại mỗi lần nghe kêu đi lãnh cơm! Khẩu phần mỗi bữa của từng người gồm một phần tám trái su su nấu nước muối và gần một chén bo bo. Ăn uống như vậy phân đâu sản xuất được bao nhiêu để tưới rau. Báo cáo của đội rau, mỗi ngày chỉ thu hoạch chừng non một thùng, tù lại bị kiểm điểm sản xuất phân xanh không đủ tiêu chuẩn cho vườn rau cải thiện của bộ đội và quản giáo! Anh bạn nằm bên tôi, ngày mai đến lượt chui xuống cầu tiêu hốt phân, không biết là mơ hay tỉnh mà cứ than vãn hoài. “Không cho ăn mà cứ đòi phân cho nhiều, lấy gì mà ẹ ra đây Hồ ơi. Ngày mai lấy đâu cho đủ tiêu chuẩn để nạp lên quan thầy đây, Hồ ơi là Hồ!”

Một thời gian sau, tù được phép viết thư về xin gia đình tiếp tế và trong đợt tiếp tế đầu tiên, mỗi người được phép nhận hai ký. Ngày phát quà tập thể, bọn quản giáo tập hợp tù ở giữa sân và kêu tên từng người lên nhận về để lại dưới chân mình. Khi đã phát đủ, quản giáo ra lệnh cho mở ra cùng một lượt để chính trị viên, quản giáo và vệ binh canh chừng kiểm soát. Bọn chúng lúc đầu trố mắt ngạc nhiên những món hàng gởi đến nhưng sau đó ra lệnh tù sắp tất cả quà ngay ngắn lại dưới chân mình và đứng nghiêm để nghe lệnh. Chúng quát tháo:
– Đã vào đây rồi mà các anh vẫn còn giở trò qua mặt cách mạng, tìm cách thông tin liên lạc và móc nối với bọn CIA bên ngoài!
Không ai hiểu chúng muốn nói gì. Tất cả đang ngơ ngác thì tên chính ủy tiến đến lấy một cuốn giấy đi cầu đưa lên cao:
– Thế nầy là thế nào? Các anh định dùng loại giấy nầy để thông tin ra ngoài với bọn giặc. Tôi cho các anh biết đừng hòng qua mặt cách mạng. Bọn Mỹ-Ngụy đã dùng các cuộn giấy như thế nầy gắn trên các máy để đánh điện cho nhau, bây giờ gia đình các anh gởi vào để các anh tiếp tục viết tin lén gởi ra ngoài. Cách mạng đã thông suốt ý đồ, nhìn thấy trong tim trong óc các anh. Đừng tưởng rằng khi cách mạng khám phá hành động gián điệp, các anh chỉ cần nuốt vào bụng hay bỏ giấy vào nước nó bấy ra là có thể qua mặt phi tang cách mạng một cách dễ dàng được đâu!
Tất cả đứng yên không ai dám cười, chừng phút sau một anh tù trưởng khối gải đầu vòng tay thưa:
– Dạ thưa anh cán bộ, giấy nầy dùng để… đi cầu ạ!
Tên chính ủy nạt lớn:
– Đừng lếu láo!
Nói xong hắn hầm hầm quay trở về ban chỉ huy tiểu đoàn.

Gói quà nhỏ đầu tiên, gia đình người nào gởi cũng giống nhau. Theo thứ tự ưu tiên: cuộn giấy đi cầu, đôi dép râu, vài chiếc quần xà lỏn, bịch thuốc lào, ít cục đường, lon muối sả, lon muối đậu phộng, guigoz thịt kho mặn. Gia đình anh nào khá giả còn thêm gói café, hộp sữa đặc. Đêm đó, trong trại lần đầu tiên mới nghe được tiếng cười của mấy anh tù đang uống café, kéo thuốc lào hoặc vừa nuốt xong miếng đường vào miệng.
Sáng hôm sau thức dậy, đang sắp hàng đi đại tiện anh em tù rất đổi ngạc nhiên và không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi thấy vệ binh đi vòng vòng kiểm soát chung quanh cầu tiêu cộng cộng, có vệ binh còn nhặt một vài miếng giấy vệ sinh rải rác bên các miệng hố. Sau đó chừng nửa giờ, kẻng đánh tập họp tù ngoài sân, chính tên chính ủy hôm qua lại trở xuống, mặt hầm hầm, miệng la lớn:
– Thật là phí phạm, chế độ tư bản các anh còn bày nhiều trò rởm đời trong việc đi cầu xí. Cách mạng chiến đấu quanh năm suốt tháng trong rừng đâu cần giấy xanh giấy đỏ để đi ỉa mà đánh đâu thắng đó. Các anh có biết ngoài Bắc, trẻ con không có giấy để đi học trong lúc các anh trong Nam lại dùng để chùi đít!
Anh em cải tạo lần nầy không nhịn được, cười ồ lên. Phía sau cùng có anh tù nào đó lên tiếng, tất cả đều nghe rõ:
– Thế mà hôm qua hôm kia lên lớp cán bộ cứ oang oang cái mồm lên rằng, miền Bắc không thiếu một thứ gì. Tủ lạnh thì đi đầy đường không còn lối cho xe hơi, cà rem thì dư thừa phải phơi khô để xuất khẩu!
Cả bốn khối tù không nín được, tới đâu cũng phải cười để giải tỏa những ấm ức mấy lâu nay.
Một quản giáo, tay chụp ngay bá súng lục bên hông, chen vào đám tù tiến xuống phía sau, quá giận, lắp bắp đứt quảng:
– Thằng… thằng nào… phản động, thằng phản động nào vừa mới lên tiếng, ông bắn bỏ mẹ bây giờ!
Tất cả tù đứng yên, tên quản giáo đi vòng vòng nhìn vào mặt và tra khảo từng người một nhưng không tìm được thằng nào vừa phát ngôn bừa bãi. Kết quả cả tiểu đoàn tù phải học tập tự kiểm liên tục một tuần vì một câu nói cực kỳ phản động!

Trong thời gian bị nhốt ở Long Khánh, vì có sự hiện diện của dân chúng chung quanh khu vực sư đoàn 18 bộ binh cũ, tù may mắn không đi lao động bên ngoài mà chỉ xoay quanh những công tác đắp đường, làm vệ sinh, trồng rau cải trong khu vực. Ngày nào cũng tám tiếng làm việc, không có nước tắm giặt, đa số anh em bắt đầu nổi ghẻ trong người. Không thuốc, thiếu dinh dưỡng và nhất là vấn đề vệ sinh cá nhân, bệnh ghẻ lan tràn rất nhanh. Bộ chỉ huy trung đoàn tù giải quyết bằng cách cho luân phiên ra ngoài tắm, nhưng mỗi khi ra khỏi hàng rào phải ăn mặc chỉnh tề và tuyệt đối không được nhìn ngang liếc dọc, ra dấu làm hiệu hoặc liên hệ với dân địa phương. Nơi được phép tắm là một con mương nhỏ cũng nằm trong phạm vi thuộc khu vực sư đoàn 18 bộ binh cũ. Chiều ngang khoảng chừng gần ba mét, nước lên chỉ đến quá đầu gối một chút. Tù sắp thành hàng, áo quần đã toàn bộ tuột ra, đếm số từng đợt hai chục người và sẵn sàng đợi lệnh nhảy xuống đồng loạt. Trên hai bờ đất, vài ba quản giáo và hàng chục vệ binh súng cầm tay chĩa vào đám tù. Mỗi toán chỉ được phép tắm trong vòng một hai phút rồi phải bước lên nhường chỗ cho toán khác nhảy xuống. Mỗi lần ra tắm chúng tôi cũng gặp vài ba người đàn bà quanh quẩn chung quanh khu vực, đang cúi mình giả vờ làm cỏ, mặc dù chung quanh con mương không có khu ruộng lúa hay một vườn rau cải nào. Anh em tù nhận biết ngay là những người đàn bà kiếm cách xâm nhập vào khu vực để dò la tin tức người thân. Đám vệ binh lớn tiếng đuổi nhiều lần nhưng không kết quả, sau cùng chúng bắn chỉ thiên vài phát súng, mấy người đàn bà mới từ từ nhích ra xa. Chỉ trong một thời ngắn tin tức được đồn ra ngoài, hàng ngày các bà các cô xuất hiện nhiều chung quanh khu vực con mương. Chính điều nầy anh em tù không được ra ngoài tắm mương mỗi tuần mà chỉ còn cách lạy Trời mưa xuống…

Một buổi trưa sau giờ ăn, kho đạn sau lưng nhà phát nổ, nguyên do vì đám cỏ khô nơi vệ binh ngồi gác bốc cháy rồi lan nhanh từ gốc cây mít vào đến ụ đất. Các loại đạn trong kho phát nổ làm rúng động cả vùng Long Khánh. Nguy hiểm nhất là các đạn súng cối 60, 80, súng chống xe tăng M72, lựu đạn và mìn claymor bị sức ép tung lên cao và bay qua các khu vực tù đang ở, rơi xuống rồi mới phát nổ. Tiểu đoàn tù chúng tôi ở gần kho và lãnh nhiều mảnh đạn bay thẳng từ kho, xuyên thủng một số mái tôn, rớt xuống ngay chỗ nằm. Nguy hiểm nhất là những trái lựu đạn và súng cối rơi xuống ngay sân là lúc chúng tôi đa số đang ở ngoài.
Vừa nghe tiếng nổ tất cả vội vàng nhảy xuống hố cá nhân và hệ thống giao thông hào đã có sẵn. Hố chỉ chui xuống được một hai người, giao thông hào ai nhảy xuống trước thì nằm dưới, xuống sau nằm chồng trên như lớp cá mòi. Anh em nào nằm trên, không ít thì nhiều cũng bị mảnh đạn hay đá sỏi đâm trúng trên lưng. Kết quả có mấy anh em tù bị chết vì mảnh đạn và hơn mấy chục người bị thương.
Vụ nổ kho đạn làm chấn động từ miệt Long Khánh đến các tỉnh Biên Hoà, Gia Định và thủ đô Sàigòn, thân nhân từ các vùng lân cận rầm rộ kéo về dò la tin tức. Cộng Sản vội vàng di chuyển toàn bộ tù Long Khánh đi nơi khác. Bốn khối của tiểu đoàn chúng tôi đi Kà Tum bằng xe vận tải molotova của Liên Sô. Trung đội (A) tôi bị chia làm đôi, tôi lên chiếc xe cuối cùng với khoảng hơn một chục người và các dụng cụ nhà bếp gồm khoảng trên một chục chảo gan lớn và nặng, đường kính hơn cả mét, loại chảo dùng để nấu canh nấu cơm thường xử dụng trong ban hỏa thực thời trước.
Molotova là loại xe chở quân của Cộng Sản, nhỏ hơn GMC của miền Nam, bốn bánh cao lềnh nghềnh dùng để băng rừng, lội nước, không thích hợp với việc chuyên chở trên các tuyến đường bằng phẳng. Xe chở quá nặng, tài xế ngủ gục, xe đảo qua đảo lại trên đường cái nhiều lần. Tôi cầu xin tai nạn đừng xảy ra. Trường hợp tai nạn nếu không bị xe đè thì hơn chục chiếc chảo cũng cắt đôi người ra. Và điều chúng tôi lo ngại đã đến, khi ngang qua ven đô Sàigòn, ngã tư xa lộ Đại Hàn, xe chở chúng tôi mất thăng bằng và đâm đầu xuống hố, quay một vòng rồi nằm ngữa đưa bốn bánh lên trời. Tôi và đồng bạn tù may mắn bị hất văng ra trước khi xe lật. Trước lúc mê man, tôi nhận ra mình còn sống và chừng vài phút sau đó không hay biết gì thêm. Đến lúc tỉnh, thấy tất cả anh em đang nằm ngồi la liệt dưới đất, máu chảy xuống nền xi-măng từng vũng kéo dài từ cửa ra vào đến tận nơi chúng tôi. Đầu đau như búa bổ, máu chảy ra từ đầu, mũi và hai tai, tôi đưa tay rờ quanh người, biết mình may mắn vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh mấy người bạn nằm yên như chết, có người bị chảo gang chặt đứt lỗ tai, có người bị đứt cánh tay nhưng không dám lên tiếng hỏi thăm ai sống ai chết hay bị thương thế nào. Ba vệ binh đang chĩa súng vào chúng tôi sẵn sàng bóp cò nếu có một phản ứng nhỏ nào. Định thần một lúc mới nhận ra đây có thể là nhà thương (sau nầy mới biết là bệnh viện Chợ Rẫy) và thấy một số người lấp ló nhìn chúng tôi từ phía xa.
Tên quản giáo nói vọng vào với mấy y tá:
– Nhìn cái gì? Đây là những tên cướp cực kỳ nguy hiểm, cách mạng vừa bắt được ngoài chợ, chúng tôi đưa vào tạm vào đây đợi xe đến chở đi.
Người bạn nằm cạnh tôi còn tỉnh, giả vờ rên để gây chú ý các y tá đồng thời đưa ba ngón tay lên trên vai mình. Tức thời nghe tiếng người phía trong hối thúc thông báo cho nhau:
– Không phải là bọn cướp mà sĩ quan cải tạo!
Sau câu xác định của người nào đó, tôi nghe tiếng chân người hấp tấp di chuyển chung quanh và một người đàn ông mặc áo blouse trắng tiến đến gần tên quản giáo thưa:
– Thưa ông, dù họ là những tên cướp, xin ông cho phép chúng tôi băng sơ cầm máu, để vậy mấy người sẽ chết tại đây.
Không hiểu tại sao, tên quản giáo suy nghĩ một lúc rồi gật đầu nhưng vẫn ra lệnh nhắc chừng:
– Tôi yêu cầu không được trò chuyện hỏi han bất cứ chuyện gì. Bọn chúng là những tên trộm, giết người cướp của rất nguy hiểm.
Vừa được lệnh, gần như y tá, bác sĩ khu cấp cứu kéo đến đứng bít kín cả cửa ra vào. Riêng mấy cô y tá và một nam bác sĩ, tôi đoán như vậy, đã vào tận nơi chúng tôi đang nằm. Tôi được hai y tá săn sóc, một người tận tình băng từ đỉnh đầu xuống quá hai lỗ tai, chỉ chừa một con mắt để nhìn, còn người kia cố tình lách qua lách lại che khuất quản giáo và tên vệ binh đang đứng gần tôi, cúi sát hỏi nhỏ:
– Anh là sĩ quan cũ?
Tôi gật đầu không nói thêm một câu nào.
Cô ý tá nói tiếp:
– Anh cho biết địa chỉ sáng mai tôi sẽ thông báo người nhà.
Cô y tá kéo tôi vào sát người cô, vừa chùi vết máu hai bên cổ, tai và sau ót vừa lắng tai nghe tôi:
– Vợ tôi tên… ở số… đường Ngô Tùng Châu Gia Định, ngay Ngã Tư Xóm Gà.
Tôi nghe cô lặp lại hai ba lần mục đích để mấy người y tá chung quanh cùng nhau ghi nhận. Tên quản giáo ra lệnh cho y tá phải khẩn trương và bước ra ngay sau khi xong việc. Một cô nhét vào túi tôi gói gì đó còn cô kia lấy đôi dép nhật đang mang trên chân mình mang vào chân tôi rồi hai người hấp tấp lui ra.
Chừng một giờ sau, tên quản giáo ra lệnh cho tất cả mọi người lui xa chỗ chúng tôi đang nằm và bắt chúng tôi tự động dìu nhau ra sân để lên xe đi tiếp.
Sau khi tấm bạt sau được buông xuống, trong xe tối đen như mực, tôi lần tay vào túi lôi ra gói giấy mò mẫm và nhận ra trong đó một khúc bánh mì, mấy chiếc bánh ngọt và một ít tiền. Thật cảm động, lúc đó cũng khoảng bốn giờ sáng nhưng họ đã cố gắng kiếm được miếng bánh, ít kẹo và tiền để cho chúng tôi. Tôi nói nhỏ cho mấy người bạn bên cạnh hay, các anh cho biết họ cũng nhận được những thứ như vậy.
Đến sáng xe dừng lại, tấm bạt được kéo lên, chúng tôi thấy mình đang đứng trước mấy dãy nhà tranh ở sâu trong rừng và vệ binh dẫn chúng tôi vào một căn nhà trống thuộc bộ chỉ huy trung đoàn tù. Mười phút sau những người bạn cùng cảnh ngộ phải chia tay mỗi người đi về một trại khác nhau. Nhóm chúng tôi bốn người được một vệ binh dẫn băng qua rừng, đi bộ một đoạn đường chừng hai cây số đến trước một dãy nhà khác. Sau nầy chúng tôi biết đó là ban chỉ huy tiểu đoàn tù, và bốn chúng tôi bị chia ra cho bốn khối khác nhau. Khi tôi được dẫn về khối thì anh em tù đang lao động trong rừng. Vệ binh đưa tôi về lán (căn nhà bằng tre lợp lá dài khoảng 20 mét dành cho một B chừng 50 tù) nằm gần nhà bếp và bảo ngồi đợi, khối trưởng và B trưởng sắp xếp chỗ ngủ cũng như công việc cho ngày hôm sau. Trong lúc chờ, một ông tù già bệnh hoạn được làm việc nhẹ như nấu ăn, nuôi heo cho khối… đem đến một miếng cơm cháy và ít muối bọt, bảo tôi ăn cho đở đói. Trả lời thắc mắc của tôi, ông cho biết tên Rạng, nguyên là thượng sĩ già đã đến tuổi hưu, nhưng cố nán thêm một thời gian ngắn đủ thâm niên để lên chuẩn úy. Quá xui cho ông già, cặp quai chảo vừa gắn lên cổ áo cũng là lúc khăn gói lên đường đi tù chung với mấy anh em sĩ quan trẻ. Cũng may ở đây thấy ông già lụm khụm, ốm như con mắm nên đã ân huệ cho ông công việc nhẹ nhàng: Anh nuôi tù kiêm luôn nuôi lợn của bộ đội. Tiếp đến các anh làm trong tổ mộc tổ rèn đến thăm hỏi đủ thứ chuyện bên ngoài, lúc đó họ mới hay vụ nổ kho đạn ở Long Khánh và tôi biết được tên trại tù của tôi là Kà Tum nằm sâu trong rừng rậm.
Đến chiều đoàn tù lao động trở về, nghe có người bị thương vì lật xe và được chuyển đến đây nhưng không ai dám vồn vã thăm hỏi, khi ngang qua chỉ đưa tay vẫy chào một người bạn bất hạnh mới đến, vì họ thấy lúc đó trên đầu tôi vẫn còn quấn mấy lớp băng trắng dính máu. Một người trong đám tù tách đám đông chạy lại ôm tôi mừng rỡ:
– Ông thầy. Trời xui đất khiến mình gặp nhau tại đây, thật vui vẻ. Như vậy từ nay ông thầy có bạn rồi.
Tôi ngạc nhiên nhìn anh ta nhưng chưa nhận ra ai, nên hỏi lại:
– Anh biết tôi?
– Em học với thầy năm 1966, thầy nhớ không?
– Ở đâu, lớp mấy?
– Đệ Nhất A, La San Bá Ninh, Thầy cùng dạy chung với hai Sư Huynh Casimir và Raymond.
– Bây giờ thì nhớ ra rồi, Yên phải không? Mấy “mai” mà vô đây?
– Dạ hai, em sẽ đổi với thằng bạn để thầy ăn cơm và làm việc chung một tổ với em.
– Thầy bà cái quỷ gì nữa! Đã vào đây cá mè một lứa thì mầy tao cho tiện.
– Thôi xin phép gọi bằng anh.
Cũng may trong lán có sẵn chiếc giường tre của một anh tù vừa được chuyển đi trại khác. Yên thấy tôi vui vì khỏi bận tâm về chỗ ngủ, anh vừa cười vừa nói:
– Nằm dưới thằng Khánh và kế thằng Huân đôi khi điên người lên được. Chưa có chỗ trống anh nằm tạm đây vài bữa, có thằng nào đi thì anh qua chỗ mới.
– Gì vậy?
– Để tối anh sẽ hay.
Vừa đau đầu vừa rêm người vừa mệt nhưng không cách nào chợp mắt vì anh chàng Khánh nằm trên cứ lải nhải:
– Chuyến nầy tao về, tao sẽ bỏ. Nhất định tao sẽ bỏ!
Trong đêm cứ nghe anh lặp đi lặp lại cả chục lần. Sáng hôm sau gặp anh đang rửa mặt tại giếng, tôi hỏi anh lý do, anh không trả lời thẳng câu hỏi của tôi mà chỉ lặp bặp trong miệng câu nói cũ. Lần nầy về, tao sẽ bỏ!
Một người bạn đứng bên cạnh nói với tôi:
– Mới nghe thấy lạ tai chứ tụi tôi chán quá, chán quá… Hắn cứ tưởng bở đòi bỏ người ta, chứ thật ra người ta đã bỏ nó từ khuya hay bị nhà nước quản lý mẹ nó rồi còn gì mà cứ đòi bỏ với không.
Tôi rất khó ngủ, nhiều lúc vừa chợp mắt đã bị dựng dậy bằng câu nói nầy. Một lần được chia vào làm việc trong tổ rau với Khánh, tôi tâm sự với anh ta:
– Quên đi Khánh, chắc chắn người ta bỏ anh rồi, bận tâm làm gì nữa. Thân tù tội mình đâu ra gì mà đòi bỏ người ta!
Khánh nhìn tôi lắc đầu:
– Không anh, tôi chuyến nầy về nhất định phải bỏ.
Hết can đảm nghe tiếp, tôi hơi xẳng giọng:
– Bỏ cái gì?
Anh nhìn tôi một hồi rồi thú thật:
– Tôi sẽ bỏ, sẽ bỏ vô!
– Tôi không hiểu.
– Trước đây chỉ để ở ngoài mà thôi, lần nầy về nhất định sẽ bỏ vô không “gìn vàng giữ ngọc” và nương tay với em nữa!
À bây giờ tôi là người đầu tiên hiểu câu chuyện của anh, đành khuyên một câu:
– Biết còn không để đến phiên anh. Tôi chắc chắn thằng khác đã bỏ vô từ khuya rồi!
Kể từ lúc tâm sự với tôi, Khánh không còn lải nhải mỗi đêm chuyện cũ nhưng lại bắt đầu câu khác:
– Ngu quá không bỏ vô, bây giờ ân hận!
Anh em trong lán khám phá ra bí mật của Khánh, họ đồng thanh chê:
– Mày ngu hơn con bò cái!
Tôi cãi lại:
– Người ta nói ngu như bò đực chứ có ai nói ngu như bò cái đâu.
Yên nằm bên cạnh cười lớn:
– Té ra anh cũng thật thà, bò đực thì ngu thật nhưng “cu” của nó đâu có ngu, gặp bò cái là nó cỡi liền! Như vậy thằng Khánh còn ngu hơn bò đực, có đúng không? Bò đực gặp bò cái là nó biết “bỏ vô” tức khắc, không “oong đơ” gì hết! Đâu ngu như nó, “để ngoài” mà chịu thèm!
Kể từ hôm bị chê, Khánh thấy mình còn thua con bò đực và không còn lảm nhảm hằng đêm nữa.
Một tối đến giờ ngủ, có người lên tiếng:
– Ông thầy đã trị được thằng Khánh bây giờ tính luôn thằng Huân cho anh em nhờ.
Vừa dứt câu nói, cả chục người lên tiếng phản đối ngay:
– Chuyện thằng Khánh thì được nhưng chuyện ăn phở của thằng Huân thì không nên. Lâu lâu phải để nó kể nghe cho đỡ buồn.
Một giọng khác ở cuối lán:
– Nghe xong nước miếng tràn đầy họng, ức thấy mẹ!
Bây giờ Huân mới lên tiếng:
– Đã nghe chùa mà còn lộn xộn, hôm nay tao kể tặng ông thầy mới đến. Thằng nào không nghe thì bịt tai lại.
Mấy anh nằm gần tôi đồng thanh:
– Ừ kể nhanh lên còn ngủ sớm.
Huấn vừa lên tiếng, “Phở đây”, và bắt chước gõ vào thanh giường tre giống như phở xe ngày trước, nhiều người đồng thanh:
– Dẹp phở xe đi, ăn Phở gà ở Hiền Vương hay Phở xe lửa, Phở tàu bay ở Lý Thái Tổ xem bộ ngon hơn.
– Nghèo mà ham, nhưng muốn thì tao cho ăn.
Huân nuốt nước bọt rồi cất giọng:
– Đang ở tù tại Kà Tum, tao được cách mạng ưu ái cho đi phép một tuần. Thấy tao về, con vợ nó mừng hết lớn nhưng tao chưa làm ăn gì vội, thèm phở quá, bay ra ngay đường Lý Thái Tổ chơi luôn một lèo hai tô trước đã.
Có tiếng anh nào đó phía cuối lán:
– Dóc tổ mẹ. Ông mà về phép thì ông “làm” vài quả với vợ trước, còn chuyện ra Lý Thái Tổ ăn tô phở thì hạ hồi phân giải.
Ồn ào lại nổi lên giữa hai phe,“làm” trước hay ăn trước! Lập luận nhóm nào cũng đúng. Không làm trước thì ức mà không ăn trước thì thèm. “Làm” và “ăn” là hai hành động mà bất cứ anh tù nào ngày đêm đều mơ ước. Không có đối tượng thì “làm” tay, không có gì thì ăn “hàm thụ”. Cứ mỗi lần nghe đề cập đến hai vấn đề nầy trông anh nào cũng thẩn thờ mày mặt, nước miếng trào ra, rồi những cuộc tranh luận lại nổi lên, ai cũng cho quan niệm của mình đúng. Ở trong tù chỉ có muối và bo bo, đã ăn hàm thụ mà anh nào còn thích “làm” tay nữa thì chắc chết sớm. Nếu sống sót trở về, thứ thiệt ở ngay bên cạnh cũng chẳng nên cơm nên cháo gì! Rồi anh nầy tố giác anh kia là vua độc “thủ”, đêm nào cũng đi mây về gió nên người chỉ còn bộ xương cách trí, mắt thì lờ đờ như mắt cá dở sống dở chết trên bờ.
Yên nằm cách tôi vài giường, bực mình gắt lớn:
– Tất cả im đi! muốn ăn phở hay quản giáo xuống nó dũa cho mà nghe bây giờ?
Anh trung đội trưởng tù yêu cầu Huân:
– Tiếp tục đi mầy, tao đang thèm đây.

Huân dẫn anh em ăn phở trong bóng tối, anh lên giọng:
– Bồi, cho mấy tô phở đặc biệt. Nhớ lấy thật nhiều thịt ít bánh! tô lớn, nước trong. Tái, gân, nạm, gầu, sụn, ngầu pín, bò vò viên gì bỏ vô hết. Một chén lớn nước béo và một dĩa hành trần. Các loại rau, giá, quế, gò gai cũng đem ra. Thứ nào ông cũng ăn ráo! Sao lâu quá vậy? Trong lúc chờ phở, đem tạm ra ngay tô xí quách gặm chơi cho đở buồn. À... tô xí quách đây rồi. Trời ơi, xương còn dính quá nhiều thịt. Cầm lên ngay, đưa vào miệng cạp một miếng, nước thịt ngọt lịm thấm vào từ đầu lưỡi đến tận chân răng, rồi chạy ngay xuống cuốn họng! Um, ôi chao, tất cả vị, xúc, thính, khứu, thị giác trong người đều tê mê khoái cảm. Nầy, chẳng thèm để ý khách trong tiệm làm gì, cứ cầm cục xương gặm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài như mấy chú cẩu, thế mà ngon đấy phải không các bạn? À, còn hơn chú cẩu nữa, đưa đầu cục xương vào miệng, hút mạnh một cái, tủy chạy vào miệng nghe một cái ọc… Ùm, chao ôi, đã ơi là đã!
Khánh nằm trên tôi ngắt ngang:
– Thôi ngưng lại đi mày, tao hết chịu nổi.
Mấy người khác phản đối:
– Chưa ăn mà, mới gặm xương khai vị, tiếp tục đi Huấn.

Nghỉ một lát, Huấn tiếp tục:
– Phở đây! Phở đây! Nhưng khoan ăn, hãy nhìn khói đang bốc lên rồi từ từ cúi xuống, mặt sát miệng tô, hít một hơi thật dài để thấy hương vị của tô phở. Mùi thơm, ngọt, béo, bùi của tủy xương, của thịt, của mỡ ninh chung với hồi, quế, hành trộn lẫn với hương vị đặc biệt của bánh phở tươi trụng nước sôi, mùi thơm đặc biệt của nước mắm, tiêu hành bột ngọt. Ngon không bạn? Nước miếng chảy ra đầy miệng rồi phải không? Nhưng khoan ăn, nếm thử xem mặn lạt trước đã, rồi vắt miếng chanh, thêm tí nước mắm nhỉ, rắc một ít tiêu, xong chưa? Nếm thử lại một lần nữa nếu chưa vừa ý! Phải ngắt cộng ngò gai, vài lá quế cho đủ gia vị. Đủ chưa? Cũng chưa hả, thì phải thêm vài khoanh ớt mới đúng điệu! Bây giờ mời tất cả ăn…. ngoàm ngoàm… Sao, có thấy thịt tái mềm không? Mấy miếng nạm bùi không? Gân có nhai sần sật không? Bò vò viên có ngọt và dai thịt không? Nếu ngon thì há miệng thật lớn, đừng sợ xấu, ai nhìn cũng mặc. Muốn ăn ngon thì phải tự nhiên với tất cả tâm tình, gắp mỗi thứ một ít cho vào miệng, nhai từ từ để cho bánh, thịt, rau nhuyễn ra rồi gắp thêm khoanh ớt bỏ vào nhai tiếp, như vậy mới thưởng thức trọn vẹn cái bùi béo của miếng thịt, cay thơm của gia vị rồi từ từ mà nuốt, đừng có vội mà mất ngon!

Nước miếng trong miệng tôi trào hẳn ra ngoài, đưa tay vừa chùi vừa nuốt trong lúc tai nghe liên tục những tiếng nuốt ừng ực của các bạn tù đang nằm chung quanh. Kể đến đây, Huấn ngưng lại và đề nghị:
– Tối mai, ai muốn ăn hủ tiếu Mỹ Tho, Nam Vang hay mì Quảng thì “đăng ký” trước.
Huấn chưa dứt câu thì nghe tiếng ồn phía cuối láng rồi tiếng chân chạy gấp rút. Yên kêu tôi:
– Theo em gấp, mau lên.
– Gì vậy?
– Chia phần.
Chẳng hiểu gì nhưng tôi vẫn đứng dậy chạy theo Yên, thì ra chạy theo đập rắn chia phần. Rừng Kà Tum có rất nhiều rắn. Ngày đêm chúng thường bò vô nhà bắt chuột, có con treo tòng teng trên cây hoặc phóng nhanh bang qua đường. Mỗi lần xuất đầu lộ diện, những con rắn nầy hiền hay dữ không cần biết nhưng số trời đã định sẵn là chết một cách tức tưởi không kịp ngáp khi vô phước gặp tù cải tạo. Thịt bị chặt ngay tại chỗ thành từng khúc nhỏ chia đều cho những ai tay cầm gậy đang có mặt tại đây. Tôi cũng được điểm danh ghi tên nhưng cuối cùng bị loại vì không có “vũ khí” trên tay! Yên nói ngay với tôi:
– Ngày mai, việc trước tiên anh phải kiếm cây gậy để ngay đầu giường, bất cứ lúc nào nghe rắn là phải vác gậy theo. Đến nơi dù rắn đã chết rồi cũng phải chen vô đập thêm một cái mới ăn tiền.

Mặc dù trên đầu vẫn còn quấn mấy vòng băng trắng nhưng chỉ thị của quản giáo tôi vẫn phải đi lao động bình thường như những người khác, nhưng anh đội trưởng âm thầm giao việc nhẹ cho tôi: Phụ bếp và nuôi heo của cán bộ. Phụ bếp thì sướng, đã ở trong mát mà ngày ngày còn kiếm được miếng cơm cháy, nhưng nuôi heo thì không kham nổi. Ông già Rạng thấy tôi còn yếu cho đi hái rau muống, về lặt phần tốt đưa lên cho ban quản giáo, phần cứng ở dưới xắt ra nấu cho heo ăn. Công việc nầy xem ra cũng có lợi, vì xắt rau cho heo cũng dúi vào túi được vài gốc rau già, tối về anh em trong tổ “cải thiện” với nhau. Nhưng rồi có anh nào thối mồm thối miệng báo cáo lên, tôi bị kêu lên làm tự kiểm là ăn bớt rau của nhân dân trong khi làm phận sự và bị tống ra làm việc trong đội rau. Công việc của tôi đơn giản, hốt phân các nhà cầu của tù cũng như cán bộ, hòa thêm nước, quậy cho đều, chiết ra nhiều thùng rồi đem đi tưới. Sau nhiều lần lấy nước dưới suối nhỏ để pha với phân người, tôi nảy ra việc câucá bằng cách dùng thép uốn cọng kẽm thành lưỡi câu, rút chỉ trong ống quần xe dây và móc trùn thả ngầm dưới nước. Cá ở chung với tù cải tạo, nghe nhồi sọ riết cũng trở thành khôn, chúng nó ăn hết của tôi mấy chục con giun đất rồi vui vẻ cám ơn quay đi. Nhưng một hôm,một con cá trê (mèo) lớn, da vàng hực to bằng bắp tay, có lẽ chưa thông suốt đường lối cách mạng nên lưỡi câu đã vào sâu trong bụng, tôi kéo lên một cách dễ dàng. Đang hí hửng xách con cá trở lên suối thì một quản giáo trông thấy, hắn nhìn tôi gằn giọng:
– Ai cho anh bắt con cá nầy?
– Dạ thưa anh, cải thiện để ăn thêm.
Tên quản giáo trâng tráo:
– Như vậy cho rằng cách mạng bỏ đói các anh phải không? Đã có ai chết đói trong lúc học tập cải tạo chưa?
– Nhưng thưa anh, chính các anh cho phép cải thiện mà.
– Cải thiện là phải trồng thêm rau cải ăn thêm chứ không được phép lội xuống suối bắt cá.
Tôi chưa kịp nói gì thêm, hắn tiếp:
– Chim trên trời, cá dưới nước là tài sản của nhân dân. Muốn bắt muốn câu phải có phép của cách mạng. Nhất là các anh trong dạng cải tạo, các anh không có quyền.
Nếu tôi kính cẩn dâng cho nó thì yên chuyện, nhưng tiếc quá, công trình bắt giun, đặt câu, rình rập cả tháng mới chớp được một con, bây giờ đưa cho nó thì không thể chấp nhận. May mắn lúc đó một toán tù đi ngang có quản giáo và vệ binh áp tải nghe được đầu đuôi, biết đã bể chuyện, nó cho phép đem về ăn nhưng phải làm tờ tự kiểm.Cá đưa về bốn người trong tổ ăn cùng mâm hợp tác với ông già Rạng mục đích xin mấy miếng cơm cháy để nấu cháo cá! Đến tối tất cả mọi người đã ngủ, cháo chia ra làm năm phần và rồi mạnh ai nấy lén ăn trong bóng tối. Đang ăn,ông già Rạng nói nhỏ vào tai tôi, cách nay không lâu, toán làm gỗ trong rừng bắt được con trăn dài trên sáu mét, hí hửng vác về cũng bị quản giáo dũa cho một trận tả tơi. Sau đó cả toán được ân huệ của cách mạng, gần hai chục người chia nhau cái đầu, phần còn lại là tài sản của nhân dân phải khiêng lên dâng cho ban chỉ huy trại giam!

Khi tôi lên đây, công việc tổ chức nơi ăn chốn ở cho quản giáo, vệ binh cũng như tù đều do anh em hoàn tất. Bây giờ chú trọng vào việc khai phá rừng để trồng khoai mì, ngô, đậu và đi rừng đốn cây tốt lấy gỗ, cây xấu làm củi, rút mây đan giỏ, làm bàn ghế. Những hoạt động nhỏ lao động tại khối cũng quan trọng không kém, tổ rèn, tổ mộc, tổ trồng trọt cải thiện. Sướng và được ưu tiên nhất là toán thợ mộc được làm việc ít giờ. Cán bộ tha hồ lợi dụng đưa gỗ về đóng tủ giường bàn ghế cho từ trung, tiểu đoàn xuống quản giáo và ngay cả vệ binh. Tổ rèn thì sản xuất đủ các dụng cụ, không biết đưa đi đâu nhưng xuất lò bao nhiêu cũng không vừa nhu cầu của từng tên một. Chỉ có tổ làm vườn cải thiện thì chẳng nghe khen thưởng gì mặc dù hằng ngày phải móc phân người tưới rau, cắt tỉa rửa sạch xong đem dâng cho nhà bếp của chúng. Sau một thời gian không thể gánh nước tưới cây vì kết quả của vụ lật xe, tôi được chuyển qua tổ đan mây.

Một hội trường thật lớn, cột bằng gỗ lợp tranh do tù xây cất để chứa trên một ngàn người mỗi khi lên lớp nhồi sọ chính trị. Nếu tình hình quốc tế không có gì quan trọng hay không rơi vào các dịp dịp lễ thì chương trình lên lớp chia thành nhiều đợt. Ngược lại, chính trị bên ngoài có gì thay đổi, tù là nạn nhân bị nhét vào tai vàođầu trước sau như một,những bài học ấu trĩ ngu xuẩn và láo khoét mà trước đây cộng sản dùng làm giáo điều tuyên truyền cho dân chúng miền Bắc. Tôi nhớ một lần, tù được miễn lao động để lên hội trường học tập khẩn cấp. Bài học ngày hôm đó không gì khác hơn việc tâng bốc anh em Miên Cộng hết mình. Nhưng ngay hôm sau, cũng chính tên chính trị hôm qua lại hùng hổ mạt sát anh em hữu nghị nầy không thiếu một danh từ bỉ ổi nào trong tự điển. Mới khen nức nở hôm qua là anh em hữu nghị, nay lại cho là đồ theo chân đế quốc, bóc lột dân chúng đáng để cho nhân loại phỉ nhổ. Anh em tù chẳng hiểu đâu ra đâu. Sau nầy mới biết chỉ một chuyện nhỏ, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt giữa hai anh em cộng sản mà chỉ nội trong một đêm cộng sản Hà Nội đã trở mặt, từ anh em hữu nghị ruột thịt ra kẻ thù không đội trời chung.

Thực phẩm nuôi tù không gì hơn ngoài bo bo với muối nhưng nhờ có cải thiện lâu lâu cũng được một ít rau cải do chính mình sản xuất. Đôi lúc ra ngoài lao động thỉnh thoảng cũng kiếm được tí thịt. Nói thịt cho ngon lành chứ thật ra là những con sâu, giun, dế, cào cào, bò cạp hoặc may mắn bắt được rắn mối, cắc kè… thứ nào cũng ngon cả. Đã đi tù cải tạo thì con gì nhúc nhích được là ăn, chỉ trừ con dao, con đực rựa không gặm được đành chịu. Đi ngang gặp cây lá gì cũng bỏ vào miệng thử, không mùi không vị có thể dùng nấu canh, nếu tìm được thứ gì chua hay ngọt thì khỏi cần nấu nướng, nhai ngay tại chỗ cho đỡ đói. Trong thời gian nầy, một anh tù bắt mối làm quen với vệ binh nhờ mua ký đường, chuyện nầy gây nghi ngờ cho quản giáo biết rằng trong chúng tôi có người vẫn còn giấu vàng trong người. Do đó, một hôm cả khối được lệnh tập họp với tất cả vật dụng cá nhân. Lệnh phải đem hết ra bày ở giữa sân từng món một không sót một vật gì.Lúc đầu chúng tôi đoán khám xét để chuyển trại, nhưng sau một hồi sỉ vả, chính trị viên và quản giáo buộc tội chúng tôi còn giấu vàng, giấu dollar trong người để mưu đồ trốn trại. Lúc bấy giờ không còn cách gì qua mặt được bọn chúng, anh em nào có trong người đành phải đưa nạp những khâu vàng 24 và dollar bấy lâu giấu trong gấu quần. Chính trị viên và quản giáo không cho thấy cũng như không công bố số vàng và dollar đã tịch thu bao nhiêu mà chỉ cho biết sẽ dùng số tiền nầy để mua lợn nuôi, mục đích cho anh em cải tạo tha hồ thịt sau nầy. Chưa biết được ăn thịt heo sau nầy hay không nhưng đau khổ trước nhất là phải bớt phần ăn của tù, thêm người để nuôi và tắm rửa heo hằng ngày. Mỗi lần đi ngang chuồng, anh nào đi trước cũng đưa tay nhẹ nhàng vớt những hột cơm cháy còn sót lại trong máng để cải thiện thành nồi cháo lỏng. Hành động nầy đến tai quản giáo, nạn nhân được kêu lên nhận lỗi làm tự kiểm. Bực mình, anh em trong nhóm tôi bàn với nhau tìm bắt bò cạp, không phải nướng ăn tại chỗ mà đem về thả vào chuồng. Cả đàn heo đua nhau chết ngay trong ngày hôm đó. Sáng hôm sau, đội tù được gọi lên lãnh thịt, ai cũng mừng thầm chuyến nầy sẽ no nê một bữa. Nhưng khi anh nuôi Rạng xách thịt về, gồm một ít bầy nhầy da và mỡ không đủ cắt chia mỗi người một miếng nhỏ bằng ngón tay út trẻ con. Mười con heo to lớn mập mạp là do tiền của công sức mồ hôi của tù cải tạo, chỉ bị bò cạp cắn một miếng mà thịt biến mất đâu hết, còn lại chừng vài ký bầy nhầy được quản giáo ân huệ cho trên hai trăm khổ chủ của khối. Đâu đủ để chia cho mỗi người một miếng nhỏ, anh em tù quyết định nấu canh để còn thưởng thức được chút mùi mỡ thịt heo. Đã vậy ăn chẳng ngon lành gì vì sau đó bọn chúng ra lệnh tập họp lên lớp để nghe bài học, các anh giết chết lợn là ăn cắp của nhân dân thì phải đền lại cho cách mạng! Tức hộc máu nhưng đã lỡ nuốt vô bụng rồi, chỉ còn cách đi cầu ẹ ra để trả lại cho chúng.

Dịp sinh nhật già Hồ, anh em được nghỉ một ngày. Trước hôm đó, tù được lên lớp để nghe đi nghe lại cái lý lịch thần thánh của vị “cha già dân tộc” và được nghe một tin “hồ hởi” là tù chúng tôi sẽ được ăn một bữa thịt lợn thỏa thích. Không khí trong trại trở nên náo nhiệt lạ thường, không phải “hồ hởi phấn khởi” vì ngày sinh của già Hồ mà chính là chiều nay sẽ được ăn một bữa thịnh soạn.
Đi đâu, ngồi đâu cũng nghe anh em tù đề cập đến bữa cơm chiều nay. Thịt heo chỉ là món ăn tầm thường ngày trước nhưng sao bây giờ thấy quý giá và cao sang quá. Đã một năm trời ngày đêm mơ tưởng một miếng thịt.Đây chỉ là một ước ao tầm thường của một người tù nhưng dưới chế độ cộng sản, thịt cá là hàng xa xỉ phẩm, dân chúng chưa có ăn huống hồ gì mấy người tù bị lột quyền công dân. Ngày lên đường đi cải tạo, vì tin lời đường mật của cộng sản, trên người chỉ đem theo có bộ áo quần, đôi dép, cái bàn chải đánh răng. May mắn vợ bỏ thêm vào xách tay lon thịt kho sả thì cũng vừa đủ dùng trong thời gian hứa hẹn. Mười ngày trôi qua, mãn khóa trở về đâu chẳng thấy, cuộc đời từ đó phải tuân theo họng súng và lao động tận lực trong vòng kẽm gai. Đầu thì bị nhồi sọ và miệng chỉ biết bo bo, gạo mốc, củ mì, trái su, muối bọt… Cá, gà, bò, heo xem như thực phẩm của vua chúa, thứ tù tội có bao giờ dám nghĩ đến. Thế mà chiều nay, theo lời quản giáo, sẽ được một bữa no nê thỏa thích, tất cả đều nôn nóng chờ đợi một vài miếng thịt lợn!
Chưa đến giờ nhưng tất cả đều tập trung trong nhà ăn cũng là nơi sinh hoạt hằng đêm của đội tù. Cứ bốn người thân thiết ngồi thành một mâm. Chiếc muỗng và cái lon guigoz là hai vật quý nhất, theo sát trong người suốt cuộc đời đi tù, nhiều anh xoi lỗ chiếc muỗng mang trước ngực và lon guigoz thì đeo ở vai. Vào bàn xong, muỗng cầm tay đợi, lon guigoz mở sẵn nắp nhưng tất cả đều thất vọng khi được chia mỗi mâm bốn miếng thịt nhỏ, cắt đều đặn chưa bằng ngón tay cái.

Tất cả tám con mắt trong mâm đều đổ dồn vào bốn cục thịt nhỏ nấu nước muối, đang nổi lều bều trong cái thau. Bàn bên cạnh lớn tiếng không đồng ý lối cắt thịt của anh nuôi vì có miếng lớn miếng nhỏ, miếng xương, miếng thịt. Cuối cùng bốn người đồng ý bốc thăm bằng cách quay đũa. Một anh đưa ra một hộp thiếc tròn nhặt được ngoài rẫy, dùng làm chén ăn cơm rồi để chiếc đũa lên quay một vòng, đầu đũa quay về ai thì người đó có quyền chọn trước.
Riêng mâm của tôi, Yên lên tiếng:
– Em kính thầy! Mời thầy chọn trước!
Hai anh Bé và Tâm cùng mâm tiếp lời:
– Kính lão đắc thọ!
Không biết ba anh em kính hay chơi xỏ thầy, thôi tôi đành chọn cục xương cho ra vẻ đàn anh! Cục xương chắc chắn là vấn đề tranh chấp trầm trọng nhưng tôi đã “tình nguyện” giải quyết, còn lại ba người thỏa thuận chơi trò đen đỏ bằng cách quay đũa cho công bằng. Phần nước luộc thịt thì dùng muỗng chia đều ra bốn phần.
Tôi không ăn phần của tôi vội, lấy trong túi ra miếng giấy nhựa gói miếng xương dính một tí thịt và mỡ cho ngay vào túi quần. Yên thắc mắc hỏi:
– Sao anh không ăn?
– Hôm nay có cơm, ăn với nước luộc thịt cũng quá ngon, miếng thịt để dành tối ngậm mà thưởng thức.

Nhìn quanh, đám tù giải quyết miếng thịt thật gọn. Có người nhai từ từ trong miệng, cố kéo dài giây phút sung sướng mà loài người đã xếp vào hạng nhất của một trong bốn cái khoái, một lúc sau mới nuốt. Ngược lại, mấy anh ngồi cạnh tôi, vừa bỏ miếng thịt vào miệng chưa kịp nhai đã vội vàng nuốt trửng, miếng thịt xuống đến dạ dày nhưng yết hầu ở trước cổ mỗi người vẫn còn hoạt động lên xuống theo nhịp nước bọt đang trào ra.
Tôi lên mặt thầy đời:
– Các anh không biết thưởng thức là gì, nuốt một cái ực làm sao biết được cái ngon!
Anh bạn cùng bàn vừa nuốt nước miếng vừa trả lời:
– Thèm quá ông ơi, muốn ngậm lâu lâu một chút nhưng không thể kềm chế cái miệng.
Bữa cơm hôm nay được tiếng là sẽ ăn uống phủ phê nhưng chẳng có gì hơn, ngoài chén cơm không độn bo bo, miếng thịt bằng đầu ngón tay và một chén canh nước luộc thịt có mùi mỡ và bột ngọt. Nhưng dù sao không khí cũng khác hẳn, nhiều tiếng cười, tiếng nói ồn ào sau khi rời nhà ăn của khối. Anh em vui vẻ thật sự, nhưng chắc chắn không phải lý do được nghỉ lao động một ngày hay hân hoan đón mừng tuổi thọ ông già, mà chính là chén cơm trắng và miếng thịt mỡ đang nằm trong dạ dày của từng người một.

Tối đó, tất cả khối phải lên hội trường để tiếp tục nghe về “cuộc đời và sự nghiệp” ông già thêm một lần nữa sau khi được nhà nước ân huệ một miếng thịt mỡ. Anh bạn ngồi bên cạnh cứ than vào tai tôi: “Biết rồi nói mãi khổ quá, tha cho con về ngủ đi “già” ơi!” Tôi mong chấm dứt sớm để còn về lán thưởng thức miếng thịt đang nằm trong túi. Mắt thì nhắm, tai chẳng thèm nghe, đầu chỉ nghĩ đến miếng thịt, lâu lâu tôi đưa tay rờ vào túi quần kiểm soát để chắc rằng miếng thịt vẫn còn đó. Nhưng vừa đụng vào miếng giấy nylon thì miệng tôi lại đầy nước bọt.
Khi được quản giáo tha tội cho về ngủ thì trời đã khuya, chắc vì ảnh hưởng tí mỡ trong cơ thể, anh em tù yên lặng lên giường, không ồn ào đòi ăn hàmthụ món nầy món kia như thường lệ. Tôi cẩn thận lấy miếng thịt trong giấy nylon ra từ từ để vào miệng. Cảm giác đầu tiên, đầu lưỡi như bị tê hẳn vì qua một năm không được miếng cá miếng thị tươi nào trong miệng. Mùi thơm, ngọt, béo của thịt chạy dài từ lưỡi lên tận trên óc nảo rồi xuống tới tim, gan, phèo, phổi, dạ dày… Tôi như ngất ngây trong sung sướng và cảm khoái trong người, tưởng như hạnh phúc độc nhất cuộc đời không gì hơn ngoài miếng thịt.

Thật ra không phải miếng thịt mà là cục xương dính một ít thịt và mỡ, anh em “nể tình” nhường cho tôi chọn trước. Nhìn bốn miếng thịt lều bều trong thau, tôi biết ngay miếng nào nhỏ, miếng nào lớn nhưng đâu can đảm gắp miếng thịt lớn vào chén mình khi anh em nhường trước với câu “kính thầy”. Nhưng thật ra cục xương mới đáng đồng tiền bát gạo trong lúc nầy, tôi không dám nhai mà ngậm yên trong miệng, đợi nước miếng trào ra hòa lẫn mùi mỡ, mùi thịt, mùi xương rồi mới nuốt phần nước, dùng lưỡi chặn miếng xương lại. Như vậy tôi có thể kéo dài thời gian thưởng thức miếng thịt ân huệ của ngày lễ trong vài tiếng đồng hồ. Răng của tôi rất chắc, nhiều lần không cầm được lòng, định nhai nát ra rồi ực một cái cho sướng miệng. Nhưng không dám, sợ sẽ chấm dứt quá nhanh cơn đê mê thích thú của một người đói cả năm nay, ngày đêm mơ ước thèm thuồng. Nằm ngậm miếng thịt mà lòng tái tê ngao ngán. Chỉ là miếng mỡ không ra gì nhưng kể từ ngày cộng sản vào cưỡng bức miền Nam nó trở nên quá vĩ đại và quý giá vô cùng.

Thời gian sau đó, người ta cho phép gia đình thăm nuôi. Thật là trớ trêu, dưới chế độ cộng sản, nhà nước bắt đi khổ sai nhưng lại để thân nhân gia đình phải gồng gánh cơm gạo, cá thịt, thuốc men đi nuôi tù. Nhưng suy nghĩ cho kỹ cũng nên “cám ơn” nhà nước vì không có gia đình thăm nuôi chắc chắn anh em tù cải tạo, nếu không chết vì đói thì cũng không còn sức để bò về đến nhà sau ngày phóng thích. Tù trong các tỉnh chungquanh Sàigòn được vợ con thân nhân hàng tháng tay xách vai gánh thăm nuôi, nhờ vậy những bầy vượn đói của Xã hội chủ nghĩa đã lấy lại sắc thái và phong độ con người. Những bộ xương cách trí nhờ miếng ăn của người thân đã bắt đầu trở lại có da có thịt. Thực phẩm thăm nuôi không gì ngoài ký đường, lít gạo, con khô, lon thịt, thùng mì nhưng dưới chế độ cộng sản là những món ăn cao sang của những gia đình thuộc chế độ cũ cũng như anh em tù cải tạo. Có đói rồi mới thấy chén cơm trắng, gói mì khô, cục đường đen, miếng cá mặn hay tí thịt mỡ nó quý giá làm sao, nhưng trong hoàn cảnh cùng cực anh em tù đã biết chia sớt cho nhau đó là điều cảm động của tình nghĩa “huynh đệ chi binh” vẫn còn lại trong lòng những sĩ quan cũ. Một trường hợp gần như ngoại lệ, anh Thọ được thăm nuôi thường xuyên, mỗi lần người nhà lên, anh cần thêm một người thật khỏe ra gánh hộ vào. Gia đình anh chắc chắn đã bị cướp lột sạch từ đầu đến chân qua những lần đánh tư bản mại sản, nhưng có lẽ người nhà đã khôn khéo cất giấu được phần nào, nay vẫn còn sức nuôi anh theo lối công tử ngày xưa. Ngoài những thức ăn căn bản, quà của anh lúc nào cũng có vài ký café hạng sang với đường phèn, hộp sữa đặc, chục nem chua, đòn chả lụa, gói khô bò, vài ký lạp xưởng. Bù lại những ngày đói khổ, miệng Thọ lúc nào cũng ngậm cục đường hay đang nhóp nhép nhai sống miếng khô bò khúc lạp xưởng. Nhưng Thọ là người tốt bụng với anh em. Trong lán, một B chừng hơn năm chục tù, người nào cũng được ít ra một lần thưởng thức một vài thứ thuộc loại đại xa xỉ phẩm của chế độ Cộng Sản.

Một hôm lao động ngoài rừng, anh em trong tổ đập được con rắn, đang nổi lửa để nướng thì Thọ đi đến, tay cầm mấy khúc lạp xưởng, vui vẻ hỏi chúng tôi:
– Cho ké được không?
Nghe vậy ai dại gì từ chối, đổi miếng thịt rắn nướng để thưởng thức hương vị của khúc lạp xưởng. Thọ đưa tay vẫy kêu thêm mấy anh em đang nghỉ bên gốc cây trước mặt. Tất cả đứng dậy tiến về phía chúng tôi trong đó có thêm Sửu, người có nhiệm vụ canh gác và kiểm soát công việc của chúng tôi hôm nay, nhưng tất cả anh em không ai phản đối sự có mặt của anh vệ binh nầy. Thật ra tất cả đều thương, anh ta hiền và dễ chịu hơn tất cả những người khác. Ít la lối hoặc lên tiếng chưởi bới chúng tôi mỗi khi có vấn đề. Mỗi lần dẫn chúng tôi đi làm việc, anh thường vác súng, mũi chúi xuống đất chứ không chĩa thẳng về chúng tôi. Ra đến nơi làm việc anh thường kiếm bóng cây, yên lặng ngồi nghỉ để mặc anh em tù làm việc tự do, không hối thúc kiểm soát không nạt nộ như những vệ binh khác. Vừa ngồi xuống, Sửu lên tiếng trước:
– Hôm nay em có dịp đến từ giã các anh.
Một người trong chúng tôi vội hỏi:
– Tạo sao ?
– Em bị “điều” về Bắc.
– Tại sao vậy?
Nhìn quanh một hồi, Sửu nói đủ vừa nghe:
– Bị kiểm điểm quá lơ là, không đạt tiêu chuẩn của một người vệ binh gác tù.
Tôi trả lời thay cho các anh em:
– Chúng tôi hiểu.
Rồi tôi tiếp tục:
– Nhưng tại sao anh dễ dãi với chúng tôi?
Sửu đáp không suy nghĩ:
– Các anh cũng hiền và dễ thương, chứ có gì khác lạ đâu.
– Tại sao anh nói vậy?
– Trước đây còn ngoài miền Bắc, chúng em được học tập kỹ càng rằng các anh là những tên trộm cướp của giết người không gớm tay, đi đến đâu hiếp dâm đàn bà con gái đến đấy. Bắt được chúng em là mổ thịt móc gan ăn sống, còn cắt tai bộ đội xỏ dây đeo đầy cổ đầy ngực!
Một anh bạn ngắt lời:
– Anh tin không?
– Học tập mỗi ngày, nghe hoài làm sao chúng em không tin được, nhưng bây giờ những gì chúng em thấy thì ngược lại…
Dù là tù đang đối diện với kẻ địch trước kia nhưng chúng tôi ai cũng mủi lòng qua câu nói của Sửu. Tôi thấy tội nghiệp, lấy cây bút bà vợ mới đem lên cho, gắn vào túi áo của Sửu:
– Thân đi tù, gia tài chúng tôi chẳng có gì để tặng anh. Về Bắc cố gắng đi học, hy vọng mai kia anh sẽ dùng cây viết nầy để ghi lại những gì anh đã thấy tận mắt tại miền Nam nầy.
Sửu nhìn cây viết, “dạ” một tiếng nhỏ.
Thọ đưa mời Sửu một khúc lạp xưởng. Ngập ngừng một lúc, anh ta ăn thật ngon lành. Yên lên tiếng hỏi:
– Ngon không anh Sửu?
Sửu thật thà trả lời:
– Suốt cả cuộc đời, từ khi lớn lên cho đến lúc vào Nam đánh giặc, chưa bao giờ chúng em biết được mùi vị miếng thịt chứ đừng nói gì đến cục dồi nầy!

Đinh Lâm Thanh

Không có nhận xét nào: